Ánh chiều tà phủ xuống hàng cây um tùm bao quanh trại. Những vệt nắng cuối ngày heo hắt chiếu lên từng khuôn mặt người. Bà Gánh xách nước vào tận phòng lau tay chân cho ông Hướng và các cụ nằm một chỗ. Con vẹt đang gãi lông trong lồng sắt, ngó thấy cảnh đó liền xòe cánh che mặt la toáng lên: "Dị quá! Dị quá!". Ông Hướng ngoái đầu với ra cửa sổ, chửi con vẹt: "Tổ cha mi", rồi làm bộ ngại ngùng. Ông được dìu lên xe lăn, tự đẩy bánh xe xoay vòng ra hiên ngắm bầu trời đỏ tía.
Có lẽ, hoàng hôn là thời khắc buồn nhất của ngày, buồn hơn cơn mưa dầm, buồn tựa tuổi xế chiều của đời người. Chạng vạng đằng sau cánh cổng trại càng đìu hiu. Lùm cây cổ thụ lặng như tờ. Mọi người im ắng. Bà Gánh đi ngang qua, bâng quơ vài câu, nụ cười sẽ nở trên môi họ. Một ngày vốn dĩ rất ngắn, mà từ chập choạng tới tối như thể cà phê phin nhỏ giọt.
Bà cắp rổ ra vườn hái mớ đọt bí, hoa bí vào luộc. Gió rườn rượt kéo về dãy nhà điều trị nhuốm màu tháng năm. Mái tóc khô rối dù đã được nhuộm đen bao lần vẫn bạc trắng của bà bị gió hất tới lật lui, bà lục trong túi áo tuềnh toàng lấy ra sợi dây su vàng, cột bới lên.
Bà Vọng cùng vài người khỏe khoắn xuống bếp phụ bà nấu bữa tối, dọn mâm, bới cơm. Họ tự và cơm hoặc đút nhau ăn, sau đó những đôi bàn tay rụt khớp thay phiên rửa chén. Bà đi quanh chia thuốc cho từng người, kiểm tra giường gối, trải chiếu cột mùng. Mùa hè hơi nực, khó ngủ sớm, mọi người xúm tụm coi thời sự, viết thư gửi con cháu hoặc cứ thế ngồi bệt ở hiên hóng gió ngắm sao. Ông Hướng tức cảnh sinh tình làm vài câu thơ tặng mọi người.
- o O o -
Hồi bà Gánh mới tới, khu trại là dãy nhà xập xệ mọc đầy cỏ dại, tường gạch nham nhở chen phên gỗ, giường nằm bằng tre ọp ẹp, vật dụng đáng tiền nhất là chiếc bàn cũ mốc và cái phích nước vỏ rỉ sét. Những con người im lìm thở. Chỉ có mùi thịt hôi chua mạnh mẽ, khi họ bắt đầu cởi bỏ lớp vải quấn quanh người để rửa ráy cơ thể.
Bà cầm rựa phăng phăng phát quang bụi rậm, bẻ chặt cành khô, trồng hàng thông xanh ngát, thêm đám hoa cánh bướm, hoa mười giờ đỏ rực gọi nắng về cho khu trại u ám. Bà quơ cây sào quét mạng nhện trên trần nhà, chà cái cửa rỉ sét, quét vôi mảng tường gạch đỏ, rào khoảng sân nuôi đàn gà con, vun luống đất trồng mấy giống rau. Việc lớn chuyện nhỏ trong trại đều có bàn tay bà chạm qua.
Bà Vọng vào cùng lúc với bà, ở căn phòng cuối dãy, đóng cửa im ỉm tránh xa tất thảy. Cô bé mười chín tuổi năm đó nhốt mình trong bốn bức tường, hệt như cái cách định mệnh nhốt cô trong khu trại khi mới chớm xuân sắc. Vọng lo lắng mầm bệnh trong cơ thể mình nhảy sang người khác. Những mảng dát "cắn" Vọng từng giờ từng phút, toét mủ tanh rình khiến cô ghê sợ chính bản thân. Cho dù tắm lau sạch sẽ, cái mùi vẫn đeo đẳng quanh quẩn.
Bà Gánh thương lắm, tim nhói lên mỗi lần đem thuốc đến cho cô bé. Chênh nhau chừng mười tuổi mà nhìn cả hai cứ như má con. Bà Gánh để Vọng khóc cho đã, ở bên nhẹ lau nước mắt. Những người đang ở bờ tuyệt vọng đôi khi chỉ cần có ai đó lặng im lắng nghe. Câu ủi an nhạt thếch hay lời khuyên sáo rỗng có thể làm họ trở nên khó chịu và suy sụp hơn. Một người lành lặn khỏe mạnh làm sao hiểu hết bao tủi thân, đớn đau đang tra tấn thể xác và tinh thần của người mang bệnh tật.
Ký ức cuộc đời bà Vọng có vẻ đã đóng băng vào ngày đó, ngay thời khắc bà hạnh phúc nhất với tình đầu thì trời phạt bà, giáng xuống căn bệnh lở loét gớm ghiếc. Bọn trẻ con trong làng ném đá bởi được người lớn dạy rằng phải tránh xa. Họ nhìn bà như thấy con vi trùng bò trên đất, chui trong áo, bơi trong nước, bay trong không khí, lây bệnh cho tất thảy làng trên xóm dưới. Người yêu của bà đầu hàng trước điều tiếng, quay lưng lấy cô gái khác. Cô dâu đẹp lắm, làn da mướt rượt, bà thấy còn mê nữa là.
Bà Vọng dùng đôi bàn tay co quắp ngón với các ụ sưng to để cầm chiếc cốc thủy tinh mẻ miệng, hớp một hơi hết nước, giọng nha nhẩn như đang kể chuyện của người khác. Gió thổi rì rào trên những tán lá cây, nửa tâm sự, nửa đồng cảm với nỗi nhớ thương luôn ghìm sâu trong lòng mỗi người. Ký ức là tài sản duy nhất được nắm giữ, dù đau buồn hay hạnh phúc đều có thể níu họ giữa dòng đời bị quên lãng.
- o O o -
Bà Gánh trở mình, ngồi dậy xỏ dép đẩy nhẹ cửa ra hiên. Càng lớn tuổi, con người ta càng khó ngủ, cứ chợp mắt rồi chợt tỉnh giữa khuya. Gió đang xì xào lời của đêm. Trăng lên cao vợi giữa nền trời trong vắt.
Đêm trăng tròn đó, trời cũng sáng tỏ y hệt hôm nay. Bà tung mùng chạy theo bóng hai gã đàn ông tới bụi tre cuối làng, khóc ré rát cổ không ghì níu được đứa con gái bé bỏng. Trời rét cắt da, nhưng nào đâu lạnh bằng lòng người. Dù bà đã giấu nhẹm, ông chồng vẫn phát hiện ra con bé bất thường khi lỡ tay chạm vào ấm nước nóng mà không la ó rụt lại. Hàng xóm chắc như đinh đóng cột khi nhìn gương mặt nổi cục u rộp đỏ của con bé. Người ta biểu vợ chồng bà ăn ở ác nên bị nguyền rủa, sanh mãi mới ra đứa con nhưng mắc phải bệnh cùi. Dân làng đều sợ bị cụt tay nên nửa đêm lén bà bồng con bé đi vứt.
Biết bao ngày bà lục sùng từng bụi cây hang đá, chui lùm lội suối tróc móng chân tứa máu. Biết mấy đêm bà thức trắng quỳ lạy rã đầu gối van xin nơi cửa chùa. Có tội tình chi một đứa trẻ con, sao họ nhẫn tâm đến thế. Bà cứ đau đáu mãi khoảnh khắc bàn tay bé xíu của con bé nắm chặt ngón trỏ của bà. Đớn đau nào bằng việc tận mắt nhìn người khác bắt bỏ đứa con rứt ruột đẻ ra. Bà lên cơn cào cấu cắn xé chồng, khóc lóc dật dờ hôn riết chiếc gối còn vương chút mùi con gái. Người bà khô rạc, đôi mắt lõm sâu vằn tia máu. Rốt cục, bất chấp bi thương, bà phải tiếp tục sống và kiếm tìm. Bà ước chi mình chết đi, nhưng còn con của bà?
Trong một lần dò hỏi tung tích con gái, bà tình cờ biết tới trại phong này. Quặn tim xót xa trước những con người bị ông trời trêu đùa phải sống chơ vơ, bà gói ghém quần áo xin vào ở luôn để chăm sóc họ. Người ta nghĩ bà bị thần kinh vì mất con. Mặc kệ lời phản đối của gia đình, bà dứt khoát bỏ chồng, đi học khóa y tá và điều dưỡng để được vào trại. Bàn tay bà đã không thể cầm được bàn tay con gái, thì bà sẽ nắm lấy bàn tay cụt lủn của những số phận bất hạnh khác. Ở nơi nào đó, có lẽ con gái bà vẫn còn sống, và biết đâu sẽ may mắn được một bàn tay lành lặn tìm thấy và nâng đỡ.
Hồi trẻ, mỗi bận lội về từ cơn ác mộng, bà đều bật cửa vùng chạy hớt hải ra ngoài trời, hít hơi thiệt dài căng tràn gió để có thể thở đều, tự xoa lồng ngực đang đánh trống bụp bụp. "Con ơi, con ở đâu? Con ở đâu…". Đêm lặng thinh không lời hồi đáp, chỉ có cơn gió lạnh thổi cay xé mắt bà.
Hơn nửa đời người bà quẩn quanh trong khu trại quạnh vắng, dần dà đã học được cách để tâm mình bằng an đôi chút. Bà không còn giận ghét chi ông chồng cũ hay xóm giềng nữa. Tháng năm nhuộm mái tóc của bà, cũng sẽ hằn dấu trên gương mặt và lương tâm họ. Bây chừ gặp lại chắc chi đã nhận ra nhau để buông câu chào.
- o O o -
Bữa rày, tính khí ông Hướng thất thường như mưa nắng của trời, hở chút là giận lẫy chẳng khác chi đứa trẻ con, suốt ngày kiếm chuyện cãi nhau với con vẹt. Ông nhắc mãi cái ôm cuối cùng của má năm mười tuổi. Bận đó, chân ông phồng rộp lên rồi co rúm, teo dần theo bốn mùa hoa rơi lá rụng. Ba má dựng cái chòi nhỏ trên núi xa cho ông ở với người bạn đồng bệnh tương lân. Tới lúc ông lủi thủi chôn xong thân thể khô đét của người đó, liền nhón mồi lửa tạm biệt chòi, khấp khiểng lang thang mãi mới tìm tới nơi ngập nắng này.
Từng nếp nhăn khô rúm, chằng chịt trên da mặt ông. Cái miệng móm rụng mất hai chiếc răng cửa hay cằn nhằn bà Gánh. Phải chi bà xuất hiện sớm, ông sẽ có cái chân giả "đàng quàng" để đeo, không cần tựa vào cái xô cũ làm da thịt trầy xước tước máu, phải đi đứng lập cập như bây chừ.
Đau quá nên hờn mát rứa thôi, chớ cặp mắt ông Hướng sáng rỡ lên khi thấy bóng dáng bà. Hồi còn khỏe, ông Hướng mày mò học theo bà, gò sắt làm chân giả, chế đôi dép da ôm sát mô phỏng theo bàn chân dị dạng cụt ngủn của mọi người. Làm vài việc nho nhỏ giúp được ai đó khiến ông cảm thấy bản thân bớt vô dụng, muốn sống lâu hơn chút. Ông lê đôi chân hỏng một bên của mình theo sau bà Gánh đi khắp trại, hết nhổ cỏ tới trồng rau.
Chính ông Hướng vào sáng đó đã gõ cửa phòng bà Vọng, lôi cô bé năm xưa ra khỏi bóng tối. Hai người như cặp bạn thân tri kỷ, trước xưng chú cháu, chừ già gọi nhau bằng ông bà. Lúc cảm hứng tuôn trào, ông hay đọc vài bài thơ con cóc để bà Vọng chép ra giấy mang tặng bà Gánh.
Có đợt ông Hướng quấn bà Gánh quá, thêm bà Vọng tích cực ghép đôi, khu trại nhôn nhao lên lời chòng ghẹo hai người. Ông mạnh miệng vậy chớ bẽn lẽn hệt gái đôi mươi. Bà Gánh chỉ cười lảng qua chuyện, mấy bận mai mối cho các cặp nên vợ nên chồng trong trại, nhưng bản thân nguyện ý dành trọn sức lực sống vì người khác. Đầu hai thứ tóc, bà chỉ mong khỏe mạnh thiệt lâu để chăm lo bữa cơm, thuốc men cho họ. Dù quá tuổi, hết hạn hợp đồng, bà cũng làm đơn tình nguyện ở lại cơ sở.
Bây chừ, hầu hết mọi người đều đã xong liệu trình điều trị, diệt hết vi khuẩn, không còn khả năng lây bệnh, nhưng họ vẫn sống ở khu trại già cỗi này, cùng nhau vá víu khoảng thời gian lẻ loi còn lại của mình. Cũng bởi họ chẳng biết tìm đâu nữa người thân, họ hàng, bạn bè cũ. Có kẻ đã xa quê tận mấy chục năm, con đường quay trở về nhạt dần trong trí nhớ.
- o O o -
"Tổ cha mi! Tổ cha mi!" - Con vẹt của ông Hướng tự dưng gào lên trong lồng. Bà Gánh mua nó về cho ông cách đây hai năm. Mỗi lúc cho nó ăn, ông Hướng hay buột miệng "tổ cha mi", riết quen nó cũng leo lẻo theo. Mặt trời còn chưa lên, con vẹt đã nhảy lồng lộn muốn gãy cánh, đánh thức khu trại. Mọi người tới trước cửa phòng ông Hướng, và lặng đi. Nước mắt lặng lẽ rơi. Con vẹt không gọi được chủ nó thức dậy nữa rồi.
Bà Gánh dùng số tiền ít ỏi tích góp từ việc bán mớ rau củ tự trồng, thêm một ít từ khu trại quyên vào, theo di nguyện hóa tro ông Hướng rải trên đồi. Ông muốn được cùng gió thỏa thích bay đi khắp nơi, ngắm nhìn thế giới mênh mông tươi đẹp mà trước đây chưa từng thấy qua. Biết đâu, ông có cơ hội quay về quê nhà mờ ảo xa lắc. Ông sẽ quỳ bên mộ của ba má, thủ thỉ rằng ông đã thứ tha. Nếu may mắn, ông còn được ôm lấy họ ở một thế giới nào đó khác.
Bà Gánh thả con vẹt ra khỏi lồng sắt, nhưng nó quanh quẩn mãi ở bệ cửa sổ căn phòng cũ của ông Hướng, rướn cổ ngó vào. Gió thì thào trên hai hàng thông chạy dọc từ khoảng sân ra tới cánh cổng khu trại. Mỗi cây thông thay con cháu làm một cuộc tiễn đưa. Bầu trời vẫn xanh biếc xanh, nắng ở đỉnh đầu chen qua kẽ lá, vẽ hoa trên từng gương mặt người. Chẳng biết từ bao giờ, họ đã có thể nhẹ nhàng tiễn nhau bằng nụ cười.
Kết Thúc (END) |
|
|