Khoảng một năm trở lại đây, tôi thấy anh bạn Umberto ba mươi sáu tuổi, anh là thợ in, là người xuất bản sách, anh vẽ cũng khá. Có thể nói anh là một tri thức. Tuy nhiều mặt anh lại giống như một võ sĩ quyền anh: rộng, vững, chắc, với vẻ cau có rất dễ gây cảm tình, nhưng đôi mắt nhỏ của anh long lanh ánh thông minh và lòng tốt. Một trái tim trong trắng ngây thơ, nhưng đồng thời tính khí lại mạnh mẽ và độc đoán. Mặc dù anh ít tuổi hơn tôi, nhưng một tình bạn tuyệt đẹp đã nảy sinh giữa chúng tôi, bởi chúng tôi tin cậy nhau và có mơ mộng như nhau. Một sự tình cờ trong công việc đã đưa chúng tôi lại với nhau, và rồi chúng tôi có thói quen tìm gặp nhau mỗi buổi tối, mặc dù Umberto đã có vợ. Nhưng vợ anh là một phụ nữ hiền lành chẳng có gì nổi bật.
Thế đó. Gần một năm nay, các cuộc gặp của chúng tôi bắt đầu thưa đi. Umberto có những việc khẩn cấp, những cuộc hẹn công việc, và luôn luôn có một vài cớ mới. Những lần hiếm hoi tôi “tóm” được anh, anh hình như đang ở trên cung trăng, bồn chồn, lo âu, cố chấp. Vậy mà hồi xưa anh vui vẻ cởi mở là thế. Tôi hiểu rằng có một nỗi phiền muộn đang giày vò anh. Nhưng tôi không hỏi. Nếu anh, bản tính thành thật, mà đã không nói, thì có nghĩa là có một lý do quan trọng buộc anh phải im lặng. Sẽ chẳng hay ho gì nếu tôi lại đi cố gặng hỏi anh để biết. Cho tới buổi tối - tôi nhớ hôm đó trời mưa - anh nắm lấy tay tôi và bằng giọng khác hẳn, như là sợ sệt, có thể nói là một giọng trẻ con, anh bảo tôi:
- Tôi gặp chuyện khổ tâm anh ạ.
À! Tôi đã hiểu, nhưng vẫn làm như chưa hiểu gì:
- Chuyện gì thế?
Anh nhìn tôi với vẻ cầu khẩn:
- Một phụ nữ, - anh nói lí nhí.
- Tôi cũng đoán thế.
Người đàn ông đang ở tuổi sung sức, tự tin, đầy nghị lực và ý tưởng, nhiệt tình và mau lẹ có những quyết định sáng suốt trước mọi hiểm nguy nghịch cảnh, vậy giờ đây trở thành con sâu tội nghiệp đang run rẩy.
- Nhưng, cô ta yêu anh chứ?
- Không.
- Vậy biết làm sao?
- Chính vì thế tôi mới “đau”. Rồi với vô vàn những chi tiết vớ vẩn và nhạt nhẽo, anh kể cho tôi nghe cô ta là ai, đối xử với anh thế nào, tại sao lại đến nông nổi anh không thể nào sống thiếu cô ta. Tóm lại, đó là một trong những câu chuyện đáng thương hại có tới hàng ngàn vạn trong cái thế giới khốn khổ của chúng ta. Nhưng Umberto ý thức được tình huống phi lý ấy, anh thì say đứ đừ còn cô ta thì dửng dưng. Anh nói rằng cô ta xinh đẹp, đúng thế, nhưng anh ta không tìm cách biến cô thành nữ thần như những người đàn ông khác vẫn làm trong những trường hợp tương tự. Ngược lại, anh mô tả cô ta là độc ác, với một trái tim rắn như đá. Nhưng anh không sao từ bỏ được cô ta. Tôi hỏi:
- Quả thật anh tin rằng anh không thể bỏ nổi cô ta?
- Bây giờ thì không.
- Nhưng anh hiểu rõ rằng một người đàn bà như anh tả …
- Nàng đang đưa tôi đến chỗ chết, anh muốn nói thế chứ gì. Tất nhiên tôi ý thức được, nhưng…
Hai ngày sau tôi làm quen cô ta, ở trong xưởng của bạn tôi, ngồi trên đi văng. Rất trẻ, một gương mặt lanh lợi như một bé gái, một làn da mịn và căng bởi sự tươi mát khó tả của tuổi trẻ, mái tóc đen và dài cuốn lại trông kỳ lạ, than hình mảnh mai thiếu nữ. Đẹp? Tôi không biết. Tuy nhiên, đây hẳn là một kiểu khác thường, vừa dung tục lại vừa lịch sự. Nhưng giữa dáng vẻ cô ta và những điều Umberto kể với tôi có một sự mâu thuẫn không thể vượt qua. Tất cả mọi cái ở cô ta đều toát lên sự vui vẻ, vô tư lự, niềm vui sống, một thái độ phớt đời, hoặc ít ra nó cũng là cảm giác của tôi. Với tôi, cô ta rất tử tế. Vừa líu lo vừa nhìn tôi, cặp môi cô ta mở ra trong một nụ cười tinh nghịch. Thậm chí cô ta có vẻ cố ý làm như thế. Như muốn chinh phục tôi. Và cô ta không để ý gì đến Umberto, coi như anh không có ở đó. Còn Umberto thì ngồi dưới chân mặt đần ra ngắm cô ta, với một nụ cười gượng gạo trên môi. Với một cử chỉ khiếm nhã tuyệt vời, Lunella sửa lại váy, để thoáng thấy được hơn mức cho phép một chút. Rồi cúi đầu, dáng khiêu khích, như một cô bé nữ sinh xấc xược:
- Ông có biết tôi là ai không? Tôi là một cơn gió xoáy, - cô ta bảo tôi - tôi là một con ốc biển, tôi là dãy cầu vồng. Tôi là… tôi là một đứa tuyệt diệu.
Và cô ta cười, trông rất sung sướng. Đúng vào lúc đó, tôi cảm thấy ở đằng sau những trò đổng đảnh trẻ con kia là một khả năng dối trá vô hạn và được giám sát rất chặt. Tôi không thể giải thích tại sao. Đó gần như là một cảm giác có tính thể chất. Cuối cùng, cô ta quay sang Umberto:
- Mocci, - cô ta yêu cầu với một nụ cười mơn trớn nhất, - nào, hãy nói: con sóc bé nhỏ của tôi…
Umberto lúc lắc đầu nửa sung sướng nửa bối rối.
- Kìa, Mocci, nói đi: con sóc bé nhỏ của tôi thuộc về tôi…
Tôi nhìn cô ta. Với một vẻ ngây ngô, Umberto thì thầm:
- Con sóc nhỏ của tôi…
- Thuộc về tôi, - cô ta khích lệ.
- Con sóc nhỏ của tôi thuộc về tôi, - Umberto chịu thua nói.
Thế là Lunella chúm cặp môi yêu kiều lại có lẽ để bắt chước nhân vật nào đó thế giới các nhân vật của Walt Disney: “Squliz… Squalls”, cô ta điệu bộ trong vai một cô bé, và niềm thích thú được sở hữu của cô ta lạnh lùng đến nỗi tôi sởn cả gai ốc.
Lát sau, khi cô ta đã về, tôi hỏi Umberto:
- Tại sao cô ta gọi anh là Mocci? Anh có hiểu là cô ta hạ thấp anh đến mức nào không?
- Ồ! - Anh nói. - phải bỏ qua cho nàng. Nàng là một đứa trẻ dễ thương quá!
Rồi trong suốt mấy tháng tôi không gặp lại cả hai người. Liệu có chuyện gì đó xảy ra? Tôi gọi điện: không ai nhấc máy. Tôi đến nhà anh: không gặp. Cái tình yêu chết tiệt ấy đã nuốt chửng anh mất rồi. Thật đáng tiếc, một người giỏi giang và tốt bụng đến thế. Nhưng sau đó vài hôm, vợ anh mời tôi đến. Chị kể cho tôi nghe những điều tôi đã biết. Chị khóc. Chị cầu xin tôi giúp đỡ. Từ nửa tháng nay chị không thấy mặt Umberto và anh cũng không hề đặt chân đến văn phòng cứ như anh đã “bốc hơi”. Chắc anh gặp chuyện gì. Tôi hứa sẽ đi tìm anh.
Đi tìm ư? Ý nghĩ đầu tiên với tôi là Lunella. Tôi sẽ tới nhà cô ta. Chắc chắn cô ta biết đôi điều, cô ta sẽ kể cho tôi nghe những chuyện có lẽ dối trá từ câu đầu tiên cho đến câu cuối cùng, nhưng dù sao, như thế cũng còn hơn không. May sao tôi lại có địa chỉ. Tôi tới đó lúc ba giờ chiều. Nếu biết tôi sẽ đến, cô ta cũng sẽ không chuẩn bị gì hơn. Một chiếc váy nhỏ rất giản dị, nhưng đầy chủ ý với khoản hở vai quá khêu gợi. Cô ta có vẻ hoàn toàn thoải mái. Cô ta đang khoẻ khoắn, vui vẻ, thậm chí hơi phấn khích. Cô ta sống trong một căn hộ nhỏ dành cho phụ nữ độc thân, với những đồ gỗ theo kiểu giả cổ, mấy tấm thảm bắt chước kiểu Ba Tư, trên tường có vài bức tranh phong cảnh tồi tệ trong khung mạ vàng. Cô ta rót Whisky cho tôi và đặt lên máy quay đĩa hát của Joe Sentieri. Tôi vào đề ngay:
- Cô hãy cho tôi biết Umberto hiện nay thế nào?
- Umberto? - Cô ta ngạc nhiên - Em cũng đang muốn biết đây. Đã mấy tháng nay em không gặp anh ấy. Anh ấy dễ mến lắm, nhưng quấy rầy quá. Anh ấy mê em, chắc anh cũng đoán ra? Anh không phật ý khi em gọi anh là anh chứ? Nếu thế trò chuyện dễ hơn.
- Cô không gặp anh ấy đã hai tháng? - Tôi chưa tin.
- Bobi, Mocci! - Cô ta gọi mà không trả lời tôi.
Nghe tiếng gọi, hai con chó chạy vào. Một con chó bông lùn và một con boxer. Con boxer khá béo và mềm mại, tôi không hiểu tại sao tôi có cảm giác mình đã trông thấy nó ở đâu. Cả hai con ào vào Lunella, cô ta vừa cười vừa cản bớt chúng lại.
- Kìa, kìa, khôn nào, đủ rồi đấy.
Cả hai con đều rất cuồng nhiệt. Một cách tham lam. Chúng liếm vào cổ, má, miệng cô ta. Cô ta đứng dậy, đi lấy một chiếc gậy nhỏ đánh vec- ni màu đỏ, dài khoản một mét.
- Cái gậy để làm gì thế?
- À, em để luyện chúng nó.
Tôi nhận thấy con boxer không nhìn tôi. Nó có vẻ khó chịu khi tôi ngồi đó. Nó lùi lại nếu tôi tìm cách chạm vào nó. Kể cũng lạ. Chó boxer vẫn thường nhìn thẳng vào mặt mọi người kia đấy.
- Anh biết không - Lunella nói và khi ngồi xuống đi-văng cô ta áp vào tôi để cảm thấy toàn bộ tấm thân cô ta, nhưng chỉ một thoáng.
- Mocci là một con chó ngoan lắm.
- Thế hả? - Tôi nói.
- Nhưng xin lỗi Umberto… - Em xin anh hãy nhìn đây, - Cô ta nài, - xem nó thông minh đến mức nào.
Cô ta nhấc nắp một cái liễn sứ đựng đầy bánh ga-tô. Cô ta lấy một chiếc bằng tay trái và cầm chiếc bánh đúng phía trên mõm con boxer đang thở hổn hển.
- Tốt, Mocci, đợi nhé.
Con chó nghếch mõm về phía chiếc bánh và làm ra vẻ muốn đớp. Cô ta đập ngay cái gậy vào mũi nó. Con chó lui lại, rối rít vẫy đuôi. Thế rồi cô ta dùng tay trái đặt chiếc bánh cân bằng trên mũi con chó. Còn tay phải, cô ta dứ dứ chiếc gậy doạ nó:
- Gượm đã nào, Mocci, ngoan nào.
Chiếc bánh nằm trên mũi con chó, con boxer đứng yên không nhúc nhích và hai dòng nước dãy chảy xuống từ hai bên mõm nó.
- Gượm nào, ta bảo mà.
Con chó đợi suốt một phút. Cuối cùng nó không chịu được nữa nó tìm cách đớp lấy chiếc bánh. Nhanh như chớp cô ta vụt cho nó một gậy. chiếc bánh rơi xuống đất.
- Anh xem, chúng đến là tham ăn, - cô ta nói với tôi, có vẻ sung sướng lắm.
Con chó cũng chờ đợi, chăm chú theo dõi sự việc. Cuối cùng, con boxer cũng có một chiếc bánh, nó nuốt luôn hết gọn. Nhưng Lunella lại thử thách nó nữa.
- Nào, Mocci, đưa chân đây. Nào nhanh lên, rồi mày sẽ được vuốt ve.
Với cái nhìn tuyệt vọng, con chó giơ chân bên phải lên. Một cú vụt gậy làm nó phải hạ xuống.
- Không phải chân ấy, chân kia. Thế là con boxer giơ chân trái. Lunella rất khoái chí.
- Tại sao cô gọi nó là Mocci? - Tôi hỏi. - Tôi thấy cô cũng gọi Umberto như thế cơ mà?
- Vâng. Nhưng đó hoàn toàn là ngẫu nhiên thôi… Mà biết đâu đó có thể là một dấu hiệu chứng tỏ trong thâm tâm em rất yêu Umberto…
Cô ta nhìn tôi cười cười, với một vẻ là lạ, vừa trong trắng ngây thơ lại vừa trơ trẽn. Tiếp đó cô ta quay về phía con chó bông.
- Nào Bobi, lại đây thăm mẹ yêu quý của mày nào. Cô ta ôm lấy nó, vuốt ve nó, nó để cô ta nâng niu chiều chuộng. Con boxer ghen, tức tối xù lông.
- Mocci, Mocci, - Tôi nói. Nhưng nó coi như không có tôi. - Lạ nhỉ, - tôi nói, - Nó có một cái sẹo ở đuôi mắt trái, y hệt Umberto.
- Thực hả anh?
- Lunella nói và cười phá lên.- Thế mà em không để ý đấy nhé.
Con boxer không vẫy đuôi nữa. Cô chủ nó vẫn tiếp tục vuốt ve mơn trớn con kia, Mocci nhảy tới chực cắn chân địch thủ. Lunella đứng phắt dậy, tức giận:
- Đồ chó bẩn thỉu, - Cô ta đá vào mõm nó một cái, - Mày ghen hả? Ra kia nằm, ngay lập tức, và một cú đá nửa. Con boxer đưa mắt nhìn cô chủ của nó như muốn cầu xin, rồi nó cum cúp ra nằm dưới gầm bàn.
- Anh đã trông thấy con chó bẩn thỉu này chưa? - Cô ta nói không hề thương hại.
- Cứ phải thế với nó mới được, nếu không nó trèo lên đầu mình. Hễ nó giở trò ngu ngốc, là ta phải sửa ngay thật thích đáng, nhất là phải đánh vào mũi nó, vì đó là chỗ nó dễ đau nhất. Sau đó thì chúng đều trở thành những thiên thần nhỏ.
Và cô ta cười, đắc thắng.
Ngồi chồm hổm dưới gầm bàn run rẩy, con boxer cuối cùng đã đưa mắt nhìn tôi. Đó là cái nhìn của một sinh vật đau khổ, thất bại, lờ đờ, suy sụp, nhục nhã, nhưng vẫn còn nhớ lại niềm kiêu hãnh của tuổi trẻ đã mất. Nó nhìn tôi, vừa ứa nước mắt. Ôi, cặp đồng tử kia, vẻ sầu não kia, cái tâm hồn kia… Nó nhìn tôi trông đau đớn làm sao. Tội nghiệp Umberto…
Kết Thúc (END) |
|
|