Bên kia đầu dây, Dũng cười lớn, làm cái phôn như muốn vỡ tung. Hết cười, khi đó chàng chợt nhớ, chàng nói với tôi, em biết không rồi đây anh sẽ để dành biết bao nhiêu là tiền thay vì phải trả cho những cú viễn liên như bây giờ...anh muốn dùng tiền đó đưa em đi hưởng tuần trăng mật thật hạnh phúc, thật thoải mái.
Một tối đang loay hoay xếp đống quần áo vừa mới giặt xấy xong thì phôn reng. Bên kia đầu dây, một giọng nói quen thuộc vui vẻ hỏi:
-Khỏe không Bích Chuyên?
Dũng, bạn của thời Lê Bảo Tịnh, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Ngàn Thông, của thuở mới tập tành thơ văn. Dũng hơn tôi 2 tuổi, học hơn tôi hai lớp. Đậu Tú tài xong Dũng du học bên Tây Đức, rồi vẫn ở đó cho tới nay. Năm 75, tôi chạy được sang Mỹ, và cũng ở nơi đây từ đó cho đến bây giờ. Dù xa nhau đã lâu và chưa một lần gặp lại, chúng tôi vẫn thường xuyên gọi phôn, đúng ra Dũng hay gọi tôi những tối cuối tuần, nên dĩ nhiên là phải nhận ra giọng nói của nhau ngay.
-Ồ! Khỏe chứ! Còn Dũng thế nào?
-Cũng ôkê! Rồi Dũng úp mở...đang ở rất gần Bích Chuyên.
-Tây Đức mà gần cái nỗi gì...Sau đó tôi cười chọc...ngày xưa có học địa lý đó không ông bạn? Hay tới giờ thầy Bằng Phong là kiếm chỗ đi ngủ?
-Không phải Tây Đức, đang từ Toronto đây nè.
-Toronto, Canada?
-Ờ, qua được hai hôm rồi, chợt nhớ tới Bích Chuyên nên gọi.
-Đang làm gì bển?
-Qua ăn đám cưới cô em.
-Thích vậy! Ừ, bây giờ chịu là có gần hơn một chút.
Tôi đang ở Seattle, vùng Tây Bắc nước Hoa Kỳ, Dũng đang ở Toronto, vùng Nam Gia Nã Đại, tuy nói là gần nhưng cũng cách nhau 3 múi giờ, so với Tây Đức ở Âu châu thì gần hơn rồi. Tôi vẫn hay gọi một bà chị họ bên Gia Nã Đại, hệ thống gọi phôn y hệt ở Mỹ, nên tôi nghĩ Canada thì như anh em họ vậy, mùa hè lại hay xách xe qua Vancouver BC ăn trái cây vùng nhiệt đới ít nhất một lần, rồi mua thịt heo quay, bánh cuốn nóng...Ở biên giới có treo cờ Mỹ sọc đỏ sọc trắng với 50 ngôi sao, cờ Gia Nã Đại lá phong đỏ trên nền trắng giữa hai vành sọc đỏ, cũng có đài tưởng niệm khắc hai hàng chữ lớn Children of common Mother, những đứa con cùng mẹ, có thảm cỏ xanh mướt, hoa đỏ trồng thành cờ Gia Nã Đại, dân du lịch cầm máy hình bấm lia lịa, "Mẽo" và "Điên" là anh em. Vancouver BC thì tôi qua luôn, mà mặt Quebec hướng đông thì chưa bao giờ đi, mặc dù cô bạn thân Ngọc Dao đang ở bên đó, ngày xưa nó réo tôi qua chơi, tôi không qua, chán nó đi lấy chồng, rồi đời sống gia đình bận rộn không giống nhau, hai đứa sau này không còn liên lạc nữa.
Dũng cũng biết Ngọc Dao, thuở ở Lê Bảo Tịnh, Dũng si đậm cô nàng. Những hôm trời mới trở lạnh nhè nhẹ, Dũng đã mặc thay đổi những cái áo len tay dài tròng qua đầu màu xanh rêu hay xanh lục, do mẹ đan. Dao thủ thỉ bên tai tôi cái thằng điệu quá. Dù Dũng hơn Ngọc Dao hai tuổi, học trên hai lớp, Dao cứ nhìn Dũng là một thằng nhóc, tại Ngọc Dao dạo đó đã có người yêu là một đại úy nhảy dù. Dưới mắt tôi, Dũng thật hoàn toàn: cao, trắng, đẹp trai, cận thị nhẹ, họ giỏi và có tài thơ văn nữa - cuối niên học Dũng đậu tú tài II ưu hạng lại giỏi sinh ngữ nên được học bổng du học Tây Đức.
Dạo đó Ngọc Dao, Tuyết Dung, Vân Hiền và tôi còn đang học lớp mười, năm dưỡng sức, Ngọc Dao đang ngụp lặn trong buổi đầu hạnh phúc tình yêu, Tuyết Dung vẫn như con nít nhổ giò cao nhất bọn, mặc áo dài ngực thẳng băng, ai rủ đi đâu cũng lắc đầu nguầy nguậy, phải về trông em, Vân Hiền học giỏi nhất lớp, lúc nào cũng buồn vì bố đau cứ vô ra nhà thương hoài, còn tôi thì đã có thơ con cóc... đăng báo - nhờ vậy mà quen Dũng vì cùng ký tên kèm theo tên trường. Tôi thân với Dũng vì Dũng cố tình thân với tôi, tôi biết lý do nhưng không thèm có chút tự ái nào, Dũng học giỏi lại văn nghệ văn gừng, quen Dũng tôi cũng hãnh diện. Tôi chơi thân với Ngọc Dao, Dũng chơi thân với tôi, suy ra thì Dũng cũng phải thân với Ngọc Dao chứ, vậy mà những lần đụng đầu ở nhà tôi, Ngọc Dao xa lạ hết, Ngọc Dao lạnh lùng hết sức, thành ra Dũng chỉ gật đầu chào, vậy thôi.
Đời rắc rối như thế đấy, Dũng " đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu", nhiều nàng ở Lê Bảo Tịnh ái mộ, vậy mà Dũng chỉ muốn thấy một lần trong ngày Ngọc Dao cười là đủ, Dũng chạy qua lớp tôi cho tôi viên kẹo cũng chỉ để nhìn Ngọc Dao. Tụi con gái trong lớp không hiểu chuyện tưởng Dũng theo tôi, còn con trai thì nghĩ tôi thích "mấy anh" hơn, coi thường tụi nó là nhóc tì. Tôi tội nghiệp Dũng chứ chẳng giúp được gì. Tôi trách Ngọc Dao:
-Dũng thương mày!
Ngọc Dao tỉnh bơ:
-Ừ, tao cũng thương anh Dũng nữa
- Người yêu lính dù của nó cũng tên Dũng.
-Tao nói Nguyễn anh Dũng kìa... hay để tao nói mày có bồ rồi!
Chưa được! Cuộc tình của hai người chưa được phép công khai, dù nhà Ngọc Dao đã biết. Dũng Dù ngấm ngầm để ý Ngọc Dao khi con bé còn nhỏ; năm Ngọc Dao lên lớp mười, ông mới tỏ tình.
Ngọc Dao kể:
-Chàng gan không ngờ, nói thương tao trước mặt cả nhà, chàng xin phép ông bà cụ để được thương tao. Ông cụ sửng sốt vì đâu có thích tao có bồ là lính mà lại nhảy dù nữa, cha mẹ nào lại chẳng lo. Ông cụ giận tao, ông cụ giận Dũng. Thật ra từ đầu tới cuối ông vẫn thương Dũng vì Dũng là bạn học từ nhỏ của anh cả tao, bạn từ ngoài Hà Nội kìa. Chỉ vì lo cho tao, ông cụ không muốn Dũng và tao thương nhau thôi.
Bố mẹ sợ muốn đau luôn, sợ con lấy chồng nhà binh rồi khổ, nhưng tuổi mới lớn thích mộng mơ, có máu lãng mạn, có người yêu là lính chiến với những hoa mai vàng nở rực trên vai áo trận nghe sách vở văn chương hơn, chứ thứ thư sinh học trò học giỏi trắng trẻo như Dũng nhìn con nít lắm! Dũng Dù lớn hơn Dao 8, 9 tuổi, hồi đó bọn tôi không đứa nào nghĩ anh...già hơn Dao, bây giờ nghĩ lại tôi thấy bọn tôi toàn là một bọn con nít.
Ngọc Dao đã có người yêu, Nguyễn anh Dũng không biết chuyện cứ nhờ tôi làm chim xanh chim đỏ. Mấy lần tôi định nói sự thật để Dũng khỏi theo đuổi một cách tuyệt vọng, nhưng rồi lại không đành, Ngọc Dao không muốn tôi nói, mà Dũng biết rồi thì buồn hay vui? Dù sao, tôi vẫn nghĩ là mình đã không thành thật với Dũng (để nhận những viên kẹo hối lộ của Dũng).
Không nói, cứ để bụng, tôi lại ấm ức. Con trai (như Dũng) thật vô tình. Con gái nhạy cảm lắm, ai theo là biết ngay. Ai không thích mình, cũng biết ngay. Và ai có người yêu rồi, cũng biết ngay!
Bây giờ tưởng Dũng đã quên Ngọc Dao, ai dè Dũng nhắc trước:
-Hình như Ngọc Dao cũng ở mặt bên này hả Bích Chuyên?
-Montréal. Người ta sắp có cháu nội, cháu ngoại rồi đấy
- Tôi phóng đại, chứ con lớn của Ngọc Dao chỉ có 10 tuổi. Mười mấy năm rồi sao Dũng còn nhớ, sao Dũng chưa quên? Có phải mối tình đầu bao giờ cũng khó quên?
Dũng vờ kêu hoảng hốt:
-Trời ơi! Bộ mình cũng già vậy sao?
Tôi cũng giả bộ thở dài:
-Ừ! Già cả hết rồi!
Dũng lại kêu:
-Làm sao đây?
Dũng chơi thân với nhà văn Nguyễn Quỳnh ở bên Pháp bấy giờ 51, 52 tuổi, Dũng kêu Nguyễn Quỳnh là anh, ổng bắt kêu như vậy cho trẻ, tụi tôi mới ở khoảng ba mươi đã than già, ổng nghe buồn chết.
-Ông Nguyễn Quỳnh mà nghe mình than già, ổng chửi cho nghe, Dũng ơi!
Nói vòng vo văn nghệ một hồi, Dũng lại quay về chuyện Ngọc Dao:
-Bích Chuyên, chỗ bạn bè thân Bích Chuyên phải nói thật. Hồi ở Lê Bảo Tịnh, Dũng không có một tí duyên nào sao?
-Sao Dũng hỏi như vậy? Có người được cái này lại mất cái khác, mà Dũng thì cái gì cũng có hết!
-Bích Chuyên chỉ nói cho Dũng vui, vì có người chê!
-Ai?
-Ngọc Dao chứ ai! Theo cô ấy khó quá!
Thì ra cho tới bây giờ Dũng cũng chẳng biết gì hết. Ngọc Dao đã có người yêu, người có người yêu thì họ đâu thèm nhìn ai nữa.
-Tại Ngọc Dao có bồ rồi.
Dũng ngạc nhiên quá:
-Vậy sao? Dũng không biết! Đâu có thấy ai đưa đón...chồng của Ngọc Dao là ông bồ đó hả?
-Không, nghe nói ông Dũng bị bắt ở trận Hạ Lào, rồi không thấy trả về, khi có vụ trao đổi tù binh. Bảy mươi lăm qua Canada gặp ông này, sinh viên du học, 6 tháng sau làm đám hỏi, đám cưới liền. Dũng biết mà, dạo ấy con gái Việt qua bên này hiếm lắm, ông Ngữ thấy Ngọc Dao là chịu liền, bèn chụp ngay. Có 3 con rồi. Họ sống hạnh phúc lắm.
Dũng cười nhẹ:
-Bích Chuyên rành quá nhỉ?
Chỉ là câu nói bâng quơ hay Dũng trách cứ điều gì? Quả thật, tôi cũng chỉ biết đời sống của Ngọc Dao qua lời Ngọc Dao kể. Mới đầu còn thư từ hằng ngày, hằng tuần lúc Ngọc Dao chưa lấy chồng, kể cho nhau nghe trăm ngàn thứ chuyện, rồi hằng tháng, rồi một hai cú điện thoại xã giao thường tình, rồi sự liên lạc thưa dần, mất hẳn. Những năm sau này tôi gần gũi với Dũng hơn Ngọc Dao. Dù ở xa xôi đến như vậy, tháng nào Dũng cũng điện thoại trò chuyện, và tôi gìn giữ tiếng Việt qua những lá thư dài gởi cho Dũng. Cũng lạ là chưa bao giờ Dũng hỏi tỉ mỉ về Ngọc Dao, nhớ hồi mới qua Dũng có hỏi, nghe Ngọc Dao chạy được phải không, bây giờ cô ấy ở đâu, vậy thôi. Mà khi nói chuyện với Dũng, tôi cũng không hề nhắc về Ngọc Dao dù dạo ấy hai đứa còn thân nhau.
Mấy năm đầu, ở Tây Đức, Dũng bồ với một cô gái người Thụy Sĩ học cùng lớp. Sau đó Steffi - tên cô gái - bị đụng xe chết đi. Hẳn là Dũng đã thương Steffi nhiều lắm, tại bấy giờ Dũng kêu Dũng đang thất tình vì mất tình, à mà dùng chữ thất tình là sai rồi đó, Dũng nghèo nàn tiếng Việt rồi, thật ra đâu phải tình phụ, đâu có ai bỏ Dũng đâu, tại cô ấy chết mà. Tôi nghĩ Dũng đã yêu Steffi. Từ đó không nghe Dũng nói về một người con gái nào khác nữa. Dũng gọi tôi thường hơn. Tôi có sợ Dũng tốn tiền thì Dũng lại nói xài chứ để làm gì - Dũng có bằng Tiến sĩ (PhD) làm cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc.
Dũng vẫn chưa lấy vợ - tôi vẫn chưa cho ai bàn tay của mình - vì Dũng còn thương Ngọc Dao hay còn thương Steffi? Một lần nhân lúc Dũng thật vui, tôi bất ngờ hỏi Dũng:
-Dũng còn thương ai: Ngọc Dao hay Steffi? Sao không lấy vợ đi?
Hỏi xong tôi sợ Dũng giận, rồi không thèm gọi phôn nữa, ai lại đi khơi lại chuyện buồn, bới lại đám tro tàn năm cũ năm xưa người đang muốn lãng quên, tôi trách tôi, người chi chẳng tế nhị chút nào. Tôi còn đang lúng túng tìm câu nói gì thật dễ thương hầu đổi sang chuyện khác thì Dũng đã cười nhẹ thản nhiên hỏi lại:
-Sao không hỏi Dũng có thương... Bích Chuyên?
Bên này Châu Mỹ, tôi im lặng. Bên kia trời Châu Âu, Dũng cũng im lặng. Bao năm làm bạn với nhau, Dũng nghe đủ chuyện của tôi, những cuộc tình trắc trở, xảo trá đầy nước mắt, những đêm mất ngủ, những ngày ốm tương tư với... ai đâu. Đời là bể khổ, tình là dây oan! Có nhiêu đó tôi cứ ca tới ca lui với Dũng. Trai Nhâm gái Quý, con gái tuổi Thìn không khá được, tôi lại mang lộn cái Nhâm Thìn!
Lần nào Dũng cũng an ủi, một câu an ủi duy nhất lạ đời:
-Thôi bỏ qua đi, không ai đáng cho Bích Chuyên phải khổ hết.
Có phải vậy không, mà tôi mau quên, để rồi yêu nữa... rồi khổ nữa? Để rồi cứ khóc vùi trong phôn với Dũng. Chỉ có bạn bè mới kể lể tâm sự đủ thứ như thế.
Chỉ lúng túng vài giây, sau đó tôi vờ tỉnh queo, cười vui vẻ trả lời:
-Cần gì phải hỏi, dĩ nhiên là Dũng thương Bích Chuyên rồi, bạn bè từ VN mà...không thương là ăn đòn đó.
Qua Toronto kỳ này, Dũng nói sẽ ở chơi ba tuần, nhân tiện ông bố cũng vừa về hưu định làm một chuyến đi thăm những thắng cảnh ở gần, bố mẹ đã già lâu ngày không gặp con, ông bà muốn chàng đi cùng cho vui, từ lâu bố mẹ chàng muốn chàng về ở gần. Mẹ chàng khuyên bắt đầu lại từ đầu thì đã sao con, huống chi con còn có vốn liếng ăn học, về ở gần gia đình cho có chị có em, rồi bố mẹ còn lo vợ con cho, không có người lớn con cứ lông bông mãi, mà con gái nhà đàng hoàng nó cũng sợ chứ con. Những lúc mệt mỏi, Dũng tâm sự, chàng thèm một mái ấm gia đình, có ai đó ngồi ăn cơm chung với mình, có nghĩ tới lời mẹ, nhưng rồi vì những việc chi đâu, chàng cứ chần chờ ở mãi bên Tây Đức.
Vẫn có hình ảnh của nhau qua lại, nhưng tôi cũng mong mỏi được thấy Dũng bằng xương bằng thịt thích hơn. Đã hơn mười năm không gặp, hẳn ai cũng già đi - một lần Dũng dọa tóc của Dũng đã lốm đốm muối tiêu. Nghe thấy mà ghê, chẳng hiểu Dũng nói chơi hay nói thật!
Tôi rủ ren:
-Qua đây chơi đi Dũng. Cứ đi từ Toronto qua Vancouver BC không phải đổi máy bay, rồi Bích Chuyên chạy lên đón, chỉ hơn 2 giờ lái xe gần xịt, đã qua Toronto rồi mà không đi thăm Seattle một chuyến, có người trách đó.
Rồi tôi giải thích cho Dũng hiểu:
-Vancouver British Columbia ở hướng tây nam cũng nằm trong nước Canada nên có nhiều chuyến bay đi thẳng từ Toronto qua, nếu đi từ Toronto đến Seattle có thể phải đổi nhiều chuyến bay, tốn kém và mất thì giờ hơn. Vancouver có khí hậu tương đối ấm áp nhất so với toàn nước Canada, người Tàu qua định cư nhiều, có phố Tàu lớn chỉ thua phố Tàu San Francisco của Mỹ. Mùa hè có đủ loại trái cây, rau cỏ tươi như quê nhà mà San Francisco không có, như vải, nhãn, sầu riêng, nhãn lồng cùi dày hột nhỏ, trắng ngon ngọt. Dân Cali làm gì thấy được nhãn tươi như thế này. Rồi chôm chôm, măng cụt, bưởi, xoài, khế, mận, cóc, ổi... Ở giữa phố Tàu, nói cười xí xố tiếng Việt thật thoải mái, nhìn quanh mình cũng da vàng, cũng tóc đen, không sợ ai dòm ngó. Những năm sau này sợ Hồng Kông bị trả về Trung Cộng, Tàu HK chạy chọt vào Canada thật đông, nhất là dân thương mãi, đất đai Vancouver bỗng dưng thành vàng. Những ngày lễ Tàu, phố xá xe cộ chặn lại để có chỗ múa lân, đốt pháo. Tiền lì xì bỏ trong phong thư đỏ đính vào một búp xà lách, bắp cải treo lủng lẳng trước cửa tiệm buôn. Sao lại xà lách, bắp cải, Bích Chuyên chẳng hiểu. Những đoàn múa lân, cờ xí sặc sỡ, áo quần trông như trong phim chưởng. Nhưng mục đích chính khi qua Vancouver là ăn một bữa trái cây no nê đã thèm, ăn cho sướng miệng rồi về tay không. Mỹ quốc không cho mang rau cỏ, trái cây về, sợ sâu bọ làm hư mùa màng. Không muốn như năm nào ruồi Địa Trung Hải đã làm thiệt hại toàn bộ hoa màu của Cali. Việt, Miên, Lào đều khoái mang rau về như cải làn, nghĩ đủ cách để dấu - thèm chi mà khổ sở quá vậy!
- Đồ ăn nấu chín thì được: bánh ngọt, bánh cuốn, heo quay. Heo quay ở Vancouver ngon nhất, heo non ít mỡ, nạc nhiều, tiệm nào cũng ngon, mẹ có dặn mua dăm pao thì cứ mạnh dạn mua vì không sợ bị hố. Chú Ba Tàu thấy đô la mừng lắm, gặp người lười đổi tiền ở biên giới cứ tiền Mỹ xài, mấy chú muốn đổi theo giá nào cũng được.
Tôi chợt nhớ:
-Thôi để viết thư kể tiếp. Ai trả tiền phôn đây?
Tánh tôi hay lo xa, cứ sợ người ta tốn tiền mà lại thích nói dài dòng.
Dũng cười cười:
-Để bà chị trả, rồi bả sẽ không còn hỏi mày làm gì mà chẳng để dành được tiền. Còn chuyện qua bên Bích Chuyên, chắc chắn thế nào cũng phải đi. Bà già hối hoài, đi thăm Bích Chuyên mới là quan trọng, chứ không phải Seattle hay Vancouver.
Cúp phôn rồi tôi vẫn không hiểu Dũng muốn nói gì. Làm gì mà bà già hối hoài? Chắc chỉ là một câu nói lộn xộn, không đầu, không đuôi, vậy thôi, nên thắc mắc rồi tôi lại quên ngay.
Lần đó Dũng không qua chơi được, cũng phải thông cảm, bên này xứ người thời giờ eo hẹp, ở xa nhau quá, đâu phải như dạo ở Sàigòn muốn đến thăm ai là cứ ghé qua, tạt ngang một chút. Ôi chao! Tôi vẫn nhớ những lần xẹt ngang bất ngờ của bạn bè, buổi trưa hè đang nằm lơ mơ hay ngồi thẩn thờ thì xoay qua thấy bóng dáng Ngọc Dao ở sau lưng hay chợt nghe tiếng xe gắn máy của Dũng tắt, đậu dưới bóng cây trứng cá trước nhà cành lá xum xuê đang nở rộ những bông hoa trắng, vậy mới thú, chứ đâu như bên này có muốn đến thăm ai là phải gọi phôn, phải sắp xếp, không thì đến rồi lại chẳng thấy bạn quí đâu, uổng công đi, thành ra đâm khách sáo quá chẳng còn chút thâm tình. Lúc này tôi đang rất thèm có bạn xa đến thăm. Tôi mơ mộng giá gì nghe chuông reng ra mở cửa, thấy Dũng thân thương đứng chình ình trước nhà tôi! Tưởng tượng thì dễ, việc có xảy ra hay không lại là chuyện khác. Ngọc Dao ở gần hơn, mà chẳng bao giờ nó qua thăm tôi! Tôi trách nó rồi ai trách tôi? Hồi đó hai đứa còn rất thân nhau. Viết thư cho nhau mỗi ngày. Những ngày còn quá bỡ ngỡ với đời sống mới. Than buồn, than lạnh, nói nhớ nhau. Ngọc Dao viết, cái xứ thật lạ lùng, ở trường học một tiếng (Anh), ra đường nói một tiếng (Pháp), đi métro sợ lạc, ra dấu mỏi tay luôn. Mùa thu đầu tiên ở Montreál, lá phong trở màu đỏ ối thật đẹp. Rồi mùa đông, trời xanh biếc mà lạnh cóng. Rồi phải găng tay, áo khoác, khăn quàng cổ, mũ nỉ, giày ủng, nghĩa là có bao nhiêu thứ đồ ngự hàn, nhỏ đem nai nịt hết vào người mà vẫn cứ run lập cập. Những bước chập chễnh trên nền tuyết đã đóng thành đá, phải cẩn thận, không lạng quạng là gẫy cổ, gẫy chân. Ngọc Dao khôi hài...nếu cứ cái đà mưa rơi tuyết đổ như thế này mãi, tao sợ tao không qua nổi mùa đông này đâu! Trời lạnh quá nên Ngọc Dao lấy chồng sớm. Viết thư qua lại mấy tháng trời mà nó vẫn chưa biết tiểu bang Washington của tôi nằm ở đâu. Nó nói tuần trăng mật tụi này sẽ qua thăm mày, nó tưởng tôi ở Washington DC, từ Montreál bay thẳng xuống là gặp, chừng nhìn bản đồ mới hay tôi ở tuốt mép Tây Bắc nước Mỹ. Nó kêu trời ơi, ở cái xứ gì mà xa ánh mặt trời dữ vậy, ý của nó là xứ Washington của tôi cũng giống như Cheo Reo, Phú Bổn Việt Nam vậy mà. Nó không hay là Washington của tôi có đông người Việt đứng hàng thứ ba nước Mỹ, tuy ở Tây Bắc nhưng nhờ dòng nước nóng của Thái Bình Dương nên không lạnh lắm, có lạnh lắm thì cũng chỉ xuống 30 độ F (nhiệt độ đông đá là 32 độ F), tuyết rơi mỗi năm 2, 3 lần mỏng 3, 4 inches, cao lắm là 12 inches nhưng rồi mưa xuống tan ngay. Nó cũng không ngờ là mười mấy năm sau, theo một thống kê của tờ báo Money (hay Fortune?), Seattle -phố núi với thông xanh, biển hồ, sông vịnh, bến phà, hải đảo- được bầu là thành phố lý tưởng nhất trên toàn nước Mỹ. Và từ đây đi Little Saigon, khu Santa Ana ở Cali, thủ đô người Việt tị nạn, thì gần hơn là từ Washington DC!
Về lại Tây Đức mãi một tháng sau Dũng mới gọi cho tôi. Vừa nghe tiếng trả lời từ đầu dây bên này, Dũng hỏi:
-Sao giọng khàn vậy, bộ đau hả?
Tôi có đau ốm gì đâu, chắc giọng nhừa nhựa vì còn thèm ngủ. Mà đã có một giấc ngủ đầy đủ đó chứ, ở nhà thương về tôi ăn miếng sandwich qua loa rồi đi ngủ sớm. Dũng lại nói tôi có vẻ buồn. Thấy Dũng lo lắng -mà giả dụ tôi đau ốm nặng, Dũng ở tận bên đó thì đã giúp được gì -tôi phì cười:
-Ờ, chắc Bích Chuyên buồn thật...buồn ngủ đó. Tuần này làm ca đêm cũng mệt!
Trời tháng mười, đêm về đã có sương mù. Seattle đang vào thu, gió thổi lạnh. Từ nhỏ tôi đã mong muốn làm bác sĩ với ý nghĩ cao cả giúp người, xin vào trường thuốc mấy lần không được, tôi đành học y tá, nursing bên này cũng cực khổ lắm, quần quật đại học 4 năm hẳn hòi. Anh tôi từng khuyên cũng học 4 năm, ra đi làm lại cực nữa, sao không học kỹ sư có phải hơn không. Đòi hỏi nhiều lương tâm chức nghiệp, ca tối, ca ngày, ca sáng, ca chiều, cuối tuần trực lung tung! Ai nói sao thì nói, tôi cứ chọn nursing, và yêu nghề lắm. Tháng ngày trôi qua. Bây giờ những đêm lái xe đi làm về, công việc khổ cực, lại thêm nỗi cô đơn của đời sống, trên đường khuya vắng lạnh, thỉnh thoảng mới có một hai chiếc xe chạy ngược chiều, tôi hay tự hỏi, mình đã chọn lựa đúng đường chăng?
-Thời tiết đổi mùa rồi dễ đau, Bích Chuyên phải cẩn thận!
Câu săn sóc đó tôi nghe mà tưởng chừng như có thể khóc được. Dũng để ý từng ly từng tí. Bên nay đầu phôn tôi nhảy mũi hắt xì, Dũng cũng hỏi. Tôi thương những cái nhỏ nhặt lẩm cẩm của Dũng, tại tính tôi cũng hay nhỏ nhặt lẩm cẩm như vậy.
-Bích Chuyên phải nhớ mặc áo cho đủ ấm!
Có người lo lắng, săn sóc, cảm động lắm, dù là mình làm nghề y tá chuyên săn sóc người khác. Dũng cứ dặn tới dặn lui. Như thể anh là một người thân của tôi mà vì ở xa không thể nào chăm lo cho tôi được!
Tôi không biết Ngọc Dao không còn ở với Ngữ, mà chính Dũng cho hay, lủng củng sao đó, đang làm giấy tờ ly dị. Xứ càng văn minh, tình nghĩa vợ chồng càng coi rẻ mạt. Lấy nhau rồi không ưa nhau nữa là bứt tuốt chia tay, mạnh ai đường nấy đi. Đời sống quay như chong chóng, ít người ngồi một chỗ chơi trò thủy chung, hy sinh nữa. Đừng mong "ván đã đóng thuyền" mà tin tưởng ngày thành ông bà già còn an ủi dìu dắt nhau đi. Lần đi chơi Montreál với bố mẹ, tình cờ Dũng đã gặp lại Ngọc Dao...Có thật tình cờ không?
Nghe tôi nói gần mười năm rồi, tôi vẫn chưa gặp lại Ngọc Dao, Dũng thích chí kể:
-Ngọc Dao cũng không thay đổi mấy. Coi bộ chỉ hơi mập ra, khuôn mặt có chút nhăn ở khóe mắt, và nụ cười nửa miệng thì không khi nào quên được!
Nghe đến đây, trái tim tôi tưởng như đang co thắt lại, đau nhói. Ngọc Dao thôi chồng, mà Dũng hồi nào tới giờ chưa lấy vợ, đẹp quá rồi còn chờ gì nữa? Hình ảnh họ trở lại với nhau gầy nên hạnh phúc mới trong khi tôi bị bỏ rơi ngoài cuộc, bơ vơ đáng thương làm tôi choáng váng, lạnh người. Rồi đây sẽ không còn ai gọi phôn nói chuyện với tôi nữa.
-Bích Chuyên, còn ở bên đó không? Sao không nghe ừ hử gì hết vậy?
Tôi giật mình:
-Ờ..ờ...còn đây! Đang nghe Dũng nói chuyện gặp Ngọc Dao.
Dũng cười:
-Đâu phải, Dũng đang dự tính đổi chỗ ở đây nè.
Đổi chỗ ở! Càng nghe, tôi càng đau nhói thêm, nơi ngực. Tôi giận Dũng, tôi giận Ngọc Dao. Thuở trung học, Ngọc Dao được Dũng thương. Rồi Ngọc Dao đi lấy chồng có con cái, sống hạnh phúc, còn tôi bên này vẫn cứ lận đận với những mối tình đâu đâu, thuyền tình cứ một chỗ mà xoay tròn. Bây giờ hạnh phúc cũ của Ngọc Dao có không còn thì Ngọc Dao đã có hạnh phúc mới, còn tôi, tôi chẳng có gì, cũng chẳng còn một bờ vai ấm áp để dựa lên mà khóc...những khi khổ đau!
Bà Nancy quan tâm muốn biết tại sao mấy lúc sau này tôi trầm lặng ít nói, ít cười. Tôi ngạc nhiên không ngờ bà tinh ý đến như vậy. Quả thật, tôi ít nói hẳn lại, làm việc lơ là chẳng còn hứng thú. Tôi hay thẩn thờ đứng bên dãy hành lang ở khu nội thương nhìn xuống khu vườn cây cối xanh um rồi khi không còn thấy đám chim sẻ quen thuộc nhảy nhót trên sân cỏ nữa, tôi buồn. Mùa thu, những lá phong vàng, đỏ đã rơi rụng khắp nơi, gió về lành lạnh thổi tung bay quấn quít. Mưa lất phất nhẹ, tôi lang thang một mình ở hồ Greenlake nghe cỏ cây hờ hững xa lạ, thấy lũ vịt nhỏ cũng buồn ngơ ngác đến tội. Mùa thu cứ mãi làm tôi buồn, cứ mãi làm tôi khóc. Nhìn vào gương, thấy mình lạ hoắc. Khuôn mặt ốm lại, có hai vết thâm quần nơi dưới đôi mắt. Hay là tôi đang đau mà tôi không hay?
Tuy cố quên nhưng tôi cứ nhớ câu Dũng nói hôm nào khi kể về Ngọc Dao...Nụ cười nửa miệng thì không khi nào quên được. Phải rồi làm sao quên được người xưa!
Trong lúc tôi không chờ đợi gì hết thì Dũng gọi. Nghe giọng nói quen thuộc, vì vui mừng hay vì dỗi hờn, tôi hỏi lãng xẹt:
-Sao gọi sớm vậy?
Dũng tưởng tôi trách, sửng một giây rồi nói nhỏ:
-Tại nhớ...gọi được không?
Lâu nay bận rộn chưa gọi Bích Chuyên được. Như việc trước tiên phải nói, nói ngay không quên, Dũng nói Dũng nhớ tôi. Một cách kỳ lạ. Rồi Dũng hỏi:
-Bích Chuyên biết tại sao không?
Tôi không trả lời câu hỏi mà lẫy hờn nói:
-Tưởng Dũng đi về nhớ Montréal mới phải.
Dũng ngạc nhiên:
-Tại sao phải nhớ đến thành phố đó...dù là thành phố có đẹp cách mấy, thì cũng là một chỗ mà một lần mình đã ghé chơi, thế thôi!
Trời ơi! Dũng lại bắt tôi nhắc:
-Ngọc Dao đang ở bên đó...(Tôi nói nhanh). Rồi Dũng sẽ không gọi Bích Chuyên nữa!
Giọng Dũng thật ấm:
-Bích Chuyên lẩm cẩm! Sao lại nghĩ vậy?
-Ngày xưa Dũng thích...Ngọc Dao!
-Đó là chuyện ngày xưa. Một phần đời Dũng đã cho vào ngăn kéo khóa kỹ rồi. Có thể cái chìa khóa Dũng cũng đã quăng mất tiêu luôn. Với Dũng, hiện tại mới là quan trọng.
-Chứ không phải Dũng và Ngọc Dao còn nợ với nhau? Bích Chuyên tưởng...
Dũng ngắt ngang:
-Không, không ai nợ nần ai hết...Mà có nợ là Bích Chuyên nợ Dũng. Bích Chuyên nợ Dũng từ mấy năm qua.
Tôi phản đối:
-Bích Chuyên đâu có vay mượn gì của Dũng!
Dũng nhắc tới tình bạn của Dũng và tôi. Làm gì mà có mãi một tình bạn giữa hai người khác phái hả Bích Chuyên? Chuyện gì lắm thế mà hai người nói hoài không hết? Bích Chuyên giải thích được không? Rồi Dũng nghiêm trang trách:
-Sao mình cứ đóng kịch mãi hả Bích Chuyên? Dũng không phải là một kịch sĩ có tài, cả Bích Chuyên cũng vậy. Sao mình cứ dối lòng nhau? Chẳng lẽ Bích Chuyên không biết Dũng thương Bích Chuyên? Chẳng lẽ Bích Chuyên không thương Dũng? Xứ lạ quê người tìm được người hiểu nhau đâu phải dễ! Bích Chuyên có biết là cứ nghĩ tới Bích Chuyên lòng Dũng đã đủ thấy ấm áp? Khoảng cách xa nhau không còn là điều đáng sợ nữa, chỉ sợ là mình lạnh lùng với nhau. Tụi mình đâu còn trẻ nữa, Bích Chuyên nghĩ sao nếu mình...lấy nhau cuối năm này?
Chàng tấn công thật nhanh. Tôi còn nghĩ sao nữa. Ý chàng là ý tôi! Vậy mà mấy tuần nay tôi đã khổ sở vì...ghen. Kể cho Dũng nghe, Dũng cứ mắng yêu tôi. Bích Chuyên lẩm cẩm! Thật lẩm cẩm đó Bích Chuyên!
Giọt lệ cứ tuôn tràn trên má, trên môi, nghe mùi mằn mặn, tôi lại khóc trong phôn, đâu phải tôi chỉ khóc những khi khổ đau, mà lần này vì quá vui mừng trong niềm hạnh phúc đó thôi. Dũng kêu em dễ khóc quá, lấy nhau về đừng khóc nữa, vì anh đâu có làm em khóc, em khóc người ta lại tưởng anh ăn hiếp em, mà anh hứa là sẽ chẳng bao giờ ăn hiếp em -hồi trước có lần Dũng chọc, Bích Chuyên dễ khóc như vậy, chắc đi đóng phim được!
Thanksgiving Dũng sẽ qua Mỹ thăm tôi -để tôi còn coi tóc Dũng có thật lốm đốm muối tiêu không -vì chúng tôi đã xa nhau một thời gian dài, bây giờ khác nào hai người lấy nhau qua sự mai mối sắp đặt! Rồi tuần lễ Giáng Sinh, Dũng sẽ đưa cha mẹ chàng qua hỏi cưới tôi. Hai chúng tôi bàn tính. Có nhau rồi, ở đâu cũng được. Bích Chuyên theo Dũng qua Tây Đức. Hay Dũng qua Mỹ cũng không có gì trở ngại. Hay Dũng vẫn đi làm cho Liên Hiệp Quốc lấy nhiệm sở ở Ý? Ừ nhỉ! Những ngôn từ nào con chúng tôi sẽ nói? Tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý, dù tiếng nào, về nhà nói chuyện với bố mẹ bắt buộc là phải nói tiếng Việt.
Như Dũng nói bây giờ ngàn dặm cách trở không còn là điều đáng sợ nữa, vì con tim chúng tôi vẫn gần nhau, ấm áp.
Dũng mải mê ao ước chuyện xa thật xa:
-Cầu mong là về già chúng mình vẫn có nhau khi chống gậy dạo mát bờ hồ, em nhé!
Tôi sung sướng trêu chàng:
-Dũng ơi! Dũng thật là lẩm cẩm! Thật lẩm cẩm đó Dũng! Em còn muốn trẻ mãi để yêu Dũng...chưa muốn làm bà già đâu, bà già mà cử chỉ âu yếm mùi mẫn quá thành bà già xí xọn đó.
Bên kia đầu dây, Dũng cười lớn, làm cái phôn như muốn vỡ tung. Hết cười, khi đó chàng chợt nhớ, chàng nói với tôi, em biết không rồi đây anh sẽ để dành biết bao nhiêu là tiền thay vì phải trả cho những cú viễn liên như bây giờ...anh muốn dùng tiền đó đưa em đi hưởng tuần trăng mật thật hạnh phúc, thật thoải mái.
Kết Thúc (END) |
|
|