Bạn biết đấy, tôi vốn cao to, lực lưỡng, râu đen, thường đi đứng nặng nề. Chả có lần tôi gặp bạn rồi đấy sao. Nhưng hôm nay tôi từ chỗ nha khoa về. Trời mưa to, tôi bèn choàng tấm vải phin của khách hàng (chả tôi là thợ may mà) lên đầu, chạy thật nhanh dưới lòng đường, vì hè phố bây giờ bị các hàng quán chiếm hết cả. Đang hăng chạy bỗng ai đó giữ tay tôi lại:
- Ông ngoại quốc! Vào đây. Có gì bán không?
Bạn thì sẽ làm thế nào, nếu cũng phải ngậm đầy bông trong miệng như tôi? Thế là tôi lắc đầu, xua tay ra trước mặt, ý bảo vội lắm, và chẳng có gì bán đâu.
Tay đàn ông nhỏ thó mặc áo bay ấy nhăn mặt:
- Ông ngoại quốc, đừng đùa thế. Trông ông giống y như ông Muxtapha dạo trước ấy. Mà ông ấy đãđể cho tôi cả một thùng quần áo. Dứt khoát ông cũng có cái gì. Tôi thanh toán rất phải chăng, ông đừng lo.
Tôi chỉ vào má.
- Bán răng? Không mua răng. Đây mua quần áo, vải vóc, hiểu chưa? Muốn bán bớt răng thì đến nha khoa. ở đấy, có thể bán bao nhiêu, tùy thích.
Đoạn hắn phỏng đoán một mình:
- Mồm đầy răng thế kia, dễ phải đến trăm chiếc.
Rồi cầm chắc tôi không biết tiếng Việt, hắn bèn xốc mạnh quần áo của hắn cho tôi hiểu. Chưa kịp nói thêm với nhau câu gì thì một tốp người kéo đến, vây quanh chúng tôi. Họ hỏi nhau một cách đầy tình cảm. Họ chăm chú, háo hức nhìn kỹ tôi, nhận định:
- Người ảrập đây mà.
- Láo, người ấn Độ.
- Cứ xem kiểu quấn khăn trên đầu...
Cuối cùng họ nhất trí cho tôi là người ấn Độ. Bằng chứng không thể chối cãi là tôi béo đen, má có vết gì đo đỏ, hẳn tôi vừa âu yếm vợ tôi, người đàn bà mũm mĩm có chấm đỏ truyền thống trên trán.
Một người vỗ vai tôi:
- Này, ông ấn Độ. Mua chiếc Drim đi. Dri... i... m. Thế này này,... è... dìn... pom, ông hiểu chưa. Xe máy, môtô! Mua mà đèo vợ.
- Cực nhất đấy. Đèo vợ không sợ nổ lốp đâu. Rẻ giật mình.
Vừa định kiếm cách phân trần gì đó thì hấp, tấm vải trên đầu tôi bị giật xuống. Một ai phán như đinh đóng cột:
- Khăn xếp ngoại đây.
Rồi bao nhiêu lời phụ họa:
- Lịch sự quá! Trắng như bông thế này chứ. Thật người sao của vậy.
- Kể còn hơi ngà ngà.
- Ngà gì! Ngà voi! Vải ta ấy à, muôn đời cũng không dệt được thế này đâu nhé. Thế nào trông cũng đơ mặt. Chứ cái chất sần của vải này, chà, gai ra gai thế chứ lỵ. Cả những lỗi vải cũng khéo như trang trí ấy.
Một bà ngờ ngợ:
- Sao trông hàng này quen quen.
Thì bà khác gắt chen vào:
- Chị này mới lạ, gì cũng nhận quen được. Chất ấn gin của người ta. Này, có lẽ hàng Bombay nhé.
- Sao chắc Bombay? Mác đâu?
- Chả Bombay thì ai vào đây? Có lẽ ông này cắt bỏ mác đi rồi. Người trong nước ai lại thích trưng ra là mình dùng mỗi hàng nội địa.
- Bà chị nói có lý đấy. Này, ông ấy đi dép nhựa Hàm Rồng này.
Đám đông kẻ trước người sau tò mò cúi xuống nhìn chân tôi. Tôi cũng lo ngại trông xuống, e họ giật phăng dép ra mà nhìn xem hàng nội hay ngoại. Hấp, chiếc mũ bất hạnh lại trở về đầu tôi, bẹp dúm, lòng thòng che khuất cả mắt.
- Đúng rồi. - Mọi người ồ lên. - Tây lại thích dùng hàng nước mình. Như vẫn thấy đi ngoài đường khoác bị cói, đội nón lá chẳng hạn. Khoái lắm.
Một cô tre trẻ nói vào mặt tôi một tràng tiếng gì đó, có lẽ tiếng Anh, Pháp hoặc Nga, Tàu chắc chắn không phải là tiếng gì khác nữa. Tôi lắc mạnh đầu.
- Cả nhà ơi, có hai đứa đâm xe giữa đường kìa. Thích quá, ra xem đi.
Đám người quanh tôi vơi đi thật nhanh để kết phần với một hội bát nháo mới tụ lại đằng kia. Ai cũng biết người mình rất ngại những chuyện phiền toái, nhưng hễ có cái gì là lạ trên phố, nhất là những đám cãi nhau, đánh nhau, cùng là đổ vỡ cái gì đó, là bàn dân thiên hạ xô lại đông như xem phim chưởng. Người ta nghển cổ, háo hức ngó qua vai nhau để nhìn vào một sân khấu lâm thời lý thú nào đó. Rồi là bình luận sôi nổi tại chỗ. Rồi thông tấn các xó xỉnh, thường thường nhờ nhiệt tình không bờ bến đó, một con chuột qua đường sẽ có kích thước tương tự một con voi trong thế giới tinh thần của những người chưa từng chứng kiến, và cái xãhội ưa bình chân như vại bẹp dí đi bởi vô số câu chuyện hoang đường hàng ngày. Giá có một vài tin tức trung thực lọt vào trường đời, người ta sẵn sàng cho là giả, thực hư lẫn lộn.
- Này, xong sớm nghỉ sớm đi.
Vẻ người của tay thanh niên áo bay vừa chờ đợi, hơi cầu khẩn, vừa hăm dọa. Nhưng tôi cũng là người Việt như anh ta, nên hãy còn khá bình tĩnh để nhớ ra mình có đem theo một viên phấn nhà nghề. Nhà nghề bèn lấy miếng đó vạch lên mặt tường cơ quan gì đấy mấy chữ:
“Tôi: thợ may. Nội. Chẳng có gì bán cả”.
Thanh niên nọ nhếch mép, phun điếu thuốc cháy đến cán xuống vỉa hè nham nhở và ướt át, lẩm bẩm:
- Một thằng câm! Đồ nhà quê bẩn thỉu!
Rồi anh ta đường hoàng lê dép đi đến góc phố, leo lên chiếc Dream sang trọng, đạp máy, điềm nhiên chạy dọc phố. Nhờ cơn mưa rửa sạch, nhiều tủ hàng và những kiến trúc mới xây trông thật là hào nhoáng...
Kết Thúc (END) |
|
|