Thấm thoắt đến Tết. Rằm tháng Chạp, lão Kiền đi ngân hàng rút lãi tiết kiệm được tám nghìn đồng. Lão Kiền mua cho Tốn cái áo sơ mi, mua cho Sinh đôi bít tất, còn lại tiền đưa cả cho Cấn. Khảm bảo: “Bố chỉ quý con dâu, con út".
Khiêm phải theo xe đi các tỉnh mua lợn, vắng nhà mấy ngày liền. Công việc chắc vất vả , hôm nào Khiêm cũng đi làm từ mười một giờ đêm đến trưa hôm sau mới về, người toàn mùi phân lợn. Về nhà vật ra ngủ liền, thế mà mắt cứ lõm sâu vào, vằn tia máu đỏ.
Cấn cũng đông khách. Từ sáu giờ sáng đến mười giờ đêm lúc nào cũng có người chờ cắt tóc. Buổi trưa Cấn ngủ, Khảm ra cắt tóc thay anh. Hôm đầu chưa quen, Khảm cắt phải tai một ông khảch làm chảy máu. Ông này tức, tiền cắt tóc hết bảy mươi đồng chỉ trả có hai mươi đồng. Cấn lấy bút chì ghi tiền làm được hàng ngày vào một cuốn sổ, một trăm đồng thì ghi dấu cộng, hai trăm đồng dấu khuyên tròn, lại vẽ những hình tam giác trong chấm một cái chẳng biết là ký hiệu gì. Đoài bảo: “Sổ sách kế toán của ông này thật như gián điệp". Ngày 23 tháng Chạp ăn Tết ông Táo lên trời. Sinh nấu miến, mọi người ăn no căng bụng. Khảm hỏi: "Sao gọi là ông Táo?" Đoài bảo: "Chuyện thế này. Ông Táo là ba ông đầu rau. Ngày xưa có hai anh em cùng lấy một vợ. Người này một hôm ngủ với anh , một hôm ngủ với em. Khi họ chết, Ngọc Hoàng cảm động mối tình khăng khít của họ, biến mỗi người thành một ông đầu rau để lúc nào cũng gần gặn. Ta gọi là thần Bếp, hay ông Táo”.
Sinh bưng mâm xuống bếp. Khảm bảo: "Ngày xưa được phong thần dễ nhỉ?" Lão Kiền bảo: "Đừng nghe nó". Đoài bảo: "Lại có chuyện thế này. Nhà kia có cô con dâu, bố chồng bóp vú cô ta. Đứa con trai hỏi: " Sao ông bóp vú vợ tôi?" Ông bố bảo: "Để trừ nợ. Thế hồi xưa sao mày bóp vú vợ tao?”. Nghe nói những người này cũng được phong thần". Cấn bảo: “Chuyện của chú, tôi chẳng hiểu gì". Lão Kiền bảo: “Đừng nghe nó".
Ngày 27 , lão Kiền gói bánh chưng. Gói một yến rưỡi nếp, được hăm tám chiếc bánh. Bánh có hai loại, loại nhân đỗ, loại nhân đường, loại nhân đường đánh dấu bằng sợi lạt nhuộm phẩm đỏ.
Sinh luộc bánh chưng. Đoài quanh quẩn ở bếp. Đoài hỏi: "Sinh biết nhà này tương lai thuộc về ai không?" Sinh bảo: "Không". Đoài cười: "Về tôi”. Sinh hỏi: “Sao thế?" Đoài bảo: "Bố già bố chết. Thằng Khiêm trước sau cũng vào tù. Thằng Khảm ra trường không đi Tây Bắc thì cũng Tây Nguyên. Thằng Tốn không nói làm gì, vô tích sự". Sinh hỏi: "Thế còn anh Cấn?" Đoài bảo: "Phụ thuộc vào Sinh. Nến Sinh yêu tôi, tôi sẽ gây sự tống cổ ra đường". Sinh bảo: "Dễ thế?" Đoài bảo: "Sinh còn quyến luyến cái gì? Lão Cấn vừa ngu vừa hèn, lại yếu, bác sĩ bảo bị lãnh tinh, lấy Sinh hai năm mà có con cái gì đâu?" Sinh ngồi yên, nồi bánh chưng sôi sùng sục.
Đoài bảo: "Tối nay tôi vào buồng Sinh nhé! "
Sinh vớ con dao, nói khẽ: "Cút đi. Anh đến gần đây là tôi giết đấy! " Đoài cười nhạt, đi giật lùi, bỏ lên nhà, vừa đi vừa lẩm bẩm: "Đàn bà là giống ác quỷ".
Hai chín Tết, lão Kiền đi chợ mua về một cành hoa đào. Đến chiều ba mươi, Khiêm mang về một chậu quất to ba tầng quả với bánh pháo cối dài sáu mét. Khảm bảo: "Chơi sang quá đấy”. Đoài bảo: "Nó cậy lắm tiền". Khảm bảo: "Hai anh em mình mang tiếng có học mà Tết nhất đến, một bộ quần áo hẳn hoi không có". Đoài bảo: "Chỉ có con đường lấy vợ giàu thôi. Tối nay mày đưa tao đến con ông ánh sáng ban ngày đấy nhé". Khảm bảo: "Được thôi. Nếu anh tán được thưởng em cái gì?” Đoài bảo: "Thưởng cái đồng hồ". Khảm bảo: "Được rồi. Anh ghi cho em mấy chữ làm bằng". Đoài hỏi: "Không tin tao à?" Khảm bảo: "Không". Đoài ghi vào giấy: “Ngủ được với Mỹ Trinh, thưởng một đồng hồ trị giá ba nghìn dồng. Lấy Mỹ Trinh, thưởng 5% của hồi môn. Ngày... tháng... năm... Nguyễn Sĩ Đoài". Khảm cười cất mảnh giấy vào túi rồi nói: "Cám ơn".
Khảm bảo: “Hôm qua em nghe anh Khiêm kể chuyện, thế là đến tối gặp phải giấc mơ kinh quá". Đoài hỏi: " Chuyện gì?" Khảm bảo: "Anh Khiêm kể về công việc giết lợn. Hai tay cầm hai cực điện dí vào thái dương từng con. "éc" phát là chết. Bị mất điện, anh Khiêm phải dùng xà beng quật vào gáy lợn. Gặp con lợn khỏe, quật chục cái không chết, gáy toét cả ra, buồn ngủ quá, anh Khiêm quật cả vào chân. Một ca anh Khiêm giết được hơn nghìn con lợn, được khen thưởng”. Đoài hỏi: "Thế giấc mơ gì?" Khảm bảo: "Em mơ thấy đi giết lợn, giết mãi không chết, con lợn cứ nhe răng cười, thế là bị đuổi đi dọn cả một bể cứt. Bể cứt xây xi măng, kích thước 10x 6 x l, 5 mét, dung tích 90 khối. Mưa bão đến, bể cứt trôi phăng phăng, em ngập trong ấy, cứt vào cả mồm, cả lỗ tai". Đoài bảo:”Giấc mơ tốt đấy còn công việc để ý làm gì. Mà y chơi xổ số đi, thế nào cũng trúng. Các cụ bảo giẫm vào cứt là có lộc về. Mày chìm cả người trong bể cứt, có khi mày trúng xổ số độc đắc cũng nên". Khảm bảo: "ừ nhỉ. Anh không nói thì em không biết". Nói rồi hớn hở chạy ra phố.
Lúc giao thừa, ở nhà khi ấy chỉ có Khiêm, Tốn với Sinh. Ông bà Hiển cho con rể đi xe máy xuống mời lão Kiền với Cấn lên phố chơi từ chập tối, chắc uống rượu say chưa về được. Đoài với Khảm dẫn hai cô Mỹ Trinh và My Lan đi chùa Ngọc Sơn hái lộc.
Khiêm bày lên bàn thờ con gà mái tơ Sinh luộc từ chiều, mỏ ngậm một bông hoa hồng. Lại mở hộp mứt, lấy rượu rót ra ba cốc, pha một ấm chè, bày cả lên đấy. Khiêm bảo: " Chị Sinh ra lễ". Sinh thoa tí son, mặc quần côn, áo len dài bên trong, bên ngoài khoác áo len cộc đan kiểu gilê, không cài khuy, cổ choàng một chiếc voan mỏng màu hoàng yến, trông khác hẳn ngày thường vẫn mặc bộ đồ trong nhà. Sinh bảo: "Chú lễ đi. Tôi đàn bà con gái biết khấn thế nào". Khiêm bảo: "Chị là bề trên, chị cứ vái ba vái trước còn đâu tôi khấn". Sinh bảo: " Cũng được". Nói rồi ra trước bàn thờ vái ba vái, đứng lẩm nhẩm một lúc, lại vái ba vái nữa, không phải là người không biết nghi thức.
Khiêm bảo Tốn: "Tao treo bánh pháo ở cửa, lúc nào tao khấn xong thì châm lửa đốt". Nói rồi châm điếu thuốc đầu lọc cắm vào miệng Tốn. Khiêm bảo: " Cầm điếu thuốc dí thế này này". Tốn gật đầu.
Khiêm vái ba vái, nói: " Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm thứ..." Tốn đốt pháo. Cả ba nét mặt rạng rỡ. Trời đất giao hòa, lòng người cảm động.
Khiêm bảo: "Năm mới, chúc chị Sinh sức khỏe, may mắn. Mừng tuổi chị một nghìn, chị cầm lấy để cho có lộc". Sinh rớm nước mắt: “Cho tôi nhiều thế” Tôi cũng chúc chú mạnh khỏe, bằng năm bằng mười năm ngoái. Anh Cấn giữ hết cả tiền, tôi chẳng có gì mừng tuổi cho chú. Chị mừng tuổi Tốn một trăm. Đây là lộc của chú Khiêm". Tốn cầm tiền giơ lên ánh đèn, hỏi: "Tiền à?" Khiêm bảo: "ừ" Tốn hỏi: "Tiền là gì?" Khiêm bảo: "Là vua".
Một giờ sáng lão Kiền với Cấn về. Một lúc sau, Đoài với Khảm cũng về. C ả nhà ngồi ăn uống đến ba giờ, chợp mắt được nửa tiếng, lại lục đục dậy làm cỗ, khấn vái qua loa, lại ăn uống. Đến tám giờ, lão Kiền bảo: "Tao đi chúc Tết hàng xóm, vợ chồng thằng Cấn đi theo tao. Khiêm ơi, mày cho bố ít tiền để đi mừng tuổi".
Lão Kiền và vợ chồng Cấn đi chúc Tết. Lão Kiền mặc quần bảo hộ lao động, áo dạ len, đội mũ len trùm đầu. Cấn mặc bộ quần áo may kiểu quân phục cấp úy, bộ quần áo này mua trên chợ Giời, có một vết thủng ở ống tay áo do tàn thuốc rơi vào. Sinh mặc quần bò nhung, áo lông Đức. Khảm bảo: “Chị Sinh trông như Hoàng hậu".
Nhà hàng xóm sang chúc Tết, Đoài ra tiếp. Chúc mừng xong xuôi ngồi uống nước nói chuyện phiếm. Đoài bảo: "Xin lỗi bác, cháu chẳng biết nhà bác có bao nhiêu người, tên là gì? " Ông hàng xóm cười: "Thì tôi cũng thế". Đoài bảo: "Ngày xưa bọn ăn trộm có luật chia ra bốn loại mà chúng không lấy: một là nhà hàng xóm, hai là nhà bạn bè, ba là nhà đang có chuyện buồn, bốn là nhà đang có chuyện vui. Cứ thế này, cháu đi ăn trộm, lơ mơ phạm luật". Ông hàng xóm cười: "Thì các con tôi cũng thế". Uống nước xong, mọi người ra về. Đứa con ông hàng xóm bảo: " Cái tay Đoài có học mà ăn nói linh tinh". Ông hàng xóm bảo: "Loạn".
Ba ngày Tết trôi qua, lòng đường đầy xác pháo. Ai cũng có cảm giác ngày Tết trôi nhanh! Ngày nào mà chẳng trôi nhanh, hở giời?
BUỔI TỐI
Cuối tháng ba, Sinh tắt kinh, thèm ăn của chua, thỉnh thoảng lại nôn oẹ, người cứng đơ, triệu chứng có thai.
Tháng năm xảy ra việc lão Kiền ốm, đầu tiên tưởng nhẹ, ai ngờ cứ nặng dần. Đầu tiên lão Kiền chỉ hoa mắt, nhìn một hóa hai, cửa không đi cứ đâm sầm vào tường. Cả nhà lo sợ, đưa đi bệnh viện Tây y. Bác sĩ chẩn đoán rối loạn chức năng thần kinh, cho uống B6. Bác sĩ bảo: "Đây này, dây thần kinh thế này, hai dây chập vào nhau, thế là trông một thành hai, trông gà hóa cuốc”. Cấn hỏi: "Thưa bác sĩ, vậy làm thế nào?" Bác sĩ bảo: "Y học đang nghiên cứu". Nằm một tuần, mắt lão Kiền mờ đi. Đoài bảo: "Tôi ngờ đoán nhầm bệnh" Đoài sang nhờ người quen ở bệnh viện Đông y. Người này bảo: "Tây y ra quái gì. Chú về đưa ông cụ đến đây”. Đoài về, xin cho lão Kiền chuyển viện. Bác sĩ bảo: "Đi là không trở lại đâu nhé”.
Lão Kiền điều trị Đông y, không khỏi, người rạc đi, đầu đau nhức. Dến tháng mười phát hiện tháy có u não. Bác sĩ bảo: "Để thì chết, mổ may ra cứu được". Cấn về họp gia đình, Cấn bảo: "Làm thế nào? Từ khi bố ốm nhà mình tiêu nhiều tiền lắm”. Cấn giở quyển sổ kế toán ra đọc: "Chú Khiêm đưa một lần một nghìn, một lần tám nghìn, một lần năm nghìn. Chú Đoài đưa một lần một trăm, một lần sáu chục, một lần một nghìn mốt. Chú Khảm đưa một lần ba trăm nhưng hôm tôi đưa một nghìn đi lấy thuốc ông lang Toại, chú Khảm mua hết có năm trăm, còn năm trăm vẫn cầm. Tiền thức ăn thế này... thế này... Ai chi gì tôi ghi cả".
Đoài bảo: "Tôi nghĩ bố già rồi, mổ cũng thế, cứ để chết là hơn". Tốn khóc hu hu. Cấn hỏi: "ý chú Khảm thế nào?" Khảm bảo: "Các anh thế nào thì em thế". Cấn hỏi: "Chú Khiêm sao im thế?" Khiêm hỏi: “Anh định thế nào?" Cấn bảo: "Tôi đang nghĩ”. Đoài bảo: "Mất thì giờ bỏ mẹ. Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé".
Hôm lão Kiền mổ não, trừ Sinh với Tốn, mấy anh em đều kéo nhau lên bệnh viện. Ca mổ kéo dàì bốn mươi hai phút. Ngồi ngoài phòng chờ, Đoài bảo Khảm: "Ông cụ không viết di chúc mới gay, sau này tài sản biết chia thế nào?" Khảm bảo: "Lão Cấn tham lắm, anh em mình rồi ra đường thôi". Đoài bảo: "Sang năm tao cưới Mỹ Trinh, ông ánh sáng ban ngày hứa cho một cây. Mày bảo một cây mua nổi nhà không?” Khảm bảo: "Vào tay em, em nhân nó lên vài cây ngay". Đoài bảo: "Có năng khiếu kinh doanh thích thật, còn các năng khiếu như văn chương, nghệ thuật, v. v... đều vô dụng cả”.
Cấn vào gặp bác sĩ. Một lúc sau đi ra lắc đầu: "Bác sĩ bảo khoảng một tháng nữa thì đưa bố về". Hôm đưa lão Kiền về, lão Kiền đầu quấn băng, hỏi gì cũng không nói, mắt lờ đờ. Vào trong nhà, Sinh tháo gỡ băng ra. Đầu lão Kiền trọc lốc, nổi lện một khối u to như. quả trứng gà. Nửa tháng sau, khối u này to bằng nửa quả bưởi, lấy ngón tay ấn vào thấy như có chứa bã dậu ở trong, ấn mạnh thì lõm sâu, ấn nhẹ thì lõm ít. Sinh phục vụ, săn sóc, rất khổ sở.
Khảm hỏi Đoài: "Bệnh này có lây không?" Đoài bảo:”Có kiêng có lành. Tao khuyên mày cẩn thận. Vợ chồng lão Cấn còn có tiền. Thằng Khiêm còn có tiền. Tao với mày lở bệnh, tiền đâu mà chữa?" ít lâu sau, lão Kiền mê sảng, cứ rên rỉ: “Cho tôi chết đi, đau đớn lắm". Không khí trong nhà u ám, ai cũng buồn rầu. Đến ngay Tốn cũng bỏ lau nhà, suốt ngày ngồi thu lu trong cái buồng vẫn để than củi cạnh nhà xí.
Bà Hiển trên phố xuống, thấy anh mình vật vã đau đớn, khóc: "Anh ơi, tiền oan nghiệp chướng gì mà anh chết khổ, chết sở thế này”. Bà Hiển bảo: "Chúng mày xem thế nào chứ? Để thế này à?” Cấn bảo: "Cô bảo làm thế nào nữa?" Bà Hiển bảo. "Cô có người bạn, bà ấy có bài kinh Vô thường, bây giờ xin chép về đọc, may ra ông ấy sẽ đi yên ổn". Đoài bảo: "Lại thế nữa".
Bà Hiển bắt Khiêm đèo lên phố, đến nhà bà bạn để chép kinh Vô thường. Khiêm mang về bảo Đoài: "Anh giỏi chữ, anh đọc đi". Đoài cầm tờ giấy, xoay ngang xoay dọc rồi lắc đầu: "Chữ nghĩa chú viết thế này thì tôi xin chịu, thật quá sổ sách kế toán ông Cấn".
Khiêm vào đọc kinh. Lúc ấy là chập tối. Bà Hiển thắp hương ngồi cạnh. Lão Kiền lúc đầu vật vã, rồi nằm yên. Mười một giờ đêm, mọi người đi ngủ. Khiêm vẫn ngồi đọc. Đọc đi rồi lại đọc lại. Đại ý bài kinh xin đức Phật giải tội cho người sắp chết, để nghiệp chướng cho người sống chịu, lời lẽ khó hiểu. Suốt đêm Khiêm ngồi đọc, lạc cả giọng. Đến bốn giờ sáng hôm sau, lão Kiền tắt thở, trên môi thấp thoáng nụ cười, trông rất hiền lành, trung hậu. Khiêm vuốt mắt bố rồi vào gọi Cấn. Cả nhà dậy. Đoài bảo: "Ông cụ đi rồi. Thật may quá. Bây giờ tôi đi mua quan tài".
NGÀY THƯỜNG
Sau hôm giỗ lão Kiền một trăm ngày, Sinh đẻ con gái. Đón Sinh về, mọi người làm tiệc mừng. Cấn với Khảm đi chợ. Khiêm nấu nướng. Đoài với Tốn dọn nhà. Hai cô My Lan và Mỹ Trinh đến dự, mua cả hoa.
Vào tiệc, mọi người để Sinh ngồi giữa, hai cô My Lan và Mỹ Trinh ngồi hai bên. Sinh đẹp lộng ìẫy Đoài rót rượu ra cốc, đứng lên nói: "Cốc rượu này tôi dâng cuộc sống. Rượu vừa ngọt vừa cay. Ai chấp nhận cuộc snng thì cầm lên cho. Cuộc sống dù khỉ gió nhưng đẹp tuyệt vời. Vì đứa trẻ mới sinh ra kia, vì tương lai của nó". Mọi người nâng cốc, Đoài bảo: "Khoan đã. Nhưng nó tên gì nhỉ?" Mọi người cười. Cùng uống rượu vui, Khiêm bảo: "Chị Sinh ơi về làm dâu họ Sĩ nhà này chị có khổ không?" Khảm bảo: "Chị phải nói thế nào cho hai cô My Lan, Mỹ Trinh khỏi sợ". Sinh cười: "Cứ thế này thì không thấy khổ". Cấn hỏi: "Thế ngày thường thì thấy khổ à?" Sinh bảo: "Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm”. Tốn mỉm cười ngô nghê nhắc lại: "Thương lắm!"
Người đưa thư qua cửa ngó vào: "Nhà 129 phải không? Có điện đấy". Cấn ra nhận điện, bảo: "Cậu Vỹ ở Phúc Yên mất lúc tám giờ sáng hôm qua". Đoài bảo: "Cứ gác lại đã. Các bác già chết đi có gì là lạ? Tiếp tục cuộc vui đi. Nào, xin mời chư tướng!"
Kết Thúc (END) |
|
|