Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đức Hạnh Tác Giả: Nguyễn Thu Phương    
    Ngôn trở về nhà lúc nửa đêm, việc đầu tiên là chui ngay vô phòng tắm, xả nước nóng. Mùi nước hoa khó chịu của Thúy vẫn còn luẩn quẩn quanh anh, dù anh đã trát cả đống xà bông rồi chà đi xát lại đến đỏ da bằng cái bông tắm bọc lưới. Không có chút ham muốn mà chỉ là sự ghê ghê – mỗi khi cô ta (giống như cố tình) đổ ập vào lưng Ngôn bộ ngực nóng hổi sau lần áo mỏng. Cả hai đã đi vào rồi đi ra mười mấy cái khách sạn ở khắp thành phố, suốt từ 8h cho tới hơn 11h đêm. Đi bằng chiếc Dream Trung Quốc "bèo" mượn của thằng "đệ tử", chạy không quen, qua mấy chỗ đường đào cống dằn xóc ê ẩm. Rốt cuộc, tìm không ra cái khách sạn mà Thúy nói, đã đang mệt sẵn, Ngôn muốn nổi khùng quăng quách cô ta xuống một lỗ ga mở toác ven đường.
    Tắm ra thì điện thoại reo, Ngôn ngạc nhiên bắt máy. "Ủa má! Sao gọi con khuya dữ?", "Ngôn à. Mai chín giờ sáng họp hội đồng gia tộc ở nhà mình, con thu xếp về nghen!", "Bộ có chuyện quan trọng lắm sao?", "Chuyện con Út Nga...", "Trời. Út Nga sao...", "Đầu đuôi dài lắm, con cứ về đi!". Ngôn buông máy, đã thấy Nhàn mặc áo ngủ đứng trên cầu thang nhìn xuống, vẻ chịu đựng lặng lẽ, "Anh ăn cơm?", "Cám ơn. Tôi no ngang rồi." "Ai gọi điện mà khuya vậy anh? Lại cô ta à?", "Không, má. Khuya đánh thức giùm. Tôi phải về quê gấp.", Ngôn nhấm nhẳn.
    Ngôn biết mình bực Nhàn vô lý, cái lý đã đi tìm trọn buổi tối hôm nay cũng không ra bằng chứng. Thay vì lấy lại lòng tin với vợ, Ngôn tức Thúy đầu óc "bã đậu" – chuyện chỉ có nhiêu đó cũng quên. Có lẽ chỉ do Ngôn đã tuyên bố trước quá nhiều. Mỗi lúc hả hê kể về những cuộc điện đàm của Thúy cho Nhàn nghe, anh tưởng như chạm tay được nỗi run rẩy sợ hãi trong trái tim vợ. Còn nhớ lần đầu cách nay hơn một tuần, Thúy gọi thẳng di động cho Ngôn. Với chất giọng quê mùa mộc mạc hơi run, cô ta xưng tên, rồi tuyên bố sẽ cung cấp cho anh những thông tin "rất quan trọng đối với hạnh phúc gia đình anh chị". "Cô là ai?", Ngôn thắc mắc. "Em là một người... để ý hai vợ chồng anh từ lâu...".
    Lẽ ra Ngôn cười khẩy bỏ qua, nếu Nhàn chỉ là một phụ nữ bình thường. Nhưng vợ anh dạo này ở trong trạng thái mà thế gian tôn là "xuân sắc đang độ mãn khai", với một số tuổi và chút kinh nghiệm sống vừa đủ để toát lên vẻ mặn mà rực rỡ vô cùng hấp dẫn. Cửa hàng Ngôn mở ra cho vợ đứng quản lý càng lúc càng bán rất chạy hàng, khách của Nhàn phần lớn là đàn ông lịch lãm, mua hàng xong rất hay nấn ná chuyện trò, tỏ ra mến ưa cô chủ cửa hàng có duyên ăn nói.
    - Một lần tình cờ, em thấy vợ anh cùng một người đàn ông đứng tuổi dẫn nhau vô một khách sạn. – Sau ba lần điện thoại chỉ toàn vu vơ rào đón, cuối cùng Thúy tiết lộ.
    - Khách sạn nào? – Ngôn sững sờ.
    - Em không nhớ, vì hổng rành đường. Em dân tỉnh mà.
    Ngôn im lặng thì cô ta gợi ý:
    - Anh chở em đi tìm, bảo đảm em sẽ nhận ra...
    Thì đi. Ngôn quyết định tốn một buổi tối để hiểu vợ hơn.
    Nghe chuyện, Nhàn tỏ ra lo lắng:
    - Thứ trời ơi như vậy mà anh cũng tin được sao? Coi chừng người ta bày trò lừa anh lấy tiền, lấy xe...
    "Bản lãnh lắm, đóng kịch giỏi lắm", Ngôn thầm khen.
    Nhưng anh vẫn cẩn thận để chiếc Dylan ở nhà, tới điểm hẹn bằng chiếc xe cà tàng đi mượn. Chiếc xe quả nhiên làm cô "chỉ điểm viên" thất vọng thấy rõ: xe gì đâu mà vừa xấu mã vừa nổ lớn, trong khi cô nàng phấn son rực rỡ, tóc nhuộm vàng ươm, diện váy ngắn bó sát cực kỳ khêu gợi.
    Hóa ra cô có một thời gian làm tiếp viên bán cà-phê (đèn mờ) ở quán đối diện cửa hàng vợ Ngôn. "Nhưng em nghỉ làm rồi, nghề đó không đàng hoàng. Bây giờ em đang đi học may...". Ngôn nói tả cho anh nghe về cái khách sạn mà cô đã từng thấy lửa đi cùng rơm. "Nó hình như bốn tầng, gắn toàn kiếng màu, tường sơn nước màu vàng, có gian để xe riêng, quầy tiếp tân ốp mi-ca trắng...". Ngôn chở cô ta đi lòng vòng khu trung tâm, ghé một loạt khách sạn bốn tầng có những đặc điểm giống như mô tả. Đôi khi Thúy chợt reo lên: "Anh ơi, đúng chỗ này rồi". Ngôn để cô ta đứng ở ngoài chờ, mình anh vô, lựa lời năn nỉ tiếp tân. Tiếp tân khó chịu thấy rõ, nhưng cuối cùng cũng phải chịu giúp. Một tuần trước và sau mốc thời gian Thúy nói, trong tất cả các sổ đăng ký phòng của các khách sạn mà Ngôn hỏi được, không hề thấy có tên cô Nhàn, hay Nhan, hay Nhạn, hay Nhản – Nhán – Nhãn nào vô thuê phòng với một người đàn ông đứng tuổi... Ngôn đành cám ơn, rồi ra chở Thúy đi tiếp.
    Dọc đường, Thúy tự dưng kể về bản thân, về gia cảnh khó khăn, đời sống bươn chải. Về vùng quê nghèo đói xa xôi, về một thời lầm lỡ, về quyết tâm hoàn lương và cả về mục đích cố kiếm cho được tấm chồng đàng hoàng tử tế – để có cơ trụ lại dài lâu ở thành phố... Lẽ ra Ngôn cũng cảm động hoặc tội nghiệp, nhưng giọng Thúy đều đều vô cảm cứ y như con vẹt – ro ro trả bài sau lưng, nên anh chỉ muốn bật cười. Nghĩ sao mà giống cô ta đang kể chuyện ai, chuyện đọc được trên báo hay coi từ phim ảnh, hơn là chuyện của chính cô. Cũng có thể, Thúy đã từng phải nhai đi nhai lại cái ký ức buồn ấy quá nhiều lần, cho quá nhiều người nghe.
    Được khoảng hơn chục khách sạn thì Ngôn phát cáu trong một quán nước lề đường:
    - Chẳng lẽ cô không nhớ được, dù chỉ là cái khách sạn đó nó nằm ở đường nào, khu vực nào, thuộc quận mấy...
    - Đã nói em dân tỉnh, biết gì đâu mà nhớ. Huống hồ bữa đó em chỉ tình cờ đi thoáng qua, lại do người bạn chở. Em giúp anh mất công, tốn tiền điện thoại ba bốn cuộc, chưa đòi công sá gì mà còn bị anh la, Thúy sụt sịt.
    Nhàn là dân thành phố, vậy mà cũng thường xuyên quên mất những tên đường và các địa chỉ. Ngôn nhớ ai đó nói khả năng định hướng của đàn bà thường không khá. Chủ quán bưng ra hai ly nước, Ngôn dịu giọng:
    - Thôi, cô uống nước đi, nghỉ chút rồi mình đi tiếp. Trót cưỡi lên lưng cọp rồi, đâu bỏ ngang xương được.
    Kỳ cục tới mức quái gở, Ngôn cứ mong điều Thúy nói sẽ sớm được xác nhận. Cho xong! Nhưng nếu tìm ra được cái khách sạn chết tiệt đó thì sao? Không biết tâm trạng Ngôn khi ấy sẽ thế nào, nói gì với Thúy, rồi về xử Nhàn kiểu gì, xử thằng cha khốn nạn kia kiểu gì... Tự nhiên Ngôn lúng túng hẳn. Chỉ mới nghĩ thôi mà ruột đã quặn lên vì tức. Khốn nạn quá... Bỏ qua chuyện ghen, đó ắt là cảm giác bực bội của gã đàn ông bị vợ cắm sừng. Đàn ông đèo bòng với Ngôn đã thấy quá chướng, huống chị là đàn bà. Lại là đàn bà có cuộc sống gia đình trọn vẹn êm ấm, có con ngoan, được chồng thương yêu, chăm sóc, lo lắng mọi sự, quan tâm cả từ vật chất tới tinh thần. Ngôn tự kiểm thấy mình cũng không có lỗi lầm gì đáng kể, trừ đôi lúc hơi độc đoán và cộc, lại khoái nhậu. Nhưng thời buổi bây giờ, có thằng đàn ông nào không khoái vụ đó? Lý giải cách nào, Ngôn cũng thấy không thể tha thứ cho vợ chuyện "ăn nem". Chi bằng phải bắt tận tay day tận trán, rồi sẽ tính đường trừng trị thích đáng.
    Vậy nhưng tới tận 11h đêm, dò qua được thêm 5, 6 khách sạn "khả nghi", vẫn tuyệt nhiên không tìm ra dấu vết nơi Nhàn đã từng đi "ăn phở"... Qua chuyện này mới thấy thành phố sao mà lắm khách sạn mi-ni. Có những khu, khách sạn mọc san sát như nấm mùa mưa. Đi cho hết, có lẽ còn phải mất nhiều đêm ròng rã. Thúy than mệt đòi về, Ngôn đành quay xe đưa tới khu xóm lụp xụp mà cô ta thuê phòng. Đám đàn bà con gái thức khuya ăn mặc phong phanh ngồi hóng mát, thấy Ngôn chở Thúy đỗ xịch lại trước cửa phòng trọ thì lõ mắt dòm, xì xào bàn tán, có người trề môi với chiếc xe đang nổ phành phạch như xe tăng của Ngôn. "Anh vô chơi chút đi. Nhà chỉ có mình em...", Thúy kéo tay Ngôn. Anh cám ơn, lắc đầu quầy quậy, vội vàng vọt lẹ.
    
- o O o -

    Nhờ có Nhàn đánh thức nên Ngôn dậy sớm. Nhàn không hỏi lời nào về kết quả cuộc điều tra, không hỏi về Thúy, và Ngôn cũng không kể (có gì để kể đâu!). Với tay lấy cái áo ủi thẳng treo sẵn trên móc, Ngôn chạm mắt vợ, đọc thấy trong đó một ánh bất mãn không thèm che giấu. "Hừ. Hãy đợi đấy!", Ngôn làu bàu. Anh khởi hành lúc 5h30 sáng, về tới nhà má ở quê lúc hơn 9h. Lẽ ra còn sớm hơn nữa, chẳng qua bị kẹt phà.
    Má rầu rầu. Út Nga ngồi buồn xo. Lâm mặt mày như đưa đám. Bốn đứa con nít đã bị gởi đi các nhà quanh đó. Má thở dài kể cho Ngôn nghe đầu đuôi ngọn ngành. Hội đồng gia tộc lục tục kéo tới. Cuối cùng là "bị can" Sáu Mẫm lò dò, lấm lét. Hắn biết thân biết phận, ra sau kiếm cái ghế nhỏ, ngồi nem nép thấp hơn tất cả. "Phiên tòa" gồm bác Hai, (ba Ngôn thứ ba, đã mất), cô Tư, chú Năm, cô Sáu, chú Bảy và chú Út. Bên ngoại Ngôn ở xa nên không mời được. Bác Hai – đương nhiệm chức trưởng tộc họ nội – tằng hắng mấy cái lấy lệ rồi nói:
    - Bắt đầu được ha. Cho thằng Lâm nói trước.
    Lâm đứng dậy, rành rọt:
    - Con không muốn làm rộn chuyện người lớn, cũng không muốn phiền hội đồng gia tộc bên vợ... Nhưng con cho rằng: đức hạnh của người đàn bà là điều quan trọng nhứt.
    Má Ngôn từ tốn:
    - Thưa anh Hai, thưa mọi người. Chuyện đâu còn đó. Con gái con rể gì thì tui cũng thương như nhau, không binh đứa nào, bỏ đứa nào. Tui dù phận đờn bà góa chồng, trăm điều cực khổ, nhưng vẫn luôn dạy dỗ con cái điều hơn lẽ thiệt... Thôi thời, để mọi người phân xử sao cho công bằng...
    Tới lượt Ngôn từ tốn:
    - Con chỉ có một đứa em, con hiểu nó lắm. Út Nga rất đàng hoàng, con không tin em con là đứa vô hạnh.
    - Vậy tại sao để tới nỗi thiên hạ đồn đại rân trời rằng "Út Nga tằng tịu với Sáu Mẫm". Đặt cương vị thằng Lâm, miệng thế gian nói vô nói ra cũng đủ nhức đầu. Đâu con Út trả lời: sự thể ra sao? – Ông Hai bắt đầu tra vấn. Út Nga chưa kịp mở miệng thì Sáu Mẫm đã chen vô:
    - Con chỉ lỡ dại... nắm tay Út Nga có một lần. Mà cổ cũng giựt lẹ ra, lại còn chửi con. Vậy cũng kêu bằng tằng tịu được sao bác Hai? Thiệt, chẳng đáng...
    Lâm có vẻ rất bức xúc:
    - Nếu là người phụ nữ đàng hoàng, làm sao ai kia dám tự ý... nắm này nắm nọ...
    - Nhưng em có lỗi gì đâu mà không đàng hoàng? – Út Nga uất ức bật khóc. Lâm nghe vậy dằn dỗi:
    - Bốn mặt con rồi, mắc mớ chi lúc nào cũng tươi hơ hớ!
    Sáu Mẫm bật đứng lên, tưới thêm dầu vô lửa bằng một đoạn văn chương "tức cảnh sinh tình" dài dòng hoa mỹ:
    - Tuy bốn mặt con thiệt, nhưng phải công nhận chị Út vẫn còn đẹp quá. Người ta nói: phụ nữ có ráng giữ mặt mày thân hình tươi trẻ tới đâu, thì cũng già từ đôi bàn tay trở đi, không giấu được. Nhứt là đàn bà quê, tay lam lũ làm lụng... Nhưng đây là trường hợp ngoại lệ. Chị cực khổ như vậy mà đôi bàn tay vẫn no tròn, trắng nuột, mềm mại, tươi tắn, in hệt như tay ông hoàng bà chúa. Tui qua mua đồ, ngó thấy đôi búp sen của chị cầm lòng không đặng, nên bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Chớ nào phải tâm điïa tui tà đạo hắc ám... Bây giờ biết trật rồi, búp sen hay ngọc ngà thì cũng là báu vật của người ta. Lòng ân hận lắm, tui sẵn lòng quỳ xuống đây xin mọi người thứ tha. Xin cứ trừng phạt tui, đừng trách oan chị. Tội nghiệp...
    - Thì ra chuyện chỉ có vậy. Hay là tha cho nó? – Cô Tư dễ dãi, mủi lòng. Cô đã hẹn với mấy bà bạn sáng sớm mai đi chùa, "tua" bốn ngày chín chùa cầu tài lộc, giờ này chưa chuẩn bị được gì mà phải ngồi đây. Thiệt cù nhây!
    - Tha sao được mà tha! Theo tui phải trừng trị cho đích đáng. Thói đâu kỳ cục, vô phép vô tắc. Ở xứ mình chớ có phải bên Tây đâu mà đụng chi nắm đó. – Chú Bảy nổi nóng.
    - Anh Bảy nói Tây mà Tây nào?! - Chú Út bắt bẻ liền. Chú mới đi "Tây" về theo bảo lãnh du lịch của mấy người con vượt biên hồi đó, nay thành Việt kiều. Từ sau chuyến Tây du, chú hay bắt đầu câu chuyện bằng cụm từ: "Ở bên Tây, người ta...". Bây giờ, bị "mất bản quyền" câu nói cửa miệng, chú thấy hơi nực:
    - Tây họ hay lắm nghen, tới người ăn mày xứ họ mà cũng còn hết xảy văn minh. Nhớ cái lần tui đi xe điện ngầm ở dưới mặt đất, kêu bằng mê-trô, trời ơi, có một ông “cái bang” ổng ăn bận còn đẹp hơn mình, ngồi ôm đờn, hát một bản toàn tiếng Tây...
    - Cậu làm ơn bỏ chuyện Tây Tàu qua một bên. – Cô Sáu thô bạo cắt ngang, – Theo tui thấy vụ này, cứ qui ra tiền phạt là hay nhứt. Sáu Mẫm làm vậy trật hả? Thời phải đền bù cho vợ chồng Út Nga. Đền bi nhiêu? Thương lượng đi, chịu giá, trả tiền sòng phẳng. Rồi, kể như xong, không nói nữa. Tui coi trên truyền hình, thấy các tòa án người ta xử bồi thường danh dự đều qui ra tiền y chang vậy đó...
    Cô Sáu có sạp vải ngoài chợ, là dân buôn bán sành sỏi, hèn chi cô nói chuyện tiền bạc quá chừng rành rẽ. Chú Út không bỏ lỡ cơ hội, vội vàng bổ sung:
    - Ở bên Tây người ta cũng khoái phạt tiền. Đụng đâu phạt đó: tiểu bậy, xả rác, ăn bận lôi thôi... Phạt tuốt luốt.
    - Vậy một cái nắm tay như trường hợp này, nếu muốn phạt, tính bi nhiêu? – Bác Hai dằn giọng. Chú Út nín lặng.
    - Thưa bác Hai, thưa má, thưa các cô các chú, thưa anh Hai... Con đưa vụ việc này ra đây bữa nay không phải để kiếm tiền. – Lâm e dè phản đối.
    - Vậy chớ bây muốn sao? – Cô Sáu trề môi, phật ý.
    - Đã nói bỏ qua cho tụi nó đi mà.– Cô Tư sốt ruột, dòm lén cái đồng hồ Gimiko cũ kỹ ngả vàng má Ngôn treo trên tấm liếp kế cửa buồng, tiện thể liếc luôn tấm lịch cô gái tươi cười dán ngay bên dưới, bị đứa nhỏ nào vẽ râu.
    - Tui đề nghị thằng Sáu Mẫm phải làm bản tự kiểm điểm, trong đó giải trình rõ hành vi sai trái của mình, và biên bằng mực đỏ lời hứa sửa chữa. – Chú Bảy đanh thép.
    - Í, chèn đét ơi. Cứ làm như đây là cuộc họp chi bộ xã của anh. Ở bên Tây, người ta dân chủ lắm... – Chú Út rộn rã.
    - Nhưng đây là chuyện bên ta, chuyện xứ mình, nhà mình. Bộ chú muốn theo Tây mất gốc luôn à. – Chú Bảy nóng nảy gắt.
    - Thiết nghĩ cái gì của thiên hạ hay, thời ta cũng nên học... – chú Út vẫn ngoan cố.
    - Thôi thôi. Đừng cãi nữa.– Bác Hai thở dài, quay qua chú Năm. – Còn chú, thấy sao?
    Chú Năm im lặng nãy giờ, được hỏi mới từ tốn:
    - Khỏi cần giấy má chữ nghĩa, mực đỏ mực xanh mất công. Theo tui, Sáu Mẫm phải xin lỗi công khai tại đây, hứa từ rày về sau không bao giờ được tái phạm, và đã hứa thời phải thực hiện. Tất cả chúng ta làm chứng, và sẽ đồng lòng... canh chừng.
    - Mọi người thấy sao? – Bác Hai hỏi.
    - Tui thời sao cũng được.– Cô Tư xuôi xị.
    - Tui đồng ý. – Chú Bảy dịu đi một chút.
    - Quan trọng là thằng Lâm thấy sao? Mọi người không ép uổng con chi đâu nghen! – Cô Sáu nhìn Lâm, động viên.
    - Lâm nói đi. – Má Ngôn nhỏ nhẹ.
    - Thôi thời con... chịu vậy.
    Lâm nói chịu nhưng vẻ mặt rõ ràng vẫn không vơi bớt nặng nề.
    - Còn chi ấm ức, con thời cứ nói. – Bác Hai ân cần.
    - Dà... – Lâm lúng búng.
    - Ở bên Tây cũng vậy, cần nhứt là mọi người đều thấy thiệt sự dân chủ, thoải mái. – Chú Út kết luận đầy vẻ uyên bác. Lần này không ai để ý hay chặn ngang lời chú.
    Vậy là, Sáu Mẫm đứng lên làm bài tự kiểm. Vốn là giáo viên dạy tiểu học bỏ nghề về nhà làm vườn, đuổi gà phụ vợ, kẻ tội đồ lãng đãng đó trót lọt qua truông. Bài tự phê dài thòn gây tức cười, bởi có quá nhiều chi tiết hoa lá cành rườm rà, đầu công đuôi phụng, thêm mắm dặm ớt. Đôi chỗ Lâm lại xen vô, bắt "bị can" thề độc chỉ nói sự thật. Cũng may không có vợ Sáu Mẫm ở đây: chị ta ghen khủng hoảng, ghen như bị "bà nhập".
    Tới quá trưa cuộc họp kết thúc. Hội đồng gia tộc nán lại dùng cơm, chỉ trừ cô Tư lật đật xin rút. Gần 2h chiều hội đồng rã đám, mọi người chào nhau lục tục ra về. Chỉ còn Ngôn với Lâm ngồi lại bàn. Ngôn kêu Út Nga đem chai rượu ra, bởi anh thấy không yên tâm do Lâm vẻ như vẫn còn lấn cấn. Cứ nghĩ Út Nga từ nay sống tiếp với chồng trong cảnh phải chịu "án treo", anh thấy xót ruột cho em gái quá.
    - Vô đi dượng. – Ngôn nâng ly. – Thú thiệt với dượng, mới tức thì đêm qua đã xảy ra một chuyện làm tôi phát mệt.
    - Có chuyện chi vậy, thưa anh Hai? Lâm thưa gởi lễ phép, nhưng không nén nổi tò mò.
    Ngôn quyết định kể cho ông em rể nghe về chuyến điều tra kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ, tới tận nửa đêm. Xuất phát điểm chỉ từ những thông tin hết sức vu vơ của một cô gái không rõ động cơ, gốc gác. Một cuộc "phiêu lưu" thất bại, vòng vo cả tá khách sạn... Anh kết luận câu chuyện bằng những ý mới nảy ra trong đầu (do tình huống đẩy tới), rằng mình đã quá ghen tuông, dẫn tới xử sự sai lầm, vô lý. Lẽ ra, đã là vợ chồng thì phải thương yêu tin tưởng lẫn nhau. Và, dù vợ anh có lắm thằng đàn ông ngơ ngẩn bám đeo, nhưng chị vẫn đoan trang, đức hạnh, thì anh nên lấy đó làm điều hãnh diện. Ngôn cũng công bố dự định: ngay khi trở về sẽ lập tức xin lỗi, cúi đầu để tạ tội đã nghi oan vợ – người bạn đời chung thủy suốt bao nhiêu năm mặn nồng hương lửa.
    Tâm sự của Ngôn quả nhiên gây ép-phê rất mạnh với Lâm. Đàn ông tìm được kẻ đồng hội đồng thuyền, đồng bịnh tương lân, đồng đổ xe ngã ngựa là tìm được người đồng thanh tương ứng, tri kỷ tri âm. Lâm ực cái trót cạn hơ chung rượu, trút sạch khỏi lòng mọi nỗi ấm ức, để rồi cuối cùng mời Út Nga ra, xin lỗi vợ rất thành khẩn trước mặt ông anh. Lại còn tự hứa quyết tâm dẹp bỏ đám mây đen, nuôi lại từ đầu tấm chân tình tin yêu trong sáng... Sớm hôm sau, Ngôn trở về thành phố. Trước lúc lên đường, dòm ánh mắt tiễn đưa đầy ngập biết ơn của má và em, mục sở thị thái độ ân cần của Lâm, Ngôn thấy lòng vui tươi, thanh thản lắm.
    
- o O o -

    Nhàn đi đâu vắng, cửa đóng then cài. Mở hai lần khóa mới vô được nhà, Ngôn thấy trên bàn có một lá thơ. Thơ của Nhàn: "Anh Ngôn. Anh đã xúc phạm em trầm trọng, bởi vì anh cứ cố tin và tìm cách chứng minh một điều tồi tệ mà em đã khẳng định rằng không bao giờ có. Em đặt dấu hỏi ngược lại, anh đã làm gì với cô Thúy đó suốt ba tiếng đồng hồ tới tận nửa đêm? Có thiệt rằng hai người chỉ đi lòng vòng khắp bên ngoài các khách sạn? Hay đã vui vẻ ở đâu với nhau... Em nghĩ, có lẽ anh cần nhiều thời gian ở một mình, để suy xét lại tất cả sự việc. Chào anh. Vợ anh: Nhàn".
    Đọc xong lá thơ, Ngôn bàng hoàng. Chưa kịp nghĩ suy thì điện thoại reo tưng bừng. Anh đi lại nhấc máy:
    - A lô. Làm ơn cho tôi gặp anh Ngôn.
    - Tôi, Ngôn đây.
    - Trời ơi, anh... Hai bữa nay anh đi biệt đâu, lần nào gọi em cũng chỉ gặp được bà vợ của anh. Thấy ghét! Còn di động thì mất sóng. Hổng lẽ, muốn gặp được anh khó vậy...
    - Ai đó?
    - Hả, anh không nhận ra em sao! Thúy đây.
    - Thúy nào? À. Nhớ rồi. Có chuyện gì không, cô Thúy?
    - Anh! Tối nay anh em mình lại đi một vòng khắp các khách sạn nữa há? Anh tới nhà rước em nghen...
    - Dẹp cô đi!
    - Ủa... Sao vậy anh?
    - Cấm cô, từ nay không bao giờ được gọi tới đây làm phiền vợ chồng tôi nữa. Nghe chưa!
    - Ơ... Nhưng mà... em...
    - Thôi nghen!
    Thúy chưa kịp thanh minh thì Ngôn đã dập máy.
    Lại có chuông điện thoại. Con nhỏ này thiệt bực mình, đã thẳng thừng như vậy mà sao nó lì quá, cứ ráng đeo đẳng, chèo kéo làm chi không biết. Ngôn nạt lớn vô ống nghe:
    - Nè, cô Thúy. Tôi yêu cầu cô thôi ngay ba cái vụ lộn xộn đó. Nếu không, tôi thưa cô ra tòa về tội vu khống...
    - Ngôn về tới rồi hả? Tốt quá, bố đây.
    - Ơ, ơ... Bố... Con xin lỗi, con cứ tưởng...
    - Ừ. Không sao. Nhầm thì thôi... Ngôn à. Sáng nay, con Nhàn dắt mấy đứa nhỏ về đây. Nó đã kể hết... Bố mẹ không muốn can thiệp vào chuyện riêng của vợ chồng con làm gì. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây lại là đức hạnh. Nếu không giải quyết rốt ráo, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống chung của con và Nhàn từ nay về sau... Hiện giờ, ở đây đã có đủ mặt cô, dì, chú bác – cả bên nội lẫn bên ngoại của Nhàn. Con phải qua ngay. Cuộc họp hội đồng gia tộc chờ con, Ngôn nhé.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Thu Phương
» Cây Lẻ Bạn
» Cánh Cổng Xanh
» Trái Tim Không Cần Thay Đổi
» Đức Hạnh
» Chuyện Ở Trăng
» Không Dấu Vết
» Và Sững Lại Ở Đâu Đó
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Quà Giáng Sinh
» Người Dưng Làm Má
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Bầu Trời Của Người Cha
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đánh Thơ