Anh học trò nọ vì nghèo quá phải đi theo cánh thợ mộc làm nhà cho tướng công phụ việc kiếm tiền. Chủ thợ sai anh đến nhà tướng công nhận gạo về nấu cơm. Thấy anh chàng mặt khôi ngô tuấn tú, ăn mặc lại rách rưới, tướng công hỏi:
- Cũng đi làm thợ như người ta, sao áo quần rách quá vậy?
Anh học trò thưa:
- Dạ bẩm tướng công, con là học trò, bữa nay hết gạo không kiếm đâu ra nên đánh liều xin bác thợ theo làm việc vặt ở đây.
Nghe nói học trò, tướng công chỉ vào con ngựa trắng cột ở trước bảo:
- Nếu là học trò, anh hãy làm một bài thơ về con ngựa đó, được ta sẽ thưởng.
Suy nghĩ trong giây lát, anh học trò đọc:
Bạch mã mao như tuyết,
Tứ túc cương như thiết.
Tướng công kỵ bạch mã,
Bạch mã tẩu như phi.
Tướng công nghe xong lấy làm đắc ý bèn thưởng cho anh học trò thúng gạo và vài quan tiền. Anh ta từ tạ ra về và thuật lại đầu đuôi cho đám thợ nghe. Trong đám có người tham mới nài nỉ anh đọc lại cho học thuộc bài thơ ấy. Sáng ngày mai đến nhận gạo anh ta xin đi thay anh học trò và cũng không không quên mượn bộ đồ rách rưới của anh. Cũng như lần trước, tướng công lại hỏi và cuộc hỏi đáp diễn ra giống y như vậy. Nhìn thấy bà lão tóc bạc đang quét sân , tướng công nói:
- Anh ta liền đọc:
Bà lão mao như tuyết,
Tứ túc cương như thiết.
Nghe hai câu trên, tướng công biết ngay hắn là một thằng xạo nhưng cũng cứ hỏi thâm:
- Tại sao bà lão lại có tứ túc?
Anh ta vội thưa:
- Vì bà lão quét sân, mình cúi xuống, cũng không khác gì tứ túc vậy.
Tướng công phì cười và nói:
- Được, anh đọc tiếp đi.
Anh ta đọc tiếp:
Tướng công kỵ bà lão,
Bà lão tẩu như phi.
Anh chàng vừa dứt lời, tướng công nổi giận, sai lính bắt nọc đánh cho một trận thừa sống thiếu chết để chừa cái thói dối trá tham lam.