Năm lên mười tôi đã yêu một người đàn bà tên là Galina Apônlônôpna. Bà mang họ Ruptrôp. Chồng bà, một sĩ quan, đã đi đánh nhau với Nhật và trở về tháng mười năm một nghìn chín trăm linh năm. Ông ta chở về rất nhiều hòm. Trong các hòm ấy có những đồ Tầu: bình phong, vũ khí quý, tất cả nặng ba mươi put. Cụ Cudma nói với tôi rằng Ruptrôp đã mua các đồ này bằng tiền ông ta vơ vét được trong khi làm việc cho quân đội tại ban công trình của Tập đoàn quân Mãn Châu. Ngoài cụ Cudơma, những người khác cũng nói thế. Người ta khó lòng không đơm đặt chuyện này chuyện nọ cho nhà Ruptrôp, vì nhà Ruptrôp sống hạnh phúc. Cơ ngơi của họ nằm sát nhà chúng tôi, cái sân thượng lắp kính của họ lấn sang một phần đất nhà chúng tôi, song bố tôi không vì chuyện ấy mà điều qua tiếng lại với họ. Ruptrôp làm thanh tra thuế vụ, trong thành phố chúng tôi ông nổi tiếng là người chính trực, ông đi lại với người Do thái. Và khi người sĩ quan con trai ông già Ruptrôp trở về sau cuộc chiến tranh với Nhật, tất cả chúng tôi đều thấy họ sống hòa thuận và hạnh phúc thế nào. Galina Apônlônôpna giữ dịt chồng từ sáng đến tối. Bà không rời mắt khỏi chồng vì đã không được trông thấy chồng một năm rưỡi trời, nhưng tôi sợ cái nhìn của bà, nên thường phải quay đi, trong lòng rạo rực. Trong những cái nhìn ấy, tôi nhận thấy một cuộc sống lạ lùng, đáng hổ thẹn của tất cả những con người trên đời, tôi chỉ muốn thiếp đi với một giấc mơ phi thường để có thể quên cuộc sống này nhờ những ước mơ siêu phàm. Galina thường đi lại trong phòng với bím tóc xõa, đôi giày đỏ và cái áo thụng kiểu Tầu. Dưới những đám đăng ten của chiếc sơ mi xẻ cổ rất thấp có thể trông thấy chỗ hõm sâu và phần trên cặp vú trắng muốt, chảy xuống tròn mọng, và trên cái áo thụng có thêu bằng tơ mầu hồng những con rồng, con phượng và những cái cây rỗng.
Suốt ngày bà đi vơ vẩn với nụ cười khó hiểu trên cặp môi ướt và vấp vào những cái hòm còn nguyên bao bì, những cái thang tập thể dục để lổng chổng dưới đất. Vì thế Galina bị sầy da, thế là bà kéo áo lên quá đầu gối và gọi chồng:
- Hôn chỗ đau đi...
Ông sĩ quan lập tức gập cặp chân dài mặc chiếc quần đi ngựa chật của lính kỵ binh trong đôi ủng bó căng bắp chân bằng da bê mềm có lắp đinh thúc ngựa, quỳ xuống cái sàn bẩn, mỉm cười lê gối đến hôn chỗ sây sứt có vết nịt hằn phồng lên. Qua cửa sổ phòng tôi, tôi đã trông thấy những cái hôn như thế. Những cái hôn ấy làm tôi đau khổ, song cũng chẳng đáng kể lại làm gì, vì tình yêu và lòng ghen tuông của những thằng bé mười tuổi cũng y hệt về mọi mặt như tình yêu và lòng ghen tuông ở những người đàn ông lớn tuổi. Tôi đã không ra cửa sổ hai tuần và tránh gặp Galina cho đến khi một trường hợp bất ngờ làm tôi lại được gặp Galina. Trường hợp này là đợt tàn sát dân Do thái nổ ra năm một nghìn chín trăm linh năm ở Nhicôlaep và những thành phố khác có người Do thái. Một đám những tên giết người thuê đã đến cướp phá cửa hiệu của bố tôi và giết ông Sôil của tôi. Tất cả các chuyện ấy đã xảy ra trong lúc tôi vắng nhà vì sáng hôm ấy tôi đi mua chim bồ câu của bác thợ săn Ivan Nhicôđimưt. Suốt năm năm trời của mười năm tuổi đời, tôi đã khao khát mơ có những con chim bồ câu, nhưng đến khi tôi mua được thì con người tàn tật Macarencô đã đập chết một con trên thái dương tôi. Hôm ấy cụ Cudơma đã dắt tôi đến nhà Ruptrôp. Ở nhà Ruptrôp, trên cửa xép ở hàng rào có vạch bằng phấn một chữ thập, họ không bị động đến và đã cho bố mẹ tôi trốn trong nhà. Cụ Cudơma dắt tôi lên cái sân thượng lắp kính. Mẹ tôi đang ngồi trên ấy trong căn phòng màu xanh lá cây với Galina.
- Chúng mình phải lau rửa mới được. - Galina bảo tôi, - chúng mình phải đi lau rửa mới được, thầy rap-bi tí hon ạ... Mặt chúng mình đầy lông chim, mà lông chim thì đầy máu...
Galina ôm lấy tôi, dắt tôi đi trong dãy hành lang thơm nức. Đầu tôi áp vào bên hông Galina, cái hông động đậy và thở. Chúng tôi vào bếp và Galina đặt tôi vào dưới vòi nước. Một con ngỗng đang quay trên phiến gạch men, những đồ nấu bếp bóng lộn mắc trên tường và bên cạnh các đồ nấu bếp, trong cái góc của chị nấu bếp có treo ảnh vua Nhicôlai trang trí bằng những bông hoa giấy. Galina rửa sạch các dấu vết của con bồ câu đã khô trên má tôi.
- Rồi sẽ làm chú rể đấy, chàng xinh trai của tôi ạ, - Galina hôn môi tôi bằng cặp môi mọng, nói rồi quay đi.
- Em biết không, - bỗng Galina thì thầm, - bố em đang gặp những chuyện khó chịu đấy, ông ấy đi lang thang ngoài phố suốt ngày chẳng để làm gì cả, gọi bố em về nhà đi...
Và tôi nhìn qua cửa sổ, trông thấy dãy phố vắng tanh dưới bầu trời lồng lộng, với ông bố tóc đỏ của tôi đang đi trên mặt đường. Ông không đội mũ, chỉ thấy bộ tóc đỏ bay lên nhẹ lâng, tấm ngực áo sơ mi bằng giấy cong vẹo sang một bên, gài vào một cái khuy nào đó, nhưng không đúng khuy. Trong bộ quần áo bông rách của lính, tay công nhân hom hem Vlaxôp bám sau lưng bố tôi.
- Thế đấy, - anh ta nói giọng khàn khàn thân thiết và đưa cả hai tay âu yếm sờ lưng bố tôi, - chúng tôi không cần đến cái tự do để cho bọn Do thái có thể tự do buôn bán... Xin ông hãy đem lại sự sáng sủa cho cuộc đời của một người công nhân, vì sức lao động của anh ta, vì cái chuyện to lớn khủng khiếp này... Xin ông hãy cho anh ta, ông bạn ạ, ông có nghe thấy không, ông hãy cho...
Anh công nhân đang van xin bố tôi cho anh ta cái gì đó, rồi trên mặt anh ta những nét hoàn toàn chỉ là cảm hứng lúc say bỗng biến thành chán ngán và buồn ngủ.
- Cuộc đời chúng ta có lẽ cũng giống như những thằng mô-lô-can, - anh ta lắp bắp, người đảo đồng trên hai chân chuệnh choạng, - cuộc đời chúng phải tưng tự như bọn mô-lô-can, chỉ có điều là không có Đức Chúa Lời của bọn cựu giáo ấy, vì ông ấy mà bọn Do thái được lợi chứ chẳng lợi cho kẻ nào khác...
Rồi Vlaxôp gào lên giọng đầy tuyệt vọng, về chuyện Đức Chúa Lời của dân cựu giáo chỉ thưng bọn Do thái. Vlaxốp la thét, vấp chân và đuổi theo Đức Chúa Lời nào đó của anh ta. Nhưng giữa lúc ấy một đội tuần tiễu cưỡi ngựa của lính Cô-dăc cắt ngang đường anh ta. Viên sĩ quan mặc quần có nẹp, đeo dây lưng bạc đại lễ phục, cưỡi ngựa tiến trước toàn đội với chiếc mũ lưỡi trai cao trên đầu. Hắn cho ngựa đi chậm chạp, không nhìn sang hai bên, cứ như đang cưỡi ngựa trong một khe núi, nơi chỉ có thể nhìn về phía trước.
- Bẩm đại úy, - bố tôi khẽ nói khi tay Cô-dăc tới ngang chỗ ông, - bẩm đại úy, - bố tôi rụt cổ nói và quỳ xuống bùn.
- Tôi có thể giúp ông việc gì? - Viên sĩ quan trả lời, mắt vẫn nhìn về phía trước, và hắn đưa bàn tay đeo găng da hoẵng màu vàng chanh lên mũ lưỡi trai.
Phía trước, ở góc phố Hàng Cá, bọn cướp phá đã đập tan cửa hiệu nhà chúng tôi và lôi trong ấy ra những thùng đinh, những máy móc và bức chân dung tôi mới chụp trong bộ đồng phục học sinh trung học.
- Bẩm ngài, - bố tôi nói và vẫn quỳ, - họ đã đến phá hết các của mồ hôi nước mắt của tôi, bẩm đại úy, sao lại thế...
Viên sĩ quan lẩm bẩm không biết những gì, đưa chiếc găng tay da hoẵng mầu vàng chanh lên vành mũ và giật cương, nhưng con ngựa không cất bước. Bố tôi lê gối tới trước con ngựa, sát mình vào những cái chân ngắn đôn hậu, hơi lông lá của nó.
- Tôi nghe đây, - viên đại úy nói, giật cương và bỏ đi, bọn lính Cô-dăc tiến theo. Chúng ngồi với một vẻ dửng dưng trên những cỗ yên cao, tiến theo cái khe núi tưởng tượng rồi mất hút ở chỗ rẽ ra phố Nhà Thờ.
Lúc ấy Galina lại đẩy tôi ra cửa sổ.
- Gọi bố em về đi, - bà nói, - từ sáng ông ấy chưa có gì vào bụng đâu.
Tôi bèn nhoài người ra cửa sổ.
Nghe thấy tiếng tôi gọi, bố tôi quay lại.
- Con yêu của bố, - bố tôi lúng túng, giọng trìu mến không thể tả được.
Rồi tôi cùng với bố tôi đi vào cái sân thượng của nhà Ruptrôp, nơi mẹ tôi đang nằm trong căn phòng hình tròn mầu xanh lá cây. Cạnh giường mẹ tôi lăn lóc những quả tạ đôi và những dụng cụ thể dục.
- Những đồng cô-pêch ti tiện, - mẹ tôi nói đón chúng tôi, - tính mạng con người và con cái, và cái số phận bất hạnh của chúng ta, ông đem tất cả đổi lấy nó... Những đồng cô-pếch ti tiện, - mẹ tôi kêu lên khàn khàn, không còn ra giọng của người nữa, sau đó người cựa quậy trên giường rồi lặng đi.
Và lúc ấy trong không khí chết lặng bắt đầu nghe thấy tiếng tôi nấc. Tôi đứng sát tường, mũ cát két kéo sụp xuống trán, và không thể nào ghìm được những tiếng nấc.
- Đáng ngượng quá đấy, anh chàng xinh trai của tôi ạ, - Galina mỉm cười với nụ cười khinh mạn của bà và đập cái tà áo không thể nhàu nát vào tôi. Trên đôi giày đỏ, bà đi tới khung cửa sổ treo những tấm rèm của Tầu lên cái gờ tường rất lạ mắt. Hai cánh tay trần của Galina chìm trong vóc lụa, bím tóc động đậy nhanh nhạy ở bên hông. Tôi nhìn Galina, trong lòng hân hoan.
Là một thằng bé có học, tôi nhìn Galina như nhìn một sân khấu xa có rất nhiều ngọn đèn rọi sáng. Và ngay lúc ấy tôi tưởng tượng mình là Mirôn, con trai bác bán than làm ăn ở góc phố chúng tôi. Tôi tưởng tượng mình đang ở trong đội tự vệ Do thái và cũng như Mirôn tôi đi đôi giày rách buộc bằng dây gai. Trên vai tôi có khẩu súng tồi đeo bằng một đoạn dây mầu lục và tôi đang quỳ sau dãy hàng rào cũ ghép bằng ván để bắn trả những tên giết người. Sau dãy hàng rào của tôi là một khong đất trống trên đổ ngổn ngang những đống than lầm bụi. Khẩu súng cổ bắn rất tồi, những thằng giết người râu ria, răng trắng lóa, tiến tới mỗi lúc một gần. Tôi kiêu hãnh cảm thấy cái chết đã tới gần và trông thấy trên cao, trong một thế giới xanh lam, có Galina. Tôi trông thấy một lỗ châu mai đục trên tường ngôi nhà khổng lồ xây bằng triệu triệu viên gạch. Ngôi nhà đỏ thắm này đè lù lù lên cái ngõ có mặt đường xám xịt không được đầm kỹ, và Galina đang đứng trong cái lỗ châu mai trên cao của ngôi nhà. Với nụ cười khinh mạn của bà, Galina mỉm cười trong cái cửa sổ không thể bị bắn tới, và người chồng, viên sĩ quan quần áo hở hang đứng sau lưng Galina, hôn Galina vào cổ...
Trong khi cố nhịn không nấc nữa, tôi đã tưởng tượng tất cả các hình ảnh ấy để yêu Galina cay đắng hn, nồng nhiệt hơn, tuyệt vọng hơn, và cũng có thể vì mức đau khổ đang quá lớn đối với con người mười tuổi.
Những mộng mơ ngớ ngẩn đã giúp tôi quên cái chết của con bồ câu và cái chết của ông Sôil. Chưa biết chừng tôi đã quên được những sự giết chóc ấy nếu như trong giây phút ấy cụ Cudơma không bước lên sân thượng cùng với lão Do thái Aba ghê rợn ấy.
Hai người đến nơi thì trời đã hoàng hôn. Trên sân thượng lù mù một cây đèn, ngọn lửa ngả sang một bên, đèn nhấp nháy, bạn đồng hành của những điều bất hạnh.
- Tôi đã sửa sang tươm tất cho cụ nhà rồi, - cụ Cudơma bước vào nói, - bây giờ cụ nằm nom đẹp lắm, đây tôi đưa ông trợ lễ đến để cũng có vài lời cầu nguyện cho ông già...
Và cụ Cudơma chỉ lão trợ lễ Aba.
- Để ông ấy rên rỉ kể lể, - cụ coi nhà nói thân mật, - nhưng phải tọng cho thật đầy cái dạ dày của ông trợ lễ, rồi ông trợ lễ sẽ làm cho Thượng đế chán ngấy suốt một đêm...
Cụ đứng ở cửa, cụ Cudơma ấy, với cái mũi gãy giập nhân hậu, bẻ sang bên nào cũng được. Cụ muốn kể lại thật thân mật chuyện cụ đã buộc thế nào cái quai hàm của người chết, song bố tôi đã ngắt lời ông già.
- Xin thầy, rêp Aba, - bố tôi nói, - xin thầy cầu nguyện cho người quá cố, tôi sẽ trả tiền thầy...
- Nhưng tôi sợ bác sẽ không trả tiền đâu, - Aba trả lời chán ngán rồi cúi bộ mặt râu ria đầy kinh tởm xuống sát khăn bàn, - tôi sợ rồi bác sẽ cuỗm cả cái áo lễ của tôi để đem nó chuồn sang Achentina, ở Buênôt-Airet, và ở bên ấy bác sẽ mở một cửa hiệu bán buôn với cái áo lễ của tôi... Một hiệu bán buôn, - Aba nói, nhay nhay cặp môi đầy vẻ khinh bỉ, rồi với lấy tờ “Người con của Tổ quốc” trên bàn. Tờ báo này có đăng về bản tuyên ngôn ngày 17 tháng Mười của vua Nga và viết về tự do.
"... Hỡi các công dân của nước Nga tự do, - Aba vừa đọc báo theo kiểu của lão vừa nhai nhai một món râu mà lão nhét đầy miệng, - hỡi các công dân của nước Nga tự do, nhân lễ Chúa Cứu thế phục sinh của các người..."
Tờ báo cầm nghiêng trước mặt lão trợ tế rung rung. Lão đọc giọng buồn ngủ, véo von như hát, và đặt những trọng âm rất lạ tai vào những từ tiếng Nga mà lão không biết. Cách đặt trọng âm của Aba cũng giống như giọng nói lơ lớ của anh chàng da đen đến một cảng của nước Nga từ quê hương anh ta. Ngay mẹ tôi thấy thế cũng bật cười.
- Tôi cười thật không phải, thầy Aba ạ... - mẹ tôi ngó ra từ trong căn phòng hình tròn. - Thầy hãy kể về cuộc sống và gia đình của thầy thì hn.
- Bác hãy hỏi tôi về một chuyện gì khác, - Aba lầu bầu, không buông món râu ra khỏi miệng và vẫn đọc tiếp tờ báo.
- Bà hãy hỏi thầy Aba về một chuyện gì khác, - bố tôi nói theo Aba và bước ra giữa phòng. Cặp mắt ông vừa cười với chúng tôi qua những hàng nước mắt bỗng quay đảo trong hố mắt và nhằm và một điểm mà chẳng ai thấy được.
- Ôi, chú Sôil, - giọng bố tôi đều đều, vờ vĩnh, cố nặn ra như thế, - ôi chú Sôil, chú yêu quí...
Chúng tôi thấy ông sắp gào lên đến nơi, nhưng mẹ tôi đã có biện pháp trước chúng tôi.
- Manut, - mẹ tôi kêu lên, người thay đổi nét mặt trong nháy mắt, chặn họng chồng, - ông xem thằng bé nhà ta đang ốm khổ ốm sở thế nào, sao ông không nghe thấy những tiếng nó nấc hử, sao lại thế, ông Manut?...
Thế là bố tôi nín bặt.
- Rachin ạ, - bố tôi nói có vẻ sợ hãi, - tôi không thể nào nói để bà biết tôi thương chú Sôil thế nào...
Rồi ông vào bếp và quay ra với một cốc nước.
- Uống đi, anh chàng diễn viên, - Aba bước tới gần tôi và nói, - uống cốc nước này đi, nó sẽ giúp cho cháu như cái lẵng hương giúp cho người chết...
Nhưng thật ra nước cũng chẳng giúp gì cho tôi. Tôi càng nấc dữ hơn. Những tiếng nức nở bật ra từ trong ngực tôi. Một cái u nổi lên ở họng tôi, sờ vào thì dễ chịu. Cái u ấy phập phồng, to ra, ngáng họng tôi, lồi ra khỏi cổ áo. Trong đó hơi thở của tôi bị tắc cứ lọc ọc. Nó lọc ọc như nước bắt đầu sôi. Và đến đêm, lúc tôi không còn là thằng bé tai to như đã từng là thế suốt trong phần đời của tôi trước đó để trở thành một cuộn chỉ quằn quại, lúc ấy mẹ tôi, trong tấm khăn san cuốn bó người, cao hơn và thon đẹp hơn mọi khi, mẹ tôi đi đến gần Galina đang hết hồn hết vía.
- Cô Galina yêu quí, - mẹ tôi nói véo von, rắn rỏi, - chúng tôi đã làm phiền cô, cũng như bà Nađêtđa Ivanôpna và cả gia đình nhà ta nhiều quá... Tôi rất hổ thẹn, cô Galina yêu quí...
Hai má đỏ bừng, người đẩy Galina ra cửa, rồi quay vào với tôi và ấn chiếc khăn san vào miệng tôi để nén tiếng rên của tôi.
- Cố chịu đựng nhé, con trai của mẹ, - mẹ tôi thì thầm, - hãy vì mẹ mà chịu đựng...
Nhưng dù có thể chịu đựng tôi cũng không chịu đựng vì không còn cảm thấy hổ thẹn nữa...
Tôi đã bắt đầu ốm như thế. Hồi ấy tôi lên mười. Đến sáng tôi được đưa đến nhà bác sĩ. Đợt tàn sát người Do thái vẫn tiếp diễn nhưng không ai động đến chúng tôi nữa. Bác sĩ, một ông to béo, thấy tôi mắc bệnh thần kinh.
Ông bảo phải mau chóng cho tôi đi Ôđetxa, đến khám ở chỗ những giáo sư, và ở đấy chờ những ngày ấm áp để có thể tắm biển.
Chúng tôi đã làm như thế. Vài ngày sau tôi cùng mẹ tôi đi Ôđetxa đến ở nhà ông Lâyvi-Itkhôc và chú Ximôn. Chúng tôi lên đường buổi sáng bằng tàu thủy và chỉ đến giữa trưa những làn sóng hung hung của sông Buc đã được thay bằng những đợt sóng biển nặng nề màu xanh lá cây. Trước mắt tôi mở ra cuộc đời của người ông điên Lâyvi- Itkhôc và tôi vĩnh viễn chia tay với Nhicôlaep, nơi mười năm thơ ấu của tôi đã trôi qua.
Kết Thúc (END) |
|
|