(Viết theo sự đồng ý của chị Trần Thị Ngọc để nhớ Y Uyên)
Thị thắc mắc nhiều nhưng vẫn cố gắng thử coi sự thờ ơ của Sãi sẽ đến bao giờ mới hết. Thị đã nhiều lần tự xét, tự soi gương ngắm nghía, vẫn có kết luận là mình cũng không đến nỗi nào. Người con gái không đến nỗi xấu tệ, có lắm kẻ khen có duyên thầm thì làm sao không thể gây cho Sãi một sự chú ý, dù nhỏ như một lần đưa mắt nhìn khuôn mặt trang điểm, tà áo dài màu lụa vàng Bangkok. Và Thị vẫn chờ đợi ngày anh chàng này chịu để mắt, mở miệng.
Đã gần một tháng Sãi về đây dạy, Thị chú ý Sãi rất thường nhưng bận nào cũng thấy ghét ghét cay đắng. Sãi dửng dưng lên xe ngồi thu mình bên đường đón xe, không hề quen biết, không muốn bận tâm với sự có mặt của những người ngồi ở đó, trong số này có Thị. Có Thị nao nao chờ gặp mặt Sãi, nao nao tìm từng ánh mắt liếc nhìn nàng. Một tháng rồi, một tháng thất vọng, Thị bực tức nghĩ rủa trong bụng, xì cái anh chàng làm bộ vừa vừa chứ. Thị mỉm cười với ý nghĩ khi mô chịu mở miệng thì sẽ làm cao. Phải bắt anh chàng năn nỉ, hay ít ra cũng nằng nặc đòi theo mới bắt đầu tính chuyện. Nhưng cái ngày đó không đến, lâu quá, sốt ruột vô cùng. Ngày mà Thị hy vọng nhất là lúc Sãi vừa đến, chỉ còn chỗ ngồi cho Sãi bên cạnh Thị. Sãi ngồi vào chỗ dành cho mình không bận tâm. Xe dời bến, Thị nhìn Sãi châm tiếp một điếu thuốc, rồi nhìn Diệu cười ra mặt giận. Giận cái anh chàng làm cao, và thấy ngượng với những lời trêu chọc của bọn Diệu. Hễ vừa ôm cặp vào đến phòng là cả bọn Diệu, Ngọc, Nga, lao xao hỏi ngày hôm nay có tiến bộ gì khả quan không. Và tiếp theo đó là sự im lặng chịu trận của Thị, những lời nói ỡm ờ chọc tức Thị hơn. Khi xe quẹo vào một đường phố để tiến ra quốc lộ, Thị thấy mình có nhiều thì giờ để chờ đợi và có quá nhiều hy vọng để bắt anh chàng để mắt mở miệng. Hơi gió từ phía dưới cánh đồng dọc quốc lộ thổi mạnh dạt dào, con đường rộn ràng xe cộ ra vào thành phố. Thị đoán Sãi đang chú tâm nhìn từng toán người đi ngủ dưới phố đùm bọc về nhà, từng xe ngựa chở đầy khách ở miệt Hoà Trị, núi Sầm với gánh mẹt và hoa quả xuống chợ. Càng đoán ra công việc nghĩ ngợi của Sãi, Thị thấy tức tức sao đó. Lần đầu trong đời nàng, đã chờ đợi quá lâu với một người con trai. Có khối anh chàng rầy rà, có khối anh trồng cây si ở ngõ, ở sân từ lúc còn học Sư phạm ở Quy Nhơn, và ở phòng trọ này của bọn Thị nữa. Như một giống bắt hơi thạo, lúc bọn Thị vừa thuê phòng trọ chưa hết tuần, đã có lũ lượt anh em ngày đêm túc trực dập dìu thực vui. Nhưng với Sãi, anh chàng này làm bộ quá đi. Và Thị không biết sao mình yêu cái anh chàng kỳ cục này cho khổ. Để bọn Diệu có công việc làm lúc rỗi, đỡ buồn.
Xe chạy nối đuôi với đoàn xe GMC Mỹ qua cầu Sông Chùa. Phía sau, những xe chở nhân công đàn bà con gái làm sở Mỹ bên Phú Hiệp, Đông Tác đầy nhóc. Chú Mỹ hung hãn rú ga cho xe trờ tới sát xe Lam của Thị, và Thị cố tình tỏ rõ nỗi sợ. Tỏ rõ nỗi lo với Sãi coi anh chàng này sẽ nói sao, nhưng Sãi chỉ nhìn vội chiếc xe của chú Mỹ như thể coi thử có đụng vào thực hay chưa, rồi lại đâu vào đó cả. Nghĩa là Sãi cứ tỉnh bơ, tỉnh bơ đến phát ghét. Diệu đã nhìn Thị cười cười, con khỉ lúc nào cũng cười cười được.
Mười phút kẹt cầu, chờ tấm đỏ quay đi, Thị nghĩ ra một quyết định, xét ra cũng kỳ kỳ là mình cứ để vạt áo dài bay đậu lên người Sãi lúc xe qua cầu. Chiếc cầu dài hai mươi mốt nhịp sẽ bị cấm hút thuốc, Sãi hết việc làm và nghĩ ngợi viển vông. Lúc đó sẽ nghĩ về tà áo dài mới của mình. Thử coi anh chàng làm gì cho biết. Cầu dài gió mạnh, chắc chắn tà áo sẽ bay cuốn vào người anh chàng. Thị một lần nữa lại mỉm cười với cái ý nghĩ kỳ cục này. Khi yêu, người ta có thể làm một chuyện kỳ cục một chút có sao đâu? Trong khi đó chuyện kỳ cục này lại thành thực và ngây thơ. Thị bỗng như lần đầu trong đời bắt gặp những ý tưởng trong sáng khi nghĩ về một người tình, và bối rối trước tình yêu. Điều này làm nàng thấy vui vui trong thế giới chờ đợi, thấy nao nao trong sự hờn ghét vu vơ, vô cớ. Người lính gác ở bót đầu thổi còi, quay tấm bảng đỏ, thay tấm bảng sơn trắng. Xe vội vã nổ máy, nhưng rồi nép sát bên lề, nhường cho xe Mỹ. Xe Mỹ lúc nào cũng vội vập hung hãn như thể muốn cất cánh bay cao. Có quá nhiều lần Thị đã chứng kiến cái cảnh tai nạn bên đường của những xe Mỹ gần mấy tháng về dạy ở Phước Bình. Xe bắt đầu vào nhịp thứ nhất, gió lộng thổi siết không ngờ. Sãi nhìn bâng quơ ở bãi cát khô nước bày ra một vùng trắng mịn dưới ánh nắng buổi sáng sớm chói lọi. Sãi nhờ những chuyến xe qua cầu đối diện Thị, nhìn qua bờ vai nàng khúc sông bên kia cầu, và làng xóm một màu xanh. Lần này có Thị ngồi bên cạnh, tà áo dài cứ bay phất phới đậu vào mình. Sãi hạ tia nhìn xuống thật lâu trên tà áo dài còn vướng bên chân, để yên. Như vậy ít ra cũng có nhìn vào tà áo dài, Thị liếc Diệu cười. Và nàng cũng để yên. Thải ngồi ở cabine ngoái lại hỏi Sãi có thấy chiếc xe Honda vừa mới trợt cầu không. Sãi trả lời ấm ớ vì Sãi có thấy gì đâu, ngoài tà áo dài Thị. Và rồi Sãi cười với Thải dễ dàng.
Lần này trước giờ ra chơi, Thị vẫn đứng ở cửa lớp chờ Sãi đi ngang lại coi thử anh chàng có mở miệng chi không. Lần nào cũng vậy, Sãi lúi cúi bước qua như lớp học trống, đến nói chuyện với mấy người bạn. Những ông bạn đồng nghiệp già mà Sãi rất quý và thân tình. Từ bên này hiên lớp, Thị giữ gìn cái nhìn của mình cốt không cho Sãi biết nàng để mắt, quan sát Sãi. Cái dáng đứng dựa vào vách co ro, cái dáng hút thuốc chậm rãi, cái dáng bàn chuyện không động tác, cái dáng nào cũng đáng ghét và tức hết thảy. Thị bỏ vào bàn ngồi tìm mảnh giấy viết loằng ngoằng những chữ, không ra chữ nào. Mãi cho đến lúc tờ giấy biểu lộ rõ ràng nỗi tức giận, ghi đậm từng nét chữ quanh co nhì nhằng khó xử, Sãi đi về lớp chờ giờ đánh trống vào lớp, ghé Thị.
Dù hai người gặp nhau chỉ nói về chuyện học trò, học trò quá kém, học năm nào trả cho thầy cô năm đó, học trò khổ cực về nhà mổ bò hái củi, học trò chạy giặc lớp học trống thêm, học trò và học trò. Sau cuộc nói chuyện không tóm tắt được câu nào, chữ nào, nghĩa là nó cũng y như tờ giấy trước mặt nhưng Thị không thấy còn nỗi ẩn ức, khó xử nữa. Như được thoả mãn ước vọng bấy lâu, lúc vào lớp Thị tỏ vui với bọn học trò. Và sai đứa học trò đội trực mang gói thuốc của ông thầy lớp ba bỏ quên đem trả.
Sự thể chỉ có như vậy đến một tuần sau khi Thị đã bắt đầu nghĩ về những dự đoán của mình thì đùng một cái lúc tất cả xuống xe về nhà vội vã vì xe kẹt bên kia cầu quá lâu, Sãi ngỏ ý mời Thị và hết thảy vào quán ăn cho vui. Vị nào có cần gấp việc gia đình có thể thong thả ra về. Thị đòi về, nhưng nghĩ bụng, sao không mời riêng một mình mình? Thị có cơ hội làm cao, phải làm cao mới được. Thị bỏ đi dù Sãi đã tỏ ra mở miệng. Cuối cùng Sãi vào quán nhờ Thải ra nói hộ mình, tất nhiên là Thị nghe lời. Thải vô tình là một nhân vật có mặt trong cuộc tình của hai người. Cả hai đều quý Thải còn ở nhiều chuyện. Thị thì quý vì lòng ngay thẳng chân thật, trong lúc Sãi thường những câu hỏi phân vân. Lúc Thị bước vào quán nàng có ý dò xét những cô bạn đồng nghiệp hơn là để ý đến Sãi. Sãi, vui vẻ doạ, giờ này cô về đến nhà thế nào cũng bị đói, đâu có để dành.
Những buổi sáng sau này ra đón xe với Thị là một điều nóng lòng chờ đợi. Nàng thì nóng lòng còn Sãi thì bước chậm chạp. Từng bước của những suy tưởng mông lung về nàng mà nàng đâu có biết. Không khí xe qua cầu có vẻ vui vui hơn xưa. Sãi đã để mắt nhìn Thị, và để tai nghe những âm thanh rập rình của những thanh gỗ chao đi theo lằn bánh xe. Buổi sáng trong mát hơn lúc xe chạy vào con đường đất giữa những đám ruộng đến trường. Tiếng động vắng, ít xe, Sãi cũng đã để tai nghe những câu chuyện ngộ ngộ của Thị với Diệu, với mình. Riêng Sãi thấy có nhiều an ủi và thư thả trong những ngày chờ vào lính.
Thị viết vào một mảnh giấy nhỏ, đại ý nhờ Sãi kẻ hộ câu khẩu hiệu, rồi sai học trò mang đến. Nhận giấy đọc xong Sãi bỗng cười phấn khởi. Lại bắt đầu một chiến dịch viết thư cho tình duyên thêm phần sôi nổi, Sãi xin học trò mảnh giấy viết hồi âm: Ông thầy lớp ba làm gì kẻ khẩu hiệu được cho bà cô lớp nhất. Nhưng sau cũng phải y lệnh, nhưng là ông thầy Thải phải đem sức lao động ra mà làm thế. Thị hiểu được rằng, Sãi đã yêu mình rồi, không nghi vào chỗ nào được: Anh chàng đã biết nghe lời.
Có thể nói Sãi bước quanh tình yêu thì chậm nhưng đã vào thì có cơ phát triển mạnh. Cái chậm nó làm nền cho những việc sau này, tiến mau, vững chắc. Sãi đã dẫn xác tới nhà trọ của Thị mỗi chiều với gói bánh tai voi. Bọn Diệu, Ngọc, Nga… có dịp cười cười. Thêm cho Thị một ngại ngùng, xa vắng. Thị cũng trở lại nỗi yên ổn sau đó với Sãi, nàng hát bản Chân trời tím, Căn nhà ngoại ô… trong lúc cả hai chưa có thể nói với nhau lời nào đã định trước. Sãi không mấy khi nghe loại nhạc này, nhưng lần này thì Sãi chú ý. Chú ý cái giọng của Thị, Sãi nghĩ, chỉ nghe cái giọng cũng đủ hay chán.
Một buổi sáng Chủ nhựt, trời đã cuối đông nhưng cái lạnh và sương mù vẫn còn vây kín thành phố, Sãi dậy sớm muốn gặp Thị để nói chuyện cho ấm. Lúc đến Ngã Năm, Sãi dừng lại bên chiếc xe bán bánh bao mua bốn cái. Lúc Sãi hỏi bánh bao làm bằng thịt gì thì bà chủ quảng cáo về cái bánh bao hết mấy phút, và đính chính các nguồn tin đồn là bánh bao thịt chuột hết mấy phút nữa. Sãi ghé vào lúc Thị đã thức, ngồi hát Chân trời tím. Sãi ngồi vào ghế nói bây giờ là chân trời mù sương, cô có thấy? Thị cười huề, hỏi lại anh cầm gói gì thế? Sãi chìa gói bánh bao cho Thị, bắt ăn. Ăn cái này khỏi đi ăn sáng, ở nhà nói chuyện. Bọn Diệu cười rúc rích sau tấm màn, Sãi bảo Thị chia bánh, lẽ tất nhiên con gái phải e thẹn, ai mà ăn. Chỉ có Thị và Sãi ngồi ăn với nhau. Sãi ăn uống tự nhiên như Thị là người yêu từ muôn đời nào. Và nghĩ cười cho bọn bạn Thị cũng có mỗi người một người tình sắp đi xa, đang lâng lâng cảm giác. Cuộc tình hai người có vẻ tiến triển khả quan, không ngờ đã đến hồi nhắc lại chuyện cũ. Chuyện những ngày đầu, Thị kêu Sãi làm cao, làm bộ khỏi ai bì. Sãi đằm thắm bảo mình thực tư cách? Anh có tư cách không? Những tiếng cười đem Sãi gần Thị hơn, chẳng hạn như hai tay nắm vào nhau, những nụ hôn trên tóc.
Thị đưa Sãi ra đường trở về, Sãi hẹn buổi tối đi hóng gió mùa đông một chút, để cùng ăn hạt dưa chờ Tết. Thị trả lời nửa vời, nhưng ánh mắt Thị cho Sãi niềm hy vọng. Lúc Sãi vào tới nhà, bà chủ nhà trọ lên tiếng hỏi phải thầy lên nhà bà cô giáo không. Sãi cười. Nói chuyện quên cả ăn uống vậy cà?
Hai người đi dọc theo con đường Phan Đình Phùng ra đoạn đường ít tiếng ồn và ánh sáng. Câu chuyện ban đầu vẫn là phần nhập đề, Thị vui miệng hát bản Chân trời tím. Lúc đến cạnh chùa Bảo Tịnh, Thị chuyển từ nhạc tình cảm người lớn sang nhạc tình cảm con nít. Món sở trường của bà cô lớp nhất, trong lúc Sãi dốt về vấn đề này. Má em hừng đông đi cày bừa, tía em hừng đông đi cày bừa… Má em là một người nông dân, tía em là một người nông dân… Thị ngây thơ níu bờ rào, nhìn qua bên kia nóc giáo đường, cười nao nao. Sãi nhìn Thị xúc động như vừa viết được đoạn văn ưng ý, tìm được cảm giác lạ. Thị thôi hát, kiếm chuyện kể trên con đường số 6 dày bóng dương, riêng biệt và mát mẻ. Nàng nói đến chuyện đêm hôm qua tình cờ thức giấc, nghe Ngọc nằm mơ hát ú ớ A a a ơ kia con ve, suốt mùa hè rè re ré rè re. Sãi để nàng thong thả kể, mình thong thả nghe; nghe xong mới nói:
"Thị tưởng tượng khéo lắm, ham ngủ như em, sức mấy mà nghe người khác nằm mơ?
Thị không thấy giận nhưng cũng làm bộ giận. Dễ thường hễ yêu nhau, càng giận càng thương đó chớ? Thị làm thinh đi từng bước bên Sãi, như tách biệt. Sãi bèn cho uống thuốc an thần:
"Đâu chỉ riêng gì em ham ngủ, cả thành phố này cũng vậy nữa, đại bác trên Tháp chĩa vô tai bắn thâu đêm mà cũng ngáy khò khò đó sao?"
Và Sãi cao hứng đọc bốn câu thơ, không nhớ của ai:
Vỡ đôi trái đất một đêm sầu,
Nửa mảnh văng đi hoá nguyệt cầu.
Trên đó người yêu tôi vẫn ngủ,
Mơ màng có biết chuyện chi đâu!
Em có thấy ngủ nghê như thế là lì nhất thế giới rồi còn gì?
Nghe xong, Thị đã tỏ sớm biết điều là không bắt Sãi năn nỉ, nói cười trở lại, còn Sãi mới nhớ lại gói hạt dưa mua bỏ túi từ chiều. Nhờ Thị cầm gói hạt dưa, Sãi mò tìm điếu thuốc gắn lên môi. Thị lại nhớ tới ý nghĩ chưa nói với Sãi về vài cái tật của chàng. Thị cười cười bảo anh viết sách, anh có nhớ tới con đầm con xì không? Hay là tay viết mà đầu óc cứ nghĩ tới mấy con đó? Sãi mong được nghe những lời đó, ít ra cũng tỏ ra Thị đã nghĩ lo cho mình, và Sãi biết được những ý nghĩ của Thị không có giấu giếm. Sãi hút nhẹ một hơi thuốc, giọng nhỏ hẳn:
"Em có nghĩ là con người phải có một thói quen nào đó để trở thành xấu hay tốt không? Nói rõ hơn, phải có một công việc đeo đuổi để trở thành tốt hay xấu không? Với anh, được coi như đứng về phía những người sa đoạ, hư hỏng, anh muốn sống đủ, để được nói đủ cho thế hệ của anh. Ngoài ra, anh vẫn sống với một cuộc sống có ích, có tư cách và danh dự…"
Thị im lặng như một sự chịu lỗi, nhưng vui với lời giải đáp bấy lâu chưa tìm ra. Sãi nói tiếp, em hãy nói hết những ý nghĩ về anh, để lũ mình gần nhau hơn. Bất cứ những việc gì có liên quan tới hai đứa, tới tình yêu… Thị nhớ lại một chuyện trục trặc trước đây khi Thị cho Sãi một tấm ảnh theo lời đề nghị. Tấm ảnh đó vô tình được mấy ông bạn đồng nghiệp nhặt được trong tấm veste lúc Sãi đánh bài bỏ lại nhà người bạn. Tin tức tuy nói là giữ bí mất, nhưng lại loan đi nhanh hơn bất kỳ tin gì. Bọn bạn Thị nghe được cấp báo cho nàng, nhưng rất may tấm ảnh vẫn còn giữ lại trong tấm áo của Sãi. Sãi đến, Thị giận. Và nghĩ tầm bậy. Nghĩ đủ thứ lý do, nhưng không biết tới cái lý do Sãi đã đánh bài, vì con đầm con già, bỏ quên áo veste. Sãi buồn buồn hỏi:
"Anh có thể nói chuyện với em như trước chứ?"
Thị không giữ được nỗi hờn:
"Ảnh đâu, cho em coi?"
Sãi móc túi sau đưa ngay ra:
"Đây".
Thị lấy cất luôn, Sãi đón được ý, nhưng cũng là ý sai, Sãi bỏ về.
Mấy ngày sau vắng bóng Sãi, Thị hoảng quá, chờ lên trường. Thị tìm cách đến phòng dạy của Sãi, lời nói ướt mềm nũng nịu:
"Anh cho ai xem ảnh em?"
Sãi mới nghĩ tới cái ý mình nghĩ hôm nọ là không đúng, không ngờ cái lý do những người bạn đồng nghiệp xem hình trong áo veste lúc bỏ quên có thể đúng bất ngờ, Sãi nói giọng thực nhỏ:
"Em tưởng anh tầm thường như vậy à?"
Lúc đến gần một cánh đồng trống, Sãi kêu quay lại. Con đường số 6 tràn ngập hơi gió lạnh, cực lạnh, Thị đi nép bên Sãi. Sãi đưa chân đá những chiếc lon nằm dọc đường. Âm thanh nghe vui, và ồn trong cái vắng của những cửa hàng sắp đóng cửa. Sãi chợt nghĩ, có em anh không còn mê con đầm con già nữa.
Sãi được lệnh trình diện đi lính khoá 27, ngày cuối từ giã trường Sãi đã bắt đầu thấy cái không khí chộn rộn lo Tết của trường, tiếc không được ở bên Thị trọn vẹn những ngày chộn rộn đó. Nhưng để bù vào, Sãi và Thị đã trốn bạn bè, học trò, ăn Tết trước với hạt dưa, bánh tai heo, mứt hạt sen và bánh bao thịt chuột ở một khoảng vườn gần trường. Tết chỉ riêng của hai người, thực khó kiếm. Trong dịp này, Sãi đã nói với Thị điều đã nghĩ từ lâu: Anh sẽ gắng viết sách in thành tác phẩm để mua hạt dưa, bánh tai heo và bánh bao thịt chuột cho lũ mình đón Tết.
Nói là từ giã trường, nhưng từ giã Thị, Sãi thấy khó quá. Gặp một nỗi giận bất ngờ trước những ngày cuối gần kề (như thể tình yêu là chứa toàn giận hờn tiếp nối), Sãi bỏ vào Nha Trang để có nơi mà đi, để khỏi bận tâm đến Thị, nhưng thấy không thể chạy trốn. Chạy trốn cái gì còn được, khó lòng chạy trốn tình yêu. Từ trước Sãi đã giữ cho mình quân bình về mọi mặt, ngay trong những ván bài, nhưng với hình bóng Thị, những ý nghĩ về nàng khó mà dứt bỏ. Vào Nha Trang không tìm thấy gì ngoài những bứt rứt không nguôi. Tĩnh tâm, Sãi phải cười về sự kỳ cục lẩm cẩm của mình. Một trong những gặp gỡ làm Sãi nhớ là lần ghé đến thăm nhà văn Võ Hồng ở đường Hồng Bàng, cùng đi với một cậu học sinh quen ở Tuy Hoà. Lúc nhận ra nhau, ông bạn văn luống tuổi này đã nói về sự bề bộn của công việc nhà vì con sen mới bỏ đi, chưa thuê được người giúp. Sãi bảo, những kẻ độc thân như Sãi chẳng hạn, lại bê bối về vấn đề nhà cửa gấp bội. Nói chuyện vui vẻ một lúc, lúc ra về Sãi nhớ mãi tiếng cười và sự an lành của gia đình này. Và có dịp hình dung một ngôi nhà của mình, có Thị.
Đi đâu rồi cũng trở về, giận hờn chán rồi cũng thắm thiết hơn xưa. Đó như một định luật. Định luật của những người yêu nhau và ngỡ mối tình của mình là mối tình đầu tiên trên đời. Lại những cái hôn trước ngõ, Sãi đưa Thị đi một vòng phố lúc phố thực vắng. Cũng để làm giàu cho kỷ niệm, và để cho bọn bạn Thị có nơi để nghe những lời từ giã của người tình. Sãi mua bánh bao thịt chuột, và hạt dưa. Hai kẻ yêu nhau lang thang trên đường phố vắng, thấy thực lãng mạn, nhưng có thực. Sãi tìm những cái lon giữa đường đá mạnh cho có tiếng vang. Đi lan man nói cười trong những con đường vắng, nhưng Thị vẫn buồn cho lần ra đi này của Sãi. Sự xa cách dễ làm cho lòng người yếu đuối. Sãi cũng thấy vậy và bồi hồi thương xót Thị. Trong cuộc tình này, Sãi vẫn nghĩ mình là người được nhiều an ủi, và mong muốn Thị được vui trọn vẹn.
"Anh đi sẽ mạnh giỏi nhưng Thị sẽ phải vui nghe không? Cấm không được buồn".
"Làm răng không buồn được?"
Nghe câu nói này với giọng ướt sũng nước mắt, Sãi lại nghĩ chính mình sinh ra để làm khổ kẻ khác. Sãi thực tình không muốn chút nào Thị sẽ phải cùng chịu những khó khổ của đời mình. Sãi không muốn những giọt nước mắt tham dự vào những kỷ niệm của hai đứa, kéo Thị vào quán hỏi mua những cây pháo bông quấn giấy lòe loẹt. Sãi chia cho Thị, bật đèn đốt sáng. Con đường tối, ánh sáng hắt ra từ hai cây pháo bông vàng nghệch như nghệ, trông khuôn mặt hai đứa ngô nghê lắm thì phải. Quả thực Thị ngô nghê và ngây thơ như những đứa học trò. Lúc lên đến sân ga, gió gắt hơn, và trời tối thui, Thị sợ nép sát vào Sãi, tiếc những cây pháo bông vừa đốt nếu để dành được vài cái..
Như vậy là Sãi đã dời ngày đi Sài Gòn đến lần thứ hai. Đêm cuối đến từ giã Thị, Sãi có ý định ngày mai sẽ dời ngày đi lại một lần nữa nhưng thấy không ổn. Rồi cái ý định lên xích lô để được nói những lời từ giã cuối cùng cũng không ổn nốt. Sãi ngồi ở kệ đá ngoài hiên với Thị, dành căn nhà cho bọn bạn Thị nói cười. Tiếng ồn vọng ra với những lời ca trêu ghẹo vu vơ làm Sãi thấy thương Thị quá mức. Thương cái tội nghiệp ngây thơ, và nỗi buồn của nàng. Ngồi với nhau một hồi, ăn hết gói hạt dưa, Sãi căn dặn Thị như thể dặn dò một đứa em gái, còn quá nhỏ. Thị cũng căn dặn Sãi như thể dặn dò một đứa em trai, quá nhỏ. Khi yêu, Sãi nghĩ, người ta có quyền muốn người yêu nghe theo những lời mình, kỹ lưỡng và bắt buộc. Có vậy tình yêu mới ra tình yêu, em có cần nói những gì để nhắn nhủ anh nữa thôi?
Thị vào lấy thêm một tấm hình trông rõ hơn để tặng Sãi trước khi Sãi về. Sãi nói anh sẽ nhờ người bạn hoạ sĩ vẽ cho em một cái khi vào đến Sài Gòn. Cái hôn đầu ngõ dài như không bao giờ dứt. Tấm áo len đỏ êm ái trong hơi thở, và những chiếc vòng bạc nơi tay Thị cũng reo bên tai.
*
Vào đến Sài Gòn trong những ngày chờ vào trại Sãi đã thực sự nhớ lại tỉ mỉ một mớ ngổn ngang những kỷ niệm, nào bánh tai heo, bánh bao thịt chuột, vốc hạt dưa, những chiếc lon thiếc, áo len đỏ vòng bạc, những bản tân nhạc cải lương, và chiếc hôn đêm cuối giã từ quá dài. Từ đó, Sãi nghĩ rằng chỉ có mùa đông này Sãi đã sống thực trọn vẹn và vội vã. Sãi tiếc những tháng ngày gặp Thị quá muộn màng, quá nhanh chóng. Cái nhanh ám ảnh Sãi hoài trong những giấc ngủ trưa từng miếng mộng vá víu với hình dáng Thị ngẩn ngơ, với giọng nói chi mô nghịch ngợm. Và Sãi cũng thực sự quên hẳn những lần Thị chọc tức mình với những câu nói úp mở, những con già con đầm, và một mớ những hình ảnh lộn xộn bông đùa.
Sãi ngồi hẳn dậy nhìn ra khoảng đất trống dày bóng cây bên cạnh nhà thấy nỗi yên tĩnh này dễ gợi cho nhớ Thị. Và lòng bồn chồn thương nhớ. Có thể nói ký ức Sãi lúc này hoạt động mạnh, lòng nghĩ thầm, Sãi phải viết tới ít chục lá thư mới xài hết những kỷ niệm. Sãi thấy hãnh diện. Và tới bàn viết tiếp cho Thị lá thư thứ tư, trong những lá thư chờ ngày vào lính.
Sài Gòn, ngày 10 tháng 1 năm 1969
Thị,
Định hôm nay đi nhưng bạn bè bắt đầu xuất hiện, gặp mặt đành nấn đá ở lại. Đêm qua đi coi một phim đầu tiên từ hôm về Sài Gòn. Phim hiếm và hay. Sáng nay ngủ tới 10 giờ nên hiện giờ hết buồn ngủ trưa, ngồi viết thư số 4 cho Thị (số 4 có nghĩa là thứ tư 13/12, cũng có nhiều nghĩa khác nữa. Cứ chờ mắt lúc thực sáng, nghĩ sẽ thấy rõ tức thì). Nghe nói 22/1 khoá mới khai giảng, vì vậy trong khi chờ đợi, Thị gởi thư theo địa chỉ ngoài bao bì. Mong đến độ nóng ruột. Hãy viết liền cho anh và nếu có thể viết dài như những vòng "luân hồi" hai đứa đi mỗi đêm. Hồi sớm nằm trên giường, nghe một giọng nữ trong máy thâu thanh hát "Tía em, má em…" bỗng nhớ lời Thị hát, cười lúc lũ mình vừa đi đến một ngôi chùa Cát. Tự dưng có một ý nghĩ thực ngông, có một giấc mộng nghe thực ham: Từ giờ tới Tết chắc sẽ gặp Thị ở Sài Gòn. Nhảm quá phải không? Nhưng dù sao cũng có những hình ảnh đó trong đầu: Thị, Thải, bọn Diệu … Như vậy cũng là một đời sống. Đời sống không thực tế nhưng có thực. Gán ý xấu, đó là ảo tưởng. Ghép cho nghĩa tốt, đó là tình yêu, phải vậy không? Nói theo… loại sách "học làm người": Đời, ai không sống bằng tưởng tượng? Nếu không tưởng tượng sao có ngộ nhận, những lầm lẫn về mình, về người khác? Nếu không có tưởng tượng sao có được văn hoá, con người văn minh? Thôi, nói chuyện sách vở miết, lại cười ngất như nói chuyện âm nhạc hôm nào nữa. Những thứ đó bề sâu (chữ của Thị) không bao giờ vượt quá cái bề dày vật chất của nó, nói đến cái lon đá lăn long lóc trên mặt đường nghe còn vang nhiều âm điệu tình cảm hơn.
Chiều nay ngồi viết cho Thị và vài người bạn ở Tuy Hoà, nghe tiếng pháo xung quanh bắt đầu nổ nhiều hơn. Như Tết đã tới. Cái Tết miền Nam khô nóng quá nghĩ thấy nhàm. Cái Tết miền trung lại có vẻ thu hẹp, đơn chiếc quá. Đó là ý nghĩ thực chủ quan của anh lúc này. Dường như chỉ có cái Tết ăn hạt dưa, ăn bánh bao của tụi mình vừa qua mới thực là Tết, thực dân tộc tính (?).
Nhớ viết đều cho anh và gắng nói cho rõ ràng minh bạch, miễn dùng "chi mô đó" để bắt anh tứ thời phải làm bài tập ngữ vựng tìm lời thích hợp mà điền vào các chỗ trống cho hợp nghĩa?
Thương Thị.
Anh
Sãi vừa bước vào ngưỡng cửa chị Tẩu đã hỏi sao cậu tính hôm nào mới chịu vận đồ lính, húi tóc ngắn. Sãi cười nói bạn bè mỗi lúc một xuất hiện, thấy chưa yên tâm để cởi đồ dân sự. Chị Tẩu đã tỏ theo dõi và thường chìu Sãi mọi việc y như Sãi còn bé tí. Từ món ăn Sãi ưa thích, cái mặc Sãi nhờ may, và những mẩu tâm sự khó nói trong lòng cần thố lộ cho nó vơi đi đôi chút. Sãi vẫn thường sống kín đáo, nhưng cái kín đáo đó được thông đồng một cách rất thông cảm của chị. Do đó, chiều qua sau khi viết thư xong cho Thị, Sãi đã ra sân ngồi dưới tàn bóng cây mát nhìn ánh nắng chiều phía ngoài vườn cây, cùng chị Tẩu nói chuyện. Dĩ nhiên là chuyện về Thị, và hai tấm ảnh. Có mối tình nào giữ kín cho riêng hai kẻ yêu nhau đâu? Như khi yêu phải được có người tâm sự để càng thấy yêu thêm và hy vọng. Sãi đã tỏ lắm lời cà kê về thiên tình cảm nồng nàn này của mình. Sãi bắt chị nghe chuyện những chuyến xe qua cầu Đà Rằng, những buổi sáng tới trường, những đêm lang thang đốt pháo bông khắp ngả phố, những lời ca Chân trời tím thiết tha… Nói tóm, Sãi vớ được chị Tẩu để chia sớt nỗi nhớ thương mông lung của mình. Như chị Tẩu phải dành cho Sãi những buổi chiều vắng bạn, ngồi dưới tàn bóng cây, nhìn cây hoa trước ngõ, nhìn ánh nắng sau vườn, mà nghe kể chuyện Thị. Chị Tẩu vẫn thường thích thú trong những lần tham dự những gặp gỡ như thế với Sãi, để mong em vui, và mình vui với em. Cuộc sống vì thế giản dị và mật thiết mà mỗi lúc xa nhà quá lâu, Sãi thấy nhớ, nhớ vô cùng.
Cuộc nói chuyện tình đang ở hồi sôi nổi thì Khuê vào với tiếng nói cười ồn ồn. Có bạn có bè tất có đi rông, dạo phố, Sãi hăm hở sửa soạn đi với Khuê như đã có hẹn mà ngồi chờ. Sãi nghĩ, mình phải đi thêm để có cái viết cho Thị đọc, và cũng để chân cẳng được tự do thoả mãn trước hàng kẽm gai buộc đôi chân từ bỏ những thói quen động đậy lang thang. Những lúc nhớ tới Thị, Sãi thường tìm một công việc làm. Đi lang thang như thể có dịp gặp Thị bất ngờ ở đâu đó, trong làn sóng người chen chúc sắm sửa Tết.
Đi và ngủ lại nhà người bạn đến trưa Sãi mới mò về nhà. Ở nhà, Sãi như con chim quen thói, bay đi xa rồi lại trở về lồng. Chị Tẩu hỏi lại cậu tính bao giờ đi làm quan, Sãi nói đi làm quan bất đắc dĩ nên cứ nấn ná ở nhà viết thư cho cô giáo dốt văn phạm. Nhớ lại kỷ niệm cũng là một cách tỏ yêu thương cao độ đó chứ? Sãi ham viết thư đến nỗi mới giãi áo ra, đã mò cây viết. Chị Tẩu nhìn Sãi cười. Viết xong thư và bì thư Sãi nghĩ đây mới thực là lá thư cuối cùng trong những ngày chờ vào lính. Và ngày mai chuyến thư Sài Gòn sẽ đi Tuy Hoà để Thị đọc từng câu, từng đoạn trước giấc ngủ.
Những ngày vào đến quân trường cái đầu đã húi cao trông kỳ kỳ, bộ đồ rộng dày mang vào mình, Sãi chưa nghĩ là mình thực sự là lính. Và bắt đầu trông thư Thị sau những lần đi tập ở bãi về, chạy ào vào phòng tìm thư. Sãi vốn không ưa thích một nghề gì nên chuyện làm lính không hấp dẫn được Sãi. Do đó, trước ngày nhập ngũ, Sãi đã nói với Thị là rất ít kể chuyện lính. Tuy Sãi bây giờ trông vào là biết lính thực: Quần áo xốc xếch, còn mặt mũi cũng sạm đen.
Lúc Sãi đang tìm giấc ngủ vội vàng trước giờ đi tập thì được người bạn cùng phòng gọi dậy, có thư. Sãi ngồi chồm dậy, tỏ vui xôn xao. Cầm thư mới biết không phải thư Thị, lại buồn. Đọc nốt lá thư, thư của một độc giả gửi tới, lại nằm xuống ngủ. Sãi nghĩ từ lúc gặp Thị, yêu Thị, Sãi có những cái kỳ cục buồn cười hết sức. Như nhỏ lại, và thơ ngây. Giấc ngủ đến thực mau không ngờ.
Nghe tiếng cười nói ồn ào nổi lên trong phòng, ngoài hiên, Sãi thức dậy theo thói quen cho một giấc ngủ trưa ngắn ngủi. Lại nghe người bạn gọi có thư, Sãi ngơ ngác phân vân sao một ngày lại có đến hai chuyến thư. Lần này thì thư Thị. Thư này được người bạn lấy ở tiểu đoàn. Chờ giờ học, Sãi ra sân tìm một bóng mát vắng đọc thư Thị.
KBC 4100 ngày 1.6.1968
Thị,
Trưa nay ngủ dậy thì nghe gọi có thư Thị, anh phải "hối lộ"cho người bạn mới được đọc thư Tuy Hoà. Thị có mường tượng được những lá thư để trên đầu giường đi đâu về bắt gặp bất ngờ, và những lá thư sau một giấc ngủ nặng nhọc buồn phiền không? Lần này mới có thư nặng trọng lượng một tí và là thư kép. Hồi chiều cầm chổi đi làm tạp dịch ở ngoài khu nhà tiếp tân (sửa soạn để mai Chủ nhựt, thân nhân SVSQ tới thăm) quét phòng xong, ra ngồi bãi cỏ đọc thư, lần thứ hai. Và đang ngồi bên mớ súng ống gác đêm ở trong phòng học, đọc thêm lần nữa để thương thêm nỗi nhớ xôn xao sửa soạn ra đi của Thị. Thị đi có một mình và trước khi đi (9 giờ 30 phút sáng) còn gắng viết cho anh. Thương và thương thêm mãi ở chỗ đó. 9 giờ 30 phút sáng ngày anh đi, đâu có phải lủi thủi như Thị, phải không? Anh đã viết một thư về Huế cho Thị, và sau đó, hôm 28.5 có người bạn về Tuy Hoà, dù rất bận, anh đã lợi dụng cơ hội ngàn năm một thuở đó, nhờ Thải mua giúp một cái ví Bangkok để người bạn này mang ra cho em gọi là một chút kỷ niệm những ngày anh ở trong này. Anh nhớ Thị có về Huế cũng vào cỡ đầu tháng (chờ lĩnh lương, chờ máy bay), không ngờ Thị đi sớm thế. Như vậy, chắc người bạn ngoài đó sẽ gởi ra Huế. Mong là Thị sớm có mặt ngoài đó để biết mặt mũi cái ví với màu sắc lòe loẹt (màu sắc của chùa chiền xứ Thái) cổ kính đó ra sao? Có tò mò muốn biết tại sao anh thích chiếc ví Thái Lan? Dễ hiểu, nếu Thị nhớ là những chiếc áo soie Thái Lan đã có hồi anh ưa thích. Trang vừa rồi là anh… kể chuyện - một trang phần anh - trang này là trang anh hỏi han - một trang của phần Thị - Thị có vẻ hơi lúng túng hoặc hơi đắn đo khi nói chuyện về thăm nhà. Và sau đó lại là những hàng chữ dập xoá. Giọng thư này làm anh không kìm được tính xấu như mọi khi, tò mò… đọc cho ra những chữ bị bôi xoá đó. Dường như Thị nói "yếu đuối" sao sao đó (tha lỗi cho anh). Và tự nhiên là anh phải nghĩ ngợi, mơ hồ thấy có lỗi với Thị. Lỗi đã yêu em chẳng hạn. Điều đó anh có thể nói được điều Thị nghĩ mà không sợ anh buồn hoặc em cảm thấy bị xâm phạm. Trước sau anh chắc chắn được điều này: Bao giờ anh cũng yêu, quý Thị. Vì vậy, đừng dồn nén xúc động làm chi cho tội, cứ viết như Thị rung cảm, như Thị cũng có một điều tha thiết để theo đuổi như mọi người. Trong lá thư chẳng cần bắt chân cẳng chạy lung tung từ chuyện nọ tới chuyện kia, như một cô bé vô tư đùa giỡn với nắng, với hoa cỏ, với trời mây. Nói như vậy, anh chỉ có ý nghĩ bảo Thị nếu có vấn đề gì lo nghĩ, cứ viết với anh. Ngoài ra, anh vẫn thương những hình ảnh trèo cây hái quả, ngủ vùi… lộn xộn với nhau trong một thứ quen thuộc nhưng nhiều công đợi chờ. Thị biết thương cái ngơ ngác của con ngựa cô đơn, lẽ nào anh không thực yêu người tình ở lại tìm hoa tìm quả đùa chơi một mình?
Có kịp nhận mấy thư dài dài của anh không? Trong đó anh có nói không bao giờ anh ghen. Anh không ghen với nỗi cô đơn của Thị, thì bây giờ, không lẽ nào Thị ghen với… một đôi già? Anh phì cười và ngạc nhiên không ít khi nghe Thị kiếm đâu được "tài liệu" đắt giá đó. Nói cho anh nghe đỡ tò mò? Bao giờ tiện anh sẽ gởi cho em một cuốn sách có một nhân vật nói câu đó. Như vậy, Thị thêm một lần nữa hiểu anh, đừng có lộn những cái anh viết với những cái anh sống. Hơn nữa, "sợ và thêm vào ít bất mãn" làm chi cho mệt? Anh đâu có sinh ra để đánh bài?
Tới giờ, nghĩa là chỉ còn hai tháng nữa sẽ ra trường, anh cũng chưa biết cái mùi lang thang chiều thứ bảy trừ vài lần phép hồi Sài Gòn còn yên. Vậy Thị cứ yên tâm, sẽ có rất nhiều thì giờ để viết cho Thị. Cái khó là ở chỗ nói sao cho Thị cảm thấy nhớ Thị mà thôi. Thị vẫn im lìm mặc dù hầu như thư nào anh cũng hỏi thăm về các bạn cũ của bọn mình? Nói cho anh theo dõi một chút chớ.
Ra Quy Nhơn nhớ chụp hình và gởi vào cho anh. Lần nữa anh lặp lại: Chúng mình nghĩ về nhau như một điều tự nhiên thì những lo lắng cho nhau cũng là tự nhiên. Đừng chờ có thư anh rồi mới viết, đừng chờ có hình anh rồi mới chụp gởi vào. Có chuyện gì vui vui lạ lạ kể anh nghe. Ồn quá, anh ngừng. Thương buổi sáng sửa soạn và những dòng viết hối hả cho anh trước khi ra Quy Nhơn.
Hôn em.
Anh.
Những ngày gần cuối khoá Sãi được phép về Sài Gòn đều và những cái phép đặc biệt để lo báo. Đi phép như là một ước muốn thói quen, nhiều lúc được ra giữa đường, không biết là mình sẽ làm gì cho hết thì giờ. Vậy mà cũng vẫn đi phép. Sãi nghĩ giá có Thị ở đâu đây thì những lần dời quân trường sẽ có mùi vị. Nhiều bận xuống đến Sài Gòn, đi lơ ngơ, gặp toàn những bè bạn mặc ka-ki, rủ vào quán, rủ chui vào xi-nê, rủ đi lông bông. Sãi cũng thường tìm về nhà dưới Gò Vấp vào những lúc mỏi chân cẳng, và muốn được nằm hưởng cái không khí gia đình cho đỡ nhớ. Về nhà, sờ tới những bộ đồ lúc còn đi dạy, Sãi thấy chúng lạ lạ sao đó, như một loại hàng mới nhập cảng. Phần trang điểm dân sự đặc biệt ở khoá này, coi như khó có. Và Sãi thấy chịu lời người bạn: Mình không mặc được loại áo quần nào mà trông đẹp trai như bộ ka-ki. Sãi nghĩ thêm, lười biếng như mình, mặc thứ này cũng tiện. Đi, đứng, nằm, lết… đều được cả. Trái với những lần đi phép trước, lần này, lần cuối, Sãi trở về với những nỗi lo bồn chồn, không rõ nét. Từ trước, Sãi vẫn mong có một cuộc sống nhiều nhiều thay đổi một chút, để có thêm cái lạ để viết, nên thấy không nên bị lôi cuốn bởi nỗi lo lắng của bạn bè về vấn đề đi đâu, ngành gì. Nhưng dù sao nỗi chờ đợi quá quắt đó cũng làm Sãi ít thấy yên. Điều quyết định làm Sãi vui là sẽ trở về với Thị ở Tuy Hoà trong vài ngày trước khi đến đơn vị. Và Sãi chờ đợi ngày ra đi với những dự tưởng phong phú trong đầu: Áo len đỏ, vòng bạc, bánh bao thịt chuột, Chân trời tím, nụ hôn đêm từ biệt.
*
Chị Tẩu chuẩn bị cho lần ra đi này của Sãi với nỗi hoang mang ngùi ngùi. Sãi được về Phan Thiết, lính con rùa. May xong bốn chiếc quần cộc, hai chiếc đỏ hai chiếc rằn, chị Tẩu nhắc lại, màu đỏ là màu máu, cậu có nghe anh Thung nói không? Sãi cười cười, tôi ưa màu đỏ áo len. Chị Tẩu chỉ biết chìu Sãi, nhưng chị vẫn không ngớt hoang mang sao đó về chuyến ra đi của em. Khác với những lần trở về, ra đi trước lúc còn dạy học ở Tuy Hoà, chuyến ra đi với cuộc sống nhiều đổi thay bất ổn dành sẵn cho Sãi ở một miền núi rừng nào đó ám ảnh chị, rồi chị không vui mấy. Sãi bảo nhỏ với chị, tôi đi sống đời lính thú cho biết rồi chắc cũng được trở về với con nít, với cô giáo áo đỏ, vòng bạc, chị đừng có lo.
Con chim bắt đầu dời khỏi lồng, Sãi đi Nha Trang với một người bạn trước khi đến Tuy Hoà. Vừa bị xúc động bởi quá nhiều chuyến ra đi, ở lại của bạn bè, Sãi thấy mình cũng yếu đuối, cần có Thị bên cạnh để được trở lại cái mức độ bình thường. Vô số hình ảnh lộn xộn trong đầu, âm thanh của tiếng reo vòng bạc bên tai đêm từ biệt, tiếng hát tân nhạc cải lương Căn nhà ngoại ô cũng lao xao trong trí nhớ. Dường như, từ ngày vào lính Sãi cũng chỉ sống nhiều cho ký ức thôi. Sãi cố tình để cho sự tưởng tượng hoạt động nhanh. Nào Thị áo đỏ nơi phòng trọ cũ, buổi chiều ở con đường số 6, đêm đêm lang thang ở các ngõ vắng… Tưởng tượng làm Sãi vui và nghĩ, lần này chắc sẽ có nhiều chuyện kỳ kỳ hơn.
Thị từ Huế vào Tuy Hoà một tuần trước ngày khai giảng, Sãi đến Tuy Hoà trong lúc Thị còn hưởng một tuần còn sót cho mùa hạ. Như vậy sẽ tha hồ mà nói chuyện cho bù lại những ngày mỗi đứa bị đày mỗi ngả. Sãi hăm hở, hấp tấp tìm tới Thị trước buổi chiều xuống thấp. Thị gặp Sãi kêu:
"Anh Sãi, anh Sãi mới về?"
Thị cười tíu mắt, nghịch ngợm một chút trong vẻ ngây thơ dành cho một người lính đi xa về:
"Răng anh ốm rứa? Anh viết thư nói với em mập lắm mà?"
Sãi muốn nói bằng một cái hôn, cái hôn nói được tất. Và Sãi tưởng tượng ra cái hôn chắc phải dài hơn đêm hôm ra đi, nhưng cười nói:
"Anh đã nói cái mập đời lính sớm nở tối tàn, bây giờ anh đang ở vào cái lúc tàn. Mập một hồi, rồi đâu cũng vào đó cả".
Sãi nhìn kỹ gương mặt như có lần tẩn mẩn ngồi lục tấm ảnh ra xem, Sãi giọng buồn:
"Sao em có vẻ hao gầy nhiều thế?"
"Có răng không?"
"Anh lại thương hơn cái vẻ hao gầy đó của Thị…"
Vẫn mớ tóc biếng chải một chút, gương mặt ngây ngô có chút hốt hoảng chưa tỉnh, dáng điệu hao gầy ngờ nghệch, Sãi thương quá cái xót xa của Thị trong những ngày đợi chờ. Sãi kêu Thị đã không nghe lời dặn hãy ăn ngủ cho thật nhiều vào.
"Thị…"
Sãi nôn nao được sống trở lại cái không khí cũ, cùng Thị ra đường, cùng Thị đi lan man như những ngày mùa đông năm ngoái. Thành phố gió cát nên đã vắng thêm nỗi xác xơ thật đáng thương. Những con đường đêm tối cùng đi, cùng ăn hạt dưa, bánh bao thịt chuột còn đó với sự mong chờ kiên nhẫn như Thị. Sãi bảo, anh chỉ có hai hôm để cùng em sống lại cho những kỷ niệm và dự định.
Buổi tối trở về thân mật trong con ngõ vắng sực nức hoa sầu đông. Sãi đưa Thị ghé thăm nhà trọ cũ, Sãi giới thiệu Thị với bà chủ nhà:
"Má, cô giáo của con đây này…"
Thị cười thẹn bên Sãi, chiu chắt. Thị ngồi cạnh Sãi trước hiên nhà, quá vắng. Căn nhà trước đây là nơi ồn ào của bọn Sãi với những hôm tụ nhau lại đánh bài, nói dóc và bàn chuyện chống Ty. Sãi thấy có chút ngậm ngùi cho sự có mặt, trở lại của mình, trong lúc Điều, Khuê, Ẩn… đã làm lính đi xa. Đã một đời xuôi ngược.
Tự dưng Sãi ngồi cười cười một mình, Sãi cười cười cái vồ vập ít tìm ra nơi mình xưa nay. Sãi nghĩ, lúc này người có nghị lực mấy cũng ít giữ được cái bình tĩnh trước cuộc sống. Không sống vội không xong. Cuộc sống chỉ có hai ngày. Hai ngày là hai đêm. Lúc nghe tiếng còi thúc giục ngoài phố, Sãi đưa Thị về, giới nghiêm. Những tham lam mong đợi làm gì có thể yên với những người yêu nhau, như Sãi, như Thị trong một buổi chiều buổi tối. Sãi vẫn thấy là mình chưa nói được một phần những gì mình nghĩ, cho Thị. Cho người yêu nuôi dưỡng bấy lâu trong những giấc mơ. Con ngõ tối mù, Sãi hẹn sáng sớm mai lên đón, Thị gật đầu cười.
Ròng rã hai ngày Sãi và Thị ngồi giữ góc bàn ở nhà trọ cũ nói chuyện đến nỗi quên cả cơm nước. Ngồi bên người yêu, không ăn cũng no, Sãi thấy quả có đúng phần nào. Những bữa ăn không giờ giấc qua loa chuẩn bị cho một cuộc tiếp tục nói chuyện dài hơn, giúp Sãi tìm thấy nỗi an ủi cho ngày ra đi. Những ly nước cam Sãi tự tay ra quán mua về, để đó đến lạt rồi đổ. Kỷ niệm ghi thêm cái góc phòng, những ly nước cam, gói mứt hạt sen… Thành phố này quá quen với Sãi, với Thị. Sãi muốn có một sự im vắng của cái góc phòng để sống với Thị cho thực nhiều "năm phút đứng đắn" trong một ngày.
"Thị, bây giờ lũ mình không phải chỉ sống với những kỷ niệm rực rỡ, mà cả với những thực tế của anh, của em…"
Tình yêu mà có vài lần xa cách sẽ làm đậm nét tình yêu hơn, đó là một cách nói mà Sãi nhắn nhủ Thị. Sãi đã dành cả buổi sáng ở công viên chờ giờ xe chạy, để nói với Thị những câu dặn dò hơn yêu thương. Chứng tỏ đã có nhiều nỗi lo trong lòng cả hai. Và cũng bắt đầu cho những chua xót phải có trong những cuộc tình. Sãi thấy lòng mình lại nao nao như lần trở về, như vừa gặp Thị. Sãi nhìn vu vơ lên đầu đường Trần Hưng Đạo từng cơn gió cát bốc mù. Gió khô và gay gắt nóng. Lúc xe trờ tới trình giấy tờ xong, Sãi mới chịu dời Thị, nhảy lên.
"Anh đi sẽ mạnh giỏi nhưng em phải đừng buồn…"
Có cuộc tiễn đưa nào mà không buồn đâu, có chuyến ra đi nào mà không xuôi cho lòng yếu đuối trong cuộc sống vây phủ yêu thương? Thị khóc, Sãi bùi ngùi. Thương và lo cho nỗi xốc xếch lôi thôi hao gầy của Thị với dáng dấp bé bỏng của cô em gái nhiều tình nghĩa phải sống với những ngày kế tiếp cô đơn.
Sãi đến trình diện trễ trong lúc nhiều người đã được đưa đi các đại đội thực tập nên sáng chiều hai buổi phải có mặt vài phút rồi trở về qua sông ngồi uống café. Con sông chia đôi thành phố, làm thành phố có vẻ tách biệt dễ thương. Chiều hôm mới tới Phan Thiết, nhìn thành phố rộng rãi, và có vẻ ngơ ngác của một tỉnh lẻ, Sãi thấy mến thành phố này. Rồi lại đi coi máy bay thả bom ngoài tỉnh, Sãi nhận ra tình hình ở đây chắc không được yên lắm. Thành phố khép nép, sợ sệt, cửa đóng như một buổi chiều nhàn hạ cuối năm. Sãi không thấy buồn gì về những nguy hiểm đang chờ đợi, có nghĩ chỉ thêm mệt xác. Và thoáng có ý ngông ngông là mong có súng để được đi đánh nhau cho biết. Trở về, qua sông mua tờ báo đọc Tiếu ngạo giang hồ, và nghĩ tiếp đến Thị, cười cười một mình.
Ở bên này và bên kia sông, Sãi đều có nơi để ghé lại, vui vẻ và thân tình. Nhà bà bác rất thương Sãi, và nhà người bạn có khi yên ổn của cuộc sống công chức. Và hai cô gái để bàn chuyện lúc buồn. Sãi nghĩ, với cái đà bắt bạn nhanh này Sãi sẽ thấy đỡ cô quạnh, tìm lại cái không khí rộn rã tiếng cười lúc ở nhà. Sãi thấy lo cho Thị với những ý nghĩ ra đi biền biệt về mình của nàng, nhưng rồi yên tâm trở lại khi tính biết lá thư nặng trọng lượng 15 trang vừa gởi, chắc đã tới Thị vào chiều nay.
Sãi nhận được lệnh đến đóng tại đồn Nora, cách Phan Thiết chừng 30km, sát quốc lộ 1 về phía bắc. Đồn ở trên một ngọn đồi gồm nhiều căn "nhà" bằng bao cát, rộng và chắc. Sãi hôm mới đến đã thấy thích cái đồn này khi từ trên đồn nhìn xuống quan sát xóm nhà nằm kề quốc lộ. Chung quanh có đồi thấp, rừng thưa. Một người lính nhìn Sãi cười, chuẩn uý lên đây tha hồ bắn chim, ăn thịt chim, và đọc chưởng…
Sau một ngày hành quân vượt qua nhiều đồi, suối và làng xóm, Sãi và đại đội mò xuống quốc lộ, ngồi chờ xe tới chở về phố. Sãi mới nhớ, ngày mai là ngày Chủ nhật. Thêm một ngày nghỉ cuối tuần, một nỗi vui trở về sau một cuộc hành quân không sứt mẻ. Sãi được gợi lên nhiều ý nghĩ chia xa nhiều nhất. Và ngay cái thành phố Sãi và bạn bè vừa từ giã lúc sáng, có ai tin chắc được là họ sẽ trở về vào buổi chiều với bữa cơm chờ sẵn? Với tách café, và tờ báo khi qua bên kia sông? Do đó, Sãi mong được sống yên bên những giãi bày yêu thương với Thị, và dự định trở về bên nàng nếu cuộc chiến chỉ dợt mình như trò chơi, rồi trả Sãi về với dự ước riêng. Sãi nao nao khi hình dung đến một cuốn truyện mình định viết, tha thiết từng ngày như tình yêu Thị. Ngay cả lúc dừng quân, nằm lơ vơ trên một ngọn đồi lạ, úp nón sắt lên mặt. Sãi thèm quá hơi gió mát trên đồi, sắc nước trong dưới suối, và những cánh đồng hoang nhiều cỏ may. Sãi định bụng sẽ viết cho Thị những ý tưởng đó, và chỉ có bấy nhiêu thôi.
Xe dừng lại đổ lính xuống, Sãi đi tìm ngay một ly café, cho buổi chiều, không nghĩ tới buổi cơm. Bữa ăn lúc trưa với thịt con chim so đũa, với lít rượu đế, vẫn còn nồng đầy trong bụng. Tự dưng Sãi lại cười, khi ăn hết con chim so đũa và uống hết nửa chai rượu, ông Trung uý đại đội trưởng mới nhớ là mình phải ăn chay, kiêng rượu và thịt.
Trở về nhà người bạn với Sãi để được hưởng lại cái không khí đầm ấm, với bà già vui chuyện, người bạn nhiều tâm sự, hai cô gái có người tình vừa đi xa, và những lá thư của Thị, của bạn bè nằm chờ sẵn. Trong những ngày ở đó, Thị đã là đề tài nhiều hấp dẫn cho Sãi nói đến, nghĩ ngợi và vui vui với những tưởng tượng quay quần trong đầu. Sãi dần dần nhớ lại hết thảy, nhất là hình dáng hao gầy, lôi thôi của Thị trong hai ngày về thăm lại. Cuộc sống một tháng đôi lần được trở về phố yên lành, giúp Sãi tin hơn ở những dự tính đã nghĩ, đã bàn với Thị.
Nora, ngày 1.2.1968
Thị,
Tháng này coi như em không có thư cho anh. Nhiều buổi chiều có người từ Phan Thiết mang sách báo và thư lên, không thấy có tuồng chữ em, buồn. Hồi hôm, trăng sáng đến độ không ngủ được, hết ngồi trên xe GMC coi đánh bài (chớ không đánh bài) lại trèo lên "lốc" nằm, bốn giờ sáng mơ thấy em với nhiều chuyện lộn xộn không mạch lạc, tỉnh dậy nhớ quá, uống trà rồi viết được ít hàng lại xé bỏ. Anh chợt thấy một "câu hỏi" có thể giải thích tại sao em không viết cho anh: Có phải vì anh quá thành thực (nói đủ mọi chuyện) nên anh bị nghi ngờ và làm em nản? Nếu đúng vậy, cũng chẳng có gì đáng trách về phần em. Còn phần anh có lẽ cũng… không đáng trách nốt. Cái tính vốn dễ gây xa cách vì ngộ nhận, quen thói rồi, thây kệ. Còn nhớ số 13/12 anh bảo em ghi sau tấm hình đầu tiên đưa anh? Khi nhận thư này, biết đâu cũng là ngày tháng đó. Khác chăng, mùa lạnh năm nay mỗi đứa một nơi. Riêng anh, thì núi đồi này, chim chóc và rừng cây khô lá này làm anh viển vông thêm và không ngớt mơ mộng. Trong nỗi mơ mộng dông dài đó, chuyện tình chúng mình vẫn là thứ dễ hồi tưởng và có rất nhiều ngậm ngùi (như thể tình yêu là những tội nghiệp và dễ thương) tuy cũng rất nhiều dịu dàng xao xuyến: Mấy hôm rồi, đầu tuần trăng, anh xuống xóm uống tới tối mới lên, tới giữa dốc anh nằm dài và muốn nằm dài thế mãi. Những lời muốn đi xa, muốn quên hết của em, những cách xa giữa anh và những thân tình ở chỗ này, chốn nọ, đã tạo cho anh những đêm như vậy. Nằm dài trên dốc bất kể bạn bè và lính chờ, anh vui thích nghĩ là đang sống những phút quên thôi, cho anh, cho em. Những gì em ao ước nhưng không thể thực hiện thì anh đang sống thế cho em, đừng có ham và cũng đừng có đòi nữa.
Nói như vậy cũng chưa hết cái lạ trong mùa này đâu (lạ ở đây có nghĩa: Những gì anh sống khác hồi này năm ngoái). Những buổi ngồi trên cái xe xọc xạch chạy về Phan Thiết, ào vào nhà quen tìm lại chút thân thuộc gia đình rồi lại dời thành phố cùng những mớ hàng hoá vợ lính cười giỡn ồn ào, anh cho đó là những buổi chiều tự thấy mình xa xôi, biền biệt nhất. Bình thường thì sau những lúc đó phải viết cho em. Nhưng hồi này, dường như em cứ bướng bỉnh cố tự tạo một không khí riêng mà buồn, anh "bất khả" can thiệp, khiến anh đã nghĩ em hết còn muốn anh phiền hà để riêng em, em sống? Nếu đúng vậy, em không nói ra, em dở hết cỡ. Mình vốn "tôn trọng luật pháp công minh, 2 + 2 = 4" mà. Còn nhớ câu danh ngôn: "Sự học như con thuyền trên dòng nước ngược, không tiến thì lùi"? Tình yêu là một sự học không? Trả lời thử coi, đừng làm biếng. Không đâu. Những cái học được trong tình yêu đắt giá quá, học chi cho mệt. Nhưng nó giống sự học ở chỗ không tiến thì lùi phải không?
Anh vừa viết xong khúc đầu một cuốn sách. Em được mô tả một cách hết sức kỳ cục. Chừng nào có báo Xuân anh gửi cho coi sẽ rõ. Giờ thì anh viết một cuốn khác. Còn cuốn kia, định chừng nào về gặp lại em, hỏi ý em rồi viết tiếp. Em có muốn cái nhân vật giống em đó có… một đứa con để dẫn đi phố cho vui vào cuối cuốn sách?
Em vẫn còn ở chỗ cũ? Nói rõ em sống lúc này ra sao? Bạn bè đi lính vừa rồi có ghé về Tuy Hoà? Chắc bây giờ họ chịu đời lính hơn đời dạy học. Tâm trạng chung mà. Sống thì sống đời lính mới là tuổi trẻ và bay bướm. Trừ anh, anh chỉ cần một chỗ ngồi tán dóc với bè bạn, một xó xỉnh để ngồi một mình mà viết, nên rất mong về dạy lại. Mỗi ngày một buổi qua cầu, về làng dạy học, còn lại là của mình. Em chịu đựng được lối sống đó?
Bắt đầu nói chuyện về quê ăn Tết và… lấy chồng chưa? Tết năm nay chắc không phải chạy mỏi chân và sợ máy bay như Tết năm rồi đâu. Sống ở Tuy Hoà thì dường như chẳng có gì, nhưng đi xa mới thấy có nhiều thứ lẩm cẩm đáng nhớ. Sao Tết này chính phủ không phát động một chiến dịch các cô giáo đi thăm các tiền đồn để chúng mình gặp nhau trong hoàn cảnh lắt léo, ly kỳ?
Nhớ là phải viết ngay cho anh sau khi nhận được thư này. Em bắt đầu phải mặc áo ấm mùa lạnh năm ngoái chưa?
Anh. [1]
*
Chiều ngày thứ bảy 10 tháng 1 năm 1969, Thị rủ Nga cùng xuống phố để nhận thư và sắm ít đồ trước ngày về nghỉ Tết, Mai đưa cho Thị tấm điện tín: Sãi tử trận tại Phan Thiết, ngày 8 tháng 1 năm 1969. Nguyễn Hiếu Học. Thị bàng hoàng, se sắt. Hình dáng Sãi lúi hủi bước tới, giọng nói trầm ấm bông đùa, trở lại như vừa mới gặp Sãi lúc sáng ở trường. Thị phân vân, nghĩ bụng, có lẽ lại là một sự thử thách?
Đúng như Thị đã nghĩ, quả đó là một thử thách nhưng lớn lao hơn cho nàng vì Sãi đã chết thực. Chúng ta không ngờ đoạn kết của câu chuyện tình giữa Sãi và Thị như thế. Sãi đến với Thị và ra đi mãi mãi đúng một năm "một năm tròn cho một mối tình giữa thời ly loạn, phải chăng đã là quá dài? Tình yêu, tuổi trẻ…, trong ngọn lửa hung tàn, phi nhân, dễ bén cháy và tàn mục còn hơn những xác lá vật vờ cuốn theo chiều gió.
Sãi đã ra đi, có thể về miền cao nhất. Còn lại Thị, Thị và những kỷ niệm lây lất buồn rầu, trên cõi trần gian đầy hệ luỵ – chỗ dung thân thấp nhất của kiếp người cô đơn, bé bỏng…
Tuy Hoà, ngày 10.3. 1969
Mang Viên Long
Chú thích:
[1]Ba bức thư trích dẫn trong bài là do chính Y Uyên viết.
Kết Thúc (END) |
|
|