Mẹ vào phòng, hôn nhẹ lên trán tôi, tắt tất cả những bóng đèn tôi đã cố tình bật lên vài phút trước. Ngủ đi con, ngày mai còn có sức. Lời mẹ dịu dàng, nhưng tôi nghe váng vất nỗi xót xa. Xót xa sẽ gả đi, cho đi đứa con gái yêu quý được nặn ra từ bể sâu đau đớn và quặn thắt thương yêu vào tay một kẻ xa lạ, không chung máu mủ ruột rà. Ngày mai tôi lấy chồng. Đây là đêm cuối cùng tôi ngủ trên chiếc giường con gái. Tôi muốn nhìn lần cuối căn phòng đã che giấu cho tôi suốt quãng đời thiếu nữ, che giấu những nẩy nở thân xác và che giấu cả những giọt nước mắt hạnh phúc con người. Nhưng mẹ không muốn tôi thức, mẹ tắt đèn, mẹ cũng không ngủ cạnh tôi đêm nay dù cho tôi nài nỉ. Mẹ biết con là một cô gái mạnh mẽ. Con nên ngủ một mình. Hình như sau lần áo tím của mẹ, trong xương thịt không kịp che giấu, vài giọt nước mắt rơi chảy. Mẹ đã mong chờ ngày này bao nhiêu lâu, thế mà mẹ lại khóc.
Ngoài phòng khách, đồng hồ treo tường điểm 12 giờ khuya. Một ngày mới. Đêm tối dăng dài bên ngoài cửa. Sau bóng tối khởi đầu cho ngày mới kia, ngày mai, ngày sau, cuộc sống tôi sẽ hồng tươi hay xám lạnh? Tôi không biết, mẹ không biết, chỉ có bóng đêm lờ mờ nhận ra hư ảo. Và bóng đêm đang thở êm như làn lụa mỏng. Hàng mi dài từ từ đan với nhau. Hình như tôi ngủ. Mà hình như tôi còn thức.
Người đàn ông đứng tuổi, làn da sạm nắng, miệng ngậm tẩu nhìn như nuốt chiếc váy màu trắng đang toả nắng chiều trên người tôi. Ông dừng lại trên chiếc nón rộng vành bị tuột dây trể nãi lơi lả xuống bầu ngực vừa mở mắt. Nụ cười văng ra khỏi khoé miệng dầy.
- Cô gái, cô có biết mình đáng yêu không?
- Ông là ai? Tôi chưa nhìn thấy ông đến làng bao giờ.
Người đàn ông đưa tay mơn nhẹ bông hoa trắng tôi cài trên tóc. Nụ cười toả ra từ cả khuôn mặt. - Cô gái, cô lại còn thông minh nữa. Thế cô là ai?
- Tôi là thiên thần á!
Đôi chân trần của tôi bay lên theo ánh mắt và khoé môi toan tính. Làn da người đàn ông đỏ rực trong những tia nắng cuối cùng dâng trên cát.
- Còn tôi là nhà văn. Nhà văn sẽ biến thiên thần thành người đàn bà.
Ông làm điều ông nói bằng cách tôi chưa biết bao giờ. Ông đào xới vực thẳm vô hình trong tâm hồn cô bé tròn 16 tuổi, mỗi hoàng hôn, trước biển, trên tảng đá tôi vẫn thường ngồi suy tư như một người đàn bà. Căn phòng khách sạn ông ở trông ra cồn cát, mỗi buổi trưa mồ hôi ông quện ướt má môi tôi tựa mật ngọt. Bồng bềnh mê man tròng trành giữa cõi nồng nàn thân xác cùng ông, chiếc nón trắng rộng vành treo hờ bậu cửa đung đưa cầu vồng. Chỉ khi phịch xuống cõi trần tục, tôi mới biết đấy chỉ là giải lụa đã ngả mầu vì hơi mặn biển cả bao buổi chiều lang thang của tôi, cô gái làng chài ưa khám phá. Sóng bạc đầu xuất hiện ngày ông ra đi. Chồm lên liếm gót chân trần hồng líu ríu khóc thầm của tôi. Giữa triền cát sáng mai ẩm ướt, ông quỳ xuống mang vào chân tôi đôi săng đan trắng. Đuôi mắt ông hình như hằn thêm nhiều nếp.
- Anh sẽ không còn quay lại?
- Mỗi người đàn ông là một nhà văn. Anh ta sẽ đến, và sẽ khám phá ra em như anh từng khám phá.
Giọng nói của ông như vọng ra từ triệu ngọn sóng. Dáng ông khuất dần trong ánh nắng đầu tiên của một ngày mới. Tôi chạy, tôi bay trên nền cát ẩm dịu dàng bằng đôi săng đan ông tặng. Chạy mãi, bay mãi theo những ngọn sóng bạc đầu đón bắt bình minh. Chân trời mải miết bơi trước tôi, chìm trong biển lớn. Giã từ người đàn ông biến tôi thành trần tục, tôi dang tay đón chào cuộc sống. Mặt biển bừng lên. Chuông đồng hồ kéo tôi khỏi bao la, giạt về phía triền cát. Ba tiếng chuông ngân. Làng chài, người đàn ông đứng tuổi, cô gái ngây thơ đội chiếc nón rộng vành bay mất. Chăn rơi khỏi người tự lúc nào, thân thể tôi lạnh. Giấc mơ êm ái kỳ lạ. Nó muốn nói điều gì với tôi, về tôi? Mà tôi đang ở đâu, tôi đã trở về nhà hay còn trên triền cát? Tôi gượng mình ngồi dậy. Trong hư ảo ánh trăng mùa đông muộn màng, màu hồng của chiếc thiệp cưới vướng cuối giường tựa chiếc quần lót mà người đàn ông đã dùng miệng cởi khỏi người tôi trong giấc mơ ban nãy. Tôi cúi xuống kiếm tìm, đôi săng đan màu trắng sáng lên dưới chân giườợng. Ngày mai tôi sẽ mang đôi săng đan ấy dưới chiếc váy cưới về nhà chồng. Không phải ngày mai, chính là ngày hôm nay. Đã ba giờ sáng. Tôi còn bao nhiêu giờ cho cuộc đời con gái? Mà cuộc đời con gái của tôi bắt đầu từ bao giờ? Phải chăng từ gương mặt buồn nhưng sáng bừng lên nỗi đam mê trong đôi mắt ấy. Đôi mắt ăn cắp 15 năm tuổi thơ tôi và dâng hiến đến tôi nhiều cuộc đời khác.
Tôi gọi anh là anh. Tên anh lặn sâu vào mạch huyết không cần nói thành lời. Ngôi nhà lặng lẽ khuất sau vườn cây như oà vỡ, nứt những tiếng cười và âm thanh hạnh phúc mỗi ngày chủ nhật. Lần đầu tiên, khi anh gượng nhẹ, rón rén giắt tay tôi bước vào ngôi nhà, tim tôi tắt từng mạch máu. Tôi nhìn thấy thiên đường và thấy cả địa ngục trong ngôi nhà lẳng lặng. Cách bài trí ngôi nhà theo lối cổ xưa với những bức tranh Đông Hồ bằng giấy gió làm không gian ù mề, lười biếng như ánh mắt của anh khi tôi nói về tương lai và những mơ ước của mình. Bàn ghế lẳng lặng, đến cả con chó có bộ lông mượt như lụa cũng lẳng lặng. Anh nói từ ngày ly hôn, anh chưa đưa người phụ nữ nào về nhà. Có lẽ vì thế, con chó của anh không còn biết hơi người.
Hình như nó nghĩ tôi là một loài động vật. Sau này, nhiều chủ nhật trôi qua giữa ngôi nhà đã trở thành thiên đường, tôi cảm thấy con chó có bộ lông màu xám mượt mà vẫn không xem tôi là một người bạn. Đôi mắt rười rượi luôn mở lớn của nó mang ngàn lời trách cứ lẫn thương hại. Nhất là buổi chiều ấy, buổi chiều tôi cắt đứt tuổi thơ vội vàng bằng anh. Cắt đứt bằng lưỡi, bằng môi, bằng mắt, bằng tất cả sức mạnh và nhịp đập rối loạn say mê. Căn phòng ngủ ngăn nắp của anh lộn tung những mê cuồng. Mê cuồng chứng giám nỗi mất mát và bắt đầu sự hồi sinh. Hồi sinh một người đàn bà thực thụ. Người đàn bà 16 tuổi. 16 năm tuổi thơ, anh cắt trọn trong một cú thọc sâu. Và kết thúc bằng vũng máu đỏ dấy lên như báo hiệu một cuộc đời giông bão. Sau đấy là im lặng hoàn toàn. Chỉ khi chú chó lông xám của anh nhảy phắt lên giường hít ngửi vết máu loang rộng trên nền ra trắng và hú lên một tiếng khó hiểu, tôi hồi tỉnh và lơ mơ biết mình đang ở đâu. Tôi ngửi thấy da thịt anh, da thịt người đàn ông đượm rát mùi phù sa sông Hồng. Thứ mùi mà mỗi lần nước rút, cùng lũ bạn chạy xuyên qua bãi ngô đồng, tôi vẫn thấy nó dậy nực cánh mũi. Cánh tay anh choàng qua tôi nặng trịch, lười biếng.
- Em khát nước.
Giọng tôi căng tràn, khô, bỏng. Tôi những tưởng anh sẽ chạy đi mang ngay nước đến cho tôi. Nhưng không.
- Em vào trong tủ lạnh lấy luôn nước cho anh đi.
Tự nhiên nước mắt chảy ướt đầm môi má tôi. Tôi nghĩ mình ảo tưởng bởi những cuốn tiểu thuyết. Thực tế đàn ông không ai hầu hạ đàn bà, chỉ có đàn bà phải chiều chuộng đàn ông. Tôi vừa mới trở thành đàn bà, tôi phải xứng đáng với điều đó, với người đàn ông đã xoáy mình vào trong tôi cắt đứt tuổi thơ ảo ảnh. Vài giọt nước mắt vụng về rơi trên tay anh, anh tưởng tôi tiếc.
- Em không nuối tiếc chứ?
Giọng anh trầm ấm.
- Không, em hạnh phúc.
Tôi nghe trong giọng nói của mình nhanh những đam mê dồn dập. Báo hiệu nhiều cơn lốc xoáy nay mai. Sau này, hình ảnh con chó xám và tiếng hú của nó ngày tôi thành đàn bà luôn đến sau mỗi cuộc ân ái. Dù không còn là với anh, mà với những người đàn ông khác.
Lúc mẹ giắt tay tôi len lén từng bước ngắn vào bệnh viện phụ sản một ngày không có gió, hình ảnh chú chó có bộ lông xám mượt đung đưa phía trước. Nó vừa muốn chỉ đường cho tôi đi vào chỗ làm tôi trở lại trong sạch trước mắt mọi người lại vừa u uất nhìn tôi van xin đừng bỏ đi mầm phôi của anh, mầm phôi chúng tôi đã tạo ra sau 3 tháng yêu thương. Nó không nghe cuộc đối thoại đã diễn ra trước đó, trước bàn thờ uy nghiêm khói lượn vòng, bố tôi vừa thắp nhang lên, trong ngày không có gió.
- Bố mẹ tha thứ cho con tất cả những lầm lỡ con đã dại dột mắc phải. Nhưng con phải phá bỏ cái thai trong bụng vào ngày hôm nay.
- Con không lầm lỡ. Con yêu anh ấy thực lòng, con phải giữ đứa con của mình. Khuôn mặt bố chuyển sang xanh xám, mắt mẹ bắt đầu nặng trĩu mây mù. - Điều này quyết định cả tương lai của con. Nếu con giữ cái thai này lại, xem như cuộc đời con đã chấm dứt, con không biết ư?
- Cái bào thai này mới chính là cuộc đời con. Vì con yêu anh ấy. Mây mù dầy đặc đôi mắt to của mẹ, không còn một chút ánh sáng nào.
- Nếu con không nghe lời, mẹ sẽ tự vẫn.
Mây chuyển thành nhiều giọt mưa rớt trên khuôn mặt đau đớn của mẹ, rớt dài theo tiếng thở của bố và cuối cùng rớt tan trong nỗi tuyệt vọng đường cùng của tôi. Chú chó lông xám mượt không tưởng tượng được chuyện của con người. Vẫn không một chút gió nào khi người ta cời mầm phôi của anh khỏi bụng tôi. Này đây là môi bỏng, này đây là lưỡi nóng, này đây là đùi thon, này đây là bộ lông xám mượt chạy lăng xăng quanh giường rên những điều vô nghĩa lúc anh rót mình hoà vào tôi. Tất cả, tất cả từ từ ra đi theo bàn tay bà bác sĩ có bộ mặt dài quá cỡ. Tôi đâu ngờ vào đúng giây phút tôi đang hoảng dại vì mất mát ấy, anh đã kịp cài mầm phôi mới vào một người con gái khác. Sau này, anh thanh minh rằng anh biết gia đình tôi không đồng ý cho tôi lấy anh, một người đàn ông đã ly hôn, anh chán, anh buông thả. Tất cả những người đàn ông trên thế gian này khi chán đều buông thả, đều cài mầm phôi vào bụng một người đàn bà vô tội vạ thế ư? Tôi hỏi sao anh không làm mọi cách để dành lấy tôi, giữ lấy đứa con nếu thực lòng yêu tôi thay vì lột váy một cô gái khác để khoả lấp? Anh cúi mặt, tôi nhìn thấy chiếc cằm trễ nải của anh rung nhẹ. Mùi phù sa sông Hồng trên cơ thể anh trở nên nồng quá mức, sắp sửa trương thối. Sau này, mỗi lần nghĩ về anh, tôi lại ngửi được mùi phù sa châu thổ sông Hồng. Và tự nhủ, nếu tôi sinh con, rồi kết hôn với anh ngày ấy, sống trong ngôi nhà trang trí tranh Đông Hồ đầy bụi bám, ngửi hít mùi phù sa sông Hồng ngày này qua ngày khác, không hiểu cuộc đời tôi sẽ ra sao. Sẽ bình lặng như bãi phù sa ven sông, mặc cho nước dâng nổi làm mất đi hay bồi thêm, âm thầm chịu đựng trong khi rất có thể chồng mình lại đi gieo mầm trên một mảnh đất khác?
Đàn ông như anh, như phần đông đàn ông Việt Nam không biết đánh vần từ Chung Thủy trôi chảy. Đôi mắt trách cứ của chú chó bộ lông xám mượt lơ lửng trên cao. Hình như nó nhắn nhủ tôi rằng bào thai người ta vừa gắp ra sẽ đầu thai vào nó. Có lẽ vì thế, suốt đời tôi chẳng còn bao giờ được gặp nó, như một sự trừng phạt. Và anh, mối tình đầu vĩnh viễn ra khỏi tôi vào một ngày không gió. Hình như là vĩnh viễn, dù sau này, có trở lại nhưng là chứng nhân của tội ác. Chỉ có mây mù trong mắt mẹ, mùa đông trên khuôn mặt cha, nỗi trách cứ của tia nhìn chú chó, và sự hoán đổi u sầu lấy hồn nhiên trong tôi. Tôi là ai thế nhỉ? Không tiếng trả lời. Giọng tôi vọng ra từ tôi và vọng vào chính tôi. Tiếng bính boong 5 lần của chiếc đồng hồ ngoài phòng khách len qua lớp kính dầy và khuôn mặt không còn mây mù của mẹ tôi hiện ra cùng nụ cười. Giống như nụ cười.
- Con ngủ ngon không, con gái?
Mẹ đã tự mình trả lời trong âm điệu run rẩy của câu hỏi và khoé miệng mêu mếu. Mẹ nghĩ tôi không ngủ. Tôi chẳng biết tôi đã ngủ hay chưa. Hình như là ngày có gió. Gió tràn qua khung cửa sổ dịu dàng, mơn trớn. Gió của ngày tôi sẽ là người đàn bà trưởng thành.
- Đến giờ rồi con yêu. Con phải dậy sửa soạn.
Tôi co hai chân lên ngang ngực, che giấu đôi mắt hoe đỏ.
- Đang sớm mà mẹ, mới 5 giờ. Cho con ngủ thêm chút nữa đi. Sau này mẹ có muốn, con cũng không ngủ trên chiếc giường này nữa đâu.
- Lấy chồng rồi không được dậy muộn như ở nhà mình đâu con. Phải tập dậy sớm con à. Nhà người ta lại là nhà gia giáo, nền nếp.
Tôi kéo chăn che kín mặt, tôi không muốn nghe mẹ nhắc đến gia đình chồng vào lúc này, những giờ phút cuối cùng còn có thể tận hưởng tự do. Mà tại sao mẹ lại có vẻ sợ sệt nhà người ta như vậy? Tôi đâu phải là cô gái kém cỏi gì, tôi là niềm mơ ước của vô khối đàn ông trên thế gian này.
- Vẫn chỉ là đứa bé gái nhõng nhẽo, hay khóc nhè và ngang bướng.
Tiếng mẹ nhỏ dần trong bước chân nặng chịch lo lắng. Bước chân mẹ lúc này như âm thanh khó nhọc mẹ rặn sinh tôi năm xưa. Mẹ nói tôi hay khóc nhè? Không, không còn là khóc nhè nữa. Tôi đã khóc giọt nước mắt của nỗi bất hạnh đầu đời trong vòng tay mẹ ở bệnh viện phụ sản, nơi người ta gắp đi sự sống của anh, máu huyết của tôi. Sau này, tôi còn khóc không biết bao nhiêu lần. Âm thầm cả những ngày gió và những ngày không gió, với những nỗi buồn triền miên. Nỗi buồn đàn bà.
Khóc không cho mẹ biết, một mình trong bóng đêm, sau từng người đàn ông bội bạc hay bị tôi bội bạc. Không ai nghĩ một cô gái uỷ mị như tôi có đủ can đảm bội bạc đàn ông. Nhưng tôi đã từng làm điều ấy. Nếu mẹ biết, chắc hẳn mẹ không còn xem tôi là con nít. Ngày ấy, ai cũng nghĩ tôi bị ông đuổi khỏi ngôi biệt thự bên bờ biển. Mẹ mở rộng cửa đón tôi và chiếc va li lầm lạc sau 4 tháng trời. Nước mắt tôi ướt đầm bậc cửa, nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Tôi là đứa trẻ háu sống. Tôi đã được sinh ra ngay trên bậc thềm một ngày tháng hai giá lạnh. Để rồi, sau này, tôi làm mẹ đau đớn trong tim với nhiều cơn choáng ngất. Như buổi trưa ấy, mẹ đã ôm choàng lấy tôi và nức nở.
- Nó đuổi con ra khỏi nhà ư? Con gái, đừng khóc, đừng khóc nữa. Mẹ đây, con trở về nhà là mẹ mừng rồi.
Cuống quýt như con gái mẹ không hề lầm lạc. Cuống quýt như con gái mẹ đi xa trở về. Mẹ không biết tôi tự rời bỏ ông, người mà có lúc tôi xem còn quý giá hơn cả gia đình, hơn cả bậc thềm nơi tôi sinh ra. Nếu mẹ biết tôi đã xếp va li và ra khỏi biệt thự của ông nhanh đến mức nào, chắc mẹ sẽ không gọi tôi là cô bé yếu đuối. Trước khi rời cửa, tôi còn kịp đổ hất hộp màu đen lên tấm ra giường, thứ màu ông không ưa, như một lời từ biệt. Bước chân tôi là bước của buổi trưa hè nắng lửa. Để rồi một thời gian sau, bằng bước của một ngày chớm đông rụt rè, hối lỗi, tôi đã trở lại ngôi biệt thự ấy và được ông đón tiếp ân cần nhưng lịch sự với những điều kiện như một vụ buôn nha phiến. Ông là người Tàu, ông có dáng dấp và đôi mắt, ánh nhìn của một người đàn ông Tàu ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Bí ẩn, khôn ngoan và đầy ma lực với các cô gái. Ông lại là thương nhân giàu có. Cốt cách của ông toả ra quyền uy làm người khác phải phục tùng. Một thiếu nữ lãng mạn, ưa khám phá, phiêu lưu như tôi dễ dàng bị ông đánh gục. Tôi ngã ngựa trong chính tâm hồn mình trước ánh mắt, nụ cười của ông. Tôi đầu hàng thể xác mình sau mỗi cuộc ân ái cùng ông.
- Em thích cách tôi vừa yêu em chứ? Tôi thấy em co giật từng cơn và xiết tôi mạnh. Khuôn miệng ông cười, đuôi mắt ông cười nhưng tròng mắt không cười. Tròng mắt ẩn sâu một mí nhìn sâu vào tôi dò xét mỗi phản ứng. Tôi yêu ông, tôi đam mê ông nhưng tôi sợ ông. Nỗi sợ càng kích thích tôi khi ông bao trùm tôi từ bên trên như một lãnh chúa. Thân hình ông rắn chắc tựa một củ sâm. Gần ông, da dẻ tôi trở nên hây đỏ, láng mát. Tựa như tôi được uống nước sâm chắt lọc từ da thịt ông. Thân thể ấy toát ra mùi thơm hắc, mùi đền đài, lăng tẩm, uy quyền. Tôi cố ngước lên cao, cao mãi để hít ngửi mùi đế vương ấy. Nhưng càng rướn, ông càng vươn lên. Vì thế, mọi cuộc làm tình của tôi và ông là những cuộc rượt đuổi không bao giờ chán. Ông không bao giờ cho tôi ngồi trên mặc cho tôi van nài điều ấy. Tôi cho em sung sướng, tôi cho em tất cả, tôi là Hoàng thượng của em, em hãy tận hưởng đi. Giọng nói của ông đúng là giọng của một vị Hoàng đế. Tôi đê mê tận hưởng những khoái cảm ông mang lại, để rồi lần sau lại van xin được yêu ông từ bên trên. Và bao giờ cũng là cái lắc đầu. Nhưng tôi thoả mãn, tôi phục tùng mọi điều ông muốn. Hình như người ông được nặn từ thép, ông không biết mệt bao giờ. Nắng chiều miền biển soi qua cửa sổ mở toang lặn hơi nóng vào da thịt cũng không làm ông ngưng nghỉ yêu đương. Ông chỉ cười, chỉ ra lệnh và nhồi vào, thúc sâu, bền bỉ, mạnh mẽ đến khi tôi hét lên cùng sóng biển hoàng hôn, ông mới tạm ngừng.
- Ông thích em ở điểm gì? Sao ông lại chọn em để yêu giữa bao nhiêu cô gái đẹp? Câu hỏi của tôi thường được trả lời bằng hàng giờ ông hít ngửi, sờ nắn da thịt tôi như để định giá một chiếc bình cổ thời Minh. Mỗi bận ánh mắt ông soi vào vùng kín, da thịt tôi lại hồng tía lên như chiếc mào gà, để rồi bị ông dìm chết, bở ra như một củ khoai lang. Có một lần duy nhất ông trả lời câu hỏi của tôi.
- Vì em thông minh nhưng cả tin. Vì em yếu đuối nhưng cố tỏ ra mạnh mẽ. Nếu rời xa tôi, em sẽ chết. Em đang mắc căn bệnh trầm kha, chỉ có tôi mới giúp em hồi sinh được. Em sinh ra để dựa dẫm vào tôi.
Đuôi mắt một mí của ông cười ma quái. Nắng biển Đông chết ngoài khơi xa trước ánh mắt ông. Tấm thân tôi cong lên hình chữ S, một hình chữ S cố phản kháng: - Nhưng em không phải nô lệ của ông.
- Trong tâm tưởng, em luôn nghĩ em là nô lệ. Em nghĩ thế từ khi em chưa sinh ra, từ cả ngàn năm nay. Em không có sự tự tin.
Người tôi oằn xuống thẳng đơ, phục tùng giọng nói, phục tùng ý nghĩ của ông. Không còn chữ S nữa mà là chữ I, hai đầu xẹp nhép. Tôi yên lặng để ông giam lỏng trong ngôi biệt thự. Tôi chỉ được phép ra ngoài khi có ông cùng đi. Đêm trước hôm tôi xếp va li và trốn khỏi ngôi biệt thự, ông làm tình với tôi ngoài biển đêm, khi dưới chân thuỷ triều đang rút, trơ lại những doi cát ẩm vàng tựa chiếu chỉ vua ban trải dài từ kinh đô tới tận cùng đất nước. Run rẩy giữa mênh mông gió và mênh mang cô đơn trời nước, ông để tôi ngảnh mặt ra đại dương và nhập vào tôi từ phía sau chiếm hữu. Tôi thoả mãn, tôi lạ lùng, tôi mê man, và tôi mang cảm giác nhục nhã. Cảm giác ấy đã giúp tôi sáng hôm sau đi khỏi ngôi nhà. Nhưng rồi chính nó cũng chết trong cơn khát nước sâm của tôi những ngày sau và đẩy bước chân tôi quay trở lại biển.
- Em đã phản bội tôi trong khi tôi giúp em hồi sinh. Em chạy theo những ảo ảnh bên kia đường chân trời. Tôi không đuổi em về với ảo tưởng của em, nhưng tôi cũng không thể cho em tất cả những gì em muốn như trước đây được nữa. Tôi chỉ cho em ăn khi nào tôi thích. Và em phải quỳ gối khi tôi đút cho em ăn. Tôi không cấm được suy nghĩ của em chạy rông về bên kia đường chân trời. Ngày chân trời của em vụn vỡ, tôi cũng vẫn bắt em quỳ gối.
Ông xoa xoa lòng bàn tay tôi và day mạnh huyệt đạo trên mu bàn tay khi buông những lời ráo hoảnh ngày tôi trở lại. Những ngày mong chờ mòn mỏi trong ngôi biệt thự không có ông dường như câm nín, phế hoang. Ông nói ông đi Mông Cổ, ông đi Nhật Bản lo việc kinh doanh. Đúng khi tôi thoi thóp còn lại một chút hơi tàn trong cơn khát, ông mới từ tốn trở về và dìu tôi ra biển. Dưới chân thuỷ triều đang rút, ông cho tôi ăn. Tự nguyện, tôi quỳ xuống trong tư thế của một nô lệ. Có bận, khi ông đang mải miết nhét đầy thức ăn vào miệng tôi, trong đầu tôi thoáng hiện ra tương lai. Tôi làm vợ ông? Tôi no ấm, đủ đầy, con đàn cháu đống? Tất nhiên. Và suốt đời quỳ gối, trang sử riêng tư cuộc đời tôi sẽ ghi danh hai tiếng nô lệ? Đương nhiên. Thân mình tôi quẫy như một con cá kình rồi náu lặng như con rùa lật ngược. Dù đau dớn, tôi cũng cố tìm cách trở mình.
Tôi trở mình thật. Nhưng nhẹ nhàng trong cơn ngái ngủ. Tiếng chuông điện thoại đổ dồn cộng lẫn tiếng bính boong đồng hồ treo tường len qua lớp kính dầy vào phòng, kéo giật tôi về phía tương lai. Lao xao tiếng nói bên ngoài. Rồi tiếng guốc của mẹ vội vàng như hành khúc.
- Chồng con mới gọi điện thoại hỏi con đã dậy để sửa soạn trang điểm chưa. Nó nhắn con rằng: Ngày đã điểm, thời cơ đã đến.
Tôi chẳng buồn cười lời mẹ vừa nói. Người đàn ông còn mấy tiếng nữa là chồng tôi hay nói những điều kỳ lạ. Tôi nghĩ đến lời của người tình Tàu dạo nọ: “Em ảo tưởng về bên kia đường chân trời.” Chồng tôi có phải là đường chân trời? Tiếng guốc đi lại sột soạt và bà chị tôi ào vào như một cơn gió sớm hanh khô làm tôi không còn thời gian miên man dòng suy tưởng. Mới sáng sớm, chị tôi đã lộng lẫy như bà hoàng. Chiếc áo choàng lông thú chị mặc, lần đầu tiên tôi thấy.
- Chị tốt phước có cô em gái xinh đẹp, thông minh nên được nhờ. Chồng em tặng chị cái áo hàng hiệu này đấy. Chứ lương giáo viên tháng chưa đủ tiền mua một chiếc giầy như chị làm sao dám mơ.
Tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên cũng chẳng lấy làm vui mừng. Chồng tôi có vốn tư bản và biết cách chiều gia đình vợ. Có thế, hôm nay mới là ngày đại hỷ.
- Công chúa chào tạm biệt chiếc giường con gái đi nào. Người trang điểm và người làm tóc sắp đến rồi.
Màu son môi của chị tôi sáng nay đỏ quá. Có cần phải vui mừng đến thế không, có cần phải phô trương đến thế không? Tôi uể oải xếp dọn chăn gối. Sương mù, sáng nay dăng đầy sương mù. Báo hiệu một này nắng giá và không gió. Làn gió hồi đêm có lẽ vừa lặn theo bóng tối. Hôm nay tôi nên mặc áo dài tím vẽ long phượng hay áo dài màu nâu hả chị Ngọc? Tiếng mẹ lăn nhỏ qua tai tôi. Đám cưới con gái sao cô lại mặc màu nâu? Cô thật chẳng khéo chút nào. Giọng bác tôi dằn dỗi. Mẹ lệt sệt đôi guốc vào buồng. Mùi nhang thơm tràn ngôi nhà. Chắc bố tôi thắp lên từ sámg sớm. Khói nhang hoà cùng sương mù ngoài song cửa, tôi thấy thế giới sáng nay như lò tôi vôi. Cháy xèo tất tật.
Khi tôi loay hoay trong phòng tắm với bộn bề trống rỗng, chị tôi bắt đầu giúp tôi xếp đồ vào mấy chiếc va li mở sẵn. Những chiếc va li đủ mầu, mẹ nói chồng tôi mua tận bên Âu châu mang về. Chúng đắt. Tất nhiên. Chúng đẹp. Có thể. Chúng sẽ đựng vẻ bề ngoài của tôi mang về nhà chồng. Còn bên trong, tâm hồn tôi, va li nào, túi nào sẽ đựng được để nó đừng rơi vỡ? Trái tim ư? Hình như đã không còn nguyên vẹn để chứa được một tâm hồn đầy giông bão ứ tràn. Việt từng nói tôi là bể sâu nhất, dòng xoáy nhất trong đại dương. Và chàng trôi nổi bềnh bồng trên hiểm nguy từng giờ, ngày còn bên tôi. Bây giờ, khi người thợ trang điểm bắt đầu thoa lớp kem lót làm mềm da lên khuôn mặt có đôi mắt u uẩn của tôi mà chàng đã từng thương nhất, không biết chàng còn nhớ hàng lông my ngun ngút ưu tư khi từ ly? Chàng là người đàn ông lãng mạn nhất của tôi, ngu ngơ nhất của tôi và cũng thành thật nhất của tôi. Người chàng lúc nào cũng thơm như một quả táo tây. Da chàng trơn mịn, láng mượt. Nhiều khi lấy tay sờ lên má chàng, tôi sợ sữa sẽ tuôn dầm. Chàng bảo tôi cường điệu, hoang tưởng. Má người thì làm sao mà chảy sữa như vú người đàn bà đang làm mẹ? Bên chỗ chàng, da ai cũng trắng và thơm như thế cả. Tôi vặc lại chàng:
- Có người làm mẹ nhưng không có sữa.
- Có thể người ta bị bệnh.
- Không bệnh tật gì cả, mà là không có cái ăn.
- Thế kỷ 21, chẳng ai lại không có cái ăn. Hoạ chăng chỉ có ở Phi Châu. - Đúng là ngu ngơ như gà con lạc mẹ. Xứ này còn tệ hơn cả Phi Châu.
Đôi môi tôi cong lên nguýt vòng theo đuôi mắt. Chàng mân mê cườm tay tôi. - Thì anh đúng là gà con lạc mẹ mà. Không chỉ lạc, mất rồi.
Cườm tay tôi rả xuống trước đôi mắt ngấn lệ của chàng. Tôi thương chàng nhất trong những người đàn ông tôi đã từng yêu thương.Tôi hiểu chàng không còn bị lạc nữa mà mất, không thể còn tìm thấy. Làm sao tìm được xác ba và chị đã rơi giữa biển khơi làm mồi cho cá? Làm sao tìm được dáng mẹ còng lưng ngồi đợi con bên khung cửa với đôi mắt mờ vì nước mắt chia ly và chờ đợi? Biển Thái Bình Dương trong xanh, diễm lệ nhưng cũng đầy gian ác. Ngày ra đi, chàng chìm nổi lênh đênh trên những con sóng với triền miên nôn mửa và sợ hãi. Ngày trở về, chàng bay qua mênh mang nước và trùng điệp núi. Nhưng quê hương của chàng chỉ còn lại một nắm đất ở nghĩa trang Gò Dầu, nắm xương mẹ cong hình chờ đợi. Tôi làm sao lại không thương yêu chàng cho được. Chàng thường rúc vào bầu ngực tôi ngủ ngon như trẻ thơ. Giữa hai bầu vú căng hồng của người đàn bà chàng yêu, không còn mất mát, không còn đau khổ. Chàng mang dáng hình chữ S cuộn khoanh trong lòng tôi. Nhưng lắm khi, chàng khiến tôi bực mình. Chàng đã mất tất cả, mất luôn cả gốc. Tôi phải cầm tay dẫn chàng khi sang đường, tôi phải giải thích cho chàng bao nhiêu là từ mà chàng không hiểu. Chàng không lấy làm xấu hổ về chuyện ấy.
- Anh đi xa bao nhiêu năm nay rồi, làm sao anh biết được.
Chàng luôn chống chế vụng về.
- Xa bao nhiêu năm cũng không thể quên nếu người ta luôn tâm niệm phải nhớ. Đã quên hết rồi, anh còn trở lại đây làm gì để thấy mình lạc lõng?
Hai bầu má phính sữa của chàng dường như xanh tái. Chàng cười, điệu cười chắt ra từ 25 năm làm người nơi xứ lạ.
- Về để tìm lại tuổi thơ, để làm lại những cái đã mất. Anh tin anh làm được vì xứ này vẫn còn nhiều người như em.
Tôi thở dài nhìn chàng. Chàng quả thật ngây thơ. Chẳng thể nào chàng tìm lại được những thứ đã mất bằng sự cả tin và ngây thơ như vậy. Bao nhiêu cạm bẫy, bao nhiêu chông mìn, bao nhiêu kẽm gai dựng nên những thù hằn ngăn cách còn nằm sâu, nắm giữ mảnh đất mẹ của chàng. Có cực nhọc làm ra bao nhiêu tiền để mang về, bức tường đó vẫn không phá bỏ được, lòng lại dầy thêm thương tích. Tôi không muốn chàng mất mát thêm, không muốn chàng đau khổ thêm nhưng rồi cuối cùng vẫn làm chàng thất vọng ra đi. Ra đi và thề không bao giờ quay trở lại. Xem như quê hương đã vĩnh viễn tuột mất. Tôi không thể bỏ tất cả để theo chàng. Gia đình, bạn bè, những hàng cây khẳng khiu chờ mùa về thay lá. Bố tôi gầm lên:
- Quân bán nước. Tao còn sống thì mày đừng hòng.
Tôi hiểu. Tôi phải ở lại để làm mùa xuân. Dù cho lâu lắm mùa xuân mới về trên mảnh đất này. Lâu lắm hoa đào lại mới nở. Em trai tôi buồn phiền.
- Chị đi rồi sau này mang em đi luôn có phải hay không. Đất này báu bở gì mà phải nuối tiếc.
Tôi đứt ruột ngày chàng ra đi. Khi chia tay mối tình đầu trong bệnh viện phụ sản, tôi đau dao cắt, kéo đâm nhưng vết thương mau lành. Lúc quyết định không quỳ gối để người đàn ông Tàu cho uống nước sâm nữa, tôi khát cháy da thịt rồi cố lết đi tìm vũng nước. Ngày chia tay chàng, tôi bị chặt một phần thân thể. Đau thốn từng mạch máu. Đôi mắt tôi xám như màu núi buổi chiều tà không dám nguớc nhìn làn da chàng nhợt tái. Chàng muốn lần cuối cùng được ôm tôi trong vòng tay trên cao, có núi, có rừng, không phải là biển, nơi ngày xưa chàng chia tay số mệnh và mất mát cả một quê hương.
- Mẹ Âu Cơ chia tay với Lạc Long Quân cũng là trên rừng phải không em? Chúng mình giống họ, nhưng chẳng có một trăm đứa con.
Tôi chết lặng trong căn nhà sàn. Tôi đu lên chàng. Tôi muốn nói tôi sẵn sàng sinh cho chàng một vạn đứa con, nặn lại cho chàng quê hương, chuộc lại cho chàng tuổi thơ sung suớng nếu tôi là Thượng đế, nếu có Thượng đế. Chàng yêu tôi dịu dàng và vô cùng xúc động. Hai bầu ngực tôi nở ra như muốn ôm trọn khuôn mặt thơ ngây của chàng hòng che chở. Gió hoàng hôn xuyên qua cánh rừng cằn khô u u tắc nghẹn trên mỏm núi cũng không run rẩy bằng tiếng thở của chàng. Và lúc chàng rút khỏi mình tôi, cơn gió bỗng chợt tràn qua mỏm múi hất tấp căn nhà sàn, cứa rời thân thể tôi. Tôi biết đã vĩnh viễn mất đi một phần thân thể.
- Sau này em sẽ lấy ai?
Gió vẫn không ngừng quay lộn. Như bộ óc tôi vật vã. Như trái tim tôi ứ huyết. - Lấy anh. Chim phải bay về rừng, cá phải bơi về biển.
Tiếng tôi nói hay tiếng của ước mong? Chàng xoay tôi lại, bắt tôi nhìn thẳng vào đôi mắt chàng đang nhoè nước.
- Em biến hoá như ảo thuật. Soi mình trong gương em sẽ không thấy được mình. Nhưng soi trong mắt anh em sẽ gặp chính em.
- Anh bảo em là ma cà rồng?
- Ma cà rồng hút máu kẻ dại khờ vì yêu như anh.
Mãi mãi, chàng trôi trên con sóng bạc đầu mất hút bên kia Thái Bình Dương. Chàng mang luôn một phần thân thể tôi trong hành trang và đánh rơi vạ vật đâu đó trên xa lộ mỗi ngày chàng đến sở. Nếu lấy chàng ngày ấy, tôi sẽ ra sao bây giờ? Bươn bả, vật lộn kiếm từng đồng tiền và đêm đêm ngồi nhìn qua biển nhớ về những gốc sấu già, mong chờ mùa xuân? Biết đâu như thế mùa xuân lại đến nhanh hơn, thân thể tôi nối liền được phần rời đứt? Hơn là ân hận, nuối tiếc, ám ảnh triền miên mà mùa xuân vẫn đâu đâu. Mà chỉ còn mấy bữa nữa là lập xuân, hoa đào đã nở hồng trên Nhật Tân, sao tôi cứ mong chờ một mùa xuân hão huyền nào đó trong tâm trí. Hôm nay cũng là mùa xuân, người ta nói ngày vui nhất của một đời người, sao tôi cứ ngồi suy nghĩ miên man về những mối tình đã chết, không bao giờ còn có thể quay lại?
Chiếc đồng hồ lại bính boong làm công việc đếm thời gian. Thời gian có đồng hồ đo được nhưng nỗi buồn vui, hạnh phúc con người lấy gì để đo? Chị tôi lộng lẫy áo choàng lông thú mua bằng vốn tư bản của chồng tôi, mẹ tôi trầm lặng trong bộ áo dài, bác tôi nhai trầu đỏ tươi đôi môi, em tôi lắc lư theo điệu nhạc bằng lòng vì cuối cùng chị nó cũng kết hôn với một ngoại kiều. Ai đo nổi sự giằng xé nát tan trái tim tôi? Bố tôi đã thắp nến lên bàn thờ. Ông bà nội trên tấm hình nhìn tôi không biểu lộ cảm xúc. Bố mẹ muốn tôi lấy người đàn ông có vốn tư bản để bảo đảm cuộc sống, nếu ông bà còn sống chắc sẽ muốn tôi lấy quan tuần phủ hay chánh tổng, lý trưởng để vuốt ve quyền lực? Người ta bắt đầu choàng chiếc váy cưới lên người tôi. Màu trắng tinh giả dối. Tôi muốn chiếc áo màu ngà nhưng chồng tôi và gia đình không ưng thuận. Nếu vì màu sắc mà làm cho cuộc hôn nhân hạnh phúc chứ không phải tình yêu, thế giới này làm gì còn đau khổ.
Khi người ta bắt đầu vấn tóc cho tôi, tiếng cười nói đã râm ran khắp trong nhà ngoài sân. Chữ Hỷ ai cắt mà đẹp thế? Cưới hôm nay vừa đẹp ngày lại vừa đẹp trời, ông bà thật tốt phước! Nhà trai sắp đến rồi, chuẩn bị nước đi là vừa. Mấy đứa đã chuẩn bị áo dài đồng màu để nhận sính lễ chưa? Tôi lẫn lộn giọng người này với người kia.
Qua khung cửa, sương mù dần tan hết, chỉ còn vài gợn loay hoay trong vườn. Nắng đông lên sớm hơn thường. Mẹ đi vào lẩm nhẩm ngắm nhìn tôi. Tôi trông mẹ không vui. Có phải vì mẹ sắp mất con gái? Nhưng tôi đâu có rời xa mảnh đất này dù lấy ngoại kiều. Chồng tôi đã hứa sẽ định cư ở đây vĩnh viễn. Cớ gì mẹ phải buồn. - Cô dâu xong chưa? Nhà trai vừa gọi điện thoại, đã khởi hành rồi đấy. Họ nhắn cô dâu: Cửa sắp mở, hãy xông vào giành chiến thắng.
Suýt nữa thì người làm tóc xiên chiếc trâm cài phải tay tôi. Chồng tôi, anh ấy lại vừa nhắn lời khó hiểu. Quen rồi nên cũng chẳng cần bận tâm. Bác tôi xuýt xoa: - Cháu vấn kiểu đầu này hợp lắm, đã xinh rồi lại càng xinh hơn.
- Em cháu đẹp chứ không xinh.
Chị tôi đính chính. Tôi mở mắt liếc vào gương. Trời ơi, người ta làm gì mái đầu của tôi thế? Như vậy mà hợp ư? Gương mặt nhiều góc cạnh của tôi không thể đẹp nếu vấn tóc kiểu cổ điển. Phải làm những lọn sóng xoăn xoã dài tự nhiên và kết hoa vàng thành vòng như một chiếc vương miện. Chàng cũng từng nói thế ngày chưa rời xa mang đi một phần thân thể tôi, ngày còn ao ước về đám cưới và đàn con. “Em không giống phụ nữ Việt Nam truyền thống, em mang nhiều nét đẹp cởi mở phóng khoáng. Sau này, khi đám cưới, anh sẽ tự tay kết cho em một vòng hoa màu vàng để đội lên mái tóc bồng bềnh của em, em sẽ giống một bà hoàng.” Bây giờ, người ta vấn ngược những lọn tóc tôi lên, gương mặt chàng yêu thích chìm tối trong vẻ cổ điển. Có phải bao giờ dáng vẻ cổ điển cũng là truyền thống, cũng là dân tộc? Mà không được kết hôn với người tôi yêu, cổ điển hay hiện đại, vấn tóc hay thả buông cũng vậy mà thôi. Tôi nhắm mắt. Người ta xỏ giầy vào chân tôi. Tôi bật dậy. Vấn tóc cổ điển, váy cưới màu trắng tinh, người chồng ngoại kiều có vốn, nhưng còn đôi chân, hãy cho tôi được xỏ trong thứ mà tôi mong muốn. Đôi săng đan màu trắng vẫn lung linh nhìn tôi cười dưới chân giường. Giấc mơ của tôi, hy vọng cứu rỗi. Tôi ôm đôi săng đan vào lòng như một vật báu và từ từ dịu dàng xỏ từng ngón hồng. Vừa vặn, mềm mại, xinh xắn. Tôi còn có giấc mơ, có hy vọng vào hạnh phúc.
- Nhà trai đến đầu ngõ rồi. Cô dâu không được ra khỏi buồng. Người nhận sính lễ đâu?
Tai tôi ù. Mắt tôi hoa. Chân tôi khuỵu. Cuối cùng đã đến giờ phút trọng đại nhất của một đời người. Đã từng tự nhủ không lấy được người mình yêu, dám cưới chỉ là một nghĩa vụ, nhưng sao bây giờ tôi cũng run rẩy, ngượng ngùng như bất kỳ một cô dâu nào trên đời. Tôi ngóng qua khe cửa tìm gió, tôi mong ngày có gió. Sương mù đã bay hết, nắng đã nhen, sao gió không về? Đôi săng đan trắng chật hơn dưới chân tôi tụ máu. Tựa như nó không mang nổi bao nhiêu xúc cảm, bao nhiêu hoang mang, bao nhiêu hồi tưởng trong tôi. Ngày tôi phải tham dự phiên toà xét xử anh, tôi cũng không hoang mang như giờ phút này. Trớ trêu, mười năm sau, tôi gặp lại anh, người đàn ông đầu đời, người đàn ông có chú chó xám, người đàn ông bỏ tôi nhoài nhã với kẹp panh cùng bác sĩ đang gắp đi đứa con đầu tiên để ngồi thưởng trà với cô gái khác. Anh mập, dáng vẻ thành đạt hơn. Cố ý, anh cho tôi thấy anh chạy chiếc Camry đời mới bóng nhẫy.
- Em hay nói anh lười biếng. Lười biếng làm sao có xe mà đi?
- Xã hội này chuyện gì cũng có hể xảy ra. Giết người lại được phong anh hùng, lười biếng vẫn nhiều tiền, có gì lạ.
Miệng lên gân, trong lòng tôi vẫn thấy anh hấp dẫn như chục năm trước. Tôi nhớ chú chó màu xám và ngôi nhà ấm áp.
- Gặp lại em là niềm vui lớn nhất của anh.
Anh không biết rằng chỉ vài chục phút sau câu nói ấy, tai hoạ đã ập xuống. Lần tái ngộ với người xưa trở thành nguyên nhân đưa anh vào chốn tội tù. Mãi nhìn tôi, anh đã gây tai nạn chết người khi chúng tôi từ chỗ ăn tối trở về. Không thể nào chối bỏ, tôi trở thành người làm chứng trước toà. Hoang mang, giằng xé, suy sụp. Anh quỳ mọp sau chấn song:
- Em bảo giết người vẫn được phong anh hùng. Em hãy cứu anh đi, em hãy khai man đi. Anh không cần anh hùng, anh chỉ muốn ra khỏi đây.
- Hèn!
Trước toà, tôi mang khuôn mặt lạnh giá nhưng trong lòng vụn vỡ. Người đàn ông mê tranh Đông Hồ, người đàn ông mang hương vị phù sa sông Hồng, người đàn ông thưởng trà mỗi sáng đã chết. Thực sự chết. Tôi tự hỏi nếu khi ấy đã là vợ anh, tôi có bao che cho anh không? Tôi không trả lời được. Trái tim cứng lưỡi trong hỗn mang thất vọng.
Một làn gió bỗng thốc qua khung cửa mang theo hơi lạnh. Tôi rùng mình. Đồng hồ điểm mười một tiếng gọn lảnh. Giờ đã điểm. Giờ của tôi đã điểm thực sự. Ôm ngực, tôi trông không gian vần vũ trong vô thức. Rồi ai đó quàng cánh tay tôi, ai đó kéo tôi đi. Mùi hương, tiếng cười nói lào xào. Ai đó bảo tôi quỳ lạy. Màu đỏ tràn ngập.
Những mâm sính lễ, chiếc áo ghì tôi, màu son chị tôi quay cuồng. Ai đó cho tôi uống nước. Ai đó nhắc tôi cười tươi để chụp hình. Cười, phải cười, phải vui, phải hạnh phúc. Một cuộc sống mới. Sẽ có tất cả. Chồng tôi có vốn tư bản. Chồng tôi là người nước ngoài cấp tiến và nhiều thế lực. Tôi không còn sợ bị người đời ăn hiếp. Xứ này nhiều tiền và thế lực, muốn thứ gì chẳng được. Tình cảm ư? Cũng như nén nhang đang ngút khói trên bàn thờ kia, sẽ tàn trong canh giờ và thổi bụi vào không gian. Tôi đã yêu anh, đã yêu ông, đã yêu chàng, đã yêu Tim nhiều như vậy, lần nào cũng như chết trên đoạn đường đến hạnh phúc, chết trong nỗi khao khát và nhung nhớ.
Nhưng còn lại gì cho tôi? Hay chỉ là ký ức về ngày không có gió với giọt máu của chính mình lìa khỏi da thịt, là ngày gió độc trên cánh rừng hoàng hôn và một phần thân thể đứt lìa mãi mãi, là cảm giác thoả mãn rồi nhục nhã lúc quỳ xuống biển đêm? Vị phù sa sông Hồng, nước sâm quý, mùi sữa tươi còn vương ký ức không mang hình hài, không thể chụp bắt. Tình yêu, tình yêu là ảo ảnh, là điều không thực. Đêm đêm, tôi thường giật mình tỉnh giấc, hất tung chăn khỏi người, hai tay ôm đầu, cuộn khoanh như một hài nhi trong bụng mẹ rồi lại xoay mình cố dỗ im giấc ngủ. Khi ấy, tình yêu không hiện diện, hay chính vì bao hệ luỵ của tình yêu mà tôi hoá thành hư ảo, hoá thành chiêm bao của chính mình. Người nào đó ấn vào tay tôi ly nước.
- Cô dâu uống hết ly nước sẽ thấy khá hơn. Từ trước tới nay, chưa thấy cô dâu nào xúc động đến thế này.
Xúc động. Vui nên xúc động. Yêu nên xúc động. Phải thôi, vì chồng tôi là niềm mơ ước của bao nhiêu cô gái xứ này. Cái xứ con gái nhà quê thì thi đua lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, con gái thị thành xênh xang sánh đôi với Việt kiều, ngoại kiều.
Lấy được chồng như tôi làm sao không khỏi xúc động tột cùng. Tôi loạng choạng giữa đám đông. Không còn ngôi nhà, vỉa hè tôi cất tiếng khóc chào đời. Thức ăn, bàn ghế, rượu, nhạc, váy, tóc, màu sắc thi nhau lướt bừa vào đôi mắt viễn thị đột xuất của tôi. Không phải Hilton, nơi tôi muốn diễn ra lễ cưới. Chính tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại thích Hilton. Có thể vì tôi muốn bạn bè biết tôi kết hôn với người Âu châu. Có thể vì tôi nhớ Tim. Tôi gặp Tim lần đầu tại Hilton. Bất ngờ. Tim hấp dẫn tôi từ cái nhìn thứ nhất. Tôi bỏ định kiến đàn ông Mỹ không có chiều sâu.
Đôi mắt buồn nao lòng của Tim chứa đầy đam mê. Sau này, Tim nói cũng bị tôi đốn ngã ngay khi chạm mắt. Suốt thời gian ở bên nhau, tôi nghe Tim nói hai câu bằng tiếng Việt. “Mắt em bổ cau.” “Đôi chân em dài thẳng như đôi cau đang thì ra trái.” Tôi trợn tròn mắt. Bị tôi tra tấn một hồi, Tim chịu khai xuất xứ của hai câu nói hay không kém gì thơ Hồ Xuân Hương. Tim mất 20 đô la cho một ông đồ già ngồi vẽ tranh trên phố để ông viết ra giấy và dạy cách phát âm. Và mất hai ngày đọc thuộc. “Ông già Việt Nam ngồi vẽ chữ chắc là sẽ dạy cho điều tốt”. Tim cười ngô nghê. Lấy 20 đô la chỉ để dạy cho một người nước ngoài hai câu nói nhại thơ người khác. Ông già Việt Nam thời mở cửa! Tôi chạnh lòng xấu hổ.
- Thế cây cau là cây gì?
Tôi hỏi xóc. Tim vụng về ôm tôi hôn.
- Tim đừng nên nói với em những điều mà Tim không hiểu. Môi tôi xót dưới làn môi Tim. Sau này, Tim đưa tôi lên chùa Trấn Quốc và tự hào chỉ cho tôi cây cau. Tôi cười khen Tim.
- Thế trái cau để làm gì?
Lần này thì Tim dỗi.
- Làm sao anh hiểu rõ truyền thống của người Việt Nam, cũng như em không thể hiểu hết văn hoá Mỹ đã nuôi anh trưởng thành.
Ngực tôi như bị một con kiến châm nọc. Nhức tỉ tê và ngứa lan dần. Tim nói đúng. Cả hai nền văn hoá cách biệt. Tim không hiểu quả cau dùng để làm gì, và còn trăm thứ Tim không hiểu. Nhưng tôi trọng Tim bởi lòng thật thà. Anh, người tình đầu tiên, người mang hương vị phù sa sông Hồng có thể thao thao với tôi về trầu cau, song tôi biết không có dáng thẳng đứng của cây cau trong suy nghĩ khi miệng anh nói. Trơn trợt, rồi lời nói của anh cũng theo gió ra đi vào ngày có gió, và chết ngạt trong ngày không có gió. Với Tim, khi nói, Tim nhìn cặp chân tôi và cố hình dung về cây cau. Tôi trọng Tim còn bởi tôi được Tim trọng. Bất cứ điều gì Tim hứa Tim đều làm.
Ngay cả chuyện ân ái. Có bận, tôi chưa thấy bờ bến ở đâu Tim đã bị sóng đẩy lật thuyền. Ân hận, vỗ về, xin lỗi, Tim làm như tội tày trời. Tim không biết, tôi bị bỏ bơ vơ giữa biển là chuyện thường tình. Mà đàn bà xứ này đều thế, riêng gì tôi. Những ngày bên Tim, tôi trở thành hoàng hậu. Tôi khám phá bản năng vẫn còn ẩn tận sâu đáy thẳm thân xác. Tim đưa tôi đến tận cùng hang sâu, chỉ cho tôi nền văn minh hồng hoang mà bấy lâu tự tôi che giấu, mà những người đàn ông kia đã không dẫn tôi tới. Họ không đủ sức, không tìm thấy đường hay vì họ nghĩ bởi tôi là đàn bà?
Đàn bà phải là kẻ nằm dưới, là đất để gieo mạ. Rồi mạ non thành lúa, thành thóc, họ đốt nương tàn rẫy, đến mảnh đất khác khai hoang. Tôi nghe người ta gọi đấy là truyền thống, là văn hoá phương Đông. Và tôi là người Việt Nam, người phương Đông. Đôi khi tôi tự tra vấn chính mình: phải chăng đàn bà da vàng, tóc đen không biết đam mê? Rồi Tim trả lời cho tôi bằng hơi thở kích động và ánh mắt thoả mãn, biết ơn.
- Em tuyệt vời quá. Anh chưa từng biết người đàn bà nào nồng nàn như em. Sự nồng nàn nhạy cảm, không chỉ hoàn toàn là dục vọng xác thịt. Em sẽ là vợ anh nhé, cô gái bé nhỏ?
Bên Tim, tôi thấy mình là hoàng hậu, cớ gì tôi không nhận lời cầu hôn. Khác biệt văn hoá, hố thẳm rất lớn. Nhưng tôi tin bằng tình yêu thương, hố thẳm sẽ được lấp đầy. Tôi không nghĩ đến gia đình, lễ giáo khi xúc động nhận lời cầu hôn của một người Mỹ da trắng. Để rồi mấy ngày sau, bẽ bàng nhận ra rốt cuộc mình cũng chỉ là người đàn bà phương Đông từ trong máu huyết.
- Không bao giờ được lấy một thằng Mỹ. Tôi không chấp nhận văn hoá B-52. - Nhưng anh ấy sẽ ở lại đây sống cùng chúng ta, sẽ uống nước rau má và ăn bánh chưng bố ạ.
Mắt bố như mắt của một bộ đội cụ Hồ trên vĩ tuyến 17.
- Để sinh cho tôi những đứa cháu tóc vàng, để gia đình này trở thành một thứ lai căng hổ lốn hả?
Tôi quá nhỏ nhoi và yếu đuối. Dù yêu Tim rất nhiều, dù thích uống Coca Cola hơn nước rau má, tôi cũng đành rời xa Tim. Nhưng trong những giấc mơ, hình ảnh một đứa bé tóc vàng mượt có đôi mắt đen tròn vẫn ám ảnh tôi. Tôi không thấy lai căng hổ lốn như bố nói, tôi thấy nó là đứa bé đẹp nhất trên đời. Rồi vài tháng sau, bố tác thành cho tôi với một ngoại kiều Tây phương. Cũng mắt xanh, mũi lõ. Tôi không thể nào lý giải. Tôi chỉ còn là một người tàn phế. Mỗi người đàn ông tôi yêu, lìa xa tôi, đã mang đi một phần thân thể của tôi. Gặp Tim lần cuối, soi mình lần cuối trong đôi mắt xanh đang lặng xám vì đau đớn của người đàn ông da trắng, tôi thấy vực thẳm đang tụt dưới chân mình. Vực thẳm đào xới tận cùng hun hút một thân xác mỏi mệt. Tim có thể lấp đầy nhưng Tim không có tóc đen, da vàng rải lên che giấu. Tôi để gió và cát ngày ngày rắc bột ớt lên hố thẳm của mình mà không biết rằng gió cát rồi cũng có ngày cạn kiệt.
Không còn thấy gió. Không có một chút gió nào. Dường như lạnh, dường như nóng. Ngày hay đêm, thiên đường hay địa ngục? Tôi mở choàng đôi mắt. Thứ ánh sáng nhờ nhợ tôi thường trông thấy hắt ra từ những bóng đèn trong công viên mỗi hoàng hôn không tài nào phân định nổi thời gian. Thời gian, có phải hạn định ngày tôi thoi thóp trên chiếc bàn sắt lạnh để người ta gắp đi một mạng sống. Có phải buổi chiều giông gió trong căn nhà sàn, người yêu da vàng nhưng khác quốc tịch đã mang đi của tôi phần thân thể nhạy cảm nhất. Thời gian, buổi chiều, buổi sáng, hay buổi khuya đêm, là khi nào cũng không cứu được những mất mát của tôi. Bao nhiêu kỷ niệm như một cuốn phim bị nhão, lê thê đứt quãng trong đầu, tôi miên man trôi nổi trong thứ ánh sáng trắng đục. Từng người tình ươm vàng nỗi hoài niệm. Nhón một ngón tay lên ngang ngực, tôi chợt nhận biết có vật lạ. Nó phát tia sáng gọn, sắc, lạnh, xiên chéo không gian nhờ nhợ. Tôi đưa bàn tay dí sát đôi mắt. Kim cương, ánh sáng của kim cương. Chiếc nhẫn lặng thinh ôm ngón tay áp út. Ngón tay đeo nhẫn. Cuộn phim bất ngờ liền mạch, quay nhanh. Tôi nhìn xuống thân mình. Chiếc váy cưới rũ dài niềm hốt hoảng. Tiếng chuông chùa đâu đó lảnh lót điểm giờ. Tiếng chuông vọng hiu hắt vào trí não tôi ngơ ngác, rã rượi, hoang mang. Chuông nửa đêm, như trí não tôi đang nửa đêm. Váy cưới, nhẫn kim cương, xe hoa, dạ tiệc, nước mắt của mẹ, chiếc áo lông thú của chị xô tôi đến nơi này. Nhưng nơi này là đâu? Chú rể, người đàn ông Âu châu, ngoại kiều da trắng mà bố luôn khen đứng đắn, cấp tiến, và uyên bác, sao chàng không ở bên cạnh tôi? Bố nói đồng ý gả tôi cho ngoại kiều này vì chàng đầu tư rất nhiều chất xám vào Việt Nam và sẽ định cư vĩnh viễn trên mảnh đất hình chữ S. Tôi manh nha ý nghĩ biết đâu ở đất nước xinh đẹp Âu châu quê hương, chàng phạm trọng tội nên phải trốn đến Việt Nam. Định nói ý nghĩ của mình cho bố. Nhưng nhìn ánh mắt tin tưởng vào tương lai của bố, tôi cúi cụp vâng lời. Vả lại tôi không còn sức, không còn đủ bộ phận của một cơ thể để chống cự. Mỗi người tình ra đi, một phần cơ thể tôi đã lìa đứt. Tôi như một kẻ tàn phế. Mắt đã không còn, nhìn ai cũng giống nhau, bố gả tôi cho ngoại kiều hay Việt kiều hay Hoa kiều cũng vậy mà thôi. Tai đã không còn thính, chồng tôi nói tiếng Anh hay tiếng Việt Mường, tôi chẳng phải bận lòng. Ngôn ngữ duy nhất còn tồn tại trong tôi là âm thanh những sợi tóc líu ríu nhau trong màn đêm. Chúng thì thầm với nhau không biết ngày mai gió sẽ chuyển chiều nào, hòng xoay theo. Ngược hướng gió, sẽ gãy tan tành. Rồi mái đầu lại trơ trơ, trậc khấc. Chẳng hề gì. Không còn những người đàn ông tôi yêu, tôi chẳng cần tóc tơ, môi thắm. Chẳng để cho ai.
Dòng suy nghĩ miên man của tôi bị cắt đứt cùng lúc với sự choàng ập của bóng tối. Thứ ánh sáng mờ mờ, nhờ nhợ đèn công viên lay lắt một hồi đã lụi. Trống rỗng tựa một nhánh cây khô mùa đông, tôi mệt mỏi buông bỏ thân mình xuống nệm. Bóng tối, đám cưới, căn phòng lạ, sự vắng mặt của chú rể, đâu cần để ý. Hãy cố ru mình vào giấc yên lành, thế giới không tồn tại. Cánh tay tôi rơi dài bên tôi, tựa tiếng thở sâu từ ngàn năm trước. Tôi thở mơn man, dịu dàng trên đồi cao cùng người tình xa xứ đáng thương. Tôi thở lười biếng, hão huyền bên người đàn ông dậy nực phù sa sông Hồng. Tôi thở không thành tiếng trên triền cát vàng tựa chiếu chỉ vua ban, nghẹn ngào nuốt sâm quý hắc mùi đền đài Trung Hoa. Tôi thở dồn dập kích động, rên hú thanh quản từng hơi trong căn phòng Tim. Nước sông Hồng mùa đông cạn ráo. Dầu cho Hồ Tây tràn nước ra đường, sương mù dăng trắng thành phố. Không khí ẩm ướt đọng thành vũng trong những ngôi nhà phố cổ. Không ai, không gì biết đến sự tồn tại của tôi. Đồng loã cùng thân thể mát thơm, uốn dẻo và trái tim hỗn mang của tôi là màu đêm tối. Tràn lướt trong mênh mông, tôi phiêu du thân thể, phiêu du đêm đặc, phiêu du tâm linh. Tôi thấy mình lặn lội vào rừng thẳm, nơi những cây chò cao vút phế hoang cổ tích, nơi dây leo chằng chịt quấn đan. Tôi thấy mình bì bõm giữa đầm lầy, bùn sánh đặc quệt níu làn da hực hội cơn khát dưới bầu trời xám cứng như mầu trầm uất. Mây tích ngẹt trời mà chẳng làn gió quất ngang. Tôi cưỡi lên mây, tôi tắm trong sình lầy, tôi đu dây leo, tôi chuyền cành chò, tôi thả mình trong vô thức, tôi thả mình trong những phần đời đã mất, tôi buông mình trước phần đời đang trầy trật đêm nay. Trước biển lạnh, người tình Tàu dạo nọ chiếm hữu tôi từ phía sau bắt tôi quỳ gối, chưa một lần cho tôi chủ động yêu đương. Nay tôi đã thoát khỏi kiếp nô lệ của ông, tôi trở thành người đàn bà trưởng thành. Chồng tôi sẽ bế tôi lên ngồi trên, để tôi được mặc sức tung hoành, chà cây đốn gốc. Không cần anh bế, tôi trườn lên như một con rắn chúa. Bản năng chiếm hữu tung trỗi cơn giông chấm dứt hạ. Tôi không phải nô lệ, tôi là mình, bình đẳng như muôn giọt mưa phùn rơi đều đêm đông, rơi đều không gian duy nhất một mầu đen kịt. Không gian chẳng một thanh âm. Chỉ có tôi đang hào hển thở dốc. Tôi nghe trong hơi thở mình tiếng hú của chú chó có bộ lông xám trong ngôi nhà mối tình đầu năm xưa, tiếng gió tắc nghẹn đồi cao ngày Việt ân cần lần sau chót. Những mối tình, hãy u mê lần nữa trong tim tôi, giữa đêm vu quy của tôi và rời xa tôi mãi mãi. Tôi đạp ngàn lần vòng u mê, vòng nuối tiếc, để rồi đôi chân rã rời trượt dài theo tiếng hú rên. Chỉ có màn đêm mới biết tiếng hú ấy thoát ra từ cõi nào.
Lại chính tiếng rao đêm ru tôi vào cơn mộng kéo dài lê thê đánh thức tôi khỏi mê man. Nắng đã tràn bên ngoài, xuyên qua tấm rèm màu nâu xám, chiếu xiên căn phòng sơn mầu vàng nhạt. Tôi nghĩ mình lại rơi vào một cơn mê khác, đến một xứ sở xa xôi nào đó. Không phải căn phòng con gái của tôi, không có những song cửa sổ màu xanh, tấm rèm cửa màu xanh trông ra khu vườn đầy tiếng hoan ca mỗi bình minh. Không có đồng hồ bính boong đếm giờ treo ngoài phòng khách mà bố tôi mang từ bên Nga về mười mấy năm trước. Căn phòng lạ, tiếng rao lạ, cả ánh nắng ban mai cũng lạ lẫm, tôi lại mộng du nơi đâu? Đôi chân tôi sáng nay cũng lạ lẫm dưới thân mình. Có phải đêm qua tôi đã chạy xuyên Thái Bình Dương để tìm người đàn ông xa xứ, để nở hai bầu ngực ôm trọn khuôn mặt ngây thơ lạc mẹ của chàng? Nhấc mình khỏi tấm chăn cũng một mầu nâu xám như tấm rèm cửa, tôi ngạc nhiên vô cùng. Tôi đang mang đôi săng đan trắng mà tôi ưa thích dưới chân. Và trên sàn gạch hoa mầu nâu xám, chiếc váy trắng nằm soãi như một lời nhắc nhở. Chiếc váy cưới. Vu quy. Đêm tân hôn. Không gian tê dại, mạch máu tôi tê dại. Tôi không mộng du, tôi không ở nơi chốn của câu chuyện thần tiên nào, tôi đã trải qua lễ vu quy và đêm tân hôn trong một căn phòng lạ. Tiếng thở sâu dài hàng thế kỷ chìm lặn da thịt, tôi biết chắc cuộc đời thiếu nữ của mình đã hết. Nhưng người đàn ông chấm hết cuộc đời con gái của tôi ở đâu, người đàn ông bố luôn khen giỏi giang, cấp tiến và nhiều vốn tư bản sao không ở bên tôi lúc này? Như đáp lại sự băn khoăn của tôi, những tia nắng chạy xiên khắp căn phòng, đan hình mắt cáo lên tấm chăn màu nâu xám. Hất tung tấm chăn, tôi biết mình muốn kiếm tìm. Những tia nắng đột nhiên biến mất. Căn phòng bỗng ảm đạm. Một luồng khí phụt vào thân thể tôi, buốt xót. Trước mắt tôi, trên chiếc ra nâu xám, trong ánh sáng nhờ nhợ của một không gian xám, thân thể một người đàn ông thẳng đơ như chết rồi. Khuôn mặt Tây phương vô hồn trông đến cả vài trăm tuổi nhưng được tân trang màu mè từa tựa bức tượng tôi vẫn thường trông thấy mỗi khi đến cơ quan bố. Toàn bộ thân thể người đàn ông xám lạnh, duy chỉ có hàm râu quai nón rậm rì loen nhoen nhiều vệt trắng. Làn da tôi trở nên xám tái như màu căn phòng, màu suy nghĩ, màu thân hình người đàn ông duy nhất đang hiện diện trên chiếc giường. Căn phòng u ám lạ thường. U ám như không phải là ngày đầy nắng tôi vừa nhìn thấy vài phút trước. Không còn là hoảng hốt, trái tim hoá đá. Người đàn ông hôm qua đã cưới tôi, người đàn ông luôn nhắn tin cho tôi những lời khó hiểu, người đàn ông đã tặng chị tôi áo choàng lông thú chẳng nhẽ lại mang thân hình lạnh giá như một xác chết thế kia? Hình như tôi đang nằm mơ, hình như có ai đó đang trêu tôi. Hoảng hốt, tôi nhìn xuống thân mình. Không một mảnh vải che thân. Tôi hoàn toàn trần truồng, trừ đôi săng đan trắng lấp loá dưới chân, vệt sáng duy nhất trên thế gian. Tôi chạy vòng trong căn phòng lạ bằng đôi săng đan, những bước chạy trệch trạc hoang mang. Tôi bẹo cấu khắp thân mình. Tôi phải thoát ra khỏi giấc mơ khủng khiếp này. Không da thịt nào cảm thấy đau. Chỉ có vùng kín ran rát và bàn tay tôi ướt mềm trong lau lách. Hai bàn tay bết dính chất ngà lẫn nhiều sợi bạc mà tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận ra không phải sợi đàn bà của mình. Trời ơi, những vệt trắng trên bộ râu quai nón của người đàn ông! Tôi chồm lên thân thể nước đá giữa chiếc giường lạnh xám. Thân hình người đàn ông buốt giá, cứng đơ. Thân hình của một xác ướp! Tôi không biết mình đã làm sao để khoác được chiếc váy lên người, làm sao để thoát khỏi căn phòng nặng nề tử khí. Tôi bay xuống những bậc cầu thang cao quá cỡ, bay qua tấm biển đề khách sạn Eden. Thiên đường, những bậc cầu thang cao để leo lên thiên đường và chạy xuống địa ngục. Đêm qua tôi đã lên thiên đường cùng một xác ướp, tôi đã động phòng với một xác chết. Dấu tích còn nguyên trên bộ râu quai nón của người đàn ông và vùng lau lách mềm mại của tôi. Đêm qua tôi đã bơi qua biển cả, tôi đã lặn trong biển cả, đã phiêu du lên thiên đường. Thưa bà Karl, tối qua ông bà ngủ ngon chứ ạ? Gió tạt đi lời cậu thanh niên lễ tân ngáp ngủ. Gió tràn ngập khi tôi chạy ra khỏi cổng thiên đường. Bà Karl, chồng tôi tên là Karl. Đàn ông Tây phương, vu quy, thiên đường.
Gió phả rạp những cành sấu già phơi trơ mùa đông. Gió tung chiếc váy cưới tôi mang trên mình. Không phải gió độc trên đồi cao nơi tôi đánh mất người tình xa xứ mà tôi thương nhất, không phải gió ngoài biển đêm khi tôi phải guỳ gối uống nước sâm người tình Tàu, không phải gió mơn nhẹ trên ban công ngôi nhà sang trọng trên đất Việt của chàng trai Mỹ trắng. Gió của ngày trống rỗng. Phố xá sáng nay lặng vắng. Bước chân tôi lẫn trong tiếng gió phỉnh gạt con đường về nhà.
Khu vườn màu xanh ngả rạp khi tôi trở về. Không có tiếng chim hót. Hoang tàn như vừa trải qua động đất. Bậc thềm nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời đón tôi im ắng. Ông bà nội trên bàn thờ thản nhiên ngó tôi bằng cặp mắt xa lạ. Tiếng bính boong đồng hồ dường như ai oán. Chẳng cần nghe tôi nói một lời, bố tôi ngảnh mặt vào trong xua tay.
- Sao con lại chạy về đây? Con không biết cư xử cho ra người lớn được à?
- Nhưng.. nhưng con không hiểu. Con không hiểu sao chồng con lại là một xác ướp. Là trò đùa của mọi người?
Gió theo vào tận trong nhà làm run hai bàn tay tôi, run đôi chân mong manh. Bố quay mặt ra hướng gió, mắt bố là lạ. Vừa lạnh, vừa như khóc, lại vừa như cam chịu. - Không phải trò đùa. Mà số phận con ạ. Cả dân tộc này không đùa. Con phải quay trở lại khách sạn với chồng con. Số kiếp đã như vậy, gái chính chuyên phải một chồng, biết vâng phục chồng và xã hội.
Giọng bố yếu dần, rồi tan trong sương sớm.
- Nhưng chúng ta có thể thay đổi được số phận mà bố. Con có thể chọn một người đàn ông khác. Hà cớ gì phải lấy một xác ướp?
- Xác ướp ấy là người tốt nhất trong số đàn ông con đã dẫn về.
Bố bước thẳng vào phòng. Gió lặng trên bàn thờ bố vừa thắp nhang. Tôi biết tôi phải trở lại căn phòng có xác chết đang chờ đợi. Mà không phải xác ướp. Là chồng tôi, là ông Karl, ngoại kiều Tây phương uyên bác và nhiều vốn tư bản đã định cư ở Việt Nam vĩnh viễn. Là niềm mơ ước của xã hội. Sau song cửa màu xanh căn phòng con gái, tôi thấy mẹ đang lén nhìn tôi và lau nước mắt. Tôi không dám ngoái nhìn nữa. Tôi thương mẹ và thương chính mình.
Nắng toả ngời mênh mang theo bước đôi săng đan trắng quay trở lại thiên đường. Nắng của trời, không phải nắng lòng tôi. Nắng của tôi, gió của tôi đã qua đời trong những cuộc tình giờ chỉ còn là ký ức. Nhưng tôi còn chính mình. Dù cho thân thể và tình cảm đã có lúc đứt đoạn, nhưng tôi còn trái tim biết rung động. Bước lên những bậc cầu thang, tôi bỗng thấy mình lớn hơn. Thưa bà Karl, bà có muốn dùng bữa sáng trong phòng không? Bà Karl, tôi đã là bà Karl. Chồng tôi cho dù đã chết vẫn được người đời tôn trọng. Tôi không thể ngay trong sáng nay đi khỏi thiên đường này, phơi xác ướp ra ngoài nắng kia cho tan rã. Nhưng tôi còn có trái tim. Và cả nắng sáng gió sáng của tôi nữa, chúng sẽ trở về giúp tôi thoát khỏi căn phòng này.
Không nhìn Karl đang nhợt tái, tôi kéo tấm rèm mầu nâu xám, mở toang cửa sổ. Bầu trời trong xanh. Ngày đông mà nắng đẹp đến thế. Tôi xoay tròn đôi săng đan trắng, đi lại trong phòng, đi rảo trước chiếc giường với ý nghĩ mình sẽ trốn thoát. Tôi ngồi xuống. Tôi ngồi im giữa chiếc ghế bành. Ngắm hàm râu bạc. Tôi biết bố rồi cũng sẽ chết. Cuộc đời tôi rồi sẽ mọc cánh. Ngoài kia
Ngoài kia nắng chiếu ngời nhân loại.
ĐỖ HOÀNG DIỆU
Hà Nội, trước ngày vu quy
Tháng 3-2005
Kết Thúc (END) |
|
|