Đã từ rất lâu, tôi luôn tâm niệm một điều: Ra Hà Nội mà không một lần đi dạo trên hè phố vào đêm, coi như chưa về Hà Nội. Tâm niệm này cũng từ một thói quen của tôi. Và mỗi lần như thế, bao giờ tôi cũng đến đây: đường Phan Đình Phùng.
Đêm nay, đêm cuối thu, trời se se lạnh. Gió mơn man, thoang thoảng mùi hoa sữa. Ánh trăng chiếu qua vòm lá sum suê của hàng cây sấu già, in xuống nền gạch những đốm vàng lung linh, khiến cho vỉa hè giống như một tấm thảm hoa lớn, trải dài đến tận ngã tư cuối phố. Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tôi chuyển vào sống từ sau ngày giải phóng, lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt, làm sao có thể có được một cuộc dạo yên tĩnh như ở đây. Song, cũng còn một lẽ khác nữa: Tôi đến đây, đi trên vỉa hè này để nhớ đến Tiến, một người bạn của tôi thời chiến tranh: "Tiến bản đồ".
Tiến bổ sung về đơn vị chúng tôi vào đầu năm 1966. Sự kiện này khiến cánh lính Hà Nội có một lúc hai niềm vui. Thứ nhất, được phong lên lính cựu (mặc dù khi ấy chúng tôi đã cơ động, chiến đấu ngót ba chục trận, song không có tân binh thì không thể lên cựu). Thứ hai, có thêm một thằng đồng hương tài hoa tăng cường cho hội.
Chả là khi ấy cánh lính Hà Nội chúng tôi làm rất nhiều trò nổi đình nổi đám. Vốn có sẵn tài vặt, nay lại được pha thêm chất lính, chúng tôi làm đại đội sinh động hẳn lên.
Ngay từ những ngày đầu cơ động đi đánh giặc, chúng tôi đã tỏ ra rất được việc. Vào làng xin rơm đan áo giáp chống bom bi, xin tre kè công sự... cứ cử lính Hà Nội là xin một, được hai. Đi mua chó liên hoan, ai cũng phải kéo lê xềnh xệch một chú chó oăng oẳng về trận địa; riêng lính Hà Nội khi về chỉ thấy cắp một bọc ni - lòng, bên trong là thịt chó thái sẵn, để riêng ra từng món: dồi, luộc, chả, xáo, dựa mận, kèm đủ rau thơm, sả, riềng. Thịt thì "bố chiến sỉ" làm, còn gia vị thì "mẹ chiến sỉ" cùng con gái nhặt, rửa đâu đấy đàng hoàng. Liên hoan văn nghệ, kết nghĩa quân dân, chúng tôi bao nguyên cả chương trình và thường có hẳn một tiết mục song ca, rất đẹp đôi được ghép vội với một cô dân quân xinh gái, bạo dạn trong làng. Xen kẽ, là những trò ảo thuật khiến các mẹ chiến sỉ trố mắt ngạc nhiên, còn các cô dân quân thì ớ ra, đấm lưng nhau cười như nắc nẻ. Chỉ cần một thửa ruộng, mạ vừa nhổ, đất hơi se se là chúng tôi tổ chức ngay một trận bóng đá, có cả tường thuật y hệt trên đài phát thanh, thu hút gần hết trẻ con mấy xóm nhỏ lân cận. Chúng tôi thành lập đội kịch, tự biên tự diễn; có cậu Hưng nhỏ nhắn, da trắng như con gái, vào làng mượn áo lót phụ nữ, độn khăn mùi xoa cho to, đóng vai nữ dân quân, làm mấy bố lính sồn sồn thèm nhỏ dãi, cứ xoắn xuýt ngắm ngha hết diễn rồi mà vẫn không cho Hưng tẩy trang. Chúng tôi lập ra ban biên tập báo tường khiến, đại đội sáng hẳn lên bởi những nét chữ, bức tranh bay bướm, dí dỏm... Có thể nói, cánh lính Hà Nội chúng tôi đã làm cho cuộc sống của đơn vị mạnh mẽ, tươi vui hẳn lên.
Vậy mà với Tiến, sau vài động tác sát hạch, chúng tôi hoàn toàn thất vọng. Tiến chẳng bộc lộ một tài cán gì đặc biệt. Cậu ta có vẻ lành lành, nhút nhát thế nào ấy. Ai hỏi thì trả lời, ai trêu sao cũng mặc, Tiến chỉ toét miệng cười; điệu cười hệt như con gái với cái miệng rất tươi, chiếc răng khểnh duyên dáng và hai má bầu bĩnh còn nguyên những sợi máu li ti, điểm lúm đồng tiền thật đậm. Về khoản đẹp trai thì quả là Tiến làm chúng tôi yên tâm. Hôm ra mắt đơn vị dân quân kết nghĩa, mấy trai làng ế nghĩa vụ đã phải phát ghen lên, vì bắt gặp nhiều ánh mắt của các cô gái nhìn trộm Tiến. Một cô tợn hơn cả, liếc đôi mắt sắc như dao cau, cong môi đùa:
- Anh Tiến ơi, vì anh đi bộ đội nên được gọi bằng anh, chứ ở nhà em chỉ gọi anh bằng em thôi. Nói rồi cô nhào vào lòng các bạn. Tiếng cười trào theo tưởng muốn vỡ trận địa.
Mà đúng thật, Tiến chỉ mới mười bảy tuổi và còn trẻ hơn cái tuổi ấy rất nhiều. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ, Tiến có thể đội nguyên cả mũ sắt, nằm ở cửa công sự, ngủ một giấc ngon lành ngay lúc gần trưa, mặt trời chiếu thẳng vào mắt. Mỗi lần trực đêm, gọi cậu ta dậy thật vất vả. Cứ phải lôi tuột nửa người ra khỏi giường, đặt hai chân xuống đất, cậu ta mới tỉnh. Dạo máy bay Mỹ đánh đêm liên miên, sợ chạy ra hầm pháo không kịp, Tiến ngủ ngay ngoài công sự để chờ đánh trận sau. Có hôm trời mưa, nhớ đến Tiến chúng tôi chạy ra gọi, vẫn thấy Tiến cuộn sâu kèn trong áo mưa, ngồi trên ghế pháo ngủ. Đã có ai định đặt cho cậu ấy cái biệt danh Tiến ngủ, song nó không thành, bởi vì có một sự kiện khác chính xác hơn, to chuyện hơn để ghép tên cho Tiến.
Số là suốt mấy tháng đầu, có một việc thu hút toàn bộ thời gian rảnh rỗi của Tiến. Lơi ra là lại thấy cậu ấy cặm cụi, tẩy tẩy, vẽ vẽ những đường ngang dọc, chằng chịt lên mấy mảnh giấy nhỏ. Hỏi ra mới biết, Tiến đang chuẩn bị cho một công trình... khá lẩm cẩm: Vẽ bản đồ Hà Nội. Tiến giải thích: "Có nó mà xem sẽ đỡ nhớ nhà". Tiến rủ chúng tôi giúp sức. Cậu ta bảo: "Phải mọi người họp lại mới có thể nhớ hết được tên phố".
Hóa ra công việc này không hề đơn giản chút nào. Có thể thuộc, nhớ được hầu hết các tên phố, hình dung ra tỉ lệ, chiều hướng của nó, song nó cứ rối tinh rối mù, phố nọ chập vào phố kia. Loay hoay nghĩ ngợi mãi, cuối cùng Tiến cũng tìm ra bí quyết. Cậu ấy khoe với chúng tôi:
- Điều quan trọng là phải lấy những địa danh điển hình của Hà Nội để làm chuẩn. Từ vật chuẩn đó, vẽ thật chính xác tỷ lệ chiều dài và góc độ ở giao điểm của các đường phố chính
Tiến làm chúng tôi ngạc nhiên về cách trình bày mạch lạc, hệt như một cán bộ tham mưu già dặn, thường nghiên cứu tác chiến trên bản đồ.
Tuy vậy, lúc ban đầu, chúng tôi hưởng ứng không lấy gì làm nhiệt tình cho lắm. Không ai ra mặt bài bác, nhưng chúng tôi thấy cái mục này trẻ con thế nào ấy. Thế rồi, công việc cuốn hút chúng tôi lúc nào không hay. Có lẽ cũng bởi cái trò chơi của Tiến. Số là trong những lần hồi tưởng, bàn bạc để tìm những phố nhỏ, thỉnh thoảng Tiến lại ra một câu đố khiến chúng tôi, vốn cũng là dân ma mãnh của Hà Nội mà nhiều lần phải nghĩ nát óc vẫn không ra. Những câu đố đại loại: Nhà nào không có số. Phố nào không có cây... đã đánh thức sự tò mò, hiếu thắng cứ cuốn lấy chúng tôi khiến chúng tôi đặt cho Tiến cái biệt hiệu "Tiến bản đồ" từ đấy. Và, chính Tiến bản đồ đã đố chúng tôi vỉa hè nào rộng nhất Hà Nội; rộng tới mức hồi còn ở nhà, vào các tối thứ bảy hàng tuần, cậu ta thường cùng với lũ bạn kéo nhau đến đá bóng gôn tôm đã đời. Thì chính cái vỉa hè tôi đang đi dạo đây. Đi và nhớ đến Tiến bản đồ...
Công việc vẽ bản đồ có vẻ ngày càng thuận lợi. Nó chỉ bị chững lại khi chúng tôi quên mất một vài tên phố nào đó. Có một lần chúng tôi gặp bí: Cái ngõ rất quen gần Cửa Nam mà đa số chúng tôi đứa nào cũng có dịp đi qua, thì nay mỗi đứa nói một phách. Cuối cùng, người bác bỏ thấu lý nhất vẫn lai là Tiến. Cậu ta bảo:
- Không phải. Ngõ Trạm thì còn lạ gì. Ở đấy nhà em có gửi hai cái thùng để lấy nước gạo nuôi lợn. Cách một chiều, em lại lên gánh về.
Dẫn ra cái điều này, chúng tôi đành chịu. Nhưng sao lại phải nuôi lợn? Hóa ra tuy là dân nội thành nhưng, Tiến rất vất vả. Nhà nghèo, cậu ta vừa đi học, vừa phải giúp gia đình đủ mọi việc. Vỡ lẽ ra chuyện này, chúng tôi quay sang chửi Tiến là thằng ngu. Có cái chi tiết ngon thế mà hôm đại đội tổ chức cho tân binh ôn nghèo, kể khổ thì Tiến lại ngồi im như thóc. Chúng tôi, cánh đi trước chẳng lạ gì cái buổi này. Rất nhiều đứa thường bịa ra những cảnh nghèo khổ chăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt ốc để được liệt vào dạng thành phần cơ bản, ngay từ nhỏ íaị được rèn luyện. Hoàn cảnh của Tiến quả một cơ hội mà chúng tôi nằm mơ cũng không có. Vậy mà nó lại ngồi im suốt từ đầu đến cuối, mặc cho chính trị viên gợi ý "mở rộng": Gia ính có đủ ăn không; họ hàng có ai bị bóc lột; có ai đi kháng chiến, bị thương, hy sinh không? Ngay đến cái động cơ đi bộ đội mà câu trả lời thông lệ là căm thù giặc Mỹ, đi để góp phần giải phóng miền Nam... thì Tiến lại trả lời: vì bạn bè đi hết, ở nhà một mình, buồn.
Thực ra cái "động cơ" đi bộ đội của Tiến không biết phải xác định thế nào cho rõ ràng. Tiến bảo: "Nó ấm ớ lắm, không thể nói ra được mặc dù là rất đơn giản". Rồi Tiến kể cho bọn tôi nghe, về một buổi tối nhà trường tổ chức lễ truy điệu một học sinh cũ, hy sinh ở Quảng Bình. Tối đó, sân trường tắt điện, chỉ có những ngọn nến cháy lung linh. Một không khí trang nghiêm và xúc động đến lặng người. Cho đến khi thađy hiệu trưởng mở đầu bằng câu nói nghẹn ngào, gọi tên người liệt sĩ: "Em Dũng thân yêu! Đồng chí Dũng thân yêu!" thì cả trường òa lên, nức nở. Nức nở nhất là bọn con gái. Riêng Tiến lúc ấy, tóc gáy dựng lên, máu chảy trong người rạo rực, lồng ngực chặt căng, nhức nhối. Trong thâm tâm, cậu ấy ước ao: Giá bây giờ mình được là người học sinh kia... Thế là vừa thi tốt nghiệp phổ thông xong, không chờ kết quả, Tiến nằng nặc đòi đi bộ đội.
- o O o -
Cuối cùng thì Tiến cũng vẽ xong tấm bản đồ. Chúng tôi từng chứng kiến bước tiến độ của công trình này, vậy mà khi tấm bản đồ được hoàn thành vẫn thấy bất ngờ trước sự hoàn chỉnh, đẹp đẽ của nó. Hà Nội hiện lên trên một tờ giấy khổ to, với đầy đủ các chi tiết: Có màu xanh lá cây ở vùng ven nội, màu xanh thủy ở Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm; có bông hoa làm dấu cho làng hoa Ngọc Hà, cái ô xinh xinh ở chợ Đồng Xuân, góc mái hình đao ở chùa Quán Sứ. Những tuyến đường màu da cam, khu phố màu gạch, san sát đan nhau ngang dọc. Các vật chuẩn được vẽ sắc nét, giống như in: Đây cột cờ; đây Ba Đình, kia Tháp Rùa, nhà hát lớn. Hà Nội như xích lại gần, ngay trong tầm mắt của chúng tôi.
Tiến nâng niu cái công trình này lắm. Mỗi buổi sáng, khi gói ghém ba lô sơ tán ra lán đạn, bao giờ Tiến cũng mang theo tấm bản đồ, cài ngay cạnh ghế pháo thủ số 1 của mình. Tấm bản đồ được gấp làm tám, bọc bên ngoài tập thư nhà. Tiến giải thích: "Chỉ khi nào giặc đánh trúng khẩu đội, chúng ta hy sinh thì tấm bản đồ mới mất". Thỉnh thoảng, vào những buổi chiều yên lành hiếm hoi, chúng tôi lại xúm quanh tấm bản đồ. Chiếu theo tên phố, chúng tôi ôn lại kỷ niệm xưa. Tấm bản đồ là vật minh họa cho sự hãnh diện của chúng tôi về Hà Nội. Nó như bảo vật chung của chúng tôi; nhất là từ cái đêm, có cuộc họp bất thường ở giữa trận địa để nghe phổ biến tin quan trọng: máy bay Mỹ đã đánh Thủ đô Hà Nội. Một quả bom rơi vào phố Huế.
Cuộc họp vừa tan, chẳng ai bảo ai, chúng tôi chạy theo Tiến vào lán. Những mái đầu chụm quanh tấm bản đồ, nhìn theo ngón tay Tiến run run, lần theo tên phố. Ngón tay đắn đo, dừng lại ở một điểm gần trung tâm. Tất cả chúng tôi im lặng. Có cái gì đó đè nặng trong lồng ngực mỗi người.
- Mẹ cha nó. Sâu thế cơ à? - Có tiếng rít lên từ phía sau. Mấy cái đầu nghiêng đi, nhường chỗ cho chính trị viên len vào:
- Đúng không. Đúng phố Huế ở đấy không?
Chúng tôi vẫn im lặng. Không ai muốn mình sẽ là người phải xác nhận cái điểm máy bay Mỹ ném bom trên bản đồ. Ơ đấy bây giờ là một giọt nước mắt to tròn đang loang dần, làm cho màu da cam của khu phố thẫm lại như màu máu. Tiến quệt quệt, thấm khô nó trên mặt giấy. Bàn tay kia bưng lấy mặt, không cho những giọt nước mắt rơi xuống tấm bản đồ.
Đêm đó, chúng tôi ngồi im lặng bên nhau. Thỉnh thoảng mới có một người nói đến một điều gì đó không liên quan đến Hà Nội. Ai nấy đều gượng nhẹ, để khỏi chạm phải nỗi đau của bạn mình. Chúng tôi đã thức bao nhiêu đêm, nhưng chưa đêm nào mệt mỏi như đêm ấy. Một cảm giác bải hoải, chống chếnh như vừa tỉnh dậy sau lần bị thương mất nhiều máu. Nỗi thèm khát tới ngứa ngáy khó chịu, chỉ muốn đấm vào một cái gì đó cho nát vụn ra, chỉ muốn ngay bây giờ, được đọ sức một trận nảy lửa với máy bay giặc.
Quả thật chúng tôi sẽ không thể chịu đựng nổi nếu ngay sáng hôm sau, chúng tôi không được lao vào một trận chiến đấu mới. Suốt từ sáng sớm tới nửa đêm, bọn giặc thay nhau lăn xả vào nhà máy điện và hai cây cầu xi măng nằm trên đường độc đạo chạy qua bãi sú. Tốp này vừa bị chúng tôi bắn tan tác, bay xiêu bay vẹo ra phía biển thì tốp khác lại ầm ầm kéo vào. Những chiếc máy bay đen chũi ngóc lên từ phía núi, kéo theo một vệt khói dài như những con rắn khổng lồ, vươn cổ chui vào đám mây, rồi từ đó mổ xuống đầu chúng tôi. Chúng tôi lặng lẽ đón chúng, lựa ra một con rắn. Nó in vào ống kính như một vệt bẩn, chúng tôi điều chỉnh cho vệt bẩn ấy nằm gọn giữa dấu thập, chờ cho nó to dần, to dần, rồi nhấn hai điểm xạ khiến chúng bật tung lên, bay táo tác mỗi thằng một ngả. Liên tục như vậy hơn một tuần thì bọn giặc ngưng bặt.
Một thời gian sau đó, tôi rời đơn vị, chuyển về một đoàn văn công quân đội. Tôi đã đi phục vụ rất nhiều nơi, nhưng chưa lần nào có dịp trở về đơn vị, gặp bạn bè, gặp lại Tiến.
Thực ra, có một lần tôi đã ở rất gần Tiến. Đó là dạo đoàn của tôi đi phục vụ dài ngày cho các đơn vị pháo, trên các tuyến đường Trường Sơn. Hôm ấy, sau một ngày hành quân trèo đèo lội suối, vượt qua mấy bãi bom B52 lầy lội, chúng tôi đến một cái hang rộng, nơi đặt tổng đài và bộ phận tham mưu của cụm. Đang khi tôi ngồi bó gối trên sạp nứa cho mắt quen dần với cảnh vật mờ mờ, ảo ảo; đầu óc lùng bùng bởi tạp âm pha trộn: tiếng máy bay, tiếng bom nổ ì ầm, tiếng chim hót, tiếng chuông reo và tiếng đàm thoại của điện báo viên. Bỗng tiếng lanh lảnh từ một cô thông tin cắt mạch lơ mơ trong đầu tôi:
- 13 giờ chiều nay, các khẩu đội ở Ngọc Sơn, Núi Nùng, bãi xe Yên Phụ và một nửa quân số ở bếp Bách Thảo, trạm phẫu Bạch Mai về Ba Đình xem văn công. Số còn lại sẽ xem tiếp vào lúc 16 giờ.
Tôi bị thu hút chính vì những mật danh mang các tên quen thuộc ở Hà Nội. Sau, tôi được biết đó không chỉ là mật danh mà thực địa có phần na ná giống Hà Nội. Chẳng hạn, Ba Đình là nơi tập trung bộ đội trong các dịp quan trọng. Bếp Bách Thảo là nơi có nhiều chim, thú. Ở đấy vốn là nơi chia cơm. Những con chim, sóc, thường mò ra ăn cơm rơi vãi. Bộ đội thấy thương, không nỡ săn đuổi mà còn bớt lại phần cơm dính nồi nuôi chúng. Bây giờ chim thú ở đấy quen cả người. Một cô thông tin còn nhí nhảnh giải thích:
- Anh biết không, có cả hai vợ chồng con trăn, cứ vài ngày chúng lại bò ra một lần. Con vợ ăn ít, con chồng ăn nhiều - Bị cô bạn huých nhẹ, cô rúm người cười khúc khích, rồi hẹn:
- Không tin, tí nữa hết ca trực, em dẫn các anh đi xem.
Y hẹn hết ca trực, các cô dẫn bọn tôi đi. Vòng ngay ra phía sau núi, một cô chỉ tay xuống vùng đất thấp phía xa:
- Kia, khẩu đội Ngọc Sơn đấy.
Đúng là Ngọc Sơn thật. Một khẩu đội pháo 37 ly nằm gọn trên gò đất nhỏ. Một cái cầu cong cong vượt qua một vùng nước óng ánh như gương. Từ trên cao nhìn xuống, khẩu đội Ngọc Sơn nổi bật giữa một vùng nước bạc. Cạnh nó, con sông Tà Lùng chảy ngoằn ngoèo giữa núi rừng trùng điệp. Tất cả nhỏ xíu như trên sa bàn.
- Hồi trước ở đây là bãi bằng, có con đường chạy xuyên qua. Về sau, giặc đánh bom biến nó thành hồ nước - Một cô giải thích.
Chúng tôi tụt theo dốc đá, xuống núi. Băng qua hai khe hợp thủy, chui vào một lối đi hun hút giữa vòm lá có những cây cổ thụ đổ ngổn ngang. Cuối cùng, chúng tôi tới một vùng quang đãng, vàng tươi ánh nắng. Mở ra trước mắt là cả một vạt rừng đầy hoa, rực rỡ, lung linh như cõi tiên. Hoa mọc trên đất, len lỏi trong khe đá. Hoa bám chằng chịt quanh thân cây, hoa bò trên vách núi. Không gian như được tẩm hương thơm, vừa thoang thoảng, vừa quấn quýt. Chờ cho chúng tôi chặc lưỡi, xuýt xoa xong, một cô giới thiệu như trên sân khấu: Đây! Đây là làng hoa Ngọc Hà ở Trường Sơn. Rồi các cô kể: Chỗ này là đường giao liên và lối đi vác gạo của bộ đội ở cụm. Trước kia cũng đã có sẵn hoa. Về sau mỗi người đi công tác, thấy hoa lạ ở đâu, lại mang về đây trồng. Vườn hoa này tập trung hết các giống hoa ở rừng Trường Sơn. Trong đó có loài hoa phong lan đen. Có một anh ở làng Ngọc Hà bảo trên thế giới chỉ có ở vùng sông Nin gì đó là có loài hoa này.
- Tiến bản đồ?. Cái tên bất ngờ khiến tôi gần như hét lên. Đúng là Tiến. Và chính anh đã đặt tên Hà Nội cho những địa danh ở đây. Các cô xác nhận và mách tôi: Tiến là trung đội trưởng pháo cao xạ dưới ngầm Tà Lung...
Tôi đã gặp được khá nhiêu người cùng sống với Tiến. Họ cũng gọi anh là Tiến bản đồ. Và họ cũng đã nhiều lần cùng với anh, chụm đầu quanh tấm bản đồ sờn mép gấp ấy để mơ ước ngày thống nhất sẽ gặp nhau tại Hà Nội; đi xem hết những nơi đã được Tiến lấy đặt tên cho các địa danh ở đây.
Trong mấy ngày ở Tà Lùng, tôi đã đi hết những địa danh ấy. Tôi đã đến hang phẫu thuật Bạch Mai thăm thương binh. Đã ngồi đợi xem hai vợ chồng con trăn từ từ bò ra ăn cơm ở bếp Bách Thảo. Tôi cũng đến cả khẩu đội Ngọc Sơn - cái khẩu đội mà Tiến đã từng chiến đấu và bọn giặc đã dội hàng trăm quả bom hòng xóa tên nó - gặp lại chính cái khe lá chắn ở ghế pháo thủ số 1, nơi Tiến vẫn thường cài tấm bản đồ. Ở đây một người lính khá rành về Tiến mách: Nếu có dịp đi vào phía trong, vượt qua ngã ba Sê Hiêng chừng hai giờ đi bộ, sẽ thấy một cái cây cầu nhỏ bằng sắt bắc qua khe cạn; đó là cầu Long Biên. Đại đội pháo mà Tiến được đề bạt làm chỉ huy ở gần đấy.
Tôi không có dịp nào để đến cầu Long Biên trên tuyến đường Trường Sơn ấy. Hòa bình, tôi và những người lính đồng hương đã tìm anh khắp nơi nhưng không gặp. Hà Nội bây giờ đã bày bán rất nhiều bản đồ - nó không còn là tài liệu bí mật của thời chiến tranh - khiến cho tôi lại càng nhớ đến Tiến. Có hàng trăm điều dự đoán về anh. Anh ở đâu đó gần đây, hay đã đi xa... rất xa. Song, không hiểu sao tôi vẫn tâm niệm rằng; dù ở đâu, bên anh vẫn luôn có tấm bản đồ Hà Nội Tiến bản đồ.
Kết Thúc (END) |
|
|