Bạn nhỏ của tôi, em ở đâu trong thành phố tám triệu con người? Cuối cùng thì tôi cũng trở lại Sài Gòn. Từ nơi này tôi đã mang về thành phố của mình biết bao ngày tháng buồn đau.
Mẹ tôi từng nói, tôi sẽ chết nếu một ngày tôi không còn nhắn tin cho ai đó nữa. Với mẹ chỉ là một ai đó bất kỳ thôi. Nhưng với tôi đó là một phần tháng năm máu thịt của tôi lẫn vào với máu thịt ai đó ở cuộc đời này. Thế mà một ngày tôi đã không còn nhắn tin. Và tôi không chết. Mẹ thật vui khi biết mẹ sai lầm.
Tôi sống với mẹ trong một khu chung cư nát bươm như phim của Châu Tinh Trì. Biết bao nhiêu cuộc đời thò thụt ở đó, vậy mà vẫn cứ ổn cả. Tôi nhìn chung cư Mỹ Đình lung linh ngay bên cạnh mà cũng không buồn đau lòng để buông một đám ước mơ. Mẹ tôi nói tôi cầm tinh con dê già, ham chơi mải vui quên lo việc nhà. Tôi, một nhà báo quèn, viết báo có phần dễ dãi và ít chịu đi công tác, thích liên quan tới đám chân dài váy ngắn hơn là làm phóng sự điều tra. Thế nên lương đủ tiền cơm cho mẹ, còn nhuận bút đủ tiền cà phê hay lâu lâu nhảy múa karaoke. Tôi không có nhiều nhu cầu. Tôi chỉ tích cóp tiền để mỗi năm đi Sài Gòn một lần. Để nhen nhóm một cảm giác bắt đầu lại và rồi vẫn thất trận trở về. Chúng ta đã đi hai con đường không giống nhau. Nhưng thử một lần quay lại, trọn vẹn hơn, được không?
Ba năm trước tôi nói với Phan, rằng chúng ta sẽ không còn liên quan đến cuộc đời nhau nữa. Đã hết những tin nhắn dài hàng cây số. Đã hết những cuộc điện thoại chỉ để khóc cho nhau nghe. Hết cả mọi trò đùa và những lần cãi vã. Chúng tôi là hai nhánh sông, nhánh nào cũng quyết liệt, muốn thắng nhanh trên con đường đến biển. Bỗng một ngày Phan xuất hiện trên blog. Đã có tới chín tin nhắn Phan gửi qua blog kèm một đường link người ta viết về tôi. Nhưng tôi đã không đọc nó. Tôi đang tung tăng trong một chuyến đi dài ở một nơi Internet là câu chuyện ngụ ngôn. Chỉ đến khi mở ra thì những bức xúc dài ngày được nén thành ba chữ: Nguyên đây à? Tôi bật cười. Ừ, chân dung tôi đấy, tởm nhỉ? Phan không tin. Không tin hỏi làm gì? Thì đọc, thì bực mình, thì khóc, thì hỏi vậy thôi...Tự dưng, nhìn những con chữ ấy, nghe những nỗi buồn ấy, lại muốn ôm cái nỗi buồn ấy...
Thế nên lại lặn lội vào Sài Gòn. Để vào cái sân bay ấy, để nhìn lại cái lúc mà chúng tôi đã không còn thuộc về nhau nữa. Ngày ấy, tôi đã lên máy bay bằng đôi chân ngàn cân, mắt cụp xuống như muốn khóc. Đến mức máy bay chưa kịp hạ cánh tôi đã nhắm mắt nhấn số gọi cho Phan, chỉ để đùa một câu rất nhạt, báo với Phan rằng máy bay của Nguyên không hề bị rớt xuống biển. Và đầu dây bên kia sẽ im lặng, rồi lẳng lặng sau đó phủ về Hà Nội một cái tin ngắn hơn mọi cái tin: Bình yên! Ngày ấy, chúng tôi tưởng đắp được tường thành giữa Sài Gòn. Tôi mang biết bao nhiêu ảo vọng tốt đẹp vào lòng người. Tôi đã muốn dắt ai đó để họ bước đi không cần nghĩ sỏi lăn vào kẽ chân. Nhưng tôi đã không làm được. Phan lặn lội một mình, khẳng định và kiếm sống một mình trong cái thành phố nồng nặc mùi khói và những cơn mưa ngớ ngẩn có thể làm người ta ngã gục. Tôi đã không kìm giữ được lòng khi nghĩ rằng, vì chân bạn dài, vì đôi môi dày gợi cảm của bạn mà bạn được ông thư ký tòa soạn ưng bụng dùng bài. Tôi thua và ghen tuông. Cơn tự ái như một cơn bão cuốn tình yêu của chúng tôi vào một vũng sương mù. Tôi đã trở lại thành phố của mình, vun trồng những cái cây khô khan trên ban công nhà mình và đã không còn nhắn tin nữa. Tôi đã lang thang qua vài chuyện yêu đương tầm phào, như những cơn say nắng. Đã qua cả những đêm lang thang trên phố chỉ để không phải về nhà và giải thích lý do đôi mắt đỏ ngầu với mẹ. Và những tin nhắn đã soạn chất đầy trong điện thoại, rồi một buổi chiều bão trời thì đem xóa một cách không tiếc thương. Ngày ấy tôi sến hơn bây giờ. Nhưng tôi cũng thấy mình trong sạch hơn bây giờ.
Giờ thì tôi rời Hà Nội trong trạng thái gần như mất hết lòng tin vào loài người. Mọi thứ đã vỡ vụn. Mẹ dặn tôi có thể người ta hại mình nhưng mình không bao giờ được phép hại ai. Mẹ tin có Phật, Phật ngàn mắt chở che cho con dê già ngây thơ của mẹ. Nên khi tôi gần như mất hết, cả những công việc tốt, cả những người mà tôi từng nghĩ là bạn, cả những tinh hoa trong sáng ngày trước cũng bị mài mòn vì cuộc đời nhạt nhẽo, tôi lại níu vào cái nỗi buồn ấy. Tôi chán tôi vì tôi đã thêm một lần để cho Phan phải khóc. Tôi bảo, tôi sẽ vào Sài Gòn, để nếu ai kia cần một cánh tay chìa ra cho mà khóc thì sẽ không phải đi kiếm, hay ít nhất là đi viết phóng sự sẽ có tôi đi cùng khỏi lo bị giang hồ dợt. Ai kia bật cười trong điện thoại. Bạn thuộc tính tôi hơn cả mẹ, bạn còn nhớ từng số phòng khách sạn mà tôi từng ở trọ mỗi năm tôi lang bạt ở xứ nóng đổ mồ hôi chân này. Nhớ cả những chiếc quần nhỏ nhãn hiệu CK và mùi after save mà bạn cùng tôi mua vội ở siêu thị tôi không nhớ tên trên đường Cống Quỳnh. Sài Gòn chỉ là cái nóng đến mức nấm mốc cũng không sống được, cái nóng chăm sóc người ta từ cửa sân bay cho đến từng con phố, nếu như tôi không còn ôm được nỗi buồn của mình trong đôi tay hai mươi tám tuổi bắt đầu biết đến sự già nua.
Không có ai đón đợi tôi cả. Kể cả bạn. Suy cho cùng thì bạn đã sống một cuộc đời khác và sự trở lại của tôi chỉ khiến cuộc sống ấy náo động thêm lên và tôi chẳng có bằng chứng nào cho việc nó sẽ tốt hơn ngày hôm qua. Tôi bắt đầu thấy mình hơi giống gã trai vô tích sự tin mãi vào một câu chuyện tình buồn. Nhưng tôi đã đi rồi. Và nhìn xuống vực mây kia, cái vực mây màu hồng phấn bên ngoài những cánh bay, hãy thử ôm trọn lấy tôi khi chiếc máy bay này rơi xem sao. Rất có thể đó là một khoảnh khắc đáng giá hơn nhiều lần triệu triệu khoảnh khắc mà chúng ta đang lầm lũi trải qua. Nếu tôi không còn nỗi buồn đau ấy, giờ này tôi còn lại gì?
Bạn nhỏ của tôi, em ở đâu trong thành phố tám triệu con người?
Phan đã bỏ trốn tôi khỏi thành phố này, bỏ trốn cái phòng khách sạn trên phố Bùi Thị Xuân do chính tay bạn đặt, bỏ trốn cả những giấc mơ mà tôi trót nhen nhóm sau cuộc điện thoại tươi vui. Tôi gọi điện đến tòa soạn, người ta nói bạn đã nộp đơn xin nghỉ việc từ đầu tháng, bạn muốn tìm một tòa soạn mới cho mình. Tôi gọi đến những sợi dây mà tôi mơ hồ nghĩ là có liên quan, người ta nói đã từ lâu lắm, chỉ gặp nhau qua Yahoo! Messenger. Phải chăng tôi đã không còn là điều gì đó, chẳng hạn như một nỗi nhớ, để bạn đến đắp thêm chút kỷ niệm cho nỗi nhớ ấy của một năm sau?
Anh bạn casting tôi quen đã dẫn tôi đi tìm bạn. Những con phố hơi nóng bốc lên như đang muốn bốc cháy. Tôi đang nghĩ đến bộ dạng thê thảm xộc xệch của mình ngày trở về ở sân bay. Và ước thà nó là lần trước, tôi vẫn còn có thể gọi cho bạn lúc máy bay hạ cánh để chờ nhận được một tin nhắn bình yên. Giờ là không gì cả. Tôi rỗng.
Nửa đêm. Tôi ngồi vạ vật ở quán nhậu lề đường. Anh bạn casting nhậu xỉn mỏi mệt đã kiếm một bến đáp, có thể là một cô gái nào đó mà anh lưu trong máy điện thoại khi làm casting. Anh quan niệm chuyện tình dục như một nhu cầu. Tôi già nua và lỗi thời, sao tôi vẫn cứ níu giữ rằng đó là một thứ thiêng liêng. Tôi vẫn nghĩ tôi trọn vẹn với bạn, ở một căn phòng thơm sạch và tôi muốn biết cảm giác đầu tiên của tôi và của bạn. Cảm giác ấy có thể nào lại chỉ là một nhu cầu? Nhưng giấc mơ ấy lảm nhảm quá, khi tôi là một kẻ xa lạ ngồi giữa một đám qua lại ồn ào. Tôi muốn gục xuống. Tôi nghĩ rằng mình đã gục xuống.
Năm giờ sáng. Tôi nhắn tin vội vã cho anh bạn casting. Cứu tao ngay. Tao đang ở một nơi kỳ lạ. Anh bạn casting giờ đó có thể đang gục mặt ngủ quên trên một rừng cỏ xanh nào đó mà đã không nhận ra lời kêu cứu của bạn mình. Đầu tôi hơi đau. Và cánh tay hơi mỏi. Tôi lờ mờ nhận ra tình thế của mình. Hình như tôi đã không mặc gì trên người. Hình như tôi đã đi qua một vùng nắng hạn để đổ ập mình vào một cơn mưa. Và dường như tôi đã đánh rơi những giọt tình yêu trong một vùng đất ngầm hoang dại. Tôi đã lảm nhảm suốt đêm cái câu người ta chỉ nên nói một lần trong đời: Anh yêu em. Tôi đang ở trong khách sạn của mình. Trần truồng với những băn khoăn không dứt về đôi tay mệt mỏi. Trên nệm giường, một vệt bình minh bầm đỏ. Một vệt như vết cứa.
Tôi lao vào toilet. Trên kệ gương, đã có sẵn chiếc bàn chải nêm kem đánh răng dành cho tôi. Tôi biết thế là giấc mơ hoang dại đầu tiên của đời mình đã không còn nữa.
Tôi đã không thể gặp lại bạn nhỏ một lần nào nữa. Bạn nhỏ đã bỏ lại tôi với một tin nhắn duy nhất. Phan sẽ đẹp hơn nhiều nếu chỉ đến cùng Nguyên trong những giấc mơ.
Lúc tôi về tới Nội Bài, tôi đã không còn nghĩ đến một cuộc điện thoại nữa. Bỗng anh bạn casting hồ hởi gọi tới. Tao đã tìm thấy Phan ở Parkson. Nói không muốn gặp mày vì mới gây lộn với bạn trai. Bằng chứng có thật là vẫn còn vết xước trên má. Tôi bật cười, lấy tay xoa cái cằm lởm chởm râu của mình. Từ đấy, tôi biết những giấc mơ của mình đã không còn bình yên...
Dương Bình Nguyên, sinh năm 1979 tại Thái Nguyên, hiện là phóng viên chuyên đề An Ninh Thế Giới Cuối tháng (Báo Công An Nhân Dân). Đã được một số giải thưởng văn chương, trong đó có Giải Truyện ngắn hay nhất năm 2003 của Báo Người Lao Động Chủ nhật. Đã xuất bản 3 tập truyện ngắn: Làng nhan sắc (2001), Về lại thiên đường (2003), Hoa ẩn hương (2005). Đang viết truyện dài Thành phố bốc cháy.
Đôi tình nhân ở hai thành phố lớn. Không gian xa cách khiến họ luôn tưởng nhớ nhau, nhưng không gian xa cách cũng khiến họ nghi ngờ nhau. Rồi họ chia tay. Một thời gian sau, chàng trai thấy sống không thể thiếu nàng nên đã vật vã đi tìm. Và chàng chỉ gặp những người xa lạ. Tình yêu- phải chăng người ta chỉ nhận ra nó khi đã mất? Truyện của Dương Bình Nguyên viết tưởng đơn giản, nhưng hiểu được truyện anh cũng thích thú như khi khám phá những điều rất lạ ở một người tình.
Kết Thúc (END) |
|
|