Một bữa gió dầm dề, khách vắng teo, 13 nhân viên khu du lịch văn hóa So Le tổ chức nhậu nhẹt, xong rồi thi coi ai có cuộc đời buồn nhất. Mới biết, dì Chín nấu bếp hồi nào giờ chưa từng biết yêu ai, con Mỵ nghèo, toàn mặc đồ cũ của chị Hai, 18 tuổi mới vung vinh được bộ quần áo của chính mình.
Hường thì yêu thầm nhớ trộm ông thầy dạy toán... Xuyến kể sau cùng, bằng cái giọng hết sức điềm nhiên, cô nói 17 tuổi có yêu một người, yêu đến nỗi bỏ cha mẹ theo tình. 18 tuổi thằng nọ phụ phàng, bỏ cù bơ cù bất giữa chợ. Lúc ấy đã không còn đường về nhà nữa...
Mọi người rưng rưng bảo thôi, khỏi kể thêm khúc sau mày cũng xứng đáng là người có cuộc đời buồn nhất ở So Le này rồi. Rồi cả bọn lặng lẽ ngồi nghe gió thốc qua lòng, rúm ró nỗi cô đơn. Trời ơi, thêm một mùa gió đông nữa mà chưa người nào lấy được chồng. Tuyệt vọng như dì Chín nấu bếp đã đành, còn Mỵ, còn Lam, còn Hường... và cả Xuyến kia nữa, cô sắp qua khỏi thời con gái mất rồi.
Mà ngộ, chỉ Xuyến là không xao động gì hết, lúc gió về. Kể chuyện mình xong, cô đứng dậy, đóng hết các cửa sổ, lau sàn nhà, trải khăn lên bàn, xếp ghế cho ngay ngắn. Ngang qua phòng anh Năm, Xuyến vào coi có quần áo dơ không rồi gom ra sàn nước ngồi giặt, cằn nhằn anh sao để cổ áo thâm kim. Dửng dưng, bởi không còn gì để trông đợi, bởi Khởi đã thật sự không quay lại nữa rồi?
Hay bởi những mùa gió chẳng còn gì để lạ, Xuyến tới đây lúc khu du lịch mới hình thành, giám đốc Thụy hay bảo, Xuyến là bậc “khai quốc công thần” của So Le. Chân bước lên bờ, thấy vợ Thụy đang ẵm con ngơ ngác trước mênh mông hoang vắng, không sợ đã đành, đằng này, Xuyến mừng húm. Cụm nhà nghỉ lọt thỏm cuối bìa rừng. Biển đằng trước. Và gió lộng lồng trên đầu. Ở đây là cuối đất, xóm làng gần nhất cũng cách hai vạt rừng, sau lưng So Le chừng nửa giờ đồng hồ là trung tâm xã, thêm ba giờ để đến huyện, ra tỉnh mất nửa ngày. Tàu đò thường quăng lên khu du lịch những người khách xốc xếch, lử lả đường xa, họ cuống quýt ngắm rừng xanh ngời ngợi trên đầu, luýnh quýnh ngó những con thuyền dập dềnh thăm thẳm đằng phía biển. Nôn nả chạy ra mốc tọa độ chụp hình, hối nhà hàng dọn cơm ra. Vừa ăn vừa coi đồng hồ, tính xem thêm chén nữa thì có kịp chuyến đò trưa không. Vội vậy, nhưng vẻ thỏa mãn hiện lên trên nét mặt, vì chụp được cái hình ngay chỗ panô vẽ chữ mũi So Le tổ bố để về khoe với bạn bè, vì được móc cục đất khóc ồ ồ, ôi giời ơi, đất thiêng của ta ơi, đất thương đất nhớ ơi, sau đấy thì làm thơ.
Bọn Xuyến cố nín cười, thấy lòng vui, dù biết với những du khách này, chẳng thu lợi nhuận gì nhiều. Nhưng có họ cũng đỡ thèm ngươi, đỡ thấy mình giống khỉ. Rồi khu du lịch được vực dậy, bắt đầu từ một nhà hàng thủy tạ ngoài bãi bồi, cụm panô tiểu cảnh, những con đường xi măng giả gỗ ngoằn ngoèo luồn sâu vào rừng... Mũi So Le ngỡ ngàng giụi mắt đón những du khách cười nói bạo liệt, đạp mũi canô lên bến. Họ ở lại lâu, ca hát tưng bừng...
Nhưng đời đám nhân viên phục vụ bỗng buồn thiu. Khách đến, khách say, tán tỉnh, hôn hít họ rồi về (thì ca hay, phục vụ chu đáo, nên khách thưởng chơi vậy mà). Người ở lại chua chát nghĩ, điệu này rồi sẽ khó lấy chồng, đáng ra đôi má này đôi tay này phải để cho người mình thương yêu ấp. Có ai yêu mình, tin mình, chịu cưới mình khi suốt ngày mình đưa mặt cho người ta hôn hít (và cả đáp lại người ta, nếu có yêu cầu). Bà con ở đây cười cợt, dè bỉu đã đành, tệ như mấy anh chàng thợ xây nhà thủy tạ ốm tong teo, đen nhẻm, vậy mà không thèm chọc ghẹo một lời. Không biết đã đành, thấu hiểu, yêu thương như Khởi một bữa còn đập đàn bỏ Xuyến mà đi.
Chuyện đó cũng đã lâu, nhắc lại, Xuyến cười, quên mất tiêu rồi (giọng như quên cái nón, cái khăn, cây bàn chải đánh răng...). Chiều chiều, nó hay ra cái bến trước quán cà phê nhỏ của vợ chồng giám đốc Thụy, ngó xa theo con rạch loằn ngoằn, vắng ngắt. Như chờ đợi, như mong ngóng, như hy vọng... Nhưng có chờ đến tối chỉ chiếc đò máy chở bé Bi, con gái Thụy, tan trường về ghé lại. Xuyến lên nhà chơi với Bi (hú vía, may mà có con bé nhỏ teo xinh xẻo này). Xuyến nướng tôm cho Bi ăn, thắt mớ tóc xoăn mềm mại của Bi thành bím, Xuyến hỏi con bé bữa nay cô giáo dạy bài gì, rồi lớn nhỏ hai người vỗ tay hát nghêu ngao. Ai, nhìn thấy cảnh ấy cũng thương, Xuyến leo lẻo nói cười, thấy vậy mà không phải vậy.
Mọi người bảo nhau, lòng con nhỏ Xuyến vẫn còn đau. Một bữa thấy Xuyến vào phòng Khởi, thụp xuống vùi mặt vào chiếc áo anh bỏ lại. Một bữa nhìn trời mây nước mênh mông mà đôi mắt ráo hoảnh, trống trơ, nhìn mà không thấy gì hết. Một bữa thấy Xuyến tết tóc cho bé Bi, Xuyến rơi nước mắt.
Một bữa Xuyến bảo anh Năm Già đừng hát cái bài “Lòng dạ đàn bà”, “hồi đó anh Khởi hát hoài, em nghe mắc chán rồi”. Anh Năm vậy a, vậy à, mà trách mình vô ý dữ. 39 tuổi, sớm lấm láp bụi đời nên mặt anh Năm khằn, đen đúa, lưng hơi khom. Hôm tới đây anh vẫn còn là nhân viên hậu đài của đoàn ca múa nhạc. Hết mùa lưu diễn, bữa đó cả đoàn được thưởng một bữa nhậu tại mũi So Le. Ai cũng vui nên say quá chừng, say vùi dẫn cho đến khi một nhân viên của nhà hàng đập cây đàn vào bức tường trước mặt. Những sợi dây đứt bặt buốt nhức giữa tiếng gãy giòn, và trong những sững sờ, cồn cào một tiếng thở thảng thốt. Mắt mở trợn trạo, mặt đỏ bừng, Khởi lia tay vào bàn tiệc (như đang đếm gà, vịt), gằn giọng: “Cô nắm níu ở đây là vì thèm khát thứ người này sao, Xuyến?", xong quay lưng đi một nước.
Xuyến tuyệt vọng ngó theo, rồi cô run rẩy mỉm cười, lẩy bẩy rót rượu cho khách, bảo uống đi mấy anh, không có chuyện gì đâu... Nhưng cuộc vui tới đó đã tàn mất. Khách xuống tàu, anh Năm Già còn đứng trên bến, anh bảo sau này chắc nhà hàng mình thiếu người, tôi ở lại để đàn cho cô hát nghen, cô Hai. Xuyến lắc đầu cười thê thiết: “Anh tính đền cho tôi à... có phải tại anh đâu mà..." nhưng anh Năm đã quả quyết xô mũi tàu ra.
Anh ở lại mũi So Le, làm con khỉ thứ 13, những con khỉ khác cứ hỏi nhau sao chuyện đi ở thằng cha này coi nhẹ hều vậy cà. Anh được phân cho một căn phòng ngó ra hành lang phía sau có nhiều dây phơi, một bữa đang lui cui dọn giường nghe Xuyến mừng rỡ, ngỡ ngàng kêu “Anh Khởi”. Anh quay lại, Xuyến thất vọng bưng mớ quần áo quay đi. Năm "Già" xin được chuyển phòng.
Mỗi chiều Xuyến ra bến chơi, anh cũng xách dao dọn cỏ, tỉa cây gần đó, anh nói láp giáp đủ chuyện dưới đất trên trời (như thể mình mà im lặng Xuyến sẽ khóc mất). Anh nhằn gió trên trời, thổi chi cho tội, nhằn ai phơi khô cá thòi lòi không đặng nắng để bốc mùi thúi ủm. Nhằn cả chuyện độ rày gạo cá lên giá quá chừng... (ủa, chuyện này mắc mớ gì đàn ông lo).
Có khi Xuyến hụ hợ vài câu, có khi cô chỉ mỉm cười. Ngoài chỗ nói nhiều ra (mà toàn nói chuyện khơi khơi), sao mà anh Năm “Già” giống Khởi kỳ lạ. Giống cả cái yêu lặng lẽ, lầm lì (như ông trời trả lại y chang). Đóng cái móc áo trong phòng Xuyến, thay bóng đèn, sửa chốt cửa, nấu tô cháo nóng để đầu giương lúc Xuyến say. Ngày ngày, anh Năm bắc một cái ghế ngoài bàn tiệc, phục vụ việc hát hò cho khách, uống đỡ giùm Xuyến vài ly rượu khi khách mời. Anh còn lấy xuồng chở Xuyến với bé Bi chơi dài trong rạch, hái trái ô rô. Nhiễu khi Bi ngọng nghịu nói cười, thấy thương không chịu được, Xuyến ôm ghì nó, bảo sao mà em mê con nít quá chừng à, anh Năm. Anh cười hỏi sao Xuyến không đi làm cô nuôi trẻ. Xuyến lặng người đi, vì vết thương cũ trong lòng nghe rịn máu.
Khởi cũng có lần hỏi Xuyến câu ấy. Đâu chỉ vậy, nhiều bữa nhìn Xuyến quằn quại vì bị mời rượu say mèm, anh lẳng lặng ra thị xã xin sẵn một chỗ làm rồi hỏi Xuyến có đi với anh không, Xuyến cười, trời đất, đi đâu anh. Khởi bảo, đi làm cô nuôi trẻ, bỏ mũi So Le. Xuyến bần thần một thoáng (nhìn đứa trẻ ấy có một mụn thịt trong vành tay, có một nốt ruồi son đỏ sau gáy, có cái rón to nhăn nhúm buồn cười như cái mặt người, cái rốn 21 ngày mới rụng... như Bi không?). Tần ngần, Xuyến bảo: “Mai mốt nghen anh, bây giờ công chuyện đang rối... Mấy đứa Nga, Hường mới vô làm, công việc chưa rành, khờ ịt, chỗ mình còn xây dựng tùm lum, chẳng ai coi sóc... Đó, bé Bi con anh Thụy bệnh đang nằm ngoài trạm xá hỏng biết chừng nào về...".
Nhớ lại, nhiều lúc Xuyến cười, mấy lý do đó trớt quớt, chẳng ăn nhập gì với mình, hèn chi Khởi cười gằn, bỏ đi. Đáng lẽ phải nói như vầy, em thấy yêu mến, gắn bó mảnh đất này quá đi, anh à (nói theo kiểu thanh niên tình nguyện trả lời phỏng vấn trên truyền hình). Ở đây 3 năm rồi, bây giờ bỏ rừng, bỏ biển, bỏ cả những cơn gió đông cồn cào mắc dịch này thiệt không đành... Còn nữa nghen, bạn bè ở đây ai nấy đều tốt, vợ chồng giám đốc Thụy cũng thấy thương quá chừng, tóc sắp bạc màu mới kiếm được đứa con, chắc là hiếm muộn, chắc là chờ đợi, chắc là chữa trị rất tốn tiền. Em biết họ từ hồi họ còn ở chợ, trước nhà có một hàng điệp đỏ, mùa nắng lá rụng tả tơi, lá xếp dày, nằm lên đấy không sợ bụi đất...
Những lời hay ho đó, Xuyến học thuộc lòng, định nói vào cái ngày anh Năm mở lời biểu Xuyến theo anh. Một bữa hai người chơi thả tàu giấy dưới bãi với Bi, anh Năm nhìn Xuyến thật lâu, trìu mến nhìn chị em vung vinh thách nhau thuyền nào đi trước, cắn môi mấy cái; nhìn trước nhìn sau (như sắp truyền tin cho nhau giống trong phim Biệt động Sài Gòn), anh bảo: "Cô Xuyến mê con nít vậy, sinh cho tôi một đứa nghen". Hôm đó trời đứng gió, Xuyến nghe con ong o e trên ngọn đước, nghe mình rỗng không, nghe tim nín thít (và bần thần tự hỏi, đứa trẻ mình sẽ sinh với anh có cái ngón chân út quẹo đơ, có những sợi lông măng dày mịt che cả bớt đen sau cổ như con bé Bi xinh xẻo này không). Xuyến cười lạt nhách, lấy tay phát nước đẩy chiếc tàu giấy đi, Xuyến bảo, em chưa tính tới anh à. Anh Năm cũng cười, nhìn con tàu trắng trôi xa, từ từ mù mịt, bẽ bàng nghĩ, dường như Xuyến không quên được một người.
Sáng sau, anh Năm từ giã mũi So Le. Mọi người kêu trời, sao cha nội này đi ở đơn giản vậy kìa. Tiễn anh vòng vèo qua những con đường nhỏ trong rừng, ai cũng nghe tiếc, nghe đau, nói gièm với nhau (cốt để anh Năm nghe thấy), khu du lịch mình bộ khai trương ngay ngày xấu, hồi đó tới giờ không tổ chức được một đám cưới nào. Xuyến đi sau cuối, chân bời rời bước, anh Năm tần ngần hỏi: “Cô Xuyến có chuyện gì nói với tôi không?". Xuyến ngơ ngác một lát rồi cười, dạ, anh đi mạnh giỏi.
Và tàu mang người đi, thăm thẳm như thể nó đã nuốt chửng anh rồi. Mọi người hỏi Xuyến có sao không, Xuyến bảo, mai mốt cũng quên (như quên đôi dép, đôi giày... Và như quên Khởi). Rồi Xuyến đi gom khăn trải bàn, cuốn tất cả các bức màn, đem giặt. Nhưng vừa rảnh tay, Xuyến đã nghe buồn anh cõng buồn em đi lê thê trong dạ, cô dựa lưng vào tường, những vuông vải phơi trên đầu cồn cào, oằn oại, tơi tả gió. Xuyến ngồi ở đó, ngó nắng, bỗng thèm có con bé Bi ở cạnh, để khóc với nó chơi, để đi qua niềm đau đang như bão bời.
Để thấy đời có buồn thêm chút đỉnh, cũng không sao. Như thế này thì nhằm nhò gì cái hồi Xuyến xin làm bồi bàn cho một quán ăn trong thị xã, để được đi lại (chầm chậm) trên khúc đường gần đó, nhìn Bi bò lúm cúm trong nhà. Bi biết đi, mẹ dắt ra sân, Xuyến giả đò lại gần khen, em bé dễ thương quá hen, mà không dám xiết chặt Bi vào lòng, áp mặt mình lên đôi má phúng phính lông tơ, vì sợ mình sẽ khóc. Bữa kia mới buồn ác, thấy Bi lon ton chơi mình ngoài sân, bỗng không kềm được, Xuyến xốc Bi lên chạy một đoạn rồi thất thần dừng sững lại, kêu lên hai tiếng trời ơi, mình làm khổ nó rồi, mình nghèo như vầy... Xuyến đưa Bi quay lai. Nhưng khuya, ngủ không được, Xuyến lọ mọ lại khoảng sân đầy lá trước nhà Bi, rờ rẫm chỗ đất cạnh góc điệp già (chỗ đó, có một sáng đôi vợ chồng nọ mở cửa ra, thấy một đứa bé đang nằm say ngủ).
Mấy chuyện này may mà Xuyến giấu chặt trong lòng, phải kể ra chắc là buồn vô địch cấp huyện chứ sá gì cái mũi So Le nhỏ nhoi này.
Kết Thúc (END) |
|
|