Đi ngủ, chồng tôi chẳng khác một đứa trẻ cứ phải sờ tí mẹ. Một lần, đang mân mê ngực tôi, anh bỗng thảng thốt: Ngực em có cái gì như hạt nhãn thế này? - Một cái u, mình ạ. Sinh thiết rồi. Em bị ung thư. Tháng sau mổ.
Đêm đó, chúng tôi nằm yên lặng, không ngủ. Rồi mọi sự tuần tự diễn ra. Chồng tôi đưa tôi vào viện K, đón tôi ra, buồn bã, ân cần. Cái vốn còm của hai vợ chồng teo đi rất nhanh. Sau đó, chồng tôi xoay được một suất thực tập sinh ở Đức. Chúng tôi chia tay nhau, đằm thắm, bình thản, (về phần tôi). Tôi biết rằng chúng tôi sẽ không sống cùng nhau nữa. Tôi biết điều ấy vào hôm bỏ băng; mắt chồng tôi dại đi khi thấy một bên ngực tôi đáng lẽ là bầu vú anh thường ve vuốt hàng đêm thì giờ lại chỉ là một mặt phẳng toàn sẹo.
Tôi ba mươi, kỹ sư hóa. Chồng tôi ba mốt, cũng dân học tự nhiên. Sau khi anh đi, mẹ tôi bảo tôi thu xếp về ở cùng mẹ. Con cái chưa có, chó mèo tôi ghét, nhà chồng ở tít Sài Gòn, tôi chỉ bấm khóa tách một cái là căn phòng mười hai mét vuông nửa căn hộ chúng tôi được phân coi như an toàn. Ma nào nó thèm nhòm cái nhà chỉ có sách với mấy cái nồi rếch.
Nhà mẹ đẻ tôi ở cuối Trần Phú phía Phùng Hưng. Mẹ về mất sức đã lâu, bảo buồn tay buồn chân nên làm nồi cháo sườn bán sáng cho bọn nhóc tì. Thế mà nuôi cả nhà, cả sau khi tôi và anh tôi đã ra trường đi làm. Mẹ sống cùng anh tôi, hơn tôi bốn tuổi, yêu bao bận chẳng biết, nhưng chưa vợ. Buổi sáng, anh dậy sớm gánh nồi cháo cùng mấy cái ghế nhỏ ra đầu ngõ đỡ mẹ, xong quay vào ngồi dịch. Từ hồi viện anh không kham nổi trò tự hạch toán phải giải thể, các viện sĩ như anh giải tán về nhà, những ai không lấy làm tháo vát phần lớn đều sống bằng trò dịch dọt này. Tôi thì sau khi mổ được viện cho nghỉ dài hạn ăn bảy mươi phần trăm lương. Cũng muốn đỡ mẹ ra bán cháo rửa bát, nhưng mẹ gạt phắt, bảo tôi chả khiến chị. Xong lại hạ giọng: Nghỉ cho lại người hẵng con ạ, rồi lên xin ông viện trưởng việc gì vừa sức không phải đi công tác xa mà làm. Rỗi việc quá cuồng chân cuồng tay hay nghĩ ngợi linh tinh lắm. Về với mẹ, tôi cơm ngày ba bữa, chẳng phải làm gì. Nhưng từ lúc còn tối đất mẹ đã dậy lục xục bắc nồi quấy cháo tôi cũng chẳng ngủ được. Vậy là cũng bò dậy, tung tăng lên vườn hoa Chi Lăng để thở ra hít vào.
ở Hà Nội có lẽ chỉ có vườn hoa này với bãi cỏ trước lăng Bác là không bị dân bụi trấn. Có thể vì xung quanh vườn toàn sứ quán với công sở của bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng, công an bộ đội tuần đêm tuần ngày, dân bụi chẳng dám bắc bếp nấu ăn nằm lăn đánh bạc tại đó. Hồi bé tôi rất thích buổi trưa lang thang ra vườn hoa này. Nói là vườn hoa nhưng ở đây toàn cây cao bóng cả. Trong trưa vắng Hà Nội mười mấy năm về trước, khi chiến tranh đánh phá đã dứt, đi dưới vòm cây ấy, nhìn sang Cột cờ Hà Nội, nghe tiếng ve sôi, lòng chẳng thể nào yên tĩnh được bởi bao nhiêu mê say dại khờ. Sau này người ta vạt hẳn một phần vườn, lát đá hoa cương, đặt vào đó tượng Lê-nin, trồng quanh chân tượng thuần thứ hoa thúy rực rỡ một cách vô duyên. Cứ vào cữ 3-2; 1-5; 2-9... trước tượng - nay được tôn là quảng trường Lê-nin - lại lố nhố học sinh. Bọn con gái thì ngượng nghịu trong những tấm áo dài ít khi được mặc, bọn con trai thì cóm róm trong những bộ com lê đi mượn xếp hàng đồng ca các bài hát truyền thống dưới một bầu trời hoặc nắng như đổ lửa hoặc mưa dầm đến mềm cả đá. Tôi nhiều khi đạp xe qua lại bồi hồi nhớ cái thời mình hay lang thang ở chính nơi này.
Dĩ nhiên là bây giờ khi gia nhập câu lạc bộ những người sợ chết tôi chẳng hề lai vãng ra khu đất ấy. Nói là tham gia, nhưng tình thực tôi chỉ có mặt tại vườn hoa cùng thời điểm với họ thôi. Đi loăng quăng dưới những vòm cây cao vào lúc phố phường còn tĩnh lặng, giữa lãng đãng sương, tôi thấy mình bình tĩnh, khác hẳn hồi mới biết mình bị ung thư.
Buổi sáng, ở các vườn hoa Hà Nội thường có rất nhiều cụ già tập dưỡng sinh. Đất Hà Nội càng ngày càng kỳ, trẻ thì trà lá già thì thể thao. ở vườn hoa này cũng thế, nhưng thành phần phụ lão có vẻ rất chọn lọc. Cụ ông cụ bà nào cũng to vật vã. Cụ ông nào trông cũng hao hao mấy tay lãnh đạo Nhật Bản Trung Quốc Triều Tiên, mặt đầy kiểu mu rùa, mũi mật lợn, toàn tướng phát. Chả bù bố tôi hồi còn sống, mũi thì hơi nhòm mồm, người xiêu vẹo hệt dấu chấm than trẻ vỡ lòng phết hỏng. Mẹ bảo tướng bố là tướng phá của. Nhưng thực thì nhà tôi làm gì có của cho bố phá. Mẹ tôi người cũng nhẳng nhẳng như bố, lúc nào cũng tính tính toán toán, chẳng dám may mặc cái gì, thành thử nhiều lúc lại thành moden. Cứ quần áo tôi thải ra là cụ đem diện ở nhà, trừ quần bò. Nhiều lúc nhìn mẹ anh em tôi vừa buồn cười vừa muốn khóc. Còn các cụ bà tôi gặp ở vườn hoa thì khác, ăn mặc rất hợp tuổi, rất đẹp, áo cánh quần thâm, nhưng là áo vải xiu hay mutxơlin, mỏng và anh ánh như phát sáng, quần thì may bằng xoa hay xít gì đó, bóng nhoáng. Nhìn cụ nào cũng nhang nhác mấy bà hàng vàng đầu phố Hà Trung. Có lần buồn tình tôi bò lên viện, kể chuyện cho bạn bè nghe, cái Phương cũng dân hóa như tôi thở dài: ờ, mấy ông bà ấy ông nào bà nào cũng kháu lão cả. Nhà tao lên viện phải qua vườn hoa đó, nhìn cảnh các cụ tập dưỡng sinh cũng muốn về động viên bố mẹ đi tập để sống lâu cùng con cháu, nhưng sáng ra bò dậy thấy các cụ đã tay năm tay mười cho con cái cháu chắt, tao lại mừng thầm là các cụ không ham tập tành gì. Nói đâu xa, nhà mày ấy, cụ bà mà nổi hứng đi múa gậy bỏ bán cháo thì anh em mày đã chắc nuôi nổi thân, nói gì nuôi cụ.
Lang thang buổi sáng ở vườn hoa, tôi để ý có một cụ bà. Bà có lẽ trạc tuổi mẹ tôi, đi tập hay cầm theo một cây gậy đánh vecni bóng nhoáng. Nhưng tôi không thấy bà dùng như các cụ khác. Bà không luyện võ, không múa gậy, chỉ đi bộ như tôi.
Đàn ông cứ nghĩ họ xét đàn bà tinh hơn đàn bà với nhau. Nhầm. Cũng giống đàn bà cứ hay tưởng bở rằng mình thông minh lắm khi xét định đàn ông. Tỉnh đến thế, tôi cho cụ bà này chín điểm trên mười. Nhìn một cái đã thấy ở bà cái vẻ sang cả, quyền thế. Trán rộng. Miệng tươi. Mũi thanh, tuy giờ có vẻ hơi quá nhỏ trên gương mặt núng nính, nhưng còn trẻ thế thì đẹp lắm. Bà không uốn tóc mà búi trễ sau gáy, búi tóc còn được quấn lẩn vào trong. Mốt của dân Hà Nội hồi hòa bình lập lại năm năm tư. Trông cũ cũ nhưng lại hợp tuổi. Bà thường mặc một cái áo cánh màu vàng nhạt, hoa chìm, không trong veo trong vắt để lộ nét người nở nang như nhiều bà khác, quần ống rộng cùng màu cùng chất, và đi dép lưới. Mốt này thì lại giống mấy bà Sài Gòn sau giải phóng. Bà nói giọng Huế pha giọng Hà Nội. Thực thì vẻ ngoài của bà cũng không khác lắm các bà ở câu lạc bộ. Nhưng chẳng hiểu sao nhìn một cái tôi đã cảm thấy bà sang không hẳn vì địa vị của chồng. Nhiều bà béo tốt, diêm dúa, nhưng thiếu vẻ kín đáo của dân sành, ăn nói thì lau tau, lẫn lờ nờ, kênh kiệu mà không mấy tự tin như bà này. Bà gây cho tôi nhiều thiện cảm. Khi đi ngang tôi, bà hay mỉm cười trước, tựa như chào, lịch lãm và thân thiện. Và quyền uy nữa. Giá tôi có dáng vẻ này, có lẽ chồng tôi không thể chia tay tôi dễ dàng như thế. Đằng này tôi chỉ có tính ngang ngạnh và thói lười nấu nướng và nửa cặp vú mà anh mê...
Một lần, vào tiết cuối xuân, chân mây tảng sáng đã ửng hồng, ngỡ trời sẽ nắng lên thì tự dưng mưa. Mưa cuối xuân êm như những ngày sương nặng. Đứng dưới vòm cây cao, chỉ nghe tiếng mưa tiếng lá thì thào như ở đâu xa lắm. Bà hay mặc đồ màu vàng đứng gần tôi. Không lẽ chỉ chào nhau bằng cái cười một phần hai như mọi lần khi đứng sát nhau đến thế. May quá, bà mở lời trước:
- Nhà cô chắc cũng quanh quanh đây?
- Vâng. Cháu ở Trần Phú. Còn bác?
Bà khoát tay về phía lăng: Tôi ở Phan Đình Phùng. Và ngó tôi có vẻ ngạc nhiên:
- Cháu ở Trần Phú số nào? Tôi quen mấy gia đình ở... Trần Phú...
Tôi phì cười vì sự nhầm lẫn của bà:
- Chắc chắn là bác không biết cháu đâu. Chẳng lẽ cháu lại có dáng con quan đến thế. Nhà cháu ở cuối Trần Phú sát đường tàu cơ. Nhưng cháu cũng biết số nhà ấy. Hồi trước lớp cháu có cái Vĩnh Linh con ông thiếu tướng gì ấy. Nó kể bố nó đặt cho tên thế vì có hồi bố nó chỉ huy pháo binh ở đó thời chiến tranh đánh phá.
- Phải rồi. Cô ấy kém con út nhà tôi mấy tuổi. Ông bố cô ấy đã trung tướng. Nhưng cũng hưu rồi...
Bâng quơ về một mối quen biết hời hợt cũng đủ làm tôi và bà thân thiết. Tôi kể với bà là đang mong lại sức sau khi mổ, mổ gì thì không nói. Nói chung khi nghĩ là mình sẽ chết nay chết mai người ta không sợ chết nữa, cũng chẳng muốn ai tò mò. Mọi xuýt xoa thương cảm đã thành không cần thiết. Tôi đã lại làm việc, ở nhà, chỉ phải lên trình trưởng phòng tuần một hai lần, dù một trăm phần trăm lương cũng chẳng đủ ăn y như bảy mươi phần trăm lương vậy. Công việc giúp tôi tiêu được những phút muốn hóa điên vì tiếc cuộc sống sẽ phải rời bỏ nay mai, và những lúc thương mẹ thương anh thắt ruột thắt gan. Chẳng biết anh tôi rồi ra sẽ lấy đuợc một người vợ thế nào? Bà chị dâu tương lai liệu có làm mẹ tôi tủi lòng khi mẹ không còn cất nhắc được như bây giờ, khi không còn tôi bên mẹ? Còn chồng? Anh viết về là được kéo dài thời gian thực tập, có thể sẽ được chuyển tiếp sinh. Anh dặn tôi bao nhiêu điều và gửi cho tôi một ngàn đê nữa. Tôi mừng cho anh, biết ơn anh vì một ngàn đê mác, vì tình yêu anh đã cho tôi ngày trước, dù ngày đó thực ra tôi muốn anh yêu tôi một cách khác. Khác như thế nào chính tôi cũng không biết, nhưng cứ mơ hồ xót xa.
Bà Hoàng Cúc Hằng cũng không hỏi thêm về bệnh trạng của tôi. Bà tự giới thiệu trang trọng vậy, khác hẳn nhiều bà thường xưng tên và chức của chồng. Bà Cúc Hằng bị bệnh gì đó không rõ, phải lọc máu tuần một lần. Bệnh bác đích thực là bệnh của người giàu. Cũng phải cô ạ. Chứ cảnh nhà khác thì chắc chết ngày một ngày hai. Nhưng nghĩ cho cùng, chết trước hay sau vài ba năm thì có là gì đâu. Biết đâu cái người được sống thật cuộc đời mình rồi chết ngay khi có bệnh chẳng là người sướng!
Giọng bà Cúc Hằng bình thản, xa vắng. Tôi chẳng thể như bà, vẫn không thể nào bình tâm khi nghĩ về đoạn cuối cuộc đời mình. Tôi thích mùa hè, mê loa kèn nở vào lúc chớm hè. Tháng tư, tôi hay mua cho mình loa kèn, dẹp một khoảng nhỏ trên mặt bàn bề bộn sách vở và cả cốc chén chưa kịp rửa cho lọ hoa loa kèn đó và có thể ngồi nửa ngày để ngắm những cánh hoa trắng kiêu sa, cứng cáp, dịu dàng, hé mở. Và nghĩ lung tung. Mùa năm nay, loa kèn nở sớm và lại có mặt trên bàn làm việc của tôi. Mẹ nhìn tôi ngồi nhìn hoa, lẳng lặng đi chặt sườn ninh để sáng mai quấy cháo bán. Phải! Tôi vẫn muốn sống, với mẹ, với anh, trong căn nhà ảm đạm này, dù có thể sẽ không có chồng tôi hay một người đàn ông nào khác. Tôi không thể nghĩ như bà Cúc Hằng về sự chết. Nhưng giọng Huế bình thản xa vắng như một nỗi chán chường của bà khi nói về điều ấy ám ảnh tôi, giống mùi hoa loa kèn phảng phất tháng tư Hà Nội.
Một buổi sáng như mọi sáng, tôi đang đi nốt vòng thứ hai quanh vườn hoa cùng bà Cúc Hằng thì anh tôi lao cái cúp nghĩa địa lên vỉa hè, hối hả. Tôi ngỡ ngàng khi thấy anh chào bà Cúc Hằng và bà trả lời: Quang đấy à cháu. Tôi chỉ kịp nhận ra vẻ dò hỏi trong mắt bà là đã phải vội về. Anh tôi đón tôi vào thẳng bệnh viện. Mẹ buổi sáng đó mới bán được non nồi cháo thì đau bụng và khi tôi tới nơi thì mẹ chỉ còn sống thêm được hơn tiếng nữa. Mẹ bị viêm tụy cấp, đau đến mê đi, rồi đi luôn. Anh em tôi tuổi đã chững rồi mà vẫn như mất hồn sau ngày mẹ mất. Có lẽ vì chúng tôi toàn bám mẹ từ bé tới giờ, trừ tôi có hai năm ở với chồng và anh tôi có bốn năm đi làm nghiên cứu sinh ở Nga trước.
Sau bốn chín ngày của mẹ, lúc họ hàng đã về hết, tôi bảo anh tôi:
- Từ mai em về nhà em rồi đi làm lại như trước. Sống thế này em không chịu nổi. Mà có lẽ em chưa chết được đâu. Trước cứ nghĩ em sẽ đi trước mẹ mà rồi mẹ lại đi trước. Nhà giờ chỉ có mình anh. Anh con trai độc thân giờ vắng mẹ không được sống vạ vật để nhà lạnh lẽo. Rồi anh phải lấy vợ đi. không phải chờ đủ ba năm mãn tang mẹ, bố mẹ sẽ mừng không giận gì đâu. Lấy ai thì lấy, nhưng tìm người nào hiền hiền. Để khi em không biết cậy vào đâu thì em lại có thể về nhà nương tựa vào anh.
Anh em tôi không nhìn nhau. Trên bàn thờ bố mẹ hương đã tàn. Chỉ còn đôi ba sợi khói cố vươn lên. Vẳng tiếng chổi tre quèn quẹt trên mảnh sân chung đầy nước thải. Âm thanh hiền lành ấy bị át đi từng chập bởi tiếng rú của những chiếc xe máy bị tháo ống xả do mấy thằng ông mãnh ngông cuồng.
Bất chợt anh tôi lên tiếng:
- Em còn nhớ chị Cúc Thu không? Ngày đó anh đưa chị ấy về mẹ ưng ý lắm. Chị Thu là con bà tập thể dục sáng cùng em đấy.
Chị Cúc Thu tôi nhớ. Mẹ và tôi chẳng bao giờ dám hỏi anh về chuyện giữa hai người. Tôi đồ là anh chị thôi nhau vì chị xấu. Bà Cúc Hằng thì đẹp. Lạ thế. Nhưng chị tốt tính. Đàn bà tốt nhưng xấu thì thường được quý chứ ít được mê...
Nhưng không phải vậy. Anh tôi bảo anh chị thôi nhau vì anh sợ lối sống của nhà chị. Bố chị gốc người Quảng Trị, ngày ấy đã là thứ trưởng. Mẹ chị con nhà dòng dõi ở Huế vào chiến khu làm y tá thời kháng chiến. Bố chị hỏng một mắt, già hơn mẹ chị rất nhiều. Bố chị cưới được mẹ chị là nhờ tổ chức , có bốn mặt con với mẹ chị. Mẹ chị sống có vẻ mãn nguyện cho tới ngày gặp một ông kỹ sư người cùng quê cũng dân tập kết. Ông này dân kỹ thuật mà lại mê nhạc. Sau về Nam và là một nhạc sĩ có tiếng.
- Em nhớ bài nay về với dòng Hương êm trôi không?...Nay về với sông Hương êm trôi...sao lòng anh vẫn nhớ... dòng sông nơi em mùa lũ... như em dữ dội âm thầm... Trước hay phát trên đài Giải phóng ấy! Ngày xưa anh em mình cứ chờ nghe trên chương trình phát theo thư yêu cầu của thính giả ấy....Những ngày xa nhau sóng có nhắc về anh - giữa khoảng cách nhớ quên bóng hình em ở đó - chiều nhạt nắng trên dòng sông trở gió - rừng nơi anh vẫn xao xác lạ lùng - có phải là em gọi anh không... (1) Đấy! Ông nhạc sĩ viết cho bà Cúc Hằng đấy. Hai người yêu nhau lâu lắm. Chẳng tai tiếng gì. Nhưng kết cục là ông nhạc sĩ bị đưa vào đoàn cán bộ văn hóa tăng cường cho miền Nam. Cũng tiễn đưa ầm ỹ. Nhưng đúng là bị đẩy đi. Chứ lẽ ra ông ấy đi làm phó tiến ở Nga cơ. May mà ông ấy không chết và lại nổi tiếng. Sau khi ông ấy đi, bà Cúc Hằng đòi ly dị. Kể phụ nữ đứng đơn, hòa giải không thành là O.K rồi. Mà chẳng hiểu sao tòa không giải quyết. Hình như là hồi ấy ông chồng đang được dự kiến đưa vào trung ương. Bà Cúc Hằng ly thân. Bốn con thì một con ông ấy đưa sang học thiếu sinh quân ở Nga, hai con gửi trường con em miền Nam. Mỗi chị Cúc Thu được ở với mẹ. Hồi anh biết chị ấy hai mẹ con sống cũng trầy trật lắm. Sau giải phóng bà Cúc Hằng còn lặn lội vào Sài Gòn tìm ông nhạc sĩ. Độ mười năm trở lại đây bà mới về sống với chồng. Là do áp lực của con cái...
- Làm con mà bố mẹ chủng chẳng thế thì khổ lắm. Bà ấy giờ bệnh nặng, giờ con cái gần gụi thì cũng đỡ.
- Em không hiểu - Anh tôi thở dài - Các anh chị ấy giờ thành đạt cả. Một anh đã là vụ trưởng, đang ngấp nghé lên nữa. Cái ông học hành ấm ớ nhất nhà nghe đâu là phó giám đốc một công ty liên doanh với nước ngoài. Ông bố già lắm rồi mà vẫn đương chức. Họ muốn tạo cảnh gia đình hạnh phúc, ép bà ấy về, sang sửa bà ấy thành mệnh phụ. Hồi xưa họ oán bà Cúc Hằng lắm. Chẳng hiểu giờ họ có hiểu mẹ hơn không?
- Cả chị Cúc Thu?
- Thu thương bố nhưng hiểu mẹ. Chị ấy kể hết cho anh. Chị ấy muốn anh hiểu. Như chị ấy. Nhưng độ ấy anh biết mà không hiểu. Anh nhìn bố mẹ chúng mình. Và không làm sao thông cảm nổi với bà Cúc Hằng. Còn bây giờ, khi biết thương bà Cúc Hằng thì anh lại sợ lối sống trong gia đình bà. Giá như bây giờ chị Cúc Thu quay lại với anh, anh với chị ấy chắc vẫn chẳng đi tới đâu. Anh không hình dung nổi anh sẽ là con là em trong gia đình ấy như thế nào. Em thấy đấy, mọi sự ở nhà mình đều giản dị, cả những lúc vô sự lẫn những lúc buồn khổ thế này...
...Chị Cúc Thu không bao giờ trở lại với anh tôi. Sau khi anh tôi và chị thôi nhau, chị đi làm nghiên cứu sinh ở Tiệp rồi không về nước nữa. Cứ vào mùa hè anh tôi lại nhận được một tấm thiếp từ chị. Tại sao lại vào mùa hè? Tôi không biết. Một tấm thiếp khác với đúng nét chữ của chị mẹ tôi hay nhận vào dịp tết. Mười năm rồi như thế. Tôi không biết trong đó viết gì. Mẹ đọc xong là cất đi chứ không gài lên cành đào như hay làm với những tấm thiếp cung chúc tân xuân khác.
Tôi không trở lại vườn hoa vào buổi sáng. Phần vì tôi bây giờ phải lên viện hàng ngày. Phần vì tôi ngại bà Cúc Hằng biết rằng tôi biết về bà nhiều hơn những gì bà đã để lộ: Một mệnh phụ lịch lãm, sang cả, mãn nguyện dường như suốt đời.
Thỉnh thoảng, khi đài phát lại những bài hát thời chống Mỹ, bất chợt gặp lại giai âm của bài ca về một dòng sông xa, về nỗi nhớ sông Hồng mênh mông...Nay về với dòng Hương... anh vẫn nhớ dòng sông nơi em mùa lũ... như em dữ dội âm thầm - rừng nơi anh xao xác lạ lùng... có phải là em gọi anh không... tôi lại nghĩ tới bà Cúc Hằng. Tôi nhớ chồng tôi. Tôi - người đàn bà chỉ còn một nửa là đàn bà - lại khát khao yêu. Bây giờ, hình như tôi đã mường tượng được tình yêu tôi muốn có.
...Mới đây tôi được tin bà Cúc Hằng mất. Trong lời cảm ơn của gia đình bà trên báo Hà Nội Mới, sau mấy cột tên các cơ quan đoàn thể và các vị chức sắc đã tới phúng viếng, tôi đọc thấy hàng chữ: Chồng...và các con...
Chú thích: Lời bài hát trong truyện mượn từ Tình ca sông Hồng - Thanh Thảo.
Kết Thúc (END) |
|
|