Các nhà chuyên môn cho rằng ở các làng mạc vắng vẻ tiếng động chỉ có chừng ba mươi décibels vào ban ngày và trên vài mươi vào ban đêm. Con người có thể chịu đựng thêm một chút ồn ào nữa cũng không sao, miễn là đừng vượt quá ba mươi lăm ban ngày và ba mươi décibels ban đêm. Thế nhưng ngày nay, tại những khu phố gọi là yên tĩnh nhất, vào đêm khuya (nếu không phải là giờ thiết quân luật) tiếng động cũng vượt quá năm mươi décibels. Đó là không kể những ồn ào bất thường trong thời chiến: tiếng quân xa di chuyển từng đoàn, tiếng phi cơ phản lực đi đi về về...
Thần kinh Đỗ chịu đựng kém. Từ hồi về sống ở đô thị chàng đâm ra đố kỵ âm thanh. Tiếng nhạc cũng ít khi dám nghe. Bối âm thường xuyên đã ầm ĩ quá rồi, tăng thêm một tiếng động, tinh thần thêm bị kích thích, bực bội.
Vậy mà rồi một hôm Đỗ tự bắt gặp mình chờ đợi một tiếng kêu lớn. Chờ đợi mơ hồ, nếu không tình cờ để ý có lẽ không biết đến.
Số là đối với mỗi người trong ngày chỉ có một giờ nào đó coi là thích nhất. Các cụ trước kia chọn cái lúc tờ mờ, đêm vừa tàn ngày vừa rụt rè hiện đến; trong cô tịch, các cụ ngồi nhấp trà suy nghĩ.
Đỗ không lấy trầm tư làm thú. Chàng thích cái khoảng thời gian trơ trẽn từ chín rưỡi tới mười giờ. Lúc đó, điểm tâm xong, tách cà-phê nóng đã làm cho người tỉnh táo, những công việc khẩn cấp nhất trong ngày đã tạm giải quyết xong, tâm trí nhẹ nhàng, thảnh thơi. Ngoài trời nắng vừa đủ ấm, sương vừa đủ ráo, ánh sáng tươi mà chưa gắt. Bấy giờ, chàng có thể khoanh tay ngồi trước bàn, ngừng công việc, nghếch mặt nhìn trời xanh ngoài cửa sổ, đầu ốc rỗng tuếch mà vẫn ngấm ngầm hân hoan, không có một dự định gì mà vẫn tràn trề hy vọng. Chừng mười thước tây dưới tầng lầu của chàng xe cộ tiếp tục ồn ào; nhưng chàng tha thứ. Ở sân thượng một tòa nhà nào đó, cùng trong khu phố, có người (chắc chắn là lao công một sở công hay tư) có thói quen xấu là đốt giấy lộn vào buổi sáng, khiến tro tàn tản mác theo gió, lặng lẽ đậu lên mặt bàn, lên mái tóc chàng. Nhưng Đỗ tha thứ.
Bởi vì lúc bấy giờ — chính vào lúc bấy giờ — một tiếng rao cất lên. Hớ hơ ị ị ị (hay Hế ê ị ị ị?... Chàng cố lắng tai nhưng không thể phân biệt). Chỉ có tiếng “ị” sau cùng là rõ ràng. Rõ ràng và kéo dài vô cùng vô tận. Hế vang lên, rồi tiếng ị cứ ngun ngút, nhỏ dần nhỏ dần, như tơ như tóc, không biết lúc nào nó còn đó, lờ mờ, và lúc nào nó đã tan biến vào không gian ngọt lịm. Chỉ chắc chắn cái lúc tiếng rao cất lên, không thể quả quyết khi nó chấm dứt.
Đó là một âm thanh khác thường. Chàng có cảm tưởng nó lạc lõng giữa khung cảnh đô thị. Nó lại cũng không phải của thế kỷ này. Rao thứ gì, chàng không biết. Giọng là giọng một người xẩm, trong trẻo. Nhưng người này bán một món đồ ăn chăng? coi bói chăng? bán chổi lông gà? bàn chải giặt đồ chăng? Đôi ba lần, chàng thử tìm hiểu, nhưng chàng vừa xuống lầu, chạy ra đến ngoài đường, thì người bán hàng đã rẽ mất vào một ngõ hẻm nào trong xóm. Vả lại chuyện đó không ích gì, món hàng không quan hệ, cốt yếu là tiếng rao. Nó cất lên giữa khu phố như tiếng con chiền chiện ngoài đồng nội. Cả hai đều làm cho trời thêm xanh, nắng thêm sáng, mây bạc phiêu phiêu thêm cao.
Chàng vừa liên hệ tiếng rao nọ với đồng nội. Quả có mối liên hệ ấy. Hế... ế..., vâng, ở đâu cũng hế được. Nhưng còn ị ị ị..., cái đuôi thanh âm hun hút ấy không phải của đô thị. Ở đây, một tiếng rao không thể ngân dài, thong thả, bình thản, vừa tiếp diễn vừa tự thưởng thức cho đến cái ngân nga nhỏ nhất của mình như thế. Đây là một tiếng rao đầy tự tín; nó đĩnh đạc, cho rằng khắp thôn ấp, sau những bờ rào, lũy tre yên lành, trong những khu vườn tĩnh mịch, bao giờ cũng có sẵn những lỗ tai theo dõi cái ngân nga dài dòng của nó, rằng nó không tan biến vô ích trong sự ồn ào nóng nảy vô tình. Âm thanh ấy mang nơi mình tất cả cái không khí trung cổ. Giữa nó với khung cảnh thôn xóm làng mạc có một tương quan xương thịt. Nó là một di tích, một cổ tích tồn tại giữa thời đại này trước sự thờ ơ tội lỗi của các nhà khảo cứu. Nó là thứ cổ tích quí báu hơn mọi thứ cổ tích, vì nó không sót lại như một thanh gươm sét dỉ đào được từ lòng đất, như chiếc áo cũ của một nàng công chúa bày trong viện bảo tàng, như một vật hết công dụng, mà nó tồn tại sống động, mặc dù lỗi thời. Nói cho đúng, đây thực ra không phải chỉ là một chứng tích của cuộc sinh hoạt quá khứ; đây chính là một yếu tố nguyên vẹn của sinh hoạt ấy đang tiếp tục sống trong lòng hiện tại.
Tiếng rao hàng ngày nay tranh nhau phát lên thật lớn nhưng không hề kéo dài. Nhất là kéo dài để rồi nhỏ dần, yếu dần. Nó kéo dài làm gì nhỉ? Chỉ cần thét lên thật lớn, thật đột ngột, thế thôi. Người rao hàng điên cuồng nào ngày nay mà lại đem năng lực phát âm của mình phung phí trong những ngân nga vô bổ, bị xóa lấp dễ dàng giữa các tiếng động xô bồ thường xuyên của đô thị? Chỉ có Ế ị ị... là bất chấp mọi đổi thay của hoàn cảnh.
Hế ị ị... cất lên, một hơi gió mát mênh mông thoảng qua bầu trời. Chàng nghe tâm hồn phơi phới nhẹ nhõm. Tưởng tượng đâu đó có một người đàn bà Tàu, mặc thoòng choóng đen, đầu đội chiếc xẩu mầu to tướng, hay chiếc thồng củ mầu mang từ xứ sở quê hương sang đã mấy mươi năm rồi, gánh hàng bằng cây đòn gánh gỗ đen bóng vì mồ hôi của bao nhiêu thế hệ lao động, một người đàn bà của nước Tàu ba bốn nghìn năm lịch sử chùng chình mãi ở thời kỳ kinh tế nông nghiệp, lưu luyến mãi với ruộng vườn thôn ấp, một người đàn bà như thế lững đững ở một góc phố gần đây... Một người Tàu như thế là cả nếp sống yên lành, nhân hậu.
Ế ị giữa buổi mai, và tiếng hò ơ trên sông, tiếng hát ru em kéo dài bất tận trong đêm khuya của người đàn bà Huế, ôi những đeo đẳng tâm tình của thời Nghiêu Thuấn xa xưa. Một bên là những thầm thì tỉ tê trong cô tịch của đêm trường, là những nỉ non tình cảm len lỏi canh khuya, thấm sâu vào lòng người. Một bên là niềm vui an lành vút lên cao thẳm giữa nắng sớm tưng bừng.
Từ lâu rồi, ở đô thị, Đỗ quen với những âm thanh có công dụng rõ rệt, thiết thực... Tiếng huýt còi của cảnh sát công lộ, tiếng rao báo, rao phở, tiếng gọi xe v.v... mỗi mỗi đều vắn tắt. Những trao đổi vắn tắt trong phạm vi những điều thiết dụng ấy làm cho mối tương giao ở đô thị hóa nghèo nàn, lạt lẽo. Chỉ có người đàn bà Tàu nọ là vẫn một niềm tin cẩn ở xung quanh. Ế ị ị ị có kéo dài lạc lõng bơ vơ trong lạnh lùng, thờ ơ của phố phường, có mất đi vô ích vô duyên chăng; nó càng làm cho chàng nao nao tiếc mối giao tình đậm đà đã mất giữa người trong tập thể.
Đó vậy mà một độ Ế ị bỗng im mất. Một hôm chàng bắt gặp sự chờ đợi của mình.
Nó mất từ ngày nào, không biết được đích xác. Thiếu một tiếng rao trong khu phố, không phải như thiếu mất bữa ăn sáng.
Chỉ nhớ mùa mưa, có độ suốt tuần lễ trời cứ xấu hoài, sáng nào cũng có nhiều cơn mưa. Thế rồi một sáng thứ hai trời sáng lên, rực rỡ, chàng sực nghĩ đến Hế ị thì không nghe thấy nữa.
Rồi thì công kia việc nọ ngổn ngang làm chàng quên nó gần như hoàn toàn.
Cho đến một hôm khác, ở một ngã ba đường, chàng trông thấy một chiếc xe GMC vướng đổ một gánh hàng rong, độ ba bốn cái bát bị bể nát và nhiều gia vị mắm muối tung tóe bên đường. Anh tài xế xuống xe, đỡ gánh hàng rong lên, xếp lại các món còn lành lặn. Trong lúc ấy xe cộ bị chận lại bắt đầu dồn ứ, làm nghẹt đường, động cơ nổ, khói tỏa mù. Chủ gánh hàng là một bà già Tàu, nét mặt không chút giận dữ, mắt trông xuống đất, nói từng tràng dài, nói đều đều, vẻ điềm nhiên nghiêm chỉnh, chắc chắn là nói để phân phải trái. Người tài xế dọn vội vã, rồi trèo lên xe, rồ máy đi tuốt. Lúc bấy giờ bà già mới ngừng nói và mới kịp ngạc nhiên.
Anh tài xế không chắc là người xấu, nhưng công việc cấp bách, xe cộ nghẹt đường thúc dục anh, sự thiệt hại của người đàn bà không đáng là bao mà anh ta lại không sẵn tiền trong túi. Đại khái có những lý do như vậy. Nhưng bà già Tàu nọ không chờ đợi sự việc kết thúc kiểu ấy. Trong cách phản ứng nghiêm chỉnh và thong thả của bà ta có sự chậm trễ ít ra một vài thế kỷ.
Có phải Ế ị là món hàng vừa bị đổ đó chăng?
Thỉnh thoảng, trời Sài Gòn gặp một buổi mai thật ngon lành, nắng reo vui trên tường vôi, trên mái ngói; điểm tâm xong, Đỗ ngồi khoanh tay trước bàn tìm một cái cớ cho mối hân hoan hi vọng nơi mình, chàng chợt bắt gặp sự chờ đợi của mình: chàng chờ đợi tiếng rao ngân nga nọ, như là đang vuốt ve một ảo tưởng thanh bình.
Kết Thúc (END) |
|
|