Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Khởi Nghiệp Tác Giả: Hội An    
    Tôi uể oải chào chị manager và bước ra khỏi phòng. Ngoài trời gió thổi mạnh và cơn mưa cuối mùa đang ào ạt kéo tới. Mưa này nếu đi ngay dễ ướt và bị cảm lắm.
    Nên tôi ngồi nán lại ở hành lang, nơi có vài chiếc ghế đá đặt sẵn cho khách. Ngồi, và nhấm nháp nỗi buồn thất bại, nỗi thất vọng bản thân đang tràn ngập trong lòng. Tôi biết chắc mình lại out trong cuộc phỏng vấn vừa rồi, mặc dù họ vẫn hứa sẽ gửi thêm bài test tới. Nhưng kinh nghiệm cho hay, thái độ hài lòng của người phỏng vấn là quan trọng nhất. Mà, chắc rằng tôi không mang lại được cảm giác đó cho họ trong những câu trả lời vừa rồi.
    Đây không phải lần phỏng vấn thất bại đầu tiên. Cả ba tháng nay tôi đã nộp đơn xin việc đến 8 công ty. Đều vào vị trí product manager (giám đốc sản xuất) là công việc tôi đã làm thuần thục cho cái dự án thất bại của mình. Thất bại vì thiếu vốn để làm tiếp chứ về công việc thì tôi cảm thấy mình đã thu nhận được khá nhiều kinh nghiệm, đã tự nghiên cứu để có kiến thức đáp ứng với nhu cầu tốt hơn, và thấy mình có kĩ năng để đảm nhận trong một dự án khác, công ty khác mà mình không phải đứng ra lo về vốn liếng. Với dự án của mình tôi cũng từng là nhà tuyển dụng. Tất nhiên chỉ là tuyển lập trình viên mà từ trong ngành của chúng tôi là DEP. Vậy mà bây giờ tôi đi tuyển chỗ nào cũng rớt. Buồn, và hoang mang nữa…
    Đang có công việc ổn định tại một công ty nhà nước danh tiếng, lương và điều kiện làm việc không đến nỗi tồi. Nhưng cái thằng tôi nổi loạn không thể chấp nhận được những ngày dài chỉ là chân sai vặt trong công ty, không được làm công việc đúng chuyên môn. Sẵn lúc phong trào khởi nghiệp trong giớii trẻ được khuyến khích. Vậy là tôi làm đơn xin nghỉ việc, vác ba lô lên Sài gòn bắt đầu một công trình mạo hiểm là dự án X mà tôi đã nung nấu từ lâu nay. Tôi say sưa đọc về Bill Gates, CEO và là kiến trúc sư trưởng phần mềm của tập đoàn Microsopt. Tôi còn đọc về Jeff Bezos, ông vua của ngành thương mại điện tử với trang Amazon làm thay đổi thói quen mua sắm của hàng triệu người. Rồi nhà phát minh và doanh nhân công nghệ Elon Must, kĩ sư trưởng và là CEO của SpayX, kiến trúc sư trưởng của hãng xe điện Tesla… Có thể tôi thuộc cả tính nết, sở thích của Mark Zuckerberg nhà sáng lập trang Facebook hơn vợ con anh ta cũng nên. Những thần tượng đó hàng ngày giục giã tôi, đề ra cho tôi câu khẩu hiệu: Cả thế giới sẽ ở trong tay bạn nếu bạn muốn. Và cả những câu mà sau này là khẩu hiệu treo tường của nhóm tôi: Don’t stop when tired, stop when done nghĩa là đừng dừng lại khi mệt mỏi, hãy dừng lại khi xong công trình. Hoặc là: Hãy thức khi người ta ngủ, hãy làm việc khi thiên hạ chơi… Chẳng ai đánh thuế ước mơ nhưng bắt tay vào thực hiện ước mơ khi thiếu rất nhiều điều kiện như tôi thì thật quá ngông cuồng. Nghĩ lại thì tôi quá ngạo mạn và viển vông, nhưng cả bố mẹ cũng quá dễ dãi. Tôi nói con cần vốn để làm một dự án. Chẳng hiều mô tê gì trong lĩnh vực của con nhưng vì tình thương và lòng tin vào khả năng giỏi giang của con mình nên ông bà cũng không cản được việc đưa giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng.
    Thật ra thì không ít lần bố mẹ nghi ngại trước sự dấn thân mạo hiểm của tôi.
    Nhưng tôi đã trấn an được họ bằng tiếng cười sảng khoái sau câu bông phèng nào đó chợt đến: “Nếu ai cũng làm điều chắc chắn thành công thì thế giới này mãi giẫm chân tại chỗ. Khéo đến giờ còn chưa chắc đã có điện mẹ à”. Nên dù có hồi hộp và căng thẳng thì bố mẹ cũng đành phải cố nén trước mọi lo lắng cho tôi.
    Tôi vay theo diện ưu đãi doanh nghiệp giải ngân vốn vay theo từng gói nhỏ với hạn mức vay 2/3 giá trị căn nhà. Vậy là cứ từng trăm triệu một từ ngân hàng về túi tôi một chốc rồi đi làm nhiệm vụ trang trải thành nhiều khoản. Khoản là chi phí sống hàng tháng cho riêng tôi, khoản là trả phí thuê nhà, căn nhà tôi thuê giá 10 triệu đồng, đủ rộng cho cả nhóm bạn làm việc. Khoản thành lương cho cả nhóm bạn khi ít là dăm người khi nhiều lên cả chục. Và khoản không nhỏ cho trang bị điều kiện làm việc của nhóm: máy tính, màn hình lớn, Wifi, bàn ghế…
    Trong một dự án hoàn toàn mới mẻ của ngành công nghệ đang “hot” trên toàn cầu, tôi vừa mày mò nghiên cứu, đọc rất nhiều những tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh do các chuyên gia công nghệ hàng đầu chia sẻ, vừa tổ chức cho nhóm bạn thực hiện theo từng khâu, từng mảnh rời và chắp nối lại như xây các phần của một thành phố. Này là đường sá giao thông, này là bệnh viện, trường học, cửa hàng cửa hiệu hay khu dân cư… Mỗi hạng mục với đặc điểm riêng, khó khăn riêng biệt đòi hỏi người thiết kế và thi công đứng trước những thử thách mới. Rất nhiều khi tôi rơi vào tình cảnh bó tay bế tắc không tìm ra lối thoát. Tưởng giơ tay đầu hàng, nhưng rồi trước cánh cổng đóng sập lại có lối đi nhỏ ngay bên cạnh, có thể do cộng sự là người mới tuyển biết cách thực hiện hạng mục mới hay biết cách đi qua bãi gai bãi lầy. Hoặc tự mình trong đầu óc căng lên ở khoảnh khắc thăng hoa sáng tạo cũng lần tìm được mối gỡ. Cứ thế, sau 3 năm vất vả, cái thành phố ước mơ của tôi cũng hoàn thành một cách cơ bản. Chỉ còn bước hoàn thiện để vận hành cho trơn tru… Viễn cảnh các xí nghiệp vừa và nhỏ trong nước và khu vực không cần lập website riêng mà vẫn kết nối và giới thiệu sản phẩm nhờ nền tảng của mình.
    Viễn cảnh trang mạng mình lập ra có hàng triệu người dùng với những tính năng vượt trội những trang hiện có làm tôi phấn khích vô cùng. Tôi sẽ không chỉ có tên tuổi mà còn là tiền bạc nữa. Công ty tôi sẽ là một cái tên đáng tự hào cho mọi nhân viên được làm việc ở đó. Tôi sẽ bù đắp phần nào nỗi vất vả mà mẹ và gia đình đã hy sinh cho mình, sẽ đem tiền thực hiện việc làm từ thiện vốn là việc ưa thích của mẹ, thậm chí lập hẳn một quỹ lấy tên mẹ nữa. Tôi sẽ và tôi sẽ… Nhưng rồi tôi giật mình khi ngân hàng báo tôi đã sử dụng gần hết số tiền được phép vay của căn nhà.
    Đang trên chín tầng mây, tôi rơi độp một phát xuống hẳn đầm lầy.
    *
    Ngay khi bắt tay thực hiện dự án X có thể gọi là khổng lồ này, tôi biết vốn của căn nhà chẳng thể nào đủ. Và các dự án tầm cỡ đều phải huy động vốn đầu tư. Tôi đã ngây thơ khi nghĩ rằng với một dự án lớn, nếu có tính khả thi sẽ chẳng thiếu gì nhà đầu tư tìm đến. Cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Nhưng hỡi ôi, đây mới là sai lầm lớn nhất của tôi, là viển vông không thể tha thứ, là ngây thơ khờ khạo nhất cho một đứa con trai đã chạm tuổi ba mươi. Tôi có điều gì đáng cho người ta tin tưởng: Một thần đồng kiệt xuất từ thơ ấu? Một giáo sư tiến sĩ đáng nể với những công trình nghiên cứu đã có tiếng vang? Hay một công trình đã được đặt hàng từ một tổ chức khoa học uy tín? Tất cả đều không.
    Lúc này, bạn bè hỏi tôi sao không đăng kí chương trình hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ của VTV. Nhưng tôi biết mình không đủ sức, không đủ tiền để phân tán sự quan tâm. Hoặc nếu không tôi phải nuôi thêm nhân lực để đi theo chuyện này. Bởi tôi đã theo dõi và biết muốn theo chương trình đó phải mất thời gian mấy tháng trời chuẩn bị cho việc “đấu” và “diễn” trước ống kính và các nhà đầu tư trong nhiều vòng. Nội chuyện di chuyển ra Hà Nội trong nhiều lần đã đủ tốn tiền và thời gian công sức khi mà tập trung cho nghiên cứu và quản lí nhóm của mình đã đủ mệt rồi. Đã vậy lúc này dịch Covid đang lan rộng khiến cho tất cả mọi điều nếu không mang lại mối lợi trước mắt nhìn thấy được thì đều không đáng để xã hội quan tâm. Vậy là sau bao cố gắng trình bày, bằng thuyết trình, bằng những văn bản in ấn công phu và tốn tiền, với những đại gia có mối quan hệ quen biết với bố mẹ … rốt cuộc cái thành phố xây gần xong phải bỏ bê hoang vu như chưa từng hiện diện. Bạn bè trong nhóm, khi tôi không còn tiền trả lương, đã lần lượt rời trụ sở để đi tìm việc mới.
    Vẫn biết đến 80% khởi nghiệp tại xứ mình là thất bại, vẫn biết cả những tập đoàn lớn của thế giới cũng có thể phá sản. Ông Bùi Ngọc Huyên, chủ doanh nghiệp Vinaxuki, là doanh nghiệp tiên phong làm ô tô đầu tiên ở nước mình đã phá sản mang trên vai món nợ 2800 tỷ đồng, nay bước vào tuổi tám mươi sống cô đơn cùng bầy gà tự nuôi nơi đại bản doanh cũ. Và cả những tập đoàn lớn của thế giới như ô tô Dawoo hay điện tử Sanyo hay điện thoại Nokia đều chỉ còn là những cái tên dĩ vãng. Thất bại cũng là chuyện thường nhưng tôi đã rơi vào tình trạng châng lâng vô trọng lượng. Trong tâm trạng rã rời chán nản, tôi hoang mang thất thểu trên đường. Và điều tệ hại hơn xảy ra. Một tai nạn giao thông khiến tôi gãy tay phải. Điều này diễn ra trong tình hình các bệnh viện chỉ ưu tiên chữa trị Covid còn những bệnh không cấp cứu đều phải trì hoãn. Vậy nên cuộc mổ cái xương thuyền gãy ở bàn tay phải của tôi cũng phải dời lại sau hơn hai tháng.
    Khỏi phải nói là tôi đã chịu đựng nỗi đau cùng cực của cả thể xác và tinh thần trong mấy tháng trời đến mức nào. Và không chỉ tôi. Còn là nỗi đau cho bố mẹ khi triển vọng cái nhà đang ở của gia đình sắp mất, là nỗi thất vọng của chị gái và các dì các cậu khi ai cũng rút hầu bao hỗ trợ tôi khi thành phố xây đoạn nước rút. Đến bây giờ, bố mẹ bắt đầu nuôi tôi với tai nạn bằng tiền từ thiện của anh em và bạn bè bố mẹ gửi tới. Không còn đủ cả tiền để ăn cơm bụi, tôi bắt đầu tự nấu lấy và ăn uống qua loa, nhưng cũng không thể sánh với nỗi đau, nỗi nhục mà tôi đã gây ra cho gia đình mình. Nỗi bế tắc lên đến đỉnh điểm khi tôi nhận lời nặng nhẹ của bạn bè khi không còn tiền trả lương cho họ. Thậm chí là tôi đã nghĩ đến một cuộc nhảy cầu hay lao đầu vào ô tô nếu nhận một nhiếc móc. Nhưng may mắn thay! Không ai nhiếc móc tôi. Hoặc có mà bố mẹ đã cố giấu. Bố trốn vào rầu rĩ bằng bia rượu. Còn mẹ, chỉ biết khóc. Và bà cũng giấu tôi cả những giọt nước mắt. Chỉ thì thoảng tôi nhận ra những tiếng nấc nghẹn ngào trong những câu điện thoại ngắn mà bà đang cố nén.
    *
    Khi cái tay sắp lành tôi bắt đầu tiến hành xin việc. Dù sao mấy tỷ đồng hao phí cho dự án cũng không hoàn toàn mất trắng. Với kiến thức và kinh nghiệm thu được, tôi nghĩ sẽ dễ dàng có một chức danh production manager hay project manager (giám đốc sản xuất và quản lí dự án) ở một công ty lớn nào đó. Vì rảnh, tôi bắt đầu dành thời gian viết những bài viết về công việc này tung lên mạng ở diễn đàn khởi nghiệp. Hy vọng là người tuyển dụng đọc được khả năng của mình. Nói thêm là khả năng trình bày kiến thức của tôi cũng vào loại kha khá. Trên diễn đàn, nơi tranh luận về kiến thức và kinh nghiệm mà các chuyên gia hàng đầu công nghệ trong nước, vì bận bịu và không có nhu cầu show nó free, nên ít tham gia. Nên những bài viết của tôi thu hút khá nhiều sự quan tâm của bạn bè và các chuyên gia trong giới. Tất nhiên, để viết được những bài hoàn chỉnh mà chính xác, ngoài kiến thức đã có, tôi phải tham khảo tra cứu rất nhiều tài liệu bằng tiếng Anh nên tốn khá thời gian. Và cũng may là trong tình trạng tinh thần khá ức chế mà tôi vẫn có thể tập trung được. Kết quả là những bài mang tính chất hệ thống kiến thức hoặc kinh nghiệm trong Star-up tôi thường nhận được hàng trăm like, hàng chục comment sau đó. Điều này cũng làm cuộc sống tôi thời gian này đỡ bức bối và tẻ nhạt hơn.
    Với hồ sơ xin việc (CV) được chuẩn bị kĩ càng, tôi gửi đi khắp nơi, tất cả những công ty đăng tuyển dụng. Phần lớn các công ty lớn quy trình tuyển dụng của họ rườm rà lắm. Như Vinamilk, Prudential, Unilever… quy trình đều qua 7 bước. Biết khả năng nghe nói tiếng Anh hạn chế, tôi không thể lao bừa vào những nơi đòi hỏi ngoại ngữ lưu loát được, nên chỉ dám nộp ở những công ty thường thường bậc trung. Và kết quả là tôi đã nhận khá nhiều lời mời chào đi phỏng vấn. Tất nhiên đều phải qua 2 hoặc 3 vòng. Nghĩa là khi có kết quả cuối cùng thì cũng qua đi thời gian cả tháng. Nhưng tôi không chờ, và lên lịch phỏng vấn liên tiếp. Kỉ lục là trong vòng 10 ngày tôi có lịch phỏng vấn đến 7 chỗ. Nhưng hỡi ôi, khi không thể làm chủ thì muốn đi làm thuê cũng không đơn giản. Phỏng vấn viên phần lớn là manager mà ở các công ty kinh doanh ngoài ngành IT vị trí này chủ yếu là dân business (kinh doanh, thương mại) nên họ đâu biết gì về kĩ thuật mà hỏi. Bởi thế nên rất nhiều câu hỏi của họ với tôi có thể coi là ngớ ngẩn. Tỷ như: Em có biết quản lí trang web không? Hay: Em có biết cài phần mềm không? Tôi chán nản và cũng thừa tự ái để trả lời kênh kiệu là: Không. Chỉ sinh viên IT năm thứ nhất mới biết làm những chuyện đó thôi chị. Nhớ lại thời sinh viên, nghỉ hè tôi mở tiệm sửa máy tính tại nhà kiếm tiền tiêu.
    Tôi thu nhận thêm thằng thợ tên Thiện cùng làm. Sau này mỗi lần hỏng máy tính bố lại gọi tôi bảo thằng Thiện tới sửa máy cho bố với. Tôi hỏi sao phải thằng Thiện? Bố nói chứ tao thấy toàn thằng Thiện sửa chứ mày có sửa được đâu. Nghĩa là bố không biết tôi là người nhận hàng, khi coi máy xong tôi biết hư cái gì sửa ra sao thì mới lệnh cho thằng Thiện làm. Giờ tôi có thể quản máy chủ chứa ngàn trang web thì họ hỏi tôi có thể quản một trang không. Giờ tôi có thể biết cả chục ngôn ngữ lập trình để biết vận dụng trường hợp nào dùng cái gì hợp nhất thì có anh business võ vẽ chút IT hỏi: Em có biết dùng ngôn ngữ Java không? Tôi cũng nói ngôn ngữ đó dùng cho sinh viên chứ em chỉ biết dùng javascript anh ạ. Chán mớ đời!
    Và cái chung là các phỏng vấn viên hầu hết đều dành thời gian để xoáy vào cái dự án X thất bại. Bản thân tôi đã rất đau rất xót khi lôi ra vết thương của mình, tôi thường muốn lẩn tránh và trả lời rất sơ lược những câu hỏi nhạt nhẽo của họ. Tôi muốn nói về kĩ thuật, muốn họ hỏi tôi biết làm những gì trong ngành IT, kinh nghiệm quản trị dự án hay quản lí nhân lực chuyên môn cao. Tôi có thể tung tẩy bàn luận về các phương án, các chuyên đề, cách tiếp cận và giải quyết vướng mắc trong thực hiện dự án… Nhưng tất cả những điều đó đều đã có trong CV trình bày rất công phu của tôi. Vậy về con người tôi, họ muốn tìm hiểu kỹ hơn thì có thể nói gì ngoài dự án X? Giả sử người phỏng vấn là các CEO hay founder (chủ dự án) người ta quan tâm trình độ thông minh hay khả năng phát triển trong việc đáp ứng nhu cầu công việc. Còn các manager (quản lí) họ chỉ quan trọng kinh nghiệm để đảm đương với công việc cần tuyển. Bởi vậy nếu từng làm ở vị trí tương đương ở một công ty khác họ sẽ đỡ khắt khe hơn. Hoặc dự án X của tôi đã là dự án thành công thì chắc chắn sẽ lọt mắt xanh họ. Đây là một nghịch lí. Bởi nếu thành công tôi cần gì đi xin việc. Mà các CEO hay founder họ bận lắm, đâu thể làm công việc tuyển người mà các manager có thể đảm đương. Chưa nói đến một lí do khác mà sau nhiều cuộc phỏng vấn thấy khá trơn tru tưởng chắc ăn như bắp mà vẫn nhận được lời từ chối nhã nhặn rồi sau đó tôi mới biết thông tin người phỏng vấn mình hiện là trưởng phòng kĩ thuật. Nếu mình có vốn kiến thức đủ làm họ nể, có lối tư duy táo bạo, lại am hiểu cả maketing và thương mại, nếu nhận mình vào thì vai trò trưởng phòng của họ có chắc bền lâu? Chuyện soán ngôi vị là chuyện không xa lạ gì, cả trong mọi lĩnh vực chứ không chỉ kĩ thuật. Và thói ganh ghét vẫn là chuyện xưa nay chẳng hiếm hoi gì. Nên rút cuộc là tôi trượt vỏ chuối đến bây giờ, dù nhiều khi cũng đã thấy le lói ánh sáng hy vọng. Tỷ như là tại công ty ví điện tử Momo, hay Công ty Sen đỏ, vòng 1 test IQ tôi có điểm vào loại khá, sau vòng 2 khoảng dăm ngày họ đã gọi điện hỏi tôi mức lương yêu cầu. Khi ứng viên đáp ứng tốt họ mới hỏi về lương chăng? Nhưng rồi tôi vẫn nhận được thông báo nhã nhặn là lời cám ơn kèm theo câu họ sẽ dành cho tôi một vị trí công việc thích hợp hơn sau này.
    *
    Hơn tất cả mọi thất bại, tôi biết tình cảnh mình đang rơi vào kiệt quệ. Và đối diện với điều tồi tệ là không còn cả cơm ăn nước uống khi túi mẹ tôi đã cạn kiệt đến đồng cuối cùng. Bà đã vay mượn khắp mọi nơi có thể nhờ các tổ chức như Hội Phụ nữ, hội hưu trí ở Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất thấp rồi cố nhặt nhạnh từng đồng từ tiệm tạp hóa mà mẹ làm thêm để trả lãi hàng tháng. Dù mẹ vẫn động viên tôi là con bình tĩnh đi, mẹ luôn ở bên con, là mẹ luôn đồng hành cùng con nhưng tôi biết là bà đã bất lực khi không thể có ai đưa tay ra nâng đỡ nữa. Bà cũng đã tằn tiện đến mức khổ ải khi tôi bắt đầu bước vào công cuộc phiêu lưu của mình. Tôi biết mẹ chưa bao giờ dám ăn mười ngàn xôi cho bữa sáng chứ đừng nói tô bún hay tô hủ tiếu. Chỉ chén cơm nguội và chút muối vừng cho qua bữa. Và bây giờ, khi không còn chút le lói ánh sáng cuối đường hầm, bà chỉ còn nước mắt âm thầm khóc…
    Chị gái tôi cứng rắn hơn khi bảo: “Nếu không xin được việc thì chạy xe Grap đi”. Bố chỉ nói đơn giản: Về nhà mẹ mày nuôi đỡ tốn tiền thuê nhà khi vẫn đeo bám lại thành phố. Bố biết cái nhà tôi thuê cho cả nhóm bạn làm việc khá đắt nhưng lại không biết đâu thể trả trước thời hạn hợp đồng và chẳng thể sang lại cho ai trong tình trạng thất nghiệp tràn lan do Covid... Khổ chưa? Khi vẫn tự hào đã trở thành chuyên gia của ngành IT, ngành kinh tế chủ lực, ngành “hot” nhất hành tinh hiện giờ thì tôi lại là thằng trai vô tích sự ăn bám khi đã ở tuổi ba mươi. Tôi biết cũng khá nhiều người thân và họ hàng đã nói với mẹ điều này, rằng người ta chỉ trách nhiệm nuôi con đến mười tám tuổi, đây bà vẫn nuôi khi đáng lẽ nó ở tuổi nuôi mẹ già. Rằng bà không thấy là con trai quá ích kỉ sao? Nhưng mẹ chỉ thở dài nói mỗi nhà mỗi cảnh. Nên tôi cũng mong mỏi biết bao ngày mình có việc làm để không còn phải ngửa tay nhận tiền của mẹ.
    Nhưng đúng ra thời gian này tôi có thực rảnh rỗi đâu mà nghĩ chuyện đi làm một việc khác trong khi chờ đợi. Để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn vào một đơn vị nào tôi phải tìm hiểu kĩ càng về nơi mình sẽ là ứng viên. Bản thân tôi, nếu là sếp, tôi sẽ không ưa gì những ứng viên hời hợt, chẳng biết công ty mà mình nộp đơn tuyển sản xuất sản phẩm gì, có tính năng ưu khuyết điểm ra sao, công suất và sức cạnh tranh thế nào về sản phẩm cùng loại trong nước, trong khu vực. Những ứng viên này, nếu được vào công ty, họ gắn bó được bao nhiêu, làm sao yêu công việc của mình được? Và điều này thường nằm trong câu hỏi đầu tiên của nhiều cuộc phỏng vấn: Anh chị biết gì về công ty mình đang tuyển? Và để trả lời tốt câu hỏi này tôi phải đọc khá nhiều ở website công ty cũng như những bài liên quan ở kĩ thuật, truyền thông báo chí. Còn phải xác định vai trò của mình sẽ tham gia ở khâu nào, cải tiến được điều gì trong kĩ thuật, quản lí hay maketing sản phẩm. Ngoài ra, tôi còn dành thời gian làm những đề án nhỏ cho chuyên ngành mình đang tuyển, hi vọng chứng minh năng lực và được đón nhận… Nghĩa là để đi phỏng vấn tôi không khác gì các sĩ tử đi thi đại học. Và trong tình trạng người nhiều việc ít, tôi cũng phải chịu áp lực cạnh tranh có những vị trí chỉ tuyển một mà ứng viên hàng chục trong đó không ít là những kĩ sư học nước ngoài về.
    *
    Mẹ dè dặt gọi cho tôi: Nếu chỗ phỏng vấn nào cũng bới dự án X của con ra thì con phải dũng cảm đối diện. Phải nói được nguyên nhân thất bại, bài học thu nhận được và khả năng đảm trách ở vị trí mình đi tuyển. Còn con cứ cố tình lẩn tránh, và chán nản không muốn nhắc đến, thể hiện thái độ không cầu thị thì chắc chắn chỉ gieo sự hoài nghi năng lực cho người phỏng vấn thôi.
    Có lẽ vậy. Tôi sẽ rút kinh nghiệm. Cũng bởi không còn thời gian cho sự chần chừ nữa. Căn nhà của bố mẹ, tôi cũng đang tích cực rao bán trên tất cả các trang mạng trong thời điểm bất động sản chìm lắng. Hy vọng bán xong, trả nợ ngân hàng rồi bố mẹ tôi còn tiền mua căn chung cư nhỏ để làm nơi sống cuối đời.
    Hôm nay có thể là một ngày may mắn của tôi. Công ty nhỏ Y này là nơi có thể tôi đã bỏ qua không thèm để mắt trong giai đoạn đầu xin việc. Nhưng bây giờ thì tôi đành “chiếu cố” và mong là sẽ còn chỗ cho mình trong đó. Thằng trai làm nhiệm vụ phỏng vấn chắc nhỏ hơn tuổi tôi với bộ mặt non choẹt, nước da trắng như con gái và giọng nói dịu dàng đến khó tin: “Em biết anh rồi. Chắc anh thích hợp cho vị trí Project manager mà công ty em đang cần tuyển. Nhưng em nói trước là lương bên em không cao, chỉ trên dưới ba chục thôi.” Tôi nghĩ thầm trong bụng: mày có biết là giờ chỉ một nửa thế cũng là mơ ước của anh mày không, để khỏi đẽo từng đồng lương hưu non khốn khổ của bà già là được. Nghỉ một chút cậu chàng nói tiếp: Một tuần nữa sếp đi công tác về sẽ phỏng vấn trực tiếp anh. Nhưng anh đừng lo, sếp em khen anh thông minh, ổng đọc tất cả các bài viết của anh trên mạng rồi mà.
    A… a… a! Cuối cùng thì có thể tôi cũng kết thúc được thời gian xin việc căng thẳng và hồi hộp của mình. Và cùng với nó, đổi được giấc mơ hão huyền làm vĩ nhân, làm mắt xích quan trọng trong tiến trình phát triển của thế giới bằng một công việc vừa vừa trong một công ty nhỏ, sống giản dị khiếm tốn như bao người lao động lương thiện khác. Ba mươi hai tuổi, bắt đầu làm lại cuộc đời, bắt đầu sống bằng thái độ thiết thực hơn. Cứ tạm vậy đã. Nhưng tôi biết ngọn lửa trong tim tôi chưa tàn lụi. Sẽ đến một thời điểm khác, có thể là phải mấy năm nữa, khi đã kiếm đủ vốn, tôi sẽ lại bắt đầu khởi nghiệp lần nữa. Có thể sẽ chọn đề tài khiêm tốn hơn nhưng chắc ăn hơn. Lúc đó tôi mới thực sự trưởng thành. Tôi vẫn nhớ lời mẹ “còn da lông mọc còn chồi nảy cây” mà.
    

Kết Thúc (END)
Hội An
» Khởi Nghiệp
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam