4 giờ chiều. Bài phóng sự về hạn hán đang được ông Hùng hoàn thiện nốt phần cuối. Đọc lại, đôi chỗ ông thấy câu chữ chưa đạt tới tầm cảm xúc của ông.
Nhớ đến những gương mặt mướt mải mồ hôi, lo lắng cực điểm của người nông dân ông thấy vẫn còn xúc động. Những thửa ruộng khô toác, nứt nẻ làm ông xót ruột như bỏ muối. "Đồ chết tiệt".
Đằng sau ông, phía tường đối diện bàn viết ở dưới sàn, bà chủ quán "Hùng râu", vợ ông đang tốc áo nằm trước quạt nửa ngủ nửa thức.
"Đồ chết tiệt! Cứ nóng mãi thế thì chết người ta còn gì, chỉ có nông dân là cơ khổ thôi". Bà Hùng râu lật áo xuống, chồm lên: "Ông chửi ai đấy, chửi giời à. Có khổ không? Chửi giời? Này! Tôi thì đang khấn giời đấy! Ông ạ! Tôi khấn ông ấy cứ nóng liền cho tôi cả vụ hè này, cả năm này sang năm khác nữa cơ. Không nóng thì ai uống bia. Bia. Ông hiểu chưa. Giời ơi! Lão này điên rồi. Quên rồi? Năm ngoái suýt thì mất cả chỗ nằm này ấy chứ...".
Bà Hùng râu rửa mặt trong cái bồn bé tí. Toa-lét cũng nằm ngay trong cái phòng tầng hai mới mua lại này. Vừa chải tóc bà vừa rên rẩm. "Đang nóng nhao lên, đi lấy vội một bom, giá gấp ba gấp bốn chứ có ít đâu, về mới mở chưa bán được chục cốc thì ông ấy đổ mưa xuống, thế là chết mẹ! Ba tháng như thế là đứt! Là ngân hàng cho mõ đến nhà! Thế mà còn thương nông dân! Sĩ diện hão! Thương lấy tôi đây này! Tôi là cái gì ấy à? Là cái con chó giữ nhà cho ông, đẻ con cho ông, nuôi con ông và nuôi ông để ông đi đây đi đó thương vay khóc mướn... đ...ấ...y ! Giời ạ!".
Ông Hùng đực ra. Đây không phải một lần ông nhỡ mồm. Không phải một lần bị nghe vợ "chửi". Ấy vậy mà vẫn quên. Mồm thốt ra những câu như không phải của mồm. Của cái gì. Ở đâu. Không hiểu. Ông cắm đầu xuống để nghe vợ nói. Càng nghe càng thấy vợ đúng. Ông lúng túng muốn quay lại ôm vợ một cái làm lành. Nhưng lâu quá có ôm iếc gì đâu nên lại ngại. Thi thoảng ngoài những lúc lang thang vác máy ảnh, túi đồ nghề đi làm phóng sự ông cũng về nhà. Nói đúng hơn là cũng nhớ vợ. Nhưng về đến nhà là ngửi thấy mùi bia từ người vợ bốc ra. Không phải ông thành kiến mà chính vợ ông cũng nói "Thôi, thôi, mệt bỏ mẹ ra đây. Ôm với ấp gì! Hôm nay đông quá. Nóng mà! Sáu bom hết veo. Có thích thì cầm lấy mấy chục mà đi gội đầu gội đít, mấy con trẻ bên "Mây xưa" kia nó cù cho! Tôi ấy à, tôi là con chó, chả còn thích gì sất! Đắt hàng thì muốn chết vì mệt! Ế hàng thì muốn chết vì sợ, chồng đói con đói, ngân hàng đến thu hồi...".
Điệp khúc ngân hàng đến thu hồi là cái ông Hùng sợ nhất. Ông bải hoải cả chân tay. Không thực sự hiểu! Thế nào mà nhà mình lại hay dính đến ngân hàng? Song vì trong nghề, đọc những phóng sự điều tra của đồng nghiệp bên ban kinh tế ông thấy hầu hết những tay buôn bán đều phải đi vay ngân hàng và kết cục thì chẳng mấy người không khuynh gia bại sản và không dính đường tù tội. Nên ông nghĩ dính vào vay mượn ngân hàng giống như thể đi trên một con đường nhục nhã. Nhưng đấy là buôn to, bán lớn chứ nhà ông thì chỉ bán bia hơi thôi. Không sao hiểu được.
Có lần ông đánh bạo hỏi vợ. Bà giảng giải nhưng ông vẫn mù mịt. Nào là thuê địa điểm đưa trước một trăm triệu. Sắm đồ đoàn để ra cửa hàng ba chục triệu nữa. Thuê nhân viên và vốn mua chục bom bia... vị chi tổng thể là hai trăm tròn. Nghĩa là phải thế chấp. Và một năm mưa nắng thất thường đã đi đứt cái nhà thế chấp ấy. Ông đã bảo bà "Thôi bán gì quanh quẩn đủ ăn là được, đừng bia nữa". Bà bảo "Thì cha sinh mẹ đẻ dạy mỗi một nghề. Vinh nhục ở đấy. Tôi còn biết làm cái nghề gì hơn. Mà có làm gì thì cũng chẳng đủ ăn được. Hai con đại học ông tưởng ít tiền đấy à. Ông có biết học thêm, dạy thêm là gì không, có biết luận văn, luận vở là gì không? Không có cái văn cái vở ấy con ông còn lâu mới đỗ! Nhá? Ông tưởng chúng nó giỏi thật đấy à? Có giỏi thật cũng vẫn phải... kèm văn vở... như bia kèm lạc thời bao cấp. Nhá!... Này! Nói cho nhanh! Tôi là tôi mê cái ngớ ngẩn của ông nên tôi cho ông sống không cần phải biết đến cái gì để mà còn mơ với mộng, phóng với sự! Nhá!...".
Điệp khúc "Nhá" này có từ hồi còn tìm hiểu nhau, nghe rưng rưng mà sao bây giờ nghe chối tỷ. Cũng đôi lần manh nha trong đầu ông từ hồi còn ba mươi, cái câu "ly mẹ nó thân ra". Ai đời công tử Hà Nội, có bằng tốt nghiệp đại học báo chí, lấy cô con gái tiệm ăn Pháp có tiếng ở Hàng Gà. Nhà ở có hoành phi, mi môn, câu đối, thế mà cải tiến cải lùi cuối cùng cô vợ thành chủ quán bia, Hùng thành ông chồng, thêm chữ râu thành cái quán. Nổi tiếng bao nhiêu thì vất vả nhọc nhằn bấy nhiêu. Cô vợ trẻ trung xinh đẹp, có học có hành có nghề truyền thống có tài quản lý giờ thì vừa phải quản lý vừa nai lưng ra phục vụ nên xấu người kiêm luôn xấu thói. Con giun quằn thi thoảng lại gào lên "... Nhá! Nhá"... Nhưng rồi cũng chính từ cái "Nhá" ấy mà Hùng "ly" được một dạo lại quay về. "Nhá" thì nhá thật nhưng mụ ấy quả rất yêu Hùng. Không có mụ ấy thì không có cuộc sống của Hùng.
Có lần cầm tiền của vợ, cầm chữ "tự do" vợ vừa ban cho ông Hùng sang tiệm "Mây xưa". Liếc mắt thấy mấy cái đùi soóc nõn nà, cái eo mông mây mẩy. Nhưng ông không biết liệu dính vào thì những cái đùi có lấy mất hai cái chữ vợ vừa cho kia không. Hai chữ ấy là bản mệnh thứ hai của người ta đấy. Nghĩ mà vừa sợ vừa tiếc. Thế là ông Hùng đi thẳng.
... Vài lần như thế. A, không! Dễ đến vài chục lần như thế, ông Hùng vẫn thấy quay về là hơn cả. Thực ra vợ có rít lên thì tại bởi Hùng thốt ra cái câu xót thương không phải lúc. Song tất nhiên là không thể chừa được. Nếu chừa thì còn gì là tâm hồn. Hùng bỗng mơ ước cơ quan cho mỗi phóng viên như Hùng có một phòng làm việc riêng. Có lỡ kêu rên cái gì cũng không bị ai phát hiện. Nhưng cơ quan Hùng cũng còn rất chật. Có lần Hùng kêu rên vì thương xót một người bị án oan, đồng nghiệp bên cạnh đã mở tròn mắt hỏi "Ông đứng về phe nào?".
Đi một hồi loanh quanh, đếm phố này có bao nhiêu cây sấu. Mùa hoa sấu rụng, quả sấu non non chua chua. Phố kia chỉ toàn bằng lăng. Mùa chưa đi mà màu đã thôi. Phố kia nữa, những gốc xà cừ, cây cổ thụ thân to gốc to là thế mà cứ động gặp bão là trốc cả rễ, lăn kềnh ra... Ông Hùng đi về nhà. Mưa như trút nước. Mưa ơi. Mưa ơi. Mát mẻ làm sao. Mưa ơi mưa ơi, lúa lên bời bời. Mưa ơi mưa ơi. Tâm hồn phơi phới... Ông ca vang trong mưa như tuổi thanh xuân. Những lời tuôn ra từ đâu mà mồm rống lên như thế?
Thôi chết rồi! Nhưng may quá! Ở ngoài đường này làm gì có ai nghe thấy! Mụ vợ ấy à, còn lâu. Nhá! Tao cứ hát đấy! Mưa cho nông dân đỡ vất vả, mưa cho ta mát, cho những người không có điều hòa được ngủ một đêm ngon lành. Mưa ơi mưa ơi.
Hát một hồi thì về đến nhà. Mùi bia xông ra tận cửa. Bốn bom không bán được đang chễm chệ trên bốn chiếc xích lô chở từ cửa hàng về, có lẽ đang chờ mụ vợ đem gửi phòng lạnh.
Ông Hùng len lén đi vào. Hối hận về sự phản bội của mình. Lại muốn nói một câu gì với vợ. Nhưng nhìn vợ thương quá, ông Hùng không dám, và không biết phải làm gì. Bỗng nghe vợ nói: "Mưa rồi đấy, cầu được ước thấy rồi đấy. Sướng nhé. Thôi... Đằng nào cũng chết. Thôi để mình em chết cho. Anh tắm rửa cho thoải mái mà đánh một giấc. Mưa thì dễ ngủ...". Nói rồi vợ Hùng mở tủ cầm cuốn sổ bia đi ra.
Loanh quanh một hồi Hùng nằm dài ra sàn nhà. Nghĩ ngợi vơ vẩn một hồi ông ngủ lúc nào không biết. Trong cơn mơ ông thấy mình đang trong cuộc họp. Họp sao lại nằm. Chả làm sao hiểu được. Mà lại nằm trên một đống phong bì. Bên trong phong bì có biết bao nhiêu là thứ.
Ông rón rén mở một chiếc. Chà cái gì ấy nhỉ. Nhiều nhiều vào giời ạ cho bõ. Con đây đâu có phải loại xoàng, ngần ấy năm đèn sách. 100.000 đồng. Được. Bóc cái nữa. Cái nữa. Mồ hôi nhễ nhại rỏ từng giọt tong tỏng. Vuốt mặt không kịp. Cho vào túi, một tờ, một tờ nữa... Nhưng kìa, mưa ập cả vào phòng họp này sao? Ướt hết cả rồi. Ngần này còn chưa giở hết. Đủ bù cho con mụ chỗ bia ế. Hay là... đếm tiếp, nếu được đi mẹ thẳng nó đến ngân hàng lấy cái nhà đã thế chấp ra. Nhưng giời ạ. Mưa gì mà to thế. Sầm sập, ập vào, nước dềnh lên ướt hết cả rồi. Phong bì bập bềnh, trôi chầm chậm về phía cửa cống. Sao lại có cống thông vào đây nhỉ. Cái cửa chặn ngang tầm cổ họng. Hùng vơ cả nắm phong bì. Nhưng làm gì có chỗ mà cất tạm nó lên. Trôi mất ối kia kìa. Bố tiên sư nhà nó. Cơn mưa tai hại.
- o O o -
6 giờ sáng.
Giời ơi. Sao lưng lại ướt thế này. Đái dầm? Mồ hôi? A. Quên không bật quạt. Đêm qua mưa mà sao vẫn nóng thế này. Ông Hùng sờ tay vào túi. Chết con rồi mẹ ơi. Chả có chiếc phong bì nào. Làm sao để con tỏ lòng thương vợ?
Kết Thúc (END) |
|
|