Hoa cau phả vào đêm đợt hương dịu ngọt, ông Bui nằm dài trên sàn gỗ nhắm mắt cố nhìn cho rõ chuyện xảy ra cách đây cũng gần hai năm.
Ngày ấy, cũng một đêm tháng 3, trăng sáng, hoa cau thơm lừng, ông định qua làng bên bàn chuyện ăn hỏi cho con Bách thì một chàng trai trẻ đến nhà. Chẳng rào đón, chàng ta tự giới thiệu và vào chuyện ngay:
- Cháu là Sâm, làm bên du lịch. Được biết làng mình trước đây là vùng trồng cau có tiếng, phong cảnh hữu tình, nhiều nhà vườn đẹp, bên cháu muốn xây dựng nơi đây một điểm du lịch sinh thái trong tour của bọn cháu.
Chuyện lớn đâu phải đùa, ông làm sao có ý kiến được.
- Anh phải làm việc với những người có trách nhiệm, còn tui...
Chàng thanh niên vui vẻ:
- Dạ, cháu đã làm việc với các cấp rồi, cháu được biết gia đình ông nhiều đời sống ở làng này, biết nhiều về tục lệ văn hóa và những di sản của làng, cháu muốn mời ông tham gia một mảng việc nào đó.
Thì ra cậu ta mời ông làm việc, nhưng người cần việc là con Bách, cháu ngoại của ông chứ không phải ông. Con Bách mới hai mươi tuổi, học xong cấp ba chưa biết làm chi đây, học nữa thì ông không kham nổi, mà ở không cũng dễ sinh chuyện. Bách mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với ông bà ngoại, rồi bà cũng bỏ đi khi con bé còn đang học lớp 9. Có người mai mối nó cho thằng Đang ở làng bên, ông mừng lắm, nhưng rồi cha mẹ nó còn đang lưỡng lự vì con Bách chưa có công ăn việc làm.
Thấy ông cứ yên lặng, chàng thanh niên lại thuyết phục:
- Cháu biết ông còn hơn cả “những người muôn năm cũ” trước đây. Cụ Vũ Đình Liên, bày mực Tàu giấy đỏ cho chữ ngày tết, còn ông cũng đã từng viết chữ lên những quả cau xanh ngày xuân, ngày cưới.
Nghe cậu ta nhắc chuyện viết chữ lên quả cau, ông cũng có chút chạnh lòng. Ngày xưa người ta đến mua một buồng cau để đi cưới vợ cho con, họ yêu cầu phải có chữ “song hỷ” trên quả cau, buồng cau trăm quả, là một trăm chữ, chính ông là người cho chữ, ngày tết chưng cau bàn thờ có chữ “phúc”, chừ tục lệ vẫn còn nhưng hiện đại hơn, người ta dán chữ lên là xong. Sau thoáng bùi ngùi ông trở lại với dự định của mình là xin việc cho Bách:
- Việc chi giúp được tui giúp, làm không công cũng được, chỉ xin cho con bé một chân.
Chẳng để chàng ta ừ hử gì, ông gọi Bách ra giới thiệu. Trăng ngoài vườn mà sao gương mặt con bé sáng dịu thế này, hương cau ngoài vườn mà sao da con bé thơm nức mùi hương. Sâm nhìn Bách không chớp mắt, có phải là người không vậy, liêu trai ma mị mờ ảo. Tiếng ông Bui làm Sâm giật mình:
- Cho nó một việc, rồi tui sẽ giúp thêm cho nó.
Vẫn không thể nào rời mắt khỏi Bách, nhưng Sâm đã nghĩ ra cách trả lời:
- Vài hôm nữa bọn cháu tổ chức cuộc thi thêu, định xây dựng một tổ thêu nữ để du khách đến vừa xem vừa trải nghiệm, sản phẩm có thể bán cho du khách, ông cho cô ấy tham gia thi, nếu được bọn cháu sẽ nhận.
Bách nhìn Sâm cười, đôi mắt nũng nịu, hồn nhiên quá đỗi:
- Em không biết thêu!
Khi chàng thanh niên đi rồi, ông chạy nhờ con ông Biết dạy cho Bách thêu, lo lắng và chờ đợi.
Có 6 cô dự thi, ai cũng thêu hoàn thành được một đóa hoa, một con chim hay một cành mai... Chỉ có Bách mới thêu được mấy chấm nho nhỏ tròn tròn chẳng biết là cái gì. Ông Bui biết Bách không thể nào “đỗ” nên xin ban tổ chức có ý kiến. Ông nói rằng, Bách đã thêu những giọt sương, ông giải thích, ở phía sau làng có một phiến đá dựng nằm sát một đồi cau, phiến đá này mỗi sáng sớm và mỗi khuya thường lấm tấm những giọt sương, mà không phải những giọt sương bình thường. Hai người thực lòng yêu nhau khi đặt tay lên phiến đá sẽ thấy những giọt sương nóng hổi, nếu họ không chân thật những giọt sương cứ lạnh ngắt, Bách đã đưa truyền thuyết ấy vào cuộc thi thêu hôm nay.
Ai cũng biết ông Bui bày chuyện nhưng vì ông có tài, mà muốn mời ông thì phải xét cho Bách một việc nào đó. Thế là Bách được tuyển dụng lo hậu cần cho tổ thêu. Ngày đoàn du khách đầu tiên đến làng, ông Bui vui lắm, không chỉ vì làng quê vốn tĩnh lặng nay nhộn nhịp hẳn lên, vui vì ông đã trở thành “người muôn năm cũ”, có một chiếc lều một chõng tre cũng mực cũng bút ngồi cho chữ trên những quả cau xanh. Càng vui hơn khi Sâm và Bách cứ quấn quýt bên nhau.
Được hơn một tháng, anh chàng Sâm biến đi đâu mất. Nhưng lạ thật, con Bách không hề buồn, nó vẫn cùng chị em tổ thêu đón khách mỗi ngày. Một hôm rảnh việc, ông hỏi Bách:
- Này cháu, thằng Sâm và cháu có còn thương nhau không? Sao không thấy nó trở lại.
- Dạ, cháu thương anh ấy, nhưng anh ấy thì không.
- Sao cháu biết?
- Nghe lời ngoại bọn cháu ra phiến đá sau làng đặt tay lên những giọt sương, chúng lạnh ngắt ngoại ơi, như vậy là anh ấy không thật lòng, cháu chia tay anh ấy rồi!
Ông đau khổ nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh để nghe tiếp.
- Anh ấy nói là cháu ngu ngơ quá, cả tin quá, làm gì có chuyện giọt sương nóng hổi, anh còn bảo yêu cháu thật lòng nhưng cháu không thể tin anh ấy bằng tin ngoại được.
Trời ơi là trời, con bé ngu ơi là ngu, sao lại nghe lời ông được chứ! Tưởng ông giải thích con bé sẽ nghe theo, ai ngờ đã hai năm rồi nó vẫn sống cô đơn như vậy, trong khi thằng Đang làng bên đã đi lấy vợ.
Ông buồn lắm, trời mấy hôm nay bỗng nóng rát, định ngồi dậy lấy cây quạt thì có tiếng người đầu ngõ:
- Ông ơi! Cho cháu vào nhà với!
Tiếng thằng Sâm, ông gọi cho Bách rồi hấp tấp chạy ra mở ngõ:
- Mày đi đâu mất tăm lâu ni?
- Dạ, cháu được cử đi học thêm nghiệp vụ, em Bách có nhà không ông?
Bách nhất quyết đưa Sâm ra sau làng đặt tay lên những giọt sương trên phiến đá mới chịu. Sâm chiều ý Bách. Ông luýnh quýnh, con bé ngu ơi là ngu, đi ra đi vào cả tiếng đồng hồ, ông gần như người mất hồn. Tiếng chuông chùa bên kia đồi cau vang lên, ông ngước mắt nhìn, ai như thằng Sâm con Bách cầm tay nhau đi dưới trăng, chẳng lẽ đêm nay những giọt sương nóng hổi?
Kết Thúc (END) |
|
|