Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Kiếp Bơ Vơ Tác Giả: Việt Dương Nhân    
    Ngồi trên chiếc xe Lam từ Chợ-Lớn ra Sàigòn. Bé Đỉnh tay cầm chiếc nón vãi, hai chân kẹp giỏ đồ, đôi mắt ngơ ngác nhìn, vì lần đầu tiên lên Sàigòn, Đỉnh nói thầm: - Sàigòn đây rồi ! Sàigòn xe cộ và người đông quá xá ! Chắc tối sẽ có đèn điện sáng lắm !
    Chiếc xe Lam đỗ bến nơi góc đường Hàm Nghi mé bên kia đường có trạm ô-tô-buýt, hành khách xuống lên, tiếng kèn xe, tiếng nói ồn ào náo nhiệt và mùi dầu xăng bay ra nực nồng khó thở. Đã tới nơi, dì Hai bảo: - Tới rồi Đỉnh ơi ! Mầy leo xuống mau ! Đỉnh cũng làm theo.
    Miệng Dì Hai nhai trầu bô bô, đi hai tay đánh đòn xa cà bơi, cà bơi, đi một khoảng đường bà lựa chỗ nào có góc kẹt là bà nhổ cỗi trầu phẹt phẹt vô đó. Phía bên kia là chợ Sàigòn. Dì Hai dắt thằng Đỉnh vô cửa Bắc đi thẳng qua phía cửa Nam ra đường Lê Thánh Tôn - Thủ Khoa Huân, Bà nhìn thấy đường Thủ Khoa Huân, bà dẫn Đỉnh băng qua, rồi quẹo vô hẻm khá rộng, số... có cầu thang bên ngoài. Bà nhả trầu, tay vuốt chiếc khăn rằn xuống vai, căn dặn Đỉnh:
    - Mầy ở nhà bà Phủ M... Mầy nhớ đừng có cứng đầu nghe hôn ! Nơi đây, người ta sẽ thương mầy hơn ở dưới quê...
    
    Hơn hai tháng, Đỉnh làm việc nhà rất là cực nhọc để được có nơi ăn, chốn ở. Dường như nó bị dì Hai gạt (?). Nhà bà Phủ M. là một căn phố lầu, bên trong rộng mênh mông, có nhiều phòng, bàn ghế toàn bằng gỗ cẩm-lai cẩn sa-cừ, sàn nhà lót gạch Tàu màu đỏ au. Bà sống chung với đứa cháu ngoại mười hai tuổi. Một hôm thằng cháu ngoại của bà làm biếng không đi ra cầu tiêu nên nó ị trong bô... Bà Phủ thấy trong bô còn nguyên phẩn, bà la và hỏi bé Đỉnh:
    - Đỉnh ! Sao mầy không đổ cái bô cứt của thằng Tuệ?
    - Không. Tui không đổ đâu !
    Bà Phủ tát cho Đỉnh một tát tay siễng niểng và nghiến răng nói:
    - Mầy dám cãi lệnh của tao hả !
    Đỉnh lấy tay xoa bên mặt trái và lõ hai con mắt to tròn màu đen như hai hột nhãn Long-Hải nhìn bà Phủ, nó không thèm khóc mà nói:
    - Thằng Tuệ, nó cỡ bằng tui, nó ĩa trong bô thì bà bắt nó đi đổ, chớ tại sao bà biểu tui đổ.
    - Mầy dám trả treo với tao nữa hả. Tao sẽ bỏ đói cho mầy biết tay.
    Đỉnh vẫn tỉnh bơ mà trả lời tiếp với bà Phủ:
    - Tui đói nhiều rồi, đói thêm nữa có sao đâu. Ở đây hơn hai tháng nay có ngày nào tui được ăn cơm trắng, cơm tươi đâu, bà cho tui ăn toàn là cơm cháy bóp lại với nước cá, nước canh thừa. Còn bà bắt tui ngủ ngoài hành-lang, có hôm trời mưa tạt ướt cả mền mùng làm tui lạnh run. Bộ bà nghĩ tui ham ở đây lắm sao?
    - Bây giờ mầy muốn đi cũng không được đâu. Tao sẽ nhốt mầy.
    Nói đến đây, bà ta đứng dậy đi lấy chìa khoá ra cửa khóa lại. Đỉnh cũng chẳng sợ gì nữa. Mà em đang tính toán trong đầu: Chấp bả khóa cửa. Mình sửa soạn sẵn. Hễ thấy thằng Tuệ ra vô là mình vọt liền...
    Mấy ngày sau, Đỉnh trốn được ra khỏi nhà bà Phủ M. Em mừng. Nhưng trong lòng em cũng hơi lo sợ bị đói. Dù vậy, em chẳng cần lo gì nữa. Hễ đói bụng thì em đi lòng vòng mấy sạp bán thức ăn, thấy ai ăn còn dư thì em xin. Những người trong chợ Sàigòn nhìn em như thằng ăn cắp. Mãi tới đóng cửa chợ, em mới đi ra. Cả ngày lòng vòng, Đỉnh cũng được no bụng.
    Đến chiều tối chạng vạng, trời đang mùa hè về đêm vẫn nóng oi bức. Đỉnh đi lơn tơn trở về đường hẻm cũ. Vì cả mấy tháng nay Đỉnh chỉ biết cái hẻm đó thôi. Em đi trịt qua cầu thang phía bên trong tìm chỗ trống sát tường. Em thấy mấy cái thùng cạt-ton rách người ta bỏ, em lấy chân đè bẹp rồi lót dưới đất trán xi-măng và ôm cái giỏ có mấy bộ quần áo mà nằm ngủ.
    Lối năm giờ sáng, chị Năm Bẻo, người chuyên môn bán trái sa-kê chiên, chị quải gánh tới. Chị thấy có ai nằm kế bên chỗ để lò chiên của chị, chị hỏi lớn:
    - Ai đó, dậy mau trả chỗ cho tui buôn bán chớ?
    Thằng Đỉnh giựt mình lật đật ngồi dậy:
    - Tui nè, chị Năm ơi !
    - Trời đất quỷ thần ơi ! Sao mầy ngủ ở đây hả Đỉnh?
    - Tui trốn bà Phủ từ hôm qua tới nay, chị đừng có la, tui đi chỗ khác liền đây nè !
    Đỉnh ngồi dậy trả chỗ cho chị Năm Bẻo, chị sửa soạn lò, chảo, dầu, thúng sa-kê và một thao bột đã khuấy sẵn ở nhà. Tay chị dọn đồ ra, miệng thì nói:
    - Tao thấy mầy lên ở với bà Phủ là tao biết mầy sẽ không ở lâu đâu. Bà ấy ác độc lắm ! Bộ mầy không biết sao?
    - Không !
    - Sao mà mầy quen bà Phủ được?
    - Nhờ dì Hai, dỉ quen, dỉ dẫn tui lên ở cho bà già này đó. Dì Hai nói là bà Phủ nhân đức lắm...Tui ở mấy tháng nay, tui thấy bả ác, tui muốn trốn đi mà không dám ! Nhưng nay thì tui...
    - Ba má mầy đâu?
    - Chết hết rồi !
    - Vậy sao ! Mọi lần mầy sống với ai?
    - Hồi tui còn dưới quê, tui ở với chú thím tui. Nay chú tui chết rồi, chỉ còn thím, mà thím ấy cũng ác lắm chị ơi !
    - Bà Phủ có trả tiền lương cho mầy không?
    - Không. Lâu lâu bả cho tui năm mười đồng thôi !
    - Sao mầy không trở về với thím mầy?
    - Thôi chị ơi ! Đã lên Sàigòn rồi, dìa đó nữa làm chi !
    - Rồi đây, những ngày sắp tới mầy sẽ ăn ở đâu?
    - Thì ngoài chợ, ngoài đường hoặc làm bạn với mấy đống rác cũng xong hà !
    - Nè, mầy gọt vỏ sa-kê phụ tao, chút nữa tao cho ăn cơm.
    - Gọt làm sao, chị chỉ tui nhe !
    Đỉnh phụ giúp chị Năm Bẻo đến trưa, chị ta cho em ăn những miếng sa-kê chiên lụng vụn và cũng chia cho Đỉnh chút cơm trắng với vài ba con cá lồng-tông kho mặn quéo.
    Mấy ngày Đỉnh ở trong hẻm, em cố tránh không cho bà Phủ M. gặp. Sau đó, Đỉnh bỏ đi nơi khác. Em lang thang chợ này đến chợ kia. Khát thì uống nước bông-tên, đói thì xin những tô bún dư, bánh bèo, bánh tằm của người ta ăn thừa hoặc tới mấy đống rác tìm đồ ăn trong đó. Ngày qua ngày cũng xong. Thật là: Trời sanh voi, sanh cỏ...!
    Đỉnh là cậu bé mới mười hai tuổi mà phải chịu cảnh mồ côi và cuộc sống rất thương tâm. Suốt cả tháng trời lông bông đầu đường xó chợ, bữa đói bữa no.
    Trời xế chiều, Đỉnh nghe bụng đói, em đi lần lại đống rác, mặt mày dơ bẩn, đầu đội cái nón tay bèo cũ xì màu xám xịt, một tay xách cái giỏ đương bằng giây lác, chân đất, mặc quần xà-lỏn, áo thun lũn hai ba lỗ nhỏ đàng trước, hai bên hông áo lắm lem, Đỉnh ngồi chòm hỗm, một tay bươi xới đống rác, em cố ráng tìm đồ ăn, miệng lẩm bẩm: Ở miệt trên này mấy thằng Mỹ ‘’kẹo’’ quá, ăn hết không bỏ miếng gì cả thiệt là...đồ...đồ ham ăn !
    Hồng, cô gái mười lăm mười sáu tuổi, gương mặt dịu hiền, vóc dáng mảnh mai, mái tóc dài buông thả, mặc áo dài trắng, quần đen, đầu đội chiếc nón lá bài thơ. Cô đang đạp xe, bỗng nhìn thấy Đỉnh đang moi đống rác. Cô động tâm bèn dừng chiếc xe đạp và gọi:
    - Ê, em nhỏ ! Em kiếm đồ ăn hả?
    Đỉnh ngẩng đầu lên, gương mặt buồn hiu:
    - Bữa nay xui quá, tui tìm hoài mà không có miếng gì để ăn được ! Tui đói bụng quá chị ơi !
    Hồng thò tay vô cặp-táp lấy khúc bánh mì thịt bẻ làm đôi đưa cho Đỉnh:
    - Nè, chị chia cho em ăn đỡ đói. Nhà ba má em ở đâu?
    Đỉnh thò tay định lấy khúc bánh mì, nhưng em khựng lại để trả lời câu hỏi của Hồng:
    - Tui không có ba má ! Tui ở với thím tui, thím tui đánh tui hoài và còn bỏ đói tui đó chị ơi ! Nhờ có dì Hai ở gần nhà thím tui, dỉ thấy thím tui đánh tui hoài, dỉ lén dẫn tui lên Sàigòn ở cho bà Phủ M. mấy tháng trước...
    Đỉnh kể lể một hơi cho Hồng nghe. Hồng hỏi:
    - Sao mà em không ráng ở đó nữa?
    Nét mặt Đỉnh hơi giận và nói:
    - Trời ơi ! Cái bà già đó dữ và ác như quỉ vậy. Làm sao mà tui ở được? Hồng nghe thế, lòng cô rất cảm động, cô tự an ủi:Mình được phước hơn thằng nhỏ này. Mình ở với bác Tuất. Tuy bác gái hơi khó chịu. Nhưng mình được ăn ở và đi học đàng hoàng.
    Hồng nắm tay Đỉnh đưa khúc bánh mì và nói:
    - Ăn đi. Nè, chị cho em mười đồng. €, còn tối em ngủ ở đâu?
    - Tối, thì tui ngủ trong chợ gần đây !
    - Sao em không về nhà thím của em. Em không còn ai bà con nữa sao?
    - Không. Ba má tui chết vì pháo kích. Còn chú tui chết hồi Tết này. Thím tui cũng dữ lắm !... Chắc chị giàu lắm há?
    - Đâu có. Chị cũng không có ba má. Nhưng chị được người bác ruột đem về nuôi dưỡng và cho chị ăn học. Thôi chị về nha !
    Hồng vừa đi khuất dạng. Đỉnh cắn bánh mì nhai ngấu nghiến, vừa ăn, vừa lấy chân đá đá đống rác. Một hộp cô-ca cô-la lăn tròn, Đỉnh chạy rượt theo và nhặt lên. Trong hộp còn một chút nước, em uống ực ực. Trời đang sụp tối. Đỉnh nói lảm nhảm: Tối rồi mình đi đến chợ đàng kia ngủ đêm nay !
    
    Hồng vừa thi đậu được bằng lái xe, cô mượn chiếc xe Jeep của bác Tuất. Cô liền phóng lên khu Ngã-Ba-Ông-Tạ, vào cua-đờ-đăn Mây-Chiều. Góc bàn phía bên trong là nơi cô thường ngồi để được ngắm nhìn tất cả xung quanh. Trên gương mặt Hồng có một nét buồn sâu thẳm. Mới nhìn tưởng là cô sung sướng và vui lắm. Nhưng không phải thế ! Đời cô cũng bơ vơ. Hơn nữa người yêu đã tử trận. Nhưng cuộc sống của cô đỡ hơn thằng Đỉnh nhiều !
    Hồng đến đây để tìm quên cái nỗi buồn riêng ở trong lòng, không như các cô cậu kia đến để ăn chè, uống cà-phê-phin và cua nhau nhảy đầm. Cô mặc chiếc áo dài ba vạt màu vàng hột gà, quần xòe màu đen, tóc dấn bính bỏ qua bên trái. Phấn son hơi đậm. Hồng lấy bao thuốc lá ‘’555’’ rút ra một điếu se se cho rớt bớt, mỡ cái hộp nhỏ lấy móng tay vít một thứ bột.... màu hơi trắng ngà và bỏ vào điếu thuốc se đầu lại, lấy hột quẹt châm lửa hít mạnh vừa nuốt, vừa nhả khói từ từ. Một chàng trai trẻ ngồi phía ngoài đứng lên đi chầm chậm đến bàn hỏi:
    - Xin lỗi, chị cho tôi hỏi thăm !
    Hồng vội dụi điếu thuốc, cô nhìn chàng trai giây lát rồi nói:
    - Anh cứ tự nhiên hỏi !
    - Chị còn nhớ ’’Thằng Nhỏ’’ hồi năm Mậu Thân không?
    - Thằng Nhỏ nào?
    - Thằng Nhỏ moi rác...tìm đồ ăn đó !
    Hồng chau đôi mày nhìn Đỉnh...:
    - Rồi sao nữa? Anh hãy nói cho hết đi !
    - Chị quên rồi sao? Chị tên chi, cho em biết được không?
    - Tôi tên Hồng ! Còn Anh?
    - Em tên Đỉnh !... Cách đây sáu bảy năm, chị có cho em một khúc bánh mì thịt và mười đồng bên đống rác gần mấy trại lính Mỹ, ở Ngã-Ba-Ông-Tạ này. Chị còn nhớ không?
    Hồng chợt nhớ và ngạc nhiên:
    - Trời ! Trời ơi ! Cậu đây hả? Thời gian bay nhanh... Cậu cao lớn quá nên tôi không nhìn ra. Bây giờ cậu sống ra sao. Có vợ con gì chưa?
    - Dạ, chưa. (vài giây suy nghĩ) Đỉnh nói tiếp: Sau bao nhiêu năm em sống bơ vơ, bữa đói, bữa no lăn lốc giữa chợ đời. Vừa mười tám tuổi thì em đăng lính Lôi-Hổ. Tính ra chưa đầy hai năm mà em là Thương-Phế-Binh rồi !
    Hồng vội đứng lên mời Đỉnh:
    - Mời em ngồi !... Ngồi xuống đây và uống gì cứ tự nhiên gọi.
    Hồng nhìn Đỉnh, cô nghĩ nhớ: Người yêu của mình cũng đi lính Lôi-Hổ, nhưng anh ấy đã tử trận hơn một năm nay, mình đến đây để tìm lại kỷ niệm...Vì nơi đây mình quen với Hải. Còn cậu này nói là Thương-Phế-Binh mà mình không thấy cậu ta bị sứt mẻ gì cả ! Hồng nghĩ ngợi, rồi hỏi Đỉnh:
    - Em bị gì mà thành Thương-Phế-Binh?
    Đỉnh cúi xuống tuột chiếc dớ bên chân trái chỉ:
    - Bàn chân em là giả đó chị à ! Cũng may là không bị cụt nguyên cái chân !
    - Trời ơi ! Tội nghiệp em hôn !
    Hồng lại nghĩ: Mấy chàng lính đồng Binh Chủng của Hải thường hút... loại này, mà thỉnh thoảng mình cũng hút cho giải khuây. Hồng đốt lại điếu thuốc và nhìn Đỉnh:
    - Em có thích hút thuốc... này không?
    Đỉnh hiểu ngay là gì rồi, cậu trả lời:
    - Dạ, em bỏ rồi ! Vì hồi em còn trong lính, mấy anh cũng cho em thử chút chút. Nguy hiểm lắm nha chị !
    - Chị biết, thỉnh thoảng chị hút thôi ! Em giỏi quá ! Còn chị...thì buồn buồn là muốn đến đây nghe nhạc và hút...để tìm lại kỷ niệm !
    - Em hy vọng, chị đừng dùng nó nữa ! Chị biết không. Suốt bao nhiêu năm em không bao giờ quên khúc bánh mì và mười đồng của chị chia cho em. Lúc đó, khúc bánh mì của chị là một bữa ăn ngon nhứt đời em !
    - Thôi, bỏ qua chuyện đó đi. Bây giờ cuộc sống của em có đỡ phần nào không?
    - Đỡ lắm, em được lãnh tiền Thương-Phế-Binh và cũng nhờ bán căn nhà của chú em để lại, có dư chút ít tiền em mua được căn nhà nhỏ ở xóm trên này một chút.
    - Bà thím em đâu?
    - Bà thím em đã chết sau cơn bạo bệnh. Em đã gặp chị mấy lần ở đây. Vì hơi ái ngại nên em không dám hỏi. Nhưng hôm nay, em bắt em phải nhìn chị coi chị có còn nhớ em không. Chị ở đâu và làm gì?
    - Chị đi làm thơ ký cho McV. I của Mỹ ở đường Pasteur, lâu lâu lên đây nghe nhạc và chị vẫn còn sống chung với gia đình người bác, nay dời nhà ở gần Cư-Xá-Kiến-Ồc-Cục khu Tân-Định. Nhưng đời chị cũng buồn lắm em ơi !
    Đỉnh chỉ điếu thuốc và nói:
    - Buồn gì buồn, xin chị đừng tìm quên qua cái loại...này. Vì em có nhiều bạn chết vì nó... lắm đó chị à !
    Hồng nín thinh mà nghĩ: Cậu này giảng đúng quá. Mình phải từ bỏ mới được. Nhưng mình đâu có ghiền !
    Quang cảnh trong cua-đờ-đăn Mây-Chiều, tiếng nhạc họ để nghe ồn ào. Các cô, các cậu đưa nhau dập dìu ra sàn nhảy. Đỉnh đứng lên nói với Hồng:
    - Thôi em về. Chúc chị ở lại chơi vui ! Chào chị !
    - Chào em ! À, cho xin địa chỉ để hôm nào chị ghé lại thăm Đỉnh !
    Đỉnh ngồi trở lại và lấy giấy viết địa chỉ đưa cho Hồng, cậu nói:
    - Nhà em ở trong hẻm nhỏ hơi khó tìm !
    
    Qua mấy tuần lễ, Hồng luôn nghĩ đến Đỉnh và nghe trong lòng như vương vấn một hình ảnh nào đó...
    Một buổi sáng đẹp trời, Hồng lấy chiếc Honda Dame vọt đi lên xóm Ngã-Ba-Ông-Tạ đến đúng con đường... vào một hẻm nhỏ chật hẹp, một bên hẻm có vài cái lều che để người ta bán cà-phê, thuốc lá lẻ, bánh, kẹo v.v... Hồng hỏi thăm một bà tuổi xồn xồn, mặc chiếc áo túi trắng đã ngả màu, cái quần vãi đen vén hai bên, chân mang đôi guốc vông mòn sát gót, miệng đang nhai trầu, xỉa thuốc. Hồng lễ phép hỏi:
    - Dạ, thưa bác ! Bác có biết nhà anh Đỉnh ở đâu không?
    Bà nhìn Hồng với ánh mắt dịu dàng, bà hỏi:
    - Có phải Đỉnh què không?
    Hồng nghe bà ấy gọi Đỉnh cái biệt danh... Cô nghe tội nghiệp Đỉnh hơn. Nên rất ngượng mà nhìn nhận như thế. Nhưng cô chẳng biết phải làm sao, đành gật đầu:
    - Dạ, hình như vậy đó bác !
    - Nè, cô đi thẳng tới đàng kia, bỏ hai cái hẻm phía tay trái, rồi mới quẹo tay trái, sau đó quẹo tay mặt đi tuốt trong sâu mút cuối hẻm là nhà của thằng Đỉnh hà. Chiều chiều, nó hay ra đây uống cà-phê lắm, chắc giờ này nó có ở nhà... !
    - Dạ, cháu cám ơn bác nhiều.
    Sau khi Hồng đi vô hẻm, ở đây bà bán cà-phê lẩm bẩm một mình:
    - Cha chả, chắc cô này là bồ của thằng Đỉnh què. Vái trời cho đúng như vậy. Cái thằng hiền khô mà lại đi lính Lôi-Hổ, ai nghe tới cũng ngán. Nhưng tiếp xúc với nó thì mới thấy nó hiền. Từ ngày nó về ở xóm này, vô ra gặp ai cũng lễ phép chào hỏi thiệt là dễ thương, hễ ai cần phụ cái gì nó cũng sẵn sàng giúp nên lối xóm người nào cũng thương mến nó hết sức !
    
    Hồng rồ máy cho chiếc Honda chạy chầm chậm, quẹo qua, quẹo lại, đường hẻm lồi lổm và có rất nhiều ổ gà, xe chạy chậm mà cũng dằn lên xụp xuống nên Hồng leo xuống dắt chiếc Honda đi bộ. Tới nơi, Hồng đứng trước một căn nhà nhỏ, mái lợp bằng tôn, vách ván, cửa lỏng lẻo xiu dẹo, trong nhà đang để băng cải lương hát ca inh ỏi. Hồng dựng chiếc xe, cô gõ cửa và hỏi:
    - Có... có Đỉnh ở nhà không?
    Đỉnh đang nằm trên võng tòn teo, ở trần chỉ mặc quần xà-lỏn. Bỗng nghe tiếng con gái gọi. Đỉnh lật đật ngồi dậy xỏ cái quần dài vô và trả lời:
    - Có ! Ai đó?
    - Người quen mà !
    Đỉnh đi cà nhắt, đưa tay xô cánh cửa qua một bên. Cậu giựt mình, kêu lên:
    - Trời ơi ! Chị... chị Hồng...???.
    

Kết Thúc (END)
Việt Dương Nhân
» Quán Chú Mùi
» Như Cánh Tuyết Rơi
» Tình Thắm Đêm Xuân
» Vầng Trăng Khuyết
» Phận Nghèo
» Đàn Chim Việt
» Mặt Trời Vẫn Lên
» Lá Rơi Về Cội
» Bóng Mờ Dĩ Vãng
» Tay Cắt Tay Bao Nở
» Ai Khổ Hơn Ai
» Tâm Như Đất
» Xóa Hận Thù Riêng
» Lá Vàng Lóng lánh
» Âm Thầm
» Ơn Đền, Oán Xả
» Vẫn Chưa Muộn Màng
» Nhờ Tin Có Ông Trời
» Niềm Tin
» Hoa Tuyết Đêm Xuân
» Ngoại Tình
» Gọi Nắng Xuân
» Vầng Trăng Của Mẹ
» Kiếp Bơ Vơ
» Nguyệt Hạ