Chí lại đến Vũng Tàu công tác. Khác với những lần trước, anh không thuê xe ôm chạy từ từ qua một cư xá trên đường Trần Hưng Đạo với một hy vọng mong manh vô tình nhìn thấy Hà, lần này anh chỉ thả bước lững thững dọc con đường ven biển, ngắm cảnh quan Vũng Tàu ngày một đẹp đẽ phong quang hơn. Khi chân đã khá mỏi, anh vào một quán giải khát, vừa uống từng ngụm nhỏ nước chanh đá, vừa đưa ánh mắt ra xa, nơi những con sóng đùa dỡn không biết mỏi mệt.
Bỗng có hai cô gái chạy ào vào quán, cô mặc áo thun quần gin va cả vào thành ghế của anh.
- Cháu xin lỗi chú, cô bé ngượng nghịu lý nhí nói và gần như ngay lập tức quay lại cười nói như sáo sậu với cô bạn cùng đi.
Khuôn mặt cô bé bất ngờ xuât hiện làm Chí sững sờ vì nó giống hệt khuôn mặt Hà hơn hai mươi năm trước. Sau một lúc lặng lẽ quan sát hai cô bé vui vẻ trò chuyện, anh tiến đến bên bàn của hai cô, nói với cô bé đụng ghế anh hồi nãy:
- Xin lỗi cháu, nhà cháu có ai tên Hà không?
Bất ngờ trước câu hỏi của người đàn ông trung niên nói giọng Bắc, cô bé lại lý nhí như lúc nãy:
- Cháu là Hà.
Bây giờ đến lượt Chí bị bất ngờ. Sao vậy nhỉ?
- Mẹ bạn ấy cũng tên là Hà. Cô bạn nói xen vào.
Trời đất! Thế là thế nào?
- Cháu là Ngọc Hà, mẹ cháu là Bích Hà.
- Có phải mẹ cháu ngày trước học Kinh tế ở Sài gòn?
- Dạ phải.
Bao nhiêu năm đi tìm Hà, bây giờ Chí lại gặp đúng con gái của Hà! Cuộc đời cũng lắm thứ kỳ lạ thật.
Nhìn vẻ mặt của người đàn ông, Ngọc Hà hình như hiểu ra một điều gì đó:
- Chú có quen mẹ cháu?
- Không hẳn là quen, nhưng có biết mẹ Hà hơn hai mươi năm trước. Bây giờ mẹ cháu làm gì, ở đâu?
- Mẹ cháu ở Vũng Tàu đây thôi, làm trong Liên doanh Vietxopetro.
Chí từng nhiều lần vào làm việc với Vietxopetro, sao anh không gặp Hà nhỉ?
- Chú muốn gặp mẹ cháu không? Cô bé hỏi với một thoáng tinh nghịch.
- Gặp ư? Gặp được thì cũng thú vị.
- Vậy để cháu gọi cho mẹ cháu, từ chỗ cơ quan mẹ cháu ra đây chỉ mấy phút chạy xe. Nhưng cháu phải nói với mẹ cháu chú tên là gì?
Vào đầu những năm 80, Chí đưa một đoàn chuyên gia Liên xô vào miền Nam công tác. Đoàn đi nhiều thành phố, trong đó có Tp. HCM và Vũng Tàu. Trong thời gian ở Tp HCM, đoàn làm việc với Công ty Cơ khí miền Nam. Ông Phó Tổng Giám đốc Công ty này là được giao đón tiếp và tổ chức cho đoàn làm việc. Vốn ham vui và chịu chơi, ông Phó Tổng hay mới đoàn bạn đi nhậu. Song cũng vì ham vui và chịu chơi nên ông bị bà vợ người gốc Hà Đông kiểm soát gắt gao, luôn cho con gái đi giúp bố trong việc tiếp khách nước ngoài. Cô bé đang học năm thứ 3 môn Kinh tế, mới bập bẹ một ít tiếng Nga nên thích nói chuyện với mấy “ông Tây” hiền lành vui tính.
Cô rủ thêm Hà, bạn cùng lớp đi chung. Nhờ vậy Chí quen Hà.
Bố Hà người Quảng Ngãi tập kết ra Bắc, lấy vợ Hà nội, sau Giải phóng đưa cả gia đình vào Vũng Tàu sinh sống. Do đó nơi Hà tổ hợp đủ các nét của ba miền: một chút dịu dàng của người Hà nội, một chút lãng mạn của người miền Trung và một chút táo bạo của người Nam bộ.
Hai cô sinh viên nói chuyện líu lo với các bạn Nga, đôi khi bí từ phải nhờ Chí giúp đỡ. Dần dần Hà thân với Chí, đúng hơn thì đó là sự hâm mộ của cô gái mới lớn dành cho chàng trai khôi ngô hát hay và nói chuyện dí dỏm. Còn anh thì bị cái ngây thơ tươi trẻ của cô hấp dẫn. Cô hẹn bao giờ đoàn về Vũng Tàu công tác thì cô sẽ “dzọt” về Vũng Tàu chơi với Chí, cô cho địa chỉ, hẹn anh tìm đến nhà cô (hồi đó chưa có điện thoại nhiều như bây giờ).
Thế là một chiều nọ hai người rủ nhau ra Bãi Sau tắm biển. Cô gái Vũng Tàu bơi tốt hơn Chí, cô bơi ra xa, cười chế nhạo anh không dám ra theo, còn anh chỉ dám bì bõm ở chỗ nước không quá ngực. Bỗng nhiên cô vội vàng bơi vào bờ, lảo đảo đến gần anh, giọng run run:
- Em bị cảm.
Nhìn khuôn mặt tái xám của Hà, Chí luống cuống đưa nàng lên bờ, vội vàng lấy chiếc khăn tắm quấn quanh người nàng, trong khi Hà hầu như không đi vững được nữa. Biết là Hà cần nhanh chóng trút bộ đồ ướt và làm ấm cơ thể, anh thuê một phòng trọ ngay sát bờ biển, dìu nàng vào đó. Sau khi ra ngoài kiếm dầu gió trong khi Hà thay đồ, anh nhanh chóng cạo gió cho nàng. Bàn tay anh di chuyển khắp lưng, vai và cả một phần ngực của nàng. Hai mắt nàng mở to, nhìn anh trân trân. Đôi mắt như dại đi, như van xin anh đừng làm một điều gì đó hay hãy làm một điều gì đó, anh cũng không hiểu.
Kiếm tấm mềm mỏng đắp lên người nàng, anh nói nhỏ:
- Em hãy nằm nghỉ rồi một chút nữa khoẻ anh đưa em về.
Hà vẫn nhìn anh như thế và cái nhìn ấy cứ theo anh đi suốt cuộc đời.
Sáng hôm sau, khi xe sắp chuyển bánh về sài gòn, Hà vội vã chạy đến. Hai người chỉ có hơn một phút để chia tay nhau. Mắt Hà đẫm lệ, hai tay nàng nắm chặt lấy tay anh. Trước khi chạy về xe, Chí chỉ kịp rút chiếc bút bi 3 màu đang gài trên túi áo ngực gài lên áo nàng. Và rồi hai người không bao giờ gặp lại nhau nữa vì ngay sau khi ra Hà nội anh lại phải đi xa mất 3-4 năm, khi trở về anh không dám viết thư cho nàng.
Một người đàn bà ngoài bốn mươi tuổi, ăn mặc theo kiểu văn phòng, dáng tự tin bước vào quán cafe. Nàng nhận ra Chí ngay, chủ động chìa tay cho anh bắt.
Bé Ngọc Hà láu lỉnh nhìn mẹ:
- Tụi con phải đi đây, mẹ trả tiền nước cho tụi con luôn nhé!
Hai người nói cho nhau nghe về mình, về những sự kiện trong cuộc sống sau khi chia tay nhau. Họ có hạnh phúc không? Hình như có mà cũng hình như không. Trong cuộc đời có ai hạnh phúc trọn vẹn? Lạ một điều là họ trao cho nhau name-card như hai nhà ngoai giao. Vào phút chia tay, nàng mở bóp tặng lại anh chiếc bút bi ba màu, chiếc bút mà anh gài lên áo nàng ngày nào!
Về Hà nội, vừa bật máy tính anh đã thấy có mail của Hà:
“Anh ơi, em vẫn tin là sẽ có ngày gặp lại anh và em đã được gặp anh. Lúc ở quán cafe, em không kịp nói với anh một điều: ”Ngày đó chưa hẳn là em đã yêu anh, có thể đó chỉ là một thoáng rung động đầu đời. Nhưng sự kính trọng và trìu mến anh để lại nơi em đã làm cho em luôn cảm thấy, nếu có một người đàn ông cho một đời đàn bà của em thì người đó chính là anh”. Bây giờ chúng ta đều có tổ ấm của riêng mình, em xin chúc anh và gia đình luôn vui vẻ và hạnh phúc”.
Anh không trả lời mail của Hà vì tin là nàng biết anh sẽ đọc nó.
Năm tôi đã xong phổ thông, tập trung học tiếng để đi học nước ngoài, thì một chuyện buồn cười (buồn cười đối với bọn mới lớn chúng tôi hồi đó) xảy ra với Tuấn - cậu bạn vừa hàng xóm vừa cùng lớp với tôi: Tuấn có em bé!
Bố Tuấn là bộ đội, ông đi chiến trường lúc Tuấn mới hơn một tuổi, mười lăm năm sau trở về đã là một bác thương binh đầy thương tật và bệnh tật. Tuổi xuân của mẹ Tuấn trôi qua trong đợi chờ, tần tảo nuôi con và kết thúc bằng việc sinh ra cho Tuấn một em bé gái (trước khi mẹ sinh em, bố Tuấn đã qua đời).
Nếu bớt đi dăm tuổi hẳn chúng tôi đã trêu chọc Tuấn chuyện có em bé đến phát khóc mới thôi, chẳng hiểu vì sao lần này không ai làm việc đó, thậm chí mấy bạn gái còn đến giúp may tã, kiếm vải cũ may áo may mũ cho em. Bé trở thành đứa em chung của nhóm bạn chúng tôi.
Gần sáu năm sau tôi về nước, Tuấn bạn tôi đang ở chiến trường. Tôi mang cho em, cô học sinh lớp hai, con búp bê lật đật. Lần đầu tiên biết tôi, em rụt rè không dám nhận, nhưng sau thì không rời xa con lật đật một phút nào. Sau này tôi ân hận mãi, sao không cho em một con búp bê tóc vàng mắt xanh xinh đẹp, lại cho em con lật đật để sau này cuộc đời em lận đận kéo dài.
Rồi tôi lại đi xa, lần này về em đã 9-10 tuổi. Phố tôi có cái vỉa hè vào loại rộng nhất Hà nội, bao thế hệ trẻ con đá bóng trên vỉa hè này. Chiều chiều đi làm về tôi dừng lại xem chúng đá bóng, ngạc nhiên thấy cô em của chúng tôi cũng đang lăn xả tranh chấp quả bóng với bọn con trai cùng trang lứa. Mái tóc xõa bay, hai mắt long lanh, mỗi khi ghi bàn thắng bé khua khua chiếc áo sợi cộc tay quanh đầu. Từ đó chiều nào tôi cũng ghé qua Hàng Bông mua que kem đậu xanh gói vào tờ báo mang về cho em. Nhìn em đứng mút kem, mắt liếc về phía bọn nhóc trai đầy tự hào và khiêu khích, tôi thấy lòng mình ấm áp lạ thường.
Ngày đám cưới tôi, em đã là một cô gái dậy thì. Em vít đầu tôi xuống thì thầm: “Sau này lớn lên em sẽ lấy một người như anh”. Như anh ư, tôi nghĩ, quá dễ, người như anh vô khối!
Những ngày có mặt ở Hà nội, bao giờ tôi cũng dành thời gian dạy thêm cho em. Không có kỹ năng sư phạm nên tôi không dạy em cụ thể môn gì, giúp em giải bài toán bài lý nào. Tôi chỉ muốn gieo vào lòng em niềm đam mê kiến thức, ham muốn học hỏi, phương pháp tư duy chặt chẽ và quan trọng nhất là tính nghi ngờ khoa học, điều rất cần thiết cho những ai làm công tác nghiên cứu. Than ôi, nếu như em không quá thông minh, không hề biết nghi ngờ là gì thì đến giờ này em đâu phải cô đơn như vậy.
Em học rất giỏi, được đi nước ngoài, ở lại chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Ngày về nước, em nhắn tôi ra sân bay đón. Một người không còn là thiếu nữ nhưng chưa nhuốm bụi trần ai chạy ào đến hôn vào má tôi. Nhớ lại, chỉ có mẹ hay hôn vào má tôi hồi tôi còn bé và hai đứa con tôi khi chúng còn chưa lớn.
Nhận việc ở một viện nghiên cứu, em khá bận rộn. Trưa chủ nhật nào em cũng đến nhà tôi, lăng xăng giúp vợ tôi nấu nướng, hỏi bài hai đứa con tôi và đến chiều thể nào hai anh em cũng đi xem đá bóng, hạng A hạng B gì cũng xem. Em hiểu và yêu bóng đá như cách của một người thông minh đã từng chơi bóng đá. Thật thú vị mỗi lần anh em tranh nhau bình luận, em hăng lên quên cả việc tôi hơn em đến gần một thế hệ, nói năng rất ngầu.
Cứ thế ngày tháng trôi đi, tôi không một lần dám hỏi chuyện chồng con của em. Đó là khu cấm địa trong quan hệ hai anh em chúng tôi. Cho mãi đến ngày con gái lớn tôi làm đám cưới, tôi vít đầu em xuống thì thầm: “Bao giờ đến lượt cô?”
Trong mắt em một nỗi buồn sâu thẳm mà tôi bắt gặp lần đầu. Em ngoảnh mặt nhìn ra hướng khác không trả lời.
Chắc hẳn nhiều chàng trai đã đến với em, nhiều người giỏi giang, đẹp đẽ và giàu có. Sao em không chọn cho mình một người trong số đó, một người để chia sẻ với em những buồn vui cuộc đời, một người để mỗi ngày đi làm về em cảm thấy náo nức đúng nghĩa mấy chữ trở về nhà? Hay có một kẻ trai nào đó đã làm em thất vọng? Hay không có trên đời này một tấm đàn ông nào xứng đáng với em?
Tết này em đang ở Pháp thỉnh giảng. Tôi viết bài này tặng em, cô bé đá bóng thủa nào...
Kết Thúc (END) |
|
|