Mới đây vợ ất có một nhận xét về thế thái nhân tình sắc lẹm, không chỉ đo bằng một Tết một năm mà là hàng chục Tết hàng chục năm. Nói như thời nay là sự trưởng thành trải đời khác hẳn với bản chất mộc mạc chân quê của Thị:
-Nghe theo miệng lưỡi của người thời nay chỉ có đổ vỡ gia đình, hỏng hết mọi việc. Chồng vợ mình bồ bịch thì xé xác tan thây. Trong khi chồng vợ người bồ bịch thì khen hết lời, nào là ga lăng, nào là sõi đời, nào là tân tiến.
ất tự hào: “ấy là chốn tận cùng của nhân văn vậy!”.
Nhưng Thị có sự mâu thuẫn khiến ất giật mình. Trong khi lên án gay gắt thói bồ bịch đa thê, như là đi tiên phong trong đạo đức mới, thì Thị lại kể đầy tự hào khi đụng đến thân nhân, gia đình, quê hương Thị.
Thị kể như hát:
Hồi bé hễ đến Tết là em được sang ăn Tết với ông em. Ông em đẹp trai, tài hoa lắm. Đi đến đâu là các cô các bà cứ chết mê chết mệt. Ông lại rất quí cháu, em sang là được ngồi vào lòng ông. Có một Tết em nhận ra chuyện buồn cười lắm. Mâm cỗ bày trang trọng trước ban thờ, ông ngồi giữa, mặt đối diện với ngọn đèn lớn, mọi người cứ thế nối nhau theo vòng tròn. ánh nến chiếu vào da ông đỏ au. Vào cỗ, sau hồi lâu nhâm nhi chén rượu thuốc, ông cầm đôi đũa mun gõ một tiếng “keng” vào cái bát sứ trắng muốt tức thì bà già mà em biết là vợ ông đưa tay xới cho ông bát cơm gạo tám thơm phức. Đến khi ông gõ hai tiếng, thì một bà trẻ hơn xới cơm cho ông. Đến ba tiếng gõ thì lại một bà khác xới... Cứ thế cho hết bữa cỗ. Khi ông gõ lên bốn tiếng cuối cùng vào bát mình thì một người đàn bà còn trẻ đưa bàn tay còn xuân sắc ra...
Tôi ấy về em mới dám hỏi mẹ:
- Ông gõ đũa thế là thế nào hả mẹ?
Mẹ cười rồi tắt nụ cười ngay:
- Gia phong của nhà mình đấy. Lớn lên con sẽ hiểu. ông con có bốn bà vợ. Vậy mà các bà cứ tăm tắp theo tiếng gõ đũa của ông không hề tị nạnh, giành giật nhau. Mọi chuyện khác cũng thế. Vì các bà yêu ông mà!
Nói rồi mẹ vuốt đầu con gái, như thể nhấn những chuyện lạ lùng ấy vào đầu cho con gái hiểu.
Năm nào Thị cũng xăng xái về quê trước Tết dăm hôm. Mang theo lòng nhớ thương và tự hào gia tộc quê hương như cái túi quà nén chặt nơi tay. Mang theo cả độ trải đời và những điều phi lý ở Thị.
- o O o -
Tàu hỏa đến ga tỉnh sau non một giờ như đi du lịch đồng bằng Bắc Bộ. Xuống tàu đi về con đường huyện càng có nét du lịch hơn. Gió biển Bắc thổi lộng. Vải thiều và vườn chuối, vườn cam xanh mươn mướt quanh năm. Đi sâu vào càng có cảm giác hơi ẩm của biển của sông. Đường liên xã có bến đồ, qua mùa lũ lớn năm trước bị sạt đi nay đã lan lấp lại. Các rặng vải thiều càng nhiều. Đã như nghe được tiếng các loại chim đồng và tiếng cá quẫy...
Từ bến phà Hệ đến cái xóm Trường Hạ thân yêu của Thị còn phải non chục cây số xe ôm. Đường đất chạy dọc con mương lớn, có cả những mái thuyền nan đây đó. Thị có thói quen cuốc bộ dù mỏi rã rời để ngắm lại con đường tuổi thơ. đã về đến đây chẳng dại gì còn ngồi xe cộ như ở phố xá.
Quê Thị có con sông Vân úc đầy phù xa. Con sông và những rặng vải thiều ghi vào trí nhớ Thị sâu nhất. Sóng dờn dợn không nhanh không chậm, không ào ạt như bến Bính, Bạch Đằng... Nó nhởn nhơ thanh cao nhưng đầy nội lực bồi đắp. Những bến sông gợi cảnh bà xưa ra bến sông giặt giũ, nó không lớn không nhỏ, không chuyển dịch bao nhiêu trước biến thiên thời gian. Nó có độ bền vững hiếm có. Thị nở nụ cười mãn nguyện trên gương mặt lúc này đỏ như đàn ông say rượu. Ngọn gió mát lạ lùng. Nghe cả những rợn sóng dồn nhau đến tận bờ xa của con sông Vân úc, chạy đến tận đất An Lão quê ngoại ken dày bóng cau. Trầu cau từ xưa thuộc về quê Thị. Thị thở dốc rồi lại cười mãn nguyện.
Lát nữa Thị đi qua cái cầu đá xanh có từ xửa xưa qua mấy hàng cau, rặng nhãn, là đến mảnh vườn rộng như trang trại và ngôi nhà thân yêu. Mẹ Thị tóc bạc phơ sẽ ra hái hai quả bưởi đường ngọt đến tận gan ruột mà chỉ quê Thị mới có. ông bố đang sắp ban thờ, không quên đưa ra ít vải khô mùa trước còn thơm thoảng vị đường mật của trời đất. Cậu em ra ao vườn lùa cá, cô em dâu hạ vào buồng chuối xanh còn lại để nấu nồi canh cá gia truyền. Tiếng reo lên từ cuối vườn rộng của lũ trẻ cùng ông dồn con lợn chó để chuẩn bị xẻ thịt. Như chỉ quê Thị vườn rộng bát ngát mới có thú nuôi con lợn thả rông từ Tết trước. Điều này thì chàng rể ất đi nhiều vùng quê, công nhận chỉ quê Thị mới có.
Trẻ con lau nhau mười mất đứa nội ngoại sau khi cùng ông rượt đuổi chú lợn chó, giờ đứng cả ở sân để ăn kẹo bánh bác cả đưa từ phố xá về. Chúng rào rào như cá mặt ao. Vừa ăn quà bánh chúng vừa hứng chí dở “món võ gia tộc” ra với nhau...
- Ê, cái Tèo giống hệt bố mày!...
- Ê, cái Xoan giống mẹ thì xinh gái. Còn cái Thơm giống bên bố nó thì xấu điên!
Cái Xoan vểnh mặt lên, còn cái Tèo, cái Thơm thì khóc rống. Cái Tèo là con cô Thùy, cô út của ông bà, lấy chồng xã trên. Cái Thơm là con cô Thiểu, lấy chồng xã dưới. Tết nào cũng vậy, năm nào cũng vậy, đùa trêu thế nó thành lệ rồi. Tức là chỉ con cháu họ mạc bên Thị là đẹp, còn lai vào họ khác là xấu, khó coi. Loại chuyện này Thị đã kể nhiều lần vào các Tết trước, khiến ất có lúc thấy khó hiểu, đến mức gai người lên.
- o O o -
Quê duyên hải thuộc cái rốn Bắc Bộ nắng gió hào phóng, đồng đất mênh mông, trù phú đấy nhưng vắt kiệt sức người, nhất là giới đàn bà. Các bà phần nhiều sinh đẻ mấy lứa liền, cả trai lẫn gái khôi ngô, xây được cái nhà mái bằng cuối đời, là kiệt sức. Nhớ Tết trước Thị đã nói: “Quê em lạ lắm anh ạ, toàn các bà chết trước. Thương lắm!”.
Đàn ông đến ngoài thất thập “cổ lai hy” lại phải gà trống nuôi con, lại phải hồi xuân. Mỗi cụ ông mỗi kiểu, họ quật lên để sống. Phần nhiều dáng cao, mũi thẳng, nước da sóng gió. Giờ họ chống can, đội mũ phớt, áo bành tô, đi lại trên đường thôn. Họ say, họ tỉnh, họ tốt, họ xấu. Đủ cả.
Chú Láng của Thị đã sang tuổi bảy tư, nằm trong số đàn ông đặc biệt đó. Chú cao, khỏe, nổi tiếng vó bè một vùng. Chú đầy tính cách và tự tin, thời trẻ lấy thím có khuôn mặt đẹp nhất làng, sinh đàn con cả trai lẫn gái. Nghèo nhưng đầy chất đàn ông, đầy tự trọng. Nổi tiếng vó bè dọc một nhánh con sông Vân úc, chú kéo lưới, các con trai chú dồn cá dọc hai bờ, vui lắm. Cảnh này Thị cũng đã kể từ ngày mới quen ất.
Như phận nhiều người đàn bà ở quê, thím Láng đẹp người, đẹp nết sau khi xây xong cái nhà mái bằng ở giữa mấy sào vườn rộng rãi thì lăn ra chết. Chú Láng khi thím sống thì chửi bới, mỗi lần thím đi phiên chợ Hệ về là phải có thứ ngon cho chú nhắm rượu, không có là bị chửi. Từ ngày vợ mất chú có nỗi buồn hận lạ lùng, chú uống rượu ít hơn trước, chuyển qua thói nghiện nghe băng cát-sét, nhất là những bài nhạc buồn. Chú nghe ở nhà chòi góc vườn cao vọi, mở vô-lum to, ngỡ cả xã nghe được. Nhiều nhà suốt đêm thao thức vì những bài hát từ cái chòi của ông Láng.
Các bà khuất bóng sớm, các ông sống dai dẳng. ở quê sinh ra cách “làm mối ngược”, tức là con cháu to gan làm mối cho các cụ. Ngày chớm xuân, sau khi nghe một loạt bài ca buồn ở cái đài của mình, chú Láng diện áo bành, đội mũ phớt, cầm can đi ra đình làng.
Ô, cụ Láng diện bảnh quá, da dẻ cứ như trai tráng.
- Cụ Láng đẹp giai ơi, cụ đẹp duyên được rồi đấy.
Chú Láng nghe lạ tai, thấy đám trẻ cứ chỉ trỏ mình mà cười. Chú đập cái can xuống đất, chửi một thôi một hồi. Lũ trẻ không tha, cứ cười ầm lên. Chú Láng thấy vành tai nóng, khuôn mặt cũng nóng ran. Bất chợt có đám các cô đi chùa về. Lũ trẻ càng cười trêu mạnh hơn.
Chú Láng cảm thấy không nên chửi đổng nữa. Chửi thế nó phàm phu tục tử. Trong đám các cô đi chùa về có một người nhà dọc bờ sông Vân úc đã biết tài vó bè của ông Láng từ năm nao, sau khi chồng mất một mình nuôi con thì đêm đêm không ngủ được vì tiếng đài nỉ non của ông Láng. Vườn nhà ông to đẹp mê hồn, các con cũng yên bề cả, ông ấy lại có máu đàn hát đến hay... Lũ trẻ tinh ranh biết tỏng điều đó.
- Cụ Láng ơi. Cụ về với cô Tân đi!
Cô Tân gần năm mươi, tóc còn xanh lắm, dáng đậm tần tảo, da dẻ còn thanh xuân. Cô liếc ông già Láng rồi mất hút vào lùm cây vải lối chùa...
Đêm ấy chú Láng không ngủ. Lâu nay bữa cơm rượu sáng tối, chú có thói bắt bí đàn con thay nhau dâng hầu. Mấy hôm chú bắt bí nhiều hơn. Thậm chí có ngày chú bỏ ăn. Đàn con đâm hoảng:
- Sao vậy bố? Hay cơm rượu nhà con sắm không ngon?
Chú Láng vùng dậy:
- Chúng mày sang thưa chuyện với nhà cô Tân cho tao!
Các con trố mắt:
- Sao ạ?
Chú Láng quát:
- Giăng sao gì! Tao muốn sống với cô ấy!
Đàn con hiểu, chẳng đứa nào ích kỷ, chuẩn bị lễ mọn sang hỏi cô Tân cho bố. Cô Tân về êm thấm với ông Láng. nhà không còn tiếng chửi như trước.
Chú Láng trẻ khỏe ra. Diện cái mũ phớt, áo bành mới, chú năng ra đình làng chơi. Nhiều lần chú khen cô Tân tuổi đầu năm mà mông má còn đẫy đà đáo để, tính lại hiền thục, sống êm ấm lắm.
Mừng chó chú Láng. Làng quê từ Tết Ngựa này chắc có nhiều người đàn ông theo gương chú Láng.
- o O o -
Ngày cận Tết. Điện thoại réo liên hồi:
- Chị em bị cảm. Báo anh biết...
Tối lại réo:
- Chị em bị cảm, chưa lên được!...
Rồi vợ ất cũng lên được như con sứa dạt vào bờ. Thị về quê ăn phải món canh cá, thịt lợn chó, hay là hoa quả như cam Tàu nên bị “thổ tả” nặng lắm. Cả nhà hoảng hồn. May có anh bác sĩ về Tết tìm cho dăm vị thuốc mới đỡ. Thị sốt cao lắm.
Thị sốt triền miên. Cả ngày đêm trong mê sảng. Chưa bao giờ Thị lâm cảnh ngộ như vậy. ất hoảng. Bây giờ ất mới biết hoảng.
Tỉnh dậy Thị hốc hác như đã nằm lịm đi hàng năm trời. Chỉ ăn được múi bưởi vườn nhà đưa lên cúng Tết. Má tóp, mắt đỏ quạch, tay run run cầm múi bưởi. Thị nói như mê sảng:
- Chuyện chú Láng vui lắm. Lũ trẻ reo hò quanh ông nhà ta hôm lùa bắt con lợn chó vui lắm. Mà các cháu con mấy thằng em mới tuyệt chứ. Giống ông bà nội, cứ như tranh vẽ...
Rồi lại nói:
- Hôm nào anh về mà xem. Cầu phà Hệ cũng sắp bắc rồi đấy. Tết sau anh về thẳng nhà được rồi. Năm nay nhà em lại nuôi con lợn chó như các năm trước. Chắc còn thơm thịt hơn năm trước!
Ất nhắm mắt lại thấy một cây cầu mới bắc qua con sông hiền hòa trong xanh và một chú lợn chó chạy loạn trong khu vườn rộng.
Đêm mùng 3 Tết Ngựa khó quên
Kết Thúc (END) |
|
|