Đàn ông thuộc loại người xã hội, nhưng chỉ họa hoằn dăm anh có số “Xuân Tóc đỏ”, còn hầu hết rơi vào cảnh bị đày đọa. Nhất là cái thời cả thể chế xã hội ma quái đó nhập vào người đàn bà, trao quyền tiếp tay cho đàn bà, thì các gã đàn ông không chạy đâu cho thoát, bị hành hạ đến thảm hại.
Đàn ông buồn cười lắm. Chiều chiều cứ đến quán bia hơi Gò Nhân Sư thì khắc biết.
Gò Nhân Sư là quán bia có tiếng ở gần Gò Đống Đa, cạnh những vườn thuốc Nam. Giữa quán có cây si như có phép lạ, trước đây chẳng ai trồng một ngày đã thấy, cứ thế lớn nhanh như thổi, tỏa nhánh tám phương, có rễ buông đầy như hàng trăm tuổi. Tổ hợp bia hơi biết chộp lấy nơi ấy, quây nhà quanh cây si như đèn kéo quân. Trước cót ép vớ vẩn, thời đổi mới thì thay bằng những vật liệu nhẹ, rất đẹp. Quán bia hơi gần như là thế giới nửa đàn ông nửa đàn bà, đàn ông đến uống, đàn bà phục vụ. Thảy mọi thứ đều có ở đấy, sinh ra ở đấy.
Như đã thành luật sinh tồn, loại đàn ông thành đạt hung hăng ngồi một phí, loại thất cơ lỡ vận dạt về một phía. Phía này tối và ẩm, gần bếp với đầy dụng cụ nấu nướng, đa phần đàn bà cũng ở phía này. Đáng chú ý là cái bể cá khổng lồ, bong bóng nước cứ phụt liên hồi, nghe đâu ngồi gần thì có mùi hôi. Đương nhiên, người ta nuôi cá sống để mổ thịt. Đủ loại cá: Cá chày, cá chuối, cá đuối, cá rô phi... Gần như chàng cá nào vào đây, qua cái lăng kính, cũng như dị dạng, không mắt lồi thì môi cong, mặt gẫy v.v...
Đúng như thiên hạ nói, cứ chiều xuống là đám đàn ông xế bóng ra chiều thất cơ lỡ vận, chẳng ai hẹn ai, đến như bóng ma. Người nào ngồi vào ghế của người ấy, xoay lưng vào nhau. Người cởi áo quần đùi, kẻ chống nạng, người mũ phớt, kẻ quần cộc đi giày, lại cài thắt cà vạt... Nhất là mắt, thảy đều hấp háy hoặc dại đi, nhưng chẳng ai giống ai. Có người xộc từ cửa chính vào, cầm cây gậy dài giơ lên như người bồng súng, rồi vươn cái cổ dài ngoẵng, hát những lời về hạt bụi về sỏi đá như là nhạc Trịnh Công Sơn, như là hành khúc chiến tranh. Có người vào cổng nách, huơ cái nạng lên múa tít cứ như người làm xiếc. Đám đàn bà khoác áo trắng dài như nghề y, cười ré lên, tung áo chạy như bươm bướm. Một ngày dài như để chờ cái phút lạ lùng này. Từng đôi như hiểu nhau từ kiếp trước. Một người đàn bà bự nhất, túm áo ở bụng, tay tròn lẳn với chiếc vòng vàng chóe, cầm cái vợt lưới, nghiêng người trên bể cá, phô cái bụng đầy thịt trắng hếu... Chú cá xấu số nào đó quẫy tung nước. Tức thì rộ lên tràng cười của đàn bà. ở đây họ quen đặt tên cá cho từng người:
- Anh Chày đến rồi à! Hôm nay chôm được của mụ già bao nhiêu? Vẫn hai vại chứ?...
- Vưỡn!
- Anh Chuối đấy à? Sổ lồng chậm vậy. Vẫn như hôm qua chứ?
- Vưỡn!
- Anh Phi đấy à? Hát đi, rồi nộp tiền đây chúng em lấy bia mới cho...
- Anh xin chiều!...
Anh Chày mắt đỏ, là cái anh bồng súng gậy chào lúc nãy, đứng dậy tiếp tục bồng súng chào. Anh Chuối mình thuỗn như chú chuối, cứ trợn trừng mắt như sắp gây sự với người xung quanh. Anh Phi đứng dậy hát, cái hàm răng giả văng ra, rơi cạch một cái trên bàn... Các em cười chảy cả nước mắt và như đồng thành:
- Rõ khổ!
Rồi im bặt.
Bất chợt người đàn bà béo nẫng, tay như khúc giò lụa đeo vòng vàng, xách lên một chú cá chuối bự rõ dài, đầu bị tróc vẩy trắng hếu, quẫy đuôi bắn nước tung tóe:
- Đực, béo lắm đây, ha ha... Chỉ tội cắn nhau đến sứt cả đầu. Ha... Ha...
Đám đàn bà lại ré lên cười. Lập tức từ bàn giữa một người đàn ông từ ban nãy được nhận biệt hiệu là Chuối, đứng cả lên ghế, múa một điệu rất lạ lùng và thét toáng lên như vai tuồng.
- Anh đây. Chuối đây!...
Anh Ký Hấn chứng kiến cảnh đó, vừa buồn vừa cười, mắt nhìn ra cửa sổ. Cái ô cửa dài, cắt một mảng trời, sao giống lớp học của anh ở trường cấp hai Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đến thế. Mái trường cấp hai thân quen ấy ở trên gò, gần khu mộ đại thi hào Nguyễn Du, giữa những cây phi lao rì rào, nhìn thẳng ra cửa biển.
Thầy Khang mặt đỏ, gầy choắt, giọng trầm giảng Kiều vào loại hay nhất tỉnh. Một lần đến tiết giảng Kiều, thầy lặng nhìn qua bãi phi lao, có khu mộ Nguyễn Du, cứ nhìn mãi cho đến khi hai con mắt đỏ lên như hai hòn than...
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Rồi thầy lại đọc:
Đau đớn thay phận đàn bà!...
Đến những câu này thầy dừng lại rất lâu, như không muốn đọc tiếp câu sau nữa. Thầy chuyên như vậy, giữa bài giảng có những quãng lặng hút hết hồn vía học sinh. Có đoàn kiểm tra trên tỉnh về dự giờ phê bình thầy điều đó, có người còn bảo thầy dở người. Thường sau quãng lặng là thầy ho, có lần một tia máu đỏ bắn ra cả cổ áo. Thầy giỏi nhưng bị cấp trên định kiến nặng nề lắm. Lại còn biết thêm gia đình thầy mấy đời giàu có, đỗ đạt, sau bị qui oan, cứ sa sút dần. Hạnh phúc riêng của thầy cũng đổ vỡ. Hễ giảng đến câu “Lời rằng bạc mệnh...” là thầy rơi vào quãng lặng mơ hồ. Một lần đang giảng trích bái Kiều thì thầy gục xuống, máu trào cả ra miệng... Cứ thế thầy ra đi.
Trong ký ức thơ ngây của cậu bé Hấn cứ bị ám ảnh những chuyện đến kỳ lạ về hình ảnh những người đàn ông tài sắc. Sau chuyện thầy Khang là đến chuyện thầy Tạo.
Hễ tuần trước thầy Khang lên lớp giảng thơ Kiều, tức thì tuần sau có chuyện xảy ra với thầy Tạo. Thầy Tạo trẻ hơn thầy Khang nhiều, lại đẹp trai, môi đỏ thắm. Thầy viết chữ đẹp, văn hay, tính cẩn thận nên được cử làm chân thư ký hội đồng. Công việc đang trôi chảy thế, thầy đang cười tươi thế, đến một ngày thấy thầy buồn đến hoảng loạn. Hỏi mãi mới biết ở trường thầy bị nhiều kẻ ganh ghét, ông hiệu trưởng quen gia trưởng định kiến, thầy Tạo bị “đặt bẫy” sau một kỳ thi... Hễ mỗi lần ông hiệu trưởng gầm ghè quát tháo là thầy Tạo bị động kinh. Từ đó thầy sợ tất cả. Thầy luôn lên cơn co giật. Đôi môi đỏ thắm trở thành tím tái. ở quê người vợ trẻ dịp đó bỏ thầy. Thầy khóc như trẻ con. Người ta bảo: “Có khi khu trường gần mộ cụ Nguyễn Du, nên cái câu tài sắc bạc mệnh ám vào thầy Tạo”. Chỉ biết mỗi lần sợ sệt lên cơn thầy khóc lóc, rồi lăn xuống chân đồi cát như một bông cỏ khô. Cả khu trường lại nhao lên: “Đi cứu thầy Tạo”.
Chờ đến cuối tuần trọ học, cậu bé Hấn về nhà hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, sao nhứng người đàn ông giỏi dang như thầy Khang, thầy Tạo trường con khổ thế hả mẹ?
Mẹ bảo:
- Lớn lên rồi con sẽ hiểu!
Hình ảnh thầy Khang, thầy Tạo mà mái trường huyện Nghị Xuân sát bên khu mộ Nguyễn Du ấy ám ảnh vào hồn cậu bé Hấn và nhóm bạn vào đời. Hấn chọn nghề anh Ký cầm bút để nhằm lớn lên tìm kiếm mổ xẻ chính mình, về cuộc đời mệnh bạc của những người đàn ông. Cậu Từ, người bạn học cùng dãy bàn thì nói:
- Tớ vào ngành Y.
Vậy là Hấn thi thành anh Ký Hấn. Từ thì thành ông Đốc tờ Từ.
Ký Hấn vào đời, tự mổ xẻ mình không xong, chỉ gặp toàn cảnh đàn ông mệnh bạc. Họ như bị hành hạ từ kiếp nào. Anh bạn Minh vừa mới ngủ dậy thì lăn ra chết. Anh Tất chết sau một đêm. Có người chết sau một tuần ốm như anh Tiến. Có người sau ba tháng đổ bệnh, qua một kỳ mổ xẻ thì chết như anh Đặng. Đó là những cái chết ngay nhỡn tiền của đàn ông. Còn có cái chết dần chết mòn dai dẳng.
Chẳng ngờ cảnh ngộ thầy Tạo, thầy Khang lại nhập vào anh học trò học giỏi ngày xưa, về sau trở thành Đốc tờ Từ.
Từ là một bác sỹ phẫu thuật giỏi, rất thành đạt. Anh từng mổ hàng trăm ca bệnh hiểm nghèo thành công, lại có nhiều ca ở chiến trường khỏi lửa. Nhưng anh sớm bị ghen ghét, hành hạ. Chẳng bao lâu lâm vào tâm thần. Thể bệnh oái oăm, luôn cảm thấy bị ám hại.
- Chúng nó bàn nhau hãm hại tôi!
- Có một mụ đàn bà chuyên hãm hại tôi!
Cứ thế, sau những lần gào lên, Từ lại càng bị định kiến, quy chụp. Còn hình ảnh người đàn bà định mệnh trong cuộc đời người đàn ông - như người ta thường nói - thì không rõ là ai. Lần cuối cùng gặp Hấn, Từ còn đủ tỉnh táo để nói:
- Người ta bắt tớ. Người ta gí một cái gì như hơi lửa vào sau gáy tớ, thế là đời tớ đi toi...
Nói rồi, mắt nhìn bạn hết sức lạ lùng, đầy vẻ nghi hoặc. Bạn mời nước thì nói:
- Có bỏ thuốc độc vào không đấy?
Bạn rủ ra ghế ngồi chơi, thì nói:
- Có bày hiện trường giả không đấy?
Hấn giật mình: Đôi mắt của anh bạn đốc tờ Từ bây giờ giống hệt như đôi mắt của thầy Tạo năm nào.
Đến ngày Hấn chỉ còn thấy bạn sau cánh cửa Viện tâm thần Trâu Quỳ.
Lần chia tay bạn mới rồi, Từ vừa chạy vừa đọc hổn hển những câu thơ Kiều, hệt như giọng đọc thầy Khang.
Ký Hấn cảm thấy như mình cũng nhiễm bệnh, căn bệnh nan giải lạ lùng của đàn ông. Nhắm mắt lại là anh thấy cảnh tượng chiếc đèn kéo quân khổng lồ nơi quán bia hơi Gò Nhân Sư. Nghe nói dưới Gò Nhân Sư từ xưa toàn xác đàn ông chết trận. Đêm đêm hồn vía hóa thành lũ khỉ đu lên cành cây hát múa, ngâm thơ. Người ta còn gọi là Gò Ma./.
Kết Thúc (END) |
|
|