Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Tâm Trà Tác Giả: Nguyệt Chu    
     Nhà ông Du ở cạnh chùa làng. Ngôi nhà ngói của ông ngót trăm năm. Còn ngôi chùa làng thì chắc đã vài ba thế kỷ. Trong sân chùa có cụ thị cổ thụ. Cứ đến mùa thu, hương thị lại vẫy gọi chim về.
    Ông Du có khu vườn rộng, bốn mùa xanh ngát hương đưa. Ông thích đắm chìm trong không gian thanh sạch của hoa lá cỏ cây. Ngoài cây khế ngọt trĩu quả ở đầu nhà, cây ổi găng ở góc vườn, còn lại ông trồng toàn cây thuốc nam. Ông bảo, dân mình còn nghèo, nhiều khi những cây lá trong vườn cũng giúp được bà con trị những bệnh thông thường. Thế là ai cảm cúm hay đau sốt gì đều qua nhà ông xin một vài nắm lá. Vài lần dùng là khỏi. Ông chẳng lấy tiền ai bao giờ. Mấy thứ lá cỏ mà có ích với mọi người là quý lắm rồi, tiền nong, ân huệ làm chi. Ông nâng niu từng chiếc lá, từng chồi non, bắt sâu nhặt cỏ. Hàng cúc tần phủ dây tơ hồng vàng óng bao quanh khu vườn. Những sắc xanh hân hoan chào ngày mới trong bài ca diệp lục. Nào là bạc hà, húng chanh, hương nhu, ngải cứu, gừng, sả, cam thảo đất, bồ công anh, ké đầu ngựa, giảo cổ lam… mỗi sắc xanh kể một câu chuyện. Trên cái nền xanh miên man ấy là những khóm huyết dụ bập bùng như lửa cháy bên cạnh đám lá đơn mặt trời, khóm cà gai leo trĩu cành những quả chín đỏ rực như những chiếc đèn lồng tí hon… Ông Du đi giữa những sắc màu của sự sống, thấy lòng nhẹ nhõm. Những chú chào mào ríu rít gọi nhau bên những trái ổi vàng thơm. Cây khế chín mọng còn đang vẫy gọi phượng hoàng. Ông bứt vài nắm lá thuốc bỏ vào cái rổ rồi quay trở vào sân. Rửa tay chân cho sạch sẽ, ông bưng cái rổ lá và đi ra khỏi nhà.
    
    Ngôi chùa yên tĩnh quá. Ông Du như nghe thấy cả hương thị đang cựa mình trong gió. Những quả thị vàng ươm, căng bóng níu đầu cành. Cụ thị trầm tư qua ngút ngàn thời gian. Từ gốc rễ già nua, sần sùi, mốc mác vươn ra cành lá mỡ màng xanh. Từng chùm tầm gửi bám trên thân cây nở hoa vàng đung đưa theo tiếng chuông ngân. Những rêu phong ánh lên sắc xanh của vĩnh hằng.
    Ông Du đẩy cửa, bước vào ngôi nhà ngang. Sư thầy bị cảm, nằm trên giường. Ông đem lá thuốc sang, sắc lấy bát thuốc cho thầy. Bạch thầy, thầy khá hơn chưa? Sư thầy mở mắt, gượng ngồi dậy. Ông Du đấy à, tôi đã đỡ hơn rồi.
    Ông Du đỡ sư thầy ngồi thẳng và uống hết bát thuốc. Thầy cứ uống thêm vài lần, đến mai là khỏi thôi.
    Mùi thơm của thuốc lan tỏa khắp căn phòng. Đấy thầy xem, mùi thơm dễ chịu quá phải không? Cây cỏ quanh ta thật diệu kỳ. Và các cụ ta là những bậc kỳ tài khi phát hiện ra lá cỏ lại là những bài thuốc quý.
    Một lát sau, ông Du khép cửa bước ra ngoài. Hôm nay, chú tiểu đi vắng. Ông cầm chổi quét dọn gian thờ và sân vườn nhà chùa. Mới có hai ngày không được đánh cờ với sư thầy mà ông Du đã thấy trong người bứt rứt không yên. Bỗng có tiếng gọi ông từ đằng sau. Là thằng cả. Nó càu nhàu bảo ông nhà không ở sao lại cứ ra chùa, mà lại còn đi quét chùa không công. Ông im lặng cất cái chổi vào bếp rồi theo con về nhà.
    Thì ra thằng con ông đưa vợ về chơi. Ông nhớ lần cuối đứa con dâu trưởng về thăm ông là cách đây đến mấy năm. Vừa nhìn thấy ông, chị ta đã đon đả chào hỏi và dúi vào tay ông gói quà ghi toàn chữ tây. Bố nhớ tẩm bổ đấy. Rồi thằng con ông nhanh nhảu đặt vào tay ông cốc nước mát. Bố già rồi, giờ phải an dưỡng, sao cứ làm mấy chuyện mệt người. Người ta thấy lại trách vợ chồng chúng con không biết ăn ở. Bố đã quyết định chưa? Bố bán mảnh đất này đi, về ở với chúng con để chúng con còn được phụng dưỡng bố. Mẹ thì đi sớm quá, con chưa kịp báo hiếu, giờ chỉ còn bố là nơi chúng con nương tựa tinh thần. Cô vợ ngồi bên cạnh cũng gật đầu lia lịa, hai tay nắm chặt tay bố chồng, nước mắt rơm rớm.
    Ông Du trầm ngâm một hồi. Anh chị cứ để tôi sắp xếp đã, cho ổn thỏa.
    Được một lúc, hai vợ chồng người con cả xin phép ra về. Ông Du thở dài não nuột. Ông biết, vài hôm nữa nó sẽ lại về giục ông. Cũng như thằng con thứ hai, mấy hôm trước về bảo ông bán đất đi rồi sang ở với nó. Cả thằng thứ ba nữa, thằng này thì lại bảo thẳng ông là đang làm ăn thua lỗ nên xin ông cái mảnh vườn để trả nợ. Nhà không có mụn con gái nào, ông cũng chưa được săn sóc bát cơm, miếng nước của người con dâu nào. Vậy mà giờ, chúng chỉ nhăm nhăm dòm ngó mảnh đất của tổ tiên để lại. Mà căn bệnh quái ác đang ủ trong người ông thì chúng chẳng hề hay biết. Thôi cũng đành, mỗi người một kiếp. Giờ ông đã gần đất xa trời, đâu thể quản lý nổi những đứa con.
    Sau ba hôm bứt rứt trong người, đến giờ ông Du lại mới được chơi cờ cùng sư thầy. Ông cười, bảo, chả nhẽ tôi lại ngồi chơi một mình. Sư thầy cũng cười hiền từ, thế nên tôi nào dám ốm lâu. Họ cùng cười sảng khoái trong buổi sáng mùa thu trong trẻo. Những quân cờ vây đen trắng giăng giăng trước mắt họ, như một mê cung của cuộc đời, mà rồi, ai cũng phải tìm cách vượt qua. Có người qua sớm, có người qua muộn những khổ ải của nhân gian. Chén trà sen thoang thoảng hương đưa. Sư thầy bảo, đây là gói trà ướp những bông sen cuối vụ trong ao chùa. Cả một mùa hạ đã chưng cất những nắng, gió, sương vào từng cánh hoa cho một lần sau chót dịu dàng. Ông Du nhấp chén trà, thấy đầu lưỡi như tan ra cùng vị chan chát, ngọt ngào mà lâng lâng như mê như say. Trà ngon, trà ngon! Để mai tôi sẽ mời thầy món trà đặc biệt. Tôi đã cất công sao vàng hạ thổ rồi đem đi ủ những loại trà cũng là những vị thuốc quý. Khi kết hợp với nhau chắc chắn sẽ là một thức trà có một không hai.
    Cứ thế, câu chuyện của hai người kéo dài mãi tới trưa. Mà ván cờ vây vẫn còn dang dở. Một vài người khách đến thắp hương bái Phật cũng được sư thầy mời ngồi lại thưởng trà. Chú tiểu lăng xăng dọn dẹp, quét tước rồi lại kính những người khách vài trái thị thơm để mang về. Ông Du thấy lòng bình yên quá. Hàng hoa nguyệt quế trút hương mê đắm, dâng sắc trắng đến kiệt cùng. Chốn này, đâu cũng là những sắc màu thơm thảo. Chợt ông thoáng một chút tiếc nuối. Nhưng mà, rồi ai cũng chẳng về cõi Phật.
    Được sự giúp đỡ của người bạn thân trên thành phố, ông Du đã lập xong bản di chúc. Ông nghĩ về ba đứa con trai, những đứa con dâu và những đứa cháu nội. Có lẽ, người già không hiểu được cách sống của lớp trẻ nên cứ mãi lạc hậu. Ông nhớ về những lần về nhà các con chơi. Đứa thì đưa ông lên tận tầng 30 của chung cư như cái chuồng chim, tứ bề kín mít, đứa thì cho ông ở trong căn nhà bề thế nhưng khóa cửa suốt ngày. Chẳng đứa nào hỏi xem là ông cần gì, muốn gì. Ở trong những căn phòng lộng lẫy, giữa những gió và những hương nhân tạo, ông nhớ se sắt góc vườn sực mùi thảo mộc, nhớ sân chùa vương hương thị trong mỗi bước chân. Ông nằng nặc đòi về, con cháu bảo ông gàn dở. Chúng bảo, muốn được báo hiếu. Nhưng ông ở cái gian nhà ngói quen rồi. Đúng là, nhà của cha mẹ là nhà của con, nhưng nhà của con thì không phải là nhà cha mẹ. Ai đó đã từng nói thế...
    Đó là một ngày mưa bão mịt mùng. Những trái chín trong khu vườn của ông dập nát. Những bụi cây thuốc nam tơi tả, rũ rượi trong mưa. Những chú chim non ngác ngơ trước cái tổ bị gió lốc cuốn đi trong chớp mắt. Ông Du nằm trên giường, cố nén cơn đau. Quặn thắt, vò xé, bóp nghẹt. Rồi mắt ông nhòa đi, thấy mình bồng bềnh trôi về một miền mây trắng. Những tiếng chuông ngân vang, sư thầy nhắm mắt niệm câu kinh và đôi tay lần tràng hạt. Trên đỉnh trời mây trắng, Phật ngự ở đài sen lấp lánh. Ông bay lên cùng gió thoảng đưa hương thị, bay mãi lên tới đỉnh trời.
    Hôm sau, người ta phát hiện ra ông Du đã ra đi vào đêm mưa bão ấy. Chú tiểu cố nén những giọt nước mắt, gọi ba đứa con ông về làm tang. Đến lúc này, những người con mới biết bố mình chết vì trọng bệnh. Họ tranh nhau kể lể, khóc than, lại trách bố không nói ra bệnh tình của mình để cho họ cùng chạy chữa. Nhưng tất cả đã muộn rồi. Sư thầy lặng lẽ làm lễ siêu độ cho linh hồn của ông nương tựa nơi cõi Phật.
    Người bạn thân của ông Du và luật sư đã có mặt ngay trong lễ tang để công bố bản di chúc mà ông để lại. Ai nấy đều sững sờ. Không ai nghĩ ông sẽ tặng lại mảnh vườn rộng rãi và xinh đẹp ấy cho nhà chùa, để sư thầy ngày ngày thay ông chăm bón những cây thuốc quý chữa bệnh cho dân nghèo. Còn ngôi nhà năm gian của ông sẽ là nơi thờ tự chung cho cả ba đứa con, không ai được bán. Những đứa con ông ngẩn ra. Thôi, đúng là của chùa, của chùa rồi!
    Sớm nay, sư thầy ngồi chơi cờ một mình. Vẫn là những quân cờ đen trắng vây mịt mùng như mê cung, nguyệt quế vẫn dâng hương, thị vẫn thơm từ trong tận cõi lòng mà ông Du không hiện hữu. Chỉ còn linh hồn ông phảng phất đâu đây, trong mỗi dáng hình cây cỏ, mỗi nhánh hoa thơm, trái ngọt. Sư thầy uống chén trà được chưng cất từ tấm lòng thơm thảo của ông Du. Đúng là tâm trà, một thức trà có một không hai, có thể thanh lọc tâm hồn để chúng sinh khắp nhân gian hướng về cõi Phật.

Kết Thúc (END)
Nguyệt Chu
» Đêm Kinh Thành
» Linh Tao
» Bông Ngọc Lan Phủ Chúa
» Mẹ Chồng
» Tiếng Chuông Trong Mờ Sương
» Hoa Muộn
» Vết Dấu
» Lối Về Tuổi Cũ
» Lời Nguyện Đóa Hồng Xanh
» Mai Muộn
» Tâm Trà
» Bóng Thu
» Tổ Chim Xanh
» Cơn Khát Cuối Mùa
» Kẻ Đi Tìm Huyền Thoại
» Hoa Mộc Miên
» Con Nhện
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý