"Không sao đâu, trước khi má sinh con ra, má cũng là người lạ".
"Không sao đâu, trước khi má sinh con ra, má cũng là người lạ", bà mẹ nói, cố thuyết phục đứa nhỏ dứt áo mình ra. Nó níu cứng lấy mẹ bằng cả hai tay, mắt khẩn cầu hãy giữ nó lại, đừng để nó lên chiếc xe xịt khói chờ sẵn. Sốt ruột với cuộc chia tay chừng như còn lâu mới dứt, chiếc xe khạc ra mấy tràng còi. Người mẹ, biết là không thể thuyết phục đứa nhỏ, bởi bà đã làm chuyện đó suốt tháng nay, nhưng đến thời khắc này lại như thể đang ở chỗ khởi đầu với rấm rứt với nước mắt với dỗ dành vô vọng.
Cuộc chia tay sẽ chẳng thành nếu mình cứ chờ nó diễn ra trong hòa bình, bà mẹ nghĩ, rứt khoát bứt tay đứa nhỏ, bằng động tác gần như cưỡng bức, đẩy nó lên chiếc xe đang mở cửa. Hơi lạnh trong xe hút đứa nhỏ vào, trước khi cửa đóng chặt, nó thấy má quay lưng bước lẹ vào nhà, không một lần ngoái lại. Tấm lưng dửng dưng như của một người xa lạ.
Sau này bà mẹ kể, lúc đó mẹ cũng không nhận ra mình, khi đóng sầm cửa trong lúc chiếc xe bắt đầu nhỏ dần trên đường. Phải là một kẻ lạnh lòng lắm mới đành đoạn giao con cho người khác. Họ hàng, có thương mấy cũng không phải tình máu thịt. Dù là nghĩ cho con, vì tương lai nó, thì bà cũng chủ động đẩy núm ruột mình đi theo những người - với đứa nhỏ - là kẻ lạ. Chẳng phải suốt từ biết đi chập chững tới giờ bà luôn bảo chú lạ bắt cóc mổ bụng mỗi lần nó mon men chơi mé lộ. Chẳng phải bà từng dặn không được tới gần, chìa tay, hay nhận kẹo cho bất cứ người lạ nào. Con nhỏ được dạy rằng người lạ chính là hiểm họa, nó chưa quên.
"Chắc má đó với má đẩy con lên xe, là hai người khác", có lần bà mẹ nói, giọng bùi ngùi. Chị, tức đứa nhỏ năm xưa, cảm giác như mình vừa nhận được lời xin lỗi muộn.
Chị nói với má, không sao đâu, chuyện mình văng vào một thế giới đầy người lạ là hiển nhiên, chỉ là sớm hay muộn. Đâu phải ấy là lần đầu. Ở trường mầm non, hay ở đầu mỗi cấp lớp sau này, buổi sơ khai tìm đâu ra bạn quen. Từ phòng bị, sợ hãi, tránh né, không biết từ hồi nào chị bắt đầu cảm thấy thoải mái khi ở giữa những người lạ, những kẻ chẳng biết chị là ai từ đâu tới. Họ không yêu thương nhưng chẳng phán xét, chỉ đơn giản là ở đó. Nhận ra khóc giữa họ mới thoải mái, đã đời làm sao. Mặc tình tuôn xối nỗi đau.
Nghĩ phức tạp một chút, chuyện lạ quen cũng khó rạch ròi. Chị ngờ thế giới chia làm hai: người quen và người chưa gặp. Bởi ngay cái nhìn đầu tiên, cảm giác lạ lẫm vừa nhói lên, bộ não đã kịp ghi nhận gương mặt đối phương, những gì in bóng vào đồng tử một lần, khó phân định ấy là lạ nữa.
Và chính mình cũng ẩn chứa nhiều kẻ lạ, biết đâu chừng. Hồi chị làm ở bộ phận đối ngoại của một công ty, mỗi lần đi chiêu đãi khách chị sợ nhất những nhà hàng dát kiếng quanh tường. Con người trong gương kia, kẻ đơm nụ cười lên môi không dứt, ánh mắt ngọt ngào giả tạo, tuôn lên rượu thịt những lời thớ lợ êm tai, chị luôn tự hỏi phải mình không. Là mình đó sao, hay chỉ là một hình nhân nào đó được sao y? Và một khi đã thuần thục, thì đâu là bản chính?
Quãng làm công việc nọ, chị ít về thăm nhà, sợ in vào mắt má một đứa con xa lạ. Má chị nhạy cảm. Bà thường căng thẳng vào ngày đầu tiên ba về sau mỗi chuyến buôn bán xa. Lảng tránh nhìn vào ba, nếu buộc phải trò chuyện cũng chỉ là mấy câu không đầu cuối, má ngượng ngùng thấy rõ. Vài lần má thú nhận ngó chồng như người lạ đi lại trong nhà, thiệt ngại quá.
Để làm quen lại một người mà bà thuộc lòng đến từng nốt ruồi từng vết sẹo, cần có chút thời gian, và các giác quan phải hoạt động hết cỡ. Khó mà biết thứ gì khiến sự xa lạ trong bà dịu lại, mùi mồ hôi bết trên tóc, mấy nốt rỗ bự bên má trái, hay tiếng gàu nước xối hối hả sau sàn nước (mà cả nhà thường nói cái nết ông tắm như nước nóng đổ dái), tiếng giũ cái áo sũng nước máng phơi lên sào, hay bởi ông né ra xa mỗi khi má bật bếp ga. Người đàn ông nổi tiếng chết nhát ấy đã từng một lần nhảy xuống sông cứu hai em nhỏ đuối nước, hồi hai mươi tuổi. Hỏi thì ông nói thấy thì cứu, không nghĩ gì, "lúc đó còn thời gian đâu mà nghĩ". Cuối bản tin còn ghi lời má ông, tức bà nội chị, nói rằng bình thường thằng nhỏ nhát như thỏ đế, thằn lằn đố dám bắt, xe máy không dám chạy, "ai mà ngờ ổng gan trời nhảy vào nước lũ cứu người ta. Như ai nhập vậy", bà nói.
Đó là những kẻ lạ mà người ta không ngờ tới, không phòng thủ, dè chừng hay thù nghịch. Mỗi khi nhắc lại vụ nhảy đập vớt người, ba chị thường nói cái thằng nhảy xổ từ mình ra, nó liều mạng dễ sợ. "Biết đâu mà cản". Xuất hiện bất thình lình, xấu tốt không kịp trở tay. Nó có thể là chủ nhân của một hành động dũng cảm để đời, nhưng cũng nó, có thể rắc những lời tuyên án tử trên mạng, hay lồng lên xông vào túm tóc tát tai ai đó không vừa mắt. Chị nhớ lần chở má đi khám u cổ, qua ngã tư bị một chiếc xe máy tạt đầu, không biết vì lo có thể má mang u ác, hay vì mưa rát mặt, hoặc chẳng vì gì, chị đã hét vói theo y như phóng cây lao cắm phập vào lưng thằng nhỏ nọ, "Ngu! Đi chết đi!". Má chị ngồi đằng sau không nói suốt quãng đường. Nhưng khi xe dừng trước phòng khám, bà đã có một hành động vô thức, khiến chị không bao giờ quên được.
Bà lúi húi lần túi trả tiền xe ôm. ■
Kết Thúc (END) |
|
|