Ðã có rất nhiều nhà văn muốn giải đáp câu hỏi này: con người ta yêu nhau vì cái gì? Cú sét ái tình còn khó giải thích hơn lưỡi tầm sét của ông Thiên Lôi. Nếu tin các truyện diễm tình nhan nhản trên báo hiện nay thì, tình yêu thường bắt đầu trong một buổi chiều buồn (đa số là hoàng hôn), một đêm trăng bên bờ đê, một buổi tan rạp chiếu bóng hay những khung cảnh đại loại thơ mộng như thế.
Còn cuộc tình của tôi lại bắt đầu trong một nhà hộ sinh, bên cái bàn đẻ, mà lại vào lúc nửa đêm.
Vâng, một nhà hộ sinh nửa tư nhân, nửa nhà nước do một bà mụ có nghề, có cơ sở nhà cửa, biển hiệu "trước ngày tiếp quản", sau buộc phải vào công tư hợp doanh vì thời đó nếu không vào thì không biết mua cồn sát trùng ở đâu nữa. Lúc chuyện này xảy ra thì cái nhà hộ sinh ở tỉnh lẻ này đã có trên 50 năm tuổi trong đó có gần 40 tuổi công tư hợp doanh nên chắc các bạn, nhất là các bạn nữ có thể tưởng tượng ra nó thế nào rồi. Những bức tường nửa thế kỷ không quét vôi, những chậu men lavabô vàng úa, chỉ có những cái foóc xép bằng inốc là chưa han rỉ tuy không ai thống kê nó đã làm đần độn mất bao nhiêu thiên thần trẻ em. Không phải nhà đỡ đẻ này không ăn nên làm ra mà bỏ bê những thứ đó. Cái chính là vì bà mụ chót trương biển hiệu "sage femme tốt nghiệp tại Paris" nên bà không muốn thay mất những thứ gì có nhãn hiệu Pháp quốc, kể cả nước vôi vàng thuộc địa bên ngoài tường bao. Bà sợ nhà hộ sinh nổi tiếng của bà mất "din" dù chính bản thân bà cũng đã về với Chúa và cô con gái tiếp thu cơ ngơi của mẹ.
Người sau này tôi yêu đang nằm trên bàn đẻ, ngay sát cạnh vợ tôi, cũng nằm trên một bàn đẻ khác cạnh đó. Tôi là một ông lính kiểm lâm, quanh năm lặn lội và đánh nhau với bọn lâm tặc trên rừng, sáu tháng không hề ghé qua nhà. Vậy mà khi tôi về thăm thì vợ tôi đã có một cái bụng ba tháng, nhỉnh hơn cái nồi áp xuất Nga một tý. Cô ấy khóc lóc, van xin. Tôi hỏi: "Ngủ với thằng nào?" Cô ấy bảo không biết tên thật của nó và nó lặn mất tăm rồi. Thì ra, nó tự nhận là giám đốc một công ty thương mại, khai đại một cái tên Mít hay Xoài nào đó, đến nhà vợ tôi với cái áo sơ mi trắng bong túi trước nít chặt đôla (cũng có thể là đô la âm phủ) vài miếng xà bông Luz làm quà ( thật tiếc cho hãng Luz, giá như họ biết thêm vào quảng cáo dòng chữ: Luz thơm quên cả chồng thì chắc là ấn tượng lắm) ông ta đã có ngay quyền làm chồng và làm cha. Tôi còn biết nói thế nào nữa? Tôi bảo cô ấy: "Thôi, cứ yên tâm tĩnh dưỡng mà sinh đẻ cho mẹ tròn con vuông. Ðiện trước mấy ngày, tôi về!" Và hôm ấy, nửa đêm, tôi đưa vợ tôi đến nhà hộ sinh đã từng có một bà mụ sinh thời "tốt nghiệp tại Paris". Nếu bổ sung thêm một sự khác nhau nho nhỏ giữa cái nhà hộ sinh này với những bệnh viện phụ sản hiện đại là người chồng hay người nhà, không cần mặc áo bờlu, không có nhiệm vụ gì cũng được tự do thoải mái vào phòng, đứng cạnh người đẻ lúc vượt cạn. Khi tôi cùng ngồi trên xích lô đưa cô ấy đến, người ta hối chúng tôi vào phòng ngay và cũng hối hả thay một cái váy "bà bầu" vải phin trắng cho cô ấy trước mặt tôi. Cô hộ lý bảo: "Còn lạ gì nữa mà ngượng?" Tôi ngượng vì chuyện khác. Lát sau, một cô gái bụng lặc lè, từ đi vào phòng và leo lên bàn đẻ thứ hai. Cô ta nhăn nhó "như đàn bà đau đẻ" nhưng không một tiếng rên, khác hẳn vợ tôi. Tự dưng lúc bấy giờ tôi có một ý nghĩ: vợ tôi kêu la ầm ĩ vì có tôi ở bên cạnh còn cô sản phụ này chắc không có ai cho nên chẳng kêu la làm gì. Cũng như với vợ tôi, cô hộ lý cũng thay cho cô gái mới đến một cái váy phin trắng và bỗng chốc trên hai cái giường sát cạnh nhau, hai người đàn bà vì đau đớn nên không giữ gìn gì nữa, co đầu gối lên và rên la. Tôi đỏ mặt, định quay ra không ngờ đụng ngay bà bác sĩ bước vào. Bà ấy bảo: "Ði đâu ông anh? ở lại mà lo liệu rồi còn động viên vợ chứ?" Sực nhớ ra điều gì, bà nghiêm mặt hỏi: "Cái nào là của anh đây" Có lẽ bà ấy ám chỉ cái thai. Không hiểu sao, có lẽ bối rối vì ngượng, tôi không trả lời. Thực ra, như độc giả đã biết, chẳng cái nào là của tôi cả. Bà bác sĩ không nói gì.
Tôi ở trong phòng đỡ đến sáng. Vì có hai ca sinh gần như cùng một lúc, chỉ mỗi cô hộ lý với bà bác sĩ nên tôi rất đắc dụng. Bà bác sĩ nhờ tôi bỏ nhau vào túi nilông rồi mang ra thùng rác, đốt kim tiêm, bế hai đứa trẻ ra phòng hậu sản đặt chúng vào những cái cũi trẻ sơ sinh, những công việc không thể chối từ và vốn là lính rừng tháo vát, tôi vừa ngoan vừa rất được việc. Không những tôi phải làm những việc phục dịch cho vợ tôi mà với cả cô sản phụ chưa quen biết nữa. Khi cả hai đã "mẹ tròn con vuông" và được chuyển xuống phòng "hậu sản" thì tôi đứng không vững nữa. Mọi người trong nhà hộ sinh cũng quá bận nên cũng chẳng ai hỏi han xem vì sao tôi lại đến đây để phục vụ những hai người đàn bà sinh đẻ. Chỉ có cô y tá, khi hai tay hai đứa bé đỏ hỏn một trai một gái từ phòng sinh đi ra, trêu tôi: "Ông căn thế nào mà cả hai lại đi đẻ một ngày, lại đủ cả nếp lẫn tẻ, tài thế!" Tôi im lặng nhận liều một lời khen.
Tại nhà hộ sinh này sản phụ chỉ được nằm lại không quá hai ngày nên đến chiều ngày thứ hai tôi đã thuê xích lô đưa bà vợ tôi về nhà. Cô gái được tôi chăm sóc vẫn không thấy có ai lai vãng. Tôi cũng không muốn tò mò đến hoàn cảnh của người ta nên làm như không quan tâm. Mình phục vụ cô ấy mấy ngày thế là quá đủ. Nhưng khi thấy vợ tôi dọn chỗ và cả hai vợ chồng tôi rối rít chuẩn bị đưa bé về nhà thì tôi đọc thấy trong mắt cô gái một nỗi kinh hoàng thực sự. Ðiều ấy có nghĩa là cô không còn ai để nhờ vả trong khi hai mẹ con phải nằm lại đây, có nghĩa là không biết làm sao để ra về được ổn thoả. Và tôi thấy cô ấy khóc. Tôi lạnh lùng nhận vài lời cám ơn của cô ta, nhận luôn cả số tiền cô nài nỉ "thanh toán" lại với tôi trong mấy ngày cô nhờ tôi mua cái này cái nọ. Tôi, vợ tôi và cháu bé (không phải con tôi) ra về.
Khi một người chồng bị phản bội như tôi, người ta thường nghĩ gì tôi không biết. Nhưng với tôi, mấy tháng nay trong đầu tôi chỉ còn một phản ứng duy nhất: tôi có quyền. Vâng, khi vợ tôi đã đi trước một bước, làm được việc cô ấy thích làm thì tôi cũng có quyền của tôi chớ? Xin đừng trách tôi nhỏ nhen. Chỉ biết nghĩ như thế tôi mới có thể bình tĩnh và được mọi người khen là mát tính sau khi chuyện tầy đình trong nhà tôi xảy ra. Khi nhận tiền "thanh toán" và những lời cám ơn của cô gái, trong đầu tôi đã có một ý nghĩ: tôi sẽ trở lại ngay, tôi có quyền.
Thu xếp xong cho hai mẹ con, tôi trở lại nhà hộ sinh. Cô y tá được mọi người gán cho cái tên " hộ pháp" đang chống hai tay vào hông làm ầm ĩ bên giường cô gái tội nghiệp. Cạnh đó một người đàn bà bụng chửa vượt mặt đang đứng chống tay vào tường kêu rên. "Cô tròn cô vuông rồi thì về. Giường hết sạch rồi, chúng tôi thu xếp cho khách thế nào đây?" Tôi hiểu ra, bước tới trước mặt "hộ pháp":"Tôi đến đón cô ấy đây" Hộ pháp cười rất tươi: "Xin anh cả tiền viện phí". Ði xe máy bên cạnh chiếc xích lô của hai mẹ con, tôi nghĩ: "Tôi đón thêm một bé không phải máu mủ của tôi về nhà thì cũng chẳng đau khổ được hơn. Tôi đã tới tột cùng đau khổ rồi." Kinh dịch nói đại ý: đau khổ đầy tràn thì sẽ tới niềm vui!
Vợ tôi không có phản ứng gì. Có lẽ cô ấy đã biết tính tôi, lặng lẽ chấp nhận tỷ số một đều. Còn tôi thì tận dụng hết mười ngày phép để làm nốt nhiệm vụ một nhà từ thiện, một ma xơ đầy lòng trắc ẩn. Hai đứa bé lớn dần lên trong nhà tôi mà không hề biết có một cơn bão đang chuyển động trong đáy lòng của ba con người chắc chúng không hiểu nổi. Ðến ngày thứ năm, cô gái đã đi lại được khá bình thường. Cô ngỏ ý muốn đi chợ. Cô bế đứa bé sang giường vợ tôi và ra đi. Tôi không nài cô cầm tiền. Cô có tiền và chắc cũng muốn "thanh toán" nợ nần bằng bữa chợ. Trưa hôm đó, sau khi lên Uỷ Ban lấy được con dấu đỏ, tôi trở về nhà, và sửng sốt nhìn thấy trên mâm cơm giữa các đĩa thức ăn nấu công phu, một đĩa xa lát Nga. Tôi đã từng tốt nghiệp nghề rừng ở đại học I-a-cút tuy ở đó các thầy không dạy tôi phải bắn bọn lâm tặc ở chân hay trên ngực. Một cuộc đời hiện ra, tuổi thanh xuân, du học, rừng xibêri, tình yêu, tuyết trắng và thịt hun khói. Và người sản phụ trẻ không ai săn sóc ngồi đối diện bỗng trở nên khác hẳn. Nỗi cô đơn không còn làm đôi mắt cô tối sầm như mọi hôm. Chắc hẳn cô ta vui vì biết tôi đang vui. Chiều hôm đó, tôi quyết định ngồi với cô một lúc trên một khúc gỗ mục ngoài sân và hỏi chuyện cô. Vợ tôi à ơi ru con trong nhà. Chắc cô ấy cũng đang nhớ tới người tình mặc áo sơ mi trắng và thơm mùi xà bông Luz.
Một chuyện tình khá "thời đại": chung vốn đi Nga làm ăn, yêu nhau, giấu không cho người yêu biết mình có thai vì "sợ nó bắt phá" mất. Một sáng tỉnh dậy không thấy ai quanh mình ngoài cái thai vượt mặt trong bụng và vài ngàn mỹ kim trong người. Vốn liếng chung đã được ông "người yêu" chuyển thành đô sạch sành sanh và biến mất. Người ta bảo ông ta về nước trong chuyến máy bay ngày hôm đó. Thế là về và đi tìm chàng Ðông Gioanh, may ra còn kịp đến nhà hộ sinh. Tứ cố vô thân.
Trưa hôm đó tôi ăn hết đĩa xa lát Nga một mình. Tôi chắc cô ấy đã hỏi dò ai đó biết tôi từng ở Nga và chút hành động đầy nữ tính để trả ơn người đàn ông "trượng phu" đã dám đón về nhà mình để hầu hạ hai đứa trẻ không phải con mình và một người đàn bà không quen biết. Các bạn sẽ tưởng tượng được tôi cảm động như thế nào vì từ ngày có vợ đến nay, tôi vẫn phải tự khâu lấy những chiếc khuy đứt của mình. Khi người ta không yêu chồng thì chuyện đó cũng chẳng có gì lạ.
Chúng tôi lỵ dị sau đó một năm. Tôi chờ và chính vợ tôi đã khởi động mọi thủ tục. Nàng có thể đã ân hận nhưng quá biết tính nết tôi, nàng cho rằng sự "bỏ qua" của tôi chẳng qua chỉ là một hình thức đối xử. Chi bằng đã không yêu thì chẳng cần níu kéo. Tôi đồng ý để nhà lại cho vợ tôi, con của nàng và ba khối gỗ hồng sắc mua từ mấy năm trước đang chất đống đầu hồi định làm một cái isba kiểu Nga ở góc vườn. Không ngờ gỗ lại bền hơn giấc mộng gia đình của tôi. Có lẽ đó là gỗ của một anh lính kiểm lâm.
Trước đó tôi đã đón hai mẹ con người đàn bà đã làm tôi cảm động vì một đĩa xa lát Nga lên rừng. Ðơn giản vì nàng không biết ở đâu, về đâu và cũng vì tôi muốn thế. Ðất rộng, người thưa, gỗ không thiếu, tha hồ ở. Thằng bé rất kháu, lớn nhanh trên đất rừng và khi nó bắt đầu gọi tôi bập bẹ mấy tiếng "bố, bố" gian lận thì tôi cưới nàng. Không thể nuôi sự dối trá quá lâu. Tôi nghĩ thế.
Kết Thúc (END) |
|
|