Thời bọn tôi học phổ thông, học sinh trong lớp hơn kém nhau dăm ba tuổi là chuyện bình thường. Hai chị em Hồng và Văn cùng học một lớp. Văn có cậu bạn thân là Bảo. Bảo thường hay đến nhà Văn chơi, học bài, tán phét hay rủ nhau đi đá bóng.
Trái tim thiếu nữ trong Hồng dần dần nghiêng về phía Bảo. Khi yêu người ta hay cố tìm nơi người mình yêu những biểu hiện của sự hồi đáp thì những cử chỉ thân ái bình thường giữa những người bạn cũng được tưởng tượng thành dấu hiệu của tình yêu thầm kín. Bảo quý mến Hồng như đối chị gái, đi đâu chơi với Văn về, Bảo cũng nhớ mua một gói ô mai cho Hồng, hôm nào Văn ốm thì Bảo chở Hồng đi học.
Hồng nghĩ Văn cũng có những tình cảm như mình và cũng che dấu nó y như mình. Họ còn quá trẻ, nề nếp gia đình và xã hội thời đó không cho phép các cô cậu học sinh có quan hệ yêu đương quá sớm như ngày nay.
Hết Phổ thông, Văn vào bộ đội, Hồng sang Liên xô học đại học. Hai con tàu đi về hai hướng khác nhau, giữa họ không xảy ra “cuộc chia ly màu đỏ” như trong một bài thơ nọ, nhưng Hồng đã mang mối tình với Bảo đến với nước Nga lạnh lẽo suốt năm năm vất vả học tập ở một trường nổi tiếng ở Matxcơva. Nhiều bạn trai, nhiều anh nghiên cứu sinh tìm cách tiếp cận Hồng, nhưng Hồng hoàn toàn “khiếm thị”, Hồng sống trong ảo giác tình yêu với Bảo và của Bảo. Hai người không hề có thư từ gì cho nhau, chiến tranh mà, Bảo lại ở chiến trường, Hồng tự giải thích cho mình như vậy.
Năm 1972 về nước, Hồng vào làm ở Truyền hình Việt nam. Đám bạn gái lần lượt đi lấy chồng. Hồng vẫn đợi ngày Bảo từ chiến trường trở về. Giải phòng miền Nam xong, có tin Bảo vẫn còn sống, Hồng mừng lắm.
Năm 1978 Bảo ra quân, tìm đến thăm Văn và Hồng. Hồng cố kìm không để nước mắt trào ra, đã 13 năm trôi qua họ chưa gặp nhau kể từ mùa hoa phượng tốt nghiệp phổ thông! Suốt 13 năm qua Hồng chỉ gặp Bảo trong những giấc mơ, cố hình dung ra hình ảnh anh, người lính quân Giải phóng! Trước mắt Hồng bây giờ là một Bảo gầy, xanh xao, nghèo như bất kỳ anh lính giải ngũ nào. Anh ít nói, Hồng lại nghĩ là Bảo mặc cảm.
Rồi Bảo vào Đại học Bách khoa, Hồng chờ đợi ngày hai người trở nên tương xứng về trình độ học vấn. Có lẽ đến ngày đó Bảo mới dám ngỏ lời chăng?
Văn tranh thủ nói với Bảo về tình yêu của Hồng dành cho Bảo. Bảo sững sờ! Anh không yêu Hồng, trớ trêu thay. Ước gì anh có được một cô gái mà anh yêu và yêu anh như vậy.
Giải pháp là phải đi xa, thật xa Hà nội, thật xa Hồng. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Bảo xin vào Sở Công nghiệp Kiên Giang làm việc, ở đó anh có những người bạn chiến đấu, đó là mảmh đất có thấm máu của anh và từ đó anh sẽ tìm cách viết thư nói cho Hồng biết anh đối với Hồng chỉ là một người bạn thời niên thiếu.
Hồng đau khổ, không đau khổ nào có thể lớn hơn sự sụp đổ của một ảo giác kéo dài gần hai mươi năm. Hai cô em gái của Hồng đều thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên, Hồng nhận các cháu về nuôi để các em có thời gian làm lại cuộc đời. Hồng chôn cất mối tình của mình trong sự bận rộn chăm lo cho các cháu ăn học.
Và cũng đến ngày Hồng phải về hưu chế độ, mái tóc đã bạc gần hết.
Gần đây tôi nghe có người nói Hồng tham gia một câu lạc bộ khiêu vũ, một tuần ba lần đi nhảy với những người bạn hưu. Hồng trẻ ra, khoẻ manh, tóc nhuộm đen.
Và tôi cũng nghe nói Hồng yêu ông thầy giạy nhảy. Ông này rất quan tâm hướng dẫn, uốn nắn từng động tác cho Hồng. Hồng lại tìm thấy ở đó những biểu hiện kín đáo của tình yêu, mặc dù đối với mọi học trò ông thầy đều nhiệt tình như nhau.
Bây giờ Hồng sống với mối tình mới, mối tình ảo giác thứ hai trong cuộc đời.
Xin bạn đọc đừng mỉm cười thương hại Hồng. Lũ chúng ta có ai là sống không có một chút ảo giác? Nhìn cuộc sống bằng con mắt trần trụi, ngày nay bằng kính hiển vi điện tử, chúng ta sẽ thấy được gì?
Tình yêu là xứ sở của ảo giác.
Kết Thúc (END) |
|
|