Trên chiếc đồng hồ cũ kỹ, bác thợ rèn bằng đồng hun, to không hơn một chú lính chì, đang giơ búa lên. Có tiếng “ cạch ”, và chiếc búa hạ xuống cái đe bằng đồng, với một tiếng ngân vui vẻ vang khắp căn phòng rồi chìm lặng đi dưới tủ sách. Bác thợ rèn nện tám tiếng. Bác chuẩn bị nện tiếng thứ chín, nhưng cánh tay bác dừng lại giơ trên đầu. Bác cứ đứng như vậy suốt một giờ đồng hồ, tay giơ cao, đợi để đánh tiếng thứ chín lên đe.
Bé Masha đứng cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài trời, không quay đầu lại. Nếu em quay đầu lại, vú già Petrovna ( chắc chắn như vậy ) sẽ tỉnh giấc và sẽ bắt em quay vào giường nằm.
Vú Petrovna đang ngủ chập chờn trên đi văng, và mẹ thì đang ở nhà hát, bao giờ chẳng thế. Mẹ múa ở nhà hát nhưng chẳng khi nào cho cô con gái nhỏ cùng đi.
Nhà hát, thật là mênh mông; có những cột bằng đá và bốn con ngựa bằng gang đang lồng trên nóc. Và có một người đàn ông trên đầu có một vòng lá đang ghìm giữ bốn con ngựa lại. Người đó hẳn khoẻ vô cùng. Khoẻ và dũng cảm mới ghìm nổi bốn con ngựa hung hăng đến thế trên nóc nhà chứ. Vó những con ngựa nhao ra khoảng không. Em bé xúc động nghĩ bụng về những gì có thể xảy ra một khi người kia không đủ sức giữ chúng lại nữa; chúng sẽ rời khỏi mái và lao xuống quảng trường ầm ầm ngay trước mắt các chú dân phòng.
Trong nhiều ngày qua, mẹ khi nào cũng xúc động. Lần đầu tiên mẹ sẽ múa trong vai Lọ Lem, và mẹ đã hứa sẽ cho cả vú Petrovna cùng bé Masha tới coi. Chỉ còn hai ngày nữa thôi. Mẹ đã lôi trong chiếc rương lớn ra một bông hoa nhỏ bằng pha lê hết sức tinh tế. Một món quà tặng của ba. Ba là thủy thủ và sau một trong những chuyến đi xa về, ba đã đem bông hoa đó tặng mẹ.
Sau rồi ba ra trận. Ba đã đánh chìm nhiều chiến thuyền phát xít. Chính ba cũng đã bị chìm hai lần, và ba cũng đã bị thương nữa. Nhưng ba còn sống. Và giờ đây ba lại đi xa, tới một nơi có tên gọi đến tức cười: Kamtratka, và mãi tới mùa xuân ba mới trở lại kia…
Mẹ nhấc bông hoa pha lê ra và thầm thì điều gì với nó. Chuyện thật lạ kỳ, vì trước nay chưa từng thấy mẹ nói chuyện với đồ vật bao giờ.
- Rồi đó, ngày vinh quang của mi đã tới - Mẹ nói.
Và Masha đã hỏi mẹ:
- Ngày gì hả mẹ?
- Con còn nhỏ lắm, con chưa hiểu nổi…Khi tặng mẹ bông hoa này, ba nói với mẹ: “ Khi nào lần đầu tiên em múa trong vai Lọ Lem, em hãy gài bông hoa nhỏ này vào ngực áo sau khi đã múa hết màn vũ hội trong lâu đài. Và anh sẽ biết rằng chính lúc đó em đã nghĩ tới anh ”.
Masha phật ý đáp lại:
- Con không còn bé nữa đâu, và con hiểu hết!
- Con hiểu thế nào?
- Tất cả!
Masha thấy đỏ mặt xấu hổ, vì khi nào em nói điều gì, em đều thích mọi người đều tin.
Mẹ đặt bông hoa pha lê lên bàn và dặn Masha không được động tới bất kể vì lý do gì, vì nó rất mỏng manh.
Và vì vậy tối đó bông hoa mới nằm trên bàn lóng lánh gần Masha. Yên tĩnh quá; mọi vật dường như ngủ cả: cả ngôi nhà, cả khu vườn bên kia lớp cửa kính, cả con sư tử bằng đá nằm dưới kia, gần cửa, càng ngày càng trắng ra vì tuyết đang rơi phủ xuống thân nó. Riêng Masha không ngủ. Cả cái lò sưởi điện cũng không ngủ. Cả mùa đông cũng không ngủ. Masha nhìn qua cửa sổ, trong khi nước trong lò sưởi điện đang khẽ ca khúc ca ấm áp, trong khi mùa đông từ trên đang trút xuống tuyết dày và lặng lẽ đang bốc bay trước ngọn đèn, trước khi hạ xuống đất. Masha không sao hiểu nổi vì đâu mà những bông hoa to và đỏ thế kia trong giỏ trên bàn của mẹ lại có thể nở giữa mùa đông trong khí trời băng giá. Nhưng em còn ít hiểu hơn con quạ màu xám đang đậu trên cành cây kia và nhìn em không chớp mắt qua làn ô kính cửa sổ.
Con quạ đang đợi lúc vú già mở cánh cửa sổ cho thoáng nhà và sau đó dắt Masha vào phòng tắm.
Khi đó, quạ sẽ tới đậu trên thành cửa sổ, công việc ngày ngày nó vẫn làm thế, sau đó nó sẽ lẻn vào trong phòng, nó sẽ ăn trộm một thứ gì đó, bất kể thứ gì, rồi vội quay ra vườn. Nó vội vã lắm, đến mỗi lần nào cũng vậy, nó đều quên chùi chân và vì thế nó làm bẩn cả thảm trải nhà. Mỗi bận từ phòng tắm trở lại, vú Petrovna đều giơ tay lên trời và la lên:
- Chà chà, con vật quỷ quái, nó lại đánh cắp cái gì đó rồi!
Masha bắt chước điệu bộ vú già, và hai u con liền tìm xem vật gì vừa biến mất. Thông thường là một miếng đường, một chiếc bánh bích quy hoặc một khúc dồi.
Con quạ trú ở quầy hàng, Masha vẫn mua kem hồi mùa hè, và lúc này vào mùa đông người ta đã chèn chặt cửa hàng bằng những chiếc đanh to tướng. Con quạ tham lam và hay càu nhàu. Trong một kẽ hở của quầy hàng, nó trữ mọi tài sản bằng cách lấy mỏ khẽ mổ và nhét vào, nó làm thế để cho lũ sẻ không tới ăn trộm.
Có khi, giữa đêm, nó mơ thấy lũ sẻ lỉnh vào trong quầy hàng và ăn trộm của nó những mẩu dồi cứng lạnh, một chút vỏ cam, hoặc một mảnh giấy bạc gói kẹo sôcôla. Khi đó nó giận dữ vừa ngủ vừa quạc quạc ồn lên, và chú dân phòng nơi góc phố phải quay đầu lại lắng nghe. Đã nhiều đêm rồi, chú nghe thấy tiếng quạ kêu trong quầy hàng, và chú ngạc nhiên không rõ vì sao. Có khi chú tới gần quầy hàng, lấy tay che mắt khỏi bị ánh sáng cây đèn đường làm loá, và cố nhìn vào bên trong. Nhưng chú chẳng nhìn thấy gì, trong đó tối om om, trừ một cái hòm cũ màu trắng in trên nền sàn.
Một hôm, quay trở lại quầy hàng, con quạ bắt gặp Paska, một con chim sẻ nhỏ bù xù.
Cuộc đời đối với loài sẻ nhỏ thật là gian nan.Trong thành phố, lúa mạch ngày càng hiếm, ngựa cũng thế. Thời xưa (ông nội của Paska, một con sẻ già được đặt tên là Siskin, thì vẫn còn được biết cái thời đó ), chim sẻ đông có đàn có bầy, suốt từ sáng chí tối, trên các quảng trường, nơi đó xe ngựa đậu và lúa mạch vãi tung toé khỏi cái túi đựng cho ngựa ăn.
Giờ đây chỉ có ô tô trong thành phố! Ô tô thì không ăn lúa mạch như những bác ngựa hiền hậu, chúng uống một thứ nước độc có mùi hăng xè. Và loài sẻ ngày càng hiếm hoi, con về nhà quê sống bên các bác ngựa, con tới các bến cảng nơi đó đang bốc dỡ các thứ hạt, nơi đó loài sẻ sống trong cảnh vui vẻ, sung túc.
- Ngày xưa – Siskin kể - chim sẻ có hàng đàn vài ba ngàn con. Và mỗi khi bốc bay, tiếng rào rào thật mạnh khiến cho ngay cả những con ngựa kéo xe cũng phải giật thót lên và nói: “ Lạy Chúa tôi! Không làm sao mà trị nổi cái bọn rắn mày rắn mặt này ”. Thế rồi ở chợ nổ ra những cuộc chiến tranh chim sẻ, lông chim bay tứ tung…Giờ đây mà như vậy thì đừng có hòng mà yên lành với các chú dân phòng.
Paska bị con quạ bắt gặp lẻn vào trong quầy hàng bỏ trống lúc nó vẫn chưa kịp đánh cắp thứ gì cả. Quạ dùng mỏ đánh mạnh vào đầu sẻ Paska. Nó ngã lăn ra, mắt trợn ngược: nó giả tảng chết. Quạ hất nó ra khỏi quầy hàng rồi quạc lên một tiếng thật dài: nó nguyền rủa cả họ sẻ ăn trộm vặt.
Chú dân phòng quay lại nhìn rồi đi tới quầy hàng. Paska đang nằm trên tuyết. Đầu nó đau khủng khiếp và mỏ nó chỉ hé ra được thôi.
- Tội nghiệp sẻ con – Chú dân phòng nói và tháo găng tay ra, cho con sẻ vào rồi nhét tất cả vào túi - Đời mày thật cực!
Trong túi chú dân phòng, Paska chớp chớp mắt, nó khóc vì đói và vì tuyệt vọng. Một mẩu vụn bánh thôi! Con người thường vẫn có vụn bánh khô trong túi. Nhưng trong túi chú dân phòng chẳng có, chỉ có chút vụn thuốc lá thôi.
Sáng hôm đó, vú Petrovna cùng bé Masha ra công viên chơi. Chú dân phòng gọi em lại và hỏi, vẫn với vẻ nghiêm nghị thường ngày:
- Nữ công dân, đồng chí có cần một con sẻ không? Một con sẻ nhỏ để nuôi?
- Ô, có chứ, Masha sẽ rất sung sướng nếu có một con. Sung sướng lắm lắm ấy!
Khuôn mặt chú dân phòng với nước da mịn và ửng đỏ vì gió lạnh, chợt nhăn lại: chú cười. Chú lôi con chim trong túi ra:
- Thì đây, cho cháu. Cầm cả bao tay nữa. Nếu không nó vụt bay mất. Buổi trưa chú hết phiên trực. Khi đó cháu sẽ mang bao tay trả chú.
Masha mang chim nhỏ về nhà. Em chải lông cho nó, cho nó ăn và thả nó ra. Con chim đậu trên mép đĩa nước và uống nước trà trong đó. Sau đó nó ngồi nghỉ trên đầu bác thợ rèn bé tí trên chiếc đồng hồ. Nó đang gà gật ngủ thì đột nhiên bác thợ rèn nổi giận giơ búa lên. Chút nữa thì bác ta nện con Paska, nếu con này không kịp vỗ mạnh cánh bay, và bay tới đậu vào nhà thơ ngụ ngôn Krylov bằng đồng hun trơn tuột, đậu vào đó thực khó khăn quá chừng. Bác thợ rèn nện, rồi lại nện vào đe. Bác nện như vậy đủ mười một tiếng.
Con sẻ sống cả ngày và cả đêm trong phòng Masha. Và buổi chiều nó thấy con quạ bay qua cửa sổ vào ăn cắp trên bàn một đầu cá khô. Nó nấp sau nhưng bông hoa màu đỏ và im lặng quan sát.
Kể từ hôm đó, Paska ngày nào cũng tới với Masha để nhặt các mẩu vụn bánh, và nó cứ nghĩ không biết cảm ơn cô bé cách nào đây?
Một bận, Paska đem cho Masha một con sâu chết cóng nó bắt được trên một cành cây ngoài công viên. Nhưng cô bé không ăn sâu, còn bà Petrovna thì nhặt con sâu vứt qua cửa sổ, miệng làu bà làu bàu.
Thế là Paska tìm cách khéo léo thu hồi lại từ trong quầy hàng các thức con quạ ăn trộm của Masha. Nó làm như thế để trả thù con quạ. Nó lấy về khi thì trái cây khô, khi thì một mẩu bánh ngọt cứng như đá, hoặc có khi thì một mẩu giấy gói kẹo màu đỏ.
Hẳn là con quạ còn ăn trộm ở nhiều nơi khác nữa, vì lắm khi Paska lầm và mang về cả những thứ không phải của Masha: một chiếc lược, một quân bài đầm, hoặc một ngòi bút máy vàng.
Nó bay qua lối cửa sổ, ném mọi thứ xuống sàn nhà, bay những vòng rộng trong phòng rồi biến rất nhanh, chỉ thoáng như một cục tròn có lông chứ không ra hình con sẻ.
Chiều hôm đó, bà Petrovna ngủ nhiều hơn lệ thường. Com Masha thì thích được thấy con quạ lẻn qua cửa sổ vào nhà. Đó là điều nó chưa từng được thấy.
Em leo lên một chiếc ghế dựa, mở cửa sổ ra, rồi nấp sau tủ. Những bông tuyết to bay vào trong phòng và tan thành nước trên sàn nhà…Chợt có một tiếng nghiến khẽ, và Masha thấy con quạ vào trong phòng, soi gương, xù lông ra khi trông thấy một con quạ khác trong gương với vẻ mặt ra chiều hung hãn, rồi lấy cắp bông hoa pha lê và bay ra ngoài cành cây.
Masha kêu lên một tiếng. Vú Petrovna thức giấc, mắng em, và thấy buồn bực. Khi mẹ ở nhà hát về, mẹ khóc thật lâu, đến nỗi Masha cũng khóc theo. Song vú Petrovna vẫn cố khuyên giải: đau buồn quá đang như vậy mà làm gì; biết đâu rồi có lúc chẳng lấy lại được, thật đấy chứ, bông hoa của ba mất sao được! Trừ phi con quạ tinh quái kia không đánh rơi xuống tuyết.
Buổi sáng, con sẻ tới như thường lệ và đậu lên đầu nhà thơ ngụ ngôn Krylov. Sau khi biết câu chuyện mất hoa, nó sù lông ra và ngẫm nghĩ một hồi.
Khi mẹ tới nhà hát tổng diễn tập, nó bay theo, chuyền từ cành này qua cành nọ, qua cột kia, qua biển khác. Khi tới nhà hát, nó đậu vào một đầu ngựa bằng gang, cọ mỏ, lau một giọt nước mắt, khẽ kêu lên một tiếng rồi bay đi mất.
Buổi chiều, mẹ cho Masha mặc áo có tạp dề trắng thường diện ngày chủ nhật; vú Petrovna thì quàng trên vai một tấm xa tanh nâu, và cả ba người tới nhà hát. Trong thời gian ấy, theo lệnh của Siskin, Paska tụ tập tất cả chim sẻ trong vùng lại. Chúng bay thành đàn tới vây quanh quầy hàng nơi con quạ giấu bông hoa pha lê. Từ mái nhà xung quanh, lũ sẻ khiêu khích quạ gần hai tiếng đồng hồ, cố làm cho nó cáu và chui ra khỏi chỗ ẩn náu. Như vậy có thể đánh nhau giữa trời và cùng lúc cả đàn sẻ lao vào quạ. Nhưng quạ khôn lắm: nó biết sẻ là loài lắm mưu mẹo, nên nó ở lỳ trong quầy hàng.
Cuối cùng, lấy hết can đảm, các con sẻ lần lượt lao vào trong quầy hàng, và sau đó bên trong quầy nổi lên tiếng hỗn loạn, khiến cho chẳng mấy chốc biết bao nhiêu người đã tụ tập lại bên ngoài quầy.
Chú dân phòng chạy lại. Chú nhìn quầy hàng và lui ra. Lông chim bay tứ tung và không thể nhìn thấy gì hết.
- Chà chà – Chú nói - một trận chiến chưa từng thấy.
Và để chấm dứt cuộc chiến tranh loạn ẩu, chú liền tháo gỡ các tấm gỗ chặn cửa quầy hàng.
Đúng vào lúc đó, tại nhà hát, các dây đàn violông và violông-xen khẽ run rẩy cất tiếng. Viên nhạc trưởng tài năng khẽ nâng bàn tay xanh xao, đưa tay sang hai bên, và cùng với tiếng nhạc cất cao thì cánh màn nhung khẽ động đậy và nhích sang hai bên sân khấu. Masha nhìn thấy một gian phông to và đẹp chan hoà ánh mặt trời màu vàng, nơi có hai chị em nhà giàu mà xấu cùng bà mẹ ghẻ láu lỉnh, còn mẹ của Masha thì người thanh mảnh, đẹp đẽ xinh tươi, mặc một chiếc áo dài màu xám.
- Lọ lem! – Masha thì thầm, và mắt em dán chặt vào sân khấu.
Trong ánh sáng xanh, hồng và vàng rực rỡ, toà lâu đài hiện ra dưới ánh trăng. Và Lọ Lem trong khi leo các bậc thang đã đánh rơi chiếc hài bằng pha lê.
Được nghe nhạc thật sung sướng biết bao! Masha đau đớn cùng với mẹ và sung sướng với mẹ, tựa hồ như các cây đàn cũng là những con người đang sống, những con người tốt bụng. Những người đó làm mọi việc để giúp đỡ mẹ, cả ông nhạc trưởng cũng thế, ông chỉ lo cho mẹ Masha và suốt buổi ông không ngoảnh lại nhìn khán giả.
Điều đó thật thiệt thòi cho ông, vì nếu ông nhìn lại, ông sẽ thấy vô số trẻ em má đỏ bừng vì sung sướng.
Những bà soát vé, những người không khi nào được xem vở diễn, cứ phải đứng canh cửa, tay cầm các tờ chương trình, nhưng lần này các bà cũng rón rén bước vào phòng, khép cửa lại và cùng đưa mắt nhìn mẹ Masha. Một bà còn lau nước mắt nữa. Bởi vì cái cô Lọ Lem múa thật đẹp kia là con gái một bà bạn đã qua đời, bà bạn đó xưa kia cũng là người soát vé như bà.
Cuối vở, trong khi âm nhạc vui tươi và đầy sức mạnh đang cất tiếng ngợi ca hạnh phúc, làm tràn đầy ánh sáng lên khuôn mặt mọi người, trong lúc mọi người đang ngạc nhiên thấy nước mắt long lanh trên khuôn mặt cô Lọ Lem đang hạnh phúc, thì một con sẻ nhỏ đã lẻn qua hành lang và các cầu thang, nhào vào phòng với tất cả sức mạnh của đôi cánh nhỏ. Con sẻ bù xù và mọi người biết chắc rằng nó vừa ra khỏi một cuộc chiến đấu ác liệt nào đó.
Nó bay quanh trên sân khấu, mắt loá đi vì bao nhiêu đèn, và mọi người thấy lóng lánh nơi mỏ nó có cái gì tương tự như một nhánh cây bằng pha lê.
Một tiếng reo vang lên trong nhà hát rồi liền sau đó dịu đi. Nhạc trưởng giơ bàn tay ra và nhạc im bặt. Những người ngồi hàng ghế cuối đều đứng lên coi xem có chuyện gì trên sân khấu. Con sẻ tới bên Lọ lem. Lọ Lem chìa bàn tay ra, và trong khi con sẻ vẫn bay như thường, nó buông vào hai tay nàng Lọ Lem một bông hoa pha lê nho nhỏ. Những ngón tay nàng run rẩy gắn bông hoa lên ngực áo.
Nhạc trưởng vẫy đũa chỉ huy. Nhạc lại cất lên rộn rã. Tiếng vỗ tay vang lên làm rung cả những bóng đèn, trong khi ấy con sẻ bay dưới vòm mái nhà hát và tới đậu lên một chùm đèn rồi lấy mỏ rỉa bộ lông bù xù.
Nàng Lọ Lem mỉm cười, chào mọi người, và nếu như Masha không biết tinh tường mọi việc, hẳn em không thể nghĩ đó là mẹ mình cho được.
Khi trời đã khuya lắm rồi, mấy người về nhà và khi mẹ đã tắt bớt đèn rồi tuyên bố đã tới lúc đi nằm, Masha buồn ngủ lắm rồi vẫn hỏi mẹ:
- Lúc cài hoa lên ngực áo, mẹ có ý nghĩ tới ba không?
- Có - Mẹ nói sau lát giây im lặng.
- Vậy sao mẹ khóc?
- Mẹ thấy sung sướng vì có những người như ba con.
- Không – Masha thì thầm – không phải vì thế đâu. Khi sung sướng thì không khóc, cười mới đúng chứ?
- Khi hạnh phúc quá lớn, người ta khóc, con ạ - Mẹ đáp lại – Và bây giờ con phải đi nằm thôi.
Masha ngủ. Vú Petrovna cũng ngủ. Mẹ tới bên cửa sổ, Paska đang ngủ gà gật trên một cành cây. Yên tĩnh quá chừng. Các bông hoa tuyết đang rơi lặng lẽ từ trên trời xuống làm cho cái yên ắng thêm sâu. Và mẹ nghĩ rằng, cũng như những bông hoa tuyết kia, các giấc mơ hạnh phúc cùng các câu chuyện kể đã rơi xuống nhẹ nhàng với những người đang ngủ yên, hệt như thế….
Kết Thúc (END) |
|
|