Tom yêu những câu chuyện. Ông ngồi trong chiếc ghế kể chuyện bên lò sưởi, đôi mắt xanh nhạt lấp lánh trong ánh sáng chập chờn của những ngọn nến trên các bàn chung quanh. Tiếng cười khẽ của ông phát ra từ đôi môi cũng dạn dày sương gió như những xà nhà bằng gỗ sồi cũ kỹ phía trên đầu ông.
Một cách hài lòng, ông ngồi thoải mái trong chiếc ghế gỗ sồi đã được nghe hàng ngàn câu chuyện qua hàng trăm năm trong cái quán nhỏ nằm giữa những ngọn đồi tối tăm của vùng Pennines này. Mọi người đến thăm Tom từ khắp cả nước. Bằng cách truyền miệng, họ biết về ông, và nhờ ông quán trọ đã đón được khách du lịch.
Để tìm được ông, khách phải vượt qua nhiều dặm đường hẹp ngoằn ngoèo rậm lá. Nhưng khi họ qua được đỉnh đèo để đi xuống ngôi làng nhỏ bé này, họ được đền đáp xứng đáng. Mái tranh thấp xộc xệch có vẻ như thu mình trong thung lũng. Có một vòi nước cũ gỉ sét và một bánh xe của cối xay được hoa hồng đỏ và trắng phủ kín trong mùa hè. Những xà nhà thấp đã bị mọt ăn lỗ chỗ, và quán có mùi ẩm thấp, nhưng luôn luôn có thức ăn ngon cho khách.
Trong những buổi tối mùa hè ấm áp, mùi hương của hoa vân anh trộn lẫn với mùi xạ hương đắng của những bụi cây nhỏ ẩm thấp ở những hàng rào bằng đất cao bao quanh, nhưng khi mùa đông đến, khách khứa ít hơn và dân làng sẽ kéo đến vây quanh ngọn lửa đốt bằng củi đang réo lên qua những ống khói bằng đá cho đến khi khói của nó tan loãng vào những cánh đồng hoang đằng xa – và người ta tiếp tục kể chuyện.
“Ai sẽ kể chuyện tối nay?” Tom khẽ hỏi. Những người uống ở quầy và những người ăn ở các bàn nhìn lảng đi, cố tránh đôi mắt của ông. Trong suốt lịch sử kể chuyện trong quán trọ xây bằng đá biệt lập này, luôn luôn có một người tình nguyện kể chuyện của mình.
Thi thoảng, một người bán hàng thông minh nhận lời thách thức và với điện thoại bên hông và bộ đồ nhân viên hành pháp, anh ta kể lại những cuộc phiêu lưu đầy chinh phục và những khó khăn trắc trở.
Đôi khi là một giọng nói dịu dàng của một phụ nữ địa phương kể lại những câu chuyện đồng quê và những truyền thuyết dân gian người ta thường nghe.
Một đôi lần, Tom cũng ngồi vào chỗ và tìm trong kho dự trữ kinh nghiệm mênh mông hơn 80 năm của mình và với cặp mắt lấp lánh ánh lửa, ông tạo ra những hình ảnh lạ lùng đến nỗi mọi người im phăng phắc lắng nghe và tiếng chiếc ly nhỏ nhất đặt xuốâng quầy rượu vang lên cũng giống như tiếng đại bác gầm.
Nhưng câu chuyện hay nhất luôn luôn được để dành cho đến Giáng sinh vì đây là câu chuyện đánh dấu kết thúc của một năm.
Đó là lúc cây ô rô được cắt khỏi hàng rào cao và kết thành chuỗi quanh quầy rượu với những chiếc lá xanh nhọn rực rỡ và những trái dâu đỏ. Rồi cây Giáng sinh, chặt từ hàng cây thông trên những ngọn đồi phía trước, được trân trọng đặt bên lò sưởi đang cháy và chất đầy quà để tặng cho nhau.
Đó cũng là lúc chủ đất sẽ đãi món rượu vang hâm nóng với đường và hương liệu, thức uống ưa thích nhất của khách hàng vào dịp Giáng sinh và đó chính là lúc chắc chắn Tom sẽ thách thức mọi người.
“Nào”, ông cười giòn, “các người không trốn lão già Tom này được đâu. Nếu không ai đến ngồi vào chiếc ghế này và kể cho chúng ta nghe một câu chuyện Giáng sinh, ta sẽ bảo ông chủ đất dẹp món rượu vang hâm nóng đi!”
“Bác sẽ không làm như vậy đâu”, một cô gái trong làng có gương mặt xinh xắn kêu lên. “Chính bác cũng thích mê món rượu hâm nóng mà, bác Tom!”
“A , cô gái ơi, ta thích món rượu hâm nóng nhưng ta còn thích câu chuyện Giáng sinh hơn nữa. Đó là một truyền thống bắt nguồn từ lâu đời đến mức ta không biết là khi nào - thậm chí khi những lãnh chúa và phu nhân đến để làm vinh dự cho quán này thay vì lũ dân thường các người.”
Ông gật đầu một cách hiền lành để khẳng định lại những ngày thời xa xưa tốt đẹp hơn. Mắt ông lấp lánh trong ánh lửa.
“Tôi ủng hộ Tom!” Một người nhanh miệng nói. Y phục ông ta rất sang trọng, một cái quần xanh nhạt ủi kỹ và áo sơ mi phanh ngực bày ra lông ngực nhiều hơn tóc trên đầu ông.
“Mỗi năm khi tôi từ London đến đây, tôi luôn luôn mong đợi câu chuyện Giáng sinh”.
“Vậy anh kể chuyện đi, anh bạn thân ơi!” Anh thanh niên Jim bẻ lại, quần jean của anh ta vẫn còn những vết dơ vì vắt sữa bò.
“Tôi không kể được” - nhân viên hành pháp nói. “Tôi chỉ biết những giấy đối chiếu, lợi tức, những khoản nợ bị mất và chuyện giá cả”.
“Tôi lại muốn biết về những chuyện đó!” Jim nói, gương mặt anh sáng lên vẻ hứng thú muốn trêu chọc. “Có lẽ tôi sẽ học được nhiều thứ để khỏi phải vắt sữa những con bò ngu ngốc hằng ngày”.
“Chúng ta không muốn biết những kinh nghiệm của cậu, Jim ạ”. Tom vừa nói vừa vuốt râu. “Bây giờ là mùa Giáng sinh và chúng ta cần câu chuyện Giáng sinh đặc biệt”.
Căn phòng im lặng nhưng ai cũng nghe thấy tiếng gió bên ngoài đang rít mạnh hơn. Những bàn chân nhích đi và những bờ vai chạm nhau trong khi mọi người cố chen nhau tới cuối quầy rượu để né tránh cái nhìn dò hỏi của Tom. Mắt ông lướt từ người này sang người khác. Vài người nhìn lại ông một lúc lâu trước khi nhìn xuống, bối rối. Không ai sốt sắng ngồi vào chiếc ghế kể chuyện tối nay.
Đột nhiên, cánh cửa quán kẽo kẹt mở ra và cơn gió đang xô nghiêng ngả cây cối bên ngoài ầm ĩ lao vào trong quán, làm mọi thứ trang trí lắc lư dữ dội.
Tất cả mọi cặp mắt đều hướng ra cửa.
Người phụ nữ ấy có gương mặt xanh xao gần như trắng bệch, mái tóc ngắn màu sáng và đôi mắt xanh lạnh lùng. Cô ngập ngừng đứng lại, nhìn quanh quán, ngạc nhiên khi thấy quá đông người ở nơi vắng vẻ này. Cô kéo lại chiếc áo choàng màu đen quanh vai dù nó đã được giữ chặt quanh cổ bằng một sợi dây chuyền vàng nhỏ. Bên dưới lớp áo choàng, cô mặc một áo polo màu sẫm và váy đen. Cô chậm chạp đi đến chiếc ghế duy nhất còn trống ở quầy rượu. Tom đã qua ngồi trên một khúc cây, và đang sưởi ấm bên cạnh cây Giáng sinh, vẻ mặt bình thản.
“Hình như chỉ còn một chỗ ngồi trong quán. Tôi ngồi có được không?” cô hỏi.
“Nếu cô ngồi đó” - Tom ân cần nói, “cô phải kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện và đó phải là một câu chuyện Giáng sinh”.
“Tôi sẽ làm điều đó nếu mọi người muốn như vậy”. Cô vừa nói vừa tháo áo choàng và đặt trên đầu gối như để bảo vệ mình và tạo sự dễ chịu.
Người chủ đất lách qua đám đông với một ly rượu hâm nóng và trân trọng đặt vào tay cô. “Cô sẽ cần cái này để giúp cô kể chuyện, cô bạn ạ”.
Sau khi uống một hớp dài, cô đặt ly cạnh ghế và úp hai lòng bàn tay trên tay ghế cao. Ngôi quán cũ bằng gỗ có vẻ thu nhỏ lại và thật yên lặng, mọi người chăm chú nhìn cô trong khi cô bắt đầu câu chuyện.
“Giáng sinh là dịp kể về những hy vọng và những nỗi sợ hãi. Tôi muốn kể cho các bạn nghe về một ngôi trường nơi tất cả trẻ em đang học tiểu học”. Cô dừng lại một chút. “Đó là mùa Giáng sinh và bọn trẻ đang tập những bài hát mừng lễ Giáng sinh. Chen lấn nhau quanh cây đàn dương cầm của cô giáo trẻ, chúng hát những bài thánh ca. Sau đó cô giáo dạy chúng những nốt nhạc trong khuông nhạc và cách cô đọc chúng. Rồi bọn trẻ áp dụng những điều đã học. Chúng họp thành nhóm nhỏ, chọn một nốt nhạc và tạo thành hình nốt đó. Chúng cười lớn và thảo luận sôi nổi. Tất cả, ngoại trừ một cô bé, nhìn lại bản nhạc và đứng sang một bên căn phòng”.
Người phụ nữ ngừng lại và nhìn lên chiếc đồng hồ phía trên quầy rượu. Cô nói: “Nhóm thứ nhất tự tạo thành một đường thẳng trên sàn nhà với một em cuộn tròn người như trái banh ở một đầu và một em khác đứng chéo tạo thành một góc nhọn ở đầu kia.”
“Chúng em là một nốt móc đơn “chúng vui vẻ reo lên”. Nốt nhạc của chúng em rất nhanh, chúng em mang đầy sự sôi động và niềm vui”. Cả lớp vỗ tay khen ngợi. Nhóm thứ hai cũng tạo thành một đường thẳng giống như vậy trên sàn nhà, nhưng lần này không có cái đuôi cong và giải thích rằng chúng là một nốt đen. Nhạc của chúng nghiêm trang, đều đặn, chậm rãi và rõ ràng. Một tràng hoan hô nhanh chóng tiếp theo. Nhóm thứ ba nằm trên sàn nhà và tạo thành một hình bầu dục lớn. “Chúng em là một nốt tròn” - chúng tự hào nói, “nốt dài nhất trong tất cả các nốt nhạc, chúng em đến vào cuối bài nhạc, lúc mọi âm thanh chấm dứt”. Mọi người vỗ tay.
Cuối cùng, còn lại một đứa bé không thuộc nhóm nào. Cô bé này không được nhiều người thích và thường nghỉ học vì bệnh. Dưới ánh mắt nhìn chăm chú và coi thường của cả lớp, em bé chậm chạp tới giữa phòng, mỗi bước đi có vẻ đau đớn và khi em ngồi xếp chân xuống sàn nhà với chiếc áo đồng phục xanh xếp cẩn thận dưới hai đầu gối nhợt nhạt, có vẻ như em thấy nhẹ nhõm vì đã làm xong việc.
“Em sẽ là một nốt nhạc chứ?” - Cô giáo trẻ hỏi. Cô biết cô bé đang bị một chứng bệnh trầm trọng.
Cô bé ngồi im lặng và hoàn toàn bất động, mắt nhìn chằm chằm xuống sàn nhà bằng gỗ của lớp. Cô giáo quay lại các em khác và hỏi chúng: “Các em nghĩ bạn Natalie là nốt nhạc gì hôm nay?” Lập tức các cậu bé và cô bé chung quanh đồng thanh la lên, mỗi em chọn một nốt nhạc khác nhau trong trí tưởng tượng của chúng để kết hợp với cô bé đang ngồi trên sàn nhà.
Cô giáo cau mày, lo lắng. Trong lý lịch của Natalie ở trường, cô biết cô bé đã bị mất cha mẹ trong một tai nạn xe đêm Giáng sinh và em bị rối loạn tinh thần. Có thể ngay lúc này em cũng đang bệnh, vì em ngồi yên lặng quá.
Cả lớp đã ngừng la hét và đang sốt ruột đợi Natalie nói. Cuối cùng, em ngước mắt lên khỏi sàn nhà.
“Em không thật sự là một nốt nhạc. Bây giờ là Giáng sinh và em là sự yên lặng khi âm nhạc kết thúc. Em là sự hạnh phúc khi mọi nỗi buồn kết thúc, hoặc là nỗi buồn khi mọi hạnh phúc kết thúc... Rốt cuộc, mọi người muốn em là điều gì em sẽ là điều đó”.
Người phụ nữ áo đen ngước mắt lên nhìn mọi người trong quán đang đứng chung quanh, mỗi người có những hy vọng và những nỗi sợ hãi của riêng mình trong mùa Giáng sinh đang đến.
“Và đó là kết thúc câu chuyện” - cô nói.
Cô đứng lên khỏi chiếc ghế kể chuyện, chậm chạp khoác áo choàng vào và đi ra cửa. Một thanh niên đứng ở cửa giơ tay ra nắm chặt chiếc áo khoác và thô bạo hỏi:
“Cô phải nói cho chúng tôi biết. Cô là cô giáo đó phải không?”. Hình như anh ta chùn tay lại khi mắt hai người gặp nhau, rồi cô nhìn mọi người trong quán với những món trang trí Giáng sinh ở chung quanh.
“Không” - cô trả lời. “Anh muốn tôi là gì?”
Cô đi khuất ra ngoài và trong quán, người ta có thể nghe được tiếng một bông tuyết đang rơi xuống...
Kết Thúc (END) |
|
|