Bà chưa bao giờ tưởng tượng huýt sáo khó đến thế. Sau khi dúm môi thổi - xì xì - vì lý do kỳ lạ nào đó bà mót tiểu. Nhưng chả trách, vì bà vẫn xì mỗi khi cố xi đái bé Tuân. Rõ ràng chả phải tiếng huýt sáo. Quả thật bà không biết huýt sáo.
Nhưng không, bà phải học, bà phải học!
Bà ngập ngừng năn nỉ Đà Pháp:
- Tôi muốn nuôi chó, một con nhỏ thôi.
Anh trả lời dứt khoát và thậm chí hình như chẳng để ý tới yêu cầu của bà:
- Không!
Bà cố giải thích rằng mình cô đơn, nhất là sau khi Đà Pháp và vợ đi làm buổi sáng, để bà ở nhà một mình từ bảy rưỡi sáng tới sáu giờ chiều. Một mình trong căn nhà lớn thế này thật cô đơn. Mỹ Phương không thốt tiếng nào lúc bà nói, dằn cái tách lên khay - keng - lúc cô ấy dọn ấm tách, ý cô rõ ràng: Cô đơn? Nếu cô đơn, sao không giữ Tuân ở nhà với bà để bà săn sóc nó? Mỹ Phương đã nói - một cách bóng gió - mỗi ngày gửi Tuân cho cô giữ trẻ tốn hơn một trăm đồng mỗi tháng, cộng tiền sữa bột và đồ ăn lên tới gần hai trăm. Nhưng bà không chịu. Bà biết, với tuổi già của mình, bà khó mà trông nổi thằng bé mũm mĩm đầy sinh lực. Bà chả dám nhận.
Mỹ Phương lý sự với bà:
- Má, má không nhanh nhẹn như trước, ai sẽ lo ăn và dọn cho con chó? Vả lại, hàng xóm sẽ than phiền chó sủa.
Cô ấy đúng, mình không được nuôi chó trong chung cư. Rồi một hôm bà thấy thằng bé tiểu học ở dãy bên kia đứng trên thang lầu huýt sáo. Một loạt tiếng sủa đáp lại mỗi tiếng huýt sáo - gâu, gâu, gâu. Chuyện gì vậy? Thằng bé bảo bà đó là một thứ “đồ tìm chìa khóa” cho những ai hay để quên chìa. Họ chỉ phải huýt sáo, thế là một tràng sủa từ máy phát âm gắn vào chìa vang lên cho biết chìa đang ở đâu.
Bà nhờ thằng bé mua một cái cho bà. Món đồ nhỏ, không to hơn cái bật lửa. Bà gọi nó là “cún”, và giả vờ như nó là con chó của bà. Bà chỉ việc huýt sáo là nó sẽ đáp lại, như chó thật.
Nhưng bà chưa bao giờ tưởng tượng huýt sáo lại khó đến thế.
Kết Thúc (END) |
|
|