1.
Tôi đụng nàng khi từ Quảng Nam chạy ra, móc trên ghi đông xe cặp vịt bà nội cho ăn tết. Chúng đang chúc đầu xuống kêu cạp cạp thật to như biết sắp hết được kêu. Nàng phóng xe sát tôi, quát:
"Dựng đầu chúng lên không được hả cha nội?".
"Con mẹ khùng nào vậy cà?" - Tôi nhìn qua.
Một nữ hiệp bịt mặt. Kính đen. Nhưng vẫn không che được cái nốt ruồi trên chân mày phải. Xe Wave tã.
"Trước sau chúng cũng chết. Mắc mớ chi bà?".
"Trước khi hành quyết cho chúng chút thoải mái không được sao cha?".
Gây sự xong, phóng. Mớ tóc dài cuồng loạn trong gió khiến tôi vọt lên nhìn số xe.
Về nhà bỗng dưng nói dối mẹ:
"Bà nội bảo để nuôi. Đang đẻ".
"Thế thì mai làm con trống. Đầu năm cữ ăn vịt".
Cặp vịt lơ ăn. Chúng rúc đầu vào nhau vì cái rét cuối năm hay vì chúng linh cảm sắp chia lìa?
"Họ sắp thịt chồng. Vợ ở lại ăn tết".
"Chồng nói ngu như vịt! Mình chết cho họ ăn tết chứ mình ăn tết gì! Ở lại nuôi con".
"Con đâu mà nuôi. Ăn từ khi còn là trứng".
Vịt mần chi biết nói. Tiếng ấy vọng từ tâm tôi, cái tâm bỗng bất an từ khi bị đem cặp vịt về, từ khi bị nữ hiệp tóc dài quát. Tôi can mẹ:
"Cho sống cả đôi đi mẹ. Thịt một con, con còn lại buồn, bỏ ăn không đẻ".
"Vịt để thịt. Vịt mà biết buồn! Vớ vẩn!" - mẹ mắng.
Nồi vịt nấu măng ngon như thường lệ nhưng tôi ăn ít. Đĩa tiết canh vịt, món tủ của mẹ nhìn càng ghê. Vịt vợ nằm thu đầu trong cánh không buồn ăn, không thấy đẻ. Mẹ thịt tiếp sau khi cúng đưa và tôi không đụng đũa.
"Cái thằng ni bữa ni lạ hè! Thịt vịt không ăn, ăn trứng vịt!".
"Đều là vịt cả!" - em tôi trêu.
"Đàn ông đàn ang chi mà yếu! Hèn chi ế. Ủy mị thế ai lấy? Gà vịt sinh ra để cho mình ăn thịt" - mẹ tôi kết luận.
"Con người tự cho mình quyền đó. Mỗi dạng sinh linh đều có quyền tồn tại" - tôi lý sự.
"Rứa anh ăn chay đi!" - em tôi nguýt dài.
2.
Đi làm, tôi suýt tông vào một bà lom khom cắm mặt xuống lòng đường. Quát, bả ngẩng lên. Thấy sờ sờ cái nốt ruồi gây sự gần chân mày.
"Ủa, bà cô! Đánh rơi gì hả?" - Tôi hỏi.
" Cóc…" - Bà cô bối rối nhìn con cóc vàng đang nhảy về phía tim đường.
"Tưởng gì! Cóc dạo này bán rao khắp chốn. Suy dinh dưỡng hả?".
" Không".
Bà cô ngẩn người nhìn con cóc nhỏ nhoi đang làm xiếc số phận giữa dòng xe nườm nượp. Không biết ả cóc có sợ không nhưng bà cô thì sợ, căng thẳng theo dõi nó giữa lằn ranh sống - chết.
"Qua được rồi!" - Bà cô vỗ tay reo như đứa trẻ khi con cóc thoát được bánh xe cuối cùng - "Hắn mà chết tui có tội. Tui xua hắn vô cỏ kẻo xe cán chết nhưng hắn sợ lại nhào ra đường".
Tôi đi. Bắt gặp lòng cười. Bà cô này... hổng giống ai!
3.
Sáng tinh mơ, chạy bộ ở Cung Thể thao Tiên Sơn, tôi lại đụng bả. Vẫn mặt cắm xuống đất. Tay cầm cọng phượng. Trên cọng phượng tòn ten một con giun đất gập đôi. Dưới gót giày tôi một con khác đang quằn quại. Bà cô thả con giun đất trên tay vào cỏ, quắc mắt nhìn tôi: "Làm ơn nhìn xuống để cho chúng sống với cha nội!".
"Mùa mưa, cỏ ướt, đất ẩm, giun đất trồi lên tìm nơi khô ráo nhiều vô kể. Bự chát như bà tránh còn chưa nổi huống gì nhỏ nhít như tụi hắn. Mà sao bà cô không nhìn lên trời mà cứ cắm mặt xuống đất vậy?".
"Cúi mặt… nhặt sinh linh! Dưới chân mình bao nhiêu cuộc sống. Để tâm có thể làm thượng đế của những sinh vật nhỏ nhoi. Chúng đều là cư dân của hành tinh này. Còn ngẩng lên như ông có mà...".
"Thấy bà điên!".
Nói xong tôi bỏ chạy vì biết đôi mắt hình viên đạn đang nã đạn về phía mình.
Thế mà từ đó thay vì ngó ngang ngó ngửa, thi thoảng tôi cắm mặt xuống đất, ư ử hát: "Mỗi ngày nhìn xuống ta cứu một đôi con...".
4.
Tôi tái ngộ kẻ không giống ai lần nữa. Bà cô đứng trên con lươn, vẫy tay:
"Anh gì ơi!...".
"Gì vậy?" - Tôi dừng xe.
"Hắn… hắn…" - bà cô chỉ xuống chân. Lần này không vịt, không cóc, không giun đất mà chó. Một con chó màu vàng nhạt xinh đẹp nằm duỗi dài.
"Chó bà cô à?".
"Không. Chắc nó bị xe đụng đi không được, đưa mắt nhìn người cầu cứu. Nhưng tui đứng đây 10 phút rồi, vẫy bao nhiêu người ai cũng ngó lơ".
"Thế làm chi bây chừ? Bà cô què tôi còn bế đi cứu vì bà cô không cắn chứ bế chó nó đớp mắc công đi chích ngừa. Kệ nó!".
"Con người là giống vô tình. Ông nhìn mắt nó kìa, như van xin, rướm lệ".
"Thế bà cô bảo tôi làm gì?".
"Gọi giùm chiếc taxi chở đến thú y".
"Ai trả tiền taxi, tiền thú y?".
"Tui".
"Thế ai bế nó lên xe?".
"Tui và ông".
"Chữa chân xong bỏ nó đâu?".
"Nhà tui".
"Rách việc!".
Bà cô nguýt tôi rồi đứng nhìn chó. Chó nhìn người. Tôi lên xe. Đi một quãng thấy bóng anh công nhân áo xanh lom khom tưới cây, tôi bảo:
"Đằng kia có con chó bị xe đụng què, tới giúp…".
"Thế hả?" - mắt anh ta sáng lên.
Không hiểu sao đôi mắt sáng ánh mừng của con người và đôi mắt buồn tuyệt vọng của con vật ám ảnh mãi khiến đi một đoạn tôi quay lại chỗ cũ. Bà cô vẫn ở đó với con chó vàng.
5.
Thế là Vic xuất hiện trong đời tôi. Bà cô đặt tên vậy.
Bà cô là gái… ế! Thích quát. Thích sai. Chỉ chiều chó.
Tôi là trai ế! Kết size M, thích dịu dàng, nhỏ nhẹ. Thế mà giờ cứ bị sai và quát.
Người có số. Chó cũng thế. Chậm ít phút, Vic đã thành mấy đĩa dồi, rựa mận. Giờ thành... nữ hoàng Vic!
Bà cô lý sự:
"Vic không phải chó tui cũng không phải chó ông. Ông và tui cùng cứu phải cùng trách nhiệm. Tui lo ăn, ông lo tắm".
Nhưng nào chỉ có tắm!
"Vic gãi hoài, chắc có rận, phải bắt rận, tỉa bớt lông" - bà cô ra lệnh.
"Vic không thích ăn cá. Nhà ông hay ăn gà vịt nhớ để xương cho nó".
"Vic cần đi dạo. Ông dắt Víc ra hẻm giùm tui...".
Con em nhà tôi bữa nọ tuyên bố giữa mâm cơm tàn:
"Anh hai ế hóa cuồng đi tán... chó! Bữa nào ăn thịt ảnh cũng dọn xương. Có lần con bắt gặp ảnh lén gắp hai cục thịt trong nồi thịt kho của mẹ".
Tôi suýt độn thổ vì cả nhà đua nhau tra hỏi chuyện hai cục thịt. Tôi thành khách hàng của con Tư bán cháo vịt vì thế. Thỉnh thoảng ghé ăn tô cháo, gạ đống xương vịt. Vic khoái món này.
Bà cô có mái tóc dài đen nhánh tự nhiên, lông mày không tỉa. Con gái thời nay nhuộm nâu lạnh, sương khói, highlight, mày phun xăm còn bà cô nhà quê để mộc. Đôi khi tôi lén nhìn bà cô tóc bới cao, xắn quần tắm cho chó. Chân không đánh móng, tóc quấn cao phơi gáy trắng nõn. Ngó cũng ngộ.
"Ông ngồi thừ chi rứa? Sấy lông cho con Vic!" - bà cô quát.
Ở với bà ngoại điếc điếc, có lẽ vì thế mà bà cô quen quát to.
Nhà không có ai sai, chộp được tôi bạ gì bà cô sai đó.
Nhà không có đàn ông, bà cô kiêm luôn vai nam. Nhìn bà cô bắc ghế sửa điện, tay cầm mỏ lết sửa xe, tôi nhào vô giúp nhưng tôi còn lóng ngóng hơn bả.
Một nửa đàn ông là đàn bà, nhà văn Trương Hiền Lượng viết thế. Nhưng với bà cô, tôi đổi: Một nửa đàn bà là đàn ông!
Tự lúc nào, thứ bảy, chủ nhật tôi không la cà cà phê, quán nhậu tán gẫu với bạn bè mà xe cứ bon bon vô con hẻm chó đái, trên ghi đông xe móc gói xương vịt, cánh gà. Thấy gói xương treo tòn ten là bà cô cười toét phô hai hàm răng trắng lóa...
6.
Tôi đã lầm bầm tỏ tình với bà cô size S mà tính khí size XL mấy bận nhưng sắp sửa mở miệng là bị sai, quát. Thích thì có thích nhưng vẫn ngại "nửa đàn ông" quá mạnh trong nàng.
Một bữa đến ngõ nhìn vào thấy bà cô dịu dàng gội đầu cho ngoại, tắm cho Vic rồi ngồi hong tóc dài trong nắng. Bức tranh êm đềm quá đỗi khiến tôi đánh bạo bước vào cà lăm:
"Cháu... cháu... xin... làm cháu... của ngoại".
"Muốn gội đầu hả? Đừng ngại...".
Bà cô nguýt xéo cắt tôi thành tám mảnh bằng con mắt sắc hơn dao có nốt ruồi gây sự gần chân mày. Tôi ngó lơ, hớn hở để gói xương vịt xuống cho Vic, thở hắt: "Xong!".
7.
Ngày rước bà cô về làm bà chủ cũng hổng giống ai. Bà cô vốn chỉ còn bà ngoại già điếc lác không sống bao lăm nên chỉ bằng lòng khi tôi chịu ở rể. Hàng xóm đóng vai họ nhà gái vì bà cô mồ côi. Áo cưới đi thuê mà Vic cứ bíu lấy cô dâu, nằm trên đuôi váy không cho lên xe, còn chảy nước mắt. Phấn son tèm nhem vì cuộc chia ly mấy ngày. Cuối cùng xe rước dâu cũng lăn bánh.
Xong việc, vừa đi nằm, chúng tôi dỏng tai bắt một âm quen sát tường, gần cửa. Tiếng cào cửa, tiếng rên ư ử... Bà cô vọt dậy, mở cửa hông. Vic như ánh chớp lao vào. Thì ra hắn chạy theo xe và bằng cách nào đó có mặt bên chúng tôi.
Tiếng mẹ tôi gọi con em:
"Dậy Út! Dậy coi chó đâu ra mà sủa?".
Đèn bật sáng. Lố nhố người. Bà cô tái mặt nép sau tôi. Vic thấy người càng sủa lớn. Tôi ra sức giải thích sự có mặt của Vic trong phòng tân hôn. Con em nghe xong cười hi hí chốt lại:
"Bà mai của anh hai đó mẹ!"
Kết Thúc (END) |
|
|