Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Thành Phố Bác 91 Tác Giả: Xuân Vũ    
    Hắn vừa mở cửa hiệu thì đã có hai cô gái bước vào. Hắn mời hai cô ngồi tử tế và khom người chào một cách lịch thiệp như hồi thế kỷ 16:
    - Nhị vị cô nương muốn kẻ nô tỳ này phụng sự điều chi?
    - Em muốn một pô ảnh. Một cô đáp.
    - Thưa, kiểu nào ạ. Ngồi, đứng, chung, riêng?
    - Kiểu nào cũng được miễn đẹp thì thôi.
    - Thưa cô nương dùng ảnh để tặng bạn bè, gắn pát-po để đi sang vùng trời mơ ước hay chỉ dán an-bum thôi ạ?
    Nhị vị công nương nhìn nhau, hơi đỏ mặt, có ý đùn cho nhau trả lời.
    Hắn tiếp:
    - Hiệu ảnh chúng tôi chụp tiệc cưới, píc-níc hoặc chụp tại hiệu thì có sẵn cảnh vườn hoa, cảnh mặt trời mọc hồng tươi, cảnh hoàng hôn tím ngát. Khi nhị vị đứng vào, ảnh rửa ra sẽ y như thật. Ngoài ra chúng tôi còn chuyên chụp những kiểu đặc biệt rất mơ mộng, rất tâm hồn ạ. Đấy, trước khi nhị vị công nương bước vào, hẳn đã nhìn qua bảng hiệu của chúng tôi. Nó không nhố nhăng nền đỏ chữ vàng mang tên Quyết Thắng, Thống Nhứt, Đồng Khởi... như các hiệu khác. Chúng tôi lấy tên rất ngoại lệ chế độ ạ. "TRÚC HỮU ảnh viện". Chữ xanh nước biển kẻ trên nền xanh lơ lại có mấy cành trúc lòa xòa ở hai bên góc rất nên thơ!
    Hắn vừa xã giao vừa liếc nhìn hai cô gái có vẻ như là học sinh lớp 10! Hắn đoán các cô đến đây để chụp ảnh đẹp "giật le" với bạn bè hoặc tặng cho ý trung nhân. Nhưng nếu loại ảnh đó thì không phải sụt sè. Hắn bèn rút trong ngăn kéo ra một tập ảnh bìa màu huyết dụ chữ vàng nổi bật. "Ảnh nghệ thuật yêu đời" đẩy ra trước mặt khách:
    - Xin mời các công nương thưởng thức.
    Thấy hai cô ngần ngại, hắn đứng dậy kiếu lỗi và bước vô buồng với lý do chuẩn bị máy móc và cảnh trí. Một chốc hắn trở ra, hỏi:
    - Nhị vị muốn kiểu nào ạ?
    - Ông ăn bao nhiêu?
    - Dạ đây là những kiểu ảnh để đời cho nên giá gấp 10 ảnh thường ạ.
    Hai cô hơi khựng. Một cô nói:
    - Giá cả không thành vấn đề nhưng ông có bảo đảm bí mật được hay không?
    - Dạ 500 phần trăm vượt chỉ tiêu nhà nước ạ!
    - Tại sao ông có những tấm ảnh dán trong tập này?
    - Dạ thân chủ cho phép chúng tôi dùng để quảng cáo ạ!
    - Quảng cáo gì?
    - Quảng cáo cho nghệ thuật Trúc Hữu Ảnh Viện và quảng cáo cho các công nương ấy luôn.
    - Thế à?
    - Dạ nếu ảnh nào được chọn thì sẽ có tiền thưởng ạ.
    - Ai thưởng?
    - Dạ người nào thích thì thưởng. Ví dụ như một nhà làm lịch dùng ảnh để in trên đầu lịch giống y như lịch Hồng Kông thì sẽ trả cho tôi 1 chỉ và công nương nào đó cũng 1 chỉ theo công thức 50-50 mà các cán bộ cao cấp thường dùng để chia chát nọ kia... ạ.
    Một cô hỏi vặn:
    - Nghĩa là nếu chúng tôi đồng ý ông mới được dùng một tấm thôi?
    - Đúng 1 tấm còn film thì thuộc sở hữu của công nương. Và chúng tôi chỉ dán trong tấm an-bum độc nhất của bản hiệu thôi, không cho các báo Tuổi Trẻ, Sàigòn Giải Phóng, Nhân Dân, Duy Vật, Hànội Mới mó tới ạ.
    - Có ký hợp đồng gì không?
    - Nghệ thuật là siêu xã hội rồi. Hợp đồng chỉ là thứ rỡm. Chúng ta đã từng ký hiệp định Ba Lê trước sự có mặt cả 4, 5 cường quốc công nhận Miền Nam là 1 quốc gia, nhưng Hồ chủ tịch đã xua quân ăn cướp vào "giải phóng" trong lúc chẳng ai cần, đó phải chăng là một loại hợp đồng mà cô muốn nói? Trong sự giao tiếp chúng ta nên đặt niềm tin vào nhau là điều quan trọng nhất, còn hợp đồng chỉ là giấy lộn thôi.
    - Ông là người chúng tôi tin được không?
    - Tùy!
    - Tùy gì?
    - Tùy công nương.
    - Tôi tin ông nhé.
    - Xin đa tạ! Nhiếp ảnh gia lại khom người chào cám ơn.
    Thế là Ảnh Viện Trúc Hữu có trên 100 ngàn đồng bạc cọc bỏ túi gọn hơ. Chủ hiệu chỉ tốn một ít nước bọt và vài cái bấm máy. 3 giờ đồng hồ sau hai cô trở lại lấy ảnh, không cần chìa hóa đơn. Tất cả là 10 pô được đưa ra! Nắm được thóp hai cô, ông chủ nói năng không được nhũn nhặn như trước:
    - Chúng tôi chỉ lấy tiền những pô các cô công nhận, còn những pô khác thì chúng tôi hủy bỏ ngay trước mặt các cô. Đây pô 1 coi như pô vỡ lòng, nó mô tả đại nét chung chung không có gì đặc sắc.
    Hai vị công nương cầm lấy xem. Cô nào cũng không dám nhìn thẳng vào ảnh. Chỉ lướt mắt qua rồi úp xuống bàn. Thấy thế nhiếp ảnh gia Trúc Hữu lấy làm phật ý. Trúc Hữu cho rằng dân trí của mình quá ư lạc hậu. Đảng đã cởi đã mở đã đổi mới cho bao nhiêu năm nay rồi mà lớp trẻ vẫn cứ ù lì không thấy bước một bước nào lên phía trước. Trúc Hữu bèn làm công tác tư tưởng:
    - Nhìn ngắm sắc đẹp của mình trong gương hay trên ảnh là một điều rất duy vật hợp lý hợp tình chẳng có gì sai trái đối với chế độ cả. Hơn nữa đó là một sự hiểu biết nghệ thuật một cách tự nhiên. Cái đẹp không thể bị che giấu dưới những lớp vải như một thứ đạo đức giả được. Da thịt là một thực tế, chúng ta nhìn thấy hoặc sờ mó hằng ngày, chúng ta cần phải hiểu nó, thưởng thức nó mạnh mẽ hơn, say đắm nó và tôn thờ nó hơn. Con người sống để làm gì? Tất cả đều láo toéc nếu họ cứ chối bải bãi rằng con người sống vì lý tưởng. Lý tưởng là cái gì? Không biết nó đỏ hay xanh, đen hay trắng, người quen miệng giải thích lý tưởng lẫn kẻ giảng dạy lý tưởng đều như nhau, không biết đó là cái gì. Các cô hãy nghe theo tiếng gọi của lòng mình và làm theo tiếng gọi đó. Ấy là lý tưởng.
    Này pô thứ hai. Hai vị công nương không nên giữ mãi hủ tục ngượng nghịu khi ngắm những nét đẹp được phô bày nguyên vẹn. Đây chỉ là sự hé mở đi vào những bí ẩn lạ lùng. Và đây là giai đoạn hoàn toàn tự nhiên của hương sắc của tuyết điểm, của vườn xuân của đóa hồng e ấp sương mai.
    Trúc Hữu không làm thơ nhưng khoa ngôn ngữ rất khá. Hắn làm cho hai cô mê mẩn. Hắn tiếp:
    - Vườn xuân phải có lối vào. Ai vào vườn xuân? Hoa nở phải có bướm đến hút nhụy. Bướm đó từ đâu đến? Vừa nói, Trúc Hữu dỡ tập ảnh bìa màu huyết dụ vẫn còn nằm khép trên bàn tự nãy giờ, và bảo:
    - Các đóa hoa đã được bướm đem đi đó, mọi vườn xuân đã có người vào.
    Nhị vị công nương nhìn từng trang dỡ qua. Không tấm ảnh nào nằm lại trên đó.
    Trúc Hữu nói bằng cách thực tế hơn, nhưng không kém phần văn học:
    - Những nàng tiên giấy vừa nằm ở đây lúc nãy đã bước ra ngoài đời và đã hóa thành chủ nhà băng, vợ bác sĩ hoặc chủ tiệm hột xoàn "bên kia trời mơ ước" cả rồi.
    Một cô kinh ngạc:
    - Làm thế nào mà nhanh như thế được hả ông?
    Trúc Hữu thản nhiên bảo:
    - Họ là vợ chủ nhà băng, vợ bác sĩ, vợ chủ tiệm hột xoàn bên Phi-líp-pin, bên Xiêm La, là vợ bác sĩ bên xứ Ý Đại Lợi, các cô hiểu không? Là nhờ dán ảnh trên an-bum này. Họ đã lọt vào mắt xanh của những khách đa tình không cùng ngôn ngữ với ta. Khi bước vào ảnh viện này, nhị vị công nương cũng chỉ nghe rằng chụp những tấm ảnh phăng-te-di là để vui chơi thỏa mãn cái tính tò mò nghịch ngợm của tuổi trẻ thôi phải không? Hoặc bán cho những anh chàng sưu tập ảnh khỏa thân dùng cho các nhà chứa, các quán bia ôm bia xéc bia nhộng rẻ tiền hoặc làm mối cho các ổ gái hạng sang dành cho cán bộ từ giám đốc trở lên trung ương trở xuống phải không? Sự thực, hai cô nương có thể bay xa hơn nhiều. Nếu các cô cho phép Trúc Hữu Ảnh Viện lắp cho nhị vị đôi cánh tí hon có thể bay nhanh hơn phản lực.
    Hai cô gái hết e thẹn khi vừa xem xong pô ảnh cuối cùng. Trúc Hữu tiếp:
    - Hiện có sẵn một vị triết gia Bắc Âu sẵn sàng rước nàng tiên cá về xứ tuyết và một chủ hiệu thuốc Bắc ở Đài Loan cháu 800 đời của Hoa Đà muốn tìm đôi tay ngọc để bốc thuốc và đếm bạc cho mình. Vậy nếu các cô cho họ xem...
    Hai cô che mặt ngượng nghịu. Một cô cất giọng run run:
    - Chúng tôi là kẻ hèn mọn.
    - Hàn Tố Mai xưa là gái lầu xanh mà còn lấy được vua. Thúy Kiều đã từng ở lầu xanh mà sánh duyên cùng danh tướng, các cô đâu có phải là tiếp đãi viên của chị Hai Thanh Xuân? Họ vừa đến đây. Tôi cho họ xem ảnh và họ đã thỏa thuận một cách êm đẹp. Ông triết gia thì đòi bắt cô này, còn ông chủ tiệm thuốc Bắc thì mê cô kia. Xin lỗi vì hai cô giữ kín tên tuổi nên tôi phải chỉ chỏ không được lễ độ cho lắm. Nhưng tôi nghĩ là thời đại này sự tiến bộ của nhân loại tùy thuộc đô la, ngay cả chủ nghĩa Mác vững như thành đồng vách sắt kia còn phải rung rinh ngả nghiêng dưới sức nặng của đô la thay thì tâm hồn chúng ta làm sao khỏi xao xuyến với nó được phải không ạ?
    Thấy hai nàng hơi ngó xuống nhưng không có vẻ gì phản đối, Trúc Hữu bèn nhấc phôn gọi và bàn thảo ngay giá cả ngay trước mặt khách. Xong, đặt phôn xuống, hất hàm, đổi giọng thương mại hẳn hòi:
    - Tứ lục đấy hai cô ạ!
    - Nghĩa là sao? Một cô hỏi.
    - 500 đô. Phần tôi 200. Chịu thì tôi gọi tụi nó lại, không thì tôi tốp. Tôi sẽ có một mối khác cho hai tên đó.
    - Ông có làm gì mà hớt nhiều vậy? Một cô đớp trả.
    - Không nhờ tôi các cô đi bia nhộng là cùng. Nhà nhiếp ảnh quên hẳn mình làm nghệ thuật nên nói sỗ sàng.
    - Tùy ông! Cô gái hơi núng thế nên dịu giọng.
    Trúc Hữu lại gọi phôn nói dai nhách, cãi cọ, sững cồ rồi buông phôn, hất mặt:
    - Chúng nó đến bây giờ. Nhưng tôi cho hai cô biết trước là chúng nó mặt mũi như ma lem ấy. Một tên 46, một tên 52. Chỉ được cái là túi chúng đầy đô. Có chịu không nào?
    - Cho xem ảnh trước được không?
    - Đó là điều tối kỵ cho giới nam.
    Hai bên bàn tán khá thẳng tuột. Còn đang dang ca thì cửa mở. Hai người ngoại quốc bước vào. Hai cô ôm mặt quay đi trước sắc diện của họ. Một vị trắng như cột nhà cháy, một vị gầy như cái thùng tô-mô.
    Vị trắng vừa ra dấu vừa nói một thứ ăng lê bồi có thể dịch ra như sau:
    - Chúng tôi ngồi ở phi trường. Bỗng nhiên nàng bảo nàng quên món gì ở nhà. Nàng gọi Honda ôm bảo rằng đi trong vòng 1 tiếng để kịp chuyến máy bay đi Thái Lan. Nhưng phi cơ sắp cất cánh. Nàng không trở lại. Ông có địa chỉ của nàng đó không, cho tôi xin!
    - Tôi đâu có biết cô nào mà cho địa chỉ. Trúc Hữu đáp với vẻ bất bình.
    - Thì chính tôi bóc ảnh nàng từ album của ngài mà.
    - Tất cả các cô đến chụp ảnh loại đó đều khai tên giả và không bao giờ cho địa chỉ.
    - Vậy tôi phải làm sao bây giờ?
    - Kể từ khi ông và cô ấy gặp nhau, chúng tôi đã hết trách nhiệm.
    Ông khách gieo mình xuống ghế tưởng chừng làm thủng đít nệm tọt xuống nền gạch, xoạc chân và giơ tay lên đụng trần nhà mà kêu lên như bị đâm họng:
    - Ố là la! Ố... Ố!
    Vị gầy tiến lên trình bày hoàn cảnh của mình:
    - Chúng tôi đang ở trong phòng khách sạn Thống Nhất bỗng một anh chàng xuất hiện và quát thẳng vào mặt tôi bảo rằng nàng là vợ chưa cưới của chàng ta rồi xồng xộc lôi nàng đi. Nàng mang 2 ký lô vàng của tôi trong bóp đầm. Tôi không hiểu thế nào cả.
    - Ông có đi trình nhà chức trách không? Trúc Hữu hỏi.
    - Tôi đến thưa Sở Tư Pháp Ủy Ban Thành Phố thì ông giám đốc bảo: Đây là chuyện thứ 1001, không phải mới mẻ gì. Ở xứ này vợ chưa cưới cũng như vợ cưới rồi, vợ cưới rồi như vợ chưa cưới. Còn sở tư pháp chỉ là sở vô pháp thôi.
    Trúc Hữu cười nhạt:
    - Đó là sự thực ngàn phần trăm theo kiểu lạm phát hiện hành - Rồi Trúc Hữu cười tự toại - Vẫn biết những trường hợp gay cấn như thế nên tôi đã dự phòng cho các ông đây! Trúc Hữu quay sang hai cô đang chờ:
    - Đây là ơn trên ngó xuống cho các cô!
    Hai bên ngả giá nhanh hơn cả ở chợ trời. Chỉ trong vòng nửa tiếng ông cột nhà cháy bợ lưng một cô, ngài tô-mô cắp tay một ả. Hai cặp tình nhân dắt tay nhau ra khỏi ảnh viện với vẻ mặt hớn hở không ai kém ai.
    Trúc Hữu lại vớ thêm được một mớ kha khá nhét túi. Người định đi một cuốc bia ôm giải lao và kiếm mối mới thì hai chàng ngoại quốc lại tới: nhà triết học Bắc Âu và ông chủ tiệm thuốc Bắc Đài Loan ấy mà. Thấy không có đối tượng ở đây, ông chủ tiệm thuốc Bắc hơi cáu. Nhưng Trúc Hữu trương duy vật biện chứng ngáp ra ngay:
    - Ở đời có lắm lúc mất mà được, được lại mất quý ngài ạ. Cũng như chúng tôi thắng năm 75 lại hóa ra thua năm nay và có lẽ sẽ thua luôn. Vậy các vị không nên buồn vì biết đâu hai nàng tiên cá kia sẽ làm khổ cho 2 chàng bế họ. Còn các vị biết đâu sẽ gặp được chuyện lành. Tôi xin nhân danh một kẻ đã từng xe duyên cho cả trăm vụ kiểu này mà thưa với các vị như vậy. Xin hai vị hãy sống với cái triết lý tréo cẳng ngỗng mà tôi vừa kể trên. Và nếu thì giờ cho phép hai vị tôi xin trân trọng mời hai vị đến dự một tiệc cưới của một đôi trai gái quyền quý hạng nhất tối nay tại khách sạn Phập Phều ở bờ sông Sàigòn. Nơi đó sẽ có các cuộc vui, sẽ hội đủ mặt các ngôi sao kịch nghệ, điện ảnh, các nữ sinh, sinh viên, những chiêu đãi viên lành nghề, những vũ nữ tay nhám như chân thằn lằn. Biết đâu trong số đó các vị sẽ chẳng bị một hai nàng búa cho tiếng sét ái tình? Hoặc ly kỳ hơn nữa, các vị sẽ gặp lại người xưa ở dạ hội đó?
    Hai vị khách thấm bài tối đa nên không phàn nàn nữa.
    Nhà triết học Bắc Âu và ông chủ tiệm thuốc Bắc Đài Loan nhận lời đi dự lễ cưới với tư cách cán bộ nhiếp ảnh của Trúc Hữu Ảnh Viện. Trên đường về, nhà triết học rất buồn vì ông ta muốn tìm hiểu triết lý phương Đông trong đạo vợ chồng Tứ Đức Tam Tùng của Việt Nam, nhưng ông chủ tiệm thuốc Bắc thì lại mừng thầm: Ta khỏi tốn tiền bia nhộng bia ôm trong mấy tháng trời ở Sài gòn... Rốt cuộc ta biếu cho gã du côn 2 ký lô vàng mạ. Chỉ tội cho tiệm vàng nào sẽ mua số vàng này.
    Buổi tối, nhiếp ảnh gia Trúc Hữu vác máy có đèn nháy tới đám cưới. Nhát thấy cô dâu Trúc Hữu hơi giật mình. Nhưng Trúc Hữu tự trấn tĩnh: việc ấy chẳng ăn thua chi. Đời bây giờ lắm cô chơi trò nghệ thuật đó chứ phải mỗi mình cô ta đâu. Nghĩ vậy, Trúc Hữu đến xin cặp tân hôn một nụ cười ghi vào pô ảnh.
    Khách đến đông quá là đông. Toàn các ông các bà sang trọng và các cô đẹp đẽ cả. Vị khách nào muốn tặng quà cho đôi tân hôn phải lì xì cho người giữ sổ. Nếu không quà sẽ bị bỏ quên, không được ghi vào. Như vậy đàng trai sẽ không biết đến gói quà và sẽ không đáp lại. Sự đáp lại này tùy gói quà giá trị ít nhiều. Ở xã hội này bất cứ muốn làm việc gì xuôi lọt nhanh chóng người ta đều phải đấm mõm. Quả đấm có hiệu lực nhất ngày nay không còn là Cây là Tê nữa vì các loại này đồng chí ta đã nuốt no nứt bao tử rồi. Vậy quả đấm hữu hiệu nhất phải là thịt. Nó vừa êm ái vừa rung cảm mãnh liệt. Trước kia kẻ đi đấm phải mang con thịt theo để trình rất phức tạp. Hơn nữa kẻ "bị" đấm sẽ không nhìn rõ được con thịt bằng nhìn trên ảnh đặc biệt. Bây giờ, cứ đem ảnh 5, 7 cái đi đến dí vào mũi đồng chí bị đấm. Hễ đồng chí hít cái nào mạnh nhất thì xách cái đó dâng cho đồng chí. Giản tiện quá trời. Nghệ thuật phục vụ đại chúng thiết thực vô cùng.
    Ảnh Viện Trúc Hữu phất nhanh hơn cả những tên chăn trâu được "đắc cử" vào ban Bầu Cua Trung Ương nhiều. Trúc Hữu có trên 500 ảnh, đủ bộ đủ kiểu, những kiểu phô trương nhất được khách thập phương lẫn khách quốc nội mến mộ nhất. Trúc Hữu hứa với chủ nhân chỉ in một tấm để dán an-bum quảng cáo nếu chủ nhân đồng ý, nhưng hắn in những pô đắc ý nhất cả trăm tấm giao cho các quán bia sex, bia ôm và giao cho trẻ con bán với sự chia chát theo công thức tứ lục.
    Một cặp vợ chồng đang ăn ở hòa thuận bỗng nhiên nổi sóng gió vì anh chồng đi bia nhộng bất ngờ bắt gặp ảnh khỏa thân của vợ trong bộ sưu tập "ảnh lạ" của quán. Một cô nữ thư ký chơi ngông đi chụp luôn một loạt cả chục kiểu đứng, ngồi, nằm và cởi mở 100%. Chẳng may một kiểu bị lọt vào tay thủ trưởng già dơ. Tên này trương ra và dọa đưa ra cơ quan kiểm thảo. Cô nàng sợ kỷ luật không bằng sợ mất danh dự (!) nên phải làm theo mọi "yêu cầu cách mạng" của thủ trưởng đều đều. Cùng đường, quẩn trí cô nàng tìm nơi an nghỉ bằng sợi dây tư duy mới treo giữa cơ quan.
    Trúc Hữu vẫn cứ điềm nhiên phát triển mạnh mẽ loại nghệ thuật này. Thấy 2 nhiếp ảnh viên mới của mình có vẻ toại nguyện săn đuổi nét đẹp trong dạ tiệc, Trúc Hữu như đã chuộc tội được với họ. Hắn đi rà rê đến các nàng nai tơ, các cô quá lứa và rỉ tai: "có muốn vài pô đặc biệt không?" và hắn chìa cho xem vài kiểu để họ hiểu ảnh đặc biệt là ảnh gì. Trong 10 đối tượng được gợi ý có đến 5, 6 gật đầu.
    Phần chính thức của buổi tiệc qua mau, đến phần được chờ đợi nhất: ăn uống nhảy nhót. Chú rể dìu cô dâu đi chào từng bàn. Quan khách thủ sẵn hai phong bì trong túi: Một nặng, một nhẹ. Hễ món ăn khá thì tặng chiếc nặng, món ăn kém thì chìa chiếc nhẹ để giữ thăng bằng tình cảm. Thấy cặp tân hôn quá ư xứng đôi, nam thanh nữ tú đều ước mơ mình sẽ được như vậy. Ăn xong, quan khách chia ra từng nhóm tùy sở thích, nhảy nhót, nghe hát, tán láo, khoe chức, khoe của... Còn đám trẻ thì vây quanh cô dâu chú rể bắt họ âu yếm nhau, ép họ uống rượu... trong lúc ban nhạc sống đánh những bản nhạc Âu Mỹ hoặc nhạc vàng là loại nhạc được sở Văn Hóa "sửa sai" coi là nhạc tiến bộ nhất thế kỷ.
    Đám cưới trở thành một cuộc liên hoan rất chi là trăm hoa đua nở. Nếu không có cái khẩu hiệu "VUI DUYÊN MỚI KHÔNG QUÊN NHIỆM VỤ" thì người đến đây tưởng là một cái chợ trời hạng sang. Sau khi đi khắp các bàn hứng được bộn bàng phong bì nặng lẫn nhẹ, đôi tân hôn còn phải làm một chuyện nặng nề hơn cả việc Bà Nữ Oa đội đá vá trời. Đó là khui các gói quà được chất vung như núi trên ba chiếc bàn ken nhau ở giữa phòng tiệc. Mỗi lần khui xong một gói, chú rể hoặc cô dâu đêu giơ món quà lên để được quan khách vỗ tay và cô dâu chú rể bị bắt buộc phải âu yếm nhau hoặc hớp tí rượu hồng để đáp lại.
    Đồng hồ và hột xoàn là hai món trang sức được tặng nhiều nhất. Nếu phải đeo cùng một lúc thì chú rể phải đeo kín cả tay chân còn cô dâu thì phải mọc thêm vài cái cổ nữa. Khi sắp hết đống quà thì đến một chiếc hộp mỏng màu hồng đính nơ tím và buộc kỹ. Chú rể nghĩ món quà bên trong là một món trang sức đắc tiền nên khui rất nhẹ tay. Chú lôi ra một chiếc phong bì cũng màu hồng dán kín. Chắc là một tờ US dollar 1000. Nhưng không phải. Những người đứng bên cạnh chưa kịp nhận đó là cái gì thì chú rể đút nhanh vào túi rồi lặng lẽ quay đi vào hậu trường. Người ta cho rằng bị ép uống rượu hơi nhiều nên chú rể đi ra ngoài cho "chó ăn chè", trong lúc cô dâu vẫn hồ hỡi khui tiếp những gói quà khác. Cô dâu giơ một tấm lắc vàng nặng ước chừng 4, 5 cây có khắc hai chữ đầu tên cô dâu và chú rể thí loáng một phát như trời chớp chú rể xuất hiện và chém một nhát vào đầu cô vợ rồi quay lại đâm vào cổ mình lút cán dao. Tất cả xảy ra chớp nhoáng không ai kịp đối phó. Cặp tân hôn nằm quay lơ dưới đất, máu me đầm đìa. Cả cha mẹ hai bên lẫn quan khách không ai hiểu lý do gì. Ngoại trừ ông chủ Trúc Hữu Ảnh Viện.
    Ngay sau đó ông gặp ngài triết gia và ông chủ tiệm thuốc ở ngoài đường. Ông cho hai vị này biết rằng ông đã tìm được đối tượng trám lỗ hỗng trong tim hai vị, nhưng lần này không phải mua trâu vẽ bóng mà là sờ mó được người đẹp bằng xương bằng thịt, tuy nhiên ước phí tăng gấp đôi. Và nếu chi bằng US dollar thì sẽ được cắt giảm 5% cho mỗi cuộc tao ngộ.
    Người nhà của cô dâu lẫn chú rể sau khi đem họ vào bệnh viện thì mới có thì giờ khui chiếc phong bì hồng trong túi chú rể: một tấm ảnh cởi mở 100% của cô dâu do Trúc Hữu chụp. Không biết ai chơi ác đã gởi tặng chú rể.
    

Kết Thúc (END)
Xuân Vũ
» Đứa Bé Đi Tìm Cha
» Cù Lao Rồng
» Tự Nhiên Như Người Hà Nội
» Xe đạp niềm vui
» Giấc Ngủ 30 Năm
» Bình Minh Lơ Láo
» Bãi Tro, Bức Tượng và Xe Hơi Hư
» Sài Gòn 89
» Vợ Chồng Ông Phó Tiến Sĩ
» Thành Phố Bác 91
» Mổ Ruột Thừa Trường Sơn
» Chiếc Áo Mộng Mơ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý