Mãi đến sáng hai mươi chín tết tôi mới bắt được chuyến xe về lại Sài Gòn, loay hoay xuống bến cũng đã gần nửa đêm.
Nhắn với con trai trước khi đi, mẹ chỉ một ba lô gọn nhẹ nên sẽ đi taxi tới thẳng nhà không phải đón đưa gì cả. Nhà nó ở ngoại thành cách 18 km, đi về kẹt xe lẫn chầu chực mất toi hai giờ đồng hồ. Con trai điện thoại hỏi nhắm được không đó, mà má nhớ địa chỉ nhà con chưa hay để con chạy xe máy ra đón cho vui còn bị bà mẹ nạt, ở nhà đi nhiều chuyện, tao còn đi bụi được mà, thôi xe tới rồi nè, xuống đã. Cúp máy mới nghĩ, ủa sao chỉ có mỗi mình sợ nó đi lại đêm hôm khuya khoắt.
Bến xe đêm cuối năm không nhộn nhịp như tôi tưởng, thưa thớt hàng quán leo lét vài ánh đèn, có lẽ nó chỉ đông ở chiều tỏa ra các hướng chớ không phải chiều đổ về. Chỉ còn ngày mai nữa thôi, Sài Gòn sẽ trở thành chợ chiều ba mươi của cả nước. Chặn ngang hướng nhìn của tôi về dãy taxi đậu xa xa là những người mặc đồng phục màu xanh của đội xe thồ. Họ đều có một vẻ ngoài hao hao nhau, cùng một khuôn mặt tôi tối dưới vành mũ sụp, ánh mắt khẩn cầu, giọng nói hạ xuống hết mức sau cái khẩu trang. Tôi bỏ taxi, đồng ý theo lên xe với người đang đứng gần mình nhất vì có vẻ đó là một người đàn ông đứng tuổi và khắc khổ. Anh ta hỏi địa chỉ, nhanh chóng đưa ra cái giá hợp lý rồi đón cái ba lô ý để chuyển ra phía trước, tôi khoát tay lắc đầu.
“Chị không phải người ở đây đúng không?”.
Sau mươi phút tập trung lái xe ra khỏi những con đường nhỏ hẹp ngoằn ngoèo, người đàn ông bắt đầu trò chuyện, bằng giọng Bắc khê nặng.
“À, tôi ở ngoài Trung”.
“Thảo nào nghe giọng hơi khang khác, tôi biết ngay. Chắc là Khánh Hòa rồi”.
“Tôi ra Bắc nói chuyện, người ta đều nghĩ là dân Sài Gòn, sao anh lại phân biệt được hay vậy?”.
“Tôi vô Nam lâu rồi, và còn có hơn ba năm ở Cam Ranh”.
“Ồ thiệt sao?”.
“Tôi đóng quân ở đó mà, lính nghĩa vụ. Ối chà, cứ ngỡ bén rễ luôn rồi, cái xứ sao mà tử tế hiền hậu... Tôi có bà mẹ nuôi ở đó, nhà bà bán cháo lòng ngay chợ Mỹ Ca, ngon nổi tiếng. Chị biết quán bà Mười Hai không? Bà ấy cứ kêu tôi ở lại. Hồi đó tôi thanh niên mới xa nhà, con gái Khánh Hòa mặn mà lắm...”.
Từng lời nói của anh ta theo gió đêm tuôn phần phật ra phía sau, tôi phải rướn người lên mới nghe rõ. Thiệt ra là ô a đệm theo cho đúng lúc. Chắc anh ta đang cố kiếm chuyện nói để thắng cơn buồn ngủ như tôi lúc này và tôi cũng muốn vậy. Xa lộ dẫn ra phía bắc thành phố càng lúc càng vắng vẻ, hai bên đường nhà cửa hàng quán hầu hết đã kéo cửa tắt đèn. Các dãy sạp bán hoa quả tết dọc hai bên lề cũng thưa thớt không còn người mua kẻ bán. Thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe khách hoặc xe tải hối hả vụt ngang qua. Người lái xe vẫn nói huyên thuyên, tới đoạn bà Mười Hai cháo lòng tính bắt rể.
“Chị vào đây đi thăm con à?”.
Ủa mình có nói vậy sao ta, tôi gật. “Ừ, con trai út”.
“Ở xa ghê ha, chắc có việc hệ trọng chớ ba bữa này ai đi đâu nữa nhỉ. Chị biết đường về nhà nó không? Đã vào bao giờ chưa?”.
“Rồi chớ. Mà tôi dở lắm không rành đường”.
“Ở tỉnh lên sao rành được. Dân chạy xe ôm mà tới khu đó còn lạc hoài, mới mở mà”.
“Anh chạy xe lâu chưa?”.
“Chừng mươi năm đổ lại đây thôi, tà tà đủ sống. Tôi ra quân xong lập gia đình, cũng trải qua đủ nghề hết rồi”.
“Chị nhà làm gì?”.
“Bọn tôi thôi nhau rồi. Cô ấy đưa con về Bắc luôn. Giờ tôi chỉ có một mình”.
“Ủa anh không làm rể Cam Ranh à?”.
“Không. Cô ngày xưa học Cao đẳng Sư phạm Nha Trang xong ra đi dạy ở miền núi rồi không còn giữ liên lạc với tôi nữa. Mối tình đầu đấy”.
“Ồ cô ấy học khóa mấy?”.
“Khóa 4, tôi còn nhớ rõ. Hồi đó cứ cuối tuần ra trại là tôi lại đạp xe hơn 40 cây số đến trường đón cô ấy đấy”.
“Khóa 4?”. Vậy là cũng hơn ba mươi năm rồi.
“Sao ạ?”.
“Không có gì. Nhưng không một lần gặp lại thiệt sao?”.
“Không. Tôi không muốn. Nhiều lý do lắm”.
Cũng phải thôi. Tôi lơ đãng nhìn qua vai người đang chở mình, một nửa khuôn mặt của anh ta mơ hồ hiện lên sau cái khẩu trang mỏng và nhàu nhĩ. Giờ chắc anh ta tỉnh ngủ hẳn rồi vì đang sống với ký ức thanh xuân vừa được khơi gợi.
“Chị là cô giáo phải không?”.
Khá nhiều người hỏi tôi câu này trong lần tiếp xúc đầu tiên.
“À ừ, đã từng thôi”.
Đường về khuya càng lúc càng tối đen thăm thẳm, xe chạy miệt mài không biết bao giờ mới tới. Tôi chỉ mang máng định được vài hướng chính về nhà con trai, chịu không nhớ đường cụ thể. Chắc cũng chỉ độ mới quá nửa đoạn đường là cùng.
Đột ngột xe giảm tốc độ rồi bỏ đường lớn rẽ xuống một con đường đất nhỏ hẹp tối om om bên tay phải. Đường mà không phải là đường, chỉ là một lối đi lồi lõm xẻ giữa đất hoang, hai bên cỏ tranh lau lách phủ quá đầu người, lòa xòa chồm ra quệt cả vào mặt. Tôi căng mắt nhìn vào màn đêm cuối con đường cũng chẳng thấy gì, tiếng xe máy ầm ì ngoài xa lộ nhỏ dần rồi tắt lịm, chỉ còn tấu khúc của ếch nhái côn trùng. Ngọn đèn pha của xe máy chỉ đủ rọi một vùng nhỏ ngay đầu xe, chung quanh tối đen như mực.
“Chị đã đi lối tắt này bao giờ chưa?”.
“Chưa”. Ở đâu ra cái con đường từ trên trời rơi xuống này, tôi hơi đắn đo rồi nói tiếp. “Cũng có thể là đi rồi nhưng tối quá tôi không định hướng được”.
“Sao mà đi rồi được. Lối này đến cả cánh xe thồ cũng không biết. Nó là cái lối đi tự phát chứ đâu phải đường mòn, do tôi hay qua lại khu này nên mới rành. Đến nhà chị lợi được 3 cây số đấy”.
“Đây là đường gì?”.
“Làm gì có tên đường”.
Không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ có khu dân cư quanh đây, một cái thềm hoặc nóc nhà cũng không. Có thể là đất dự án, đất bỏ hoang, đất nông lâm nghiệp... Đất đá lởm chởm, nhiều chỗ trơn lầy, chiếc xe máy hết chồm lên rơi xuống rồi lại rú ga lảo đảo nghiêng ngả. Tôi nhè nhẹ rút điện thoại ra và không tin vào mắt mình khi thấy dấu hiệu mất sóng. Tim tôi bắt đầu loạn nhịp như trống dồn, cảm giác tê cứng và lạnh toát lan dần từ hai bàn chân lên. Sự ngột ngạt xuất hiện ngay tức thì khi gã đàn ông chở tôi đi im bặt hết mấy phút đồng hồ, thậm chí tôi có cảm giác anh ta ngồi thẳng lưng hơn, cứ như đã hóa đá luôn rồi.
Có vài lần xe như muốn tắt máy rà rà lại và ngừng hẳn, rồi lại ngần ngừ chạy tiếp như mộng du hay đang toan tính không biết chừng. Cũng không có lời trao đổi nào. Thời gian như đông cứng lại theo.
Đàn bà chân yếu tay mềm và có một túi hành trang tươm tất phải làm gì bây giờ để đón trước điều sắp xảy ra, dù có thể hoặc không. Không trẻ không đẹp chưa chắc đã là lợi thế trước một kẻ khốn nạn giữa đêm đen mịt mùng. Ngoài cái mạng ra thì trong ba lô của tôi có tiền bạc, giấy tờ, laptop, điện thoại, máy ảnh. Ở nơi này có hét rách họng chắc cũng chỉ có giun dế đáp lời. May mắn gặp kẻ trấn lột còn chút lương tâm thì sau khi vét hết cả người lẫn của, hắn chỉ dùm cho đường ra lại xa lộ. Căng hơn chút thì bán mạng bỏ chạy. Bằng ngược lại, hình ảnh một mớ bùng nhùng hỗn mang bị vùi trong cái mương cạn nào đó được phát hiện ra sau mấy hôm làm tôi tỉnh hồn.
Tôi luôn mang theo một con dao xếp khá sắc nhọn mỗi khi đi xa và nhét nó vào ba lô ở nơi dễ lấy ra nhất, giờ thì nó đã nằm gọn trong lòng bàn tay, mũi chĩa thẳng về phía trước. Cuối cùng thì chiếc xe máy cũng chính thức dừng hẳn lại sau khi đi vào một khúc quanh hẹp và sâu như cái cửa hang, gã xe ôm đặt hẳn một chân xuống đường rồi từ từ quay mặt ra sau.
Trong bóng tối, hơi thở dồn dập của đối phương nghe rất rõ. Ánh sáng đèn xe như trêu ngươi, đỏ quạch và chập chờn nhưng cũng đủ soi rõ ánh mắt dọ dẫm, lạnh lẽo và bất chấp. Nỗi sợ hãi trong tôi đang dần biến mất mà thay vô đó là cơn giận dữ, sự liều lĩnh manh nha hình thành.
“Có chuyện gì?”.
Tôi cố ghìm lại để cánh môi mình không run lên, nhủ thầm phải cầm thật chắc vật hộ mạng trong tay.
“Chị sợ à?”.
Trong mắt tôi lẽ nào chỉ có nỗi sợ? Quên đi.
“Có gì đáng sợ sao?”.
“Thì đường tối, vắng, khuya”.
“Ừ nhỉ, thì sợ”.
Không biết có phải câu trả lời cụt lủn kèm tiếng cười khẩy tạo sự chú ý hơn hay không mà tôi bỗng cảm giác gã bị khựng lại. Ánh mắt loang loáng của gã bây giờ bò trườn khắp người khiến cho tôi phải hạ bàn tay đang cầm cái dao xếp xuống. Bao nhiêu giây đã trôi qua hay chỉ là tích tắc?
Gã chầm chậm ra lệnh.
“Chị co hai cái chân lên giữ chặt, xe chuẩn bị phóng qua vũng nước sâu văng bùn sình bẩn hết đồ đấy. Nãy giờ tôi cũng cố lạng lách tránh ổ gà, nhưng cái vũng nước này to quá choán hết cả lối rồi”.
Nguyên một cái ao nước đen ngòm lầy lội hiện ra ngay đầu xe sau cái hất hàm của gã, y như mới trồi lên theo hiệu lệnh. Tôi còn biết làm gì ngoài riu ríu nghe theo.
“Qua khỏi khúc quanh này là ra đường cái, năm phút nữa tới thôi”.
Xe khùng khục từ từ lao ra khỏi vũng lầy. Điện thoại bật rung lên, tôi vội vàng bấm nghe.
“Má tới đâu rồi má? Sao nãy giờ không gọi được?”.
“Không biết nữa. Mà chắc gần tới nhà rồi”.
“Ở đâu?”.
“Có biết đâu, giữa đồng không mông quạnh mà”.
“Má vô Messenger chia sẻ vị trí cho con đi”.
Tôi bấm gởi khi xe bắt đầu rời lối đi tắt để nhập vào đường cái.
“Chị cất điện thoại đi, đường này xe chạy nhanh lắm, ngang qua nó giật đấy”.
“Có chuyện đó à?”.
“Ôi dào, đầy ra đấy, trộm cướp thứ gì mà nó từ”.
Đúng như lời, chưa đầy năm phút sau xe dừng ngay trước cổng có con trai tôi đang bồn chồn đứng đợi. Nó dành trả tiền, boa tử tế và không quên cúi rạp đầu cảm ơn. Người lái xe vẻ chần chờ chưa muốn đi vội, quay lại nhìn tôi. Tôi cũng nhìn trân trối anh ta. Hình như anh ta muốn nói gì, tay đưa lên như sắp kéo cái khẩu trang xuống và có lẽ hy vọng tôi cũng tháo khăn che mặt ra.
Không đời nào. Tôi quày quã theo con trai đi vô, đóng cổng cài then cẩn thận. Khi thả cái ba lô ra là tôi cũng đổ quỵ theo xuống sàn nhà vì không thể gắng gượng nổi với đôi chân run rẩy, con dao chưa khép lưỡi cũng văng nằm bên cạnh.
Dường như có một tích tắc nào đó đã xảy ra trong bóng đêm, khi tôi và gã đó đối mặt nhau.
Kết Thúc (END) |
|
|