- Này xe, cái con mẹ thắt lưng tím đang đi trước hiệu Phúc An kia, có phải là vợ nhà Chánh tổng Đồng Quân không nhỉ?
- Bẩm cụ lớn phải ạ.
Cụ lớn - bởi vì người đàn bà này được diễm phúc hơn người khác ở chỗ có chồng làm quan đến chức tuần phủ. Cụ lớn nghĩ một lát, rồi hỏi:
- Tên con mẹ là Chánh gì hở?
Anh xe vừa bấm chuông, vừa đáp:
- Bẩm, chánh Tiền ạ.
Cụ lớn mỉm cười:
- Tên nó thế không trách nó giầu. Nhưng nó ăn mặc thế kia, đố ai biết nó có hàng vạn. Đến gần nó, mày đỗ cho tao xuống nhé.
- Dạ.
Lúc ấy bà chánh Tiền đương đi vội vàng trên hè. Bà không để ý đến đường phố, bởi vì ở nhà quê ra tỉnh, bà định sắm ít xẻng cuốc, cùng vài thứ lặt vặt, nên đi đi lại lại ở phố Khách đến mười lượt, để khảo giá các hiệu bán đồ sắt.
Bà mặc áo vải nâu dài không gài khuy, và quần sồi thâm ngắn cũn cỡn. Cánh tay bà khoác cái nón đã tầu tầu Tất cả bộ cánh của bà chỉ hơn người nhà quê thường có cái thắt lưng tím.
Bà đương nhìn vào hiệu Phúc An, bỗng tiếng cười khanh khách giòn tan ngay bên cạnh tai, làm bà giật nẩy mình:
- Hé? Hé! Hé! Bà chị lên tỉnh từ bao giờ thế?
Cụ lớn Tuần nắm lấy cổ tay bà Chánh, và vồn vã hỏi thế. Thì không ngờ bà này, được hân hạnh bất thần, sung sướng quá, đến nỗi rú lên một tiếng “ối”, và cảm động suýt rơi nước mắt. Bà ta vội vàng chắp hai tay để vái lùi lại một bước, cung kính chào:
- Lạy cụ lớn ạ.
Cụ lớn nhăn mặt, xua tay:
- Không, không cụ lớn cụ bé gì, chị em mình bạn gái, ai hơn tuổi là chị, ai kém tuổi là em. Có các ông ấy làm việc với nhau thì muốn gọi nhau là gì thì gọi.
- Dạ, lạy cụ lớn.
- Ồ đừng cụ lớn cụ bé gì mà? Hé? Hé? Hé!
- Lạy cụ lớn cho phép con gọi thế ạ.
- Gớm, các bà chị đến khó bảo. Thế nào, bà chị lên tỉnh từ bao giờ, sao không vào trong dinh chơi?
- Lạy cụ lớn tha tội cho, chúng con ăn mặc sồ sề, sợ vào thì làm bận mắt cụ lớn.
Cụ lớn cười xoà:
- Ồ bà chị cứ dạy thế. Tôi trách đấy!
- Lạy cụ lớn, cụ lớn là chỗ cha mẹ, cụ lớn tha tội cho con cháu.
- Thế thì bây giờ vào chơi vậy.
- Lạy cụ lớn, dạ.
- Vào ăn cơm với tôi cho vui nhé.
- Lạy cụ lớn, chúng con đã vô phép cụ lớn rồi ạ. Nhà quê chúng con hay ăn cơm sớm.
- Thì vào chơi nói chuyện vậy. Ông Tuần tôi đổi về đây, tôi đến thăm các bà chị một lượt, thế mà các bà chị lên tỉnh, không bà nào vào chơi với tôi. Tôi giận lắm đấy.
- Lạy cụ lớn, chỗ chúng con là con cháu, chỉ sợ ăn nói thất thố, nên không dám vào đó mà thôi.
Thì tôi đã bảo chỗ chỉ em mình là bạn gái với nhau, ta cần gì. Các bà chị đong bán, tôi cũng đong bán. Các bà chị làm ruộng, tôi cũng làm ruộng. Thật đấy, ở nhà, tôi cũng vần giặt giũ, quét tước, chứ có xềm xệp ngồi không như các bà quan khác đâu. Hé! Hé? Hé!
- Dạ.
- Vào chơi trong dinh nhé.
- Dạ, chúng con xin theo hầu cụ lớn.
- Ừ lên xe tôi mà đi.
Nói đoạn, cụ lớn gọi chiếc xe hàng, để nhường bà Chánh Tiền ngồi xe nhà.
Cử chỉ không ngờ này lại khiến bà Chánh cảm động.
Lần này, bà ứa nước mắt thật. Bà ngượng nghịu, run sợ thế nào ấy. Nhìn chiếc xe sơn giả đồi mồi, gọng kền sáng loáng, vải đệm trắng tinh, bỗng bà ghê cả người.
Bà tưởng như mình không xứng đáng được dùng những thứ sang trọng quá quắt như vậy. Và khi đặt tấm thân cục mịch lên trên chiếc đệm êm ái do cụ lớn nhường cho, bà khoan khoái nghĩ bụng không biết mấy mươi kiếp trước tu đã dầy dặn thế nào, nên kiếp này mới được đền bù bằng một phút hạnh phúc này vậy.
Bà ngồi mớm trên xe, bà vẫn còn rùng mình. Bà ngẫm đến lời ngọt ngào, tử tế của cụ lớn mà nở nang cả mày mặt. Sao lại có bà quan dễ dãi, phúc hậu như bà Phật này. Một đời người, dù khổ sở thế nào, mà được cụ lớn ban chuyện cho một lát, một lát thôi, thì còn ai muốn chết nữa. Vợ một quan Tuần phủ, vợ một cụ lớn đầu tỉnh, mà đối đãi với vợ một tên Chánh tổng quèn, ăn nói thân mật như chị em, nào nắm tay vồn vã, nào bà chị, nào hơn tuổi, nào vào chơi, nào trách móc, trời ơi ai được thế mà chả thọ thêm đến mười năm! Nghĩ đến đó, bà Chánh dào dạt cả tâm hồn.
Bỗng xe bấm chuông và chạy quành vào dinh. Bà Chánh vội vàng tụt xuống đất, và nói:
- Anh đỗ cho tôi xuống đi bộ, kẻo cụ lớn trông thấy lại quở!
Nhưng cụ lớn bà nghe tiếng. Cụ lớn quay lại xua tay cười:
- Không can gì. Đàn ông họ không hay chấp nê như bọn mình đâu.
Đến thềm nhà tư, bà Chánh chùi chân vào chiếc thảm rất kỹ lưỡng, rồi mới dám bước lên gạch hoa. Và cụ lớn phải kéo mãi, bà mới dám ngồi trên chiếc ghế bành đánh bóng. Bà thít người lên.
Cụ lớn gọi lính quạt nước, và lấy lọ chè cất trong tủ mà cụ lớn khoe là thượng hảo hạng. Chính cụ lớn tự pha ra chén, và đưa tận tay mời bà Chánh Tiền.
Mỗi lần bà Chánh được cụ lớn ban cho những câu tử tế dễ dãi, ngọt ngào, thì bà lại rơm rớm nước mắt.
Cụ lớn hỏi thăm về mùa màng, đong bán. Cụ lớn bàn lẽ thiệt hơn về lối làm ăn. Bà Chánh cảm sự nhã nhặn bao nhiêu, lại phục sự đảm đang của cụ lớn bấy nhiêu. Và cụ lớn nói cả chuyện buôn bán của cụ lớn khi gọi họ, khi đong thóc, khi cân sơn, khi buôn tơ, khi đặt đay, vân vân, bất cứ dịp nào có lãi, cụ lớn cũng không để tiền nằm yên bao giờ.
- Phi thương bất phú, bà chị ạ ông nhà tôi tiếng rằng làm quan, nhưng lương lậu có được là bao. Hé? Hé! Hé!
- Dạ, lạy cụ lớn, cụ lớn ông thực là nhân quan:
- Phải, cho nên tôi vẫn phải giữ nghiệp nhà, là lấy sự buôn bán làm căn bán. Làm bà quan, chẳng qua như được hưởng cái hoa thơm, chứ sung sướng sao bằng các bà chị có ruộng nhiều. Thế năm nay bà chị chỉ cấy có năm mươi mẫu thôi à?
- Dạ, lạy cụ lớn, năm nào chúng con cung chỉ cấy có ngần ấy, còn cho người ta làm rẽ. Vì nhà neo người, sức một mình con không kham nổi ạ.
- Phải, tội gì vất vả lắm. Vả lại chỗ cho người ta cấy rẽ, cũng thừa ăn tiêu rồi còn gì.
- Dạ.
- Chỗ năm mươi mẫu ấy, bà chị bảo trữ lại để bán là phải lắm. Thóc được giá mà không bán, chỉ tổ để chuột cắn.
- Bẩm cụ lớn; mấy lị nhà con chật, không có chỗ chứa thêm thóc nữa ạ.
- Ồ quý hoá quá, trong nhà bà chị có những hai lẫm thóc to tướng, thế mà không đủ để chứa thóc kia à?
- Dạ, lạy cụ lớn, thầy chánh nhà con vẫn cứ định xong mùa này thì xây thêm mấy gian nữa. Thầy cháu cứ không muốn bán, bảo trữ lại, chờ năm vỡ đường hãy hay. Nhưng con tưởng để thóc nằm chờ đấy, thà bán đi để đong cái khác còn hơn.
- Phải, bà chị nghĩ chí phải. Việc tiền nong phi ở tay bọn mình không cô lợi. Các ông ấy đàn ông đàn ang gặp đâu nói đấy, chứ sao bằng bọn mình. Hé! Hé! Hé!
- Dạ.
- Thế bà chị còn được bao nhiêu thóc ở trong nhà?
- Lạy cụ lớn, cũng còn độ hơn nghìn bạc, chứ chả mấy ạ.
- Ồ, quế hoá quá! Bà chị không bán à?
- Bẩm ý con muốn bán, nhưng thầy cháu cứ muốn giữ lại.
- Ồ, này, bà chị để tôi đong cho, cho ông tức một mẻ!
Bà Chánh sung sướng, đáp:
- Dạ, cụ lớn dạy thế còn gì bằng.
Thật đấy, cho tôi đong một nghìn nhé...
- Dạ, cụ lớn đã dạy, thế nào con chả xin tuân.
- Nhưng mà này, chỗ chị em, chả nên giấu giếm nhau. Tôi vừa có dăm nghìn, lại tậu cái đất trên Hà Nội để làm nhà cho khách chạy loạn thuê mất rồi. Bây giờ chỉ còn dăm chục để ăn từ nay đến cuối tháng. Bà chị có cho đong chịu hãy nhận lời.
- Lạy cụ lớn, bao giờ cụ lớn ấn cũng được, miễn là cụ lời nhận mua là may cho con lắm rồi.
- Thế bà chị không sợ tôi quỵt à? Hé Hé! Hé!
Bà Chánh cười theo:
- Lạy cụ lớn, tôi con nào dám ngờ cha mẹ.
Cụ lớn bèn nghiêm trang nói.
Nhưng mà này, chị Chánh ạ, tôi nhận đong của ba chị một nghìn đồng bạc thóc, nhưng tôi hãy cứ gửi ba chị ở nha đấy. Như vậy, bà chị hẳn khỏi nghi nhé! Hé Hé! Hé!
- Lạy cụ lớn, chúng con nào dám thế, xin cụ lớn cứ cho xe về.
- Không, tôi cứ gửi ở nhà bà chị. Bởi vì trong dinh chật chội, có chỗ nào chứa đâu!
- Dạ.
- Rồi bao giờ tôi thuê được nhà ngoài phố, sẽ cho nó về lĩnh thóc sau.
- Dạ.
Bà Chánh nói chuyện một lúc lâu nưa, mới hả hê cáo từ ra về.
Và cố nhiên đến nhà bà nhắc lại nguyên văn cho cả làng, cả tổng nghe những câu nói tử tế, nhã nhặn, dễ dãi, phúc hậu của cụ lớn Tuần.
Ba tháng sau, trời làm lụt lội và đói kém. Thóc lúa cứ cao lên vòn vọt. Việc vào dinh hầu cụ lớn đã thành ra một thời sự cu cũ. Cho nên bà Chánh Tiền chỉ còn trông thấy chỗ cây thóc bán chịu cho cụ lớn mà thôi. Bà thở vắn, thở dài. Thà cụ lớn cho người đem đi cho khuất mắt, hoặc cụ lớn bán cho ít nhiều để làm vốn thì bà cũng cam lòng. Từ nọ đến nay, bao nhiêu người xin đong mà bà không dám bán. Bà tiếc quá. Song nghĩ đi thì thế, mà nghĩ lại, bà cho là chẳng thiệt nào. Một đời dễ mà gặp được một bà quan đầu tỉnh đối với vợ một thầy chánh tổng vồn vã, dễ dãi, phúc hậu, như thế.
Người ta có tiền nghìn bạc vạn hẳn hoi, cũng không thể mua được lời nói tử tế của ngươi trên. Cho nên, nghĩ tới đó, bà lại thấy hả hê, sung sướng nguyên vẹn.
- o O o -
Một hôm, có người lính tuần về Đồng Quân, đưa bà Chánh phong thư. Bà bảo chồng mở ra để đọc:
“Bà chị.
Bây giờ thóc được giá, tôi nhờ bà chị làm ơn bán cho chỗ thóc tôi gửi bà chị trước. Cứ thời giá, thì chỗ ấy thu được đến hơn nghìn rưởi, nhưng tôi chỉ lấy trong nghìn tư mà thôi, còn bà chị có bán được hơn thì mặc ý. Vậy chỗ một nghìn, tôi xin nộp lại bà chị, còn năm trăm lãi thì đến 25 này, mời bà chị lên chơi và đưa cho tôi. Thực là tôi quấy rầy bà chị quá, xin bà chị miễn trách.
Lâu nay không thấy bà chị lên tỉnh, tôi nhớ lắm. Vậy thế nào 26 này, bà chị cũng lên, nhân tiện chúng ta nói chuyện với nhau cho vui.
BÀ TUẦN”
Nghe xong thư, bà Chánh Tiền nhăn nhó, rồi thở dài mãi.
Thóc này bán cho ai được, để kịp 26 có năm trăm đem lên nộp cụ lớn đây? Thì té ra bây giờ xoay ngược lại bà là con nợ của cụ lớn.
Suốt mấy ngày, bà lo lắm. Bà phải chạy khắp các nơi để mời người đến đong, nhưng không xong. Chả ai có vốn nữa. Mà ngày 26 cứ gần dần.
Lắm lúc định liều, bà tính cứ lên tỉnh, rồi bẩm với cụ lớn là thóc ế. Như vậy bà có thể không thiệt hại gì.
Song, thế không tiện. Cụ lớn đã tin cậy mà giao cho một việc. Mới có mỗi một việc. Chả lẽ chưa chi đã phụ bụng tốt của cụ lớn? Vả lại cụ lớn vồn vã, ngọt ngào, dễ dãi, phúc hậu, ai nỡ xử lại thế được?
Kết cục, là ngày 26, bà Chánh Tiền lên tỉnh có mang đủ số năm trăm lãi thóc của cụ lớn.
Món năm trăm ấy, bà phải viết văn tự để vay. Bà hậm hực, tức bực và oán thán cụ lớn lắm.
Nhưng mà:
- Ấy kìa! Hé! Hé? Hé? Bà chị! Tôi mong mãi!
Cụ lớn nắm lấy cánh tay và vồ vập nói thế. Bà chánh Tiền bỗng quên hết mọi sự. Bà lại cảm động, rơm rớm nước mắt, và hởi lòng hởi dạ như thương.
1937
Kìa! Con...
Nguyễn Công Hoan
Bây giờ lắm lúc ngồi buồn mà nghĩ đến chuyện ấy, tôi lại vừa buồn cười, vừa xấu hổ...
Ngày tôi còn đi học ở Hà nội, tôi vẫn nghe anh em bạn kháo nhau rằng hiệu thợ may Đại Ích, mới dọn đến phố Hàng Bông, có một cô con gái đẹp lắm mà ai đã trông thấy một lần cũng phải chịu là một vị tiểu thư tân thời, một giai nhân tuyệt thế, và công nhận cái tên tặng cho cô là “Ngôi sao Hà Thành” là không sai. Ừ không biết các cô gái non, đến tuổi mà chưa được bổ làm vợ, thường ngày bị các công tử nhắc nhỏm luôn thì các cô có hay hắt sơi không? Có khi các cậu lại gọi chằng cả là “mợ nó” mới đáng phục chứ! Ấy, cô này cũng bị chúng tôi, đứa nào đứa ấy, khép án vắng mặt một cách vô lý thế. Duy có tôi, tuy chẳng đạo đức gì nhưng không nhận vơ, vì tôi mới chỉ được nghe tiếng chứ chưa được biết người, cho nên mấy bận đi gần, tôi cố ý liếc mắt nhìn trộm qua tủ hàng, nhưng tức quá không bận nào rõ, chỉ thỉnh thoảng mới thấy cô ấy ngồi thon lỏn bên quầy, mặt méo xệch sau hai lần kính tủ?
Cụ Đại Ích - tôi xin phép các ngài gọi thế - mà nói câu này, các ngài cũng bỏ ngoài tai, vị nào có con gái đẹp, thì tự nhiên trông ra phúc hậu, oai vệ ngay, mà đường đường một đấng bố vợ, dù râu ria chưa có, dù vẫn trẻ măng, nhưng tôn lên chức cụ cũng đáng, mà cô em càng nõn nà, thì ông cụ càng có giá trị. Cụ Đại Ích nhà tôi cũng có giá trị lắm, tuy mặt cụ cũng non nớt, chỉ độ băm nhăm bốn mươi tuổi là cùng. Cứ xét mặt cụ thì cũng là tay đáo để, thâm trâm lắm, nhưng đáo để thâm trầm ở đâu chứ đối với khách mua hàng, cụ rất dịu dàng, ngọt ngào, vui vẻ, nhất là rất lễ phép. Cái lê phép ăn người của nhà buôn, vì thỉnh thoảng nể lời ăn nói, cách cử chỉ của cụ nhiều người phải vui lòng, miễn cưỡng mua một thứ hàng không vừa lòng.
Tôi lập tâm xem mặt cô con gái cụ mãi mà không ăn thua. Một lần xin được tiền nhà may bộ quần áo tây, tôi quyết vào hàng cụ dù đắt rẻ thế nào cũng được một dịp làm quen, lần này còn lần khác. Tôi yên chí tài nào cũng gặp mặt cô con gái cụ, nhưng ngờ đâu số tôi đen, đã cố chọn vải, đo người, dằng dai cho đến hàng giờ đồng hồ mà không gặp, tôi đành ngậm bồ hòn ra không. Giá luật cho phép khách mua hàng được nằm ăn vạ lỳ tù tì ở nhà chủ cho đến khí thấy mặt cô con gái thì tôi cũng chẳng về!
Cụ Đại Ích tiếp tôi rất lễ phép. Cứ những lời cụ rót vào tai tôi thì tôi tưởng dẫu cụ đã tính bộ quần áo ấy đắt hơn hiệu khác ba đồng bạc, nhưng tôi cũng không dám ân hận chút nào. Mà giá cụ làm ơn thả ngay tiểu thư nhà cụ ra cửa hàng cho tôi được ngắm, thì dù cụ cưa nặng mấy, tôi cũng phải cố nhắm mắt, nhắm mũi mà thọc tiết ví.
Đây những câu sau này, tôi nhắc lại các ngài nghe xem có ngọt ngào không:
- Bẩm ông từ đầu mùa rét năm nay, chúng tôi được nhiều ngài chiếu cố may cái hàng này lắm.
- Nào, bác cai đâu ra đo hầu ông.
- Xin phép ông để cái này bên này.
Cách tiếp khách của cụ Đại Ích làm cho tôi ngượng nghịu quá chừng, bởi vì tôi mới ba tuổi toẹt, chỉ bằng con rể cụ là cùng, mà cụ lại gọi là ông. Bởi vậy, tôi phải gọi cụ là cụ.
Vài hôm sau, tôi đến thử quần áo. Lần này cũng như lần trước, bông hồng chẳng thấy ở trước mặt, mà tiếng lễ phép suông cứ làm ngượng hai tai. Rồi đến hôm lấy quần áo về tôi chẳng thấy được tia sáng của ngôi sao.
Hà Thành! Chán quá, thà vứt mấy chục đồng bạc xuống sông, xuống biển còn được xem tăm.
Tôi định cố tìm chỗ nào may hàng để bẻ hoẹ chữa đi chữa lại cho có cớ mà ra vào cửa hàng vài lần nữa, nhưng số đen đủi, họ lại may khéo quá mất rồi.
Nhưng từ đó tôi lấy lại được cái lãi con con, là được đứng vào hạng người quen của cụ Đại Ích. Vì một lần gặp cụ ở phố, tôi chào cụ, cụ còn nhớ mà khen bộ quần áo may sát người.
Một lần nữa, tôi cần sắm cái mũ, tôi cũng lại đâm đầu vào đó. Thôi thì đắt rẻ thế nào cũng bấm bụng mà mua, tuy cũng lại không gặp cô con, nhưng được nghe cụ mắng người nhà câu sau này, tôi cũng hả dạ:
- Xà! Láo nào! Bán cho người ta thì mới được tính giá ấy, chứ bán hầu ông đây kia mà! Xin bớt ông năm hào.
Như thế thì tôi đối với cụ Đại Ích chẳng phái là người xa nữa, nghĩa là người quen, người thân, người nhà, con rể rồi vậy! Cho nên chẳng lần nào tôi gặp cụ ngoài phố, tôi không cố làm cho cụ trông thấy, để chào trước, cùng bắt tay chuyện trò.
Nhưng tôi vẫn tấm tức một điều, là cô con gái yêu quí của cụ, tôi vẫn thấy anh em ca tụng, mà chính tôi thì chẳng rõ mặt ngang mũi dọc ra sao. Vì bận nào liếc mắt vào mà có gặp cô ngồi bên quầy, thì tôi cũng chỉ thấy mặt cô méo xệch sau hai lần kính tủ!
Một hôm, vào ngày Hội Chợ. Cũng như thói nhiều hạng công tử bột, tôi thắng bộ để đi diện gái. Tôi lướt hết dãy hàng nọ sang dãy hàng kia trong Hội Chợ, mà chẳng thấy một ma nào lọt vào mắt xanh. Đi đã bại hai cẳng, thì may sao, khi ngoặt ra cổng thấy đằng trước tôi, thướt tha một cái bóng hống đi một mình cũng ra phía cổng.
Cái bóng đó là một cái ô khum khum màu sữa, dưới cái khung ô, là một cái áo satanh hồng sáu khuy đang bay phấp phới, dưới cái vạt áo là hai cái ống quần rộng nhỏ bé như ống sậy; dưới hai gấu quần, là gót cao mun mút của đôi giầy mang cá da trăn. Thấy cái mồi ngon, tôi quyết săn cho được. Tôi rảo cẳng đuổi theo. Lúc đến gần độ mười thước, thì một luồng hơi thơm thoang thoảng đã làm nở nang mũi tôi.
Tôi cố trông suốt qua tầng vải ô, thấy vẽ rõ bóng một cái đầu xinh xắn, cái áo sa-tanh trơn nhẳn bóng như căng khít lấy cái lưng ong hum húp, tròn tròn, thỉnh thoảng làn gió tạt tung cái tà áo ngoài thì lại lộ cái áo cộc lụa mỡ gà viền đăng-ten, ôm chặt lấy cái đũng quẩn cẩm-châu phình ra, mà hai ông nếp là phẳng tắp!
Khi đang chòng chọc ngắm từ đầu đến chân con bò lạc ấy, thì thình lình tôi đi sát ngay trước mặt cụ Đại Ích mà tôi không biết. Cụ Đại Ích trông thấy tôi, tay cất mũ, tay giơ ra và nói:
- Kìa, thưa ông, ông cũng đi chơi Hội Chợ, có vui không?
Tôi thi lễ và trả lời:
- Vâng, thưa cụ, Hội Chợ năm nay cũng như mọi năm. Tôi định vào sắm cái hộp bằng tre chạm, nhưng không được cái nào vừa ý.
- Vâng, tôi cũng chẳng mua được cái gì.
Tôi không muốn nói chuyện lâu, nên chỉ cười lạt không trả lời thì cụ Đại Ích khéo mồm miệng mà nói tiếp:
- Xin phép ngài để tôi giới thiệu ngài một chỗ bán hộp tre chạm của người anh em. Tôi xin đi hầu ngài tới đó, ngài thử chọn xem rồi chiếu cố cho...
- Cảm ơn cụ, xin để bận khác, vì tôi có người nhà chờ.
Người nhà tôi tức là cô gì đây kia ấy mà, các ngài có hiểu không? Nếu cụ Đại Ích cùng đi với tiểu thư nhà cụ thì tôi xin cam lòng thả cô kia ra mà bám chặt lấy cụ. Vậy ai bảo cụ găm con gái ở nhà, để cụ chẳng được đi “hầu” tôi đến cái hàng của người anh em để tôi “chiếu cố”!
Thoát được nạn cụ Đại Ích, tôi lại phải đi rảo cẳng đuổi theo mồi. Lúc đến sau lưng, tôi càng ngắm cái dáng đi của cô ta, càng thấy yểu điệu, cái tay vung vẩy sao mà khéo và mềm thêm. Mà không biết nước hoa cô ấy mua bao nhiêu tiền một lọ mà thơm được làm vậy. Tôi tiến lên trước, để quay lại nhìn mặt! Ôi mẹ ơi? Ông bà nào ăn gì mà đẻ được con đẹp đến thế! Cái mái tóc tơ rẽ đường ngôi lệch, chải kỹ càng quá, nhưng nó kỹ càng ở chỗ cố ý làm cho người ta tưởng lầm là chải dối dá, nó loà xoà xuống trán, xuống má, nó toả ra che gần lấp gáy; lấp tai. Cái dây chuyền quàng qua cổ, giấu trong lần áo trước ngực, tuy kín mà kín hở, vì nó vẫn lóng lánh, nhấp nháy qua khe sợi tơ. Hai cái má bánh đúc, phinh phính dưới làn da mịn, đã xoa qua ít phấn lạt, lại được cái ánh phơn phót của mầu ô hắt xuống, mầu áo hắt lên, thành ra hây hây như cánh hoa phù dung. Đôi môi đo đỏ cũng khéo tăng thêm vẻ tươi của cái miệng bầu bậu, lúc nào cũng sắp sẵn một nụ đổ nhà đổ cửa.
Đến hai con mắt thi đẹp không có chữ tả nữa. Có lẽ tạo hoá cũng mất lắm công, kén chọn mãi mới được cái mặt này xứng đáng để giao cho hai con mắt ấy.
Nói tóm lại, trông cô tiểu thư này, nhu nhú như bông hồng mới nở, bầu bĩnh như cái gối mới nhồi bông vậy.
Tôi ngắm cô ấy, ngắm chòng chọc mãi khiến cô ấy ngượng, và phải che ô lấp mặt đi. Tôi đành giở thói trắng trợn, âu là bên phải cô đã che ô lấp thì tôi xoay sang bên trái vậy.
Trong bụng tôi bối rối. Tôi nhìn trước nhìn sau không thấy có ai, bèn thảo vội ngay một bức chiến thư.
Tôi tủm tỉm, nói bâng quơ rằng:
- May quá, hôm nay đi Hội Chợ tưởng là phí công?
Nói đoạn, liếc vào cô ấy mà xoà cườỉ. Cô tiểu thư biết tôi có ý trêu ghẹo, bèn xoay cái ô sang bên trái.
Lập tức tôi lại đi sang bên phải.
- Gớm làm bộ quá! Cô đi Hội Chợ có mua được gì không?
Cái ô lại ngả sang bên phải, mà tôi thì lại đổi sang bên trái.
- Thưa cô, cô làm ơn cho tôi biết bây giờ là mấy giờ rồi?
- Cô ở phố nào? Sao tôi trông cô quen quá!
Cái ô lại nghiêng về bên trái, mà tôi lại luồn sang bên phải. Trời còn nắng đâu mà che ô! Cái đồng hồ đeo tay của cô xinh lắm nhỉ! Nó bé thế sao nó cũng chạy được?
Chà? Ước gì tôi được làm cái đồng hồ kia. Cứ môi câu tôi nói ra, thì cái ô và tôi lại chuyển đổi chỗ. Mà sao cô bé gan lì, nói thế nào cũng không hề nhếch mép!
Tôi thấy bao nhiêu mồi thả ra, mà cá chẳng cắn câu tôi bèn trâng tráo, miệng cười, mắt liếc, tay dúi cái ô và nói:
- Hoài của, người đẹp thế mà câm, người ta hỏi từng ấy câu mà không trả lời!
Bỗng tiếng giầy lộp cộp đằng sau đập vào màng tai tôi làm cho tôi quay lại. Thì ra cụ Đại Ích đi tới. Cụ Đại Ích không nhìn tôi, nhưng khi đến ngang mặt cô tiểu thư, cụ đập vào ô cô, ngọt ngào như nhắc cô rằng:
- À! Con, ông hỏi, sao còn không trả lời ông đi!
Kết Thúc (END) |
|
|