Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Coi Trạm Tác Giả: Alexander Pushkin    
    Viên chức vào hạng bét
    Độc tài trạm giao thông
    Công tước Viademxki(1)
    Thử hỏi ai là kẻ chưa từng nguyền rủa những người coi trạm, ai là kẻ chưa từng chửi bới họ? Ai mà chả có lần, trong một phút giận dữ, đã đòi cho được quyển sổ tai hại để ghi vào đó những lời than phiền bất lợi về một sự xúc phạm, một thái độ lỗ mãng hay một điều sai hẹn? Ai là người chưa từng xem họ như những ác ôn giữa giống người, như là lũ thơ lại(2) hiện hình, hay ít nhất cũng như những tên kẻ cướp ở Murôm(3)? Nhưng chúng ta phải công bằng một chút, hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ, và có thể, chúng ta sẽ xét đoán về họ một cách khoan dung độ lượng hơn. Vậy người coi trạm là gì? Đó là kẻ bị đày ải thực sự ở bậc thang thứ mười bốn, may lắm cũng chỉ nhờ vào thứ bậc ấy mà thoát khỏi những cái đấm đá, nhưng không phải lúc nào cũng thoát được đâu (điều này thì tôi để tuỳ lương tâm độc giả xét lấy). Thế thì những con người mà công tước Viademxki vẫn gọi đùa là nhà độc tài ấy, cương vị của họ ra sao? Đó không phải là khổ sai thực sự ư? Cả đêm lẫn ngày chẳng lúc nào được yên. Mọi nỗi bực tức chất chứa trong cuộc hành trình buồn chán của mình, khách lữ hành đều trút cả lên đầu người coi trạm. Trời xấu, đường sá gập ghềnh, người đánh xe cứng đầu cứng cổ, lũ ngựa không chịu kéo - tất cả đều là lỗi của người coi trạm. Bước vào chỗ ở nghèo nàn của y, khách đi đường nhìn y như nhìn một kẻ thù; may mắn thay, nếu y tống tiễn được nhanh chóng người khách không cầu mà đến ấy; nhưng nếu rủi không có ngựa?... Lạy Chúa! Bao nhiêu lời nguyền rủa, doạ nạt trút xuống đầu y. Giữa trời mưa lầy lội, y vẫn phải chạy vạy khắp các nhà; giữa bão táp, giá băng cắt thịt, y vẫn phải bước ra ngoài phòng đệm, chỉ cốt được yên thân một phút, thoát khỏi những tiếng la ó, những cái xô đẩy của khách đi đường đang cơn thịnh nộ. Một vị tướng đến; người coi trạm run rẩy dâng ngay hai cỗ xe cuối cùng, trong đó có cả cỗ xe chạy công văn hoả tốc. Vị tướng ra đi không có lấy một lời cảm ơn! Và năm phút sau lại có tiếng nhạc ngựa!... Và viên sĩ quan liên lạc(4) ném lên bàn cho y một tờ lộ trình!... Hãy xét cho đến nơi đến chốn mọi nguồn cơn ấy, thì nỗi tức giận sẽ tiêu tan và lòng ta sẽ chan chứa một mối thông cảm chân thành. Xin thêm vài dòng nữa; trong suốt hai mươi năm trời, tôi đã đi ngang về dọc khắp nước Nga, đã thông thuộc hầu hết các đường trạm, đã biết vài thế hệ những người đánh xe; ít có những người coi trạm mà tôi không quen mặt, và cũng hiếm những người không có việc liên quan tới tôi; những chuyện lý thú lượm lặt được dọc đường tôi sẽ cho xuất bản một ngày gần đây; trong khi chờ đợi, tôi chỉ cần nói rằng dư luận chung quan niệm về tầng lớp những người coi trạm một cách thật là sai lệch. Những người coi trạm bị vu khống quá chừng ấy, nói chung, là những con người bình lặng, bản tính vốn ân cần, dễ chan hoà, chỉ có những ước vọng khiêm tốn về danh vị và không hề tham lam quá độ. Trong những chuyện trò của họ (thứ chuyện trò mà quý ngài hành khách vẫn không thèm lưu ý) có thể rút ra nhiều điều thú vị và bổ ích. Riêng tôi, thú thật là tôi thích những chuyện trò ấy hơn là lời lẽ của các ngài quan chức bậc sáu di chuyển vì công vụ.
    Cũng chẳng khó khăn gì mà không đoán ra rằng tôi có những người bạn thân ở tầng lớp coi trạm đáng kính ấy. Quả thật ký ức tôi còn trân trọng hình ảnh của một người trong số đó. Trước đây, hoàn cảnh đã khiến cho chúng tôi gần gũi nhau và giờ đây, chính đó là người tôi muốn đem ra nói chuyện cùng độc giả thân mến.
    Tháng Năm năm 1816, tôi có dịp qua tỉnh X. theo con đường trạm, đường trạm ấy ngày nay đã bỏ rồi. Tôi ở cấp bậc thấp nên đi xe thư và nhận trả phần tiền hai con ngựa. Do đó mà đối với tôi, những người coi trạm chẳng có gì vì nể, và thường thường tôi cứ phải đấu tranh gay go để giành lấy những gì mà tôi cho là quyền lợi chính đáng của mình. Còn trẻ trung và xốc nổi, tôi công phẫn vì thái độ luồn cúi và hèn nhát của những người coi trạm khi người này đem cỗ tam mã dành phần tôi thắng ngay vào chiếc xe lớn của một vị đại thần quyền quý. Và cũng như thế, trong một thời gian khá lâu, tôi không thể nào quen được với việc người hầu hay bắt bẻ bỏ sót tôi trong bữa tiệc của viên tổng đốc. Ngày nay, việc này hay việc kia, đối với tôi hình như cũng là điều tự nhiên thôi. Thật vậy, sự thể sẽ ra sao, nếu thay thế vào quy tắc phổ biến: cấp bậc tôn trọng lấy cấp bậc, ta đem áp dụng một quy tắc khác, chẳng hạn như: trí tuệ tôn trọng lấy trí tuệ? Bao nhiêu cuộc bàn cãi sẽ nổ ra! Và những người hầu còn biết ai là người mình cần phải phục dịch trước tiên? Nhưng thôi, hãy trở về với câu chuyện tôi đang kể.
    Hôm ấy là một ngày oi bức. Còn cách trạm N. ba véc-xta thì trời bắt đầu mưa đổ hột, và một phút sau thì một trận mưa rào xối cho chúng tôi ướt như chuột lột. Đến trạm, việc đầu tiên là thay quần áo cho nhanh và việc thứ hai là bảo pha trà. - "Này, Đunhia! - bác coi trạm lớn tiếng gọi, - soạn đốt ấm xa-mô-xa và đi lấy kem nhé". Bác vừa dứt lời thì từ sau vách ngăn một thiếu nữ độ mười bốn tuổi đi ra, rảo bước về phía phòng đệm. Sắc đẹp của cô bé làm tôi choáng người. - "Con gái của bác đấy à?" - tôi hỏi người coi trạm. - "Vâng, con gái tôi đấy! - bác ta đáp lại với một vẻ hãnh diện, - cháu rất ngoan và nhanh nhẹn, giống hệt mẹ nó lúc sinh thời". Rồi bác bắt đầu vào sổ giấy lộ trình của tôi, còn tôi thì chú ý ngắm những bức tranh trang trí trong ngôi nhà đạm bạc, nhưng tươm tất. Mấy bức tranh kể lại chuyện "Đứa con hư": bức thứ nhất vẻ một cụ già đội mũ chụp, mặc chiếc áo khoác ngủ, từ biệt một thanh niên có vẻ sốt ruột đang vội vàng nhận lấy lời ban chúc của cha cùng với một túi bạc đầy. Trong bức thứ hai, đời sống hư hỏng trác táng của chàng thanh niên được vẻ nên với những đường nét sắc sảo: y ngồi bên một cái bàn giữa đám bạn bè dối trá và những người đàn bà trơ trẽn. Bức tiếp theo vẽ người thanh niên khốn cùng rách rưới, đầu đội mũ ba góc, đang chăn mấy con lợn và chia thức ăn với chúng; mặt y lộ rõ vẻ buồn sâu sắc và lòng hối hận. Cuối cùng là cảnh anh chàng trở về với người cha; ông già phúc hậu vẫn chiếc mũ và cái áo ấy, niềm nở ra đón chàng: đứa con hư hỏng đang quỳ trước mặt cha; phía hậu cảnh, người ta thấy chú đầu bếp đang thịt một con bê béo mập và người anh đang hỏi đày tớ về duyên cớ của bữa tiệc mừng. Dưới mỗi bức tranh tôi đọc được những câu thơ hoạ cảnh bằng tiếng Đức. Đến ngày nay, ký ức của tôi còn giữ nguyên tất cả những thứ ấy, cùng chậu hoa phụng tiên, chiếc giường với chiếc màn cửa sặc sỡ và những đồ vật khác ở quanh tôi hồi ấy. Tôi cũng còn thấy rõ như đang ở trước mặt tôi, người chủ nhà ấy trạc độ năm mươi, tươi tắn nhanh nhẹn trong chiếc áo hơi dài màu xanh lá cây với ba tấm mề-đay mà dây đeo đã bạc màu.
    Tôi chưa kịp thanh toán xong tiền nong với người đánh xe trạm trước, thì Đunhia đã trở về với ấm xa-mô-va. Chỉ liếc nhìn tôi đến lần thứ hai là cô bé yểu điệu đã nhận thấy tác động của nàng đối với tôi: cặp mắt to và xanh của cô nhìn xuống; tôi bắt chuyện, nàng đáp lại không chút e thẹn như một cô gái lịch duyệt. Tôi mời người cha một cốc rượu pun-sờ; trao cho Đunhia một chén trà, và cả ba chúng tôi chuyện trò như những người quen biết nhau từ đời nảo đời nào.
    Ngựa sẵn sàng đã lâu, nhưng tôi vẫn chưa muốn rời người coi trạm và cô con gái của bác ta. Cuối cùng tôi cũng đành phải từ biệt họ; người cha chúc tôi đi đường mạnh khoẻ, và cô gái tiễn tôi ra tận xe. Trong phòng đệm, tôi dừng lại và xin phép ôm hôn nàng; Đunhia không từ chối... Kể từ khi tôi làm việc đó, tôi cũng đã từng hôn nhiều lần, nhưng chưa có chiếc hôn nào để lại trong tôi một kỷ niệm lâu dài và êm đềm đến thế.
    Mấy năm trôi qua, tôi lại có dịp đi trên con đường trạm ấy, trở lại những chốn cũ ấy. Tôi nhớ đến cô gái con bác coi trạm già và thấy lòng vui thích khi nghĩ rằng mình sẽ được gặp nàng một lần nữa. Nhưng tôi lại tự nhủ có thể bác coi trạm già ấy đã đổi đi nơi khác; chắc là Đunhia đã lấy chồng. Tôi thoáng có ý nghĩ rằng bác ta hay cô gái kia đã chết, và tôi tiến gần tới trạm N. với một mối linh cảm buồn rầu.
    Ngựa dừng lại trước ngôi trạm nhỏ bé. Vào phòng tôi nhận ra ngay những bức tranh kể lại câu chuyện đứa con hư hỏng; cái bàn và chiếc giường vẫn nguyên chỗ cũ; nhưng bên cửa sổ không còn thấy những đoá hoa như xưa, tất cả xung quanh đều đượm một vẻ tàn tạ và bừa bãi. Bác coi trạm già đang nằm ngủ, mình đắp chiếc áo lông tu-lúp; tiếng chân tôi bước vào đã đánh thức bác; bác đã choàng dậy... Đúng là bác Xamxôn Vưrin; nhưng sao già đi nhiều quá! Trong lúc bác vào sổ giấy lộ trình của tôi, tôi ngắm nhìn mái tóc bạc, những nếp nhăn in sâu trên khuôn mặt từ lâu không cạo, cái lưng còng của bác, tôi không khỏi lạ lùng sửng sốt: thời gian ba hay bốn năm đã có thể biến đổi một người đàn ông cường tráng thành một cụ già lọm khọm như thế ư? Tôi hỏi: "Bác không nhận ra tôi à? Tôi với bác là chỗ quen biết cũ đây mà?" - "Vâng, có thể như thế đấy, - bác cau có đáp lại, - con đường lớn lắm, tôi đã gặp bao nhiêu khách đi về". - "Đunhia của bác vẫn mạnh khoẻ chứ?" - tôi hỏi tiếp. Ông già cau mặt. "Ồ, có trời biết được", - bác trả lời. - "Thế nghĩa là cô ấy lấy chồng rồi?" - tôi lại hỏi. Ông già làm ra vẻ như không nghe, và tiếp tục lẩm bẩm đọc tờ lộ trình của tôi. Tôi không hỏi nữa và bảo pha trà. Trí tò mò bắt đầu day dứt tôi, và tôi hy vọng rằng một cốc rượu pun-sờ sẽ làm cho ông bạn già của tôi cởi mở hơn.
    Tôi đã không lầm: ông già chẳng từ chối cốc rượu mời. Tôi để ý thấy rượu mạnh đã xoá dần vẻ cau có của ông. Sang cốc thứ hai ông bắt đầu nói nhiều; ông đã nhớ ra tôi, hoặc làm ra vẻ như đã nhớ ra, và tôi biết được câu chuyện của ông, một câu chuyện đã làm tôi chú ý và xúc động mãnh liệt.
    - "Thế ra ông có biết con Đunhia nhà tôi? - ông ta bắt đầu. - Ai mà không biết con bé kia chứ? Chao, Đunhia! Đunhia! Thật là một con bé khó ai bì kịp! Mọi khách đi qua đều trầm trồ khen ngợi chẳng hề ai chê bai nó. Các bà phu nhân làm quà cho nó hoặc chiếc khăn mùi-soa, hoặc đôi hoa tay. Các khách nam giới thì cố ý dừng lại để ăn bữa trưa hoặc bữa tối, nhưng kỳ thực chỉ là để nhìn nó được lâu hơn. Các vị công hầu, dù cơn thịnh nộ đến thế nào chăng nữa, trước mặt nó cũng dịu ngay xuống và ăn nói với tôi rất ôn tồn. Ông có biết không? Ngay các giao thông viên hoả tốc, các sĩ quan liên lạc cũng trò chuyện với nó hàng nửa giờ. Việc nhà, việc cửa đều một tay nó lo liệu: cần sắp đặt nấu nướng gì nó làm đâu ra đấy cả. Còn tôi một lão già ngu ngốc, tôi cũng để tâm đến nó, có khi tôi cũng nở ruột nở gan về nó nữa; đâu có phải tôi không thương yêu Đunhia, tôi không nâng niu con gái rượu của tôi; đâu có phải là cuộc sống ở đây không xứng đáng với nó? Không! Con người ta dù cầu khẩn thế nào cũng không tránh được tai hoạ, số trời đã định thì không ai thoát khỏi". - Rồi ông ta kể cho tôi rõ chi tiết câu chuyện đau buồn của mình. - Ba năm về trước, một buổi chiều mùa đông, giữa lúc bác coi trạm đang kẻ dòng quyển sổ mới, và sau vách ngăn, cô con gái đang ngồi khâu chiếc áo của mình, thì một cỗ xe tam mã đến, một người khách đầu đội chiếc mũ lông kiểu Tséckétxơ, khoác áo ca-pốt nhà binh, choàng khăn san bước vào phòng đòi lấy ngựa. Bao nhiêu ngựa đều đã cho đi hết rồi. Được báo như thế khách lập tức to tiếng và giơ cao chiếc roi da lên, nhưng Đunhia đã quen với những cảnh ấy, liền từ sau vách ngăn chạy ra, dịu dàng hỏi khách: "Thưa ngài, ngài có cần xơi gì không ạ?" Sự xuất hiện của Đunhia đã có tác dụng như thường lệ. Trận lôi đình của khách tiêu tan ngay; khách bằng lòng chờ ngựa và bảo dọn bữa ăn tối. Sau khi khách đã cất cái mũ lông ướt sũng, tháo chiếc khăn san và cởi áo ca-pốt mới thấy rõ đó là một sĩ quan khinh kỵ trẻ tuổi dáng người cân đối, hàng ria mép đen tỉa nhỏ. Anh chàng ngồi xuống, chuyện trò vui vẻ cùng bác coi trạm và cô con gái. Bữa ăn chiều đã dọn xong. Giữa lúc ấy có ngựa về. Bác coi trạm không kịp cho ngựa ăn, bảo thắng ngay vào xe của khách; nhưng khi trở vào, bác thấy chàng trai trẻ sóng sượt trên ghế dài, gần như bất tỉnh nhân sự. Chàng thấy khó chịu và nhức đầu quá, không thể đi được nữa... Biết làm sao đây! Bác coi trạm nhường chiếc giường của mình cho khách, và định bụng rằng nếu bệnh nhân không thuyên giảm thì sáng sớm hôm sau phải cho người đi mời thầy thuốc ở S.
    Hôm sau chàng khinh kỵ càng ốm nặng. Gia nhân của chàng phải phóng ngựa lên phố mời thầy thuốc. Đunhia buộc vào đầu chàng một chiếc khăn tẩm giấm và ngồi ngay cạnh giường khâu vá. Trước mặt bác coi trạm thì bệnh nhân rên rỉ, hầu như không nói được một tiếng nào, nhưng chàng lại uống những hai cốc cà-phê và vừa rên vừa bảo cứ dọn bữa ăn trưa. Đunhia không rời chàng một bước. Chàng luôn mồm đòi uống và Đunhia bưng cho chàng cốc nước chanh tự tay nàng pha lấy. Bệnh nhân chỉ nhắp môi, và mỗi lần trao lại cốc, để tỏ ý cảm ơn, bàn tay yếu ớt của chàng lại nắm chặt lấy tay nàng. Vào khoảng giờ ăn trưa thì thầy thuốc đến. Ông ta bắt mạch người ốm và trao đổi với chàng bằng tiếng Đức, rồi giải thích bằng tiếng Nga rằng chỉ cần để khách yên tĩnh là khỏi thôi và sau hai hôm là có thể lên đường. Chàng khinh kỵ trẻ trả cho ông ta hai mươi lăm đồng rúp tiền khám bệnh và mời ở lại ăn trưa; thầy thuốc nhận lời; cả hai ăn uống rất ngon lành, cạn hết một chai rượu vang và chia tay, đôi bên đều rất hài lòng.
    Một ngày nữa trôi qua, chàng khinh kỵ đã hoàn toàn bình phục. Anh chàng cực kỳ vui vẻ, luôn mồm nói đùa khi thì với Đunhia, khi thì với bác coi trạm; huýt sáo, chuyện trò với khách, ghi giấy lộ trình của họ vào sổ, được lòng bác coi trạm tới mức sớm ngày thứ ba bác rất lưu luyến khi phải từ biệt người khách đáng yêu ấy. Hôm ấy là ngày chủ nhật; Đunhia sửa soạn đi xem lễ. Xe của chàng khinh kỵ đã đánh ra. Chàng từ giã bác coi trạm và trả tiền trọ, tiền ăn cho bác rất hậu; chàng chào Đunhia và tình nguyện chở nàng đến nhà thờ ở cuối làng. Đunhia đang phân vân. Cha nàng bảo: "Con sợ gì kia chứ, ngài đây không phải là con sói, ngài có ăn thịt con đâu mà sợ? Hãy đi nhờ xe ngài đến nhà thờ con ạ". Đunhia ngồi lên xe bên cạnh chàng sĩ quan khinh kỵ, người hầu nhảy lên chỗ mình, anh đánh xe huýt lên một tiếng và mấy con ngựa phóng đi.
    Bác coi trạm khốn khổ kia không hiểu làm sao tự mình lại có thể cho Đunhia cùng đi với chàng khinh kỵ, cái gì làm cho mình mê muội đi và lý trí mình để đâu? Chưa được nửa giờ, tim bác bắt đầu thắt quặn và nỗi lo âu giày vò tâm can đến nỗi bác không làm sao chịu được nữa, bác liền ra nhà thờ. Đến nơi bác thấy người đi xem lễ đã tản mát ra về, mà ở trên sân nhà thờ vẫn không thấy Đunhia đâu, trên bậc thềm cũng không có. Bác vội vã đi vào thánh đường, linh mục đang từ điện thờ bước xuống; người trợ lễ đang tắt các ngọn nến, trong một góc hai bà già đang còn cầu nguyện nhưng Đunhia thì không thấy tăm dạng. Người bố khốn khổ mãi mới dám đánh bạo hỏi người trợ lễ xem Đunhia có đi xem lễ không. Người ấy trả lời là cô ta không đến. Bác coi trạm như người dở sống dở chết trở về. Chỉ còn một hy vọng cuối cùng: Đunhia đang ít tuổi nhẹ dạ, có thể lại muốn đi chơi một chuyến đến tận trạm sau thăm bà mẹ đỡ đầu ở đó. Trong tâm trạng lo âu quằn quại, bác chờ cỗ xe trở về, cỗ xe mà bác đã trót để cho con gái ra đi. Người đánh xe vẫn bặt tăm. Cuối cùng, mãi đến chiều tối anh ta mới trở về, chỉ có một mình, say tuý luý, với một cái tin chết điếng: "Đến trạm sau, Đunhia đã tiếp tục đi luôn với chàng khinh kỵ"
    Ông già không chịu nổi vì bất hạnh ấy, ngã lăn ra ngay trên chiếc giường mà hôm trước anh chàng trai trẻ bịp bợm kia đã nằm. Giờ đây bác coi trạm mới nghĩ lại những việc đã qua và vỡ lẽ ra rằng cái trò đau ốm kia hoàn toàn là vờ vịt cả. Ông già bị một trận sốt ly bì. Họ chở bác đến S. và chỉ định một người khác tạm thế cho ông. Người chữa cho bác lại cũng chính là viên thầy thuốc đã được mời chữa cho chàng khinh kỵ trước kia. Viên thầy thuốc quả quyết với bác rằng anh chàng thanh niên ấy chẳng bệnh tật gì cả, và ngay bấy giờ ông đã đoán được dụng ý hiểm độc của hắn, nhưng không dám nói vì ông sợ chiếc roi da. Không biết người Đức ấy nói thật hay chỉ là muốn khoe rằng mình có con mắt tin đời, nhưng điều ông ta nói cũng chẳng an ủi gì được cho bệnh nhân khốn khổ. Vừa mới bình phục thì bác đã xin chủ sự bưu vụ ở S. cho nghỉ phép hai tháng, và không hở với ai một lời về ý định của mình, bác cuốc bộ lên đường đi tìm con gái. Xem lại sổ, bác được biết rằng người đó là đại uý khinh kỵ Minxki đi từ Xmôlenxcơ đến Pêterburg. Người đánh xe chở y đi đã kể lại rằng Đunhia khóc suốt dọc đường, mặc dù nàng đi là tự nguyện. Bác coi trạm nghĩ: "Có thể ta lại dắt được con cừu lạc của ta trở về!" Với ý nghĩ ấy bác đi đến Pêterburg, nghỉ lại ở chỗ đóng quân của trung đoàn Idơmailốp(5), trong nhà một hạ sỹ quan hồi hưu, bạn đồng ngũ trước kia và bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình. Chẳng bao lâu bác được biết rằng đại uý Minxki ở tại khách sạn Đêmutốp(6). Bác coi trạm quyết định đến gặp y.
    Từ sáng sớm, bác đã đến tiền sảnh và nhờ vào bẩm với đại uý rằng có một người lính già xin yết kiến. Người lính hầu đang lau một chiếc ủng lồng trong cốt, bảo rằng: "Ngài đang ngủ và không tiếp ai trước mười một giờ". Bác coi trạm bỏ đi và trở lại đúng giờ đã định. Minxki đầu đội mũ chụp đỏ, mặc áo choàng ngủ, thân hành ra đón bác. "Nào, người anh em, cần gì đấy?" - y hỏi. Tim ông già đập mạnh, nước mắt trào ra và giọng rung rung chỉ nói được mấy lời: "Bẩm quan lớn!... xin ngài hãy vì Chúa mà sinh phúc..." Minxki liếc nhìn bác rất nhanh, mặt y đỏ bừng, y chụp lấy tay bác, kéo vào phòng mình, đóng kín cửa lại. "Bẩm quan lớn, - ông già nói tiếp, - dù sao việc cũng đã lỡ rồi; ít nhất cũng xin ngài trở con Đunhia tội nghiệp lại cho tôi. Bây giờ ngài đã thoả thích với nó rồi, xin ngài đừng đẩy nó đến chỗ tàn tạ làm gì". - "Việc đã qua, ta không bàn trở lại, - chàng trai trả lời, vẻ hết sức bối rối, - tôi có lỗi với lão, tôi mong lão bỏ qua cho; nhưng chớ có nghĩ rằng tôi có thể rời bỏ Đunhia, nàng sẽ được sung sướng, tôi lấy danh dự mà nói với lão như thế. Lão đem nàng về làm gì nào? Nàng yêu tôi; nàng không còn quen với cảnh sống trước kia nữa rồi. Việc đã xảy ra, lão cũng như Đunhia, sẽ không thể nào quên được đâu". Nói đoạn, Minxki chuồi vào ống tay áo của bác một vật gì đó; y mở cửa ra, và người coi trạm chưa kịp trấn tĩnh thì đã thấy mình đang đứng ở giữa đường.
    Bác đứng đờ ra đấy hồi lâu, cuối cùng thấy trong tay áo mình có cuộn giấy; bác rút ra, mở xem thấy mấy tờ giấy bạc năm rúp và mười rúp nhàu nát. Nước mắt bác lại trào ra, những giọt nước mắt phẫn uất! Bác vò nát mấy tờ giấy bạc ném xuống đất, xéo dưới gót chân, rồi bỏ đi... Được mấy bước, bác dừng chân, suy nghĩ... và quay trở lại... nhưng mấy tờ giấy bạc không còn đó nữa. Một anh chàng trai trẻ ăn mặc bảnh bao thấy bác, bèn chạy nhanh đến một cỗ xe cho thuê, nhảy vội lên và thét: "Đi đi!..." Bác coi trạm không buồn đuổi theo. Bác quyết định sẽ trở về trạm sở, nhưng bác lại muốn nhìn thấy cô con gái Đunhia đáng thương của mình dù chỉ một lần nữa thôi cũng được. Vì thế, hai hôm sau bác trở lại chỗ Minxki; người lính hầu lạnh lùng bảo rằng quan lớn không tiếp ai cả, lấy người ẩy bác ra khỏi nhà và đóng sầm cửa ngay trước mũi bác. Bác coi trạm đứng lặng một lúc, rồi bỏ đi.
    Cũng ngay ngày hôm ấy, vào buổi chiều, sau khi xem lễ ở nhà thờ "Tất cả những người đau khổ", bác đi dọc đường phố Lichâynaia. Bỗng một chiếc xe ngựa sang trọng vụt qua, và bác coi trạm nhận ra Minxki. Chiếc xe dừng bánh trước cổng một ngôi nhà ba tầng và gã kỵ binh bước nhanh lên bậc thềm. Một ý nghĩ bất ngờ chợt loé lên trong trí óc người coi trạm. Bác quay trở lại, đến gần anh đánh xe, hỏi: "Ông bạn ơi, ngựa này có phải của ngài Minxki không?" - "Phải đấy, - anh đánh xe đáp, - nhưng bác muốn gì?" - "May quá, ngài Minxki có bảo tôi đem đến cho cô Đunhia một lá thư nhỏ, nhưng tôi quên mất không nhớ nhà cô Đunhia ở đâu cả?" - "Ồ, ở đây chứ đâu, trên gác hai ấy. Nhưng bác và thư đến chậm rồi; bây giờ thì chính ông ấy đã đến đây với cô ta". - "Không cần, - bác coi trạm trả lời, lòng hồi hộp không sao tả xiết, - cám ơn anh đã chỉ bảo cho, nhưng việc tôi, tôi phải làm". Dứt lời, bác bước ngay lên cầu thang.
    Cửa đóng kín; bác gõ cửa, mấy giây chờ đợi đối với bác thật là nặng nề. Tiếng chìa khoá lách cách, có người mở cửa. - "Có cô Ápđôchia Xamxônốpna* ở đây phải không ạ?" - bác hỏi. - "Phải, ở đây, - cô hầu gái trẻ tuổi đáp, - bác cần hỏi việc gì?" Bác coi trạm không trả lời, bước vào phòng. "Ấy chớ, chớ! - cô hầu gái gọi với theo. - Ápđôchia Xamxônốpna đang bận khách". Nhưng bác coi trạm không nghe, cứ đi thẳng. Qua hai gian phòng tối, đến phòng thứ ba thì thấy có đèn. Bác đến gần cái cửa đang mở và dừng lại. Trong gian phòng bày biện sang trọng, Minxki đang ngồi tư lự. Đunhia phục sức lộng lẫy theo thời trang ngồi trên tay vịn của ghế bành trông như một nữ kỵ mã trên chiếc yên ngựa kiểu Anh(7) của mình. Nàng đang âu yếm nhìn Minxki, mân mê quấn món tóc quăn đen nhánh của chàng vào mấy ngón tay óng ánh kim cương. Tội nghiệp cho bác coi trạm! Chưa bao giờ bác thấy con gái của bác xinh đẹp đến thế; bác ngẩng mặt nhìn. "Ai đấy?" - Đunhia cất tiếng hỏi, không ngẩng mặt nhìn. Bác vẫn im lặng. Không nghe tiếng trả lời; Đunhia ngẩng đầu... và thét lên một tiếng, ngã lăn ra trên tấm thảm. Minxki hoảng hốt vội chạy đến đỡ nàng, nhưng bỗng nhìn ra cửa, thấy người coi trạm già, y bỏ Đunhia, xông về phía bác, run lên vì tức giận. "Ngươi cần gì? - y nghiến răng hỏi, - tại sao ngươi cứ theo ta khắp nơi như đồ trộm cướp? hay là người muốn ám sát ta? Cút đi!" - và bàn tay khoẻ mạnh của y túm lấy cổ áo ông già, tống ra cầu thang.
    Bác trở về chỗ trọ. Người bạn khuyên bác đi kiện; nhưng bác coi trạm suy đi tính lại, đành phó mặc trời, và quyết định rút lui. Hai ngày sau bác từ giã Pêterburg trở về trạm sở tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. "Thế là đã ba năm rồi, - bác kết luận, - tôi sống không có Đunhia và cũng biệt vô âm tín về nó. Nó còn sống hay không, chỉ có Chúa mới biết. Lường sao cho hết được việc đời. Nó không phải là người đầu tiên cũng phải là kẻ cuối cùng bị bọn phóng đãng qua đường quyến rũ, giữ một ít lâu, rồi ruồng bỏ. Ở Pêterburg có rất nhiều những cô ả, hôm nay sống trong nhung lụa, ngày mai đã thấy ra quét đường cùng với lũ người khốn cùng rách mướp(8). Đôi khi nghĩ rằng Đunhia sẽ có ngày lâm vào cảnh ấy, thì dù biết là mang tội với Chúa, tôi vẫn mong cho nó chết đi còn hơn..."
    Câu chuyện của người bạn coi trạm già của tôi là như thế ấy, một câu chuyện luôn bị ngắt quãng vì những giọt nước mắt mà bác lấy ống tay áo gạt khéo đi giống như nhân vật Têrentích(9) cần mẫn trong bài ca tuyệt tác của Đmitơriép. Những giọt nước mắt này nhỏ ra một phần cũng vì sự kích thích của năm cốc rượu pun-sờ mà bác đã nốc cạn trong khi kể chuyện; nhưng dù sao vẫn làm cho tim tôi xúc động mãnh liệt. Sau khi từ biệt, tôi vẫn còn nhớ mãi bác coi trạm già và rất lâu tôi vẫn cứ nghĩ đến cô Đunhia đáng thương...
    Vừa rồi đi ngang qua vùng X. tôi sực nhớ tới ông bạn cũ; tôi được biết rằng ngôi trạm do bác ấy trông nom, ngày nay đã bãi bỏ rồi. Nhưng khi tôi hỏi: "Bác coi trạm già còn sống không?", - thì không một ai trả lời cho thoả đáng, tôi quyết định tới thăm chốn quen thuộc ấy, và thuê ngựa tư về làng N.
    Hôm ấy đang trong tiết thu. Mây xám phủ kín bầu trời; gió lạnh thổi qua những cánh đồng đã gặt, cuốn theo những chiếc lá đỏ, vàng của cây cối bên đường. Tôi đến làng khi trời đã ngả về chiều và dừng lại trước túp nhà trạm cũ. Một người đàn bà to béo ra phòng đệm (nơi xưa kia đã có lần Đunhia hôn tôi), nghe tôi hỏi, bà ta trả lời rằng bác coi trạm già đã mất hơn một năm nay, nhà này bây giờ một người nấu rượu bia đến ở và bà ta là vợ của người ấy. Tôi tiếc cuộc hành trình vô ích và bảy đồng rúp chi tiêu uổng phí. "Bác ta vì sao mà chết thế?" - tôi hỏi vợ người hàng rượu. "Vì uống rượu nhiều quá", - bà ta đáp lại. "Họ an táng bác ấy ở đâu thế nhỉ?" - "Ở ven rìa làng, bên cạnh mộ bà vợ của ông ấy". - "Có thể giúp tôi đến viếng mộ bác ấy không?" - "Sao lại không? Này, Vanhia, thôi đừng nghịch con mèo nữa. Mày đưa ông ấy ra nghĩa trang và chỉ cho ông mộ của bác coi trạm nhé!"
    Bà ta vừa dứt lời, một em bé rách rưới, tóc hoe, chột mắt chạy đến bên tôi và lập tức đưa tôi ra nghĩa trang.
    Dọc đường tôi hỏi chú bé:
    - Cháu có biết bác coi trạm ấy không?
    - Sao lại không? Ông ấy vẫn dạy chúng cháu khoét sáo và (mong Chúa cứu vớt linh hồn ông) đôi lúc ông ở quán rượu ra, chúng cháu vẫn bu theo vòi: "Ông ơi ông, hạt dẻ nào!" - thế là ông phân phát hạt dẻ cho chúng cháu. Ông vẫn đùa với chúng cháu đấy.
    - Thế hành khách có ai nhớ đến bác ta không?
    - Bây giờ thì ở đây ít người qua lại; hoạ hoằn chỉ có ông bồi thẩm thỉnh thoảng về đây. Nhưng ông ấy không hơi đâu mà nghĩ đến người chết. Mùa hè vừa rồi có một bà phu nhân đi qua đây, bà có hỏi thăm ông coi trạm và viếng mộ ông ấy.
    Tôi tò mò hỏi:
    - Phu nhân nào thế?
    - Một phu nhân rất đẹp, - chú bé đáp, - đi một cỗ xe sáu ngựa kéo, với ba cậu ấm, một người vú và một con chó nhỏ đen; khi nghe nói ông coi trạm chết, bà ấy khóc và bảo mấy cậu con rằng: "Các con ngồi đây cho ngoan nhé, mẹ đi ra nghĩa trang". Cháu đã toan tình nguyện đưa đường, nhưng bà bảo: "Ta biết lối đi rồi". Bà cho cháu năm đồng xu bằng bạc, bà ấy tốt quá!...
    Chúng tôi đã đến nghĩa trang, một cái bãi trơ trụi, không rào giậu, không một bóng cây, chỉ lơ thơ mấy chiếc thánh giá bằng gỗ. Xưa nay tôi chưa thấy một nghĩa trang nào ảm đạm thê lương đến thế.
    - Đây là mộ ông coi trạm già, - chú bé vừa bước tới vừa chỉ một nấm cát có trồng một cây thánh giá mang tượng thánh bằng đồng.
    - Bà phu nhân có đến đây à? - tôi hỏi.
    - Vâng, đến đây, - em Vanhia đáp; - cháu đứng đằng xa nhìn. Bà ấy sụp xuống đấy nằm mãi một hồi lâu. Sau đó bà vào trong làng gặp linh mục trao một món tiền, rồi ra đi, lại cho cháu một đồng xu năm nữa - bà ấy tốt quá!
    Tôi cũng thế, tôi cho em bé một đồng xu năm và không tiếc cuộc hành trình cũng như bảy đồng rúp tiêu phí nữa.
    *Ápđôchia tức là Đunhia (Đunhia là tên gọi âu yếm)
    PHỤ LỤC
    (1) Đề từ trích không thật đúng theo bài thơ "Thư trạm" (1825) của nhà thơ Nga P.A.Viademxki (1792-1878). Bảng phân loại về cấp bậc của Piốt I chia toàn bộ giới quan chức dân sự ra thành mười bốn ngạch bậc, viên chức đăng lục là thuộc bậc thấp nhất, bậc thứ mười bốn.
    (2) Bọn thơ lại ở nước Nga trước thời Piốt I nổi tiếng về chuyện ăn của đút và hối lộ. -
    (3) Rừng cây ở vùng Murôm (thuộc Vlađimia) trên bờ phải sông Ôca là chỗ trốn tránh của bọn côn đồ trộm cướp.
    (4) Người đưa thư từ công văn.
    (5) Ý nói vùng ngoại vi của Pêterburg, nơi có doanh trại của trung đoàn Idơmailốp.
    (6) Khách sạn loại sang ở Pêterburg trên bờ sông Môika, không xa đại lộ Nhépxki; bản thân Puskin cũng đã nhiều lần trọ ở đó.
    (7) Phụ nữ cưỡi ngựa thường có kiểu yên riêng, ngồi vắt hai chân sang một bên. -
    (8) Chỉ những người say rượu lúc đêm khuya ngoài đường phố bị bắt buộc phải gác đường cho đến sáng dưới sự giám sát của cảnh sát và phu quét đường.
    (9) Têrentích - người hầu nô lệ, nhân vật trong bài thơ "Thầy đội kỵ binh về hưu" (1791) của I.I.Đmitơriép.

Kết Thúc (END)
Alexander Pushkin
» Con Đầm Pích
» Cô Tiểu Thư Nông Dân
» Người Chủ Hiệu Quan Tài
» Người Coi Trạm
» Ông Chủ Hiệu Đám Ma
» Bão Tuyết
» Phát Súng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ