Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Cặp Song Sinh Tác Giả: Nguyễn Quốc Văn    
    Bốn năm trước, lão Phú mua căn nhà sát vách nhà tôi. Ngay từ những ngày đầu tiên dọn tới nơi ở mới, lão đã tỏ ra qúy con gái tôi ra mặt, một điều xưng chú, hai điều gọi con với con Thủy. Thành thử con bé Thu, cháu ngoại tôi, cũng được thơm lây. Những buổi chiều mát mẻ, nhiều lần thấy bé Thu ngất ngưởng trên vai lão Phú cười ngặt nghẽo ngoài đầu hẻm, tôi vui lắm. Tình cảm là thứ dễ lây, tôi sinh lòng cảm mến người hàng xóm của mình một cách khá tự nhiên. Rồi ngày tháng trôi qua, tôi và lão trở thành đôi bạn thân từ lúc nào cũng không ai rõ nữa...
     Lão Phú là người ý tứ. Chẳng biết bằng cách nào, lão biết tường tận lịch làm việc của tôi. Những lúc tôi dừng viết, lão thường ghé qua chơi trong chốc lát. “ Để ông còn viết chớ!”, lão hay nói thế mỗi khi tôi lịch sự bảo lão nán lại chuyện vãn thêm dăm ba phút nữa.
     Trong một lần đàm đạo về nghề viết với tôi, vào lúc hứng khởi nhất, lão triết lí:
     - Ông ạ, tôi nghĩ hễ cứ có nghề có nghiệp tử tế thì chẳng bao giờ sợ chết đói! Nhưng nếu như người ta nắm thêm được một số bí quyết lắt léo của nghề, sự giàu coi như đã ở trong tầm tay. Tuy nhiên, theo tôi, quy luật trên không phải bao giờ, ở đâu, với ai cũng đúng đâu nhé! Bởi trên đời còn có hàng núi công việc không thể xếp vào danh mục nghề nghiệp nào nhưng lại có khả năng đem lại danh lợi khá bất ngờ!
     Tôi chưa kịp hỏi thêm, lão Phú đã lấy mình ra làm thí dụ:
     - Ví như nghề làm chủ tịch hội phụ huynh học sinh trong trường học của tôi chẳng hạn. Một nghề độc nhất vô nhị và cũng rất tử tế đấy ông ạ. Không có chuyên môn, non kém trong kĩ năng hành nghề, coi như biết trước sẽ thất bại. Thực tế khiến tôi nghiệm ra rằng, việc này chỉ thích hợp với những ai hội đủ các phẩm chất kiên trì, bình tĩnh, khôn khéo, có thể hơi láu cá một chút mà được việc cũng tốt!
     Thấy tôi chăm chú lắng nghe, lão bỗng chuyển làn, gợi ý:
     - Hay là ông đồng ý để tôi giới thiệu ông nhé. Nên coi đây là một trong những cách nuôi ngòi bút để mà sống và viết thôi. Vả lại, biết đâu khi nhập cuộc, ông chẳng có thêm nhiều nguyên mẫu để nặn ra những nhân vật mới?
     Tôi chưa biết công việc mà lão định giới thiệu cho tôi là việc gì, nhưng vẫn cười lấy lòng:
     - Tôi tiếng là kẻ cầm bút, nhưng ông biết đấy, các chân dung tôi dựng lên đều chỉ là những cái bóng cả thôi. Tôi quen hiểu người qua trí tưởng tượng của mình, còn những ngõ ngách thật của đời thường tôi lại quá dốt. Liệu mù mờ như thế có thích hợp với việc mà ông giới thiệu cho không?
     Lão Phú nheo mắt:
     - Ông quá khiêm tốn đấy! Ông hơn hẳn tôi ở chỗ có những cái vốn mà tôi không có. Như sự nổi tiếng. Lại có tới hai qúy tử đang theo trung học. Chưa đem cái vốn ra dùng, sao dám nói mình là kẻ mù mờ?
     Có lẽ nghe lão Phú nói, lúc ấy mặt tôi hơi dại đi một chút thì phải. Vẻ lúng túng của tôi khiến lão bật cười thành tiếng. Chẳng biết vì thương hại hay cảm thông, lão xòe tay ra trước mặt tôi, giải thích:
     - Chí ít ông cũng có đủ điều kiện để làm phó chủ tịch hội phụ huynh trường Tân Trí. Liệu có mấy ai có tới hai đứa con cùng học một cấp như ông? Liệu có mấy ai quan tâm, lo lắng đến việc dạy và học ở trường này nhiều bằng ông? Với tiêu chuẩn này, chắc chắn các phụ huynh học sinh sẽ bầu ông vào ban chấp hành.
     - Còn nhà trường?
     - Nhà trường rất cần những người có uy tín như ông. Là nhà văn, ông chỉ cần khua tay nói vài lời vàng ngọc cũng đã bằng người ta bỏ công sức ra vận động cả tháng ròng đấy!
     - Nhưng tôi sẽ phải nói về những cái gì, và nói với ai?
     - Ôi ông bạn ơi! Tôi ngỡ ông thừa trí tưởng tượng để nghĩ ra những cái cần phải nói chớ? Như kêu gọi mọi người đóng góp hỗ trợ quỹ giáo dục. Gặp gỡ phụ huynh trong các cuộc họp. Vận động các cơ quan kinh tế đóng trên địa bàn quận. Giải trình với Sở Giáo dục khi họ thanh tra các khoản qũy của hội...
     Tôi lắc đầu:
     - Như vậy thì phải lấy mình ra làm gương. Mà tôi thì..
     Lão Phú như đi guốc vào bụng tôi:
     - Ông lo phải đi đầu trong việc đóng các khoản tiền phải không? Này, tôi nói cho mà hay, nếu ông làm chủ tịch hội phụ huynh học sinh, ông sẽ chẳng phải đóng một khoản tiền nào hết. Con ông được miễn giảm học phí. Ông có phần trăm, có quyền ăn quyền nói. Lại có thêm cả cơ hội để mở rộng quan hệ xã hội nữa.
     - Nếu chỉ có vậy thì tôi làm được!
     Lão Phú cười:
     - Có thế mới xứng mặt nhà văn chứ! Thôi nhé, tôi xin phép ông tôi về. Coi như ông đã nhận lời tham gia vào ban chấp hành hội rồi đấy nhé. À, mạn phép ông, tôi đã thay ông đi họp phụ huynh cho cháu Thu nhà ta rồi đấy. Con mẹ Thủy kêu là nó bận qúa! Mà ông thì có rảnh bút lúc nào đâu! Cứ có người nhớn đến ngồi vào chỗ ghi tên cháu trên mặt bàn là được rồi, cô giáo cũng chẳng bắt bẻ ai là ông nội ông ngoại, bố mẹ đẻ hay bố mẹ nuôi...
     Lão Phú nói là làm. Tại buổi họp đầu năm, theo gợi ý của lão, thầy chủ nhiệm lớp 11A 25 giới thiệu tôi là một nhà văn đại tài, có uy tín rất lớn trong nước và quốc tế, nếu tôi nhận lời làm đại diện phụ huynh thì quả là một đóng góp lớn cho lớp. Thầy lại hỏi, ai đồng ý đề cử tôi vào chức danh đó thì giơ tay biểu quyết. Một trăm phần trăm người dự họp, có người là bố mẹ, có người là ông bà của học sinh trong lớp, đều đã giơ tay tín nhiệm tôi. Tương tự như vậy, tôi lại được lão Phú giới thiệu trong buổi họp toàn thể các đại diện phụ huynh học sinh từng lớp và được bầu làm cấp phó. Đương nhiên, chức chủ tịch hội phụ huynh học sinh trường Tân Trí vẫn chỉ là ông Nguyễn Phú đáng kính và năng nổ...
     Trong năm học, lão Phú đã cùng với ban chấp hành hội phụ huynh học sinh trường Tân Trí lo cho nhà trường khoảng ba trăm triệu đồng. Nghe mấy vị trong ban chấp hành xì xào, tôi hay rằng tuần chay nào lão Phú cũng có nước mắt, mỗi lần xin được tài trợ, dù ít dù nhiều lão đều có phần cả. Những ba mươi phần trăm? Vị đại diện nào có mối nhưng ngại tiếp xúc với các cơ quan tài trợ, nếu nhờ lão Phú đi liên hệ, lão sẽ đưa lại mười phần trăm. Ai xuê xoa thì lão lờ luôn, lấy trọn. Tới kì tham quan, lão Phú cùng với công đoàn giáo viên đứng ra chung lo việc tổ chức. Mười ba vị phụ huynh học sinh trong ban chấp hành đều được mời đi chơi cùng các thầy cô. Tiền quỹ do hội lo trọn gói, ai hảo tâm tự nguyện đóng góp thêm càng tốt. Dịp này lão Phú bỏ ra cả chục triệu tiền túi để mua qùa lưu niệm cho từng người. Dĩ nhiên, chỉ tới khi về tới nhà, mở gói qùa ra, người ta mới biết đấy là qùa riêng của ông chủ tịch hội phụ huynh học sinh biếu, và ai cũng nghĩ rằng ông Phú chỉ đặc biệt ưu ái với riêng mình...
     Ngoài những lời xì xào mà tôi nghe được, mọi công việc lớn nhỏ của hội phụ huynh học sinh trường Tân Trí đều tuần tự trôi qua trong êm thấm. Và chuyện kể về lão Phú sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu không có những tình tiết mà tôi sẽ nói thêm ở dưới đây. Tôi thấy cần nói thêm vì lão vốn trung thực như một nguyên mẫu. Chỉ còn e một nỗi, do những trang viết nhạt nhẽo này, tôi có thể trở thành một kẻ mang lỗi với lão Phú, với bạn đọc mà thôi !
    
- o O o -

     Ngày 24 tháng 5, lễ tổng kết năm học của trường Tân Trí diễn ra lúc bảy giờ ba mươi phút. Theo chương trình đã định sẵn, buổi lễ gồm các phần: giới thiệu đại biểu, ông hiệu trưởng đọc báo cáo tổng kết, ông hiệu phó đọc danh sách học sinh được tuyên dương khen thưởng, ông chủ tịch hội phụ huynh học sinh nói lời cám ơn, ông chủ tịch ủy ban nhân dân quận phát biểu ý kiến và cuối cùng là mục phát thưởng. Các phần thưởng, tùy theo mức độ cao thấp khác nhau, sẽ lần lượt được các vị nói trên trao tận tay cho từng học sinh.
     Lấy cớ tôi là người chuyện vãn giỏi, lão Phú bảo tôi nên ngồi ở hàng ghế danh dự cùng với các vị khách. Riêng lão, để tiện việc đón khách tới muộn, mà khách bao giờ cũng đến muộn, lão sẽ ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Có lẽ đấy là một cử chỉ khiêm tốn? Hay như lão vẫn nói nhỏ với tôi, lão muốn mọi người chú ý đến tôi hơn? Để năm học tới, tôi sẽ ngồi vào ghế chủ tịch hội phụ huynh học sinh thế cho lão? Vì năm nay cũng là năm đứa cháu trai của lão học hết chương trình lớp mười hai; lại nữa, ít nhiều thì lão cũng đã đóng góp công sức cho trường Tân Trí ba năm liền rồi. Muốn làm nữa cũng không được. Mà lão thì lại muốn đánh đổi?
     Lão Phú nói đúng. Khách đến muộn khá nhiều. Lão cười với ông chủ tịch mặt trận tổ quốc quận, bắt tay bà chủ tịch hội phụ nữ, chỉ chỗ ngồi ở hàng danh dự cho các vị phụ huynh có con em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc... Tất bật tới mức ai cũng nhận ra vai trò không thể thay thế của lão.
     Cho tới lúc chỉ còn hai phút nữa là tới lượt vị chủ tịch hội phụ huynh học sinh phát biểu, tôi đưa mắt về phía lão Phú. Tôi không thấy lão ở hàng ghế dành cho các vị khách mời mà đang hớt hơ hớt hải đi từ phía ngoài cổng trường về chỗ ngồi. Được giới thiệu lên phát biểu, lão Phú khoan thai đi lên bục, nhã nhặn cúi đầu chào mọi người và sang sảng nói liền một mạch ba phút. Có lẽ vì trước đó phải nghe các ông hiệu trưởng, hiệu phó đã đọc những bản báo cáo dài lê thê đến chóng mặt, học sinh tỏ ra rất thích thú với bài phát biểu ngắn gọn, súc tích và đầy ý nghĩa, đặc biệt là những câu ca ngợi các nhà giáo, khen ngợi học sinh của lão Phú. Chúng tán đồng lão, vỗ tay hoan hô tới một phút rưỡi. Lão Phú trở về hàng ghế của mình cùng một nụ cười mãn nguyện nở trên môi.
     Lão Phú đúng là người lạ lùng. Chỉ sau đó bốn phút, tôi lại không thấy lão đâu nữa. “Thôi đúng rồi, sáng nay lão chẳng than là đang mắc bệnh đấy ư? Cái căn bệnh Tào Tháo kì cục, không chạy mau mau thì khổ”. Tôi mỉm cười một mình khi tưởng tượng ra cảnh lão đang ngồi ở đâu, khuôn mặt tái đi như thế nào.
     Nhưng lúc ấy, có lẽ cũng là do tưởng tượng, tôi bỗng nghe thấy tiếng lão Phú đang nói. Những thanh âm trầm bổng văng vẳng vọng lại theo làn gió đông nam thổi nhè nhẹ trên những tán phượng vĩ. Tuy chỉ nghe câu được câu mất, tôi vẫn nhận ra đó là những lời căn dặn chân tình và chu đáo của một vị chủ tịch hội phụ huynh học sinh tâm huyết. Cũng ngắn gọn, vẻn vẹn trong ba phút. Cũng những tràng vỗ tay của con trẻ ran lên. “Chả lẽ lão Phú còn giữ thêm cả chức chủ tịch hội phụ huynh học sinh ở bên trường tiểu học Bến Sông?”. Thắc mắc của tôi được giải đáp ngay. Phần nhờ gió, phần nhờ thính giác tập trung cao độ, tôi nghe rõ mồn một được toàn bộ lời cám ơn của cô hiệu phó trường Bến Sông. Cô cảm ơn sự đóng góp hiệu quả của hội phụ huynh, nhất là nhờ vào sự hoạt động tích cực của “bác Phủ” mà nhà trường đã hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra đầu năm một cách xuất sắc. Cụm từ “ bác Phủ” được nhắc đi nhắc lại tới sáu lần trong lời của cô hiệu phó. Vậy ra là tôi nhầm! Vậy ra là lão Phú đang nhăn nhó ở đâu đó? Khổ cho cái thân lão, ngày vui thế này lại bị vướng vào một chứng bệnh éo le...
     Ở trường Tân Trí, vào thời điểm này, thầy giáo chủ tịch công đoàn điều khiển chương trình đã mời lão Phú một lần nữa lên trao phần thưởng cho các em học sinh thuộc diện “khá - ngoan - nghèo” có tinh thần vượt khó. Y như có phép màu, lão Phú lại hiện ra thật đúng lúc. Vẫn tươi hơn hớn, lão tỏ ra như không hề bị bệnh, vui vẻ bước lên lễ đài. Thật là nghị lực phi thường !
     Cuối lễ tổng kết năm học, tôi lại không thấy bóng lão. Nghĩ rằng lão còn có việc cần bàn thêm với ban giám hiệu, tôi chào mọi người rồi ra về.
     Khi tới cổng trường Bến Sông, tôi thật sự không thể tin vào mắt mình được nữa. Trước mặt tôi đúng là một lão Phú bằng xương, bằng thịt? Lão vừa đi ra từ cổng trường! Mà lão còn nhìn thấy tôi nữa kia. Nhưng không hiểu sao lão lại phớt lờ như chưa từng quen biết tôi nhỉ? Không nén được tò mò, tôi gọi thử:
     - Bác Phú, bác Phú ơi, đợi tôi với!
     Người đàn ông giống lão Phú như tạc vẫn rảo bước. Tên ông ta không phải là Phú?
     Về tới nhà, vừa ngồi xuống ghế chưa nóng chỗ, tôi đã thấy người đàn ông kia đi vào nhà tôi. Sợ nhận lầm người, tôi lên tiếng trước:
     - Chào ông!
     - Ơ, trông vẻ mặt ông nó thế nào ấy nhỉ? Tôi tìm ông mãi trên sân trường không thấy. Hỏi mấy đứa học trò có thấy bác nhà văn đâu không, mới được hay ông đã về trước. Đây là quà của hội - Lão Phú nói và đưa cho tôi một gói mềm mềm - Vải ngoại đấy! Mấy phụ huynh là lãnh đạo thuộc Công ty dệt Mimimex biếu hội ta. Hội lại đem chia đều cho mỗi thành viên hai mảnh.
     Tôi rót nước mời lão Phú. Chuyện vãn một hồi, tôi buột miệng hỏi về những chuyện tôi chưa được rõ. Lão Phú cười cười:
     - À, đó là người anh song sinh của tôi đấy! Đứa cháu ngoại của ông ấy đang học ở trường Bến Sông.
     Không tin là mình đã bị ảo giác đánh lừa, tôi hỏi tiếp:
     - Ông ấy tên là Phủ?
     Lão Phú thản nhiên:
     - Đúng vậy! Ông vừa gặp anh tôi hồi nãy ở cổng trường Bến Sông phải không?
     Tôi dồn:
     - Và ông ấy cũng làm chủ tịch hội phụ huynh học sinh?
     Lão Phú cười lớn:
     - Cái đó thì không!
     Tôi ngẩn người ra một lát. Rồi chắp nối các sự kiện lại, tôi giật mình, hỏi một câu khá ngớ ngẩn:
     - Vậy có nghĩa ông chính là ông Phủ?
     Lão Phú cười khẽ:
     - Không, tôi chỉ mang lốt ông anh tôi khi cần thiết thôi. Như khi họp ban chấp hành hội phụ huynh, đi liên hệ với các cơ quan tài trợ, phát biểu trong các buổi lễ...
     Nói tới đây, lão Phú bỗng thở dài đánh thượt. Rồi lão cao giọng, triết lí:
     - Ở đời có những cái ngoài ý muốn! Tôi không tham nhưng mà tiếc! Ông anh tôi lơ tơ mơ quá! Mà đứa cháu mới chỉ học lớp hai! Nghĩa là nó còn học ở Bến Sông ba năm nữa. Đương nhiên, không thể không ghé vai vào gánh thế cho ông anh cái ghế chủ tịch phụ huynh học sinh kia. Nhưng tới nước này rồi, chúng ta lại thân nhau đến mức này nữa, tôi thấy cũng chẳng nên giấu ông làm gì. Tôi đưa ông vào ban chấp hành hội phụ huynh học sinh trường Tân Trí chẳng qua cũng chỉ vì thật lòng muốn giúp ông. Có thể coi đây là một sự hoán đổi; còn ông phán xét tôi là người như thế nào, hoàn toàn tùy ở ông!
     Nói xong, lão Phú rút từ trong túi áo ra cuốn sổ liên lạc của cháu Thu và đưa cho tôi. Tôi lật trang đầu của cuốn sổ. Và giật thót người khi nhận ra chữ kí của lão Phú. Chữ kí của ông ngoại! Đúng thế, lão vẫn tự xưng là ông ngoại của Thu mà! Và, cả con bé nữa, hàng ngày nó vẫn chẳng ông ngoại ơi, ông ngoại à với lão đấy ư?
     - Còn ông, ông chính là ông Phủ, anh song sinh của tôi đấy! Cuộc đời éo le thế, ông thấy có đáng buồn không? Lão Phú hạ thấp giọng vừa giải thích vừa hỏi.
    Cho tới khi lão Phú ra về, con Thủy mới từ trong buồng đi ra, nó ngồi xuống bên tôi và nói:
    - Con đã hiểu hết câu chuyện của chú Phú rồi! Chú ấy vẫn bảo con, chú là một nửa còn thiếu của bố đấy. Không có nửa ấy, bố viết nhạt lắm! Con thì con chả tin vào những lời chú ấy nói! Còn bố, bố nghĩ thế nào về nhận xét ấy?
    Tôi không trả lời, chỉ gật đầu.
    Mắt con Thủy tròn xoe, ánh lên như hai giọt nước.
    

Kết Thúc (END)
Nguyễn Quốc Văn
» Lão Ăn Mày
» Gió Rét Ngọt Nắng Hanh Trong Lá
» Em Gái Một Nhà Văn
» Chị Mơ Xóm Ruồi
» Đất
» Đi Tìm Cha
» Lão Mạc
» Miếng Bánh
» Bà Cháu
» Giấy Trắng
» Bức Tranh
» Phiên Chợ Tuổi Thơ
» Gà Trống
» Ông Hạ Hỏa
» Nụ Cười
» Lễ Vật Máu
» Cặp Song Sinh
» Bạn Của Người
» Bắc Và Tân
» Món Nợ
» Trúng Số
» Câu Cá Mùa Hè
» Đất Vuông Tròn
» Tên Cướp
» Gương Trăng