Xế trưa, cơm nước xong. Bà Hân lụm cụm bắt chiếc ghế nhỏ ngồi bên song cửa, mắt nhìn bầu trời cuối mùa thu đầy mây xám giăng ngang, làm quang cảnh âm u buồn thảm đạm ! Bà thở ra và nhủ thầm: - Kiếp làm người ai mà không gặp cảnh lận đận lao đao một thời. Nhưng rồi, xuân tàn, hạ qua, thu đến, đông sang, năm tháng trôi bay thật là nhanh. Mới đây mà con Tâm đã theo thằng Hữu mười mấy năm. Còn con Hạnh cũng đã lấy chồng cả chục năm rồi ! Tụi nó khôn lớn thì mình phải chấp nhận cho tụi nó ra riêng theo chồng, lấy vợ. Ý cha ! Đứa nào cũng có con đùm, con đề, nên ít về thăm mình. Mình phải chịu cảnh cô đơn chớ biết làm sao bây giờ?
Nghĩ vẫn vơ, bà Hân đi chầm chậm vào mở tủ lựa cuốn Album cũ nhứt, bà ngồi xuống salon lật từng trang nhìn lại những tấm ảnh mà Hữu, Hạnh vả Tâm chụp khi còn bé. Làm bà nhớ lại bao chuyện thuở xa xưa. Những bóng mờ dĩ vãng đang hiện lên trong lòng bà. Làm bà Hân nhớ lại từ chi tiết của hơn bốn mươi năm về trước...
Vào khoảng năm 1960, ở xóm Cầu-Muối, gần bến Chương-Dương, có một cặp vợ chồng trẻ, tên Hân và Hoan khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, có hai đứa con còn thơ. Chồng làm tài xế xe hàng, còn vợ thì buôn bán rau cải ngoài chợ Cầu-Muối. Sau khi bé Hạnh ra đời được sáu bảy tháng, Bé Hữu mới lên ba tuổi. Hoan bị tai nạn lưu thông mà qua đời.. Khi Hoan chết, cậu để lại cho người vợ trẻ lâm vào cảnh nghèo khó khốn cùng. Dạo ấy gần nhà Hân có tiệm uống tóc Mỹ-Thiện do Thiện làm chủ. Thiện cỡ ba mươi tuổi, cậu có một cá tánh đặc biệt, nên chưa vợ con lần nào. Tâm hồn của Thiện rất thương người nghèo, kẻ khó. Cậu thường hay gíúp đở Hân trong những khi túng ngặt. Một hôm bé Hữu bệnh nặng, Thiện qua thăm và đề nghị với Hân:
- Thím Hoan à, thím cho cháu Hữu làm con nuôi của tôi nha ! Tôi sẽ giúp thím hai trăm ngàn đồng.
Hân giựt mình nhìn Thiện mắt rưng rưng lệ:
- Trời ơi ! Anh muốn tôi bán con tôi hả?
- Không phải đâu ! Vì tôi thấy hoàn cảnh của thím khổ quá. Một mình mà phải nuôi hai đứa nhỏ thì nặng lắm ! Nên tôi muốn chia sớt với thím vậy mà !
- Tôi rất cám ơn anh đã có tấm lòng tốt ấy. Nhưng...
- Tôi không có ý làm đau lòng thím đâu.
- Mặc dù anh muốn giúp tôi nói vậy. Tôi nghe đau lòng lắm.
- Tôi xin lỗi thím. Thôi, xin phép thím tôi về. Mong thím suy nghĩ kỹ lại đi nhé !
Sau khi Thiện ra về, Hân đến giường nhìn Hữu đang nằm thiêm thiếp. Bé Hạnh thì chòi đạp khóc thét trong chiếc võng. Mấy bữa rồi Hân không có đi bán buôn gì được, trong nhà không còn tiền bạc gì cả. Hân ẵm bé Hạnh lên và vạch vú cho bú mà nghe lòng khổ đau vô cùng. Nàng nghĩ đến việc đề nghị của Thiện, rồi nhủ thầm: Trong nỗi khốn cùng này, anh Thiện muốn mình cho bé Hữu để ảnh giúp hai trăm ngàn đồng. Mình phải làm sao đây?... Hai trăm ngàn đồng ! Thật là một số tiền to lớn lắm đối với mình... Hay là mình cứ đưa bé Hữu cho ảnh nuôi rồi sau này sẽ tính, chớ hoàn cảnh này mà ngồi nhà ôm hai con chắc là sẽ chết đói hết. Trời ơi !
Suốt cả đêm Hân suy nghĩ và cứ nhìn hai con mà lòng tan nát. Qua ngày sau đến chiều hôm ấy bé Hữu bớt nóng và đang ngủ say, Hân ẵm bé Hạnh đi qua gặp Thiện và nói:
- Anh Thiện à, tôi bằng lòng cho bé Hữu làm con nuôi của anh. Nhưng đến lúc nó mười tám tuổi, anh cũng cho nó biết sự thật nha?
Thiện trả lời ngay:
- Chuyện đó thì đâu có gì là khó. Để tôi nói với má tôi đi coi ngày nào tốt, rồi qua dắt bé Hữu về đây. Tôi đưa thím trước hai chục ngàn. Mai thím đưa bé Hữu đi bác sĩ Tây nha !
Hân rục rè, nhưng nàng đành phải cầm số bạc ấy để về lo cho bệnh tình của bé Hữu. Nàng nói:
- Tôi cám ơn anh nhiều lắm !
- Đâu có gì đâu thím !
- Thôi, tôi về nghe anh Thiện !
- Vâng, thím cứ về đi.
Sáng hôm sau Hân gởi bé Hạnh cho bà hàng xóm và đưa bé Hữu đi khám bác sĩ Tây... ở đường Đinh-Tiên-Hoàng - Phan-Đình-Phùng (Đa-Kao).
Mẹ của Thiện đã đi coi được ngày tốt. Ba ngày sau Thiện với bà mẹ đi qua nhà Hân. Hai mẹ con Thiện bắt Hân phải ký giấy bằng lòng cho đứt con. Ký giấy xong xuôi, Thiện đưa Hân số tiền còn lại và dắt bé Hữu về. Ôi thôi ! Sau đó lối xóm bắt đầu bàn tán xôn xao, chỉ trích đủ lời thậm tệ về Hân. Và trong tiệm uốn tóc có cậu thợ tên Nhân, cậu rất là bất mãn cái vụ Hân cho con mà còn lấy tiền như là bán con. Nhân tức quá không dằn được, cậu bèn qua nhà gặp Hân mà mắng nhiếc vào mặt nàng:
- Nè, chị Hân ! Chị thiệt là con đàn bà tồi tệ và tàn nhẫn. Chị nỡ bán con để lấy tiền sống. Chị đáng cho voi dày ngựa xé mà...
Nhân mắng chửi Hân xong cậu bỏ ra về. Hân ngồi yên lặng mà nước mắt tuông rơi. Rồi nàng suy nghĩ: Đúng thật là mình quá tệ. Sau mình không bán thân của mình mà nỡ bán con. Nhưng bán cái nào người đời cũng khinh miệt. Thôi đã lỡ rồi, mình phải rời khỏi xóm này, phải đi biệt xứ mới được !
Đầu óc Hân như tơ vò chỉ rối, suy nghĩ và đau khổ triền miên suốt mấy ngày. Kết cuộc nàng nhứt quyết trả nhà lại cho người ta, lo thu dọn áo quần ôm tiền và ẵm bé Hạnh đi tuốt xuống Cần-Thơ tìm cách buôn bán mà sinh sống...
Xuống Cần Thơ, Hân mua một căn nhà nhỏ mở quán bán cà-phê, cơm tấm, lấy bản hiệu là Hân-Hạnh, nằm cạnh bến Ninh-Kiều. Trong thời gian Hân chật vật lo cho con và buôn bán. Mãi đến cả năm sau Hân gặp được Minh, người đàn ông ngoài ba mươi tuổi, góa vợ đã vài năm. Minh có một đưa con gái, tên Tâm lớn hơn bé Hạnh hai tuổi. Hân và Minh, hai người thông cảm nhau vì đồng cảnh ngộ. Nên sau một thời gian ngắn, họ kết tình chồng vợ. Từ đó công cuộc làm ăn của Minh và Hân càng ngày càng khắm khá thêm lên.
Mười lăm năm sau...
Hân nhớ tới Hữu, đứa con trai mà nàng cho Thiện khi xưa, năm nay đúng mười tám tuổi rồi,. Hân tâm sự với chồng hoàn cảnh xa xưa, là nàng muốn trở lên Sàigòn làm ăn và sẵn dịp để tìm lại đứa con trai lạc loài bấy lâu. Minh thông cảm và bằng lòng cho Hân bán nhà, bán tiệm cho người ta mà lên Sàigòn.
Hân và Minh bán nhà, bán tiệm xong, tất cả gia đình dọn lên Sàigòn. Mấy tháng trời mới ổn định nhà cửa xong, lo cho hai đứa con gái vô trường đàng hoàng và sang một nhà hàng nho nhỏ tại góc đường Công Lý - Hàm Nghi lấy bản hiệu là Hạnh-Tâm. Rồi Hân trở về xóm cũ tìm con. Nhưng tiệm uốn tóc Mỹ-Thiện của Thiện không còn nữa. Nàng hỏi thăm những người trong xóm, thì người ta nói, ông Thiện đã trở về quê ở ngoài Nha Trang từ ba bốn năm nay rồi. Hân thất vọng, nàng tự hỏi: - Trời ơi ! Hữu bây giờ sống chết ra sao? Suốt mười mấy năm mình không dám liên lạc, mà chỉ trông cho mau đến ngày con đủ mười tám tuổi, mình mới nhìn lại được. Nhưng nay thì Nha Trang xa xuôi quá làm sao mà đi được đây?
Nỗi buồn lo triền miên trong lòng hân suốt mấy tháng trời. Rồi một chiều hai mươi chín Tết... Hân đi chợ hoa ở ngoài đường Nguyễn Huệ. Bất chợt nhìn thấy hai cô con gái của nàng đang đi với một cậu trai. Hân liền làm bộ đi tới cho đụng dầu. Hạnh và Tâm nhìn thấy mẹ, hai cô hết hồn định trốn, nhưng không còn kịp nữa, Hạnh nhe răng cười:
- Má ! Má đi chợ mua kiểng, sao ba không đi với má, mà để má đi có một mình vậy?
- Ba con có hẹn bạn ở nhà.
Hân nhìn cậu trai kia, Tâm liền giới thiệu:
- Dạ, thưa má ! Đây là anh Đức, bạn của con.
- Chào cậu !
- Dạ, con kính chào bác !
Hân liền hỏi hai đứa con gái:
- Tụi con và cậu đây đi ăn kem, uống nước gì với má không?
Đức hơi bỡ ngỡ, nhưng Hân nói:
- Mời cậu đi chung cho vui.
- Dạ, con xin vâng lời bác.
Cá bốn người đi đến tiệm kem Bô-Đa. Trong khi ngồi uống nước và ăn kem. Hân nhìn thấy trên bàn tay của Đức có cái bớt son. Nàng tưởng mình như đang nằm mơ. Rồi Hân nhìn Đức kỹ lại, nhưng không dám quả quyết là con mình, nàng hỏi Đức:
- Xin lỗi cậu Đức, quê cậu ở đâu?
- Dạ, thưa bác ! Quê ba mẹ cháu ở Nha Trang, còn cháu thì sanh tại Sàigòn này.
- Vậy ông bà nhà làm gì?
- Dạ, ba cháu có cửa tiệm buôn bán mỹ phẫm và quần áo ngoại quốc ở bên Thương-Xá-Eden.
- Còn bà nhà?
- Dạ, cháu nghe ba cháu kể lại là mẹ cháu đã qua đời hồi cháu còn nhỏ.
Hạnh và Tâm tươi cười và Tâm khoe với mẹ:
- Tiệm ba của anh Đức bán đồ đẹp và sang lắm má ơi ! Má muốn đến đó xem không?
Hạnh làm bộ nhõng nhẽo:
- Đi nghe má ! Đi với tụi con...
Hân nhìn hai đứa con gái cưng, nàng liền hỏi:
- Tụi con... chắc đã chấm món gì rồi phải không?
Tâm tươi cười:
- Nhiều món đẹp lắm má ơi !
Trong lòng Hân cũng muốn đến đó coi ba của Đức là ai. Nàng gọi cậu bồi tính tiền. trả tiền xong, nàng và mấy đứa nhỏ đi qua Thương-Xá-Eden. Vừa đến nơi, Hân nhìn ra liền ông Thiện, Thiện đang tiếp khách không để ý. Trong lòng Hân vui hơn bắt được vàng. Hân gọi tên ông Thiện:
- Anh Thiện !
Thiện quay qua nhìn thấy con trai mình và ba người khách như kẻ lạ. Ông không chú ý gì lời gọi của Hân mà bảo Đức:
- Đức à, con lo tiếp khách dùm ba.
Hạnh và Tâm đứng xem mấy chiếc áo mông-tơ-ghi từ bên Pháp mới về. Hân thì nghe lòng mừng và rất nôn nóng, nàng cứ nhìn Đức mãi. Trong khi ấy chẳng ai để ý cử chỉ của Hân.
Khách trả tiền đi ra. Thiện mới quay lại định hỏi Hân như người khách, nhưng ông kêu lên:
- Trời ơi ! Thím Hoan ! Nãy giờ tôi mắc khách, nên không để ý.
Tất cả đều im lặng vài giây. Còn Hân thì cứ nhìn Đức mà nước mắt tuôn trào...
Hân đã nhìn lại đứa con trai. Nhưng Hữu bây giờ là Đức, vì sau khi Hân ký giấy cho con, ông Thiện đỗi khai sanh đặt lại tên Đức, và ông đổi nghề khác mấy năm nay. Ông nghĩ làm như vậy thì Hân khó mà tìm kiếm cha con ông được. Nhưng trái đất tròn, lòng vòng Sàigòn, học sinh, sinh viên dễ làm quen với nhau.
Trong khi gặp lại Hân, ông Thiện giả đò làm tỉnh, ông không đá động gì về chuyện xưa. Làm Hân sốt ruột và nàng cũng sợ tình cảm Đức gieo lầm với Hạnh là nguy hiểm lắm. Nên Hân không bỏ lỡ cơ hội. Nàng hỏi ông Thiện:
- Thằng Hữu đây phải không anh?
Ông Thiện nín thinh vài giây, rồi ông gật gật đầu:
- Chính nó đó thím à ! Đức ! Đức à, bà Hân đây là mẹ ruột của con đó !
Đức đang trò chuyện hồn nhiên với Hạnh và Tâm ở mé đàng kia, bỗng nghe cha nói, cậu không hiểu gì hết, Đức tiến lại gần, và hỏi cha:
- Dạ, ba gọi con và ba nói gì?
Thiện chỉ Hân và nói:
- Má con đó, lại nhìn má đi con !
Hạnh, Tâm và Đức đều ngạc nhiên. Đức nhìn cha và hỏi lại:
- Má con ! Ủa sao ba nói... má con...
- Ba dấu con từ bấy lâu nay. Má và em con đó !
Đức bàng hoàng xúc động và cả Hạnh và Tâm nữa. Đức ôm Hân và gọi:
- Má ! Má ơi !
Ông Thiện vói tay kéo cửa xuống thấp một chút, xem như tiệm đóng cửa. Và ông hỏi Hân:
- Thím và các cháu ở đâu? Thím có bận gì không, tôi mời thím và các cháu đến nhà tôi cho biết.
Hân chậm nước mắt, gượng cười và nói:
- Tôi có nhà hàng và nhà cũng ở bên đường Công Lý - Hàm Nghi. Tết nhứt tiệm đóng cửa một tuần. Để tôi gọi điện thoại về cho chồng tôi hay.
Thiện liền nói:
- Điện thoại bên trong, thím hay cháu nào cứ vô mà gọi về cho chú hay đi.
Tâm nói một giọng thật buồn:
- Để con gọi ba nha má !
- Ừ, cũng được !
Nãy giờ Đức còn bàng hoàng và nghe trong lòng ray rức vô cùng. Còn Tâm thì nghe lòng như bị bão tố. Cô thất thiểu đi vô lấy điện thoại gọi về cho cha hay là ba mẹ con về trễ.
Tất cả kéo về nhà ông Thiện ở đường Gia Long - Hai Bà Trưng để mà tha hồ kể lể hàn huyên những chuyện xa xưa. Và cũng cho mấy đứa nhỏ biết rõ mọi chuyện.
Sau khi Tâm và Đức nghe xong. hai cô cậu đều nhìn nhau mỉm cười.
Từ đó sự liên hệ hai gia đình rất mật thiết. Và mấy năm sau các cô cậu học hành xong, cha mẹ đôi bên bằng lòng cho Tâm và Đức hứa hôn và sẽ cưới nhau sau này.
Biến cố năm 1975 cả hai gia đình bị kẹt lại, họ nấn ná ráng sống ở Sàigòn. Nhưng rồi vào giữa năm 1986 hai gia đình họp nhau mua tàu vượt biển. Cũng may, được chiếc tàu Ánh-Sáng Ile-de-Lumière vớt và đưa qua cư ngụ trên đất Pháp.
Thời gian bay nhanh như bóng câu qua cửa. Lần lượt, ông Thiện qua đời, rồi tới ông Minh. Còn bà Hân giờ đây đã hơn sáu mươi tuổi rồi. Bà sống một mình trong căn phòng vừa đủ. Thỉnh thoảng có lễ lộc các con cháu mới kéo nhau về thăm bà...
Kiếp người ai đã hơn ai?
Sang hèn đều nếm đắng cay cõi đời.
Bóng mờ dĩ vãng xa vời,
Bây giờ hiện rõ giữa trời cuối thu.
Kết Thúc (END) |
|
|