Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ngọn Gió Nào Đi Qua Cuộc Đời Chúng Mình... Tác Giả: Lê Minh Hà    
    ...Cũng thành gió biếc... (1) Nghĩa rền rĩ trong khi dí kính vào cái thời khóa biểu mới ông hiệu phó chuyên môn vừa dán ở phòng hội đồng. Thụy từ nãy giờ chúi đầu vào cuốn Tử vi tướng pháp ngước lên nhỏ nhẹ thật à? Cái nhếch mép thì đểu. Nhưng mắt nhìn thì buồn bã. Cả đám giáo viên đang quây quanh cái ấm giỏ cười phá. Chân cũng cười bâng quơ. Sao ở đâu cũng như ở đâu?
    Chân đổi về trường này đã hai năm. Trước Chân dạy ở Trung Hà. Trước nữa, ưu tiên tốt nghiệp thủ khoa, Chân được phân công vào Lâm Đồng, khu Kinh tế mới Hà Nội. Đi hai năm là được ra. Mẹ bảo thôi cứ từ từ. Mẹ hãi cảnh con gái bà bạn đi Lâm Đồng hai năm sốt rét rụng tóc, mà cũng lại sợ con đi buồn tình lăng nhăng lít nhít mẹ không ở cạnh nắm tay day trán được mà đay. Hàng ngày Chân mang gạo ra đầu Hàng Da xay bột về làm bánh trôi bánh chay bán quanh cho đàn bà trẻ con trong ngõ, bạn bè tới thì khao luôn. Cũng có đồng ra đồng vào không phải lựa lúc xin mẹ. Nhưng càng ngày càng chán. Mãi bố mẹ mới xoay được cho về Mê Linh. Rồi về Trung Hà. Không phải qua sông, tiện đường ô tô hơn. Đùng cái, nhà nước lại tách nhập tách, Mê Linh Trung Hà từ giã địa vị Hà Nội can - nơi dừng chân của những đứa bị phân công công tác xa Hà Nội mà không thể đi. Vậy là lại thêm một lần các cụ nhà Chân phải xuống xuống lên lên phòng tổ chức sở Giáo Dục. Bao nhiêu là lý do được đưa ra với vẻ vừa kèo nèo vừa khẩn nài vừa cùn: Bố mẹ lâu năm trong ngành, nhiều năm đi xa tít mù tắp tận Tây Bắc, và cuối cùng mẹ Chân chấp nhận về hưu, tiếp quản cái bàn bán bánh trôi của con gái để con gái được theo nghề. Nhích thêm chẳng được mấy cây số đường chim bay về đất nội thành. Nhưng cái chính là lần này về Hà Nội thật.
    Trường nằm giữa cánh đồng, mùa đông gió bấc lồng lộn, thầy trò run như giẽ. Đầu hè thì ong ong một màu nắng trắng, đi được từ bến xe vào trường mắt đổ hoa cà hoa cải. Học sinh nói đủ thứ giọng. Giọng Kẻ. Giọng Mỗ. Giọng Nhổn. Lại còn mấy đứa thi chuyển cấp thiếu điểm vào trường gần nhà phải xin học trái tuyến nói giọng Trích Sài. Buổi đầu Chân nghe cứ như nghe tiếng nước ngoài. Hộc tốc xốc gan chạy từ trường ra bến xe sau tiết cuối, hỏi giờ, trò rộn ràng thưa cô chưa dân ca cheo. Nghe, Chân phải đần mặt ra một hồi tự dịch. Gọi lên bảng kiểm tra miệng, học sinh ríu rít liến thoắng một hồi, Chân làm mặt tỉnh cho sáu điểm. Đứa nào cũng hớn hở khi nhận lại vở từ tay cô. Cô mới hiền ghê. Hỏi độc một câu là cho về chỗ. Ra bến xe, Hải dạy thể dục nham nhở ghé mặt choắt mắt ốc nhồi vào sát mặt Chân, đôi vai nần nẫn như vai đàn bà no đủ còn cố tình nghiêng xuống: Hiền với mình thôi bạn ạ. Chớ có hiền với học trò. Học trò là quỷ dữ. Chân bước lùi, chẳng quen ngồi hàng quà vặt mà cũng tụt dép sà xuống trước chị bụng chửa bán mía: Chọn cho em một cây ngọt ngọt vào chị. Xong lại hốt hoảng nhìn quanh xem có đứa học trò nào láng cháng gần: Dạ không. Em mua về nhà. Chị đẵn ra cho em đừng róc.
    Về trường mới, Chân đổi lại được nghề cũ. Dạy văn. Và dạy phổ thông trung học hẳn hoi đúng như được đào tạo. Phúc trùng lai. Trước, xin về Trung Hà, phải dạy cấp hai, mẹ giục giã và Chân gật đại trước đôi mắt mệt mỏi của ông cán bộ phòng tổ chức nguyên đồng nghiệp với mẹ từ thời ở khu tự trị Thái Mèo: Vâng dạy chính trị cũng được chú ạ. Thì cứ theo nghị quyết chứ gì chú! Về trường, thêm một lần thay đổi. Hai giáo viên sử nghỉ đẻ. Cô Chân thay nhé. Tám tiết chính trị khối bảy. Mười tiết sử khối chín. Dạy văn mới cần cảm hứng chứ sử thì cứ sách giáo khoa mà nện! Ông hiệu phó nói cười ha hả trước khi nhổm người gọi với bà lao công này đun ngay cho tôi siêu nước có khách và Chân hiểu rằng cuộc gặp mặt với ban giám hiệu đã hết.
    Về trường mới, Chân nôn nao như lên bục giảng thực tập thời sinh viên khi nghĩ tới ngày mai. Ngày mai, Chân sẽ viết lên bảng hai chữ giảng văn. Ngày mai, theo chương trình Chân sẽ dạy Tiếng hát con tàu. Ngày mai cả tổ sẽ dự giờ của giáo viên mới đấy nhé! - Tổ trưởng Hợi cao to đẹp mã vợ đẻ toàn con gái réo giữa văn phòng. Vâng ạ. Chân rụt rè cười. Cái cười hơi ngơ ngác của người cận thị.
    Từ hồi đi dạy xa Chân tập thôi đeo kính. Trước, ngỡ chỉ bỏ kính khi hôn nhau như bạn bè đùa. Nay, Chân bỏ kính thật. Dạy vùng xa, nơi học trò sáng đi học chiều dậm dụi ngoài đồng, bố mẹ học trò đến trường theo lời mời của giáo viên ống quần còn quăn quăn nếp xắn từ đầu gối trở xuống, tiếng cười vừa xởi lởi vừa khiêm nhường thôi thì chúng tôi trăm sự nhờ các thầy cô giáo , đeo kính thấy kỳ kỳ. Rồi cũng quen với cảm giác mờ ảo của cảnh và người. Chỉ những lúc một mình trong căn phòng tập thể của trường Chân mới đeo kính lại. Rất xa đằng kia là Bất Bạt. Mùa xuân, đám bạn đi thăm mộ người nhà ở nghĩa trang Yên Kỳ hay tạt qua trường Chân. Eo ơi! mày cả tháng ở trên này thì đời lên mốc mất. Mốc chỗ nào. Có càng ở thì càng teo như cái mộc nhĩ được nắng ấy. Linh cũng cười, đóng hoàn hảo vai bạn lên thăm bạn, tuyệt nhiên không biểu lộ một thái độ sở hữu nào trong khi Chân loay hoay với cái bếp dầu gia công nấu mì đãi khách. Linh đã đồng ý với Chân rằng bỏ nghề ở nhà thì phí và buồn chết đi được. Linh đã mừng rỡ khi bố mẹ xoay được cho Chân về trường này: Rồi vài năm thì tiến về Hà Nội. Hai đứa tưởng tượng như thật một cảnh gia đình trẻ. Vợ giáo viên ở trường huyện cùng con nhỏ. Chồng giảng viên đại học, cuối tuần tha lương thực thực phẩm quà cáp của ông bà nội ngoại lên với vợ con. Vài năm thôi. Đến khi Chân về lại được nội thành thì cứ gọi là... Chân đã bao nhiêu lần mơ màng Chứ gì nữa! Cứ gọi là... Nhưng bây giờ, Linh nói cười vui vẻ và mắt nhìn trống rỗng. Lòng Chân rỗng không. Ngoài kia, gió xuân vờn trên cánh đồng thuốc lá. Lá cây thuốc lá lật mình trong gió xám bạc dưới bầu trời mùa xuân mưa phùn xám bạc. Có hai đứa trẻ lang thang ở đầu kia cánh đồng. Thằng lớn dừng chân đứng chống cuốc. Thằng bé mặc cái áo ngắn cũn cỡn và quần cộc. Chân có cảm giác như nhìn rõ được gương mặt tím tái, ngẩn ngơ và háo hức của nó hóng về những mặt người hớn hở bên những khung cửa xe bus đang lao vèo vèo qua theo hướng Yên Kỳ. Đi tảo mộ mà chẳng mấy khi thấy ai buồn khổ. ý nghĩ ấy bao nhiêu lần đến trong đầu Chân, thường day dứt hơn khi đám bạn ào vào sân trường. áo bu dông. Kính trắng kính đen. Giày thể thao. Xe máy long lanh giọt lệ. Những ngày ấy và những ngày cán bộ phòng với sở lên kiểm tra trường chuẩn bị cho mùa thi có lẽ là những ngày xôn xao nhất ở đây.
    Và Chân đã trụ ở đấy sáu năm. Sáu năm. Bạn bè vãn dần dù hàng năm vẫn đứa nọ đứa kia đi thăm mộ trên Bất Bạt. Chân nhận được bao nhiêu thiếp mời mà không thể về. Những mùa, những chiều, Chân nhìn dãy Ba Vì mờ xa, nhìn sương buông trên cánh đồng thuốc lá, vác bát sang nhà chị giáo viên cùng trường xin gắp dưa, nói mấy câu trước khi về khép cửa phòng châm ngọn đèn dầu. Lòng có nỗi niềm nào chăng là lúc mấy đứa học sinh gái rụt rè gọi cửa, chào râm ran và xăng xái bày mấy củ khoai nướng sém mời cô, hay bê tới cho cô rổ rau khúc để cô mang về Hà Nội, làm như cô chỉ cần có rau khúc là có bánh khúc mà ăn tắp lự. Hay là khi mấy cô bé đã ra trường đùn đẩy nhau trước cửa phòng và cuối cùng một đứa mặt đỏ dừ vừa thẹn thò vừa hớn hở lắp bắp bố mẹ em cho em đến mời cô hôm này... Chân đã đi một đám cưới học trò như thế và không bao giờ đi nữa.
    Nhưng Chân đã đi đám cưới Linh. Cuối học kỳ bận rộn, làm xong sổ điểm Chân mới về nhà. Thấy hai cái thiếp mời. Bố ngồi ở đầu giường, liếc nhìn Chân, vờ vĩnh chép miệng: Mẹ nó mua lạng chè này ở đâu được nước thật. Thảo Chi thản nhiên: Ông Linh nhà bà đi cùng vợ tới đây. Hơi bị giàu. Vàng đỏ tay. Phải tội hơi quá bụ bẫm. Mà trông có vẻ cứng tuổi hơn. Thấy bảo làm thư viện ở trường ông ấy. Chắc đua đòi cho vui vậy thôi chứ nhà Hàng Gà có cửa hàng bán buôn khuy chỉ gì ấy. Mẹ mặt hầm hầm nhưng giọng ngọt ngào: Thảo Chi đun nước cho chị tắm chưa con. Rồi dọn mâm ra. Xong mà học bài cho sớm. Bọn sinh viên chúng mày giờ mẹ không hiểu nổi. Học hành gì mà chỉ dồn vào mấy kỳ thi. Thảo Chi cười: Con không định đi làm như chị Chân đâu. Khi nào con ra trường, mẹ cứ bàn giao cái bàn bán bánh cho con. Con nhìn rồi, ngõ mình giờ phát triển thành nơi bán hàng quà vặt đông nhất phố. Con mà bán hàng ý à. Đảm bảo các cụ bà về hưu mất khách. Bố nhăn mặt, giọng gằn gằn: Mẹ bảo thì động chân động tay ngay đi chứ đứng đó mà động mồm và Thảo Chi hốt hoảng lè lưỡi. Hai chị em đèo nhau tới phòng cưới, cười như phá cùng cả đám bạn học cũ của Chân, chọc ghẹo cô dâu chú rể loạn xạ. Và Chân không gọi Linh là anh, xưng Thái Chân như hồi còn đi học. Chị ta biết gì về mình? Linh kể gì về mình? Câu hỏi thật vớ vẩn cứ cuộn trong đầu Chân khi ngồi lên xe cho Thảo Chi đèo về. Mà sao mình không muốn khóc? Thảo Chi nhấn ga, ngoái đầu, tiếng được tiếng mất trong gió... Bà này thế mà... lạnh... Cái gì như chán với đểu...
    ...Đoạn đường từ trường ngoại thành về nội thành của Chân kéo tới bây giờ là đúng tám năm. Sáu năm Trung Hà. Hai năm Diễn. Lại đã là học kỳ hai. Lại đã là mùa xuân. Trường nằm giữa cánh đồng nhưng cũng không xa làng, từng lúc hương hoa bưởi lại dịu dàng thoảng tới. Vườn xoan các cụ mướt mát sau những ngày mưa. Lá xoan non tơ, nhưng màu xanh dường như đã đằm xuống bởi những chùm hoa tím bạc. Trông chẳng còn giống con gái mới lớn. Giống con gái lỡ thì. Chân bất giác mỉm cười và học sinh không hiểu vì sao môi cô giáo cười lại run run. Hay tại những dòng thơ...Con nhớ anh con người anh du kích - Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn - Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách - Đêm cuối cùng anh gửi lại cho con...
    ...Có một tiếng thở dài lan trong lớp học. Bọn học trò ngỡ ngàng và say mê nhìn cô giáo. Thơ da diết và trôi chảy. Như con sông Nhuệ, như một dải khăn xuân quấn quanh trường. Như Chân đọc cho mình. Các giáo viên dự giờ thì thào điều gì. Lại mùi hương bưởi. Dịu dàng quá. Sao dịu dàng thế này. Đến không thể nào chịu nổi... Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương - Khi ta ở chỉ là nơi đất ở... Giọng Chân cao lên rồi trở lại nhỏ nhẹ. Trong một thoáng, đất trời trải trước mắt Chân màu xám bạc của những cánh đồng thuốc lá. Bến nước Trung Hà. Ba Vì mưa bụi. Bất Bạt lô nhô những ngọn bạch đàn trên vô vàn mộ chí... Và rồi tất cả bừng lên trong ánh mặt trời mùa xuân ban trưa. Vườn xoan. Vòm cây bưởi trắng hoa nhà ai. Những đứa học trò nhà quê đang ngây ngất nhìn cô hôm nay và ngày mai sẽ đi lấy chồng lấy vợ, sẽ già đi có khi còn nhanh hơn cả cô. Nhưng đây không phải Trung Hà. Đây là Diễn. Diễn chỉ còn cách Bờ Hồ mười lăm cây. Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn... Còn có tâm hồn nào nữa? Còn có khi nào mình rời khỏi nơi đây như đã rời đất Trung Hà? Mình sẽ nhớ buổi trưa này thế nào? Có đau đớn như lúc này? Chân xoay người, xiết viên phấn lên tấm bảng đen vênh váo học trò đã cẩn thận sơn lại bằng lá khoai mỗi kỳ tựu trường. Từng âm vọng dồn trong ký ức... Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét - Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng - Như xuân đến chim rừng lông trở biếc......Cái lạ lùng của những so sánh trùng điệp, bất ngờ, không dễ hiểu... Giọng Chân đam mê, nhỏ nhẹ, chẳng giống một lời hướng dẫn giảng dạy nào. Những giáo viên dự giờ lại thì thào điều gì, lại ghi chép điều gì, và học sinh lặng lẽ. Có một làn hơi rất nóng cuộn lên trong lồng ngực con gái ba mốt tuổi của Chân, làm Chân nghẹn thắt. Mình sẽ nhớ. Sẽ nhớ. Thơ không phải là đời. Có những mùa xuân không bao giờ qua.
    1998
    Chú thích
    1: Ngọn gió nào đi qua cuộc đời chúng mình cũng thành gió biếc - ý Nhi.
    2: Những câu còn lại trích từ Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên.

Kết Thúc (END)
Lê Minh Hà
» Trăng Góa
» Bão
» Bia Rượu
» Bài Hát Cũ Bây Giờ Ai Hát Nữa
» Con Gà Của Bà
» Ngọn Gió Nào Đi Qua Cuộc Đời Chúng Mình...
» Có Chồng
» Chuyện Nhà
» Những Giọt Trầm
» Trên Tay Còn Tuổi
» Bạn Bè
» Những Triền Xưa Ai Đi
» Đi Lễ
» Những Ký Họa Dang Dở
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Quà Giáng Sinh
» Người Dưng Làm Má