Ở nước ta trước đây thường có lệ "Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy" trong những ngày vui xuân đón tết cổ truyền dân tộc. Có một lớp học kia, mùng ba tết, tất thảy học trò đều đến thăm thầy và có quà dâng đầu năm. Riêng có một trò không đến thăm thầy, nhân ngày học đầu năm thầy mới hỏi:
- Này con, theo phép học trò, hễ mùng ba thì phải tết thầy, ai cũng vậy, sao con không?
Tan học, cậu học trò về nhà buồn rầu thưa chuyện với cha nó, cha nó dặn:
- Ngày mai nếu thầy con còn nhắc nữa thì con cứ nói năm nay cha con lu bu nhiều chuyện nên quên.
Ngày hôm sau thầy lại nhắc, cậu học trò theo lời cha dặn thưa lại với thầy lời y như vậy. Thầy nghe xong im lặng có chiều suy nghĩ. Một hồi lâu, thầy kêu riêng học trò tới nói rằng:
- Xưa nay con học giỏi. Vậy thầy ra cho con một câu đối, đối được thầy thưởng, dở thầy phạt. Vế đối thứ nhất như vầy: "Hớn trào tam kiệt: Trương Lương - Hàn Tín - Uất Trì Cung".
Cậu học trò đối không được, về nhà tức tửi mách cha nó nghe. Nghe chuyện cha cậu học trò cười ruồi nói:
- Thầy mày ngu vậy thì tết uổng lắm. Thầy bà gì mà quên hết lịch sử. Mày đi học gặp thầy nói lại với thầy rằng: Uất Trì Cung là tôi nhà Đường chứ có phải tôi nhà Hán đâu mà ra câu đối như vậy.
Cậu học trò thật thà đến lớp thưa với thầy y lời cha dặn, nghe xong thầy nổi giận đùng đùng mắng:
- Đó đó đó! Ấy chuyện cách đây đã ngàn năm mà cha trò còn nhớ. Còn cái lễ tết thầy mỗi năm mỗi có, sao cha trò lại quên!