Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Vợ Lẽ Tác Giả: Nguyễn Quang Thân    
    Ðêm thứ mười hai không phải của Sêchxpia
    Cuộc điền dã đã đến ngày thứ mười. Một chiếc xe Jeep trắng thuê của Sở Tài chính. Tang vật của một vụ án tham nhũng đang chờ phát mại. Bốn cái bánh của nó đang tạm thời lo bữa trưa ngoài lương chính cho cơ quan sở. Vì thế có lẽ còn lâu lắm nó mới được đưa ra bán đấu giá. Ba sinh viên, hai nữ, một nam. Người thứ tư là một nhạc sĩ, ông không là giáo sư nhưng có uy tín về folklore, lại là bạn thân của chủ nhiệm khoa nên được mời đi với đoàn với tư cách người hướng dẫn. Vậy là đã có bốn người. Ðủ hai người đàn ông để làm chứng và giữ gìn đạo đức cho nhau.
    Thùy xinh nhất trong hai nữ sinh viên. Ðoàn điền dã có năm mươi phần trăm là người đẹp. Ông nhạc sĩ chưa quá "âuđờ" theo nhận xét của cậu sinh viên sính tiếng Anh, nghĩa là chưa quá già, tất nhiên không còn trẻ nhưng lại rất, rất si tình để vớt vát tuổi trẻ có lẽ quá nghiêm nghị. Cậu sinh viên nam cùng đi không si tình, không già, không trẻ, một tính cách mờ nhạt, khó gây ấn tượng, như cô sinh viên bạn Thuỳ cùng đi. ở đâu có người đẹp là ở đó có kẻ si tình. Năm mươi phần trăm đàn ông trong đoàn là người si tình, tỷ lệ dưới mức bình thường ở xứ Lạc Việt nhiều nhà thơ.
    Họ đi sưu tầm ca dao và truyện cổ. Khóa học nào cũng có đoàn điền dã đi sưu tầm. Kho tàng dân gian cũng như ao cá, bắt mãi, tát mãi rồi cũng có ngày hết. Phải bắt lại mấy con cá đã bắt năm ngoái cũng không ai nói gì. Ngày thứ mười, họ đã sưu tầm được một trăm hai mươi câu ca dao dạng lục bát chưa ai biết. Ông nhạc sĩ thấy mảng đề tài lao động hơi mỏng, liền có sáng kiến tổ chức một cuộc thi sáng tác ca dao trong đoàn. Ðiều kiện: đề tài lao động nông thôn, có phong cách cổ, đương nhiên đồng ý chuyển nhượng bản quyền cho dân gian. Thuỳ được giải nhất. Hai bạn có tính cách mờ nhạt chia nhau hai giải nhì đồng hạng. Các giải là những cát-xét album của ông nhạc sĩ, ông hứa sẽ đưa đến tận nhà. Cuộc thi chớp nhoáng trong một ngày đã bổ sung vào kho tàng dân gian mới sưu tầm được ba mươi câu ca dao lục bát. Một kết quả không ngờ trên vùng đất đã được cày xới nhiều lần.
    Ngày thứ mười một không còn việc gì làm nữa. Ðó là một ngày khốn đốn đối với Thùy. Mới bảnh mắt ông nhạc sĩ đã rủ Thùy đi chào từ biệt "đồng chí chủ tịch xã", địa phương đoàn dừng lại cuối cùng. Ðường đi phải qua một trảng cỏ mênh mông đến tận một cái bản tít tắp. Nhạc sĩ nói: Ðồng cỏ thơ mộng nhá, lại qua một con suối nữa, nếu em mặc chiếc váy ngắn... thì tuyệt!" Thùy hoảng: "Thưa ông, em có mang bộ váy nào đi điền dã đâu" Một nụ cười không nghe thành tiếng: "Em đừng giấu tôi" Quả thật, Thuỳ đã nói dối. Cô nhét tận đáy chiếc ba lô nhỏ bộ váy màu thanh thiên đẹp nhất của cô để phòng hờ. Nếu cảnh vật quả thơ mộng như nhạc sĩ nói thì nhất định mình phải từ chối. Cô nói: "Thưa ông hôm nay em mệt, ông bảo chị Hương đi cùng" Nhạc sĩ hiểu và ông quyết định huỷ bỏ cuộc đi "từ biệt" vì xem ra làm như vậy nó quá lễ nghĩa đối với một ông chủ tịch xã mới gặp một lần.
    Buổi chiều vẫn không yên. Ông nhạc sĩ xách đến nhà Thuỳ trọ một cái chuồng chim. Trong chuồng là một con hoạ mi. Món quà của ông trưởng thôn đây. Một con hoạ mi có tên Sơn Cước, hót rất chuẩn, chiến rất mùi. Ông nói: "Thế là nó sắp được làm dân Hà nội" Thuỳ nhìn con chim, nói: "Nó sẽ học được phép lịch sự và lẳng lơ" Ông nhạc sĩ nói: "Nhưng nó bị nhốt trong chuồng, nghĩa là bị đưa ra khỏi tiến trình sinh sản. Vì thế nó chọi mới hăng, hót mới hay" Thuỳ cười ý nhị: "Thưa ông, cũng chưa chắc. Không phải ai bị ẩn ức hót mới hay" Ông nhạc sĩ nói: "Frớt đã bảo thế mà!" Sơn Cước hót một chuỗi tiếng kim rồi hạ xuống tiếng đồng. Nó hót hay thật, tuy chưa biết ngày mai bị xách về Hà Nội. Mày đã biết sắp được hưởng vinh dự ấy chưa, hả chim? Thế là mất gần cả buổi chiều về chuyện con chim. Không còn thời gian gội đầu. Chị chủ nhà không có chồng, xin ai được một đứa con trai nay đã năm tuổi. Chị nói: "Chị không xin dân trên phố, nghe nói giống họ yếu mà lại hay lòng thòng, mang tiếng ra!" Thuỳ để lại biếu chị hộp Ri-gioi mới dùng mấy ngày. Chị nói: "Chị xin, giữ làm kỷ niệm. Nhưng chiều nay em thử gội nồi nước lá chị nấu xem sao". Sắp gội thì ông nhạc sĩ đến. Ông biết Thùy bận nên đối đáp với ông rời rạc. Nhưng ngày mai đã lên xe rồi. Về Hà nội thì phong cảnh tuy là danh thắng cả đấy nhưng không còn vẻ gợi cảm xui đẩy người ta hành động bâng quơ nữa. Mà ông thì biết rõ qua kinh nghiệm một đời người là các cô gái chỉ mất phương hướng khi có một ngoại cảnh mơ màng làm những tâm hồn nhạy cảm thổn thức. Về Hà nội thì không còn cái "mơ màng" ấy nữa, con người ta lại ngồi vào trước cái bàn tính nhân sinh. Trước cái bàn tính ấy, ông chẳng có mấy ưu thế. Ông phải trở lại với danh tiếng của ông, với sự mô phạm gương mẫu của ông, với ý thức gia đình nghiêm chỉnh, điểm số của ông sẽ quá thấp so với một anh chàng điển trai, trẻ trung bất kỳ nào, đó là chưa nói đến chuyện có thể xẩy ra như một ông Tây đầu tư hay anh Việt Kiều yêu nước có thể từ trên trời đổ bộ xuống chẳng hạn. ở đây ông có địa lợi, có thiên thời, chỉ thiếu một chút tình cảm riêng tư của người con gái bé nhỏ đã hút hồn ông lâu nay nữa thôi. Ông nói chuyện với Thùy về con hoạ mi mới được tặng, về thức ăn cho nó, về những con hoạ mi nổi tiếng một thời trong giới chơi chim thủ đô, về những con hoạ mi khác cũng nổi tiếng không kém trong nhạc phẩm của Mozart hay Glinka... Thùy nghe với vẻ kính trọng “tính uyên thâm” trong câu chuyện của nhạc sĩ, nhưng hững hờ. Cô nóng ruột nhìn nồi nước gội đầu chị chủ nhà chuẩn bị từ trưa đang đặt trên bếp.
    Gội đầu xong, đang túm tóc quay vun vút cho mau khô, nhạc sĩ lại đến. Chắc ông vừa tắm xong, thơm tho trong bộ quần áo chưa thấy ông mặc lần nào từ ngày về đây. Sơ mi xám, quần bò màu bạc, hai thứ đó kéo ông trở về tuổi trẻ hàng chục năm. Lần này ông không nói. Ông ngồi như một tín chủ ngoan đạo nhìn ngắm thần tượng của mình. Kinh nghiệm cho ông biết, sau những câu chuyện đầy tính uyên thâm mà không ăn nhằm gì, ông sẽ im lặng. Nó thường hữu hiệu như quả bom nguyên tử ở Hirôsima trước một hiệp ước đầu hàng. Nhưng Thuỳ không có vẻ xúc động gì vì sự im lặng đó. Cô đang muốn nghĩ ngợi một mình. Cô muốn dành cả buổi tối để ôn lại cảm xúc của chuyến đi điền dã đầu tiên trong đời. Về nông thôn. Về công việc sau khi ra trường. Về một đám hoa dại không biết là hoa gì bỗng dưng hiện ra hôm đó khi cô vừa bước tới một khúc quanh trên con đường mòn dẫn tới bản Lắng. Những bông hoa đỏ tươi một cách lạ lùng làm cô sửng sốt. Về một chú bé bị bệnh giun chỉ, chân to như voi và đôi mắt buồn của chú. Về một con chó Mẹo khoang trắng chạy bên một cái ao nước, bóng nó chập chờn trong làn nước yên tĩnh màu tro thật đẹp. Tất cả đều lung linh với cô như một giấc mơ. Và cô đau khổ khi thấy mình đang tỉnh dần, đang phải rời bỏ dần những bông hoa, đôi mắt buồn của chú bé, con chó, cái bóng chập chờn của nó... Trước mặt cô là nhạc sĩ. Ông đã ngồi im lặng với cô hai tiếng đồng hồ. Rồi ông đứng dậy, đi ra, nét mặt khổ nạn như vừa đi thăm người ốm về.
    Thuỳ không ngủ được. Cô muốn làm một cái gì đó để không cho những ấn tượng kia bị mờ nhạt đi. Nhưng kỳ lạ thay, chính trong đêm ấy hình ảnh ông nhạc sĩ, người đã không gây cho cô cảm xúc gì trong mười một ngày qua đã chiếm lĩnh đầu óc cô. Ông chỉ đến lớp cô nói chuyện về dân ca trong mấy tiết vào cuối năm thứ ba. Và cộng thêm mười hai ngày điền dã. Người ta bảo ông đang có một gia đình hạnh phúc. Hạnh phúc ư? Không hiểu nó thế nào. Nhiều người bảo rằng có một nguyên tắc ông chưa hề vi phạm là nếu ở Hà nội thì ông không bao giờ ngủ ở đâu khác ngoài nhà mình. Rằng khi phải đi ăn với ai hoặc về nhà muộn quá giờ vì bạn bè chèo kéo thì chỉ năm phút sau ông gọi ngay điện thoại cho bà vợ, có lần điện thoại nhà ông bị hỏng, ông đã phải nhờ một sinh viên đi xe máy về đưa thư cho bà hay. Rằng vợ ông là người có bệnh tim lại cao huyết áp nên chưa bao giờ ông nói nặng với bà một lời, cậu sinh viên đưa thư hộ ông, bức thư viết vội nên không kịp dán, đã đọc được những hàng chữ rất mùi mẫn:" em thương yêu, my darling, ma très très chère [1] vân vân". Nhưng sinh viên cũng biết ông có rất nhiều người tình, những người tình rất trẻ rất đẹp. Không ai biết ông đã chinh phục đám mỹ nữ ấy như thế nào, ông đối xử với họ ra sao, cái biên giới gần gũi giữa họ có bị vi phạm hay được tôn trọng. Chỉ biết là ông không bao giờ bị ai kêu ca, những người tình không kêu ca, mà chính bà vợ "hạnh phúc" của ông cũng không hề phàn nàn. Ông có tiếng nhưng không bị tai tiếng. Ðối với Thùy, ông là một người đáng trọng. Vì kiến thức uyên bác. Vì trách nhiệm với âm nhạc. Vì cái tiếng Anh và tiếng Pháp tuyệt vời của ông. Vì giọng hát dân ca ấm áp khi ông minh hoạ bài thuyết giảng. Ông muốn gì ở mình đây? Một người tình như bao người tình trẻ đẹp khác từng là "của ông"? Một con búp bê để ông chơi hay một bức tượng để ông chiêm ngưỡng? Dù là gì đi nữa, Thùy vẫn thấy mủi lòng. Cô hối tiếc là đã không chịu đi chào từ biệt ông chủ tịch xã với ông, đã không đi với ông qua những trảng cỏ "trong một buổi chiều thơ mộng" và nếu họ bị giữ lại ăn cơm ở nhà ông chủ tịch, có thể hai người phải qua cái trảng cỏ thơ mộng ấy trong cả buổi tối. Thuỳ cũng hối là đã không tung hứng với những cảm xúc của ông về con hoạ mi, đã không cảm thông với hai giờ đồng hồ im lặng của một người cô hằng kính trọng...
    Nhưng sáng mai đã là ngày thứ mười hai. Sáng sớm mai chiếc xe Jeep đã phải nổ máy đưa họ về nhà. Thùy không còn cơ may để làm bất kỳ chuyện gì nữa.
    Chiếc xe qua nhiều địa hình, nẩy lên dằn xuống. Thuỳ đã tìm cách để ông nhạc sĩ ngồi lên ghế trước. Cô không muốn ngồi cùng ghế với ông. Cô chọn ngồi ngay phía sau ông, cạnh cô bạn. Cậu sinh viên ngồi một mình trên ghế thứ hai với đống quần áo, chăn màn, chiếc lồng chim. Sau khi ăn cơm chiều trong một cái quán có bầy ruồi luôn vo ve một cách khả nghi chiếc xe lại lên đường đi vào đêm thứ mười hai. Thùy nhìn bóng cái đầu bù xù của ông nhạc sĩ nổi lên, nhảy múa trước ánh sáng vàng khè của đèn pha. Ông không nói nhiều như lúc đi, sự im lặng đó buộc Thùy phải nghĩ tới ông suốt cả đoạn đường. Cô sinh viên ngồi cạnh kêu buồn nôn vì xe xóc. Thuỳ nói: "Mình cũng vậy" Anh sinh viên họa theo: "Khúc cá tanh quá, lại nhiều ruồi", đó là anh ta nhớ lại bữa cơm chiều. Bỗng Thùy thấy một bàn tay từ phía trên, đúng bàn tay ông nhạc sĩ lần xuống, chạm nhẹ vào lớp vải quần bò trên đùi mình. Ông rụt lại ngay và một chút sau tìm đúng bàn tay Thùy đang run rẩy. Một miếng kẹo cao su dẹt và mềm được thả vào tay cô với bao trìu mến, chiếc kẹo run lên trong sứ mệnh tế nhị của mình. Lần nữa, Thùy mủi lòng vì sự quan tâm cô chưa từng được hưởng, nó mang mùi vị khác thường, lén lút, bí mật, e lệ. Nhưng giây phút ấy qua rất nhanh. Thùy bỗng hiểu ông nhạc sĩ đang muốn gì ở mình. Cô lần tay cô bạn đang buồn nôn ngồi bên, thả chiếc kẹo vào tay nó.
    Chiếc kẹo cao su được chuyền vào tay cậu sinh viên trong bóng tối lúc nào không hay. Ðến lúc chiếc xe phải ngừng lại để đổ nước vào két thì nó được cậu sinh viên thả vào tay anh lái xe. Nhưng anh lái, đang xấu hổ vì chiếc xe cho thuê quá ì ạch, không nghĩ tới chuyện nhai chiếc kẹo. Anh dúi vào tay ông nhạc sĩ ngay lúc xe nổ máy.
    Họ đi vào đêm. Hà nội mỗi lúc một gần với vầng sáng điện ở chân trời. Ông nhạc sĩ bàng hoàng vì miếng kẹo nhỏ bé trở lại tay mình như trong chuyện cổ tích. Ông không nhai mà lén vứt nó qua cửa sổ như để vĩnh biệt một cuộc phiêu lưu tình cảm không thành.
    Sau đó Thùy được biết trong túi ông nhạc sĩ thường xuyên có một hộp kẹo cao su nhỏ. Ðã có nhiều cô gái được thả kẹo vào tay và đã ăn nó để tự điền tên mình vào bản danh sách cô hồn. Thùy không tiếc vì đã không ăn thanh kẹo ấy trong đêm thứ mười hai của chuyến đi. Và cũng may là vở bi hài kịch này đã không do Sêchxpia vĩ đại và nồng nhiệt, và nhẹ dạ viết ra.
    

Kết Thúc (END)
Nguyễn Quang Thân
» Người Bẫy Chim Trên Núi Cu kỳ
» Người Vợ Lẽ Ở Phường Khánh Xuân
» Sông Nước Đời Thường
» Người Đẹp Làng Chiếu
» Người Trêu Chim
» Người Vợ Lẽ
» Michioa
» Phường Săn
» Đêm Cổ Nguyệt Ðường
» Thuế Giường
» Hai Người Từ Thị Xã
» Gặp Lại
» Lỡ Hẹn Ở Mai Châu
» Cây đắng cay
» Ðĩa Xa Lát Nga
» Người Đàn Bà Đợi Ở Bến Xe
» Mưa Sao Băng
» Cây Bạch Đàn Vô Danh
» Nhật Ký Về Những Người Thanh Lịch
» Gió Heo May
» Mưa Sài Gòn
» Vạt Áo Đời Người
» Chàng Thi Nhân Đầu Bạc
» Ði Đêm
» Người Đàn Ông Trên Ban Công