Đang há mồm, ngửa cổ kều chùm roi đỏ mọng thì bất thình lình thằng Kiên ở đâu chạy về nhảy phóc lên lưng, ôm ghì lấy cổ tôi, làm tôi mất đà lảo đảo mấy vòng. Tức mình, tôi đứng dạng ngang, một tay chống nạnh, tay kia cầm gậy chỉ thẳng mặt thằng em, quát:
- Thằng kia! Mày làm cái gì đấy hả?
Nó cười híp cả mắt, giơ ra một bức thư.
- Hãy xem đây! Thư của chị Phùng Thu Hà Nam gửi cho em. Ha! Ha! Ha!
Tôi bĩu môi:
- Hà à... Na... am. Hà Nam của chúng mày là cái... đinh gỉ. Chị mày đây mới xứng là người để mày tôn kính, bái phục, em ạ!
Nó cũng bĩu môi, vặn lại:
- Phải... ải... Thế bà chị đã có điểm văn nào vượt quá điểm 5 chưa? Đã có bài viết nào được đăng báo chưa?
Mặt tôi nóng ran, mắt chớp lia lịa vì quả thật đúng như thế. Nhưng không thể để một thằng nhãi qua mặt, tôi khua môi lên mà bào chữa:
- Mày thì biết cái gì mà ra cái điều. Nói cho mà biết, chị mày còn giấu tài đấy thôi chứ thực ra trong con người này đang tiềm ẩn một hồn thơ lai láng cỡ Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu chứ đùa đâu...
Tôi chưa kịp nói hết thì thằng Kiên ôm bụng cười bò lăn bò càng làm tôi tức muốn... độn thổ. Đã thế phen này tôi sẽ làm thơ và đăng báo cho nó sáng mắt ra. Lần trổ tài đầu tiên tôi quyết định sẽ làm thơ lục bát có đầu đề là: “Con gà nhà em”. Sau một đêm thao thức vì... nghệ thuầt, tôi đã cho ra đời bài thơ kiệt tác với những vần thơ vô cùng thực tế:
Nhà em có một con gà
Mỗi lần nó gáy cả nhà đều khen
Mồt lần gà ta mon men
Đến gần gà mái làm quen tức thì
Anh chàng bị bạn đuổi đi
Trong cơn bực tức đã đi bụi đời.
Viết xong, tôi đọc đi đọc lại đến mấy chục lần, càng đọc càng thấy hay. Trong lúc chờ đợi đăng báo, lĩnh thưởng, lúc ăn, lúc ngủ, lúc nào tôi cũng moq đến cái cảnh mình được cả biển người ngưỡng mộ, đặc biệt thằng em tôi sẽ phải quỳ gối để xin chữ ký của chị nó. Nhưng đợi mãi, một tuần... hai tuần rồi một tháng mà vẫn chưa thấy gì, tôi cụt hứng: “có lẽ bị trục trặc đường bưu điện nên thư đến muộn”.
Để chắc chắn, tôi quyết tâm dùng ngòi bút sắc bén của mình để viết nên một tuyệt bút thứ hai. Lần này sẽ là thơ ba chữ cho độc đáo, mới mẻ. Song mãi mà tôi chưa tìm được cảm hứng sáng tác vì không biết có thể viết về cái gì. Đang bí đè tài, tôi bỗng nảy ra một sáng kiến: “Ngày xưa, các thi sĩ cứ uống rượu vào là tâm hồn bay bổng, lãng mạn và rồi thơ ra. Tại sao ta lại không thử cách ấy nhỉ?”.
Nghĩ thế nào, làm thế ấy, đợi cho cả nhà đi vắng, tôi rót trộm của bố ít rượu ngâm rắn. Rồi hí hửng, tôi ghé môi vào miệng chén. Chưa kịp ngửi, tôi đã kinh hồn bạt vía trước cái mùi nồng nặc hơi cồn, hơi men của nó. Nhưng tất cả vì nghệ thuật, tôi kịp trấn tĩnh lấy lại can đảm để... uống cho nó có cảm hứng. Sau khi bịt chặt lỗ mũi tôi đã dũng cảm “chiến đấu”. Và kỳ lạ thay, tôi thấy toàn thân nóng ran, dòng máu thi sĩ đang ào ào tuôn chảy, cả tâm hồn bay vút tận mây xanh. Trước khi “quay” ra giường, tôi đã kịp làm được một bài thơ ba chữ với một phong cách rất... Tản Đà – bài thơ có tựa đề: “Say” với chín câu toàn một vvần “ay” đầy cảm hứng rồi đay sẽ được biết đến bằng những tình cảm nồng nhiệt.
Uống say say
Đất quay quay
Trời quay quay
Đầu xoay xoay
Người xoay xoay
Chân lung lay
Đang múa may
Bỗng hồn bay
Và... lăn quay...
Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường, trán đắp khăn ẩm, toàn thân mệt mỏi, đầu óc đau như dần và mọi người đứng quanh, vẻ mặt ai cũng lộ rõ vẻ lo lắng. Thấy tôi mở mắt, ai cũng rối rít hỏi tôi xem trong người thế nào? Thằng Kiên oang oác cái mồm:
- Chị ấy chẳng sao đâu ạ! Chỉ tại chị ấy muốn làm nhà thơ nên đã tu rượu rắn của bố vào và bị... choáng đấy ạ!
Cả nhà phì cười trước sự ngốc nghếch của tôi làm cho lòng tự trọng của tôi bốc lên ngùn ngụt. Phải làm sao cho mọi người sáng mắt ra... Nhưng ý nghĩ ấy vừa lóe lên trong đầu đã khiến tôi muốn rụt cổ, lè lưỡi. Lần này không phải ai mà chính tôi mới là người phải sáng mắt ra. SOng có một điều là trước sau gì tôi vẫn nghĩ rằng: “Tôi là một nhân tài... bỏ sót của nhân loại”. Các bạn đừng có mà tỏ ra khinh rẻ tôi nhé, kẻo mà sẽ phải sáng mắt ra có ngày đấy!
Kết Thúc (END) |
|
|