Chuyện tình trắc trở này là một trong những điều ngạc nhiên của tôi thời trai trẻ. Tôi được nghe bố mẹ, cùng nhau hay từng người riêng biệt, kể lại chuyện tình này nhiều lần đến mức thuộc lòng và đưa nó vào cuốn Bão lá úa. Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà tôi viết khi vừa tròn hai mươi sáu tuổi, dù vẫn biết phải còn học hỏi rất nhiều về nghệ thuật viết văn.
Bố mẹ đều là những người kể chuyện rất giỏi và có trí nhớ tuyệt vời về mối tình hạnh phúc của mình. Nhưng họ say mê đến mức, khi tôi, lúc đã ngoại ngũ tuần, định sử dụng nó vào cuốn tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả thì không còn biết phân biệt đâu là đời thật, đâu là thơ nữa.
Theo giải thích của mẹ, lần đầu tiên hai người gặp nhau là trong đám tang một em bé, mà sau này cả bố và mẹ tôi đều không xác định được tên gì. Mẹ tôi cùng các bạn gái đứng ở ngoài vườn hát những bài tình ca kéo dài suốt chín đêm, theo phong tục dân gian thời bấy giờ. Bỗng có giọng một chàng trai hòa vào dàn đồng ca. Các cô gái liền quay đầu nhìn và kinh ngạc trước vẻ đẹp mã của anh chàng này. “Chúng mình sẽ cưới anh ấy”, tất cả cùng cất lên điệp khúc này theo nhịp vỗ tay. Mẹ tôi không có cảm xúc gì, bà chỉ nói như thế này: “Thì cũng như mọi người nước ngoài khác”. Và quả là đúng như vậy. Chàng trai này vừa từ Cartagena de Indias đến đây. Trước đó, vì không đủ tiền học phí, anh đành bỏ dở việc học hành của mình tại trường y dược và bắt đầu cuộc sống vô vị của một nhân viên điện tín - một nghề mới xuất hiện ở một vài thị trấn trong vùng.
Những người quen biết ông từ thời đó nhìn ông như một chàng lãng tử chịu chơi và khoái đàn bà. Tuy vậy, trong suốt cuộc đời trường thọ của mình, ông chưa từng uống một ngụm rượu và hút một điếu thuốc nào.
Mối quan hệ thân mật của hai ngươi càng bền chặt hơn khi mẹ tôi trở thành bình phong cho mối tình kín đáo của ông với một bạn học của bà, rồi chính bà chấp nhận đứng ra giúp đỡ cho đám cưới của họ. Từ đó, ông gọi bà là mẹ đỡ đầu, còn bà gọi ông là con nuôi. Với cách gọi như vậy thì làm sao Luisa Santiaga không kinh ngạc khi chàng nhân viên bưu điện ngỗ ngược rút bông hoa hồng đang cài trên ve áo, trịnh trọng trao cho bà trong một đêm khiêu vũ và nói:
- Bằng bông hồng này, anh muốn trao cả đời anh cho em.
Đó không phải là một hành động ngẫu hứng, nhiều lần ông nói với tôi như vậy, thực ra thì sau khi đã quen biết tất cả các cô gái, ông nghiệm ra rằng Luisa Santiaga mới chính là người sinh ra để dành cho chính ông. Bà thì hiểu là chuyện bông hoa hồng cũng giống như bao trò đùa khác mà ông thường dùng để mua chuộc các bạn gái của mình. Vì vậy, khi ra về, bà đã bỏ quên bông hồng ở đâu đó và ông cũng nhận ra điều này. Bà cũng đã có một người bí mật theo đuổi, đó là một nhà thơ không may mắn và là một người bạn tốt nhưng không làm sao để có thể làm cho những vần thơ nồng nàn cháy bỏng của mình thâm nhập được vào trái tim gỗ đá của bà. Tuy nhiên, bông hồng của Gabriel Eligio vẫn quấy rầy những giấc ngủ của bà vì một nỗi bực tức không lý giải được. Khi mẹ đã có cả một đàn con, trong buổi trò chuyện chính thức đầu tiên về các mối tình của mình, mẹ thú nhận với tôi: “Lúc đó mẹ không ngủ được vì cứ nghĩ đến ông là lại thấy bực mình. Nhưng điều làm mẹ tức nhất chính là việc càng bực mình bao nhiêu lại càng nghĩ đến ông ấy bấy nhiêu”. Những ngày tiếp theo của tuần lễ đó, bà vô cùng khổ sở vì nỗi sợ phải giáp mặt ông và nỗi đau không thể gặp ông được nữa. Từ mối quan hệ mẹ đỡ đầu - con nuôi, họ bỗng trở thành những người không quen biết. Rồi đến một chiều nọ, khi đang cùng ngồi khâu dưới gốc cây bàng, bà bác Francisca hóm hỉnh nói với cô cháu gái:
- Nghe nói người ta tặng cháu một bông hồng.
Và cũng như mọi chuyện, Luisa Santiaga lại là người cuối cùng biết rằng những cơn bão táp trong chính trái tim mình đã trở thành chuyện bàn tán công khai của thiên hạ từ hồi nảo hồi nào rồi. Trong nhiều lần nói chuyện với tôi, bố mẹ tôi đều thống nhất là tình yêu sét đánh giữa hai người trải qua ba dịp có tính quyết định. Lần đầu tiên xảy ra vào buổi lễ Misa trong ngày chủ nhật. Hôm đó, Luisa Santiaga ngồi cạnh bà bác Francisca thì nghe thấy tiếng gót giày gõ nhẹ trên sàn gạch và anh chàng nhân viên điện tín đi qua sát bên mình đến mức ngửi thấy cả mùi nước hoa phảng phất trên người anh. Bà bác Francisca hình như không nhìn thấy chàng thanh niên điển trai, và anh thì hình như không nhìn thấy hai bác cháu đang ngồi. Nhưng thực ra, mọi việc đều diễn ra theo dự kiến của chàng thanh niên trẻ tuổi kể từ khi thấy hai bác cháu đi ngang qua phòng điện tín. Cha tôi đứng sau chiếc cột gần cửa ra vào nên có thể nhìn thấy lưng bà còn bà thì không thấy ông. Sau mấy phút căng thẳng, Luisa Santiaga không cưỡng nổi lòng mình đã lén liếc qua vai về phía cửa ra vào. Bà tức điếng cả người khi thấy ông đang chăm chú nhìn mình và hai ánh mắt gặp nhau. “Đúng như dự định của bố”, khi về già bố tôi sung sướng nhắc lại với tôi như vậy. Ngược lại, mẹ tôi thường nhắc đi nhắc lại với tôi là suốt ba ngày tiếp theo bà không thể nào dẹp bỏ được nỗi tức giận vì đã rơi vào bẫy của ông...
Một lý do được coi là khá nghiêm trọng khiến gia đình phản đối quyết liệt việc Gabriel Eligio tìm hiểu Luisa chính là bởi anh là đứa con ngoài giá thú của một phụ nữ không chồng. Mẹ sinh ra anh khi bà mới có mười bốn tuổi, sau lần gặp gỡ ngẫu nhiên với một anh giáo. Bà tên là Argemira Garcia Paternina, một phụ nữ da trắng, dáng người thanh mảnh và tư tưởng tự do. Bà từng có năm con trai và hai con gái với ba người đàn ông khác nhau, nhưng không hề có hôn thú và không bao giờ sống chung dưới một mái nhà với bất kỳ người đàn ông nào. Bà sống ở thị trấn Sincé, nơi bà sinh ra và đã cố gắng hết sức mình để nuôi dưỡng đàn con đông đúc, với tính tự lập và niềm vui sống mà lứa cháu chắt chúng tôi vẫn ghi lòng tạc dạ. Gabriel Eligio là khuôn mẫu sáng giá nhất trong bầy con rách rưới đó. Mới mười bảy tuổi, ông đã có tới năm bạn tình còn trinh trắng, theo như lời tự thú tội của ông với mẹ tôi trong đêm tân hôn trên khoang chiếc thuyền buồm bất hạnh bị gió bão dập vùi không thương tiếc ở Riohacha. Ông cũng thú nhận, năm mười tám tuổi vào lúc đang làm nhân viên điện tín ở thị trấn Achi, ông đã có một con trai với một trong năm người tình đó, và đứa bé ấy tên là Abelardo, tính đến lúc ấy sắp tròn ba tuổi. Với một tình nhân khác, lúc đã hai mươi tuổi và đang làm ở bưu điện Ayapel, ông lại có thêm một đứa con gái với cái tên Carmen Rosa, được vài tháng tuổi mà cho đến lúc ấy ông còn chưa biết mặt. Ông hứa hẹn sẽ quay lại kết hôn với mẹ của đứa bé gái này. Đang định thực hiện lời hứa đó thì cuộc tình với Luisa Santiaga đã làm thay đổi đời ông. Ông đã làm thủ tục công chứng thừa nhận đứa con trai lớn và sẽ làm tiếp với đứa bé gái, nhưng đó chỉ là thủ tục hình thức chứ không có ràng buộc về mặt pháp lý. Điều đáng ngạc nhiên là chính hạnh kiểm đáng ngờ của Gabriel Eligo lại khiến cho ông ngoại tôi - đại tá Márquez - lo lắng về mặt đạo đức bởi vì, ngoài ba đứa con chính thức, trước và sau hôn nhân, ông ngoại còn có đến chín đứa với những bà vợ khác nhau, và tất cả đều được vợ ông coi như con đẻ của chính mình...
Thế nào rồi hai con người đang say men tình ái đó cũng tìm ra cách để liên lạc với nhau, mặc dù trước con mắt của các bậc phụ huynh đáng kính, họ vờ như không còn thân thiết nữa. Khi những bức thư gửi lén không còn hiệu lực nữa thì họ lại nghĩ ra kế khác. Luisa Santiaga giấu tấm bưu ảnh dưới chiếc bánh ngọt mà ai đó đã đặt mừng sinh nhật của Gabriel Eligio, còn ông cũng tận dụng mọi cơ hội để gửi cho bà những bức điện giả với nội dung vô thưởng vô phạt, nhưng ý tứ thực đã được mã hóa hoặc viết bằng mực hóa học. Rõ ràng, trong việc này, cả hai người đều rất cần sự giúp đỡ của bà bác Francisca; tuy nhiên, bà cương quyết từ chối vì việc này trước hết ảnh hưởng đến quyền uy của bà trong gia đình; hơn nữa, bà chỉ được phép ngồi khâu vá cùng với cô cháu gái dưới gốc cây bàng mà thôi. Và thế là anh chàng Gabriel Eligio tội nghiệp đành phải gửi các bức thông điệp tình yêu dưới dạng ký tự dành cho người câm điếc từ cửa sổ nhà ông bác sĩ Alfredo Barboza ở phía bên kia đường. Luisa Santiaga đã học cách đọc viết các thông điệp này rất nhanh và lợi dụng lúc bà bác sơ hở đã gặp mặt và nói chuyện thân mật được với người yêu.
Bằng những cách đó, ngọn lửa tình yêu giữa hai người vẫn được duy trì và cháy âm ỉ cho đến khi Gabriel Eligio nhận được thư báo động của Luisa Santiaga. Lá thư đó đã buộc ông phải suy nghĩ đến biện pháp cuối cùng. Bà vội vàng viết bức thư này trên giấy vệ sinh để báo tin dữ là bố mẹ đã quyết định trừng phạt mối tình ngang ngược này bằng cách bắt bà cùng đi đến Barrancas. Đó không phải là một chuyến đi bình thường trên chiếc thuyền buồm qua Riohacha trong đêm thời tiết xấu, mà là trên lưng lừa và xe bò dọc theo những đường mòn nguy hiểm ven sườn dãy núi Sierra Nevada, qua tỉnh Padilla rộng mênh mông...
Đúng vào lúc đó, Gabriel Eligio nhận được quyết định bổ nhiệm chính thức làm điện tín viên ở thị trấn Riohacha. Lo lắng vì sắp phải xa nhau lần nữa, mẹ tôi cầu cứu ngài Pedro Espejo, Giám mục địa phận, với hy vọng được ông làm lễ cưới mà không cần sự cho phép của bố mẹ. Khi Luisa Santiaga đến cầu xin giúp đỡ, ông đã bộc lộ trí thông minh mà chỉ có các bậc thánh nhân mới có. Ông từ chối can thiệp vào chuyện nội bộ một gia đình vốn rất coi trọng việc giữ gìn nề nếp gia phong, nhưng lại bí mật hỏi các chức sắc tôn giáo về gia đình bố tôi. Vị cha xứ ở Sincé đã bỏ qua lối sống tự do của bà Argemira Garcia, mẹ của bố tôi và trả lời khá thân thiện là: “Đó là một gia đình đáng kính, mặc dù không thật sùng đạo lắm”. Ngài Giám mục gặp đôi trai gái, riêng từng người, sau đó gặp chung cả hai. Sau đó, ngài Giám mục đã viết thư cho Nicolas và Tranquilina bày tỏ niềm tin chắc chắn rằng không có sức mạnh nào trên đời có thể đánh bại được mối tình kiên định này. Bị khuất phục trước uy quyền của Chúa, ông bà ngoại tôi chấp nhận đóng lại những trang đau buồn và giao cho Juan de Dios toàn quyền đứng ra tổ chức lễ cưới cho em mình ở Santa Marta. Tuy không đến dự, nhưng ông bà ngoại cử bà Francisca Simodosea, chị họ của ông, thay mặt mình làm mẹ đỡ đầu.
Ngày 11 tháng 6 năm 1926, lễ thành hôn của cha mẹ tôi được tiến hành ở nhà thờ lớn của thị trấn Santa Marta, chậm mất bốn mươi phút so với dự kiến, vì hôm ấy cô dâu lại quên mất ngày cưới và mãi hơn tám giờ sáng hôm đó cô mới được mọi người đánh thức dậy. Ngay tối hôm ấy, hai người một lần nữa lại phải lên chiếc thuyền khủng khiếp để cho Gabriel Eligio đi nhậm chức điện tín viên ở Riohacha và thế là họ qua đêm tân hôn trong cảnh say sóng...
Kết Thúc (END) |
|
|