Kính dâng mùa Phật-Đản 2546 và Vu-Lan Báo-Hiếu năm 2002
" Một, dưỡng nuôi là hiếu dưỡng bình thường
Hai, hiếu hạnh là việc làm hiếu thảo
Ba, hiếu tâm là lòng thành con, cháu,
Dù ở xa cũng hướng đến cha mẹ hiền
Ba hiếu trên chỉ giúp thể xác được bình yên
Nhưng không thể cứu tội căn cho Phụ-Mẫu
Chưa tạo phước lành ai hiểu thấu
Khi lâm chung siêu đọa ai tận tường
Hiếu thứ tư, hiếu đạo vượt bình thường...!’’.
(Bước Chân Xuất Thế)
" Cha mẹ sanh con trời sanh tánh !’’. Câu nói này thường xuyên phát ra từ miệng của người đời. Vì có những cha mẹ hiền mà lại sanh những đứa con ngổ nghịch, cứng đầu, hoặc ngược lại... "
... Vào đầu thập niên 1940 ở ấp Bình-Thượng, làng Bình-Chánh (Chợ-Lớn). Trong một gia đình nọ, có hai anh em chú bác ruột, tên Tự và Nhiên là hai đứa con trai duy nhứt của hai anh em ông Hội Đồng Nguyễn Hữu Thanh và ông Cả Nguyễn Hữu Thản. Tự và Nhiên hồi lúc còn nhỏ thì ngoan ngoãn, học hành rất siêng năng. Rồi bỗng nhiên đến tuổi mười lăm mười sáu thì chẳng chịu tiếp tục học gì nữa mà tối ngày chỉ rong chơi lêu lõng. Đến khi mười tám mười chín tuổi thì hai cậu lại đi phá làng phá xóm, rồi trở thành ăn-cướp nổi tiếng trong làng. Chẳng hiểu trong đầu hai cậu nghĩ gì? Hai cậu rủ nhau đi ăn-cướp. Khi cướp xong thì lấy tiền bạc vàng vòng phân phát cho những người nghèo trong làng. Vì thế mà chỉ có dân nhà giàu sợ họ. Chớ dân nghèo thì lại thích. Làm giòng họ, cha mẹ phải mang tiếng và sầu khổ vô cùng. Việt Nam mình có câu: ‘’Luật vua thua lệ làng’’. Vì thế mà chẳng ai dám bắt họ.
Hai bà Mẹ của hai cậu là khổ nhứt. Một hôm ông bà Hội Đồng Thanh mời bà con quyến thuộc trong gia đình họp lại để bày mưu lập kế tính chuyện bắt cho bằng được hai thằng con ngổ nghịch đem về trị tội. Bà Hội Đồng Thanh biết con rất thương mình. Bà giả bệnh nặng, rồi nhờ người nhắn Tự phải về gặp mặt bà gấp.
Được tin mẹ bệnh, Tự nói với Nhiên:
- Nhiên ơi ! Tao phải về thăm má tao. Mày dám về với tao không?
Nhiên nhìn Tự, lòng nghĩ: ‘’Từ hồi nào tới giờ mình theo anh Tự. Nay ảnh về thì mình cũng về chứ?’’. Nhiên gật đầu:
- Về thì về. Ba em khó hơn ba anh. Ổng mà bắt được em chắc ổng xiềng em vô cột nhà quá !
- Nếu, mầy sợ thì mầy đừng theo tao về. Bộ tao không ngán ba tao sao? Nhưng tao thương má tao lắm. Tao sẽ rình chờ chừng nào ba tao đi hội họp, hay ai mời đi ăn nhậu thì tao vô nhà.
- Anh có ý đó rất hay.
- Tao sẽ cho người gặp con Út Ngân, nhỏ làm nhà tao, bảo nó cho tin tức coi ông già tao chừng nào vắng nhà.
- Anh tin nó sao?
- Nó sợ tao như cọp. Nó không dám cãi hay nói láo với tao đâu.
Vài hôm sau, Út Ngân nghe phong phanh là ông Hội Đồng Thanh đi ra ngoài làng họp và không ăn cơm nhà. Cô liền đi cho Tự hay tin. Và đồng thời cho bà Hội Đồng Thanh biết là Tự sẽ về đêm nay để thăm bà. Bà lật đật xức dầu cù-là leo lên giường nằm trùm mền và làm bộ rên.
Tự và Nhiên lén về. Vô nhà Tự đến giường hỏi mẹ:
- Má ơi ! Có con với thằng Nhiên về thăm má nè. Má bệnh gì vậy má?
Nhiên cũng hỏi:
- Bác Hai, bác bệnh gì vậy bác?
Bà Hội Đồng Thanh trở mình qua vừa rên vừa nói:
- Đã hai ba ông thầy thuốc đến bắt mạch, họ nói bác bị thúi ruột. Chắc bác sẽ chết sớm quá con ơi !
Tự nghe mẹ nói, lòng cậu rung lên:
- Má đừng nói vậy má ơi !
Bà Hội Đồng Thanh vẫn nằm trùm mền và nói:
- Con sợ má chết sao? Nếu thật vậy, thì con đâu có làm khổ mẹ cha như thế này. Thôi, để má chết cho rồi !
Nhiên nhìn Tự lắc đầu:
- Anh thấy chưa?
Bất chợt từ trong phòng có năm sáu người ùa ra đè Tự và Nhiên xuống, họ lấy bao bố trùm đầu hai cậu và lấy dây luột cột lại.
Thế là mưu kế bắt Tự và Nhiên đã thành công. Hùm dữ còn không ăn thịt con. Ông Hội Đồng Thanh và ông Cả Thản nhờ mấy gia-nhân xích lòi-tói vô chân hai cậu. Ông Cả Thản dẫn Nhiên về nhà. Còn ông Hội Đồng Thanh thì xiềng Tự vào cây cột lớn giữa nhà. Tự tức giận con Út Ngân cành hông. Hăm dọa Út: ‘’Nếu tao được sút chuồng là tao giết mầy, Út Ngân ơi !’’.
Mấy ngày Tự bị xiềng xích. Chỉ có mẹ cậu đem cơm và đổ bô tiêu-tiện cho cậu. Bà Hội Đồng Thanh không dám cho Út Ngân đến gần Tự. Út Ngân vì sợ Tự giết nên xin nghỉ việc về quê.
Ông Hội Đồng Thanh gọi các anh em trong giòng họ lại nhà. Ông chẳng dám rầy la con mà ông chỉ năn nỉ. Bà Hội Đồng cũng khóc lóc nhẹ lời năn nỉ con mình. Nhưng chưa dám tháo xiềng cho con vì sợ cậu chạy thoát.
Tự thấy mẹ khổ vì mình. Lòng cậu rất thương mẹ nhưng lại bất mãn người cha thuộc loại ‘’cường hào ác bá’’. Ông Hội Đồng Thanh rất sắt lệnh với dân làng, nhưng với con thì ông phải chùng bước. Ông năn nỉ Tự trước mặt mọi người:
- Ba lạy con, con hãy từ bỏ ăn-cướp mà trở về nhà, ba má sẽ lo cưới vợ cho con. Con đi ăn-cướp ác quá. Trời, Phật sẽ hại con sau này đó. Ba xin con hãy chừa bỏ đi. Rồi con muốn gì ba cũng chìu theo ý con.
Tự bị xiềng, lòng tức giận lắm. Cậu đứng lên và nói:
- Nè, tất cả mọi người làm chứng nghe. Cho tôi ra điều kiện với ba tôi.
Ai ai cũng nhìn ông Hội Đồng. Ông gật đầu. Mọi người đều gật đầu theo. Ông Cả Thản đứng lên đến gần nói với Tự:
- Thằng Nhiên nó nói, con là người cầm đầu trong bọn. Con ngưng là nó ngừng liền theo con. Hồi nãy, nó đòi theo chú qua đây mà chú không cho. Chú cũng xin con hãy nghe lời ba con đi.
Ông Hội Đồng Thanh nhìn vợ, ý bảo vợ rót nước trà thêm vào tách mọi người. Ông thở ra, nhìn con và nói:
- Điều kiện gì? Mầy cứ nói ra đi.
Tự ngồi bệt xuống sàn nhà, tay khoanh qua hai đầu gối, nói:
- Ba, và chú Ba bớt ở ác với những Tá-điền và dân nghèo trong làng... Con sẽ nghe lời ba má cưới vợ. Nhưng... nếu có ông trời thì sau khi con có vợ. Ông trời cho vợ con sanh một cặp trai, và một cặp gái. Con sẽ không phá mấy nhà giàu nữa...
Mọi người nhìn ông Hội Đồng Thanh. Ý bảo ông nên hứa đại cho vui lòng Tự. Ông lắc đầu, rồi nói lớn:
- Thiệt, mầy là thằng coi Trời-Phật không ra gì. Trời sẽ đánh mầy. Trời ơi ! Xin ngó xuống mà coi nè trời !
Ông Cả Thản nhẹ giọng nói với anh:
- Anh Hai, anh nên giằng cơn giận. Cháu nó có lòng tin nên mới nói vậy. Anh nên bằng lòng đi.
Ông Hội Đồng Thanh lấy hột quẹt đốt ống điếu, hít vài hơi, ông đứng dậy và nói ngọt với con:
- Rồi, ba hứa với con trước mặt mọi người đây. Ba bằng lòng những điều kiện của con.
Ánh mắt của Tự đổi lại hiền từ. Nhưng cậu chỉ vào chân và hỏi cha cái giọng hơi mất dạy:
- Vậy, sao ba không mở lòi tói cho con?
Bà Hội Đồng vừa nghe con hỏi, bà liền đến bàn thờ vói tay lấy chìa khóa cầm trong tay. Bà đi lại gần năn nỉ chồng:
- Ông à. Ông mở lòi tói cho con đi.
- Bà nữa hả ! Cứ bênh vực nó hoài. Bởi vậy, người ta nói: con hư tại mẹ mà !
Ông Thản tiếp lời anh:
- Xin anh nên mở khóa xiềng cho cháu.
- Chú Ba nó, có dám mở xiềng cho thằng Nhiên chưa?
- Dạ, tại vì dấu anh, chớ thằng Nhiên không có bị xiềng như cháu Tự đây đâu. Nó tự do đi lại từ hỗm rày.
Mặc dù, ông Thản không cho Nhiên đến đây, nhưng Nhiên cũng rình rình mò đến đứng đằng sau bếp nghe ngóng. Bất chợt, Nhiên lù lù ra và quỳ gối chấp tay nói với ông Hội Đồng Thanh:
- Dạ, con lạy bác Hai, con sẽ không theo anh Tự nữa. Xin bác tha cho anh Tự. Con bảo đảm, nếu anh Tự thất hứa với bác. Con sẽ thế mạng. Xin bác mở xiềng cho anh Tự.
Ông Hội Đồng nhìn Nhiên. Rồi ông giựt chìa khóa trên tay vợ và quăng trước mặt Nhiên, ông bảo:
- Nè, mầy mở cho nó đi. Nhớ nghe hôn. Có gì thì mầy lãnh tội dùm nó.
Tất cả mọi người thở nhẹ nhàng...
Sau đó, Tự và Nhiên trở lại những đứa con ngoan ngoãn như xưa. Và nghe lời mẹ cha cưới vợ đàng hoàng.
Hai năm sau, vợ Tự song sanh hai đứa con gái. Tự lại bất mãn. Vì cậu xin hai đứa con trai trước mà lại cho con gái. Tự liền qua nhà Nhiên tính chuyện ‘’phá làng’’ nữa. Vợ Nhiên đang bụng chửa dạ mang. Nhiên nhứt định không làm theo Tự, và khuyên Tự hết lời. Tự thấy không có Nhiên thì như cua không càng. Cậu lại đi lên Chợ-Lớn vào mấy sòng bài cờ bạc, hút xách, chơi bời. Tự tưởng mình thuộc loại thứ dữ, nhưng nào ngờ ở trên Chợ-Lớn còn dữ tợn hơn. Một hôm, Tự gặp dân cờ-gian, bạc lận gì không biết. Tự gây gỗ với họ nên bị dân anh-chị đánh bễ đầu sưng mặt. Tự trở về nhà xin tiền mẹ. Mẹ cậu đâu có quyền hành gì tiền bạc. Bà thương con quá nên lòn rút được một số tiền của chồng đưa cho con. Nhiều lần như vậy, ông Hội Đồng Thanh nghi là bị mất cắp tiền. Ông hành tội vợ. Bà vợ khổ quá nên sanh bệnh thật.
Tự hết đường gỡ gặc. Lại thấy mẹ bệnh nặng. Vợ cậu lại đang mang thai. Cậu rất muốn trở về nhà, nhưng sợ gặp cha thì kỳ này sẽ bị cha xiềng múc chỉ. Nên cậu cứ lang thang lòng vòng trên Chợ-Lớn như thằng ăn mày.
Căn bệnh trầm cảm của bà Hội Đồng Thanh càng ngày càng nặng, không có thuốc men gì chữa nổi. Bà không ăn uống, thân xác ốm o, kiệt sức sắp lìa đời. Bà xin phép và năn nỉ chồng cho thằng con về thấy mặt bà lần cuối cùng. Ông Hội Đồng nhứt quyết không chịu, vì ông đã tuyên bố từ con rồi.
Đến ngày vợ Tự vào nhà sanh, lại song sanh hai đứa con trai. Tự nghe tin ấy, trong lòng chấn động như bị trời đánh vì quá sợ ông trời. Tự nhủ: ‘’Có ông Trời thiệt rồi !’’. Tự trở về Bình-Thượng vào tiệm hớt tóc quen, cậu quỳ lạy xin họ cạo đầu dùm. Rồi mang cái đầu trọc lóc, thân xác tồi tàn về nộp mạng với cha.
Căn bệnh nặng, xem như nan-y của bà Hội Đồng Thanh. Nhưng sau khi bà nghe con mình hối hận và cạo đầu. Như liều thuốc tiên, bà nghe nhẹ người, tinh thần khoan khoái và lại đòi ăn uống...
Tất cả giòng họ thấy sự linh ứng đó. Họ hàng cùng họp lại nhà ông Hội Đồng Thanh để làm chay cúng Phật và sẵn dịp tha thứ cho Tự lần nữa.
Tự sợ Trời, và lòng thật sự tin có Trời, Phật. Cậu xin cha xây cất một ngôi chùa nho nhỏ và rủ Nhiên đi tu với cậu. Nhiên sẵn có tâm tánh hiền từ. Nhưng vì bị ông anh con bác rủ đi ăn-cướp nhà giàu cho nhà nghèo cậu xiêu lòng nghe theo. Nên bây giờ cũng thấy trong lòng mang nhiều tội lỗi. Cậu cũng bỏ vợ con mà theo Tự vô chùa tu chung.
Từ đó, Nguyễn Hữu Tự và Nguyễn Hữu Nhiên xả bỏ hết chuyện hồng trần mà vĩnh viễn theo bước chân của Đức Từ Phụ Thích-Ca-Mâu-Ni để tu hành, phó mặc cho vợ con sống sao tùy ý.
Lòng mẹ thương con bao la, nên bà Hội Đồng Thanh cũng đi theo con vô chùa làm Bà-Vãi, công quả nấu nướng trong chùa. Bà giao phó việc nhà cơm nước cho vợ của Tự và Chuông, đứa tớ trai lo cho chồng bà...
Nhờ tin có Ông Trời, hay là nhờ có Chân-Tu mà Tự và Nhiên bỏ đời vào chùa tu tới ngày nay...???
Kết Thúc (END) |
|
|