Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Dưng Làm Má Tác Giả: Nguyễn Ngọc Tư    
    Chị Diệu về quê khi đoàn cải lương Mưa Bình Minh đang giữa mùa lưu diễn. Tàu ghé đập Bàu Mốp, chị lội một đỗi, gặp má chị đi đám giỗ về, má chị kêu: "Trời đất, con Diệu, sao đi về vào lúc này?". Chị nghe muốn khóc.
    Chị, con gái của má, rời nhà từ năm mười bảy tuổi, bây giờ đã bốn mươi. Chưa khi nào gió chướng mang cái ngọn ráo khô bay qua rạch Bàu Mốp mà chị về nhà, kêu má ra cửa sau, chỗ thơm lựng hương cau, nhổ tóc sâu, bảo sẽ ở lại nhà lâu, lâu lắm. Nên má cứ nhìn hồ nghi, có chuyện gì sao con. Chị cười cười không nói gì, hỏi con San đâu. Má chị bảo nó đi đón ghe khóm từ rẫy Thới Bình qua, mua về rồi chèo xuồng dài dài xóm bán lại. Chị nuốt ực nỗi cay đắng vào lòng, "Sao má để nó đi, con nuôi hai người nổi mà !". Bà già bảy mươi ba tuổi nhìn đứa con gái đầu bạc của mình, xót xa: "Bà cháu tao có cần tiền của bây đâu. Tao cũng cản hoài mà nó có nghe đâu. Tánh nó cũng cứng đầu cứng cổ hệt bây, bây biết".
    Chị biết, bởi có lần về, con San mang trả những gói tiền chị đã gởi. Những gói tiền còn nguyên vẹn như còn dính mồ hôi tay chị, nó bảo: "Em cảm ơn, em với ngoại nuôi nhau được, chế đừng lo, chế có tuổi rồi, để tiền hờ khi bệnh hoạn" nghe khách sáo như người dưng nói chuyện với người dưng.
    Chị sinh con San cũng ngay mùa này, gió này. Gọi là San, là vì khi Hoàng Bảo từ thành phố tăng cường xuống "Mưa Bình Minh", chị Diệu với anh hát chung tuồng San Hậu. Chị yêu anh lắm, không ai còn có thể nghệ sĩ hơn thế, tất cả con người anh toát lên cái gì đó phong trần, phiêu lãng, thương không chịu được. Chị đặt tên cho đứa con đầu lòng là San vì tin rằng sẽ đẻ cho anh thêm thằng Hậu, nhưng thằng Hậu mãi mãi không bao giờ có. San vừa tròn bảy tháng để nó lại cho má, chị đi. Hôm đó nó đã bú cho thật no rồi, chị ép cho no nữa. Nó ngậm vú chị ngủ ngon lành. Đặt con xuống giường, chị còn thấy cái miệng nhỏ xíu của nó mút mút. Rồi từ đó chị không dám nhìn thêm lần nào nữa, sợ mãi mãi mình không thể nhấc chân đi. Mà chị thì không thể từ bỏ ước mơ của mình, trở thành cô đào hát nổi tiếng. Làm sao từ chối vai diễn đã từng chờ đợi, nàng Trưng Trắc oai hùng trong "Tiếng Trống Mê Linh"?
    Chị yêu vai Trưng Trắc này biết bao nhiêu, người phụ nữ cũng có lúc dao động, mềm lòng khi chồng của mình đang nằm trong tay giặc. Nhưng rồi Trưng Trắc vẫn mạnh mẽ đánh trống xuất quân, nước mắt bi hùng nhỏ xuống mặt trống vang lời ly biệt. Mấy hôm đầu, có lúc sữa xuống nặng, chị Diệu nhớ con quay quắt, chị muốn bỏ hết, về nhà vùi mặt mình vào làn da thơm tho của nó, nhưng nghĩ đến vai diễn của mình, chị ghì lòng lại. Đâu nè, Trưng Trắc đâu có nữ nhi thường tình vậy.
    Vở được đoàn đem đi dự hội diễn toàn quốc, năm đó chị nhận huy chương vàng, bắt đầu có một chút danh tiếng. Chị nguôi dần nỗi nhớ nhà nhớ con. Chị bận lu bù với hàng chục, hàng trăm vở mới. Hồi đầu chỉ mùa mưa chị mới ở nhà lâu, giữ con cho má đươn thúng, tưới trầu. Sau này trời mưa chị cũng phải đi học bồi dưỡng nghiệp vụ, chánh trị. Chỉ về khi trên đường đi lưu diễn, tiện đường ghé lại, nhiều khi con Phèn còn chạy te te ra sủa. Có lúc thấy cái áo phơi ngoài sào, chị hỏi áo ai, má bảo, áo của con San chớ ai, chị cười, trời đất, nó lớn dữ vậy hả? Mà không biết mình đang hồn nhiên đứng bên đời, nhìn nó lớn...
    San chưa bao giờ kêu chị Diệu một tiếng má. Khi nó biết nói nó bắt chước mấy dì, gọi chị bằng chế, xưng em. Dạy nó, nó lắc đầu nguầy nguậy: "Hổng phải, chế Diệu hông phải má. Con Thắm mới là má". Nghe lạ, hỏi lại, thì ra chơi nhà chòi, con Thắm đóng vai má con San. Tưởng lớn lên nó sẽ đổi nhưng có những tết gần giao thừa, chị gọi nó lại, biểu kêu má đi. Con San nhìn chị trân trân, tay vò vò vạt áo, nín thinh. Chị rút tiền ra biểu kêu má đi rồi cho tiền. Nó vẫn lặng lẽ đứng nhìn, hồi lâu, nó bảo "em không biết xài tiền" rồi bỏ ra ngoài trước coi người ta đốt pháo.
    Năm đó, nó tám tuổi. Giao thừa đang rộn rã ngoài kia, chị Diệu vô buồng ôm lưng má khóc. Má chị biểu "thôi nín đi, rồi từ từ má dạy. Mà, cũng tại mầy...". Nghe người ta hát câu "Con chim se sẻ nó đẻ cột đình. Bà ngoại đẻ má, má đẻ tụi mình..." tim chị quặn thắt. Dường như con San đang đòi món nợ tình thương mà ngày trước chị nợ má.
    Chị Diệu bỏ nhà theo đoàn hát từ năm mười bảy tuổi, không cách chi mà giữ lại được, không cách chi chị quên giấc mơ xướng ca xiêm áo. Má bắt chị thề "Không thương người cùng giới nghệ sĩ. Không lấy chồng khi qua tuổi hai mươi lăm". Nhưng năm hai mươi, chị về nhà dập đầu lạy má, thưa rằng vì yêu, vì muốn giữ bên mình người chị yêu, chị đã mang đứa con trong mình.
    Má giận quá , nói "hồi đó phải tao sanh ra hột gà hột vịt còn có nghĩa hơn sanh ra con gái như mầy". Giận vậy , nhưng thấy con mình khổ không cầm lòng được biểu "Thôi con, đừng thèm khóc, người ta hay hát "Ví dầu tình có dở dang. Tự ên thiếp chống đò ngang thiếp về", con người ta nhấc lên được thì bỏ xuống được". Rồi lụm cụm đi trồng thật nhiều sả, chăm chút những cây chanh, cây bưởi quanh nhà cho tốt lá, lột vỏ tỏi để dành xông cho chị sau khi sinh. Lòng má đau con mình dại dột, nó làm vậy là đẩy người ta có cái cớ ra đi chớ có níu được, ràng buộc được người ta đâu.
    Nhưng con San đâu có già được như má, đâu có trải lòng ra để tha thứ như má. Chừng mười, mười hai tuổi, nó nói với má chị: "Má ơi, con không đổi chế Diệu để lấy tiền. Chế Diệu có cho má đừng lấy". Mà chị chỉ biết ôm nó vào lòng, thở dài rồi rầy, "ngoại già rồi, con kêu ngoại bằng má hoài người ta cười bà già khú đế mà còn có con muộn". San thôi kêu ngoại bằng má nhưng tiếng má nó cất mãi trong lòng.
    Nó lớn lên giống Hoàng Bảo như đúc, cũng gương mặt xương xương, cái mũi cao, đôi mắt to, hơi xếch, đôi môi mỏng, đỏ thắm. Nhìn nó, lúc chị Diệu nửa thèm ôm chầm vào lòng, nửa muốn xô ra. Nghĩ thương nghĩ giận người cũ, chị chỉ dám ngồi nhìn nó xa xa. Nên chị không hay nó lạ lùng hơn hết thảy con cái người ta. Nó ít nói, nhưng nói câu nào đáng câu đó. Có lần coi chị Diệu diễn Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài trên tivi, nó ngồi nghễu nghện trên mấy bao lúa chất giữa nhà, nghe mấy đứa bạn reo lên, má con San kìa. Nó nhếch mép cười. Tới đoạn Sơn Bá gặp Anh Đài ở nhà Chúc viên ngoại, biết rõ thân phận nhau, hai người âu yếm ôm nhau đính ước. Con San nói tỉnh bơ: "Ừ, ôm đi, ngoại à, vài bữa nữa người ta đem một đứa nữa về cho ngoại nuôi cho mà coi". Rồi tuột xuống cái độp đi te te vô buồng, biểu:"Con đi ngủ". Nhưng ngoại San biết nó vô đó nằm khóc, vòng tay trìu mến đó, có bao giờ chị Diệu dành cho nó?
    Câu chuyện làm chị Diệu đau lòng. Chị Diệu sợ con mình cũng như người đời, đánh đồng vai diễn với diễn viên, hễ ai đóng vai ác thì ngoài đời cũng ác, tình tứ với bạn diễn nghĩ ngoài đời chắc họ cũng yêu nhau. Chị chọn những vai đào võ, rồi nổi tiếng với những nhân vật nữ tướng, tinh tế trong cái nhìn khinh bạt, ngạo nghễ trước kẻ thù và cái chết, oai vũ trong từng động tác đá giáo, lăn tròn theo nhịp roi, đi gối... Ai cũng nói nếu con người ta có số sẵn (như giày dép vậy ) thì số chị Diệu sinh ra là để sắm những vai nữ tướng.
    Riết rồi những vai đào thương, chị Diệu không diễn được. Có những lần giỗ Tổ, đoàn giao cho chị đóng vai Tô Ánh Nguyệt trong trích đoạn gặp lại thằng Tâm, lúc con trai mình mắng mỏ một hồi rồi bỏ đi, Nguyệt kêu, "Tâm, con đuổi má sao con?", Lệ Thủy diễn xé lòng xé dạ người ta là vậy, nhưng với chị, chỉ câu nói đó thôi sao mà khó khăn quá chừng, tiếng má, nửa đời người chị chưa được con gái mình kêu.
    Nên trả lời phỏng vấn báo chí, chị hay tự trào mình là nghệ sĩ nửa mùa. Khi đi qua mùa nhan sắc của một cô đào hát, chị xin đoàn cho mình đóng vai hề mụ, chị bảo, "tôi hát nhiều năm, khóc hết nước mắt rồi, bây giờ chỉ đóng được vai hài". Và chỉ như thế chị mới không phải sắm vai những bà mẹ, không phải nghe bạn diễn với mình gọi là má à má ơi mà lòng như cắt như đau.
    Hôm rồi, đoàn về hát vở "Cơn Mê" ở chợ Ông Trang, chị đóng vai bà già bán ve chai. Vai nhỏ, chỉ cần quấn khăn lên đầu tất tả gánh cái gánh đi ra, gặp cảnh một tên đầu gấu bức hiếp một cô gái nhà quê, bất bình bà già ra tay nghĩa hiệp. Đơn giản thôi. Vậy mà lúc diễn, nghe cô đào trẻ Thu Mỹ trong vai cô gái nhà quê núp sau lưng chị thét lên: "Cứu con với, má ơi!" bà ve chai bỗng đứng khựng lại, buông vai, sững sờ, khóc. Thu Mỹ cũng gục đầu, nức nở. Khán giả không hiểu gì hết, đầu gấu thấy vậy cương mấy câu. Màn kéo lại, ông phó đoàn kiêm đạo diễn quát văng nước miếng, "Tôi không sao tin nổi. Một người lúc nào cũng muốn thành diễn viên nổi tiếng, một người mấy chục năm trong nghề rồi mà ai cũng diễn như một đứa con nít ba tuổi". Hai chị em buồn quá, hỏi Thu Mỹ sao cương câu đó kỳ vậy, cô khóc, "hồi còn ở nhà mỗi lần ba em say rượu, ổng nghe lời má sau, đánh em dữ lắm, không ai bênh, em chỉ biết kêu má, riết quen". Trời ơi, bọn nghệ sĩ mình, gạt bỏ đời đau, sống trọn lòng trên sân khấu, được mấy người?
    Tan hát rồi, chị Diệu với Thu Mỹ ngồi mãi ngoài bến tàu bên bờ sông Ông Trang. Gió lạnh thổi hiu hút. Thu Mỹ thắc mắc: "Mỗi lần bị đòn đau, mỗi lần gặp chuyện gì buồn, em đều nghĩ đến má trước tiên, sao ngộ vậy chị?".
    Chị ngẩn người ra, con San của chị cũng có khi gặp chuyện gì buồn, thế nào nó cũng nhớ tới chị mà chị thì xa cách nó ngàn phương. Vậy đâu có được. Đáng lẽ mình phải ở nhà, nghe nó thủ thỉ chuyện một cậu con trai nào đó hôm qua còn trêu chọc nó, biểu: "để lòng thương nó", hôm nay đã sắm cau trầu đi hỏi vợ khác rồi (con gái mười tám tuổi mà).
    Sáng sau, chị lại xin phép trưởng đoàn, ông vừa đánh cờ vừa ờ, hờ hững. Chị đi từ giã hết thảy mọi người, ai cũng nghĩ rồi chị sẽ trở lại. Chị yêu sân khấu đến thế kia mà.
    Chỉ Thu Mỹ biết chị sẽ không bao giờ quay trở lại. Đêm qua, chị ôm cô ngủ, chị nói, chị thương Thu Mỹ lắm, thương từ lúc cô mới vô đoàn, mười sáu tuổi đầu mà khuôn mặt đã già đi, dày dạn như con San của chị. Chị thương Thu Mỹ vì thấy cô giống hệt chị hồi đó, nồng nhiệt, tự tin, với tấm lòng trong trẻo tưởng rằng có thể thâu tóm được đất rộng, trời cao. Lúc nào cũng khao khát vinh quang nhưng không biết rũ bỏ nỗi đau riêng để hết mình trên thánh đường sân khấu. Chị nói chắc chị thôi nghề hát, về nhà làm con của má, làm má của con. Mặc dầu làm má khó hơn nữ vương, nữ tướng nhiều.
    Nhất là với con San của chị, mười tám năm rồi mà vẫn dạ sắt lòng đinh. Vừa về tới, dựng cặp chèo ngoài hàng ba, nó cười, nói cái câu người dưng hay nói với người dưng:
    - Ủa , chế mới về hả? Hồi sáng này em nấu nước, nghe lửa cười, biết thế nào cũng có khách, hỏng dè là chế.
    Chị nghe niềm vui như ngọn đèn vừa bị thổi chao ngọn. San ơi, má là khách sao, má là khách à, con?
    Chị chụp đứng dậy, bảo để chị đi nấu cơm chiều. Chị trầy trật nhen lửa, làm cho cả gian bếp ngoi ngóp khói. Bốn mươi tuổi đầu, chị phải tập làm đứa con hiếu thảo, làm một bà má giỏi giang bằng nồi canh chua bông súng, mẻ cá rô tôm tích kho quẹt này đây.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Ngọc Tư
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Người Dưng Làm Má
» Cánh Đồng Bất tận
» Chợ Nổi Cà Mau – Chút Tình Sông Nước
» Một Mối Tình
» Người Năm Cũ
» Nước Chảy Mây Trôi
» Lương (Cũng Là "Bến Đò Xóm Miễu")
» Núi Ở Lại
» Chiều Vắng
» Giỡn Chơi
» Biển Người Mênh Mông
» Một Dòng Xuôi Mải Miết
» Vết Thương
» Một Chuyện Hẹn Hò
» Bức Hoạ Tàn Phai
» Chờ Đợi Những Mùa Tôm
» Làm Má Đâu Có Dễ
» X - Năm Một Ngàn Chín Trăm Năm Xưa
» Trò Chơi Quên Nhớ
» Bởi Yêu Thương
» Chuyện Vui Điện Ảnh
» Hoang Đường