Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nước Lên Tác Giả: Mai Ngữ    
    Nước vẫn lên, ngày càng lớn. Những dòng nước đục ngầu cuồn cuộn đổ về, những bụi tre đã bị chìm đến nửa thân, những mái nhà lút dần lút dần. Bà đứng một mình, tay bám vào thân tre, ướt lướt thướt, tay ôm bụng chửa. Làng xóm vắng, chẳng có một bóng người, chẳng ai nghe thấy tiếng kêu cứu của bà hay là tiếng kêu nhỏ nhoi ấy bị. tiếng gió, tiếng nước chảy ào ào lấp hết. Trời xám nhờ nhờ, những cuộn mây đen quay cuồng. Nhìn đâu cũng thấy nước, nước mênh mông. Những cây cột điện bên đường cái bị nước ngâm ngả nghiêng, xác một con trâu chết trương lên to và đen trôi vật vờ.
    Và trong cái đám mung lung hỗn loạn ấy bà thấy cái bè chuối, trên bè một người đang cố sức chèo chống, tiến về phía bà. Đúng ông ấy rồi, vẫn quân phục hẳn hoi, lại đeo cái ba lô to tướng, lưng thắt túi gạo. Bà hốt hoảng giơ cánh tay vây. Ông ấy cũng vẫy vẫy, nhưng khoảng cách giữa hai người cứ xa dần. Rồi bất ngờ cái bè chuối hất ngược, ông ấy rơi xuống nước. Cái mũ cối lật ngửa nổi lềnh bềnh, quay tít, chỉ còn thấy cánh tay của ông ấy giơ lên khỏi mặt nước chới với. Lại một con nước tràn đến, cánh tay mất hẳn. Bà hét lên:
    - Anh Trường...
    Đúng lúc ấy chợt nghe tiếng gọi của cô con gái ở dưới nhà, tiếng léo xéo làm bà tỉnh giấc: “Mẹ ơi mẹ ơi...” Bà vội ngồi dậy, lại tiếng gọi: “Mẹ ơi mẹ dậy chưa?” – “Dậy rồi đây...”. Cô con gái bước lên mấy bậc cầu thang nói với:
    - Mẹ ơi, con đi làm đây. Có nửa cái bánh mì với túi sữa, con để ở bàn ăn. Lát nữa mẹ dậy ăn...
    - Được rồi, con cứ đi đi... À mà khi về nhớ xin cho mẹ mấy cái hộp giấy...
    - Vâng, con sẽ đem về... Con đã dọn lại phòng dưới nhà, quét sạch sẽ, lát nữa các bác ấy đến làm...
    - Được rồi...
    Bà Trường đứng lên quấn lại mớ tóc đã lưa thưa và bạc rồi bà ngồi thừ ra trong khi dưới nhà cô con gái mở cửa sắt, lát sau nghe tiếng xe máy nổ. Con bé đi làm rồi... Bà vẫn chưa hết bàng hoàng về giấc mơ vừa rồi. Bà lại trông thấy ông ấy, ông ấy đứng trên cái bè chuối gọi bà rồi ông ấy chìm xuống nước, bà chẳng làm gì được để cứu ông ấy. Bà cứ đứng đó hai tay ôm cái bụng chửa.
    Ngày đó bà đang có mang đứa con gái lớn, chị con Hương này. Bây giờ nó đã có chồng con rồi. Ngày ấy bà sống bên nhà chồng ở Từ Sơn, vào cái năm 1971, đê sông Đuống vỡ, cả một vùng bên kia sông nước tràn ngập mênh mông. Làng của bà cũng bị chìm, ông cụ bố chồng và cậu em chồng phải đưa bà chạy lên đê rồi hai cha con lại quay về nhà chống đỡ với nước. Cả làng, đàn bà trẻ con sống trên đê, vẫy gọi máy bay trực thăng của chính phủ thả bánh mì xuống. Cây cầu sông Đuống rung rinh như sắp bị cuốn trôi, người ta kéo mấy toa tầu chở đẩy đá nằm trên đè lên. Năm ấy, ông ấy vừa từ Quảng Trị về vội phóng xe đạp đến sông Đuống rồi gửi xe ngoài ấy, đi đò về làng. Sau đó lại đóng bè chuối vào nhà. Mấy cha con đánh vật với nước cứu thóc lúa, cứu con gà con lợn phải bê chúng ngự trên cao, nước tràn vào mấp mé cái án thư thờ cúng tổ tiên. May nước đến đó thì ngừng lại. Ông bố chồng nói với con trai: “Thôi con hãy đưa nó ra Hà Nội tình hình này chưa biết bao giờ nước mới rút, vợ mày lại đang có thai, lội nước không được...". Chiều sẫm hôm ấy, ông mới đưa được bà ra Hà Nội, vẫn cái xe đạp cọc cạch đèo nhau. Rồi ông ấy đưa bà vào ở tạm trong trạm khách của đơn vị. Thu xếp cho vợ xong xuôi, ông ấy lại lộn về làng dọn dẹp... Bà cứ nhìn ông ấy nhợt nhạt vì ngâm nước, môi tím tái, mặt mũi bơ phờ mà thương. Ba năm sau bà sinh thêm con Hương chưa đầy năm thì ông ấy lại vào chiến trường Trị Thiên, lần này ông đi và không bao giờ trở lại nữa. Ông thành liệt sĩ và bà là vợ liệt sĩ...
    Bà Trường đang ăn dở mẩu bánh mì thì có tiếng gọi. Bà vội thưa và ra mở cửa, ba bà trong tổ phụ nữ kéo đến. Mỗi bà xách thêm mấy túi quần áo vừa quyên góp, có bà còn đem cả mấy cái hộp giấy cứng. Bà Trường mời cả vào rồi định đi pha nước.
    Bà Tần xua tay: "Thôi thôi, nước nôi gì, bọn này không uống nước chè. Ta làm đi..." Mỗi bà ngồi một góc chiếu, tất cả những gói quần áo quyên góp tối qua, cô con gái đã thu gom lại. Bà Trường bảo: "Thế này nhé, các bà cứ lôi tất ra, sắp xếp lại chăn màn để riêng, quần áo người lớn để riêng, trẻ con để riêng rồi ta soát lại cái nào dùng được hẵng gửi đi, cái nào cũ quá để lại...!” Bà Vi thêm: "Gửi giúp đồng bào bị lụt thì cũng cho nó hẳn hoi... Hôm nay nhà bà Quý đem đến mấy cái quần cũ, tôi không nhận, quần cũ của bà ấy thì ai dám mặc... Lại thêm cả xì líp coóc xê nữa thế có quái không, nhà giàu nứt đố đổ vách ra mà toàn thải những của làm giẻ lau cho người ta..."
    Bốn bà vừa làm vừa trò chuyện. Chợt bà Sâm hỏi: “Sáng nay sao trông bà Trường có vẻ mệt?". Bà Trường ngẩng lên: “Đêm qua tôi nằm mơ, sợ quá... Toàn nước là nước, cứ mênh mông mênh mông, chẳng thấy đâu là bờ. Tôi thấy ông nhà tôi chìm nghỉm dưới nước, muốn nhảy xuống kéo ông ấy lên mà chân tay cứ bủn rủn...”. Bà Sâm kéo đống quần áo sang bên: “Chắc là tối qua bà xem trên ti vi thấy cảnh lũ lụt ở miền Trung nên đêm ngủ mới nằm mê.“ - “Vâng tối qua tôi với con cháu Hương ngồi soạn quần áo quyên góp đến khuya, vào nằm vừa chợp mắt là thấy toàn cảnh lũ lụt... Nghĩ mà thương đông bào trong ấy. Xưa kia tôi đã bị vào cảnh ấy mới thấy sợ...”. Cả bốn bà vừa làm vừa trò chuyện. Bà Sâm lại nói: “Hôm nọ tôi đi với bà Tần vào nhà ông Sự quyên tiền. Ông ấy rút tờ năm nghìn. Tôi bảo: Ông ơi, miền Trung hàng trăm năm nay mới bị cảnh lụt này, ông nên chia sẻ với đồng bào, ông nghĩ sao mà lại đóng góp có năm nghìn. Rồi danh sách chúng tôi phải báo cáo lên phường lên quận, ông không sợ người ta chê cười à? Ông ấy nhìn tôi và bảo: Thấy nói là tuỳ tâm... Rồi nghĩ thế nào, ông ấy vào buồng lấy ra tờ năm chục nghìn, thế mới phải chứ?“. Bà ấy cũng góp chuyện: “Xem như nhà cô Thức, chồng liệt sĩ con ốm nằm viện ba tháng rồi cô ấy thì tối nào cũng đi quét rác ngoài đường, công nhân vệ sinh môi trường mà. Vậy mà tôi vào, cô ấy mở túi ra đưa cho tôi cúng năm chục nghìn. Tôi thấy mà rớt nước mắt đành phải nhận...”. Bà khác lại đế vào: “Nhà bà Quy vừa xây cái nhà ba tầng, vậy mà ném cho tôi toan loại quần áo như giẻ rách. Tôi không nhận, về nhà con bé nhà tôi nói bảo: Sao mẹ không nhận, mẹ cứ nhận rồi gói vào tờ báo đem lại cho bà ấy và bảo. Tôi thay mặt đồng bào lũ lụt cám ơn lòng tốt của bà nhưng tôi đem nộp người ta không nhận bảo xe vận tải phải chở thứ khác... Nó bảo tôi thế đấy các bà ạ...”. Bà Trường ngẩng lên: “Không nhận thì thôi việc gì phải nói ác với người ta...”.
    Những thứ quyên góp của cả khối mà các bà đang soạn lại ấy toàn đồ tốt, nguyên mấy bộ quần áo rét chưa mặc, lại cả chăn màn cũng còn mới. Tấm lòng, phải đây là những tấm lòng của các bà các chị giống như tấm lòng người hậu phương hướng ra tiền tuyến xưa kia. Mấy bà ngồi đây toàn những bà phải sống bằng đổng lương hưu còm cõi của chồng hoặc của mình. Bà Trường thì đến đồng lương hưu của chồng cũng không có vì ông ấy là liệt sĩ hăm nhăm năm nay, mình bà chạy vạy nuôi con, hai đứa con, có đứa còn chẳng nhớ mặt cha. Đồng tiền có bao giờ dư dật, mua mớ rau cũng phải tính, may mà cả hai con đều đi làm, mỗi tháng cho bà một hai trăm nghìn. Bà chỉ có điểu tự hào duy nhất an ủi bà: nghèo nhưng trong sạch, con cái ngoan ngoãn, biết yêu thương
    Bốn bà đang lúi húi thì tiếng chuông ngoài cửa gắt lên. Lâu nay bà Trường vốn sợ tiếng chuông bấm, có hôm đang ăn com tiếng chuông làm cho bà giật thót đánh rơi cả bát đũa. Tim bà vốn yếu cả xóm ai cũng biết nên vào nhà bà ít người bấm chuông, chỉ đứng ngoài mà gọi ơi ới. Bà Trường đứng lên ra mở cửa. Một bà bước vào, to mập, quần áo đúng mốt, gương mặt kiêu hãnh. Chẳng thèm chào hỏi ai, bà hỏi trống không: “Thế nào xong chưa để tôi lấy xe con đưa lên quận. Các anh ấy dặn...”. Bà Trường hỏi lại: “Các anh nào?” Người kia hơi sững sờ, vội tươi cười dàn hoà: “Các anh trên quận ấy mà... Thế mà bà phải hỏi, các anh rất quan tâm đến khối ta. Các bà chịu khó quá nhỉ, khi nào đóng gói xong nhớ bảo tôi đấy...”. Nói rồi bà quay quả bước đi có vẻ bận rộn lắm. Bà Trường quay lại chỗ ngồi, khẽ nói:
    - Cái bà này rõ là, lúc nào hễ mở miệng là “các anh ấy” nào ai biết các anh ấy là ai?
    Một bà hỏi:
    - Thế bà ấy có đóng góp nhiều không?
    - Bảo là đã đóng góp trên quận rồi...
    - Còn quần áo?
    Bà Trường lắc đầu:
    - Tối qua tôi sang nhà, bà ấy lục tủ lôi ra toàn những vảy áo, váy ngắn váy dài sặc sỡ, xanh xanh đỏ đỏ đứng ngắm một lát rồi bảo: những thứ này gửi vào vung lũ lụt không dùng được, của tôi toàn đồ sịn cả đấy bác ạ. Thôi tối nay tôi đợi cháu nó soạn lại rồi tôi đưa sang bác, vậy mà chẳng thấy gì hết...
    Bà Sâm dẽ dàng:
    - Hồi này vận động bầu cử xem ra bà ấy có vẻ gần gũi với chị em mình. Trước kia đi chẳng chào, về chẳng hỏi người đâu mà tiệm lời.
    - Có gì đâu, bà ấy công tác trên quận, kỳ này được giới thiệu ứng cử Hội đồng nhân dân nên tỏ vẻ đi sát quần chúng kiếm cái phiếu bầu...
    Bà Vy nói:
    - Tôi là tôi đã quyết định rồi, dứt khoát là tôi không có bầu cho bà ta. Trẻ con trong ngõ cứ gọi bà ấy là nữ quái. Ôi chào, chiếm dụng đất công rồi xây nhà hai cái nhà bán một cái, nói thác rằng cho bà chị ở nhà, nhờ vả gì, không có mấy chục cây vàng thì làm sao lọt vào được mà ở nhờ... Mà ở trên đâu có biết hay có biết cũng lờ đi, thế là êm, nay lại ra làm ứng cử viên, hay thật... Mà bà không bầu, chúng ta không bấu thì nơi khác, khối khác, phường khác họ đâu có biết, họ cứ bầu, thấy trên giới thiệu là người ta bầu.
    Bà Sâm sốt ruột xua tay:
    - Thôi thôi, xin các bà, các bà dù không bầu, bà ta vẫn trúng cử, có vậy thôi... Ta soạn nốt những thứ này rồi còn đóng gói gửi đi... Chiều nay làm xong, sáng mai tôi thuê xích lô chở lên phường, thế là hoàn thành... Mà cũng có dịp này chị em mình mới được ngồi lâu với nhau, các bà nhỉ!
    - Phải, bà nói phải, sáng mai ta cứ thuê xe gửi đi, khỏi cần cái xe ô tô của ai hết, rồi người ta lại nhập nhằng thành tích của họ. Của người phúc ta, tôi còn lạ gì...
    Không hiểu sao mấy bà đểu tỏ ý không ưa gì cái bà cán bộ quận kia, người đàn bà mới ngoài năm mươi, ăn diện nhất khối này và cũng làm vẻ đài các nhất khối này. Bà Trường vừa làm vừa ngẫm nghĩ, thân phận bà ta cũng chẳng ra sao, trông người thì thấy có mẽ mà chồng lại chê, nó bỏ đi với con khác, nuôi được thằng con lớn lên cũng chẳng ra sao, lêu lổng và đề đóm, cộng ăn việc làm không có hay có mà nó chẳng chịu làm. Vậy mà mỗi lần họp phụ nữ, bà ta hay lên giọng răn dạy người khác. Thật lạ!
    Chiều hôm ấy chỉ còn bà Sâm đến nhà bà Trường, hai bà kia xin kiếu bận cháu, về sau thêm hai mẹ con bà Khâm. Cô con gái được nghỉ bù, nhanh nhảu chạy đi mua cuộn dây buộc và cuộn bang dính khổ rộng, thêm thếp giấy học trò. Cô đóng gói rất thạo, hòm nào cũng vuông vắn, chắn chắn, dán lên mỗi hòm tờ giấy viết dòng chữ đậm: Chi hội PN Khối... Hàng ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt! Khi ra về, mấy bà đứng sững ngắm nhìn hơn hai chục cái hòm, cái hộp bìa cứng được đóng gói cẩn thận, được chằng buộc, được dán giấy ghi rõ ràng, những cái hòm xếp đầy nửa gian bà Trường. Đó là công sức, là tấm lòng của các bà mấy hôm nay chia sẻ với bà con bị nạn. Bà Sâm bước ra cửa còn nhắc lại:
    - Nhớ tám giờ sáng mai, tôi thuê xích lô vào đây rồi tôi với bà theo xe lên phường...
    Sáng hôm sau, chiếc xe xích lô chở đầy những hòm giấy cùng với hai bà đạp xe đạp ra đi. Tới đầu ngõ thì gặp đúng ngay bà cán bộ quận đang đứng mua xăng, bà nhanh nhảu:
    - Đã bảo các bác cứ ở nhà, em lên quận điều xe ô tô về chuyển lên chỗ các anh ấy... Các anh ấy dặn...
    Bà Sâm cắt ngang:
    - Cảm ơn bà, chúng tôi chở lên Hội phụ nữ phường bây giờ đây...
    - Ơ hay, sao lại chở lên phường, lên quận chứ? Các anh ấy đã dặn... Mà thuê xích lô thế này tiền đâu, ai chi?
    Bà Trường nhẹ nhàng:
    - Bà khỏi lo, chúng tôi lấy tiền riêng trả, không lấy vào tiền quyên góp đâu ạ. Mà chúng tôi đã hợp đồng với các chị trên phường rồi, các chị ấy hẹn sáng nay... Chỉ có điều cả ngày hôm qua đợi mãi chẳng thấy bà đem quần áo sang, đến nhà thì bà đi vắng...
    Bà cán bộ phân bua:
    - Em đã nộp tất tật lên quận rồi, cả tiền, cả quần áo. Các anh ấy biết cả...
    Rồi bà cụt hứng nhảy lên chiếc xe máy Chaly lùn tịt ve ve chạy trên đường phố đông người. Bà Sâm lẩm bẩm: “Cứ mở miệng là “các anh ấy, các anh ấy dặn, các anh ấy bảo, các anh ấy hỏi. Cứ vậy có khi chẳng có anh nào, bà ta cứ phịa ra để doạ người ta...”.
    Bà Trường trèo lên xe đạp nghe bà Sâm nói gì đấy hỏi:
    - Bà vừa bảo sao?
    - Ấy là tôi nghĩ không hiểu trước khi bà ấy đi ngủ có được các anh dặn gì không?
    - Cái bà này, già rồi còn nói nhảm! Bà Trường phì cười, đạp theo chiếc xích lô. Ông già chở hàng đợi hai bà đến mới nói: “Tôi tưởng các bà chở hàng gì, chứ hàng này thì tôi không lấy tiền xe đâu... Tôi nghèo, có chút ít góp với bà con. Được không, hai bà...?“. Rồi ông mắm môi đạp đi. Chiếc xe ngất nghểu những hòm giấy, hộp giấy ngất ngư khuất dần ngay ngã tư. Hai người đàn bà ngẩn người nhìn ông già, rồi vội vã đạp theo...
    

Kết Thúc (END)
Mai Ngữ
» Người Đàn Bà Ngủ Trong Rừng
» Con Chuột
» Lãng Đãng Chiều Sương
» Lời Mai Trò Chuyện - Đỗ Chu
» Giã Biệt
» Nước Lên
» Hũ Vàng
» Từ Miền Quê Yên Tĩnh
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen