Tôi ngả lưng vào gốc cột, nằm lim dim. Mùi rượu đế xông lên khiến mắt tôi lờ đờ, hơi thở bắt đầu nóng như sắp nhiễm bịnh cảm cúm. Ông Tư Huỳnh nói to:
- Thầy Hai bỏ cuộc rồi sao? Ăn thêm nữa chớ. Rừng U Minh thiếu gì cá.
Tôi đáp:
- Dạ, ngán quá. Ăn nhiều sanh bịnh.
- Thầy nói vậy đâu được. Ăn nhiều để trừ bịnh tật. Xưa nay, kẻ ăn ít thường chết sớm.
Ông Tư Huỳnh với tay ra sau lưng đập muỗi, xoè bàn tay lốm đốm máu tươi cho tôi xem rồi tiếp lời:
- Mỗi ngày mình mất bao nhiêu máu, nếu không ăn nhiều để tẩm bổ thì chết luôn. Hơn nữa, mùa này mà nhịn thì đợi bao giờ mới ăn!
Lý luận của ông Tư Huỳnh khiến tôi ngồi dậy, ăn thêm, ăn mãi. Từ phía nhà bếp con gái ông Tư Huỳnh lui cui nướng cá. Chúng tôi đã ăn tuốt năm con cá lóc to, gọi là cá lóc nái, mỗi con nướng chín thơm phức, nằm trên miếng lá chuối tươi. Sau khi dùng đũa xẻ một lằn dưới bụng cá, chúng tôi trải con cá ra, gáp chừng ba bốn đũa là quăng bỏ cái xương sống cá, mặc dầu trong xương còn dính khá nhiều thịt. Ông Tư Huỳnh lãnh phần thanh toán bộ ruột, nuốt gan và mật cá:
- Ồ! Cái mật cá đắmng thiệt nhưng vị đắng đó ngọt xớt, trị bịnh yếu mật. Còn cái đầu cá, ngon lắm, thầy Hai ăn đi. Cứ gắp hai cục thịt ở gò má con cá là đủ. Nghe đâu ở Biển Hồ Nam Vang, người ta đem thú gò má ấy phơi khô, nhậu rượu ngon lắm.
Chập sau, tôi ngán ngẫm, sợ mang chứng trúng thục. Ông Tư Huỳnh nói:
- Chưa hết. Bây giờ mình ăn qua món cá sặc rằn...
Mỗi gắp là bốn hoặc năm con cá, mỗi con sặc to bằng bàn tay xoè, tươm mỡ. Ông Tư Huỳnh mời mọc:
- Ăn thêm nữa đi.
Tôi cầm đũa, chưa gắp miếng cá nào chợt nghe ông nói to với đứa con gái;
- Nướng thêm một chục con cá nữa. Nghe chưa con!
Tôi vội cản ngăn:
- Thưa ông, đủ rồi.
- Chưa đủ đâu, thầy Hai. Ăn nhiều cho đủ sức lực. Bà con xứ này nhờ ăn cá mà khỏi chết vì bịnh rét rừng. Muỗi cắn sanh bịnh rét. Nhưng nhờ muỗi mà cá được mập mạp. Cá U Minh lớn con nhờ ăn muỗi. Tóm lại, vì muỗi mà mình mang bịnh, vì muỗi mà mình có đủ cá để ngừa bịnh...
Vừa rồi, ông Tư Huỳnh vừa dạy tôi cách ăn cá sặc rằn nướng,“mỗi con ăn hai đũa.” Ta cứ cầm đũa, giẻ một bên, đưa vào miệng rồi thì trở con cá, giẻ thêm đũ anữa, giẻ xong, cứ quăng cái xương cá... Tôi ngậm ngùi nhìn đống xương cá vun lên khá cao, nếu rỉa cho kỹ, trong đống xương đó còn dính chừng một ký lô cá.
- Mình lãng phí quá, thưa ông.
Ông Tư nheo mắt:
- Ăn theo kiểu ông bà để lại. Ở sau hè này, còn một cái nền nhà xưa, từ đời nào không ai biết. Tôi đào nền nhà đó, tìm vàng bạc. Biết đâu hồi xưa, Gia Long tẩu quốc đã hạ trại đó rồi bị quân Tây Sơn rượt, bỏ quên nhiều món ngọc ngà châu báu. Rốt cuộc tôi gặp từng đống xương cá. Thầy hai hiểu chưa? Hồi xưa, họ ăn như bọn mình từ nãy giờ.
Tôi mang tật hiếu cổ nên mừng quýnh:
- Vậy hả ông? Lát nữa, nhờ ông dẫn tôi ra nền nhà đó.
Ông Tư Huỳnh nói:
- Cỏ mọc um tùm như trước sân nhà này, vậy thôi.
- Nghĩa là rắn ở đó chớ gì!
- Rắn thì không đáng ngại. Chỉ ngại một điều khó nói trong lúc đang ăn...
- Thưa ông, chuyện gì quan trọng?
Ông Tư ghé miệng sát bên tai tôi, nói thật khẽ:
- Mấy cha nội giăng câu, đón củi thường tới cái nền nhà xưa đó mà... phóng uế. Hôi hám lắm.
Tôi thất vọng, buột miệng nói một câu sầu thảm:
- Uổng quá. Nếu ở xứ khác, có lẽ cái nền nhà xưa đó trở thành nơi quan trọng, được các nhà bác học chiếu cố tới.
- Thầy Hai nói thiệt hay nói chơi đó?
- Dạ, nói thiệt chớ. Mấy đống xương cá vụn đống là những“sử liệu biết nói.” Nó ghi lại hình ảnh oai hùng của người... di khai hoang. Và biết đâu, nói đánh dấu những nơi của loài người ở rừng U Minh từ ngàn năm về trước. Ở xứ Ðan Mạch, các nhà khảo cổ đã gặp nhiều đống võ sò vỏ ốc quến cục với nhau, chôn vùi trên bờ biển. Bên cạnh mớ vỏ sò ốc đó còn nhiều thanh củi, tro bếp. Họ phỏng định: xưa kia hồi thời cổ sử, loài người tới đó cư trú... Lại còn nhiều món đồ gốm thô sơ nữa. nếu tìm cho kỹ, biết đâu cái nền nhà sau hè này là...
Ông Tư Huỳnh cười dòn:
- Thầy Hai điên chữ rồi? Thầy muốn nói đó là dấu tích của người Bàn Cổ hả? Ăn cá là kiểu săn bắn, hái trái cây chớ gì?
- Dạ, ông nói đúng. Ở xứ sình lầy, phù sa mộ địa, ngưòi Bàn Cổ bắt cá ăn thay thịt nai, thịt chồn và hái rau rừng ăn thay cho trái cây...
Hồi lâu, ông Tư Huỳnh nói:
- Dễ lắm. Ở xóm này có Hai Khị là người già nua, hiểu rành chuyện xưa tích cũ, ăn nói có đầu có đuôi. Nếu muốn biết về những Bàn Cổ ở rừng U Minh, thầy Hai nên tới thăm Hai Khị một phen. Như vậy chắc ăn hơn là đào cái nền nhà sau hè. Nhưng tôi căn dặn thầy một điều: Hai Khị nói hơi nhiều... Thầy ráng mà nghe một lần. Tôi nghe nhiều lần quá rồi...
Tôi nài nỉ ông Tư Huỳnh:
- Nhờ ông dẫn tôi tới nhà Hai Khị. Ông Hai Khị chắc già lắm rồi hả? Ông tới đây lập nghiệp từ bao giờ?
- Thời giờ rảnh rang, tôi sẳn sàng... Hai Khị đã lớn tuổi... Ừ! Cha nội đó rành lắm, ăn nói nghe mà mê. Làm nghề săn khỉ!
*
* *
Từ nhà ông Tư Huỳnh đến nhà Hai Khị, chúng tôi bơi xuồng, qua nhiều con rạch quanh cảm ơn. Mùa mưa, lá tràm xanh biếc, xa xa có vài gốc cây đước, cây vẹt. Muỗi rừng bay ra khá nhiều, tôi chăm chú nhìn lên trời, tìm vơ vẫn...
Ông Tư Huỳnh nói:
- Muỗi cắn no tròn trên mặt thầy Hai kìa! Kiếm cái gì ở trên ngọn cây?
- Dạ kiếm khỉ.
- Trời đất ơi! Rừng này đâu còn khỉ nữa.
- Hồi nãy, ông nói rằng Hai Khị sống bằng nghề săn khỉ mà.
- Ðó là chuyện đời xưa. Lát nữa, thầy Hai mặc sức mà nghe. Bây giờ, nói sớm quá, hết vui. Vả lại, Hai Khị tới rừng này trước tôi. Tôi là kẻ vong gia thất thế, từ Tân An xuống đây làm ăn...
Tại sao ông Tư Huỳnh đố kỵ với Hai Khị tới mức đó? Ông đề cao Hai Khị, đồng thời ông lại hạ địa vị mình một cách quá đáng. Hay là hai lão già này có mối cựu thù. Vô lý quá. nếu thù hằn nhau thì ông Tư Huỳnh đâu sẵn sàng tới nhà Hai Khị. Hai Khị là ai?
Chiếc thuyền rẽ nước khá nhanh. Vò trời mỡ rộng. Tôi ngạc nhiên, chẳng hiểu tại sao giữa rừng mà lại có ngôi nhà ngói ba căn hai chái, cất theo kiểu xưa, giống như nhà mấy ông cai tổng ở vùng Cần Thơ. Mái ngói tuy đóng rêu đen nhưng vẫn giữ dáng điệu cong cong. Trước nhà có cửa ngõ và vài chậu kiểng. Chó sủa vang dậy. Ông Tư Huỳnh nói nhanh:
- Hai Khị ngồi hút thuốc đó! Bên gốc cột...
Hai Khị đứng dậy, ngó xuống bến, miệng cười tươi. Ông ta dường như còn tươi trẻ hơn ông Tư Huỳnh.
- Anh Tư tới đó hả?
- Ừa! Sẵn có thầy Hai này muốn biết chuyện cổ tích, tôi đưa thẩy tới đây.
Hai ông lão nói chuyện khá nhiều, nào là mùa màng, thời tiết, ong, mật, rùa, rắn, cá tôm. Hồi lâu, ông Hai Khị mới ngỏ lời:
- Ờ... Thầy Hai đây hả!
Tôi cúi đầu:
- Dạ, cháu ở Sài Gòn, lâu lâu về đây chơi một lần.
Cả ba người vào nhà. Mặt trời lên quá cao rồi, bầu không khí bên trong dường như ẩm ướt. Mái nhà thấp, che khuất ánh nắng. Vách nhà đóng bằng ván, đóng kín, chẳng khoét một cái cửa sổ nào hết.
Ông Hai Khị mời ngồi nhưng cứ tần ngần, như lạc vào một thế giới nào xa lạ. Trên cái bàn khá to, bốn con khỉ đang ngồi - Những con khỉ chết khô - rụng hết lông, thịt da đen ngòm, thịt bám chặt vào xương giống như... xác ướp Ai Cập. Có một con to xác nhứt, ngồi lum khum trên nhánh cây, chân thòng xuống đụng vào mặt bàn, hai tay đặt trên đầu gối, hố mắt sâu hoắm, ra dáng suy tư. Tôi vừa sợ, vừa buồn cười:
- Khỉ ở đâu vậy ông? Ðể trong nhà như vầy coi ghê quá!
Ông Hai Khị im lặng, đi thẳng đến tủ kiếng, mở cửa tủ, đem ra một ngọn đèn sáp, đốt lên. Ông nói mơ hồ:
- Nhà này cất theo kiểu xưa ở ngoài... Huế, ban ngày cũng như ban đêm...
Mặc dầu chưa đến xứ Huế lần nào, tôi cũng cải lại:
- Thưa ông, ở ngoài Huế nhà cửa sáng sủa... theo tân thời.
Ông Hai Khị vừa thắp ngọn nến, vừa nói:
- Thầy Hai còn trẻ quá. Tôi muốn nói tới kiểu nhà xưa của mấy ông quan đại thần, của vua chúa. Suốt ngày suốt đêm, đèn sáp cháy không dứt. Nếu tắt đèn thì tối om om. Mấy ông vua cũng vậy. Lúc đọc sách, lúc ngâm thơ, mấy ổng thắp đèn sáp giữa ban ngày.
Ông Tư Huỳnh nheo mắt, che miệng, cười. Thừa lúc ông Hai Khị xuống nhà bếp. Ông Tư nói với tôi:
- Ngán chưa! Thầy Hai thấy chuyện lạ chưa? Mấy con“khỉ khô” đó. Tôi dặn thầy điều này: đừng cãi với ông Hai Khị. Ổng ghét bất cứ kẻ nào dám cãi. Thầy cứ thưa thưa dạ dạ. Lát nữa, ổng nói chuyện sự tích mấy con“khỉ khô” đó, vui lắm.
Ông Hai Khị trở lại bộ ván, mời chúng tôi uống trà. Tôi ngỏ ý muốn hiểu vì sao ông chưng bày mấy bộ xác khỉ trong nhà rồi nói tiếp:
- Khỉ này đâu có lớn con! Ở Sở Thú Sài Gòn, tôi gặp nhiều thứ lạ hơn. Hay là con... xà niên, con đười ươi?
Ông Tư Huỳnh đưa tay khều nhẹ tôi. Tôi chợt nhó lại lời căn dặn ban nãy nên nói vuốt ve trở lại:
- Thưa ông, chác mấy con khỉ này có nguồn gốc lạ lùng...
Ông Hai Khị gật đầu:
- Quý lắm đó thầy Hai... Bởi vậy, tôi ít khi nói chuyện xưa cho người khác nghe.
Ông Tư Huỳnh nói xen vào:
- Thầy Hai này hơi bịnh. Thầy chưa hiểu tại sao ở đây thiên hạ sống hoài ăn cá quá nhiều. Thầy muốn tìm thuốc bổ đó.
- À! Hồi xưa, ông bà mình tới rừng U Minh này, mang bịnh nhưng cố gắng mà sống.“Bịnh ở đâu thì thuốc ở đó.” Ông bà mình nói nghe thậm phải.
Rồi thì ông Hai Khị bắt đầu kể chuyện. Xưa kia, thời ông Mạc Thiên Tứ - con của Mạc Cửu, một người Trung Hoa sang tị nạn ở Việt Nam vùng chợ Hà Tiên – thì sung túc nhưng rừng U Minh còn sầm uất, khỉ sống từng bầy đôi ba chục con. Người Việt Nam đến rừng U Minh tìm huê lợi thiên nhiên. Họ chê cá tôm vì cá tôm bán rẻ hơn cọp và khỉ. Bấy giờ, cọp, khỉ và rừng rậm nuôi dưỡng cho nhau. Khỉ ăn trái rừng, lớn lên khỉ làm mồi cho cọp; cây sanh trái làm thức ăn cho khỉ.
Ông Hai Khị nói:
- Cách đây một trăm năm, ông cai Thoại đến U Minh, ra tài đánh cọp. Cọp chết quá nhiều hoặc chạy trốn về phía núi Tà Lơn, bên Cao Miên.
Tôi chợt nghĩ ra một ý:
- Thưa ông... Thế là khỉ sanh sản nảy nở quá nhiều.
Ông Hai Khị gật đầu lia lịa:
- Ðúng vậy. Ðúng vậy. Xưa kia, thiên địa tuần hoàn theo luật riêng. hết cọp, khỉ sống hoài trở thành... chúa sơn lâm. Ông cai Thoại đã vô tình là thay đổi luật trời đất. Nhưng may quá, người Việt Nam đến rừng U Minh, tìm cách để bắt khỉ.
Tôi hỏi:
- Bắt để làm gì? Ăn thịt khỉ à? Nhiều quá, làm sao ăn hết... Hay là ông bà mình hồi đời xưa bắt khỉ... làm khô, hoặc phơi khô nguyên xác khỉ, đem bán qua bên Tàu cho mấy người giàu có chưng bày trong phòng khác như vầy...
Vừa nói, tôi vừa liếc qua mấy cái xác khỉ.
Ông Hai Khị lắc đầu:
- Ông bà mình hồi xưa khôn ngoan hơn nhiều. Họ bán khỉ qua bên Tàu, bán cái“tinh túy” của con khỉ.
Theo lời ông Hai Khị, người tiền phong khai hoang ở U Minh đã bày ra nhiều cách lạ lùng để săn khỉ. Họ dùng lưới, mỗi tấm lưới to bằng cái nhà, lưới đang bằng dây gai thật chắc. Thợ săn khỉ vào rừng một mình, mang theo tấm lưới và vài nải chuối chín. Ðến nơi nào có nhiều khỉ, họ chọn khoảng đất trống, trải lưới ra, phủ trên cỏ.
Ðâu đ1o xong xuôi, họ leo lên cây mà ngồi, chờ đợi, nắm trong tay sợi dây buộc dính liền với bốn góc tấm lưới.
Từ trên cao um tùm, họ quăng xuống từng trái chuối chín, quăng vào tấm lưói vô hình ấy.
Bọn khỉ thấy chuối thì ham, xúm nhau chạy tới, con này gọi con kia, mỗi lúc một đông. Ngưòi thọo săn cứ quăng chuối để làm mỗi nhử. Ðến lúc nào đó, người thợ săn bèn giựt bốn sợi dây. Lũ khỉ mê ăn bị tóm lại, gói trọn trong tấm lưới. Lẽ dĩ nhiên, nhờ lanh chân nên vài con khỉ chạy thoát kịp, nhưng đa số đành ở lại, chờ chết.
Thợ săn đem khỉ về nhà. Rồi họ tiếp tục đi săn mãi mãi.
Tôi hỏi:
- Thưa ông, săn nhiều quá, làm cách nào tiêu thụ. Mỗi ngày, phải tốn bao nhiêu trái cây để nuôi khỉ. Rủi bán ế thì làm sao?
- Thầy Hai chớ lo xa. Ông bà mình hồi xưa bày ra nhiều cách: nấu khỉ làm thuốc cao.
Vẫn theo lời ông Hai Khị, thợ săn đem khỉ về, đập đầu lột da, mỗ bụng, lóc thịt để lấy xương khỉ làm thuốc. Họ bỏ xương khỉ vào một cái chảo thật to, nấu với nước, nấu ngày nấu đêm, thỉnh thoảng, họ cầm muỗng mà vớt màng màng, đổ bỏ. Năm bày ngày, năm bảy đêm trôi qua, xương khỉ trở thành mềm mại như“xí quách.” Họ quăng bỏ xương ấy. Dưới đáy chảo, còn sót lại môt thứ keo sền sệ. Ðó là“cao khỉ” theo kiểu cao hổ cốt. Cao hổ cốt“sọ khỉ” tuy yếu hơn“cao cọp” nhưng bổ về đường khí huyết.
Ông Hai Khị cho biết: mỗi người chỉ có thể uống một miếng cao khỉ mỏng như đồng xu mà thôi; uống quá độ lượng thì sanh bịnh. Hồi thuở còn nhỏ, ông Hai Khị đã rắn mắt, cắn vào cục cao khỉ. Sau đó, ông nằm mê man, ngủ li bì, mình mẩy nóng ran, sắp chết. May thay, cha của ông h;ay kịp, đem ông lên trên bộ ván rồi đốt lửa phía dưới. Lửa sưởi ấm bộ ván và hơi ấm ấy truyền qua cơ thể ông Hai. Nhờ vậy, ông toát mồ hồi sống lại đến... giờ này, đến tuổi sáu mươi mà sức khoẻ vẫn còn đầy đủ.
Tôi hỏi:
- Lúc uống cao khỉ quá nhiều, chắc ông chết giấc?
- Ừ! Hồi đó, tôi mới có mười ba, khi tỉnh dạy, mình mẫy tôi ê ẩm, tứ chi bải hoải...
Rồi ông ghé miệng vào tai tôi mà nói khẽ:
- Giống như người thừa sức lức... Chất“cao khỉ” gồm tinh túy của loài khỉ đó thầy Hai.
- Dạ, bây giờ rừng U Minh còn lai rai vài con khỉ già, chắc nghề nấu cao khỉ không còn nữa phải không ông?
Ông Hai Khị chỉ vào mấy cái xác khỉ khô:
- Tôi còn chút cí cao khỉ của ông bà để lại. Nếu thầy Hai muốn hiểu sự tích khai hoang rừng U Minh, nếu thầy Hai muốn sống dai, ngừa bịnh rét rừng, sanh con để cháu nhiều hơn thiên hạ thì...
Nói xong, ông Hai Khị mở tủ, đem ra một cục cao khỉ đen thui, gói trong giấy hút thuốc. Tôi hửi thử: mùi cao khỉ hơi thum thủm, giống mùi a dao vậy thôi.
Bây giờ, ông Tư Huỳnh khều nhệ tôi, nói nhỏ:
- Mình về, đủ rồi. Ðừng thèm mua.
Tôi nói to giọng:
- Thứ cao này ngộ quá. Thôi, hẹn với ông Hai sáng mai tôi trở lại...
Ông Hai Khị nói:
- Tôi chờ thầy Hai. Sáng mai, tôi cho thầy Hai uống thử một lát cao khỉ...
Tôi đứng dậy, cáo từ. Trước khi ra về, tôi đến gần mấy con“khỉ khô” sờ thử và nắm tay từng con. Có một con khỉ mới ướp xác ngồi chết đó, xoè bàn tay. Tôi nhướng mắt nhìn kỹ. Trong lòng bàn tay khỉ có nào là đường trí đạo, đường vận mạng giống hết bàn tay con người. Và đường sạnh đạo của con khỉ đó lại đứt khúc, hèn gì nó... chết sớm.
- Về cho kịp nước ròng, thầy Hai!
Ông Tư Huỳnh nhắc nhở một lần nữa. Tôi với ông xuống xuồng. Ông Tư Huỳnh bơi sau lái, cười to:
- Ðó, sự tích rừng U Minh huyền bí như vậy đó. Nói theo kiểu ông Hai Khị thì chắc là chung quanh nền nhà của ông có... hàng ngàn khúc xương khỉ, của ông bà hồi xưa nấu cao rồi quăng bỏ.
Tôi hỏi:
- Ông Hai Khị nói thiệt không vậy ông Tư?
- Phần đầu, chuyện săn khỉ bằng lưới, ổng nói đúng sự thật. Nhưng tới phần sau, chuyện nấu cao khỉ rồi... chuyện nằm mê mang, ổng nói dóc để bán cao khỉ! Thức cao đó làm giả mạo. Nếu muốn bổ khoẻ, thầy Hai cứ ăn cá cho nhiều như mình ăn hồi nãy là đủ. Nói thiệt với thầy Hai, ba năm rồi, Hai Khị bán cao khỉ ế ẩm lắm vì bà con trong xóm đều chán ngán. Cha của Hai Khị hồi xưa săn khỉ giỏi lắm. Tới đời Hai Khị thì khỉ đã hết, thợ săn khỉ trở thành thợ... nói chuyện đời xưa giữa ban ngày mà đốt đèn sáp trong nhà!
Chiếc xuồng trôi từ từ theo nước xuối. Trong rừng sâu, vài người đốn củi ca vọng cổ nghe văng vẳng.
Kết Thúc (END) |
|
|