Định mệnh hay bợ đỡ kẻ có thế lực và táo bạo. Nhiều năm ròng người ta thấy Nó quỵ lụy vâng theo một cá nhân: một Alêchđăngdrơ, một Xêda, một Napôlêông. Bản thân Nó là sức mạnh cơ bản khó nắm bắt, Nó bị hấp dẫn bởi đi đại diện cho một sức mạnh cơ bản.
Nhưng đôi khi, thật hãn hữu, một cơn trái tính trái nết hiếm thấy lại khiến Nó hiến mình cho bất kỳ kẻ nào thoạt gặp, cho những kẻ tầm thường: Chính đây là những khoảnh khắc hồi hộp nhất của lịch sử. Sợ hãi nhiều hơn là vui mừng về cái trách nhiệm giao vào tay họ và lôi cuốn họ vào cuộc hỗn chiến oai hùng, những con người này thường run rẩy đẩy lùi số phận. Mặc họ, bởi vì sự phó thác ấy chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, không lặp lại.
GRUSI
Napôlêông, con sư tử bị xiềng, đã thoát khỏi chuồng ở đảo Enbơ. Tin này nổ vang như một trái bom giữa những cuộc vũ hội, những tính toán ám muội và những cuộc tranh cãi trong hội nghị Viên. Chẳng bao lâu, tin đưa về dồn dập: ông ta đã chiếm Lion, ông ta đã đuổi đức vua. Từng đội, từng đội quân giương cờ hân hoan ra đón. Ông ta đang ở Pari, ở Tuynlơri, Lai xích, và hai mươi năm chiến tranh đẫm máu đều vô ích. Những vị bộ trưởng lúc trước còn giận dữ nhau, tranh giành nhau, nay bỗng nhiên sát lại gần nhau như bị một chiếc vuốt nhọn siết chặt. Người ta hối hả mộ một đạo quân ở Anh, ở Phổ, ở Áo, ở Nga để đánh tan một lần nữa, mà lần này là lần chót, uy lực của kẻ chiếm đoạt: chưa bao giờ châu Âu chính thống của những hoàng đế và những quốc vương lại đoàn kết với nhau như trong giờ phút kinh hoàng ấy. Ở phía Bắc, Oenlinhtơn tiến đánh nước Pháp với sự hỗ trợ của các đội quân Phổ dưới quyền chỉ huy của Bluytxơ. Trên sông Ranh, Xoacxanbéc đang sẵn sàng tiến công và những trung đoàn thuộc quân Nga, lực lượng dự bị, hành quân xuyên qua nước Đức một cách khó nhọc.
Napôlêông nhận thấy ngay tình trạng nguy cấp. Bầy lũ địch sắp tập hợp đến nơi. Muốn giữ cho vương quốc của mình khỏi bị sụp đổ ông cần phải chia nhỏ lực lượng kẻ thù, tấn công riêng rẽ quân Phổ, quân Anh, quân Áo, không cho chúng đủ thời gian thành lập đạo quân châu Âu. Phải chiến thắng trước khi đám người Cộng hòa tập hợp nhau lại và liên kết với bọn bảo hoàng, trước khi tên đào ngũ và xảo quyệt Phuxê thỏa hiệp được với Tanlơrăng, một kẻ như hình và bóng phản chiếu của chính ông, kịp cắt gân chân ông. Lợi dụng lòng nhiệt thành mê cuồng của binh lính, ông phải rũ sạch tất cả mọi kẻ thù trong cùng một cuộc tấn công ào ạt, bỏ lỡ một ngày, một giờ có thể gây nên thảm họa. Thế là ông hối hả liều một chuyến may rủi trên một chiến trường đẫm máu nhất là nước Bỉ. Ngày mười lăm tháng sáu hồi ba giờ sáng, đội tiên phong của Đại quân và cũng là đội quân duy nhất, vượt qua biên giới. Ngày mười sáu nó đã đụng độ và đẩy lùi quân Phổ ở Linhi. Đây là cái tát đầu tiên ác liệt nhưng chưa đủ gây tử thương của con sư tử vượt ngục. Bị đánh bại nhưng không bị tiêu diệt, quân Phổ rút lui về Bruycxen.
Napôlêông nhanh chóng chuẩn bị cuộc tấn công lần thứ hai vào Oenlinhtơn. Ông không có quyền để kẻ thù lấy lại hơi thở vì cứ mỗi ngày ngừng nghỉ là chúng lại có thêm tiếp viện; hơn nữa, đằng sau ông, dân chúng Pháp kiệt sức, lo lắng, đang có nhu cầu được say sưa đọc các bản tin chiến thắng hừng hực khí thế. Ngày mười tám, cùng với toàn quân, ông tiến vào ngay trước mặt cao điểm Cátrơ Bra nơi Oenlinhtơn cố thủ. Oenlinhtơn, một con người lạnh lùng, thần kinh vững như thép. Chưa bao giờ Napôlêông lại chuẩn bị thận trọng hơn, chưa bao giờ mệnh lệnh của ông lại rõ ràng hơn ngày hôm đó: ông không chỉ thấy cuộc tấn công mà còn thấy cả những nỗi nguy hiểm; ông ta biết rằng đội quân của Bluytxơ có thể tiếp cận đội quân của Oenlinhtơn. Để ngăn chặn chuyện này, ông tách một bộ phận quân đội của mình, giao cho nó nhiệm vụ bám sát quân Phổ từng bước một và ngăn không cho chúng hợp nhất với đội quân Anh.
Ông ta giao quyền chỉ huy cánh quân này cho thống chế Grusi, một con người can đảm, tận tụy và đáng tin cậy, nhưng không có tài, một viên tướng kỵ binh đã trải qua nhiều thử thách nhưng chỉ là một viên tướng kỵ binh không hơn không kém. Không có gì của một vị chủ tướng có sức thu hút lòng người mãnh liệt như Muyara, không phải là nhà chiến lược như Xanhxia hay Becthiê hay một vị anh hùng như Nây. Quanh ngực ông ta chẳng có áo giáp, mà cũng chẳng có huyền thoại nào bao quanh tên tuổi ông. Không có phẩm chất đặc biệt nào làm ông ta nổi tiếng và dành cho ông một vị trí trong thế giới anh hùng của truyền thuyết về Napôlêông; chỉ có nỗi bất hạnh, sự rủi ro đã làm ông ta nổi tiếng. Grusi đã chiến đấu trong hai mươi năm trên khắp các chiến trường từ Tây Ban Nha đến Nga, từ Hà Lan đến Ý. Ông ta đã chậm rãi leo hết các bậc thang quân hàm đến tận hàm thống chế; không phải là ông không có công trạng, có điều là không hiển hách mà thôi. Những viên đạn của quân Áo, mặt trời của Ai Cập, dao găm của quân Ả Rập, mùa đông của nước Nga đã cướp đi những bậc đàn anh “ Đơxai ở Marenggô, Klêbo ở Lơke, Lannơ ở Etlinh. Ông ta đã không tấn công để chiếm lấy con đường dẫn tới tước vị cao nhất: con đường đó đã mở ra cho ông bằng hai mươi năm chinh chiến.
Tất cả những điều đó Napôlêông biết. Nhưng một nửa số thống chế của ông đã yên nghỉ dưới mồ, một số khác hờn giận nằm lì tại nhà, họ đã chán ngấy cảnh quanh năm suốt tháng đóng quân ngoài trời. Bởi vậy, buộc lòng ông phải giao phó một sứ mạng quan trọng cho con người tầm thường ấy.
Hồi mười một giờ sáng ngày mười bảy tháng sáu, hôm sau ngày chiến thắng Linhi, một ngày trước trận Oateclô, lần đầu tiên Napôlêông giao cho Grusi trọng trách chỉ huy độc lập. Chỉ trong một ngày, chỉ duy nhất trong một khoảnh khắc – nhưng là khoảnh khắc quan trọng biết bao ! - người quân nhân khiêm nhường đó rời khỏi hàng ngũ những người bình thường để đi vào lịch sử. Mệnh lệnh của Hoàng đế rất chính xác. Trong khi đích thân Ngài tiến đánh quân Anh, Grusi với một phần ba quân số sẽ đuổi theo quân Phổ. Chỉ thị bề ngoài tưởng chừng đơn giản và không có gì mập mờ nhưng lại rất co giãn, mềm dẻo và như con dao hai lưỡi, bởi vì đồng thời người ta đòi hỏi Grusi cũng có trách nhiệm giữ liên lạc thường xuyên với đại quân.
Viên thống chế nhận nhiệm vụ dẫn quân ra đi với tâm trạng phân vân. Ông không quen chỉ huy chiến dịch theo mệnh lệnh của chính mình. Đầu óc chín chắn nhưng thiếu sáng kiến của ông cảm thấy bất an khi con mắt thiên tài của hoàng đế không vạch rõ cho ông từng việc phải làm. Ngoài ra ông còn cảm thấy phía sau ông sự bất bình của các viên tướng dưới quyền. Có lẽ là – ai mà biết được - Định mệnh đã chạm chiếc cánh ảm đạm của nó vào chính người ông ! May mắn thay, sự gần gũi với tổng hành dinh làm cho ông yên dạ: cánh quân của ông chỉ cách quân của Napôlêông có ba giờ hành quân hỏa tốc.
Grusi lên đường dưới trời mưa tầm tã. Quân lính ì ạch tiến bước trên con đường đất sét lầy lội, theo vết chân quân Phổ, hay đúng hơn, theo hướng mà ông cho rằng đây là hướng đi của Bluytxơ và đội quân của hắn.
ĐÊM Ở CAYU
Trời mưa không ngớt, như thường thấy ở phía Bắc. Chẳng khác một đàn cừu đẫm nước, các trung đoàn của Napôlêông đi trong đêm, mỗi người kéo theo đến một cân bùn dưới đế giày. Không một căn nhà, không có lấy một mái nhà để trú thân ! Mệt rã rời, binh lính tụ họp từng toán mười đến mười hai người, dựa lưng vào nhau ngủ ngồi dưới mưa rào. Hoàng đế không nghỉ. Tâm trạng bồn chồn nóng nảy khiến ông đứng ngồi không yên vì thời tiết xấu, không nhìn thấy gì khiến cho không thể dò xét binh tình bên địch và mọi báo cáo trinh sát đều hết sức mập mờ. Ông cũng không rõ Oenlinhtơn có nghênh chiến không, cũng không có tin tức gì của Grusi về quân Phổ. Lúc một giờ sáng, bất chấp trời mưa như trút, ông đi dọc theo các vọng gác tiền tiêu và đến cách những trại lính Anh chỉ một tầm súng đại bác. Ở đấy, qua màn mưa mù có thể thấy chỗ này chỗ kia những ngọn lửa leo lắt tỏa khói: ông vạch kế hoạch tấn công. Chỉ đến tảng sáng ông mới trở về cái nông trang bé nhỏ tại Cayu, tổng hành dinh của ông; tại đây, nhiều công văn khẩn của Grusi đang chờ: những công văn này chỉ cho biết những tin tức mập mờ về cuộc rút lui của quân Phổ nhưng cũng làm cho ông vững tâm thêm vì biết chắc là Grusi vẫn bám riết không rời chúng. Mưa ngớt dần. Nóng ruột, hoàng đế đi đi lại lại trong phòng và chăm chú nhìn chân trời hửng vàng, chờ lúc trời sáng rõ để ra lệnh tấn công.
Đến năm giờ sáng – mưa đã tạnh hẳn – Napôlêông quyết định. Ông ra lệnh cho toàn quân sẵn sàng tấn công vào lúc chín giờ: lính mang lệnh truyền được khẩn cấp phái đi tứ phía. Một lát, tiếng trống quân tập hợp nổi lên. Chỉ đến lúc ấy, hoàng đế mới gieo mình xuống chiếc giường hành quân ngủ liền hai tiếng đồng hồ.
BUỔI SÁNG Ở OATECLÔ
Chín giờ. Các đơn vị quân đội vẫn chưa tập trung đầy đủ. Đất mềm nhão sau ba ngày mưa liên tiếp gây trở ngại cho việc chuyển quân và ngăn trở pháo binh theo kịp bộ binh. Dần dần mặt trời ló dạng giữa lúc một cơn gió mạnh nổi dậy: nhưng không phải là mặt trời chói lọi và đầy hứa hẹn của Auxteclích. Mặt trời phương Bắc chỉ tỏa ra một thứ ánh sáng nhợt nhạt và buồn thảm. Cuối cùng, các đội quân đã sẵn sàng. Trước trận đánh Napôlêông còn cưỡi trên mình ngựa trắng đi duyệt lại toàn bộ trận tuyến. Những con chim ưng trên các lá cờ chao mình xuống đuổi làn gió mạnh, kỵ binh vung gươm vẻ quả quyết, bộ binh vẫy mũ chào trên đầu lưỡi lê. Trống trận đánh như điên, hiệu kèn chói tai hoan hô chủ tướng: nhưng bao trùm lên tất cả những tiếng ồn ào đó là tiếng reo hân hoan thốt ra từ bảy vạn lồng ngực và tràn qua tất cả trung đoàn:
“ Hoàng đế vạn tuế ! “
Đó là cuộc duyệt binh nhiệt thành nhất, uy nghi nhất trong suốt hai mươi năm dưới thời Napôlêông. Tiếng tung hô vạn tuế vừa ngừng – lúc đó là mười một giờ, chậm mất hai giờ so với dự kiến, hai giờ tàn khốc, các pháo thủ được lệnh dội lửa xuống ngọn đồi có quân đội áo đỏ chiếm giữ. Sau đó Nây “ người dũng cảm nhất trong số những người dũng cảm “ tiến lên với bộ binh. Giờ phút quyết định của Napôlêông bắt đầu. Trận đánh này đã được mô tả hàng trăm lần: nhưng người ta không bao giờ chán khi đọc lại những diễn biến hấp dẫn của nó, hoặc trong cách miêu tả trang nghiêm của Oantơ Xcap hoặc trong câu chuyện kể lại từng đoạn của Xtanhđan. Trận đánh phức tạp và đồ sộ, đủ nhìn từ xa hay nhìn gần, từ đài quan sát của viên tướng hay từ yên ngựa của mỗi tên kỵ binh mặc áo giáp. Nó là một kiệt tác đầy xúc động bi kịch với những lớp lo sợ và hy vọng xen lẫn nối tiếp không ngừng, và cái thảm họa phũ phàng và dữ dội. Đó là màn dạo đầu cho một tấn bi kịch thật sự, trong đó vận mệnh châu Âu gắn liền với số phận một cá nhân và ở đó tràng pháo hoa ác liệt cuối cùng của Napôlêông tung lên lộng lẫy giữa bầu trời trước khi tắt vĩnh viễn trong sự sụp đổ chóng mặt.
Từ mười một giờ sáng đến một giờ chiều, các trung đoàn quân Pháp xung phong lao lên các cao điểm, chiếm được nhiều vị trí và làng mạc để rồi bị đánh lui, rồi lại xông lên dữ dội hơn. Mười nghìn xác chết nằm la liệt trên các ngọn đồi đất sét lầy lội của vùng hoang vắng đó chẳng dẫn tới kết quả nào khác hơn là cả hai bên đều kiệt sức kinh khủng. Cả hai đội quân đều bải hoải, hai vị chủ tướng lo lắng. Cả hai đều biết rằng chiến thắng sẽ thuộc về bên nào nhận được tiếp viện trước, Oenlinhtơn chờ tiếp viện của Bluytxơ, Napôlêông chờ tiếp viện của Grusi. Hoàng đế lúc nào cũng nắm chắc ống nhòm, liên tục phái lính đi dò tin tức: nếu viên thống chế của ông đến kịp thời thì mặt trời Auxteclích sẽ còn chiếu sáng trên nước Pháp.
LỖI LẦM CỦA GRUSI
Trong lúc đó, từ ngày mười bảy tháng sáu, theo đúng như lệnh đã nhận, Grusi, con người vô tình đã nắm trong tay vận mệnh của Napôlêông, đi tìm quân Phổ theo hướng đã định. Mưa đã tạnh. Vô tư lự, những đại đội non trẻ, vừa hôm trước xuất trận lần đầu, hành quân như đi dạo chơi. Kẻ thù không xuất hiện, quân Phổ vẫn mất hút.
Bỗng nhiên, giữa lúc thống chế đang vội vàng ăn lót dạ trong một túp lều tranh, mặt đất rung lên nhè nhẹ dưới chân ông. Mọi người lắng nghe. Tiếng ầm ì vọng lại tuy đã yếu đi, nhưng vẫn kéo rền không ngớt, đó hẳn là những khẩu pháo bắn cách đó khá xa, nhưng cũng không xa quá ba tiếng đồng hồ hành quân. Một vài viên sĩ quan nằm xuống đất theo kiểu thổ dân châu Mỹ để nghe cho rõ tiếng động từ phía nào dội đến. Tiếng ầm ầm liên tục. Đó là loại đại bác ở Xanhgiang mở đầu trận Oateclô. Grusi nhóm họp tướng lĩnh. Giêram viên chỉ huy phó của ông sốt sắng hét lớn: “ Phải tiến về phía có tiếng đại bác ! “. Một sĩ quan thứ hai tán thành: “ Hãy lên đường, và phải thật khẩn trương ! “.
Không một ai có thoáng chút nghi ngờ gì về việc Hoàng đế đã đụng độ quân Anh và một trận giao chiến quan trọng vừa mới bắt đầu. Grusi bối rối. Chỉ quen vâng lời, ông ta theo đúng từng chữ huấn lệnh của Hoàng đế. Thấy thống chế ngần ngừ, Giêra nổi giận hét lên: “ Hãy đi ngay tới chỗ có tiếng đại bác ! “. Lời kêu gọi của viên tùy tướng trước mặt hai mươi sĩ quan nghe như một mệnh lệnh hơn là lời cầu xin. Điều đó làm Grusi phật ý. Ông sẵng giọng tuyên bố vẻ quả quyết là ông không thể đi chệch khỏi nhiệm vụ của mình, chừng nào chưa có lệnh mới của Hoàng đế bãi bỏ lệnh cũ. Các sĩ quan thất vọng và đại bác tiếp tục vang lên như sấm trong sự dè bỉu của mọi người.
Lúc này Giêra thực hiện một cố gắng cuối cùng. Ông khẩn cầu ít nhất cũng để ông ta đi cứu viện, với sư đoàn của mình và vài tiểu đoàn kỵ binh: ông ta cam đoan là sẽ đến nơi kịp thời. Grusi suy nghĩ, ông suy nghĩ trong một phút.
MỘT PHÚT ĐÁNG KỂ TRONG LỊCH SỬ THẾ GIỚI
Cái phút trong gian nhà tranh ở Oalanh đã chứa đựng vận mệnh của chính ông, của Napôlêông và của thế giới. Nó sắp quyết định toàn thể cục diện thế kỷ thứ 19, cái phút không thể quên ấy đặt dưới quyền của một con người chân thực bất tài đang nóng nảy vầy vò trong tay bản mệnh lệnh ác hại của Hoàng đế. Nếu lúc ấy Grusi bạo dạn, tỏ ra đã dũng khí để tin ở mình, ở ngôi sao của mình và làm trái lại cái mệnh lệnh trên thì nước Pháp được cứu thoát. Nhưng người thuộc hạ này chỉ biết tuân theo chủ tướng chứ không bao giờ chịu nghe theo tiếng gọi của định mệnh. Cho nên ông ta cương quyết chối từ. Không, thật là khinh suất khi đem chia một đội quân vốn đã yếu. Ông ta chỉ có nhiệm vụ đuổi theo quân Phổ, có thế thôi. Ông ta sẽ không hành động trái với ý muốn của chủ tướng. Bất bình, các sĩ quan của ông đứng lặng thinh. Mọi hành động và lời nói từ nay trở nên vô dụng: phút quyết định đã trôi qua, không trở lại. Đó là chiến thắng của Oenlinhtơn.
Họ tiếp tục hành quân. Giêra và Vanđam ấm ức trong lòng. Grusi mỗi lúc càng do dự và lo lắng, bởi vì, thật lạ kỳ, quân Phổ vẫn không thấy xuất hiện. Họ đã phải rời bỏ con đường đi Bruycxen. Chẳng mấy chốc trinh sát đem lại những tin buồn: cuộc rút lui của quân Phổ đã chuyển thành một cuộc hành quân tạt ngang sườn về phía mặt trận. Vẫn còn đủ thời giờ cấp tốc đến tiếp viện Hoàng đế, và Grusi mỗi lúc càng nóng ruột chờ lệnh được quay trở lại. Nhưng không có lệnh nào hết. Chỉ nghe thấy tiếng đại bác ầm ì làm rung chuyển lòng đất mỗi lúc một xa dần: ván bài khắc nghiệt của số phận !
BUỔI CHIỀU OATECLÔ
Trong khi đó kim đồng hồ đã quay: một giờ sáng. Bốn đợt tấn công của quân Pháp bị đẩy lùi, nhưng cũng gây sứt mẻ đáng kể lại trong khu của Oenlinhtơn. Napôlêông đã sẵn sàng mở một đợt xung phong quyết định, ông ta cho tăng cường các ổ pháo đối diện với quân đội Liên minh và trước khi đạn pháo chăng tấm màn khói giữa hai ngọn đồi, ông liếc nhìn lần cuối cùng toàn bộ trận địa.
Ông nhận thấy ở phía đông - bắc một vệt sẫm đang hình như từ phía rừng trườn ra và tiến lại gần: quân tiếp viện ! Lập tức ông quay ống kính viễn vọng về phía đó: phải chăng Grusi đã dũng cảm làm trái lệnh của ông và đến kịp thời một cách kỳ diệu như vậy? Không. Một tù binh vừa được dẫn tới khai rằng đó là quân Phổ, đội quân tiên phong của tướng Bluytxơ. Hoàng đế đoán rằng để đến nhập với quân Anh nhanh chóng như vậy, chắc là quân Phổ đã thoát khỏi cuộc truy lùng của Grusi. Trong khi đó một bộ phận quân đội của ông đã uổng công đi khắp mọi nơi tìm kiếm. Lập tức ông viết cho viên thống chế một bức thư ra lệnh bằng bất cứ giá nào phải giữ được liên lạc với ông và kìm chân không cho quân Phổ can thiệp vào trận đánh.
Đồng thời tướng Nây cũng nhận được lệnh tấn công. Phải đánh thắng Oenlinhtơn trước khi Bluytxơ tới. Không có ý đồ nào là quá tàn bạo khi vận may thắng lợi bị thu hẹp đột ngột đến như vậy. Suốt cả buổi chiều, những đợt đột kích dữ dội của bộ binh nối tiếp không ngừng trên cao nguyên. Cứ mỗi đợt tấn công lại chiếm được những làng đã bị nã pháo; cứ mỗi phen bị đẩy lùi là một làn sóng tấn công lại tràn lên, cờ giương phất phới, họ xung phong vào phương trận quân Anh đã thấm mệt. Nhưng Oenlinhtơn vẫn giữ vững trận địa và vẫn không có tin tức gì về Grusi.
“ Grusi ở đâu? Grusi làm cái gì? Hoàng đế càu nhàu, nóng nảy khi thấy mũi tiên phong của quân Phổ tiến lại mỗi lúc một gần. Các sĩ quan dưới quyền ông cũng nôn nóng. Nhất quyết chấm dứt trận đánh bằng bất cứ giá nào, thống chế Nây mạo hiểm – Grusi rụt rè bao nhiêu thì Nây táo bạo bấy nhiêu (ba con ngựa ông đang cưỡi bị chết ngay tại trận) – tung toàn thể kỵ binh vào một cuộc tấn công duy nhất. Mười ngàn kỵ binh lao vào cuộc đua khủng khiếp xông vào cái chết, băm nát các phương trận, hạ sát các pháo thủ và chọc thủng các tuyến đầu tiên. Sau đó, họ bị đánh lùi, thật vậy, nhưng quân Anh cũng kiệt sức, bàn tay siết chặt quả đồi đã bắt đầu buông lỏng. Và trong khi kỵ binh Pháp bị chết như rạ rút lui dưới hỏa lực pháo binh địch thì lực lượng dự bị cuối cùng của Napôlêông, đội vệ binh của ông đang cất bước chậm chạp và nặng nề chiếm lấy ngọn đồi này, ngọn đồi gắn liền với số phận của châu Âu.
KẾT CỤC
Từ sáng sớm, bốn trăm khẩu đại bác gầm thét không ngừng từ cả hai phía. Trên mặt trận, những cuộc xung phong rung trời chuyển đất của kỵ binh vỡ tung vì vấp phải lưới lửa của các phương trận quân Anh, trống thúc xung phong, tiếng ầm ầm loạn xạ làm rung chuyển toàn bộ cánh đồng. Trong khi đó, ở đằng xa, trên đỉnh đồi, ở trận địa của mình, hai vị chủ tướng từ trên cao lắng nghe tiếng ầm ầm của cơn bão người. Cả hai đều lắng nghe một tiếng ồn ào nhẹ hơn.
Mỗi vị đều cầm trong tay một chiếc đồng hồ mà tiếng tích tắc nhè nhẹ như tiếng đập của trái tim con chim mà át cả tiếng ồn ào. Napôlêông và Oenlinhtơn luôn luôn nhìn đồng hồ và tính từng giờ, từng phút, nóng lòng chờ tiếp viện tối hậu và quyết định. Viên tướng Anh biết Bluytxơ đã đến gần và Hoàng đế Pháp hy vọng ở Grusi. Cả hai đều không còn quân dự trữ và ai được tiếp viện trước sẽ thắng trận. Cả hai đều dùng ống nhòm quan sát ven rừng, nơi đội tiên phong của quân Phổ hiện ra như một đám mây nhẹ. Nhưng đó chỉ là một đám bộ binh hay là toàn thể đội quân đang bị Grusi đuổi chạy trốn? Quân Anh chỉ còn chống trả một cách yếu ớt, nhưng quân Pháp cũng đã kiệt sức. Như hai đô vật thở hổn hển, họ đứng đối diện nhau, tay buông thõng, trước khi lăn xả vào nhau lần cuối cùng: hiệp quyết định sắp bắt đầu.
Trong lúc đó một loạt đại bác kèm theo tiếng súng trường nổ bên sườn quân Phổ. Napôlêông thở phào nghĩ bụng: “ Vậy là Grusi cuối cùng đã tới ! “. Tưởng sườn quân của mình được an toàn, ông tập trung những người lính cuối cùng và một lần nữa ném tất cả vào trận địa trung tâm của Oenlinhtơn để mở đường đi Bruyexen và thọc sâu vào cửa ngõ châu Âu.
Nhưng loạt súng đó là do quân Phổ nhầm lẫn màu đồng phục, đã nã vào quân Hanôvrơ. Họ ngừng bắn ngay và bộ phận chủ yếu của đạo quân không gặp cản trở gì, tràn ra khỏi rừng từng hàng dày đặc. Không, không phải Grusi, mà là Bluytxơ và định mệnh đã đến ! Tin này truyền lan nhanh chóng trong quân đội của Hoàng đế đang bắt đầu rút lui, thoạt đầu còn rút lui trong trật tự. Nhưng Oenlinhtơn nắm lấy thời cơ thuận lợi: ông ta phi ngựa đến tận chân quả đồi vừa được phòng ngự thắng lợi, cầm mũ vung mạnh về phía những người bỏ chạy. Binh lính của ông hiểu ngay cử chỉ đắc thắng đó. Toàn thể lực lượng còn lại của các phương trận quân Anh vùng lên và đâm bổ vào các tiểu đoàn Pháp đã tan tác. Đồng thời đội kỵ binh Phổ đánh tạt sườn đám người mệt nhừ kiệt sức đó. Một tiếng kêu khiếp sợ vang lên: “ Chạy mau ! “. Hai phút sau, đại quân Pháp chỉ còn là một dòng thác cuồng loạn quét sạch tất cả trên đường nó tràn qua, kể cả Napôlêông. Kỵ binh đối phương như một bầy gia súc không ai làm hại nổi bám riết đội quân Pháp đang chạy tán loạn. Trong lúc mọi người hoảng sợ, đối phương chiếm một cách dễ dàng cỗ xe của Hoàng đế, kho tàng của quân đội, toàn bộ lực lượng pháo và Hoàng đế Pháp thoát được cũng chỉ là nhờ màn đêm đã bắt đầu buông xuống. Nhưng con người toàn thân bê bết lấm bùn và tinh thần rối loạn, giữa lúc nửa đêm, ngã vật trên chiếc ghế tại một quán rượu tồi tàn không còn là Hoàng đế nữa. Quyền lực triều đại, gia tài của ông đã sụp đổ: sự nhút nhát của một con người tầm thường vô tích sự đã phá tan những gì mà một bộ óc quảng bác nhất, táo bạo nhất đã mất hai mươi năm anh hùng xây dựng nên.
TRỞ VỀ CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG
Cuộc xung phong của quân Anh vừa đánh quỵ Napôlêông, thì một nhân vật bấy nay ít người biết đến chạy ngay về Bruycxen trên một chiếc xe ngựa thuê, rồi từ Bruycxen ra biển, ở đó đã có một chiếc tàu đón chờ. Vượt trước các thông điệp viên quốc gia, ông ta đáp tàu đi Luân Đôn và lợi dụng khi thành phố này chưa biết tin đã thành công trong việc vét hết thị trường chứng khoán. Người đó chính là Rôtchai, con người đã bằng hành động tài chính của mình thành lập một đế quốc mới, một triều đại mới. Ngày hôm sau, cả nước Anh được tin thắng trận và ở Pari, Phuxê, tên phản bội bất hủ được tin cuộc thất bại thảm hại: ở Bruycxen và trên toàn cõi nước Đức, chuông nhà thờ rung inh ỏi mừng chiến thắng.
Chỉ có một người mãi đến sáng hôm sau vẫn không biết tin tức gì, mặc dầu ông ta ở cách nơi xảy ra thảm họa có vài giờ hành quân: đó là Grusi, con người bất hạnh. Chấp hành mệnh lệnh đã nhận được, ông đã đuổi theo quân Phổ một cách triệt để và kiên trì. Nhưng vì không đuổi kịp chúng ông ta đâm ra rối trí. Đại bác tiếp tục nổ ngày càng dữ dội ngay kề bên như kêu gọi tiếp viện. Mọi người đều cảm thấy đất rung chuyển và mỗi tiếng nổ như vang lên trong tim mình. Mọi người đều biết rằng đó không phải là một cuộc đụng độ nhỏ, mà là một trận đánh lớn đang mở ra, một trận đánh quyết định.
Grusi bồn chồn cưỡi ngựa đi giữa các sĩ quan. Họ tránh không bàn cãi với ông: ý kiến của họ đã bị ông bỏ ngoài tai.
Bởi vậy họ thấy nhẹ nhõm biết bao khi ở Oavrơ họ đụng độ một phân đội quân Phổ, đội hậu vệ của Bluytxơ. Họ lăn xả vào đánh chiếm các chiến lũy như điên. Là người đầu tiên trong đám quân như bị thôi thúc bởi một linh cảm u ám, Giêra xông vào tìm cái chết. Một viên đạn kết liễu đời ông và vĩnh viễn khóa miệng con người đã chỉ trích thống chế Grusi dữ dội nhất. Vào lúc đêm xuống, họ chiếm được làng; nhưng họ biết rằng thắng lợi ở hậu tuyến không còn nghĩa lý gì, bởi vì ở đằng xa kia tiếng ình oàng bỗng ngừng bặt và sự yên tĩnh đáng sợ đã trở lại, sự lặng im của cái chết. Mỗi người đều tự nhủ rằng nghe tiếng gầm của đại bác còn hơn tình trạng hồi hộp đang vò xé tâm can họ. Trận Oateclô chắc hẳn đã kết thúc: quả thực, cuối cùng, Grusi cũng nhận được (nhưng quá muộn) lệnh khẩn của Napôlêông. Nhưng ai đã chiến thắng sau trận chiến đấu khổng lồ đó?
Họ chờ đợi suốt đêm. Vô ích ! Không có tin tức gì. Tưởng như đại quân đã bỏ rơi họ và họ đang bị lạc giữa sa mạc. Hôm sau, họ nhổ trại và lại lên đường, ai nấy mệt nhoài. Từ lâu họ đã hiểu rằng tất cả những cuộc hành quân và thao diễn đó đều là phù phiếm. Cuối cùng, vào lúc mười giờ sáng, một sĩ quan tham mưu phi ngựa đến. Người ta đỡ anh ta xuống ngựa và dồn dập hỏi. Nhưng anh này mặt mày khiếp đảm, thái dương ướt đẫm mồ hôi, người run bần bật vì mệt lả, chỉ có thể ấp úng những lời nghe không rõ, những lời mà mọi người không hiểu và cũng không muốn hiểu. Họ cho là anh ta điên hoặc say khi anh ta bảo rằng không còn Hoàng đế nữa, không còn quân đội nữa, rằng nước Pháp đã thua trận. Tuy vậy, họ cũng buộc được anh ta từng tiếng từng tiếng một nói ra tất cả sự thật đáng sợ và nặng nề. Grusi tái người, run rẩy đứng tựa vào thanh kiếm, ông ta biết rằng nỗi khổ nhục của đời ông bắt đầu ngay tại đây. Ông quả quyết nhận tất cả trách nhiệm về lỗi lầm của mình. Con người thuộc hạ do dự, nhu nhược vào lúc mối hiểm nguy còn chưa trông thấy được bỗng trở thành một con người và gần như hóa thành anh hùng trước cơn nguy biến trực tiếp. Ông triệu tập tức khắc các sĩ quan và với những giọt nước mắt giận dữ và buồn phiền long lanh trên mắt – ông nói với họ vài lời ngắn gọn, trong đó ông thanh minh đồng thời cũng lên án sự trù trừ của mình. Những người hôm qua còn xì xào dè bỉu ông, giờ đây chỉ im lặng nghe ông nói. Mỗi người đều có thể buộc tội ông và tự hào là đã có những kiến giải sáng suốt hơn ông. Nhưng lúc này không ai muốn nói và cũng không có can đảm ấy. Họ vẫn im lặng. Nỗi thất vọng khủng khiếp khiến họ không hé miệng.
Và chính ngay sau khi đã để trôi qua giờ phút quyết định của đời mình, Grusi mới tỏ rõ tất cả giá trị quân nhân của ông. Những đức tính lớn của ông, tính thận trọng, lòng can đảm, sự khéo léo, lương tâm của ông bộc lộ rõ ràng vào lúc này, lúc mà ông lại tự tin ở bản thân vào không nghe theo một mệnh lệnh viết sẵn. Bị bao vây bởi những lực lượng lớn hơn gấp năm lần, ông đã đưa quân đội của mình vượt qua chiến tuyến quân thù - một việc làm xứng đáng của một nhà chiến thuật tài tình – không mất một khẩu đại bác, không để hao tổn một người và giữ lại cho nước Pháp, cho vương quốc đoàn quân cuối cùng của nó. Nhưng khi ông trở về, Hoàng đế không còn nữa để khen ngợi ông và cũng không còn quân thù để ông có thể cầm quân ra chống trả. Ông về muộn quá, muộn quá không cứu vãn lại được. Và mặc dầu sau đó, đời ông hình như theo một đường cong đi lên, mặc dầu ông lại được cử làm thống chế và làm nguyên lão nghị viện của nước Pháp và mặc dù trong các chức vụ, ông nổi tiếng là con người có công lao và giàu nghị lực nhưng cũng không có gì có thể làm sống lại giờ phút quá lớn lao đối với ông, cái giờ phút cho ông làm chủ định mệnh.
Đó là sự trả thù khốc liệt của cái phút trọng yếu đó – phút rất hiếm có trong đời người – nó trả thù những kẻ mà nó đã chọn lầm, kẻ ấy đã không biết chớp lấy nó. Tất cả những đức tính của một người công dân, sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành, sự ngoan ngoãn tuân thủ, tính điềm đạm, những đức tính đủ dùng cho cuộc sống thường nhật, nhưng sẽ tan ra như tuyết dưới ánh mặt trời khi đứng trước khoảnh khắc huyền diệu chỉ đòi hỏi thiên tài và chỉ vẽ nên những khuôn mặt bất diệt. Khoảnh khắc đó, khinh bỉ gạt bỏ những kẻ do dự, nó chỉ nâng lên trong đôi bàn tay mạnh mẽ của nó những con người táo bạo, những vị thần của trái đất, và đưa họ vào cung Vahala (1).
Kết Thúc (END) |
|
|