Bọn nó bảo em đẹp lắm phải không Khanh? - Cười. Thế nào là đẹp hả chị? - Giống tây. Bọn nó bảo em đẹp như vậy ý Khanh ạ. Mà… tây thì trông thế nào nhỉ? Chị đột ngột yên lặng. Tây là trông thế nào nhỉ? Trông là gì chị cũng đã bao giờ biết đâu…
- Hôm trước, Khanh đèo chị ra chợ. Một hàng làm đầu nhỏ xíu và đông nghịt. Bên cạnh đó có đến mấy hàng vắng vẻ hơn. Nhưng chị nhất quyết chờ.
Chị bảo mọi người ở đây thử hết rồi, thấy chỉ có hàng này là được nhất. Cắt cũng đẹp nhất mà lại phục vụ cẩn thận. Chị bảo thế, ừ thì Khanh biết thế. Khanh chờ chị. Chị ngồi chờ, vẻ mặt háo hức và rộn rã.
Có phải con gái sinh ra để điệu không? Mắt chị đưa đi đưa lại. Những con mắt không nhìn được luôn luôn đưa đi đưa lại, rất nhanh. Những con ngươi nhờ nhờ chạy vòng quanh bờ mắt, đi, đi mãi, không thấy đường về. Những con ngươi mải miết.
Khanh chờ chị cắt tóc và tỉa lông mày. Chị bấm đuôi tóc một tý đi cho nó đỡ chẻ. Tóc chị rất dài và rất mượt. Khanh cũng có một mái tóc, một mái tóc con gái mỏng dính, cụt lủn. Ngày trước, khi ông nội còn sống, ông không cho cắt tóc.
Ông không cho ai động đến đứa cháu duy nhất của ông, đứa cháu gái mà ông đã muốn dạy dỗ nó trở nên dịu dàng và khéo léo. Nhưng ông mất, từ khi Khanh còn bé tý, bé đến mức cứ nhìn người ta buộc chặt ông trong lần vải trắng, rồi đưa ông đi, mãi mãi.
Khanh nhìn như thế và không rơi nổi giọt nước mắt nào. Và lớn lên, Khanh cắt tóc. Mái tóc nham nhở cụt lủn theo những thứ mốt cứ ba ngày lại đổi một lần. Cho đến khi Khanh đi cùng đứa bạn thân thăm bà nó ốm.
Bà gần như mất trí, bàn tay run rẩy và nụ cười trong trẻo, có thể gọi là trong trẻo không nhỉ? Nụ cười của một người đã quên hết sự đời. Nhưng bà vẫn mân mê mái tóc – mái tóc bạn Khanh rất dài và rất mượt. Bà yêu mái tóc ấy của bạn Khanh lắm.
Trước đây, bà vẫn thường kể bà cũng có mái tóc dài thế và đẹp thế, không tết thành đuôi sam mà cuốn gọn hoặc búi trên đầu, cái thuở bà còn con gái ấy. Bây giờ bà ốm, tóc bà ngắn như tóc mọi người mẹ miền Trung khác. Nhưng tay bà vẫn mân mê, mái tóc rất dài, rất mượt.
Bà gọi tên bạn Khanh. Đứa bạn không biết vì sao mắt Khanh đỏ hoe, không biết vì sao Khanh đột ngột bỏ ra ngoài lúc ấy và cũng không biết Khanh bắt đầu thôi cắt tóc từ bao giờ.
- Nếu ông nội còn sống ông có vuốt tóc Khanh thế không nhỉ?
- Chị ngồi lên chiếc ghế dựa để chị hàng cắt tóc môi bóng mắt đong đưa bấm đi đuôi tóc thừa, rồi nhẹ nhàng cầm chiếc dao lam tỉa hàng lông mày thành ra mảnh dính.
Chị hỏi Khanh Có nên ép tóc không Khanh nhỉ? Tóc chị dài ép chắc tốn lắm, nhưng mà mượt. Tóc ép đẹp ghê cơ. Đẹp, khi mới quen chị, Khanh đã không dám nhắc đến từ ấy.
Đẹp, người ta có thể biết thế nào là đẹp qua sự lần sờ của những ngón tay? Nhưng rồi cũng quen đi. Phải thản nhiên như cuộc sống vốn thế. Với một đôi mắt hỏng, chị vẫn hỏi Khanh áo này đẹp lắm phải không Khanh? Vải này là vải gì nhỉ? Thô à? Lụa à? Buộc tóc này mầu gì hả Khanh?
- Về chứ chị? ép làm gì? hỏng tóc đấy. Tóc chị đẹp lắm rồi, em nói thật đấy!
Về. Trường bé, rối loạn lên như cái mê cung. Lần đầu tiên vào đây Khanh đã lạc, lạc giữa những căn phòng mờ mờ, những cái cây sống mà đầy bụi như cây giả được bày đã cả ngàn năm.
Nhưng cũng lần đầu tiên vào đây, Khanh bất ngờ thấy mọi người vui đến thế, líu lo đến thế. Đâu phải không nhìn được đã là không còn gì. Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay, nhưng niềm vui hình như cất lên từ nơi nào sâu lắm kia, nơi chẳng ai nhìn thấy nổi.
- Chị muốn học cao hơn nữa Khanh ạ. Học xong chị muốn học tiếp lên đại học. Chị thích học đại học lắm. Mà hôm trước chị gặp một bà người Mỹ tốt lắm nhé, bà đưa chị đi ăn, ăn bao nhiêu là món. Rồi bà ý hỏi thăm chị. Xong bà hứa là sẽ cho chị tiền học đến hết đại học nữa cơ. Chị sẽ đi học đại học Khanh ạ!
- Khanh thích nhìn chị những lúc chị như thế, khi chị nói về suy nghĩ, những suy nghĩ của chị, ước mơ của chị, những ước mơ nho nhỏ và con con. Đại học có vẻ là cái gì xa xôi quá. Khi người ta đã phải xếp mọi thứ vào ngăn của những ước mơ, ấy là khi người ta thấy nó cao vời vợi.
Khanh đến đây, ban đầu vì tò mò. Sau đó là vì những lý do gì Khanh cũng không giải thích nổi. Một ngôi trường nhỏ cũ kỹ, trên con đường bụi mù và xa lắc lơ khỏi trung tâm thành phố.
Những con người đi lại luôn vừa đi vừa gây một tiếng động gì đó, thay cho lời nhắc nhở “tôi đang đến đây”. Khác với những gì Khanh thấy trên phim. Không phải những người dò dẫm với cây gậy trên tay.
Bọn chị chỉ phải dò đường ở những chỗ lạ thôi, còn trong trường thì quen rồi cần gì phải dò nữa! Như người ta vẫn nói, “nhắm mắt lại vẫn đi được” phải không chị? Luôn là thế. Con người ta thường chỉ sợ những gì lạ lẫm thôi. Không nhìn được, có phải là lạ lẫm so với những người khác không?
- Từ khi quen chị và mọi người – Khanh gọi tất cả những người trong trường như vậy – mọi người, Khanh hay đến đây. Có hôm mưa, hôm ấy Hà Nội mưa to lắm. Cây đổ, điện mất.
Nhưng vì mấy hôm trước Khanh đã hẹn là Khanh đến, Khanh không muốn sai lời, Khanh vẫn mặc áo mưa đi.Thực ra là Khanh đã chán nhà quá rồi. Mà mưa thế chẳng đứa bạn nào đủ nhiệt tình để đi cafe với Khanh, vậy là Khanh đi, một mình.
Lúc Khanh vào, không thể diễn tả chị lúc bấy giờ. Chị vui mừng, rạng rỡ, hớn hở, và có phần tự hào nữa! Mấy chị khác nhìn chị như thèm thuồng. Gọi là nhìn, nhìn nhau qua âm điệu và những tiếng kéo dài rất nhẹ ở cuối câu, cái thở dài dường như ngắt quãng.
Mấy người khác hẹn đến với các chị ấy, nhưng có lẽ mưa to quá nên không đến. Chị cứ nhắc đi nhắc lại Chị tưởng Khanh không đến cơ, mưa to thế mà! Ôi không ngờ em lại đến, em vẫn đến… Chị cứ nói mãi thế. Khanh đến, cũng chẳng có việc gì cả.
Buồn cười thật. Đôi khi Khanh thấy mình ích kỷ. Khanh vào đây, nói chuyện với mọi người, thấy thanh thản và bình yên. Đơn giản vì thế mà Khanh hay vào, vậy thôi.
Nhưng căn phòng mờ tối, những thứ cũ kỹ như vốn thế từ cả ngàn năm, những cái cây sống mà như đã hóa nhựa, cả cái cách người từ phòng này gọi ới sang phòng kia, tất cả toát lên rất đỗi thanh bình.
- o O o -
Chị Thảo thì thầm nhờ Khanh đưa vào bệnh viện. Cái bệnh viện cũng cũ kỹ và hoang tàn như cái trường của chị. Chị Thảo ra trường rồi ở lại làm giáo viên, chị bảo chị bị đau dạ dày.
Khanh chẳng đau ốm bao giờ cả, vậy mà vẫn gầy như xác ve, cũng trong suốt như thế, gió cũng có thể thổi bay đi bất cứ lúc nào. Những cơn gió của tâm tưởng luôn thổi Khanh bay về những nơi xa lắc.
- Khanh dẫn chị Thảo lên những bậc nhỏ sứt sẹo, vào một căn phòng bé tý xíu.
- Em muốn siêu âm, bác sĩ cho em siêu âm. Em có bầu mấy tháng rồi nhưng tình hình gia đình không ổn định nên em uống thuốc ba tuần nay rồi. Bây giờ thấy… bác sĩ cho em siêu âm… nếu nó còn chắc cũng tầm ba tháng rồi, hoặc nếu đã mất em cũng còn biết đường mà…
- Người bác sĩ lẳng lặng ghi giấy. Lại vòng vèo những bậc thang.
- Khanh đừng nói cho ai biết nhé! Chị và anh ấy yêu nhau, yêu nhau, em hiểu không? Nhưng gia đình anh ấy không cho phép. Anh ấy cũng mù, cho nên gia đình muốn anh ấy lấy một người sáng mắt để đỡ đần cơ.
Nhưng chị và anh ấy yêu nhau, yêu nhau em ạ, nên bọn chị đã đăng ký kết hôn nhưng không cho gia đình biết. Bây giờ thì gia đình anh ấy giục quá. Giục anh lấy một cô vợ mắt sáng. Chị chẳng biết làm thế nào cả, nói thật với gia đình thì anh ấy chưa dám… cho nên chị mới… mà em đừng cho ai biết cả nhé…
- Đường bệnh viện dài và sâu hun hút. Lạnh lẽo, áo trắng, khăn trắng, những cánh cửa trắng, rèm cửa trắng, trắng toát một màu. Cũ kỹ, và lạnh.
- Con gái mù khó lấy chồng lắm em ạ! Cái thở dài vượt cả thời gian. Những cô gái quá lứa lỡ thì cố lấy một anh chồng không nhìn được có thở dài như thế? Bó sen cuối cùng của mùa hạ Khanh mang vào cho chị.
- Sen hồng hay sen trắng hả em? Ôi sen hồng à? Chị thích sen hồng lắm. ừ sen hồng thơm nhỉ? Cánh mịn nhỉ? Chị thích sen lắm.
- Khanh không hiểu sao mình vẫn hỏi chị thích sen gì? Sen trắng hay sen hồng? Chị đưa tay dịu dàng vuốt vuốt bông sen. Có phải là độc ác không khi bảo may mà chị không nhìn thấy, không nhìn được để không biết bông sen cuối mùa xác xơ, thâm dập và còi cọc thế nào.
Chị chỉ vuốt thôi, đưa tay vuốt ve những cánh sen rất mịn, thơm một mùi thanh mát nhẹ nhàng, Khanh thích sen trắng, dù sen trắng bông thường nhỏ hơn, ít thơm hơn. Và hiếm hơn sen hồng nữa.
Nhưng ấy là bởi Khanh có thể ngồi mà ngắm những cái cánh trắng muốt kia, để thấy nó đẹp, cái đẹp mong manh chóng mất. Còn khi không thể ngắm, người ta sẽ thích mùi hương. Thế cuối cùng thì vẻ đẹp và hương thơm, cái nào quan trọng hơn cái nào nhỉ?
Có phải con người ta hay bị đánh lừa bởi cái đẹp bên ngoài? Cái nết đánh chết cái đẹp. Cái hương có đánh chết cái đẹp không? Tội nghiệp có khi nào người ta chết chỉ vì quá đẹp?
- Chị chuyển nhà đến một chỗ gần trường mới của chị hơn. Ngôi trường phổ thông này không đủ cho ước mơ đại học của chị. Chị chuyển khỏi căn phòng nội trú nhỏ xíu một hôm không có Khanh, hôm Khanh đang mải mê với một niềm quan tâm nào khác, khi Khanh không đi tìm sự bình yên ở nơi cũ kỹ và lặng lẽ này.
Hôm Khanh vào, chị Thảo thông báo ngắn gọn: “Cái Tình nó chào em đấy, bao giờ ổn định nó sẽ báo lại sau”. Chị Thảo không nói gì về đứa bé của chị. Khanh cũng không dám hỏi. Căn phòng nhỏ mùa này không kiếm đâu ra sen để trông ấm áp hơn một chút. Phòng nhỏ mà hóa thênh thang.
- Tối. Khanh không bật đèn và đi thử trong phòng mình. Vấp. Bởi Khanh chưa bao giờ định nhớ nơi nào là chỗ của cái gì. Mọi thứ lộn xộn trong suy nghĩ của Khanh. Nhắm mắt. Và Khanh bước đi từng bước một, thận trọng. Khanh sẽ phải tập thói quen nhớ rõ vị trí mỗi thứ trong cuộc đời mình. Để nhắm mắt, vẫn có thể bước đi.
Kết Thúc (END) |
|
|