Những lời đồn về ma quỷ, xương người và tử khí bốc lên ở toà lâu đài cổ của dòng họ khiến tác giả - người đại diện cuối cùng của một dòng họ quý tộc quyết tâm chứng minh về danh dự thanh bạch của tổ tiên. Tôi đã cùng một nhóm nhà khoa học nổi tiếng lao xuống tầng ngầm - một tử địa khủng khiếp từ thời hoang sơ để rồi chạm trán với những điều kinh dị và điên loạn...
Sau khi công việc phục hồi, sửa sang hoàn tất, tôi vội đến Exhem Prairie vào ngày 16 tháng 7 năm 1923. Việc phục chế thật tuyệt vời và kỳ vĩ.
Toà lầu đài ấy là nơi sinh ra và lớn lên của tổ tiên tôi, vì thế tôi không hề tính toán khi bỏ tiền xây dựng lại. Không còn ai sống ở đấy nữa suốt từ thời bi kịch khủng khiếp đổ ập xuống gia đình ngài James trưởng họ, khi ông chủ nhân cùng năm người con và một vài gia nhân đã chết đột ngột. Thành viên duy nhất trong gia đình còn sống là người con thứ ba của vị nam tước - cụ tổ trực tiếp của tôi. Ông đành phải rời khu nhà này vì kinh sợ và có mục đích khác là tránh mọi nghi hoặc.
Sau khi người con trai thứ ba của vị nam tước bị coi là kẻ giết người thì lâu đài ấy đã bị triều đình tịch thu. Nhưng người con trai thứ đó không muốn bào chữa hay đòi lại tài sản gì hết. Sự kinh hoàng còn lớn hơn cả những gì thuộc về lương tâm cắn rứt hay pháp luật gây ra, ông chỉ có một khao khát duy nhất là sẽ chẳng bao giờ phải nhìn thấy toà lâu đài ấy nữa. Vì thế, Walter de la Power, vị nam tước thứ mười ba của dòng họ ở Exhem đã biến sang vùng Virginia.
Lâu đài Exhem Prairie bị bỏ hoang không ai cư ngụ. Mãi về sau mới được sáp nhập vào đất đai của gia đình dòng họ Norris. Lâu đài đã thu hút sự quan tâm của các nhà bác học đến nghiên cứu vì kiến trúc phức tạp của nó: đấy là những ngọn tháp gôtích trên khung nhà Xắc-xông và La-mã với nền móng còn xưa hơn nữa, có lẽ từ thời Đạo giáo hay Kumbơ. Cái móng này vô cùng độc đáo, một bên nó gắn chặt vào bờ đá vôi cao trên sườn núi, nơi có một tu viện cổ hướng ra vùng thung lũng vắng vẻ cách làng Ankester ba dặm về phía Tây.
Nếu kiến trúc xa xưa ấy đã cuốn hút các nhà kiến trúc và địa chất bao nhiêu thì dân địa phương càng căm ghét nó bấy nhiêu. Sự căm thù đó nảy sinh từ thời tổ tiên tôi còn sống ở đây và đến giờ nó vẫn chưa nguội lạnh. Tôi ở Ankester chưa trọn một ngày thì đã nghe người ta kháo nhau rằng tôi là người có nguồn gốc sinh ra từ lâu đài đáng nguyền rủa ấy. Vào tuần này, công nhân đã phá lâu đài Exhem Prairie và hiện đang san bằng đống đổ nát. Tôi luôn hình dung rõ về phả hệ của gia đình và cũng biết chính xác việc ông tổ Mỹ của tôi đã rời quê cha đất tổ trong những hoàn cảnh lạ lùng như thế nào. Song tôi không biết chi tiết vì từ lâu gia đình vẫn giữ truyền thống im lặng về quá khứ. Toàn bộ giấy tờ liên quan đến lịch sử gia đình đều được cất giữ trong một phong bì niêm kín, nó được người cha chuyển cho con trai trưởng từ trước thời nội chiến với lời dặn chỉ được bóc sau khi ông qua đời. Mọi niềm tự hào đều có ngay tại đất Mỹ và dòng họ De la Power ở Virginia luôn được xã hội tôn trọng, dù người ta biết rằng họ nhà tôi kín đáo và ít cởi mở.
Dòng họ tôi bị chao đảo từ thời chiến tranh, khi trang ấp của dòng họ tôi là Carfax trên bờ sông James bị đốt cháy. Vào cái thời loạn lạc kinh hoàng ấy, người ông của tôi bị chết cho nên chiếc phong bì chứa mọi quá khứ dòng họ cũng biến mất cùng với cụ.
Chiến tranh chấm dứt, tất cả chúng tôi chuyển lên quê mẹ tôi ở miền Bắc. Tôi đã sống ở đó đến khi đứng tuổi và trở thành một người Mỹ điển hình. Cả cha tôi và tôi, không ai biết gì về nội dung đựng trong chiếc phong bì của dòng họ gia đình. Khi ấy tôi mải lo kinh doanh ở Massachusetts và chẳng còn chút hứng thú nào về bí mật lịch sử của gia đình mình. Nếu tôi nghi ngờ dòng họ đã dính dáng đến điều gì xấu xa thì có lẽ tôi cảm thấy sung sướng để từ bỏ lâu đài Exhem Prairie, mặc cho khu này làm tổ của bầy dơi và phong rêu phủ kiùn.
Năm 1904 Cha tôi qua đời và chẳng để lại chúc thư cho tôi lẫn con trai duy nhất của tôi là Alfred. Chính thằng bé đã làm thay đổi cung cách lưu truyền của truyền thống gia đình. Tôi cho nó biết về những phỏng đoán chưa nghiêm chỉnh hay đúng đắn về lịch sử dòng họ nhà tôi. Nhưng trong thời chiến nótrở thành sĩ quan không quân và đóng quân ở Anh quốc. Nó đã viết thư kể tôi nghe một số truyền thuyết thú vị có liên quan đến gia đình tôi. Thế là cậu con trai tôi đã biết được dòng họ De la Power có một quá khứ huy hoàng và khá tàn bạo từ những chuyện của người bạn Eduard Norris, vốn là đại uý trung đoàn không quân hoàng gia. Cậu là sống gần ngay cạnh toà lâu đài dòng họ nhà tôi ở làng Ankexter. Những huyền thoại và mê tín của nông dân vùng này thật thiên hình vạn trạng và kỳ lạ đến mức có thể theo đó mà viết thành tiểu thuyết. Dĩ nhiên Norris không coi những chuyện lạ thường đó là nghiêm túc, nhưng con trai tôi lại rất quan tâm đến chúng và rồi nó kể lại cho tôi nghe. Chính những chuyện huyền hoặc này đã tạo ra sự quan tâm của tôi đối với nguồn gốc dòng họ. Cuối cùng tôi quyết định phục hồi và phục chế toà lâu đài cổ kính mà đại uý Norris đã chỉ cho Alfred xem, tôi đã đề nghị bác của cậu Norris - người sở hữu toà lâu đài lúc bấy giờ - cho chuộc lại với một số tiền tương đối.
Năm 1918 tôi mua khu Exhem Prairie nhưng mọi kế hoạch phục chế bảo tồn phải gác lại vì con trai tôi từ mặt trận trở về với thương tật. Suốt hai năm sau tôi luôn chăm nom sức khoẻ cho nó đến mức thậm chí còn giao việc quản lý công việc cho những người khác trong nhà.
Năm 1921 tôi còn lại một mình sau cái chết của con trai tôi, không mục đích, không công việc khi tuổi già ập đến. Thế là tôi quyết định giành những năm cuối đời để phục chế khu nhà tôi vừa mua. Vào tháng chạp, tôi đi Ankexter và làm quen với đại uý Norris, một chàng trai tính tình dễ thương, tràn trề sinh lực. Cậu ta đánh giá rất cao về con trai tôi. Cậu giúp tôi thu thập truyền thuyết và lập kế hoạch phục chế. Thật ra khu Exhem Prairie chẳng gây ấn tượng gì đặc biệt với tôi - nó chỉ còn là một đống đổ nát phủ đầy rêu, đầy những tổ quạ, là những ngọn tháp với các bức tường trơ trụi gạch, không có sàn nhà tử tế với vật dụng cần thiết bên trong. Tất cả chúng như đứng trên mép bờ vực của tàn lụi.
Nhưng dần dần trước mắt tôi hiện lên hình hài một toà nhà tráng lệ của tổ tiên tôi cách đây ba trăm năm. Tôi bắt đầu hối thúc công nhân phục chế và chạm trán ngay với nỗi kinh hoàng xa xưa cùng mối căm ghét của nông dân vùng Ankexter. Sự kinh sợ và hiềm thù ấy dành cho cả toà lâu đài lẫn gia đình dòng họ tôi thời xưa và chúng mạnh đến mức lây sang những công nhân được thuê từ nơi khác tới và họ bỏ đi.
Con trai kể rằng khi nó tới Ankexter người ta xa lánh, tránh né nó chỉ vì nó mang họ De la Power. Giờ thì tôi cảm nhận rõ điều đó ngay với bản thân mình, do đó tôi đã đi thuyết phục đám nông dân rằng tôi hầu như chẳng còn liên quan gì đến tổ tiên của tôi cả. Nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục không mấy thiện cảm gì với tôi, và tôi phải thu thập mọi truyền thuyết của họ bằng cách thông qua Norris mà thôi. Hình như người ta không muốn tôi phục chế toà lâu đài mà họ vốn coi như hang ổ của quỷ dữ và phù thuỷ.
Sau khi phân tích những truyền thuyết do Norris cung cấp và báo cáo của các nhà khoa học, tôi kết luận: Exhem Prairie hiện ở trên một khu vực đền đài rất cổ xưa của thời kỳ đạo giáo (Druidiswe) hay tiền đạo giáo. Nơi mà người ta nghi rằng đã hoàn tất những lễ nghi rùng rợn nhất, và có lẽ sau đó đã nhập vào nghi lễ sùng kính thần bà mẹ vĩ đại Kibela do người La Mã đưa tới. Trên lớp gạch xây ngầm dưới đất những dòng chữ còn được giữ lại: "Mẹ... thiêng... liêng vĩ đại... sáng ta...", điều này chứng tỏ về tục sùng bái Bà mẹ vĩ đại mà người ta đã không thể cấm các công dân La Mã tuân theo. Các cuộc khai quật minh chứng rằng Ankexter là trại quân của đội binh thứ ba của hoàng đế Augustin. Tại đây đền thờ Đức Mẹ vĩ đại rất được sùng chuộng và luôn có đông khách hành hương với vô số nghi lễ qua sự chỉ đạo của quan tư tế người xứ Frigi. Truyền thuyết kể rằng sự suy yếu của tôn giáo cũ không hề làm ngưng những cuộc tế lễ Tửu thần trong lâu đài, còn các quan tư tế đã chuyển sang một đức tin mới mà không hề thay đổi nếp sống của mình. Những cuộc hành lễ bí mật vẫn tiến hành và sau khi nền thống trị của La Mã cáo chung, một số người Xắc-xông đã dựng lại ngôi đền bị phá. Họ lập nên ở đây một trung tâm thờ phụng. Khoảng gần năm 1000 trước công nguyên, Exhem Prairie được nêu lên trong biên niên sử như là một lâu đài được một khu vườn lớn bao bọc không cần rào chắn. Toà lâu đài này thuộc về một dòng tu bí ẩn và đầy quyền năng. Nó không bị người Viking phá huỷ, nhưng sau cuộc chinh phục của người Noocmăng thì có lẽ nó lâm vào tình trạng hoang tàn. Dù thế nào đi nữa thì năm 1261, Henrik đệ Tam đã ban tặng toà lâu đài cho tổ tiên tôi là đức ông Hilbert de la Power, vị nam tước Exhem đầu tiên.
Trước năm đó, thanh danh dòng họ gia đình tôi rất trong sáng, nhưng về sau có chuyện gì đó xảy ra. Trong sử biên niên năm 1307 có nêu tên một ngài De la Power "bị Thượng đế nguyền rủa", còn trong các truyền thuyết dân gian thì toà lâu đài xây cất tại nơi có ngôi đền ngẫu tượng giáo khét tiếng là khủng khiếp và ghê gớm. Những truyền thuyết này đã tạo nên mối kinh hoàng đầy mê tín và càng được thổi phồng dưới áp lực của bao chuyện đầy âm mưu đen tối. Chúng cho thấy tổ tiên dòng họ tôi là con đẻ của quỷ sứ mà trong số đó, hầu tước de Sad và Gile de Retx chỉ là những đứa trẻ vô tội, và tổ tiên tôi được gán cho cái tội dính dáng đến sự biến mất của nhiều người suốt vài thế hệ.
Ô danh nhất chính là các ngài nam tước cùng những người kế vị trực tiếp của họ. Nếu một chủ nhân nào đó của toà lâu đài có đức tính thẳng thắn thì chắc chắn họ phải chầu trời bằng cái chết mau chóng không giải thích được, để rồi một kẻ độc ác thế chỗ họ. Dường như các ngài nam tước Exhem này có một tục thờ phụng bí ẩn của riêng dòng họ, thậm chí không cho tất cả mọi thành viên trong gia đình biết và chỉ do người trưởng tộc điều khiển. Một chuyện nữa khiến tôi đau lòng là những điều xì xào về những tiếng kêu gào than khóc ngoài thung lũng vắng vẻ lạnh lẽo dưới ghềnh đá vôi, về mùi thối rữa bốc lên từ đó sau những cơn mưa, về khúc xương trắng lọt dưới chân ngựa của ngài John Clive và về gã gia nhân hoá điên sau một lần nhìn xuống tầng hầm toà lâu đài cổ. Đúng là những chuyện cổ tích kinh sợ song tầm thường vì khi đó tôi là kẻ hoài nghi. Thật khó bác bỏ câu chuyện về những người nông dân mất tích, mặc dầu vào thời trung cổ chuyện này không phải hiếm thấy.
Một số truyền thuyết kỳ lạ đến nỗi tôi lấy làm tiếc vì thời trẻ mình lại chưa học môn thần thoại đối chiếu so sánh. Chẳng hạn, một truyền thuyết giải thích những vụ thu hoạch rau quả bội thu trong các khu vườn trong lâu đài là do chúng là đồ ăn cho lũ dơi phù thuỷ mà cứ thứ bảy lại kéo lũ về đây tụ hội. Nhưng kỳ lạ hơn hết là chuyện kể về lũ chuột cống. Một lần, cả một bầy bẩn thỉu những con vật gớm ghiếc ấy chạy ào ra khỏi lâu đài và trên đường chúng nghiến ngấu chén sạch cả gà, mèo, chó, lợn sữa, cừu. Sự điên cuồng của chúng chỉ dịu đi sau khi chúng cắn chết hai nông dân. Việc đó xảy ra và chỉ ba tháng sau những người cuối cùng cư ngụ tại lâu đài ra đi.
Ngày 16 tháng sáu năm 1923 tôi chuyển nhà, cùng định cư với tôi trong lâu đài là bảy gia nhân và con mèo già tuổi nhất tên là Niggerman mà tôi mang theo từ Massachusetts, còn những con khác tôi mua được lúc sống ở nhà đại uý Norris khi công việc phục chế đang tiến hành.
Chúng tôi sống yên ổn, thoải mái trong năm ngày đầu. Sau đó con mèo già có tính phớt lạnh của tôi tỏ ra lo lắng, bồn chồn một cách lạ lùng. Nó luôn hốt hoảng nhảy từ phòng này sang phòng khác và thường xuyên đánh hơi cái gì đó. Hôm nay tại phòng làm việc trên tầng hai có vòm cung cùng các bản tường bằng gỗ sồi màu thẫm và chiếc cửa sổ kiểu gôtích ba cánh trổ ra phía thung lũng vắng lặng dưới ghềnh đá, tôi tiếp một gia nhân vừa tới than phiền rằng tất cả lũ mèo trong nhà có hành vi bất thường lo lắng. Tôi lập tức nhớ tới việc con Niggerman già đã rón rén bò dọc bức tường phía tây và lấy vuốt cào những bản gỗ mới lát phủ bức tường đá cũ.
Tôi đáp lời gia nhân rằng có thể lớp đá xây dưới các bản gỗ lát toả một thứ mùi mà người không thấy được nhưng lại tác động đến khứu giác thính nhạy của mèo. Thực tế tôi đã nghĩ như vậy và khi gã gia nhân nói có thể có chuột nhắt hay chuột cống thì tôi bảo suốt ba trăm năm nay ở đây không có chuột, thậm chí đến chuột đồng cũng không thể lọt vào đấy được. Vào hôm ấy tôi ghé qua nhà đại uý Norris nói chuyện và chàng khẳng định với tôi rằng quả sẽ là chuyện kỳ lạ một khi chuột đồng lại lọt được vào toà lâu đài bằng đá xây này.
Buổi tối sau khi nói chuyện với gia nhân như thường lệ, tôi bước vào phòng ngủ ở ngọn tháp phía tây mà tôi đã tự chọn cho mình. Một chiếc cầu thang bằng đá có từ xa xưa và một hành lang ngắn được trần thiết lại chạy từ phòng làm việc dẫn vào phòng ngủ. Phòng ngủ này hình tròn, có trần cao, bốn bức tường có lát gỗ và được trang trí bằng các tấm thảm treo tường tự tay tôi chọn mua ở Luân Đôn.
Sau khi cho con mèo Niggerman vào phòng, tôi khép chiếc cửa ra vào và nặng nề đóng theo kiểu gôtích lại, cởi quần áo dưới ánh sáng ngọn đèn điện bé xíu làm giả ngọn nến, đoạn tắt đèn và nằm xuống chiếc giường có mùng, chú mèo Niggerman thì cuộn tròn dưới chân. Tôi không buông mùng mà cứ nằm, mắt nhìn qua khe cửa sổ nhỏ hẹp: ánh hoàng hôn trên trời tắt dần, những nét trang trí hoa văn cửa sổ qua lớp rèm nom thật xinh xắn.
Có thể tôi đã thiếp đi bởi vì tôi nhớ tiếng động bất thình lình do cú nhẩy của con mèo gây ra đã khiến tôi choàng tỉnh. Trong thứ ánh sáng mờ nhạt tôi thấy hình bóng con mèo: đầu vươn về phía trước, hơi chân trước hơi khom lại, hai chân sau duỗi thẳng nom căng thẳng lắm. Nó nhìn chằm chằm vào đâu đó trên tường ở mé tây cửa sổ đó, nhưng dần dà sự chú ý của tôi đã tập trung vào cái điểm đó.
Nhìn chăm chú một lúc tôi hiểu rằng chẳng phải vô cớ mà con mèo đã tỏ ra lo lắng đến thế. Tôi có cảm giác những tấm thảm trên tường lay động, nhưng tôi không thể khẳng định chắc chắn về điều này. Điều tôi dám chắc là việc sau các tấm thảm tôi nghe thấy tiếng ồn ào khe khẽ giống như chuột nhắt hay chuột đồng vừa chạy vừa kêu. Một giây sau đó, con mèo nhảy lên một tấm tranh thảm và giật nó rơi xuống sàn làm lộ mảng tường cũ mà trên lớp vữa mới trát không hề có dấu vết con chuột nào hết.
Con Niggerman cứ dùng móng vuốt cào tấm thảm, thỉnh thoảng cố thò chân vào giữa ngách tường và sàn lát gỗ sồi, vừa đưa chân vừa chạy dọc bức tường. Nó chẳng tìm thấy gì mà miễn cưỡng trở lại giường với tôi. Suốt thời gian đó tôi không rời khỏi chỗ, nhưng rồi sau đó tôi chẳng hề ngủ được.
Sáng ra tôi hỏi tất cả mọi gia nhân, nhưng chẳng ai thấy điều gì lạ cả, chỉ có chị bếp nhớ rằng một con mèo cái ngủ trong buồng chị ta trên bậu cửa sổ bỗng nhiên rú lên đánh thức chị dậy rồi sau đó nó nhảy vọt ra cửa ra vào không khép và lao xuống cầu thang. Tôi ngủ gật cho đến bữa trưa, rồi sau đó lại nhà đại uý Norris. Chàng ta rất quan tâm đến chuyện tôi kể. Những điều xảy ra tuy nhỏ nhặt, nhưng thật lạ lùng đã thức tỉnh trí tưởng tượng của chàng, và lập tức Norris nhớ lại số điều mê tín huyền bí ở vùng này. Dựa vào chúng, Norris đưa tôi thuốc bả chuột và cái bẫy chuột và khi về đến nhà tôi liền đưa các gia nhân đặt thuốc chuột và các bẫy chuột ở trong lâu đài.
Tôi đi ngủ và mau chóng thiếp đi, nhưng chẳng bao lâu tôi tỉnh dậy vì một cơn ác mộng. Từ trên rất cao tôi nom xuống một cái hang nửa sáng nửa tối, nơi đây bùn ngập đến đầu gối, một gã quỷ chăn lợn có chòm râu trắng đang lùa những con vật gì đó nhún nhùn bị thối rữa mà bộ dạng của chúng làm cho tôi ghê tởm không sao tả xiết. Sau đó gã dừng lại gật đầu với ai đó. Thế là một đàn rất đông chuột cống lăn từ mép vực xuống để ăn thịt nghiến ngấu cả gã râu trắng lẫn những con thú kia.
Những chuyển động của con Niggerman đã thức tôi dậy. Tôi lập tức thấy vì sao nó uốn cong lưng ư ử, dùng vuốt cào chân tôi. Khắp nơi đều nghe thấy tiếng những con chuột cống to, đói chạy khắp lâu đài. Trời tối như mực, vì thế trong bóng tối tôi không thể nhìn rõ các bức tranh thảm có lay động không, vì vậy tôi bật đèn lên.
Khi bóng đèn sáng thì tôi thấy các tấm thảm đung đưa khiến cho những tua viền độc đáo rung rinh tựa hồ vũ điệu của thần chết. Nhưng rồi cả sự rung rinh lẫn mọi tiếng động chấm dứt ngay. Nhảy từ trên giường xuống, tôi với lấy tay nắm túi chườm nóng dùng than và dùng nó để chọc sâu vào đằng sau các tấm tranh thảm và nhấc một cái lên. Ở đấy chẳng có gì cả chỉ một bức tường trát vữa, và thậm chí con mèo cũng thôi cái vẻ căng thẳng. Tôi xem xét cái bẫy chuột được đặt trong phòng. Nắp bẫy sập xuống nhưng bẫy rỗng không: thậm chí một chút xíu lông cũng không thấy.
Giờ thì chẳng còn nói gì tới việc ngủ nghê nữa, vì vậy tôi cầm cây nến đi cùng con mèo theo hành lang tới chỗ cầu thang dẫn xuống phòng làm việc của tôi. Nhưng khi chúng tôi vừa bước đến các bậc thang đá thì con Niggerman vọt lên trước và biến mất. Khi tôi bước vào phòng làm việc thì lập tức nghe thấy những âm thanh mà không thể lẫn lộn với bất cứ cái gì.
Những tấm ván lát gỗ sồi vọng lên tiếng đàn chuột kêu, còn con Niggerman lao tới lao lui với vẻ cuồng nhiệt của gã thợ săn bị mất con mồi. Tôi bật đèn, nhưng lần này tiếng động không chấm dứt. Bọn chuột tiếp tục trò nghịch của chúng và ầm ầm với sức mạnh đến mức tôi có thể xác định được hướng chung trong cuộc di chuyển của chúng. Quả là đang diễn ra cuộc chuyển dịch khổng lồ của đám sinh vật này từ đâu đó bên trên xuống tầng hầm hoặc còn sâu hơn nữa.
Tôi nghe thấy tiếng chân bước ở hành lang, cửa mở ra và hai gia nhân xuất hiện. Hoá ra là tất cả những con mèo còn lại bỗng nhiên đều gầm gừ và cong lưng lên rồi sau đó chúng lao xuống cầu thang và bây giờ đang meo meo và cào cào vào các cửa ra vào dẫn xuống tầng hầm. Tôi hỏi xem hai gia nhân kia có nghe thấy chuột không thì họ lắc đầu. Tôi bảo họ để ý đến tiếng sột soạt nhưng lập tức nhận ra là đã im ắng.
Hai gia nhân đi kèm tôi xuống cửa tầng ngầm nhưng lũ mèo đã tản mát đi hết cả. Tôi bèn quyết định xem xét tầng hầm sau, hiện thời chỉ xem các bẫy chuột thôi. Tất cả các bẫy đều sập nhưng không có con chuột nào mắc bẫy cả. Tôi cứ ngồi vậy đến sáng trong phòng làm việc rồi thiếp đi một lúc đến trưa trong chiếc ghế bành ở thư viện, chính việc đặt cái ghế bành này đã làm hỏng đi nội thất Trung cổ. Sau đó tôi điện thoại cho đại uý Norris để chàng đến và giúp xem xét việc tầng hầm.
Chúng tôi chẳng thấy có gì lạ cả ngoài việc cảm thấy xao xuyến với cảnh khu hầm mộ có lẽ được xây lên bởi cánh tay người La Mã. Những cái vòm thấp và những chiếc cột dày đúng kiểu La Mã chứ không giống những công trình thô mộc của người Xắc-xông. Trên các bức tường là rất nhiều những dòng chữ đã được các nhà khảo cổ mô tả, chẳng hạn: "Nhà vua... thời... chống... Pontific... xứ Atis..." Khi thấy dòng chữ về Atis tôi bất giác giật mình nhớ lại rằng tôi đã đọc tác giả Katulla về những lễ nghi khủng khiếp dâng lên vị thần phương Đông này. Sự cúng tế vị thần ấy đã hoà trộn với sự sùng kính Đức mẹ vĩ đại Kibela. Dưới ánh sáng đèn pin, tôi và Norris chẳng có gì thành công đặc biệt khi cố gắng lý giải những bức vẽ đã bị mờ phần nửa trên những khối đá vuông từng được dựng làm bàn thờ. Chúng tôi bỗng nhớ lại là có một hình vẽ Mặt trời với các tia sáng đã được các nhà khoa học xác định niên đại vào thời kỳ trước La Mã. Thế có nghĩa là các bàn thờ đã được các quan tư tế La Mã lấy từ khu đền thờ cổ xưa hơn của dân địa phương ở chỗ này. Những vết màu nâu trên một bàn thờ đã thu hút sự chú ý của tôi. Trạng thái bề mặt của bàn thờ lớn nhất trong số đó đã cho thấy người ta đã đốt lửa trên đó: Có lẽ vật hiến tế, nạn nhân đã bị đốt cháy ở đấy.
Tôi với Norris quyết định qua đêm ở trong hầm mộ này nơi lũ mèo đã cào cửa. Gia nhân đã khiêng mấy cái đi văng xuống và họ được ra lệnh không được chú ý đến cuộc di chuyển của đàn chuột lúc ban đêm. Con Niggerman được chúng tôi mang theo vì tin tưởng vào sự thính nhạy của nó. Chúng tôi khép cánh cửa gỗ sồi nặng nề lại, châm đèn và chờ đợi.
Tầng ngầm rất sâu vì móng của nó có lẽ ăn sâu thậm chí vào cả núi đá vôi với ghềnh đá lơ lửng tr6n khu thung lũng hoang vắng. Tôi không hồ nghi việc lũ chuột không biết từ đâu tới đã lùng sục lao tới chính nơi đó. Trong khi nằm đợi thỉnh thoảng tôi lại chìm vào một giấc ngủ chập chờn rồi lại choàng tỉnh vì những cử động đầy căng thẳng của con mèo.
Tôi lại mơ thấy chuyện kinh hãi, nhưng lần này mọi chi tiết của cơn ác mộng dường như gần lại hơn, nhìn thấy rõ ràng hơn. Tôi chăm chú nhìn những đường nét nhoè của một con vật rồi bỗng thức dậy với tiếng hét to đến nỗi con Niggerman nhảy bật sang bên, còn đại uý Norris thì cất tiếng cười.
Khi mọi sự bắt đầu, Norris liền đánh thức tôi và bảo tôi lắng nghe các con mèo. Từ phía ngoài cửa vọng lại tiếng mèo kêu xé ruột và tiếng vuốt cào, còn con Niggerman chẳng hề chú ý đến các đồng loại bên ngoài mà cứ chạy đi chạy lại dọc các bức tường trần trụi.
Vì một điều gì đó dị thường không thể giải thích nổi nên tôi thấy kinh sợ. Nếu như tôi và lũ mèo không có ảo giác thì đúng là đàn chuột đang sột soạt kia chui từ trên xuống dưới bên trong những bức tường La Mã mà tôi cho rằng được xây bằng những khối đá đặc. Nhưng thậm chí nếu điều đó có là như vạây, nếu trong đó có những sinh vật sống thì vì sao Norris không nghe thấy chúng? Vì sao Norris rất chú ý đến Niggerman và lũ mèo ở bên ngoài song lại không hề đoán định xem hành vi của chúng do cái gì gây ra.
Nghĩ vậy tôi liền cố gắng kể một cách bình tĩnh và lôgíc cho Norris nghe về những gì tôi đã nghe thấy, song ngay lúc đó tiếng động tắt hẳn. Tiếng động đã tới xa hơn xuống dưới, vào sâu hơn, thấp hơn tất cả mọi tầng hầm có thể và dường như tất cả ghềnh đá dưới chân chúng tôi đều chen chúc những con chuột đang chạy ầm ầm. Norris không hề bộc lộ chút nghi ngờ nào mà ngược lại, chàng nghe tôi một cách chăm chú. Bằng cái khoát tay chàng chỉ cho tôi hay bọn mèo ngoài cửa đã im lặng, dường như mọi dấu vết của bầy chuột đã mất, song con Niggerman lại gầm gừ và bây giờ rối rít như điên dại cào xuống nền bàn thờ ở giữa khu hầm mộ.
Có một cái gì lạ thường đang xảy ra. Tôi thấy đại uý Norris, giờ cũng có vẻ lo lắng thật sự. Chúng tôi lo lắng nhìn con mèo bây giờ đang dần dần bình tĩnh trở lại, tuy nhiên vẫn cứ chạy quanh bàn thờ.
Norris đưa chiếc đèn lại gần bàn thờ hơn, chàng quỳ xuống và dùng tay bới lớp rêu xưa cũ để nhìn cho rõ hơn cái nơi tấm đá nặng đè xuống sàn. Norris chẳng tìm thấy gì và đã muốn đứng dậy thì bỗng nhiên tôi nhận ra một tình huống giản đơn nhưng đã khiến tôi phải run rẩy mặc dầu điều đó chỉ khẳng định cho những mối hoài nghi đã hình thành trong tôi.
Tôi nói ngay điều đó cho Norris hay và chúng tôi hồi hộp quan sát cái hiện tượng thông thường không gì bác bỏ được: ngọn lửa của cây đèn đặt gần bàn thờ đã bị xiên lệch đi sang một bên như có cơn gió lùa. Không nghi ngờ gì nữa, luồng khí bốc ra từ khe hở giữa sàn và bàn thờ.
Phần đêm còn lại trôi qua trong phòng làm việc tràn ngập ánh sáng, chúng tôi ngồi thảo luận những hành động tiếp theo. Người ta sẽ rất kinh ngạc khi chỉ cần biết một phát hiện rằng dưới khối đá xây La Mã cổ xưa này còn tồn tại một hầm mộ sâu hơn nữa mà hiện thời chưa có ai trong số các nhà khảo cổ đã làm việc ở đây suốt ba trăm năm qua. Mà nơi đây còn có biết bao truyền thuyết ghê rợn xung quanh lâu đài nữa chứ, ý thức bị kích động của chúng tôi nhắc nhở đến hai lối thoát: hãy rời bỏ lâu đài này mãi mãi, hoặc lấy hết can đảm để quyết định thực hiện những cuộc mạo hiểm và tiến hành việc khai quật sàn nhà lên để tiến vào lòng đất.
Đến sáng chúng tôi đồng ý thoả hiệp: tới Luân Đôn thuê một nhóm các nhà khảo cổ chuyên nghiệp và vén tấm màn bí ẩn lên với sự giúp đỡ của họ. Tuy nhiên, trước khi rời khu hầm, chúng tôi đã chẳng thành công khi toan tính nhấc bàn thờ ra chỗ khác, mà chắc chắn chính cái bàn thờ là cửa dẫn tới một nơi bí hiểm đáng sợ, vì vậy giờ đây chúng tôi rất muốn giành cho những nhà chuyên môn tìm hiểu mọi sự.
Chúng tôi ghé lại Luân Đôn một thời gian lâu để đàm phán với năm nhà khoa học. Sau khi xem xét những sự kiện, phỏng đoán truyền thuyết do chúng tôi trình bày, họ không những không cười chế nhạo chúng tôi mà ngược lai, họ biểu lộ mối quan tâm cùng sự đồng cảm chân thành. Không cần phải nhắc tên tất cả bọn họ, nhưng tôi có thể nêu tên chẳng hạn ngài William Brinton nổi danh với những cuộc khai quật khu thành Tơroa. Cuối cùng khi đoàn tàu chuyển bánh, cái đoàn tầu chở cả nhóm chúng tôi về Ankester, bỗng tôi cảm thấy mình đang đứng trên ngưỡng cửa những phát hiện khủng khiếp. Có thể cái chết của vị tổng thống của chúng tôi ở bên bờ đại dương trùng hợp với sự mở đầu cuộc hành trình và bầu không khí tang tóc chung giữa những người Mỹ sống ở Anh quốc đã tác động đến như vậy.
Buổi chiều tối, ngày mồng bảy tháng 8, chúng tôi về đến Exhem Prairie và được biết khi chúng tôi vắng mặt thì chẳng có gì bất thường xảy ra cả. Lũ mèo hoàn toàn ăn ngon ngủ yên, chẳng có cái bẫy chuột nào bị sập hết. Chúng tôi dự định bắt đầu nghiên cứu vào hôm sau, còn hiện thời tôi bố trí khách đến nghỉ ở các phòng.
Còn tôi ở lại phòng ngủ của tôi chỗ ngọn tháp cùn chú mèo Niggerman. Tôi thiếp đi rất nhanh nhưng lập tức những cơn ác mộng lại vồ lấy tôi. Tôi mơ thấy một ngày hội tiệc La Mã tại đó, trung tâm chú ý là một món ăn đậy kín tàng chứa một cái gì đó thật khủng khiếp. Sau đó gã mục đồng ghê gớm đáng nguyền rủa cùng bầy gia súc bẩn thỉu trở lại trong cái hang tranh tối tranh sáng. Song tôi dậy muộn khi trời đã sáng bạch. Niggerman vẫn còn ngủ say. Khi xuống gác tôi thấy trong nhà đang ngự trị sự yên tĩnh. Một trong số các nhà nghiên cứu là ông Toruton đã toan giải thích khá ngây ngô về sự tĩnh mịch, ông cho rằng những sức mạnh nào đó đã chỉ cho tôi thấy những gì mà tôi đã cần phải thấy rồi và đó là nguyên do sự yên tĩnh.
Đến 11 giờ thì tất cả mọi chuyện đã được chuẩn bị. Sau khi được trang bị bằng những ngọn đèn công suất mạnh và dụng cụ chuyên dụng, chúng tôi xuống tầng hầm và đóng cửa ra vào lại. Do tin tưởng vào độ thính nhạy của Niggerman nên các nhà khoa hôc quyết định mang theo chú mèo đề phòng chạm trán với lũ chuột.
Chúng tôi liếc qua những dòng chữ La Mã cùng những hoa văn trang trí nơi bàn thờ, bởi vì ba trong số các nhà khoa học đã thấy từ trước, và cả năm người đều đã đọc phần mô tả những điều đó rồi. Giờ thì tất cả mọi chú ý tập trung vào bàn thờ trung tâm và một giờ sau ngài William Brinton đã đưa chiếc xà beng là đòn bẫy vào kẽ và cả tấm lát đáy đã được lật nghiêng về phía sau.
Nếu chúng tôi chưa được chuẩn bị về tâm lý từ trước thì chắc chắn cái cảnh tưởng kinh khủng vừa được mở ra đã làm cho tất cả chúng tôi hoảng hốt và bàng hoàng rồi. Qua một tấm lỗ cửa vuông trên bàn đá chúng tôi thấy chiếc cầu thang với các bậc đã mòn trên đó rải đầy xương người. Bộ dạng của những bộ xương còn nguyên vẹn, nhiều khúc xương đã bị chuột gặm, nhiều cái đầu lâu chứng tỏ về sự điên dại rõ ràng hoặc những hành vi kì quặc nơi những chủ nhân của chúng.
Xuôi xuống cuối cái thang kinh khủng này là một đường hầm hình như được đục vào vách đá và dẫn dòng không khí xuyên qua, đó không phải là sự dao động của không khí thì khoảng khắc như lúc đóng chặt nắp cửa hầm mà là sự thông khí mát mẻ thường xuyên. Hơi chậm lại một chút, chúng tôi run rẩy, rùng mình bắt ty dọn dẹp lối đi. Chính lúc đó thì ngài William sau khi xem xét các bức tường đá bàn nói rằng căn cứ vào hướng của những lớp đá thì đường hầm này được đục xuyên xuống dưới. Bây giờ là lúc tôi phải trấn tĩnh và lựa chọn từng từ, từng chữ một cách đặc biệt cẩn thận để nói.
Sau khi bước xuống vài bậc nhỏ, chúng tôi thấy có ánh sáng ở phía trước, đó không phải là thứ ánh sáng lân tinh huyền hoặc ma quái mà là ánh sáng ban ngày bình thường, thứ ánh sáng không thể nào lọt qua từ một nơi nào đó được, ngoại trừ nó được xuyên qua những lỗ thủng bí mật trong tầng đá mà cả toà lâu đài được xây trên đó. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên với việc những lỗ thủng này không được tìm thấy trước đây. Thung lũng hoàn toàn không có ai ở, còn gềnh đá lơ lững trên khu thung lũng lại quá cao. Sau vài bước nữa, tất cả chúng tôi thấy sởn gai ốc vì một cảnh ghê gớm mới và đứng tim với đúng nghĩa của từ này bởi ngài Toruton ngã ngất ngay lên tay của chàng Norris hàng xóm nay lặng người đi không động đậy, khuôn mặt chàng bỗng nhợt đi và mất hết thần sắc, còn tôi giọng trở nên khò khè và hai mắt nhắm nghiền.
Ai đó đứng sau tôi rên rỉ bằng một giọng phều phào chẳng còn chút sức sống "Ối trời ơi!". Trong cả bảy người đàn ông nơi đây chỉ có ngài William Brinton còn tự chủ bình tĩnh mặc dầu ngài đi đầu nhóm và phải là người đầu tiên chạm mặt với cái địa ngục này.
Ấy là một cái hang kích thước rất rộng tranh tối tranh sáng trong đó nhìn rõ những nấm mộ, những tảng đá được xếp thành một đường tròn, một công trình cấu trúc kiểu La Mã với vòm trần thấp, một bệ thờ của người Xắc-xông đã bị huỷ hoại, một toà nhà gỗ kiểu thời kỳ mông muội của người Anh. Nhưng tất cả những cái đó đều mờ nhạt đi trên cái nền phông là một biển xương người. Phần lớn các bộ xương ấy được chất thành những đống lộn xộn chẳng ra hình thù gì, nhưng một số còn xếp giữ dạng bộ xương nguyên mà tư thế của chúng thể hiện rõ sự giận dữ man dại hoặc là họ cố trốn chạy mối hiểm hoạ hay là đang tóm giữ người khác với kẻ khát máu.
Nhà khảo cổ, tiến sĩ Trusk bắt đầu nghiên cứu những chiếc đầu lâu và lắc đầu thừa nhận đây là kiểu đầu lâu biến dạng ông ta chưa hề biết đến. Phần lớn đầu lâu xếp theo bậc tiến hoá thì đứng thấp hơn người Piltdon, nhưng xét về mọi đặc điểm thì là loài người. Các nét của một số đầu lâu chứng minh về giai đoạn phát triển cao hơn, còn một số thì là loại người hiện đại phát triển. Xương cốt đã bị chuột gặm, nhưng nhiều cái xương cũng mang dấu vết cắn của răng người. Đây đó lẫn với xương người cũng lăn lóc những cái xương nhỏ của chuột - nạn nhân cuối cùng của tấn bi kịch cổ xưa.
Thật lạ lùng nhưng sau tất cả những phát hiện đó chúng tôi vẫn còn sống và thậm chí còn đủ trí năng suy nghĩ. Có lẽ ngay cả trong cuốn tiểu thuyết khủng khiếp nhất theo phong cách lôgíc thì cả Hoffman lẫn Hainsmans cũng khó lòng viết nổi những cảnh tượng kì lạ ghê rợn đến thế như cái hang tranh tối tranh sáng này. Trong khi cứ qua mỗi bước chân lại chạm trán với một phát hiện kinh khủng mới, chúng tôi cố không nghĩ tới những gì đã xảy ra nơi địa ngục này cách đây ba trăm năm hay một ngàn năm, hay một vạn năm. Ngài Toruton lại ngất đi khi ngài Trusk cho biết nếu căn cứ theo các bộ xương thì có nhiều người tại đây đã bò bằng hai tay, hai chân suốt cả hai chục thế hệ liên tục.
Những nỗi kinh hoàng mới đã theo đuổi khi chúng tôi toan tính tìm hiểu, nghiên cứu các công trình xây dựng đó. Người ta đã giam hãm những con người bốn chân (trong số họ chúng tôi cũng gặp một số bộ xương của người đứng thẳng hiện đại) ở trong những gian ngăn có rào chắn mà sau đó họ đã phá tan để thoát ra ngoài, những con người bị hành hạ bởi cái đói và mối kinh sợ trước những con chuột gớm ghiếc. Rõ là nơi đây đã có hàng đàn tù nhân và họ được nuôi bằng thứ rau dành cho gia súc mà những phần còn sót lại đã rữa nát vốn được xếp chặt trong những vựa lúa xây bằng đá theo lối kiến trúc thời tiền La Mã. Giờ thì đã rõ việc tại sao tổ tiên tôi đã có những khu vườn lớn đến thế - Lạy Chúa, hãy rủ lòng cho tôi quên hết sự này đi. Còn những tù nhân được dùng để làm gì cũng khỏi cần phải hỏi nữa.
Tay xách chiếc đèn bình trong khu xây dựng kiểu La Mã, ngài William bình tĩnh kể chuyện về những lễ nghi kì lạ không tài nào tin nổi và về chế độ ăn uống đặc biệt của các quan tư tế thuộc một phong tục thờ cúng thời tiền sử mà sau đó đã nhập thành lễ thờ phụng Đức mẹ Kibela. Chàng Norris, người từng nếm trải những năm chinh chiến trong bao ngóc ngách chiến hào cũng không thể không run rẩy trong toà nhà Anh quốc đã có thời là lò sát sinh và nhà bếp ghê tởm như chàng đã xác định. Vả lại, suy nghĩ của tôi thấy quá hãi hùng khi thấy những vật dụng Anh quốc bình thường ở nơi này, khi đọc những dòng chữ tiếng Anh ở đây, dòng chữ gần đây nhất được viết năm 1610. Tôi không tài nào bước vào được toà nhà ngầm này, các nơi đã xảy ra bao điều ác gây nên bởi lưỡi dao của ông tổ dòng họ tôi, ngài Walter de la Power.
Tôi mạnh bạo bước vào căn phòng kiểu Xắc-xông với những chiếc cửa gỗ sồi đã long bản lề và nhìn thấy mười cái xà lim được xây xếp thành hàng với những chiếc song sắt đã hoen gỉ. Trong ba xà lim ấy có những tù nhân - những bộ xương của người ở bậc cao trong sự tiến hoá, và tôi còn phát hiện thấy chiếc nhẫn với dấu khắc hình gia huy nhà tôi trên ngón tay của một người trong số họ. Ngài William còn tìm thấy một khu ngục tối cổ xưa hơn thế trong toà nhà kiểu La Mã nhưng ở đấy các xà lim đều trống rỗng. Dưới các xà lim đó có một hầm hẹp cất giữ một bộ sưu tập được sắp xếp cẩn thận những khúc xương người mà trên một vài cái có khắc những dòng chữ song song bằng tiếng La tinh, tiếng Hy Lạp và tiếng Phri-gi.
Đồng thời, tiến sĩ Trusk mở được nắp một trong những ngôi mộ thời tiền sử và lấy lên những chiếc sọ của loài người đã ở thang bậc phát triển cao hơn loài vượn gorilla. Ông cũng phát hiện một số dấu tích có những dòng chữ thuộc thứ ngôn ngữ ghi ý. Chỉ có con mèo của tôi là bình tĩnh trong suốt thời gian xảy ra những điều như cơn ác mộng ấy. Khi thấy con mèo nằm yên bình trên đống xương người ấy tôi bèn nghĩ rằng nơi đôi mắt vàng long lanh của nó có thể cất giữ bao nhiêu điều bí mật nữa.
Sau khi tìm hiểu phần nào những điều đã xảy ra trong cái hang sâu bí mật này - những điều mà giấc mộng tiên tri của tôi đã cảnh báo, - chúng tôi liền bước tiếp vào sâu trong khu hang tối, nơi ánh sáng không lọt tới. Chỉ vài bước chân thôi là chúng tôi đã phát hiện ra những dãy hố nơi đàn chuột trước đây được nuôi ở đó, nhưng sau một thời gian chúng gia tăng thêm hơn nữa. Đạo quân chuột đã chuyển sang tấn công những tù nhân sống kia, rồi sau đó chúng thoát ra khỏi khu lâu đài để rồi tàn phá những khu vực xugn quanh, một điều đã được phản ánh trong những truyền thuyết đáng ghi nhớ!
Ôi, lạy Chúa! Thật ghê khiếp những cái hố đen ngòm chứa đầy những khúc xương bị gặm, bị cưa xẻ và những cái đầu lâu trơn trụi! Rồi những cái rãnh hầm kinh khủng chồng chất xương cốt của giống người Pitêcantrôp, người Xentíc, người La Mã và người Anh sau bao thế kỷ tội lỗi! Một số rãnh hố đầy xương đến mặt đất nên chẳng thể nào xác định được độ sâu của chúng. Còn một số hố, hào khác thì sâu không đáy, thậm chí ánh đèn pin rọi cũng không thấy đáy đâu cả. Chúng còn cất giấu những mối khủng khiếp nào nữa đây?
Một lần tôi bị trượt chân gần một cái hố sâu thẳm như thế và khi ấy tôi đã nếm trải một thời khắc kinh hoàng quá đỗi. Tôi đã đứng mãi lâu sau cái phút ghê hồn ấy bởi vì bên cạnh chẳng có ai ngoài đại uý Norris. Sau đó từ mãi trong bóng tối đằng xa vọng lại một thứ tiếng động mà tôi đã biết rõ. Con mèo đen của tôi lao ngay về chỗ ấy, tới khoảng sâu thẳm khôn cùng đó nhanh như một vị thần Hi Lạp có cánh vậy. Nhưng tôi cũng không đứng im mãi được vì một giây sau đó tôi đã nghe thấy tiếng chạy dồn dập ghê khiếp của đàn chuột quỷ sứ đó. Chúng đã lôi kéo chạy về phía trung tâm trái đất nơi vị thần điên khùng, Nyarlatoev không có mặt đang rên rỉ trong bóng tối trong tiếng sáo đệm của hai gã nhạc công ngây ngô vô hình vô dạng.
Đèn pin của tôi tắt nhưng tôi tiếp tục chạy. Tôi nghe thấy những giọng nói, tiếng gào rú và tiếng vang, nhưng tiếng chạy dồn dập khốn nạn và phản trắc kia đã át đi hết thảy. Tiếng chạy dồn dập của đàn chuột ấy cứ vọng mãi lên, vồng cao lên như cái xác cứng quèo, trương phình đang nổi cao lên trên bề mặt bóng nhẫy của dòng sông và nó trôi lềnh bềnh dưới gầm các cây cầu tới biển khơi đen sì thối rữa.
Có cái gì đó va vào tôi, nó mềm và đầy đặn. Chắc có thể đây là những con chuột, đàn chuột đông đúc và tham lam chuyên ăn thịt ngươi sống... Vì sao lũ chuột lại không ăn thịt ngài de la Power nếu như những người trong dòng họ de la Power đã ăn món đồ ăn bị cấm ấy? Chiến tranh đã ngốn ngấu cậu con trai của tôi... còn đám Yankee đã ăn thịt Carfax, ông tôi cùng chiếc phong bì bí mật đã biến mất trong khói lửa trận mạc... Không, không, tôi không phải là tên mục đồng quỷ sứ trong cái hang ghê tởm này đâu! Còn một trong những con thú vô hình vô dạng có cái khuôn mặt đâu phải của Eduard Norris! Người nào đã bảo tôi là de la Power hả? Norris còn sống, còn con trai tôi thì không... Vì sao đất đai của dòng họ de la Power lại thuộc về nó cơ chứ?... Đó là một trò phù thuỷ, tôi xin nói với quý vị... đó là con rắn cạp nong... Còn gã Toruton đáng nguyền rủa kia, ta sẽ khiến ngươi chừa cái thói giả chết vì những gì dòng họ chúng ta đây đang gây ra. Ấy là máu, còn ngươi, đồ nhỏ nhen ti tiện kia, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy thế nào là khinh bỉ. Xin hãy cho phép tôi... Hỡi Đức Mẹ vĩ đại, Đức Mẹ vĩ đại... Hỡi Atis!... Dia ad, ao daun, bagus dunach ort! Donas!... u-u-u... r-r-r-r... s-s-s-s...
Người ta bảo rằng tôi đã gào lên tất cả những cái đó khi họ tìm thấy tôi ba giờ sau đó trong bóng tối, họ đã phát hiện ra tôi ở bên cạnh cái xác đã bị gặm hết một nửa của đại uý Norris, cạnh con mèo của tôi khi ấy đã toan tính cắn gặm tôi. Họ đã cho nổ tung khu nhà Exhem Prairie, họ đã tước đoạt con Niggerman của tôi và mang nó đi rồi khoá kín nhốt tôi trong căn phòng với những chấn song chắc chắn này, bây giờ tất cả mọi người đều nhỏ to thì thầm về tính di truyền trong tôi và những hành vi quái đản của tôi nữa. Còn Toruton thì ở trong căn phòng bên cạnh, nhưng tôi không được phép nói chuyện. Người ta cũng cố sức che giấu tất cả mọi dữ liệu về toà lâu đài. Khi tôi nói về chàng Norris đáng thương thì họ buộc tôi vào tội ác không hề làm việc đó. Họ phải biết ấy là lũ chuột cống, lũ chuột chạy rầm rập đang đi tới lui kia, tiếng chân chạy của chúng khiến tôi không tài nào thiếp đi được. Họ phải biết chính là những con chuột đang chạy trong lớp phủ tường căn phòng này và khêu gợi tôi tới những cơn ác mộng mới, ấy là đàn chuột mà họ đâu có nghe thấy chúng, chúng là những con chuột, những con chuột trong bức tường đá.
Kết Thúc (END) |
|
|