Tím đi dọc triền sông.
Khi chạm mắt vào dòng nước lờ mờ, chị chỉ nghĩ mình nên chìm sâu từ từ chỗ đó, chỉ vậy thôi và hết. Không còn nhớ gì nữa. Sẽ nhẹ nhàng, sẽ kết thúc và Hải sẽ vừa bụng. Đầu óc Tím đã căng lên tới mức không gì có thể làm Tím nhẹ lại được, trừ cái chết. Tím bước xuống bến. Những bước chân không mau không chậm, không trông chờ, không mong mỏi. Như một kiểu đi của người đang trong chiêm bao, một giấc chiêm bao đang chìm vào nước, tan trong nước…
“Anh đang ở bến đò Chậy Thum, em tới chưa?”.
Tím sựng lại. Sao lại câu nói ấy. Tím như muốn chạy ngay tới đó. Phải là anh không, Trần Dinh? Tiếng nói đã kéo Tím về phía đó. Những bước chân Tím như tan thành mây khói khi nhìn thấy một chàng trai bằng tuổi con gái mình. Tím chỉ mong mình có thể bay được để nhanh xuống dòng nước hơn.
Ừ, dạo ấy anh chỉ mới hơn hai mươi một đỗi. Anh nói “Tim Tím ơi, chỉ còn vài bước chân nữa anh đã rời Việt Nam. Kia là bến đò Chậy Thum đó em. Anh đứng trên bờ sông Bình Di nhìn về nước mình. Nơi đó đang lùi xa dần. Nơi đó có em, cô bé dễ thương của anh”. Phải đó là hình bóng của anh còn sót lại không? Ôi bến sông này. Anh đã đứng nơi nào bên kia bờ sông để nhớ về em? Tím nhìn miết vào bóng đêm lờ nhờ bên kia sông. Giá như thấy được sâu trong đáy đêm ánh mắt trong veo ngày nào của anh. Một cái bóng mờ cũng được.
Mọi thứ chỉ là của mấy mươi năm trước. Tím ngồi sụp xuống bến. Bàn tay chị chạm đất. Chị để cho bàn tay mình nằm yên trên đất. Chị không biết anh có từng bước chân trên thớ đất này không. Nhưng chị cảm thấy có gì đó rất quen thuộc rất ấm áp. Giờ đây Dinh đã nằm lại chốn nào? Nơi nào gần anh nhất, nói cho em biết đi anh. Em sẽ đi sâu vào đáy nước. Có phải tận cùng của đáy nước em sẽ gặp anh không?
Tím đi xuống bến.
Tím đã ngập nửa người trong nước. Chị không thấy lạnh. Chị nghe thấy tiếng nói của ngày xưa: “Tim Tím yêu quý của anh ơi”. Tím nghe thấy tiếng nói của Hải: “Đầu óc của cô toàn rác rưởi nên cô nhìn đâu cũng đầy rác rưởi”. Tím không hỏi mình nước đã tới đâu rồi. Tím không hỏi gì mà chỉ nhìn chăm chăm vào nó. Nhìn nước mà không thấy nước, chỉ thấy gương mặt lạnh lùng của Hải, gương mặt ấm áp của Trần Dinh.
Bất giác Tím nghe có tiếng nước động. Tím nhìn thấy một dáng người rất gần, rất quen.
- Anh Dinh…
Tím gọi thảng thốt trong tâm khảm như vậy. Nhưng chị không nói được tròn câu vì có một thứ khác đập vào mắt. Một mái tóc phụ nữ xõa dài. Hình như cô ấy đang khóc. Tiếng khóc tan trong tiếng nước đêm sóng sánh quanh cô. Tím không thấy nước mắt nhưng Tím thấy cô gái lấy ống tay áo chậm mắt.
Tím nắm lấy bàn tay cô gái. Tím chạm phải cái tay áo còn ướt sũng. Bàn tay cô gái vẫn ấm, như nó không thấm chút lạnh nào từ cái áo đã ướt.
- Vì sao vậy em? Vì bị người yêu bỏ quên hả?
Tím nói với cô gái hay nói với dòng sông nơi Tím vừa đi tìm cõi khác?
Tím đưa bàn tay vuốt mái tóc dài của cô gái. Đuôi tóc tóp lại do bị nhúng một phần trong nước.
- Nếu hồi nãy không có mái tóc dài của em, chị nghĩ em là Trần Dinh, người yêu cũ của chị.
- Anh ấy ở đây hả chị?
- Không, anh ấy có đến đây từ mấy chục năm trước.
- Sao giờ chị mới tìm?
- Tại hồi đó chị mới hai mươi hà. Khi người con gái còn trẻ thì họ không biết trân trọng đâu, đợi mất rồi, tìm hoài không thấy thì mới tiếc…
Tím sựng lại đó. Nói gì còn trẻ, ngay cả người già cũng vậy. Có phải khi mất Tím rồi Hải cũng sẽ tiếc, như anh từng tiếc người vợ đã qua đời của anh? Người vợ của Hải đang ở dưới mồ có cần sự tiếc nuối này không? Tím sau này, lúc nằm yên dưới đáy mồ có cần sự tiếc nuối này không? Mà Hải không còn đủ sức để hối tiếc gì cả. Nếu không có Tím, Hải sẽ mải miết với cái điện thoại, không thể nhìn ngó gì thêm nữa. Hải sẽ lười nhác, ăn không ngon, ngủ không yên, uống thật say rồi dần dần cũng kiệt sức.
- Khi người ta kiệt sức thì sẽ cố bám víu vào cái gì... Cô gái, em tên gì?
- Dạ em tên Linh.
- Hả Linh, em sẽ bám víu vào cái gì?
- Em sẽ nghĩ về những người em yêu thương nhất, em sẽ nói với họ những gì tốt đẹp nhất mà em chưa thể nói.
- Hải chồng chị thì bám víu vào cái điện thoại khi kiệt sức. Hải cố nói những gì uất ức nhất với những trang mạng khi kiệt sức.
- Không phải chỉ có chồng chị mới bám vào điện thoại chị ạ. Người yêu em cũng vậy. Những người ngoài thành phố sôi động ồn ào kia vẫn bám vào điện thoại. Em đi làm ngoài đó em biết mà. Nó là một người bạn quá ưu tú. Muốn nó hát nó sẽ hát, muốn nó im nó sẽ im, muốn nhìn thấy người đẹp nó sẽ mang người đẹp đến. Một người bạn muốn gì được nấy. Nó là người tình lí tưởng. Nó không hề biết cằn nhằn khi người đàn ông đang say. Khi người ta làm cho nó điên lên, nó chống lại bằng một sự chết lặng. Chúng ta thì khi bị chọc cho điên lên, ngay cả chết lặng cũng không làm nổi.
- Chị cũng như em. Ừ chị thấy mà.
- Khi bị chọc điên lên, chúng ta sẽ ngồi nói phải trái. Nói mải miết như một cái máy. Nhiều khi muốn ngừng mà không ngừng được. Có lần em quay video chính mình trong cơn buồn giận, thật sự em cũng không chịu nổi gương mặt mình lúc đó. Lời nói lúc mình đang thất vọng, đang chán chường nghe ghê lắm, như tiếng ma vậy. Mình còn sợ mình huống gì một người đàn ông đang xỉn, đang thèm được vỗ về như một đứa trẻ. Một người đàn ông đang xỉn họ chỉ thích người yêu là một cái điện thoại thông minh, nhấn nút một cái những thông tin gai mắt trái tai biến mất, nhấn nút một cái nó phát những kênh theo ý thích. Kênh một con mèo hay một người tình nhỏ bé.
- Lúc nổi điên chị gào thét, đập đổ hết những thứ trong nhà. Có lúc chị chỉ muốn…
- Sao chị không rời bỏ anh Hải? Nếu chị bị căng thần kinh và chọn cái chết thì không một giọt nước mắt nào nhỏ xuống đâu. Vì khi chị chết, không phải là một tình yêu chết mà là một sự điên loạn kết thúc.
- Chị không đi được…
Tím nói với Linh, Tím như bị thôi miên rồi. Mà cả Hải cũng đang bị cơn giận thôi miên. Câu nói nào của Tím cũng thành mồi lửa của cơn phẫn nộ. Câu nói nào của Hải cũng thành đáng ghét. Cả hai không còn sức bước đi mà chỉ có một tham vọng muốn đập nát con người gần sáu mươi tuổi kia cho tan ra rồi nặn lại thành một hình hài mới giống ý mình.
Tím muốn nặn Hải giống Hải hồi lúc hai người mới yêu nhau. Lúc đó, khi Tím bước ra khỏi tuổi năm mươi tư, vật lộn với tiền bạc qua những Nha Trang, Đắk Lắk..., sang cả Đài Loan, Singapore... Chợt một ngày chồn chân Tím ngồi ước mơ có một người đàn ông hiền lành đến nói lời yêu. Hải tìm đến qua một trang mạng. Hải hiền lành y như ước mơ. Lúc đó lời của Hải nghe êm đềm. Hải có một giọng nam trầm, ngọt lành. Giọng người có thể hát cải lương trong những vai thầy tu đắc đạo.
Nhưng Hải bây giờ đã quăng bỏ giọng nói ngọt ngào của mình rồi. Chỉ cần Tím nói “anh Hải, sao mà chỗ sàn nhà đầy nước” là Hải đã lớn giọng “trời ơi ai mà biết”. Chỉ cần Tím kêu “anh Hải ăn cơm”, Hải đã gào thét “trời ơi sao mà người ta muốn ở yên không được vậy?”.
Hải thấy dễ quạu quá. Hải muốn nặn cho Tím trở thành Tím hiền dịu của ngày mới gặp, ngày mà người đàn bà đang bắt đầu yêu lại sau những bươn chải. Khi đó, cái gì cũng tha thứ cái gì cũng bỏ qua. Nhưng Tím bây giờ đã thành người đàn bà điên. Có khi Tím gào thét như muốn xé nát Hải. Hải có làm gì đâu, có đánh đấm gì đâu, Hải chỉ đi nhậu về trễ hoặc không gọi điện hỏi thăm khi Tím bệnh.
Hải kiệt sức. Hải chẳng còn làm gì nổi trừ việc nằm miết trên võng nhìn vào màn hình điện thoại. Hải thả đâu đó một vần thơ oán hờn lưu luyến về một nỗi cô đơn tươi đẹp đã qua. Có những người phụ nữ khác đã vào chia sẻ như ngày xưa Tím đã chia sẻ. Hải khát khao những êm đềm như vậy. Tím nằm kế bên như một cái bóng. Chẳng có gì đáng để nói với Tím. Hải chỉ thấy Tím là một cái tên, một gương mặt gắn với những mệnh lệnh đáng nguyền rủa như đi tắm đi anh, đừng thức khuya nữa, đừng uống say nữa.
- Ngay lúc này, khi đang nói chuyện với em, chị thấy khi gây lộn mình nên đi khỏi chỗ đó sẽ hay hơn. Nhưng lúc gặp Hải, chị trở thành người mất trí, chỉ muốn đập phá chớ không muốn bước chân đi. Những lúc không có Hải chị nhìn rõ mọi thứ. Chị đủ trong trẻo để cười vui với những kỉ niệm đẹp của Trần Dinh.
- Trần Dinh, em hình dung anh ấy chững chạc dữ lắm.
- Trần Dinh cũng tuổi đôi mươi thôi, nhưng ảnh khác lắm. Anh hay gửi về cho chị những mệnh lệnh từ xa. “Cô bé của anh. Em đã đi làm chưa. Nhớ đừng thức khuya quá nghe. Nhớ đừng một mình vác xe qua suối. Em sẽ bị nước suối cuốn trôi mất tiêu luôn đó. Hồi anh về thấy em ốm hơn lần đầu gặp em. Rừng núi Bác Ái quạnh quẽ thiếu thốn. Người dân tộc họ hiền lành nhưng họ không thể chăm sóc được cho em. Lúc đến Bác Ái thăm em, trên đường về, khi qua hai con suối anh như thấy bóng dáng nhỏ nhắn của em trên con đường xa xăm đó. Chỉ mong được ở bên cạnh em, chở em về thăm nhà như lần đầu anh chở em tới bệnh viện”. Chị nhớ con đường từ Ninh Sơn về Bác Ái. Em đã tới Bác Ái chưa Linh? Đồi núi đẹp lắm, người dân tộc có những ngôi nhà sàn nhỏ. Chị đi trên con đường Trần Dinh từng đi. Một con đường mòn lượn qua hai con suối. Mỗi lần tới bờ suối phải dừng lại, vác xe qua suối. Giờ nó đã là đường nhựa. Chị đã đi trên con đường đó những ngày gần đây. Hình ảnh mới đó che lấp hình ảnh con đường nhỏ ngày xưa. Chị không quên được một chiều về thấy anh ngồi đợi ở trạm xá. Anh đã tốn hai ngày phép từ chiến trường K để đạp xe từ Ninh Sơn về Bác Ái. Đạp xe chỉ nửa ngày nhưng phải giả đò đau bụng nằm trạm xá hơn một ngày một đêm để đợi gặp chị. Gặp nhau rồi, ngồi với nhau được một chút, nói với nhau đôi câu. Anh kể cho chị nghe về chiến trường. Nơi đó có những cây chuối cao lắm, những trái chuối đỏ tươi. Nơi đó có những tán bằng lăng nhìn trật ót. Bọn anh đào đất để làm chiến hào, gặp những hố chôn rất nhiều đồ lót phụ nữ. Tụi Pol Pot nó không cho phụ nữ xài những mặt hàng hiện đại, kể cả băng vệ sinh. Các anh có gặp xương người không? Ít gặp, nhưng hễ gặp toàn là những hầm xương hàng ngàn người. Hình như nó tiết kiệm đất nên hành quyết những nạn nhân thường giết hàng loạt, hết đợt này tới đợt khác, xương cốt chồng lên xương cốt. Cuộc chiến còn bao lâu nữa hả anh? Không biết nữa em. Tụi Pol Pot tinh ranh như những bóng ma. Nó trú ẩn trong rừng tài tình. Nó hiếu chiến, thiện chiến và bất chấp. Bộ đội mình chết không biết bao nhiêu cho kể. Chết nhiều hơn hồi chống Pháp chống Mĩ. Hài cốt họ nằm lớp lớp giữa rừng già xứ người. Bom cày đạn xới rối tung lên, không biết sau này ai sẽ may mắn được đem về xứ. Xa xứ buồn não nuột. Nhớ từng gốc cây ngọn cỏ quê nhà. Nhớ tới nỗi chỉ cần bước chân được qua biên giới đã nghe hồn vía lâng lâng mùi quê mùi xứ. Lúc nào cũng chỉ muốn về… Chị nhìn mặt anh bằng nỗi lo sợ ngập tràn. Nơi anh, chị như thấy được bạt ngàn rừng mà mỗi khoảng trống có thể chen chân được là một trái mìn hay một loại chông có sức sát thương ghê gớm. Muỗi rừng, khí hậu, những căn bệnh khắc nghiệt của rừng già đầu nguồn, nẻo nào cũng đem về cái chết. Anh nhìn mặt chị bằng ánh mắt như chiến trường đã lùi xa từ trăm năm trước, nhìn mải miết cho thỏa. Anh cười với chị một nụ cười không lạ không quen nhưng rất ngộ.
- Nụ cười của tình yêu phải không?
- Chị không biết gọi nó là tình gì. Nó không đủ mê li tới mức chị có thể sà vào để ôm anh một cái. Hai người chỉ đi cùng nhau trên bờ ao sen rộng. Ngồi bên nhau cạnh con suối Phước Đại, anh lấy cây đàn của anh bác sĩ trưởng trạm hát Tình ca tuổi trẻ. Chị bóc những hạt sen xanh để vào ba lô anh. Anh thơm một cái nhẹ lên mái tóc thơm mùi bồ kết của chị. Thơm một cái rồi anh về lại núi rừng biên giới. Tình yêu sao mà nhẹ nhàng như vậy. Lúc mới quen nhau cũng nhẹ nhàng như vậy. Ngày đó chị hiền như con mèo. Đôi mươi, mỏng mảnh trong bộ đồng phục trắng của ngành y. Bao nhiêu ánh mắt ngấp nghé. Anh bộ đội chạy xe đạp thì chắc chẳng là gì trong mắt chị. “Cô bé, đi đâu lên anh chở”. Chị ngồi xe anh một đoạn. Cũng chẳng nói gì nhiều. Một thời gian sau chị nhận được cái thư đầu tiên gửi về từ biên giới Tây Nam. “Từ chiến trường K anh về với em Tim Tím ạ. Anh phải đi hỏi người con gái bán nước giải khát bên đường có biết cô bé hôm qua anh chở ngang tên gì không. May mà cô ấy là bạn em. Cô ấy còn biết tên họ em, chỗ làm của em. Thật may”. Những dòng thư thật dễ thương. Những dòng thư được viết bất cứ lúc nào ngơi tiếng súng. Chiến trường, chị cảm nhận thậm chí ngay khi anh đang ngồi giữa họng súng của kẻ thù, anh cũng đang trò chuyện với chị bằng tâm tưởng. Nếu lúc đó có điện thoại, chắc là anh vừa bắn vừa nói, Tím ơi hình như có một viên đạn bay sượt qua tai anh, anh vẫn còn sống. Tím ơi, hình như có một viên đạn bay sượt ngang tim anh. Em còn đó không, anh đi đây. Những giờ khắc sau cùng của kiếp người? Nơi đó mỗi lần ảnh chờ thư chị sẽ thế nào hả em? Chưa có gì thảm khốc bằng chờ đợi khi mà đồng hồ của mỗi người chạy theo mỗi kiểu. Người ở chốn lao xao bao giờ cũng thấy thời gian qua vội vã. Thời gian của người giữa chiến trường dài cỡ bao nhiêu. Mình không ở giữa chiến trường nên mình không biết. Phải không Linh?
- Không, mình từng ở giữa chiến trường mà chị. Đó là cuộc nội chiến trong lòng mình. Cuộc chiến giữa yêu và giận lúc bị ngược đãi. Lúc ngồi chờ người yêu giữa đêm như vầy em vừa dặn mình hãy thông cảm, rằng hoàn cảnh thôi chớ anh ấy không muốn. Em vừa cãi lại mình, tại sao ảnh lại bắt người khác thông cảm. Tại sao anh ta không tìm cách vượt lên hoàn cảnh, không xót thương người con gái đang chờ mình trong đêm tối mà từ chối bớt những tiệc tùng dai dẳng. Rồi một kẻ nào đó khác em nhảy vào cãi cọ với em. Tiệc tùng ì xèo bận rộn, người ta còn không nhớ người ta là ai huống gì nhớ một người nào khác.
- Ừ, nội chiến. Sao em biết được vậy?
- Tại em không may mắn nên yêu toàn là những người bắt em chờ. Chờ riết có kinh nghiệm luôn. Lúc nãy em xuống nước là để nước sông làm cho mình mát lại chớ không thôi tự mình cãi với mình riết, điên à. Không phải em tự tử đâu. Em không thích nội tâm mình tự cãi cọ nhau hoài như vậy.
Tím ngồi im nhớ lại. Tím cũng hay cãi cọ với chính mình biết bao nhiêu lần. Nên bỏ qua, nên thông cảm, đó là người yêu của mình, người cần được mình thông cảm nhiều nhất. Tại sao phải bỏ qua, phải làm gì đó cho con người đáng ghét đó chừa thói tật. Vậy thôi đừng yêu nữa để không trông ngóng mỏi mòn. Nhưng người đó từng rất dễ thương, dễ thương như Trần Dinh của những ngày còn sống.
Mỗi giây trôi qua cuộc chiến mỗi khốc liệt. Khi Hải trở về chẳng còn thấy Tím đâu, chỉ thấy một bãi chiến trường. Hải hỏi sao tôi đã xin lỗi rồi mà cô vẫn còn không cất được gương mặt giận dỗi cau có của mình. Hải hoàn toàn không biết, đó không phải là Tím, đó là bãi chiến trường. Người ta không thể chỉ xin lỗi một cái là có thể dẹp được bãi chiến trường với la liệt những sự hủy diệt ngày càng chồng chất. Mỗi giây trôi qua, bao nhiêu bom đạn đã nổ tung, bao nhiêu sự sống bị tàn phá.
Nhưng một người đang say họ làm sao đủ tỉnh táo để nhận ra họ vừa gây nên một cuộc chiến trong lòng người phụ nữ họ yêu thương. Người say, bản thân họ là một bãi chiến trường khác. Nơi đó họ sẽ đấu với rượu. Thậm chí họ đã bị đuổi khỏi thể xác họ từ rất sớm mà họ không biết. Những gì đi đứng nói cười kia chỉ là một thế thân khác rất xa lạ, rất nồng cay. Một sự chết tạm. Mặc kệ những người thân đang vật vã thế nào. Chỉ có sự chết tạm đó con người ta mới không phải tìm tới cái chết thật trước cuộc sống tẻ nhạt này.
Khi đã chết tạm, mạng sống bản thân còn không biết có giữ được không, nói gì là người thân bên cạnh. Tím phải sống với Hải, một người chết tạm thường xuyên. Tím hình dung ra sự chết thật của cả hai người.
Tím nhớ những người kiệt sức vì rượu nhưng nếu không có rượu người ta sẽ tự sát mà chết. Những bữa uống rượu với miếng me miếng cóc đã quá sang trọng. Tím còn nghe kể những bữa rượu khi ngồi trên xe bò, uống một cốc rượu sẽ quay sang kiếm một hột lúa để nhăn nhăn phần gạo. Một chút gạo chỉ làm cho cảm giác cay nồng giảm đi để có thể uống thêm nhiều li rượu. Những li rượu đầu là người uống rượu. Nhưng những li sau là rượu uống rượu, rượu nói, rượu đi, rượu thương nhớ hay giận hờn giày xéo nhau. Chớ con người đã rời bỏ đi từ lâu.
Rượu đã chiếm lĩnh toàn cục.
Hải đã chết rồi. Người Tím yêu thương đã chết rồi. Có một kẻ cướp đã chiếm được thân xác tâm hồn Hải và kẻ đó chống lại Tím. Điều đáng sợ là chỉ hôm sau, khi Hải đã trở về, kẻ cướp hình như chỉ thả được một phần tâm hồn Hải. Tím vẫn còn loạn trong bãi chiến trường của mình, tưởng đâu đó là nguyên vẹn con người Hải nên hồn nhiên kể lể những muộn phiền buồn tủi. Hải im lặng, một nửa kia, kẻ cướp còn ẩn mặt thốt ra những tiếng nói lạnh lùng. “Cô là người chẳng ra gì, không có gì hết mà làm cho lớn chuyện”. Tím loạn lạc giữa bãi chiến trường ngước mặt đầy nước mắt lên. Tru tréo, gào thét, hay bất cứ một thứ gì xấu xí nhất có thể tuôn ra. Hải kiệt sức, Hải đi nhậu tiếp, chết tạm tiếp. Nhậu với một hạt mè cũng nhẹ lòng.
Giá như có một loại thuốc nào đó cho Tím chết tạm có lẽ cô vượt qua được những đoạn này để còn có thể làm một con mèo ngoan trong vòng tay người yêu.
- Trần Dinh chăm chút chị. Tội nghiệp, nếu ảnh biết chị lâm vào cảnh này chắc ảnh đau lòng lắm.
- Ảnh có vợ rồi hả chị?
- Không, mãi mãi không. Anh ấy đã sống những giờ khắc sau cùng rồi.
“Anh viết lá thư này từ đêm trước chưa kịp gửi cho em thì xe anh đã bị rơi vào trận địa phục kích của địch. Chỉ còn mình anh và tài xế thoát chết. Tụi anh đang cho xe nấp trong một chòm cây. Nhưng không thể trốn được lâu. Chút nữa tụi anh sẽ cho xe chạy càn qua trận địa để rời khỏi nơi này. Cơ hội còn sống rất ít. Anh sẽ ném lá thư này vào đâu đó anh cũng chưa định được, nếu may mắn, bộ đội chiếm được chốt này, có người nhặt được thư, theo địa chỉ họ sẽ gửi cho em. Lúc đó nếu không có lá thư nào khác nữa, tức là anh đã chết rồi”.
Những dòng chữ nguệch ngoạc đầy cả bì thư. Một cái bì thư có đôi ba màu đất. Như nó đã lăn lóc, như nó đã bầm dập. Một cái bì thư nhăn nhúm. Như có ai đã giẫm lên nó. Những dòng chữ nguệch ngoạc như cây viết tự chạy và người viết chỉ biết ngồi nhìn. Những dòng chữ run rẩy như biết mình đang sắp sửa bay vào một nơi vô tận nào đó. Chữ của những hơi thở sau cùng. Chị hình như không phải đọc chữ mà đọc hơi thở và ánh mắt của Trần Dinh. Chị hình dung những tay súng, những trái mìn của phía Pol Pot đang giăng đầy quanh chiếc xe Trần Dinh. Những ánh mắt khát máu có khi chỉ cách Trần Dinh một chòm lá. Có những xác người nằm la liệt trên xe. Chỉ cách mươi giây khi lá thư này bay ra khỏi xe, chiếc xe sẽ nổ tung bởi một trái mìn nào đó. Trần Dinh bay lên cao, mắt nhìn về hướng Việt Nam, nhìn thấy nụ cười của chị bên bờ suối Phước Đại khi nghe anh đàn, nhìn thấy chị đi bên con đường mòn về phía đầm sen. Dòng máu rơi xuống trước, và Trần Dinh bay lên một cách nhẹ nhàng.
Có khi không phải là một cảnh tượng lâu lắc chậm chạp như vậy. Một viên đạn xuyên qua thôi và Trần Dinh ngã xuống. Có khi dòng máu Trần Dinh chảy theo xe, nhỏ xuống đất chỉ cách bức thư vài ba mét. Đủ xa để thư chỉ thấm đất mà không thấm máu.
*
* *
Linh lấy tay áo ướt lau khắp mặt mình. Có nước, mặt cô tươi tỉnh trở lại.
- Gần bốn mươi năm rồi đó chị. Ảnh chờ chị lâu quá.
- Trời xui đất khiến chị lại về biên giới Long Bình này là vì Hải chớ không phải Trần Dinh. Chị tệ thật.
- Chị tệ thật. Một tình yêu đẹp …
- Có nên không? Vì hình như chị cảm thấy sau khi Trần Dinh mất, trên đời này không còn gì là tình yêu nữa. Chị tìm mãi tìm mãi cho tới khi gặp Hải.
- Một sự trọn vẹn. Giống như chị đã thưởng thức trọn vẹn một bữa tiệc. Còn những bữa cơm khác, kệ nó. Đâu có ai dùng tiệc mỗi ngày.
- Ừ, em nói đúng…
Tím cười với cô gái mới quen mà như đã hiểu mình nhiều lắm.
- Rồi em ngồi đây đợi bao lâu nữa? Người yêu em chắc là quên em rồi. Có khi nó đã về nhà ngủ rồi.
- Em mặc kệ. Em không được làm một cô gái may mắn như chị thì em sẽ làm một Trần Dinh.
Tím bước xuống bến vục nước vào đầy mặt.
- Em yên tâm, cô Trần Dinh ạ! Chị nhớ lời em nói. Trầm mình là tự giết mình, là giết dã man một con người không có lỗi lầm gì với mình hết. Đó là một tội lỗi lớn hơn mọi tội lỗi. Chị cũng làm như em, khi giận hờn nhất, chị sẽ bước ra gió, sẽ bước ra nắng, hay bước xuống dòng nước, ngập trong nước, không phải để tìm ai nơi đáy nước mà chỉ muốn nước giúp mình mát mẻ tỉnh táo nhất. Để chị nhớ chị đã từng có một mối tình trọn vẹn. Để chị nhẹ nhàng bước ra khỏi cuộc nội chiến của mình.
Nước Cửu Long hai mùa trong đục đều chan chứa ngọt lành. Tím nghe giọng nói ngọt lành của Trần Dinh trở về. Giọng nói ngọt lành của Hải cũng trở về. Giọng nói êm đềm của Hải đã đưa Tím từ Tây Nguyên về đây. Để làm gì? Hình như không phải để Tím chết trên dòng sông biên giới có nhiều số phận nổi trôi này
Tháng 8/2019
Kết Thúc (END) |
|
|