Khi con Loulou lớn lên và tới thời xuân sắc của nó, thì đó là một con nai cái thanh mảnh mà tròn trĩnh một cách tinh tế, đẹp không thể tưởng tượng nổi từ cái mũi cho tới móng chân. Nom nó giống hệt một tấm tranh minh hoạ tỉ mỉ cho bài ca của Heine, về những con nai xinh xắn và thông minh đang giỡn chơi trên sóng nước sông Hằng.
Nhưng con Loulou không chỉ là một con nai nhỏ thực sự xinh xẻo đáng yêu, mà bên trong nó còn có cái có thể gọi là ma quỷ nữa. Ở nó có thể thấy ở mức độ cao nhất tính cách đàn bà, cái nét chỉ xuất hiện khi họ phải tự vệ, khi phải tập trung sức lực vào việc bảo vệ tính vẹn toàn cuộc sống của nó, khi thực sự phải đem hết sức lực ra đấu tranh chống lại sự tiến công vào nó. Chống lại ai kia? Chống lại toàn thế giới. Khi ấy tâm tính nó thay đổi hẳn, nó không tự chủ và không còn biết tính toán nữa, khi đó nó có thể đánh lại ngay con ngựa tôi đang cưỡi nếu nó không ưa con kia. Tôi nhớ rằng ông già Haghenbach ở Hambourg đã từng nói rằng, tất cả các loài vật, kể cả loài ăn thịt, loài nai là loài ít đáng tin cậy hơn cả. Bạn có thể tin cậy một con báo rừng, nhưng chớ có mà tin cậy một con nai đực con, sớm muốn nó cũng sẽ đá hậu vào bạn ngay đấy thôi.
Loulou là niềm kiêu hãnh của cả nhà chúng tôi ngay cả khi nó cư xử như là một cô gái làm dáng đỏng đảnh thực thụ; có điều là chúng tôi đã chẳng làm nổi cho nó có hạnh phúc. Đôi khi nó bỏ nhà đi thật lâu, có khi bỏ đi suốt cả buổi chiều. Đôi khi vào lúc nó chợt nghĩ ra chuyện gì đó và nó cảm thấy bất bình với mọi thứ xung quanh đến mức cao nhất, khi ấy tuỳ theo tình cảm của nó, nó thường ra bãi cỏ trước cửa nhà và nhảy một vũ điệu chiến trận, nom hệt như một cảnh nhảy múa vòng vèo để cầu nguyện quỷ sứ Satan vậy.
- Ôi Loulou – Tôi nghĩ thầm trong lòng – Mày biết rằng mày khoẻ vô cùng, mày biết rằng mày có nhảy cao hơn cả chiều cao của mày. Giờ đây mày đang giận dữ cả bọn tao, mày đang mong bọn tao chết hết đi, và quả thật có thể như vậy lắm nếu như mày có gan giết chết bọn tao. Nhưng mày nghĩ lầm rồi con ạ, tội nghiệp, mày nghĩ rằng chúng tao đã dựng rào thật cao để mày không nhảy qua nổi, nhưng làm sao mà bọn tao lại dựng nổi rào cao mãi, khi mày là kẻ nhảy cao vô cùng? Chúng tao đâu có dựng rào cao nào đâu! Sức mạnh to lớn là ở bên trong con người mày, và rào cao cũng ở ngay bên trong con người mày. Loulou ạ, vấn đề chỉ là chuyện “ lúc nào ” thì xảy ra “ chuyện gì ” đó thôi, Loulou ơi…
Một bữa, Loulou không về nhà, chúng tôi ngóng chờ nó vô vọng suốt cả một tuần lễ. Đó là một vố đánh mạnh vào mọi người chúng tôi. Một không khí vui tươi thường có trong nhà này bỗng mất đi, và chúng tôi thấy nhà này buồn bực hơn các nhà khác. Tôi nghĩ rằng con Loulou đã bị báo ngoài rừng tha đi, và một bữa kia, về chiều, tôi đã bộc lộ điều tôi nghĩ đó với bác người làm là Kamante.
Như lệ thường trong tính khí bác, bác thường không trả lời tôi ngay tức thì, mà để cho một thời gian trôi qua, bác nghiền ngẫm những ý kiến chợt bừng nảy trong đầu tôi vốn chẳng lấy gì sáng láng lắm. Mãi vài hôm sau, bác mới rón rén tới bên tôi và nói:
- Loulou không chết. Nhưng nó lấy chồng rồi.
Hay thật, vui thật, kỳ lạ thật đấy. Và tôi hỏi lại bác xem vì sao bác biết chuyện đó.
- Vâng, nó lấy chồng rồi. Nó sống trong rừng cùng chàng boana, chồng nó, người chủ của nó. Nhưng nó vẫn không quên mọi người, sáng sáng nó vẫn trở về nhà mình. Tôi để ngô xay cho nó ở phía sau nhà bếp, và đúng lúc mặt trời sắp mọc thì nó về, nó từ trong rừng ra và ăn. Chồng nó cũng cùng đi với nó, nhưng sợ người, vì anh chàng chưa khi nào biết tới con người cả. Chồng nó đứng chờ dưới gốc cái cây to và trắng phía bên kia bãi cỏ. Chỉ thế thôi chứ không dám đến sát bên nhà ta.
Tôi bảo bác Kamante rằng khi nào thấy Loulou về thì tìm tôi và cho tôi biết ngay. Và vài ngày sau, trước lúc mặt trời mọc, bác tới và gọi tôi ra ngoài.
Đó là một buổi sáng dễ chịu vô cùng. Những ngôi sao còn sót lại trên bầu trời đang tắt dần trong lúc chúng tôi chờ con Loulou, và bầu trời vừa trong vừa êm ả trong khi nơi chúng tôi đang bước đi vẫn còn hơi âm thầm tối và yên ả khôn cùng. Cỏ ướt, dưới những gốc cây, mặt đất tràn ra sóng sánh nom như bạc mờ mờ đục. Khí trời buổi sớm lành lạnh, có cái gì đó nhoi nhói buốt mà ở phương Bắc này có nghĩa là băng giá vẫn chưa hết. Song hẳn là bạn cũng thường có kinh nghiệm như tôi – tôi nghĩ vậy – ngay trong cảnh lạnh lẽo âm u đó, thật khó mà tin được là chỉ trong vài giờ nữa trời sẽ nóng không thể chịu nổi. Sương mù còn bao phủ những quả đồi và mang hình thù những quả đồi một cách kỳ lạ.
Cái mái vòm to lớn trên đầu chúng tôi dần dần sáng ra nom hệt như một cốc đầy rượu vang. Đột nhiên, dịu dàng vô cùng, đỉnh những ngọn đồi nhận lấy ánh sáng mặt trời, sáng loá lên. Thế rồi, chầm chậm, tựa hồ như mặt đất dâng lên tới mặt trời, những vùng cỏ loang loáng dưới chân núi chuyển thành một màu vàng dịu, và những cánh rừng Maixa bị thụt xuống thấp. Rồi tới lúc này đỉnh những ngọn cây trong rừng bên bờ dòng sông nhỏ, bỗng loá sáng lên như đồng thau. Lúc này là thời gian của những con chim câu núi màu nâu sẫm và to tướng, bốc bay lên chật cả bên kia bờ sông và đi kiếm ăn nhưng trái hạt dẻ trong rừng của tôi. Loài chim này chỉ tới đây trong một vụ ngắn thôi. Chúng bay lên một cách chậm chạp vô cùng, tựa như một đoàn kỵ binh bay lên chiếm lĩnh bầu trời. Các bạn tôi ở Nairoby rất quen với cảnh này và họ thường tới đây từ sớm, đi trong xe hơi không bật đèn pha, để chờ đón cảnh đó.
Khi bạn được đứng dưới cái bóng trong trẻo như vậy, nhìn lên những đỉnh núi cao ánh vàng và nhìn lên bầu trời trong sáng, bạn hẳn phải có ý nghĩ là mình thực sự đang đi dạo dưới đáy biển, xung quanh là nước đang chảy, và cái nhìn của bạn là nhìn từ đại dương nhìn lên.
Một con chim nào đó cất tiếng ca, và sau đó tôi nghe xa xa trong rừng có tiếng nhạc chuông khẽ rung. Ôi, sao mà sung sướng, Loulou đã trở về và đã trở về gần như nơi chốn cũ! Nó tới gần dần, và tôi có thể theo dõi các động tác của nó theo nhịp chuông những bước nó đi. Nó đang đi, lại dừng,và lại đi tiếp. Sau khi quành một trong những chiếc lều canh của bọn con trai, Loulou đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Thốt nhiên tôi cảm thấy một cảm giác khác thường và thú vị khi thấy một con nai đực đến gần nhà mình như vậy. Lúc này, nó đứng sững lại, dường như nó đang chuẩn bị để nhìn thấy Kamante chứ không trông chờ nhìn thấy cả tôi nữa. Nhưng nó chẳng chút lúng túng, nó nhìn tôi chẳng chút sợ hãi, cũng chẳng chút nhớ nhung nào, đến những lo lắng của tôi khi nó bỏ đi không một lời báo trước.
Con Loulou của rừng sâu là một tồn tại sống cao cả, độc lập, trái tim nó đã đổi thay, nó như bị ma ám rồi. Nếu như trong đời tôi từng được quen biết một quận chúa trẻ sống trong cảnh lưu đầy, trong khi nàng vẫn còn là người chuẩn bị về lên ngôi báu, và tôi đã được gặp nàng trong cảnh nàng vẫn còn đầy rẫy quyền lực sau khi đã trở lại nắm quyền, hẳn cuộc gặp mặt của chúng tôi cũng giống như lúc này tôi gặp Loulou thôi. Lúc này đây, đó là một con Loulou hoàn chỉnh. Cái tinh thần tiến công đã không còn ở nó nữa, vì nó cần tiến công ai và tiến công vì lý do gì kia chứ? Nó đang đứng kia bình thản trong những quyền lực thiêng liêng của mình. Nó nhớ tới tôi vừa đủ thế thấy rằng tôi chẳng có gì đáng sợ sệt cả. Nó trân trân nhìn tôi trong một thoáng, đôi mắt mơ màng của nó tuyệt nhiên chẳng có chút biểu cảm nào và không hề chớp – và tôi cũng nhớ lại rằng các thần linh nam và nữ đều không khi nào chớp mắt, và lúc này đây tôi cảm thấy như mình đang đứng trước nữ thần Canh nông Héra có đôi mắt bò. Khi đi ngang tôi, Loulou khẽ vặt một nhánh cỏ, khẽ nhảy lên một cách duyên dáng, rồi đi vào phía sau bếp, nơi có ngô xay cho nó do Kamante đã để sẵn cho.
Kamante lấy một ngón tay khẽ đụng vào cánh tay tôi, rồi trỏ về phía rừng cây. Nhìn theo hướng tay chỉ, tôi nhìn thấy dưới một cây dẻ, một con nai đực, một cái dáng hung hung nhỏ in trên lớp áo ngoài của rừng, với đôi sừng giương lên như chạc cây. Kamante quan sát nó một hồi rồi bật cười.
- Ông xem kìa – Bác ta nói – Con Loulou đã giảng giải cho chồng nó biết rằng ở khu nhà này chẳng có gi đáng sợ hết. Thế mà cậu chàng vẫn không dám tới. Sáng nào cũng vậy, cậu ta đều nghĩ rằng cậu sẽ đi đến tận nơi, nhưng khi nhìn thấy nhà cửa và con người, cậu ta lại thấy có hòn đá trong bụng, và đứng chết dưới gốc cây đó.
Trong một thời gian dài, Loulou sáng nào cũng về nhà. Tiếng chuông trong trẻo của nó, báo tin mặt trời đã mọc trên đỉnh đồi, khi đó tôi thường nằm trên giường và chờ. Có khi Loulou không về trong một thời gian một hoặc cả hai tuần lễ, và chúng tôi quên nó đi, rồi chúng tôi lại nghĩ tới những người đi săn trong rừng hẳn đã bắn nó mất rồi. Thế rồi những người làm trong nhà, bỗng một hôm lại tới báo cho tôi: “Loulou đã về ”, cứ như thể Loulou là con gái trong nhà đi lấy chồng, nay có dịp về thăm nhà vậy! Lát sau, tôi cũng nhìn thấy cả bóng dáng con hươu đực trong đám cây, nhưng bác Kamante đã nói đúng, anh chàng này vẫn chưa có đủ dũng cảm để về thật gần nhà.
Một hôm, khi tôi mới từ Nairoby trở về, bác Kamante rình đón tôi ở cửa bếp, và với vẻ rất kích động, bác cho tôi biết Loulou ngày hôm đó đã trở về, và nó cũng có cả loto của nó về cùng – con đẻ của nó vậy. Vài ngày sau, bản thân tôi đã có cái vinh dự thấy Loulou trong dãy lều của người làm, vẻ rất nhanh nhẹn và nghiêm trang, và luẩn quẩn dưới chân nó là một con nai con, cũng chậm chạp như con Loulou hồi chúng tôi mới bắt về nuôi. Đó là sau mùa mưa kéo dài, và suốt trong tháng hè ấy Loulou luôn ở nhà, có khi ở suốt buổi chiều, có khi tới cả chiều sẫm vẫn còn ở nhà. Có khi giữa trưa Loulou vẫn còn đó và nằm tránh nắng dưới lều.
Con nai nhỏ của Loulou không sợ chó, thường để mặc cho chó hít ngửi khắp người, nhưng nó không khi nào quen được với dân địa phương và cả với tôi nữa, và một khi chúng tôi thử tìm cách túm lấy nó, thì cả hai mẹ con đều chuồn thẳng.
Sau khi đã xa nhà một thời gian khá dài, chưa từng khi nào Loulou lại về gần nhà đến thế, đến mức chúng tôi có thể sờ được vào nó. Nó tỏ ra thân thiện, nó hiểu rằng chúng tôi muốn săn sóc con nhỏ của nó, và nó thường nhận tấm mía chúng toi chìa cho, Nó lững thững đi về phía cửa nhà ăn mở rộng, nó nhìn chằm chằm vào những căn buồng sáng ngập ánh đèn, nhưng không một lần nào nó lại bước qua ngưỡng cửa như xưa cả, vào thời gian này nó mất cái chuông đeo cổ và nó đi đi lại lại lặng lẽ.
Người giúp việc của tôi gợi ý rằng, tôi có thể cho bác ta bắt lấy con nai con của Loulou và nuôi nấng nó như chúng tôi từng nuôi nấng Loulou xưa. Nhưng tôi nghĩ làm thế sẽ gợi lại mối hồ nghi của Loulou, làm nó mất đi cái lòng tin cao quý với chúng tôi.
Tôi cứ nghĩ rằng mối ràng buộc tự do với con nai và ngôi nhà chúng tôi là một sự việc hiếm hoi, đáng trọng. Loulou đã từ cái thế giới hoang dã trở về để cho thấy rằng chúng tôi sống thân thiện với nó, và nó đã làm cho ngôi nhà chúng tôi đang sống hoà làm một với khung cảnh châu Phi, và khó mà có ai đó nói được rằng đâu là nơi bắt đầu và đâu là nơi chấm hết khung cảnh đó. Loulou biết cả vị trí nhiều chim trong rừng. Ở châu Phi có một loại chim gáy hót vào giữa trưa những ngày nóng, và tiếng hót giữa rừng ấy giống hệt như những tiếng đập âm vang của thế giới. Tôi chưa từng khi nào có cái diễm phúc được thấy con chim gáy đó, và ngay cả những người tôi biết cũng chưa ai có cái may mắn như thế, chưa từng ai mô tả nổi cho tôi con chim gáy đó ra sao. Nhưng Loulou hẳn là đã lần theo lối mòn quen thuộc của nó và đã tới đúng cái chỗ, con chim gáy cất tiếng gáy vang…
Hai con nai, một con to và một con nhỏ, suốt mùa hè đó cứ quẩn quanh bên ngôi nhà chúng tôi, Thỉnh thoảng lại có một thời gian cách quãng từ mười lăm ngày hoặc ba tuần lễ hai mẹ con bỏ đi; thời gian còn lại, ngày nào chúng tôi cũng thấy mặt nhau. Bắt đầu mùa mưa năm sau, người giúp việc nhà tôi lại cho biết, Loulou đã trở về với một con nai nhỏ nữa. Chính mắt tôi không nhìn thấy con nai nhỏ, vì vào thời gian đó hai mẹ con không về gần nhà; thế nhưng ít lâu sau tôi đã nhìn thấy những ba con nai đực cùng đi với nhau trong rừng cây…
Cuộc liên minh giữa Loulou và gia đình nó cùng chúng tôi cứ thế kéo dài thật lâu…
Kết Thúc (END) |
|
|